Nhật Ký Của Luna Wong

MƯỢN – TRẢ

– – 0 – –

Ta vô tình nghe được một đoạn đối thoại: ‘Nhỏ em họ nói với cô ba rằng năm nay kho 1 nồi thịt cho nó. Cô ba mới nói, cái nồi của tao mày ăn luôn rồi, giờ bảo kho thịt, nồi đâu mà kho. Nó mới nói, rồi rồi, mai trả, mai kho đi.’ Lúc đó ta đã nghĩ, sao nó không tự mua luôn cái nồi, lúc cần đưa cho cô ba kho thịt xong mang về rồi, không cần phải trả lại nữa. Chứ mỗi lần cần kho thịt mới đem nồi của người ta về, khác nào giữ làm của riêng luôn đâu.

Từ rất nhỏ, thái hậu thường dạy ta, mượn đồ phải trả, nhất định không được quên. Cho dù trả không kịp ngày đã hẹn, cũng phải báo với người ta một tiếng và hẹn lại, đương nhiên lần hẹn này phải chắc chắn sẽ trả được, đừng hẹn tới hẹn lui.

Một lần bất tín vạn lần bất tin, chỉ cần quên tới quên lui, không cần biết bạn quên thật hay quên giả, sẽ không có lần sau nữa. Ngay lúc bạn cần sự giúp đỡ nhất không người chìa tay ra giúp đỡ vì sự có mượn không trả của bạn, thử nghĩ cũng đã thấy viễn cảnh đó đáng sợ đến mức nào.

Mà mượn đồ thì phải giữ như đồ của mình, không thể không tôn trọng món đồ và người cho mình mượn. Nên đồ của người ta cho mượn, ta giữ còn kỹ hơn đồ của mình nữa. Do đó đến hiện tại ta đã hình thành được thói quen này.

Không chỉ mượn đồ, ngay cả hứa với người khác thứ gì đó ta vẫn note lại cẩn thận trong điện thoại để ở chế độ chuông rung nhắc nhở bản thân đến ngày đó phải làm gì. Mà bản thân ta cũng rất ít phải mượn người khác cái gì, những thứ ta mượn đa phần đều sẽ trả trong ngày, nếu không ăn không ngon ngủ không yên cả ngày bức rứt khó chịu.


Còn nhớ năm lớp 12, ta phát hiện được một chỗ bán bánh của người Hoa mà bà nội lẫn bà ngoại đều thích ăn. Nó không những ngon, độ ngọt vừa phải mà còn thơm mùi trứng gà nữa, mềm mềm rất thích hợp với người già đương nhiên nó là đồ nhập khẩu, nhập số lượng giới hạn và hơi bị đắt luôn, rất khó mua được.

Lúc đó ta còn đi học, sống dựa vào tiền tiêu vặt papa cho mỗi ngày. Vì thế ta tiết kiệm được 1 khoản và mua cho bà nội bà ngoại mỗi người một bao. Sau đó bà ngoại ăn hết nhờ mami ta mua, bà nội ăn hết lại nhờ ta mua.

Hôm đó ta vừa tan học lớp học thêm về nhà đã tầm gần 9h, đang cởi giày bà nội nói: ‘Ngày mai mua cho bà thêm 1 bịch bánh nữa nha. Bao nhiêu tiền nói bà trả lại’. Lúc đó bà vừa nói vừa moi túi tiền ra.

Ta mới nói: “Thôi không cần đâu, để con mua cho bà nội.”

Lúc đó bà nội nói một câu để ta không thể nào không nhận tiền. Bà nói: “Bà nhờ con mua thì phải trả tiền. Con mua cho bà thì bà không trả.”

Mọi người thấy đó, nhà ta chia ra rất rõ những khái niệm như thế. Cho là cho, mà mượn thì phải trả, phải nói nó đã ăn sâu vào máu của ta rồi, cho dù mất trí nhớ thì chuyện này cũng không thể nào thay đổi được.

Cho đến một ngày papa mượn tiền ta làm gì đó, sau đó trả lại. Và ta thối lại nhưng không có tiền lẻ nên đưa tiền chẵn để papa thối, mặc dù chỉ có 2 k.

Lúc đó cô lớn người ở bên cạnh nghe được nói: “Có 2k, cho luôn đi, còn đòi lại nữa.”

Tôi rất tự tin nói: “Bà nội dạy, mượn là phải trả, cho thì không cần trả, làm theo lời bà nội nói có gì không đúng?” Lúc đó 1 phần là làm theo lời bà nội dạy, 1 phần là vì tính công bằng. Ta đưa thêm papa 2k, thì phải đưa thêm cho thái hậu 2k, nếu không ta sẽ ăn không ngon ngủ không yên.

Nhà ta cũng không có khái niệm khi nhờ người mua đồ giùm thì phải cho tiền lẻ, hoặc là làm việc nhà có tiền. Đó là trách nhiệm không phải cứ có tiền mới làm, làm thế sẽ gây ra cả 1 thế hệ hư hỏng. Nên lúc nhỏ cho dù đóng tiền học, hay mua đồ gì, cho dù thối 200đ cũng phải trả về cho papa với thái hậu.

Như ta từng đề cập ở những chương trước, nhà ta sống tập thế, sống chung với những họ hàng khác trong gia đình nên việc mượn đồ qua lại là chuyện rất bình thường. Bản thân ta, thường tự chuẩn bị cho mình rất đầy đủ để hạn chế khả năng mượn đồ thấp nhất có thể, nhưng người ta thì khác, lúc nào cũng chỉ biết mượn, chỉ biết ỷ lại, chiếm tiện nghi của người khác.

Họ từng mượn ta rất nhiều thứ và không chịu trả lại. Đến khi ta đợi lâu không thấy tự giác thì đi đòi. Có người thì bảo quên rồi lục ra trả, lúc đó món đồ ta nhận lại được chả phải thứ nguyên vẹn lúc đầu mà ta đưa, nó hệt như lấy từ trong bãi rác ra vậy. Có người thì chống chế bảo trả rồi, sau đó mấy tháng sau mang ra xài tỉnh queo.

Những người đó hử, 1 lần thôi không có lần sau. Và thế là ở trong nhà ta có thêm mấy lời đồn không hề dễ nghe, keo kiệt, ki bo, hẹp hòi… Ta mặc kệ, ta làm đúng, ngồi ngây đứng thẳng không sợ gió to động đất, cũng không thèm giải thích với người không hiểu mình.


Mà lạ ở chỗ, họ chỉ thấy được sự keo kiệt của ta chứ nhìn không thấy cái mượn không trả của đám người đó. Trong khi, bản thân họ cũng được trải nghiệm sự mượn không trả mà cứ cho mượn. Sau nhiều lần suy nghĩ, ta đút kết ra rằng, có lẽ ta không có duyên với họ hàng, xích mích từ kiếp trước chăng.

Ta nghĩ chỉ có mấy người trong nhà không có giáo dục mới thế, nhưng không, ra xã hội cũng có nữa. Còn nhớ lúc vào công ty được hơn 2 tháng, mọi người rủ nhau ăn chiều, ta hỗ trợ đặt đồ và ứng tiền trước.

Lúc súp được đưa lên, mọi người chỉ biết lấy súp và không đưa tiền. Ta nghĩ chắc ăn xong mới đưa nên cũng không có nói gì. Nhưng lúc đó chị phó phòng của ta hô lên thật to: “Trả tiền cho con nhỏ kìa mấy mẹ.”

Đám người mới lục đục moi ví, bảo: “Quên.”

Chị phó phòng nói: “Vậy lúc lấy súp có quên không, sao trả tiền bảo quên.”

Đám người đó chỉ cười hề hề cho qua.

Lúc đó ta không hiểu sao chị ấy làm như thế, nhưng ta rất cảm kích, rất có phong thái của đàn chị, không để em mình bị ức hiếp. Sau này mới biết, đám người đó chuyên gia ăn hiếp người mới, bảo người ta đặt đồ ứng tiền xong không trả, đi đòi thì bảo trả rồi, đã có không ít vụ xảy ra như thế rồi.

Cho nên, khi ta rời khỏi công ty, có lúc nhớ lại thật cảm thấy thích chị ấy vô cùng. Rất đáng để học theo.


Đây là vấn đề giáo dưỡng, ở nhà không dạy ra xã hội sống không ra gì, sau đó mấy đời con cái sau đều như thế, ấy vậy mà họ vẫn có thể tồn tại, thật cảm thấy khó có thể tin.

Mặc kệ họ thế nào, ta làm theo những gì được dạy bảo là được. Không để bất kỳ một ai làm thay đổi sơ tâm của mình, đây cũng là ý nghĩa tên của ông ngoại công nhận ông cố đặt tên kỳ công ghê luôn.

– – 0 – –

Lưu ý cần phải nhớ:

Mỗi ngày: Ghi âm cho cô Như, lồng tiếng cho video
Edit truyện, up chương đều đặn
Down mấy bản nhạc mình thích gần đây về máy
Không được nghiện game offline trên điện thoại
Ngủ sớm, trước khi ngủ phải đọc sách, không được chơi điện thoại, laptop
Suy nghĩ tích cực, giữ vững tinh thần thật tốt


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận