Nhóc Cà Lăm


Trần Hân nhận ra rằng từ lúc lên lớp 12, có nhiều điều xung quanh đã thay đổi, mà rõ ràng nhất chính là thái độ của mọi người.

Cứ như theo một hiệu lệnh, không chỉ các học sinh mà cả những người thân trong gia đình cũng trở nên sốt sắng hẳn lên.

Từ trước, Trần Hân đã thấy một số bậc cha mẹ thường vào trường đưa cơm, săn sóc cho con.

Thế nhưng lên lớp 12 rồi mới biết việc này thật là phổ biến.

Phụ huynh của không ít bạn trong lớp đã thuê phòng trọ hoặc là trong khu cư xá giáo viên, hoặc là ở khu vực gần trường, mỗi ngày ba bữa làm cơm, đưa cơm cho con em mình.

Có một bạn gái thậm chí lấy lý do suy nhược thần kinh, ngủ không yên giấc để được ra ngoài ở hẳn với mẹ.
Trưa nay, nhóm bạn lại tụ họp dùng cơm, tán gẫu.

Tào Kế nhìn thức ăn trong khay, kêu lên: "Đệt, ngày nào cũng quanh đi quẩn lại mấy cái món này.

Tao nôn ra mất! Ước gì mẹ mình cũng đến đưa cơm.

Cả hai quý tử đang học ở đây, thế mà.."
Tào Kế Tiếp nuốt miếng cơm, nhìn thằng anh: "Mày mơ đẹp nhỉ! Mẹ không đi làm, lấy tiền đâu ra cho hai đứa học trường tư!" Sức học của Tào Kế vốn dĩ như thế, lúc thi vào lớp 10 không vào nổi trường công lập, chỉ còn hai con đường: Trường tư hoặc trường nghề.

Tào Kế bảo vào trường nghề chẳng khác gì lưu đày, mà ông bà Tào cũng không nỡ đẩy cậu con trai vào một môi trường phức tạp, liền đưa con đến trường Nhật Thăng.

Vì cho cả hai con theo học ở đây mà trong nhà chi tiêu rất nhiều, chỉ riêng học phí mỗi năm cũng ngót nghét hàng chục vạn.

Cũng may là lương bổng bố mẹ hai đứa đều rất khá nên trong nhà mới gọi là có bát ăn bát để, chứ nếu chỉ có bố hoặc mẹ đi làm thì khó mà kham nổi.

Bởi thế, Tào Kế mong muốn có phụ huynh săn sóc, chẳng qua chỉ là tưởng tượng mà thôi.
Nghe Tào Kế Tiếp nói, Trần Hân bỗng cảm thấy băn khoăn.

Hoàn cảnh gia đình họ chật vật hay sao? Thế mà mình còn nhận thù lao dạy kèm nhiều như thế!
Sau bữa cơm, cậu kín đáo hỏi Trình Hâm: "Nhà Kế Tiếp, điều kiện không, không được tốt lắm à?"
Trình Hâm ngạc nhiên: "Làm gì đến nỗi! Theo chỗ tôi biết thì dư dả.

Sao thế?"
Trần Hân hơi ngại ngùng: "Lúc ăn cơm, nghe Kế Tiếp nói, tôi nghĩ, không nên nhận thù lao, dạy kèm, nhiều như vậy."
Trình Hâm bật cười: "Bố mẹ bọn nó làm quản lý trong công ty dầu khí, thu nhập rất cao, cậu không phải lo.

Tiền thù lao ấy là xứng đáng, đừng băn khoăn nữa!" Nói xong đưa ngón tay gãi gãi gáy cậu.
Trần Hân cười ngượng.

Thật ra nhìn nhà cửa Tào Kế khang trang như thế, điều kiện trong nhà hẳn cũng không tệ.

Chẳng qua là việc nhận tiền của bạn làm cậu cứ áy náy mãi.

Trình Hâm đột nhiên hỏi: "Cơm căn-tin khó nuốt thật đấy, cậu có thấy thế không?"
Trần Hân nói theo bản năng: "Không phải thế."
Trình Hâm cười nhẹ, lắc đầu: "Tôi thừa biết cậu sẽ trả lời thế mà."
Trần Hân: "Thật đấy." Thức ăn ở đây đã ngon hơn bên Trung học số 1 nhiều lắm, có rau có thịt, món ăn đa dạng, dinh dưỡng cân bằng, hương vị cũng không tệ, khẩu phần đầy đủ.

Nói chung là tốt.
Trình Hâm nói: "Việc học bây giờ quá nặng, tôi chỉ sợ ăn không đủ chất.

