Đoàn người ngày đi đêm nghỉ, bốn ngày sau thì đến vùng Phú Lăng Đạo Đại Hoàng.
Trở lại quê cũ sau hơn chục năm trời khiến bao tâm sự ùa về.
Những rối bời của thực tại, cùng với nỗi thương nhớ quê nhà, đau lòng về song thân đã qua đời quá đỗi oan uổng làm ta thoáng chốc lại rơi lệ.
Lan Nhi và Ngọc Nhi lại phải một phen dỗ dành ta mới chịu ngừng khóc.
Từ vùng Ái Châu quê ta tới đây đều là các vùng đất do cha con họ Đinh cai quản, nên đoàn người không gặp trở ngại gì.
Ban ngày người ngựa thong thả đi, ban đêm lại vào các nhà trọ bên đường trú tạm.
Áng chừng hai ngày nữa là sẽ tới Động Hoa Lư.
Chẳng mấy chốc Hoa Lư đã hiện ra trước mắt.
Đây là một vùng đất sơn thủy hữu tình.
Những dãy núi đá vôi bao bọc bốn phía.
Uốn lượn xung quanh là sông suối, ao hồ, tạo nên cảnh sắc hết sức ngoạn mục.
Xen giữa là những cánh rừng bạt ngàn thâm trầm, những làng xóm yên bình trong khói chiều lan tỏa, là những cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay.
Những gam màu xanh thay đổi của núi rừng, của cánh đồng, của nước non, của làng mạc, khiến cho lòng ta cũng phấn chấn lên một chút.
Ta kéo rèm xe xuống, ngồi ngắm phong cảnh xung quanh, cũng tạm thấy lòng bình yên được một chặp.
Buổi sáng ngày thứ sáu, đang mải mê ngắm cảnh thì đoàn người bỗng dừng lại, Đinh tướng quân bước tới trước kiệu nói:
- Dương tiểu thư, chỉ còn mười dặm nữa là tới Động Hoa Lư.
Đây là điếm canh ở bên ngoài động, mời Dương tiểu xuống đây nghỉ ngơi, chỉnh trang lại trang phục.
Xong xuôi người của Đinh động chủ sẽ tới đây rước tiểu thư về để bái đường làm lễ.
Vậy là đã tới nơi rồi! Nghe báo tin mà ta rụng rời cả chân tay! Cái giây phút mình không muốn nghĩ tới cuối cùng cũng phải đối mặt.
Còn cách nào khác nữa chẳng?
Thị Ngọc và Thị Lan đưa ta vào trong điếm canh, giúp ta trang điểm, mặc áo tân nương rồi trùm khăn lên đầu.
Xong xuôi tất cả cùng ngồi đợi.
Ta ngồi như hóa đá ở bên bàn.
Một phần vì đồ trang điểm và quần áo có phần nặng nề, một phần vì đau xót nghĩ, vậy là giây phút này cuối cùng cũng đã tới.
Ước chi con đường đi tới Hoa Lư cứ kéo dài tới vô tận!
Đã chuẩn bị, đã đau đớn suốt mấy tháng qua, mà thời điểm này tới vẫn tê liệt cả các giác quan.
Người ta mồ hôi bắt đầu vã ra như tắm.
Vì nóng? Hay vì sắp lên cơn hoảng loạn? Ta không biết nữa.
Nếu ngồi thêm chút nữa ta sẽ bất tỉnh không chừng!
Đúng lúc đó có tiếng một đoàn người lao xao đi tới.
Lan Nhi và Ngọc Nhi đầy lo âu, quay sang bảo ta:
- Đến rồi đó tiểu thư!
Liền sau đó là tiếng người vào trình báo:
- Thưa Dương tiểu thư, thần là Trịnh Tú, là nha tướng dưới chướng của Đinh động chủ.
Lẽ ra Đinh động chủ phải thân chinh mang kiệu hoa ra rước tiểu thư về, nhưng vì chuyện quân gấp gáp, người đã rời Hoa Lư đi Bố Hải Khẩu từ sáng sớm, nên thần theo lệnh Động chủ ra đây nghênh đón và đưa tiểu thư về động.
