Mùa đông sang vội quá.
Đến cửa hiệu Trần gia, chủ quán đang tất bật bày hàng, điểm tâm mới ra lò còn đang bốc khói nghi ngút, trông rất chi là ngon mắt.
Ngoài cửa tiệm bu đầy trẻ con, đứa nào đứa nấy thèm rỏ cả dãi, lại bị lão chủ đuổi chạy té khói vì sợ ảnh hưởng đến chuyện làm ăn.
Bản Vương đi tới, ném cho lão một thỏi bạc mà rằng: “Lấy cho ta mỗi loại một phần, không cần thối lại, xem lũ trẻ thích ăn gì thì lấy cho chúng.”
“Vâng vâng có ngay.” – lão hăm hở nhận bạc, rồi vẫy tay với đám choai choai, hô lên: “Có vị tiên sinh tốt bụng mua cho chúng bây ăn này, còn không mau đến cảm ơn ngài đây đi.”
Lũ trẻ nghe thấy vậy thì lao vèo đến, lấy tay chà chà bụi bặm trên mặt, nhao nhao với ta rằng: “Cám ơn đại thúc ạ.”
Bản Vương cười, “Không có chi, mấy miếng bánh thôi.”
Đưa điểm tâm đã gói kĩ càng cho Diêu Thư Vân, Bản Vương hỏi hắn: “Sao, có đi ‘Lưu Thủy Nhân gia’ ăn cá nữa không?”
“Có chứ, đi thôi.” – Diêu Thư Vân hớn hở có người chủ chi, đang định đi lại phát hiện lũ trẻ con đi theo mình, hắn dừng lại, quay ra nghiêm mặt hỏi: “Mấy đứa theo làm gì?”
Giọng điệu có bảy phần đe dọa, ba phần cảnh cáo, làm đám trẻ chết sững tại chỗ, không dám ho he.
Cái gã Diêu Thư Vân này trông thì cợt nhả vậy chứ chung quy vẫn thuộc Hình bộ, cả ngày đứng trong chốn tù đầy, tra tấn khổ hình, trên thân cũng tự khắc lây dính ba phần tàn độc.
Mà kể ra, từ trước hắn đã chả phải hạng thiện lương, tính tình lại xảo quyệt, cả đám quan già lõi còn chả coi ra gì, huống chi là mấy thằng ranh con.
Còn lũ trẻ, tuy đứng như trời trồng ra đó nhưng vẫn không chịu tản đi, đứa nào cũng mặc mỗi manh áo tả tơi, vá chằng vá đụp, nước mũi tèm lem vì lạnh, đưa tay quệt đi, dính thành vệt cả ra mặt.
Để ý kĩ thì chúng đều là những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
Bản Vương móc mấy miếng bạc vụn đưa cho chúng, “Cầm lấy.”
Lũ trẻ lại hớn hở đón nhận, song vẫn ỳ chân tại chỗ, rồi một đứa tương đối lớn tuổi, mặt mày sảng sủa trong cả lũ, chạy lên nói với ta: “Đại thúc, chúng con đều là cô nhi, năm trước có bệnh dịch, người trong thôn chết cả rồi, chỉ còn mấy đứa lang thang đầu đường xó chợ, không nơi nương tựa, nếu quý phủ đại thúc thiếu người, ngài xem có thể nhận tụi con không? Đừng thấy tụi con nhỏ, tụi con khỏe lắm á, đun nước, nấu cơm, bổ củi, quét nhà, gì cũng làm được. Chỉ cần cho tụi con chỗ chắn gió che mưa, một phần cơm là được.”
Thằng bé vừa nói, lũ trẻ đều đồng thanh hưởng ứng, “Đúng đó đại thúc, xin ngài rủ lòng thương.”
Bản Vương nhíu mày, nhìn đứa bé đi đầu kia.
Tuy tuổi không lớn lắm, nhưng mồm miệng lại rất lanh lợi. Tiếc rằng, Bản Vương tùy hứng hành thiện, nhưng không phải hạng tốt lành.
Bản Vương cần lũ choai choai này làm gì. Hộ vệ canh cửa đã đủ, nha hoàn đầy tớ cũng không thừa.
Thấy ta không đồng ý, thằng bé biết lui, kéo một cô bé duy nhất trong cả đám đẩy lên trước mặt ta, “Đại thúc, không được thì thôi vậy, con trai tụi con da dày thịt béo, không chết cóng được, nhưng tiểu tỷ tỷ của con đây là con gái, yếu ớt hơn. Mong ngài thương xót nhận nàng với ạ.”
“Nghe” nó nói vậy, Bản Vương mới nhìn cô bé kia. Mặt trái xoan, mày lá liễu, mặt mũi nứt nẻ vì lạnh, nhưng không che được đôi mắt sáng rất đẹp.