Hay là nhờ dì giúp việc nhà tôi đưa cơm cho bọn mình nhé, cậu thấy thế nào?"
Trần Hân những muốn gạt đi, bảo là không cần phiền phức.

Thế nhưng nghĩ lại, ngày nào Trình Hâm cũng tập thể thao, năng lượng tiêu hao rất lớn.

Cơm căn tin đạm bạc, ăn no chưa được bao lâu đã đói rồi, dù có ăn bao nhiêu cũng thế.

Trình Hâm lại đang tuổi ăn tuổi lớn, thường phải dùng thêm nhiều thức ăn vặt để bổ sung năng lượng, mà ăn như thế cũng không tốt cho sức khỏe.

Nếu có cơm nhà sạch sẽ, bổ dưỡng thì tốt hơn.

Ngẫm lại, Trần Hân không phản đối: "Không biết dì ấy, có đồng ý không?"
Trình Hâm nhíu mày suy nghĩ: "Bố tôi ăn cơm nhà không được mấy bữa, mà lại thường về muộn, thường ngày dì ấy nấu cơm cho tôi ăn là chính.

Bất quá nếu như dì không đến được thì cũng có thể thuê người khác nấu nướng.

Quan trọng là trong trường còn phòng trọ trống hay không, đấy mới là chỗ khó.

Để tôi hỏi anh Tuyển xem sao."
Nói là làm, hắn chạy đi tìm Phương Tuyển, nhờ anh hỏi thuê một căn phòng trong cư xá giáo viên để tìm người đến làm cơm.
Phương Tuyển gạt đi: "Phiền lắm! Ai sao mình vậy đi, cơm căn tin cũng đâu đến nỗi!"
Trình Hâm lườm Phương Tuyển: "Cơm căn tin không đến nỗi thế ông bảo thử xem ngày nào chính ông cũng phí công bếp núc làm gì! Hay là thế này nhé anh yêu quý, em chi tiền, mỗi ngày ba bữa bọn em đến nhà anh, rồi anh nấu cơm cho em ăn.."
Lông mày Phương Tuyển dựng ngược: "Cút! Đừng hòng!" Có dại mới để tên ôn thần này đến phá hỏng bầu không khí ấm áp của anh và Chu Tung.
Trình Hâm cười khì: "Thế thì anh giúp em hỏi thuê một căn phòng đi."
Nghe Trình Hâm nằng nặc đòi thuê phòng trọ, Phương Tuyển nhíu mày.

Lần đầu tiên anh nghiêm túc hỏi đến chuyện hai đứa: "Giữa mày với Trần Hân rốt cuộc là thế nào đấy?"
Trình Hâm giả nai: "Thế nào là thế nào? Thì là bạn cùng bàn, bạn tốt, giúp đỡ lẫn nhau."
Phương Tuyển đá hắn một cái, nghiêm giọng: "Đừng hòng vải thưa che mắt thánh! Ba Cân, tao bảo cho mà biết: Thà là buồn trước, vui sau.

Con đường này không dễ đi đâu, toàn là chông gai hiểm trở, đừng tùy tiện kéo người khác xuống nước! Mày mà hại đời con người ta là sẽ bị sét đánh đấy, biết chưa!"
Trình Hâm xoa xoa chỗ bị Phương Tuyển đá: "Em biết chừng mực mà."
Chẳng khác nào thừa nhận! Phương Tuyển mắng: "Chừng mực cái khỉ mốc! Xem như hai đứa có gì đấy thật chăng nữa thì nhất định phải kiềm chế cho tao! Lớp 12, thi cử đến nơi rồi! Mày có thể ngồi mát ăn bát vàng, còn Trần Hân thì khác, thằng bé chỉ cậy vào con đường học vấn mới mong sống nổi, mày có hiểu không?"
Cảm thấy Phương Tuyển có chỗ bất công với mình, Trình Hâm sờ sờ mũi, bảo: "Anh Tuyển, anh có biết vì sao em lại đâm đầu vào học cả năm qua không? Vì thi đỗ điểm cao, làm rạng rỡ tổ tông hay sao?"
Là giáo viên chủ nhiệm, là anh họ Trình Hâm, suốt thời gian qua Phương Tuyển đều theo dõi sát sao hai đứa.


Nhìn Trình Hâm từng ngày tiến bộ, nhiều lúc anh mắt nhắm mắt mở bỏ qua, nhưng làm sao không biết được.

Phương Tuyển thở dài: "Đừng bảo mày dự đặc tuyển bóng rổ là muốn làm bạn cùng đại học với Trần Hân đấy!"
Trình Hâm nhếch mép: "Thế thì đã sao?"
Phương Tuyển nhướn mày: "Tham vọng của chú mày ghê gớm thật." Bám theo Trần Hân cũng có nghĩa là Ba Cân bé bỏng phải đỗ vào trường đại học tốt nhất cả nước, không Thanh Hoa thì là Bắc Đại.
Trình Hâm cười nhẹ, sắc mặt lộ vẻ ngông cuồng: "Có tham vọng thì mới có thể làm chuyện lớn!"
Rồi hắn đột ngột chuyển chế độ: "Nhưng thôi đừng nói chuyện này nữa! Anh yêu quý giúp em thuê một gian phòng đi mà.

Hu hu ngày nào cũng ăn không đủ no, anh nỡ lòng nào nhìn em trai thân yêu chịu đói?"
Phương Tuyển thấy hắn nói cũng có lý, cơm căn tin đạm bạc, có ăn no bao nhiêu cũng chóng đói.

"Để tao hỏi đã, có điều khó đấy.

Nhiều người muốn thuê phòng lắm, phòng nào cho thuê được thì cũng có người thuê cả rồi."
Trình Hâm bảo: "Nếu không được thì đành ra ngoài thuê vậy.

Nhưng thuê được phòng trong khuôn viên trường vẫn thuận tiện hơn, không cần mỗi ngày hai ba bận xin nghỉ ra ngoài." Nhà trường không cho phép học sinh vô cớ ra khỏi cổng, nên các phụ huynh phải canh đúng giờ cơm bưng nước rót đến tận nơi, chờ con ăn xong lại đem bát đũa lỉnh kỉnh về.

Thật thương thay tấm lòng cha mẹ.
Phương Tuyển phất phất tay: "Về trước đi, có gì anh mày sẽ nói!"
Thật may cho Trình Hâm, chưa đến hai ngày sau, Phương Tuyển đã báo cho hắn biết đã tìm được phòng rồi.

Đó là căn hộ bên tòa nhà bên cạnh của một cô giáo độc thân, bây giờ cô muốn chuyển ra ngoài để dễ bề tìm đối tượng.

Trình Hâm mau mắn gọi điện cho bố, bảo muốn thuê người làm cơm trong trường.

Việc này hắn có thể tự làm, thế nhưng chẳng bằng vòi vĩnh tí để bố trả tiền.

Trình Ức Viễn cũng không có ý kiến gì, giao việc này cho chú Lưu tài xế.

Chú Lưu rất nhanh đã tìm được người thích hợp, là một dì hơn bốn mươi tuổi.
Trình Hâm đưa Trần Hân đến xem phòng thuê được.

Bố cục căn hộ giống như nhà của Chu Tung, một phòng ngủ, một phòng khách, có giường, có bàn.

Chú Lưu đặt mua đồ dùng làm bếp, tủ lạnh cùng vài món cần thiết khác, sắp xếp một buổi chiều là có thể vào ở.

Dì cấp dưỡng sẽ ở đây, một ngày nấu ba bữa cơm cho Trình Hâm.
Trình Hâm bảo Trần Hân: "Giờ cơm, cậu cũng đến đây cùng ăn đấy, đừng xuống căn tin."
Trần Hân ngại: "Hay, hay là thôi." Lâu lâu đến ăn cơm còn được, dì cấp dưỡng là do bố Trình Hâm đứng ra thuê cho hắn cơ mà, biết ăn nói với dì ấy thế nào.

Trình Hâm nhìn thấu cậu: "Giữa hai ta mà còn phân chia rạch ròi như thế làm gì? Thêm cái bát đôi đũa thôi, có gì mà nghiêm trọng thế? Nếu muốn sòng phẳng thì cậu tính tiền phụ đạo của tôi đi!"
Trần Hân biết thế, nhưng ăn chực bạn trai mỗi ngày cũng ngại.

Cậu hỏi: "Dì ấy, sẽ nghĩ thế nào đây?"
Trình Hâm bảo: "Tôi bảo dì ấy cậu là gia sư của tôi, cùng ăn cùng ở.

Này, đồng ý đi chứ, nếu cậu không ăn với tôi thì mất công tìm người nấu nướng làm gì!"
Thấy hắn kiên quyết như thế, Trần Hân gật đầu: "Ừ, tôi sẽ đưa, sinh hoạt phí, cho dì ấy." Sinh hoạt phí của Trần Hân do nhà trường cung cấp, tuy không thể trực tiếp đổi thành tiền, thế nhưng có thể chuyển khoản cho người khác.
Trình Hâm sờ đầu cậu: "Tùy ý nhóc." Cứ thế cho em ấy yên tâm.
Vì thế, Trần Hân cũng được hưởng theo cái đãi ngộ này.

Tài nấu nướng của dì cấp dưỡng rất khá, tuy không thể bì kịp đầu bếp, thế nhưng tất cả những món ngon trong bữa cơm không làm khó được dì.

Chỉ có cái dở là dì quá tiết kiệm, Trình Hâm có bảo sẽ không ăn thức ăn thừa để qua bữa, thế là bữa nào dì cũng nấu tương đối ít, chia thức ăn ra từng bữa nấu dần.

Ăn xong mà hắn cứ thấy thòm thèm.
Ăn được hai bữa, Trình Hâm bảo: "Dì ơi, bố cháu đưa tiền chợ có đủ không? Cháu đưa thêm cho dì nhé."
Dì cấp dưỡng lúng túng: "Ăn không đủ no sao? Chỉ tại dì sợ bỏ thừa thức ăn lãng phí nên nấu hơi ít, lần sau dì sẽ nấu thêm."
Trình Hâm gật đầu: "Nếu được thì dì nấu hộ cháu thêm món nữa, được không? Ngày nào bọn cháu cũng học từ sớm đến khuya, đói đến độ nuốt hết cả cái đầu trâu cũng được đấy dì ạ! Dì chịu khó giúp cháu nhé!"
Dì cấp dưỡng đồng ý: "Ừ, dì sẽ nấu cho."
Dần dà hai bên hiểu ý nhau, chất lượng sinh hoạt của Trình Hâm được cải thiện đáng kể.
Anh em sinh đôi cùng Từ Tuấn Thưởng biết nhà Trình Hâm thuê người nấu bếp, nhất quyết đòi đến chực cơm.

Bạn bè muốn ăn chực, Trình Hâm đương nhiên không thể không đồng ý, bèn báo trước với dì cấp dưỡng nấu thêm thức ăn mời bạn một bữa.
Ăn xong, ai cũng nức nở khen.

Tào Kế ôm tay Trình Hâm: "Hâm ca, cầu bao dưỡng.

Tao muốn ăn cơm hẳn ở đây có được không?"
Trình Hâm liếc y: "Hỏi dì đấy! Nấu cơm cho nhiều người vất vả lắm biết chưa!"
Từ Tuấn Thưởng bảo: "Hay là thế này vậy.

Dì ấy cũng muốn kiếm tiền mà.

Bọn mình đưa thêm thù lao và tiền chợ, rồi tao với Gấu cả Gấu hai nhập bọn, mày thấy thế nào?"
Hai anh em Tào Kế tán thành ngay.

Trần Hân cũng cảm thấy rất tốt, có thêm bạn cùng ăn thì càng vui, lại đỡ ngượng.

Trình Hâm suy nghĩ một chút, dì cấp dưỡng mỗi bữa cũng đã mất hai giờ đồng hồ nấu ăn, tiện thể nấu nhiều, lại được thêm ba phần thù lao, có lẽ dì ấy cũng vui lòng.

Hắn bảo: "Để tao hỏi dì ấy thử xem." Như thế, Trần Hân sẽ thoải mái hơn, mà dì ấy có nói lại với bố hắn là bạn cùng ăn thì có cả ba đứa kia, Trần Hân cũng không bị nghi ngờ.
Trình Hâm đánh tiếng, dì cấp dưỡng đồng ý ngay.

Vì thế bàn ăn từ hai người thành năm người, bữa cơm nào cũng rôm rả.

Mặt khác, ăn cơm cũng phải cạnh tranh, vì đâu ai chia từng phần như căn tin, đứa nào đến muộn sẽ thiệt thòi.

Đến Tào Kế lười chảy thây như thế mà vì miếng ăn cũng năng động rất nhiều, tiết học vừa xong đã biến đi ngay như cơn gió.


Tuy thế, thầy toán lớp y hay dạy quá giờ, nên mỗi tuần sẽ có hai bữa Tào Kế không thể đến kịp.

Y kêu ca: "Không công bằng gì cả! Tao ứ chịu!"
Cả bọn cười ran: "Ứ chịu thì xuống căn tin mà ăn, nhớ!"
Nhưng dì cấp dưỡng rất có tâm, biết hai ngày ấy Tào Kế học về muộn, sẽ để phần thức ăn riêng cho y.