Vậy xin mời tiểu thư lên đường!
Ngọc Nhi và Lan Nhi cẩn thận đỡ ta ra kiệu hoa.
Rồi đoàn người thong thả nhằm hướng Động Hoa Lư thẳng tiến.
Một phần vì đường xá xa xôi, một phần để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, nên đám rước dâu đi rất gọn nhẹ, chỉ bao gồm một viên tướng họ Đinh và mười binh lính tinh nhuệ, tất cả đều ăn mặc hết sức đơn giản.
Xe ngựa ta và hai nàng thị nữ ngồi cũng không trang trí gì.
Vì vậy khi tới điếm canh, đoàn người phải dừng lại để đổi sang kiệu hoa và để ta ăn bận, trang điểm lại là vì thế.
Tuy nhiên điều không ngờ là họ Đinh lại không thể tự mình ra đón dâu mà phải sai bộ tướng của mình ra đón.
Vào bên trong động, lễ đón mừng được tổ chức rất long trọng với trống rong, cờ mở, nhã nhạc hai bên tưng bừng.
Người trong động đều tiến ra dọc các lối đi để chào đón.
Chính thức nghênh tiếp ta là Đinh phu nhân, người đang trực tiếp cai quản mọi việc tề gia trong động lúc bấy giờ.
Sau khi dắt ta vào lễ đường thắp nhang vái lạy, chính thức nhận làm vợ lẽ của họ Đinh, Đinh phu nhân lại trực tiếp đưa ta lên kiệu hoa, dẫn ta về nhà Tây, nơi ta sẽ sống sau này.
Ngồi trong kiệu, nàng cầm tay ta, bảo:
- Ta tên thật là Đinh Thục Trinh, tuy hiện cai quản mọi việc tề gia ở đây nhưng vốn dĩ không phải vợ cả.
Động chủ có một người vợ cả, chính là Đặng phu nhân, mẹ của Công tử Đinh Liễn, tiểu thư Liên Hoa, và Phù Dung.
Đặng phu nhân đã mất lâu rồi.
Người vợ thứ hai là Dương phu nhân, hiện đang sống cùng hai tiểu nữ tại quê ngoại.
Vậy nên ta và nàng cũng không cần phải quá lễ nghĩa làm gì, hãy cứ coi nhau như chị em cho thoải mái!
- Tiện thiếp đâu dám hỗn xược như vậy!
- Có gì mà không dám chứ! Mà thôi, cứ để từ từ rồi em quen dần vậy.
Mà có việc này ta cũng phải nói rõ với em.
Lẽ ra rước em về cũng phải làm cỗ bàn tiệc rượu cho linh đình mới phải.
Nhưng em biết rồi đấy, Nghĩa phụ Trần Minh Công đột ngột lâm trọng bệnh, không biết có qua khỏi hay không nên Tướng công đã đi Bố Hải Khẩu ngay sáng sớm nay, vì vậy không trực tiếp nghênh đón em được.
Thời gian này, các hào trưởng vùng lên cát cứ khắp nơi, nơi nọ đánh phá nơi kia, đặc biệt sau khi có tin Nghĩa phụ bệnh năng thì tình hình càng thêm loạn lạc.
Động ta vắng Tướng công thì như rắn mất đầu, mặc dầu có binh lính tinh nhuệ cùng tướng quân Trịnh Tú ở lại canh gác, bảo vệ cận mật, nhưng tuyệt đối không thể lơ là được.
Vậy nên ta mới lệnh cho người trong động đâu vẫn ở đó, làm tiệc ăn mừng tại chỗ, đồng thời lệnh cho quân sĩ, người nhà trong động không được rượu chè quá trớn.
Bởi nếu để xảy ra chuyện gì bất trắc, thì có trăm ngàn cái mạng cũng không thể đền hết tội được.
Vậy nên mới không tổ chức tiệc rượu linh đình quây quần như em thấy.
Thật là thiệt thòi cho em.
Nhưng việc quân cơ chặt chẽ, em thông cảm cho ta!
- Tiện thiếp thấy Đinh nương sắp đặt như vậy là chu toàn mọi mặt rồi, nào có thể ý kiến gì nữa chứ!
- Em hiểu cho ta được thì tốt quá.
Ta cũng có cho chuẩn bị ở nhà mới của em một mâm rượu lạt rồi.
Coi như lễ tẩy trần cho em, mà cũng là để chị em ta hàn huyên tâm sự.
Lẽ ra đó phải là rượu hợp hoan của em và Tướng công mới phải.
Nhưng cảnh đất nước loạn lạc chinh chiến, cũng chẳng thể nào mong vạn sự đều chu toàn được.
- Tạ ơn Đinh phu nhân đã chuẩn bị chu đáo!
Nói chuyện một hồi kiệu cũng đã đi tới nhà phía Tây.
Lan Nhi và Ngọc Nhi dắt tay đưa ta vào buồng tân nương, bỏ khăn che đầu, thay quần áo, cởi bỏ đồ trang sức nặng nề.
Rồi ta vội vàng quay ra phòng khách dùng bữa với Đinh nương.
Lúc này mới có dịp để nhìn ngắm nàng.
Đinh nương khi này chừng hai sáu, hai bảy tuổi.
Nàng bận một bộ xiêm y màu xanh da trời nhạt.
Khuôn mặt trái xoan của nàng bừng sáng như trăng rằm.
Dáng người nàng nhỏ nhắn, săn chắc, làn da hồng hào, khỏe mạnh, toàn thân toát lên một sự mềm dẻo mà lại rất thanh thoát và linh hoạt.
Ta nghe nói từ trước rằng nàng là con nhà nòi võ nghệ, đã cùng bốn người anh của mình luyện võ nhiều năm trước khi về dưới trướng họ Đinh.
Bởi vậy bởi vậy chẳng có gì lạ khi nhìn vào nàng, người ta thấy toát lên một khí chất khảng khái, hào sảng, tự nhiên, một sức sống tươi mới tràn trề như một bông hoa mùa hạ tươi mát và khỏe khoắn.
Nhìn ngắm nàng người ta thấy tâm trí mình bỗng trở nên phấn chấn và vui vẻ.
- Chà! Em đúng là một tuyệt sắc giai nhân! Đinh nương thấy ta bước ra, vội tiến lại cầm tay ta nói - Thiên hạ đồn Dương Công có người con gái tên Nga đẹp như chị Hằng giáng trần quả không sai chút nào! Tướng công ta quả là có con mắt tinh đời!
- Cảm ơn Đinh nương ngợi khen! Tuy nhiên tiện nữ phận mỏng nên đến giờ mà nói, thực tình chưa có phúc được diện kiến Động chủ lần nào.
- Vậy ư? Đinh nương thảng thốt - Tướng công trực tiếp đến Đông Lỗ cầu thân, chẳng lẽ em không được diện kiến người hay sao?
- Hôm Tướng công đến Đông Lỗ, tiện nữ cùng thị nữ đang đi dự Hội ở trong làng.
Đến tối trở về thì người đã đi rồi.
- Ra là như vậy! Đinh nương nói, giọng thoáng chút trầm ngâm.
Nhưng phút chốc nàng lấy lại được tâm trạng vui vẻ, dắt ta lại bàn tiệc rồi bảo.
- Ta đã cho người đi về Đông Lỗ để báo tin em đã đến nơi an toàn.
Kẻ hầu người hạ ở đây ta cũng đã cắt đặt cho em cả.
Ngoài hai người hầu thân cận đi theo em, chăm lo việc trang điểm, ăn ngủ, phục trang, trà nước; trong nhà sẽ có ba người làm bếp kiêm các công việc nặng nhọc chân tay, giặt giũ; một người làm vườn lo chăm sóc cây cối, rau cỏ trong vườn.
Mọi việc chung thì có Lưu quản gia lo liệu.
Người này là một người đã hầu hạ lâu năm ở trong Động nên em có thể hoàn toàn tin cậy được.
Có việc gì cần cắt đặt, sai bảo, hay truyền đạt ra ngoài, em cứ báo với Lưu quản gia một câu là được.
Ta cảm ơn Đinh nương đã sắp xếp mọi việc chu tất, rồi cứ thế cùng nàng vừa uống rượu, ăn cơm vừa nói chuyện.
Đinh nương thực sự là người rất thân thiện.
Nên chẳng mấy chốc ta và nàng đã trở nên gần gũi, ngồi tâm sự với nhau đủ điều.
Cỗ bàn xong xuôi thì trời đã xẩm tối, ta cùng Lan Nhi ra đầu ngõ tiễn Đinh nương và nàng hầu của nàng về nhà nghỉ.
Trước khi về nàng còn quay lại bảo ta:
- Em cứ nghỉ ngơi cho thoải mái, mai kia khỏe khoắn rồi thì qua nhà Đông uống trà, rồi ta sẽ dẫn em đi thăm thú khắp động một lượt, vừa là để biết được đường đi lối lại, cũng vừa ngắm cảnh luôn.
Cảnh quan trong động cũng nhiều nơi ngoạn mục hữu tình lắm, sẽ cùng em ngao du, ngắm nghía một phen!
Ta cảm tạ rồi quay trở vào nhà.
Lan Nhi vội vã cùng với Ngọc Nhi đi chuẩn bị nước tắm cho cả ba người.
Tiết trời đã cuối thu rồi, nên đêm về đã bắt đầu se se lạnh, không thể tắm bằng nước lạnh được nữa.
Còn lại một mình ngồi trong phòng, tựa đầu vào lòng ban tay nhìn chăm chăm vào ánh nến, lòng ta ngổn ngang bao bề bộn, tơi bời.
Ngẫm hoàn cảnh của bản thân giờ đây thật lạ kỳ.
Đã cưới chồng, đón rước về nhà chồng rồi mà vẫn chưa một lần nhìn thấy mặt chồng.
Trong vài tháng tới cũng chưa chắc đã gặp mặt.
Rồi không biết mai này tương lai sẽ còn xảy ra những điều gì..
Tuy nhiên mọi chuyện cũng chỉ khiến cho ta thấy bất ngờ đôi chút chứ cũng chẳng lấy gì làm buồn.
Lần lữa chưa phải lo nghĩ tới việc giữ đạo phu thê ngày nào càng làm cho ta dễ chịu ngày đó.
Không phải ta mong chờ gì vào phép màu hay bà tiên ông bụt hiện ra.
Ván đã đóng thuyền rồi còn mong chờ gì được nữa? Nhưng ít ra những nỗi đau khổ người ta phải chịu, những nỗi chua xót người ta phải đối diện cũng không đến nỗi ba thu dồn lại một ngày.
Từ giờ về sau cứ thế thong thả mà gặm nhấm thôi..
Chỉ mong sao ở chốn này không đến nỗi xảy ra chuyện vợ cả chèn ép vợ lẽ tủi nhục ê chề như vẫn thấy trong dân gian.
Mà suy cho cùng ta cũng có định tranh giành gì đâu nhỉ? Từ đây trở đi chính là sẽ cố gắng hết sức bình lặng mà sống, không màng gì tranh giành cao thấp hơn thua! Hi vọng cuộc đời không đến nỗi cay nghiệt.
Cứ tưởng mình sống ở chốn thôn dã dãi nắng dầm mưa, chạy nhảy suốt bốn mùa nên sức khỏe cũng không đến nỗi nào.
Vậy mà ngay ngày hôm sau ta ốm một trận liệt giường, mê man suốt bốn, năm ngày liền.
Do chuyến đi đường dài, do thời tiết cuối thu nóng lạnh thất thường, do lạ nước lạ cái nơi vùng đất mới, hay do những ngổn ngang ở trong lòng? Chẳng biết nữa.
Từ khi năm, sáu tuổi được Nghĩa phụ và Nghĩa mẫu nhận nuôi đến nay ta mới lại mốm một trận như thế này, cứ nằm đó, người thì lúc nóng, lúc lạnh và không ngừng mê sảng.
Khi thì những hình ảnh đau thương của tuổi thơ ám ảnh; lúc thì cái thời khắc trèo ổi bị ngã, bị trói bên hè bếp với cẳng chân chảy máu ròng ròng bủa vây; khi thì cảm giác tắc nghẹn tưởng như mình đang chìm dần, sắp sửa chết đuối ở trên sông Cầu Chày xâm chiếm.
Ta ú ớ, gào thét, rồi lại ngủ thiếp đi.
Khi khác, lại là những niềm vui ấm áp khi còn ở bên song thân như một cơn gió dịu mát chợt trở về.
Lúc khác là nụ cười dịu hiền của nghĩa phụ và nghĩa mẫu; là những ngày phơi phới vui vẻ chạy nhạy trên cánh đồng, giữa bầu trời xanh Đông Lỗ.
Đôi lần ta còn mơ thấy ta và chàng, hai ta đang cùng phi ngựa ở bên nhau..
Giữa những lúc mê man ấy, ngoài hai thị nữ túc trực ban đêm, ban ngày ta luôn thấy bóng dáng một người ngồi bên ta ân cần chăm sóc.
Khi thì bón cháo, đút thuốc, lúc lại thay khăn cho ta mau hạ sốt.
Lúc khác thì dém thêm chăn khi ta kêu lạnh hoặc ra sức quạt mát khi ta kêu nóng.
Trong cơn mê man, lúc thì ta tưởng đó là mẹ; lúc thì lại nghĩ đó là nghĩa mẫu, cứ thế mà nắm lấy bàn tay của người không biết bao nhiêu lần.
Đến khi hồi tỉnh lại, mới nhìn kỹ thì ra là Đinh nương.
Nhìn nàng có vẻ mệt mỏi vì trông nom, chăm sóc ta mà vẫn mỉm cười vui mừng mỗi khi ta mở mắt tỉnh lại, ân cần như một người mẹ, một người chị, ta thấy lòng ấm áp.
Trong cơn mê man vẫn nẩy ra được một ý nghĩ tươi vui, chắc những ngày tháng về sau cũng không đến nỗi nào..
Đến ngày thứ sáu, thứ bảy thì ta bắt đầu khỏe lại, có thể đi bộ nhẹ nhàng quanh nhà được.
Đợi buổi chiều mát, bèn bảo hai thị nữ mang một chiếc chõng tre và một ấm trà ra ngồi dưới bóng hàng cau, hàng lựu ở trước sân cho thoáng đãng.
Đôi lúc lại đứng dậy nhẹ nhàng đi loanh quanh cho đỡ bí chân.
Khu nhà này, Nhà Tây - nơi ta sẽ sống những ngày sau này, gồm một căn nhà chính có năm gian.
Gian nhà giữa rộng rãi nhất dùng để thờ cúng và tiếp khách khứa, bốn gian buồng còn lại chia đều ở hai bên là nơi ở và sinh hoạt ta và thị nữ.
Nhà làm hoàn toàn bằng gỗ mới.
Ngay trước cửa ra vào chính là tấm bình phong đan từ phên liếp, chính giữa lại có một tấm cửa liếp nhỏ có thể chống lên để đón gió và hạ xuống tránh mưa hắt.
Phía sau nhà chính là ba gian nhà nhỏ cho người giúp việc và gia nhân.
Cạnh đó là ba gian nhà bếp để nấu nướng, củi lửa.
Ta ưa nhất ở ngôi nhà này chính là khu vườn.
Có thể nói là được thiết kế rất công phu, mà lại rất đỗi tự nhiên và dẫn dã.
Ở phía cuối vườn, giáp với hàng rào tre trúc là rặng nhãn cao lớn, xen với những hàng chuối tiêu trổ những tàu lá lớn xanh mát.
Một số cây đang ra những buồng chuối non tơ đầy hứa hẹn đầu tiên.
Tiếp đến là hai hàng cây bưởi, cây cam.
Mùa này bưởi đang độ, quả sai xúc xỉu.
Rồi đến hàng cây cau, cây lựu - nơi ta đang đặt chõng ngồi đây.
Gần về phía sân, ngay trước cửa nhà là những hàng ngâu đang nở hoa hương thơm ngào ngạt.
Mấy bữa nữa khỏe lại, ta sẽ bảo các thị nữ hái hoa ngâu phơi khô để mùa đông ướp trà uống dần.
Phía bên trái ngôi nhà, gần với cổng vào là một cây khế, rồi đến bụi cây quỳnh, cây giao kề vai, xem kẽ với những bụi nhài được cắt tỉa khéo léo ở hai bên lối đi.
Tít ngoài cùng giáp với cổng vào và hàng rào, là cây hoa dạ hương lớn.
Mùa này hoa dạ hương cũng đang nở rộ.
Ban ngày những bông hoa trăng trắng xanh xanh, mỏng manh khép hờ đôi mắt, gục xuống lim dim ngủ, nhưng đêm đến, chúng nở bung và tỏa hương mãnh liệt vô cùng.
Dọc ngang khắp khu vườn, người thợ khéo léo đã dùng gạch đỏ lát thành những lối đi nhỏ xinh, duyên dáng.
Hai bến lối đi trồng rất nhiều những khóm tóc tiên xanh mướt, những khóm hồng, khóm cúc, khóm thược dược..
Đây đó lại điểm xuyết những khóm trúc với thân vàng óng, thẳng tắp, lá xanh mát, rì rào hay gốc liễu lơ thơ lá rủ; chỗ thì trồng một vài bụi phù dung xanh với những bông hoa trắng hồng mỏng manh.
Mùa này, cứ mỗi buổi sáng những bông tóc tiên hồng và trắng lại nở bung ra, đón những giọt sương trong trẻo và những ánh nắng ban mai đầu tiên.
Hoa hồng, hoa cúc cũng đang độ nở rực.
Hương thơm ngào ngạt khắp vườn.
Tựa tay trên một cái gối cao, nằm nghiêng mình trên chõng, ta vừa nặng nhọc thở vừa lặng lẽ ngắm khu vườn.
Dù đã khỏe lại nhưng cứ chiều đến là người lại sốt âm âm lên một lúc.
Nhưng ta mặc kệ, cứ nằm im trên chõng, mặc cho Lan Nhi bên cạnh, vừa không ngừng phe phẩy quạt để đuổi côn trùng, vừa luôn miệng khuyên ta vào nhà.
Yên bình quá! Tiếng giun dế, côn trùng bắt đầu ngân vang.
Ước gì thời gian cứ mãi ngưng đọng tại nơi này!
Đang mơ mơ màng màng thì thấy có bóng người thướt tha đi tới.
Ngẩng lên nhìn hóa ra là Đinh nương.
Vội ngồi dậy cất lời chào.
Nàng hôm nay bận một bộ xiêm y màu hồng nhạt, bên trong mặc chiếc yếm màu hồng đậm, lưng thắt một dải lụa màu trắng trong veo, trông hết sức trang nhã và hài hòa.
Trên tóc nàng cài một đóa hồng đỏ tươi vừa hái trong vườn.
Trông nàng rất đỗi tươi vui, tràn trề sức sống như bông hoa hồng ấy vậy.
Vừa thong thả đi tới, nàng vừa bảo:
- Thôi em không cần phải đa lễ.
Đến tìm em thì gia nhân bảo em ra đây.
Đang lo em vừa mới ốm dậy mà ra vườn làm gì khéo lại ốm thêm, ai ngờ lại thấy em như ông tiên bà bụt đang sung sướng tận hưởng nơi này.
- Em ở trong nhà mãi thấy bí bức quá nên ra đây hít chút khí trời.
Nàng ngồi xuống bên chõng, tự tay rót một chén trà đưa lên uống, vừa chăm chú nhìn ta hỏi:
- Hôm nay ta bận bịu quá, mãi giờ mới qua thăm em được.
Em đã thấy khỏe nhiều chưa?
- Em đỡ nhiều lắm rồi.
Đa tạ Đinh nương mấy ngày qua chăm nom, săn sóc cho em.
Em thật lấy làm hổ thẹn quá! Vừa mới về Động, chưa làm nên trò trống gì đã làm người một phen lo lắng, vất vả như vậy!
Đinh nương mỉm cười, cầm tay ta bảo:
- Em cứ khách sáo thế mà làm gì.
Có em về đây ta vui lắm.
Từ rày về sau có người bầu bạn tâm sự, không lo buồn phiền nữa.
Vậy mà em cứ nghĩ tới những chuyện ơn nghĩa đó mãi sao? Ta về đây đã mấy năm.
Khi về cũng là theo các anh trai mà về.
Nhưng liền mấy năm các anh theo Tướng công nay đây mai đó, nên ở đây ta cũng chỉ có vò võ một thân một mình.
Bởi vậy em về đây ta coi như bầu bạn, như chị em trong nhà.
Từ rày về sau em đừng nói mấy chuyện khách sáo ấy nữa làm gì!
Ta xin vâng rồi mới hỏi:
- Ngôi nhà này thiết kế đẹp quá.
Em thích nhất là khu vườn.
Công phu mà lại dân dã.
Là Đinh nương sắp xếp hay cho người thiết kế vậy?
Nàng cười ngất, bảo:
- Ta mà lại còn làm được cả mấy chuyện thiết kế nhà cửa vườn tược nữa hay sao? Em đề cao ta quá rồi đấy! Trong động có một người họ Chu chuyên làm việc thiết kế, xây cất nhà cửa, vườn tược, thành quách, vô cùng tinh xảo và khéo léo.
Chính ông ta làm đấy! Ta làm sao lo được mấy chuyện này? Sau khi Tướng công từ Châu Hoan và Đạo Ái trở về đã lệnh cất ngay ngôi nhà này cho em ở.
Dựa trên thế đất và vườn cây có sẵn, ông ấy liền vẽ ra ngôi nhà này.
Ai xem cũng phải phục tài ông ấy có con mắt tinh đời, biết lựa theo địa thế cây cỏ sẵn có mà thiết kế đấy!
- Vâng, đúng thật là kỳ tài! Em thấy ngôi nhà thì mới cất.
Mà cây cối lâu năm trong vườn lại mọc rất xum xuê, chắc chắn phải là vẽ rất khéo léo trên đất trồng cây cũ.
Rất lấy làm thán phục.
- Ừ, đa phần cây cối trong vườn đều có sẵn.
Chỉ có một số cây lựu, cây ngâu, hoa cỏ là trồng sau cho hài hòa mà thôi.
Em thấy thích thì thật là may quá! Nhưng mà thôi, không phải là lúc để mà nói chuyện phiếm nữa đâu.
Sương bắt đầu xuống rồi đấy.
Em vừa mới ốm dậy không nên ở ngoài này lâu, mau vào nhà ngay đi!
- Vâng, có lẽ nên vào nhà rồi thật.
Đợi sáng mai trời nắng lên rồi em sẽ đi dạo tiếp vậy.
- Muốn ra ngoài đổi gió đến vậy sao?
Ta gật đầu không nói, chỉ nghĩ thầm, vốn dĩ sống ở vùng thôn dã, chạy nhảy đã quen chân, nên việc ốm nằm liệt giường một chỗ quả là rất khó chịu đối với ta.
Nàng thấy ta không nói, cũng chỉ mìm cười, lẳng lặng đỡ ta dậy.
Mấy thị nữ lục cục hò nhau khiêng chõng, mang ấm trà, rồi cả bầu đoàn đi vào nhà..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...