Tuổi chừng mười ba, mười bốn, hãy còn non tơ, đến khi trưởng thành ắt sẽ thành một mỹ nhân sắc nước.
Đến khi ấy, lang thang giữa chốn vàng thau, lẫn lộn trong đám lưu manh du côn quả là không ổn.
Nghĩ vậy, Bản Vương liền gật đầu, “Thôi được rồi, ta dẫn nàng về.”
Thằng bé mừng rỡ, cảm ơn ta rối rít, “Cảm ơn đại thúc, con biết ngài là người tốt mà.”
Bản Vương bật cười, đây là lần đầu tiên có người bảo ta là người tốt.
Ta lại đánh giá thằng bé mấy lần, tuổi tuy nhỏ, nhưng làm việc cẩn thận và chắc chắn, khá lắm.
“Ngươi tên gì?” – Bản Vương hỏi.
Thằng bé gãi đầu, đáp rằng: “Trong nhà tiểu nhân xếp thứ chín, cha mẹ gọi luôn là Tiểu Cửu.”
Thứ chín à. Thật giống thằng cháu của Bản Vương.
Yến Cửu cũng đứng thứ chín trong số các Hoàng Tử, nên gọi là Yến Cửu.
Chẳng qua, đứa bé kia đạp mọi chông gai, dùng đủ thủ đoạn mưu mô diệt trừ hết đám ca ca của mình để ngồi lên ngôi vị Hoàng Đế. Chỉ duy có Tứ Hoàng tử là được nó phái đến biên cương buốt giá trấn thủ.
Thằng bé Tiểu Cửu này, có lẽ cũng trốn chạy từ vùng bệnh dịch ra, chỉ còn mình nó.
Ta xoay người chực đi, Tiểu Cửu lại đuổi với, đưa cho ta một miếng ngọc, “Đại thúc, tặng ngài.”
Bản Vương nhìn miếng ngọc, chế tác thô sơ, không nhận ra là khắc khỉ hay chó, chỉ được cái trơn nhẵn, trắng noãn không tỳ vết, là một miếng ngọc Dương Chi thượng hạng.
Bản Vương trả miếng ngọc cho nó, “Để dành lấy, mai sau gặp người tinh mắt thì đem bán, đủ sống một thời gian.”
“Mẹ ta nói không thể nhận không ơn huệ của người khác, hôm nay đại thúc cho cái ăn, lại cho tiền, nên ngài nhận miếng ngọc này đi.” – nói rồi, nó nhìn sang tiểu cô nương bên cạnh ta, tiếp rằng: “Sau này làm phiền đại thúc quan tâm tiểu tỷ tỷ. Cả quãng đường chạy nạn, nhờ có nàng đi cầm cố rất nhiều châu báu mẹ nàng để lại, chúng ta mới sống sót được đến ngày hôm nay.”
Hoạn nạn có nhau, chúng đều là những đứa trẻ tốt.
Bản Vương gật đầu, “Yên tâm, đã vào Vương phủ của ta, nàng sẽ không phải chịu uất ức.”
“Vương phủ?” – Tiểu Cửu giật mình, “Không biết ngài là — vị Vương gia nào?”
Bản Vương phẩy tay áo thêu chỉ vàng, thản nhiên bảo: “Tương Vương, Nhạc Sơ.”
Tiểu Cửu:…
Ánh mắt nó nhìn ta, nhoắng cái đã tệ hẳn.
Bản Vương nhét miếng ngọc vào lòng, dẫn tiểu cô nương đang đỏ lên vì lạnh, rồi cả Diêu Thư Vân, đi về phía ‘Lưu Thủy Nhân gia’.
Trên đường, Diêu Thư Vân nhìn tiểu cô nương từ đầu đến chân, làm khuôn mặt người ta đang đỏ cũng biến thành tím như gan heo, sau đó mới ra kết luận, “Thì ra Vương gia thích kiểu này.”
Bản Vương còn đang không hiểu đầu cua tai nheo, đã thấy hắn tự thêm thắt, “Nhưng ra tay với con nít, vẫn thật là cầm thú.”
Và thế, sắc mặt cô nương ta càng thêm trắng bệch.
*
Cơm nước xong xuôi, ra khỏi ‘Lưu Thủy Nhân gia’, chỉ thấy trước mắt lất phất bay, trời đổ tuyết.
Trận tuyết đầu mùa năm nay đến sớm hơn mọi khi.
Bản Vương kéo áo khoác, chùm mũ, rồi vung tay áo choàng cho tiểu cô nương, nói với nàng: “Đi thôi, nơi này cách Vương phủ không xa.”
Rõ là nàng ta thoáng hoảng hốt, dịch chân tránh né, dè dặt nói rằng: “Thảo dân không dám làm phiền Vương gia, chỉ chút tuyết thôi, không sao ạ.”
Nàng đã có lời, Bản Vương cũng không ép, dẫm lên màn tuyết trắng xóa, đi về hướng Vương phủ, tới trước cửa thì vẫy tay với Diêu Thư Vân, “Nợ ngươi chân giò hầm tương, hôm khác mời vậy.”
“Nhớ đấy.” – hắn toét cười, bung quạt, quạt phành phạch mấy cái giữa trời đông rét buốt cho có tý gọi là phong lưu, rồi cầm quạt lủi thủi về phủ…
Bản Vương liếc cái cổng Diêu phủ nhà hắn, trông còn hoành tráng hơn Vương phủ của ta.
Tiểu tử đó rất chú trọng chất lượng cuộc sống, biết hưởng thụ, gì cũng phải tốt phải đẹp, thí dụ như hai chữ “Diêu phủ” kia, cũng phải dùng gỗ lim tơ vàng tốt nhất, lại đòi Bản Vương ngoáy bút cho, sau đó sai người khắc lên.
So với Diêu phủ nhà hắn, Vương phủ của ta nghèo nàn hơn hẳn.
Bước qua cửa là bắt gặp lèo tèo vài ba nhà thủy tạ, đình đài giản đơn, hoa thì không ít loại, nhưng cũng chỉ là mấy loại lan trúc thông thường, gió bắc vừa ào qua là đã bị vùi dập tả tơi, không còn nhìn ra hình thù nguyên sơ nữa.
Vào tới trong sân, Bản Vương bắt gặp quản gia Lý Trung, thế là đưa tiểu cô nương đi theo nãy giờ cho lão, dặn dò: “Đây là nha đầu mới vào phủ, bố trí cho nàng mấy việc lặt vặt, tiện thế sắp xếp chỗ ăn ở.” – đoạn ta quay ra hỏi nàng, “Ngươi tên gì?”
Rốt cuộc cô gái cũng hoàn hồn, khép nép trả lời, “Dạ, nô tì là Tô Dung.”
Học nhanh ra phết, Bản Vương rất là hài lòng, dặn thêm Lý Trung: “Nàng còn nhỏ tuổi, bố trí công việc nhẹ nhàng thôi. Còn nữa, lấy thuốc mỡ cho nàng bôi, da dẻ nẻ toác để lại sẹo mất.”
“Nô tài hiểu.” – Lý Trung khom người nhận lệnh.
Bản Vương vừa định về phòng lại bị lão ta kéo lại, chỉ thấy lão bảo: “Vương gia, Hoàng Thượng tới quý phủ.”
Bản Vương giật mình, “Đến bao giờ.”
“Cũng vừa mới.” – lão nói: “Vừa đến được một lúc, thấy Vương gia không có nhà cũng không sai người đi tìm, giờ đang thưởng tuyết trong đình nghỉ chân, không có ai hầu hạ.”
Bản Vương nhíu mày. Tuyết dày hạt, gió thì rét buốt thế này, chạy ra đình làm cái gì không biết?
Bản Vương vội vã chạy đi tìm, bước qua từng phiến đá xanh lầy lội, băng qua hàng trúc xanh rì lặng yên, lật đật chạy đến bên hồ.
Chỉ thấy Yến Cửu đang đứng trong đình giữa hồ, trân trân nhìn tuyết rơi lả tả trên mặt nước, như đang trầm tư điều gì đó.
Nó khoác chiếc áo lông cáo trắng muốt dày dặn, lẳng lặng đứng đó, như sắp hòa mình vào tuyết trời, trong trẻo, nhưng lạnh lùng và cô đơn.
Rồi nó nhìn thấy ta, trên khuôn mặt lạnh lùng ấy nhoẻn lên một nụ cười ấm áp.
Hệt như gió xuân tháng ba, lướt qua có thể khiến muôn hoa đua nở.
Đôi mắt ấy vẫn tuyệt đẹp thế, sóng sánh trong veo, như chân tình rồi lại đa tình.
Nó nhìn ngươi, làm ngươi có một loại ảo giác rằng.
Như thể, nó yêu ngươi.
Thằng gấu con. Bản Vương thầm mắng một tiếng.
Đang lúc thời tiết quái thai này không ngoan ngoãn ở trong phòng cho ấm đi, còn chạy ra đây ra vẻ đa tình cái quần què gì chứ!
Ta đây vừa định chạy qua đã thấy nó ra khỏi đình, đi về phía này, bước đi chậm rãi, tay áo phất phơ, rất chi là phong độ.
Chẳng qua cây cầu giữa hồ quá trơn, sơ sảy trượt chân cái đã lăn cái tùm vào trong nước, hệt như con gấu ngốc ngếch, sau một hồi giãy đạp không ăn thua, thế là chìm lỉm.
Bộ y phục lông cáo gặp nước càng ướt nhẹp, ngay cả bọt khí cũng không thấy nổi lên.
Bản Vương:…
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...