Tào Kế cảm động quá, chỉ thiếu điều gọi dì là mẹ.
Bơi trong biển kiến thức, ngày qua ngày ai nấy đều vùi đầu vào sách vở.

Có người tìm thấy niềm vui và hứng thú trong việc học, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, đó là Trần Hân.

Nhưng cũng có người như Tào Kế, học chỉ để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi ngày chỉ có giờ ăn là thấy thảnh thơi.

Đại đa số học sinh đều như thế.
Cuối tháng chín diễn ra kỳ thi tháng đầu tiên của lớp 12.

Mỗi lớp hai phòng thi, mỗi phòng ba mươi thí sinh, không trộn lẫn học sinh các lớp.

Các thí sinh ngồi cách xa nhau, các giám thị gắt gao như kỳ thi đại học.
Sau bao ngày phấn đấu, rốt cuộc Trình Hâm đã thỏa chí thi cùng phòng với Trình Hâm, có điều Trần Hân ngồi bàn đầu, còn hắn vẫn đang chơi vơi ở giữa phòng, chỉ có thể vừa làm bài, vừa thỉnh thoảng ngẩng lên nhìn gáy người ta.
Trần Hân tập trung cao độ, làm bài rất nhanh, kiểm lại bài xong thì thời gian còn lại cũng rất nhiều.

Vào lúc này cậu chỉ có thể một mình chơi trò Sudoku tự biên tự diễn, trò này là lúc cậu dạy kèm tại nhà Trình Hâm tìm hiểu được, lúc rảnh rỗi có thể chơi để rèn luyện tư duy logic.
Trình Hâm thời gian qua không ngừng tiến bộ, lúc này đã có thể làm được phần lớn đề thi, mỗi lần xong một bài, hắn lại nhìn trân trối vào gáy ai kia, những mong người ta cảm nhận được ánh mắt thâm tình của mình mà quay đầu lại.

Nhưng Trần Hân mải chơi, không biết.

Trình Hâm mỏi mắt mong chờ mãi, nhìn như bị thôi miên, chợt phát hiện ra gáy của Trần Hân dường như dài hơn bình thường, xem rất thích mắt!
Lúc thi xong, nghe Trình Hâm hờn dỗi càu nhàu một trận vì không quay lại nhìn hắn, Trần Hân cười ngất, rồi đưa tờ giấy nháp có Sudoku cho hắn xem.

Trình Hâm hứng lên, sau đó lúc nghỉ giữa giờ sẽ chơi Sudoku với cậu.
Kỳ nghỉ quốc khánh, đáng lẽ được nghỉ bảy ngày thì học sinh khối lớp 12 chỉ được nghỉ năm ngày thôi.

Đành vậy, được nghỉ về nhà đã là mừng lắm rồi.

Có điều, lịch nghỉ được thông báo xong, mỗi tiết học sau đó các thầy cô bộ môn không ai bảo ai sẽ có một câu nói giống nhau y hệt:
"Cán sự đâu, phát cho mỗi bạn năm tờ."
Chuyện kể rằng, có bạn ra ngoài đi vệ sinh đúng lúc phát bài tập, khi về nhìn thấy bàn mình trắng xóa, tưởng rằng vẫn đang chuyền xuống, bèn rút một tờ ở trên rồi cầm bốn tờ còn lại đưa xuống bàn dưới.

Bạn bàn dưới bảo: "Đưa tao làm gì? Của mày hết đấy!"
"Mẹ ơi! Đâu ra mà nhiều thế hở giời?"
Đến lúc bài tập phát xong, mọi người cay đắng phát hiện: Tiếng là được nghỉ năm ngày, thế nhưng ngày nào cũng phải làm ít nhất năm tờ đề của năm môn mới xong nhiệm vụ.
Đến giờ văn, Chu Tung bảo: "Các em nhận được bài tập mấy môn kia chưa? Riêng môn văn ít nhất, chỉ có hai tờ thôi, gọi là giảm tải cho mấy đứa.

Nhưng phải làm đầy đủ cả phần làm văn, nhớ đấy! Chúc mọi người nghỉ lễ vui vẻ!"
Nói xong, dợm bước ra ngoài.
"Thầy ơi, em không muốn nghỉ lễ nữa!" Dưới lớp gào khóc thê lương.
Chu Tung dừng bước, quay lại nở nụ cười "thông cảm": "Mấy đứa phải biết hài lòng chứ, lớp kế bên mỗi người nhận 30 tờ bài tập kia kìa!".


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui