Một năm sau, Triển Chiêu và Đinh Nguyệt Hoa cưỡi ngựa lững thững trên một con đường nhỏ giữa rừng, “Thật sự không ngờ Tiểu Thúy với Lâm Thụy kết tóc xe duyên rồi.” Triển Chiêu xúc động nói, “Duyên phận quả thực quá kỳ diệu.”
“Sao ta cảm thấy chàng còn vui hơn Lâm công tử nữa vậy?” Đinh Nguyệt Hoa liếc mắt nhìn lại Triển Chiêu.
Triển Chiêu ho khụ một tiếng: “Ừ, Lâm công tử thành thân, ta là bằng hữu đương nhiên phải vui rồi.
Cũng nhẹ lòng rồi.”
“Nhẹ lòng?” Đinh Nguyệt Hoa dựa sát vào Triển Chiêu, kéo dài giọng: “Lòng chàng có cái gì để nhẹ chứ hả?”
Triển Chiêu quẹt mũi Đinh Nguyệt Hoa: “Nàng biết mà.”
Hai người cười khẽ, thúc ngựa rời đi.
Đúng như câu “tử sinh khiết thoát, dữ tử thành thuyết.
Chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão(1)”.
(Sống thác xa xôi, cùng người nên lời.
Cầm tay ta nguyện: Cùng người trọn đời)
(Hết.)
﹏﹏﹏﹏﹏﹏﹏﹏﹏﹏﹏
(1)Trong “Kinh thi – Bội phong – Kích cổ” của Khổng Tử (Bản dịch mình lấy trong truyện truyền kỳ mạn lục).
LỜI TÁC GIẢ
Về bộ truyện “Nhân vật” này, lúc bắt đầu viết chỉ là do cao hứng, viết mới được mấy chương là không tìm ra được đầu mối, hmm, thói quen xấu của tôi khi viết văn, về sau tìm đọc lại chút tư liệu, soạn lại ghi ở dưới đây để mọi người tham khảo:
Tống Thái Tông đã làm cách nào để có được ngai vàng từ anh trai Tống Thái Tổ lúc bấy giờ? Chuyện này rất khó giải thích rõ, có một thuyết “phủ thanh chúc ảnh” (ánh đuốc tiếng rìu), nhưng sự thật vẫn bí ẩn mơ hồ như cái tên.
Thế nhưng mà, thuyết về Tống Thái Tông lại rất rõ ràng, ông lên ngôi là nhờ “kim quỹ chi minh” (tờ giao ước trong hộp vàng).
Đỗ Thái hậu, mẹ của Thái Tổ Triệu Khuông Dận, sinh năm người con trai, con trai cả Triệu Khuông Tế, mất sớm, truy phong Ung Vương; con trai thứ hai chính là Thái Tổ; con trai thứ ba là Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa; con trai thứ tư Triệu Đình Mỹ; con trai thứ năm Khuông Tán, chết trẻ, truy phong Quỳ Vương.
Triều Tống thành lập, Triệu Khuông Dận phong em trai thứ ba là Tấn Vương, em trai thứ tư là Ngụy Vương.
Đỗ Thái hậu lâm bệnh nặng, trước khi mất bà phái người cho gọi Thái Tổ cùng Triệu Tể tướng Triệu Phổ vào cung.
Bà hỏi Thái Tổ: “Con có biết tại sao mình có được thiên hạ không?”, Thái Tổ đáp rằng là nhờ phước đức của tổ tiên.
Thái hậu lại rằng: “Sai rồi.
Con có được thiên hạ là do Hậu Chu đã đưa một đứa trẻ lên ngôi.
Vậy nên, sau khi qua đời, con hãy truyền ngôi lại cho em trai con (tức Tống Thái Tông)”.
Thái Tổ là người con có hiếu, chỉ đành đồng ý.
Thái hậu lập tức lệnh cho Triệu Phổ ghi chép lại chuyện này, cất vào trong hộp vàng, để mai sau làm bằng chứng kế truyền ngôi vua.
Bởi vì chuyện này chỉ có Thái hậu, Thái Tổ và Triệu Phổ biết, cho nên lúc Thái Tông lên ngôi, Triệu Phổ ra mặt làm chứng, hiển nhiên mọi người chỉ có thể gạt hai người con trai của Thái Tổ, Đức Chiêu và Đức Phương sang một bên, toàn tâm toàn ý đưa Thái Tông lên làm vua.
Song theo kim quỹ chi minh kia, sau Thái Tông sẽ là Đình Mỹ lên ngôi, điều này khiến Thái Tông không mấy dễ chịu.
Kim quỹ chi minh cũng vì vậy mà biến thành con dao hai lưỡi, trừ phi Đình Mỹ biến mất khỏi hoàng tộc này.
Triệu Phổ tài giỏi, khôn khéo một lần nữa lại ra tay.
Ông khuyên Thái Tông từ trước: “Chẳng lẽ người còn chưa nhìn thấy kết quả truyền ngôi cho em trai của Thái Tổ hay sao?”.
Ý là, hai người con Đức Chiêu và Đức Phương của Thái Tổ một người tự sát, một người bệnh chết, đều không có được một cái chết an lành, tự nhiên con cháu của Thái Tông sau này ắt cũng sẽ không được đối đãi tốt.
Thế là, Thái Tông hạ quyết tâm, dẹp sạch “chướng ngại vật” Đình Mỹ ấy để mai này truyền ngôi cho con trai.
Cách làm rất đơn giản – vu cáo hãm hại.
Tội lớn nhất thời cổ đại chính là mưu phản, chẳng cần bằng chứng rõ ràng, chỉ cần rục rịch một chút động thái như thế là đã đủ khép vào tội chết.
Lúc bấy giờ, xui thay cho Lư Đa Tốn, đối thủ của Triệu Phổ.
Triệu Phổ nói với Thái Tông rằng, gần đây Bộ binh thượng thư Lư Đa Tốn và Ngụy Vương Triệu Đình Mỹ rất hay qua lại, hình như bọn họ đang âm mưu chuyện gì đó.
Có được cớ này, chẳng mấy chốc, người mà Thái Tông phái đi đã tìm được chứng cứ xác thực hai người họ thường xuyên gặp mặt, âm mưu tạo phản, thế là, Lư Đa Tốn bị kết tội tử hình, tru di cửu tộc.
Nhưng sau Thái Tông cân nhắc ông là lão thần, giảm tội thành cả nhà đày đi Nhai Châu (Tam Á ngày nay).
Còn Ngụy Vương Triệu Đình Mỹ thì bị tước hết chức quan, chỉ giữ lại danh hiệu Ngụy Vương.
Song không lâu sau, lại lấy lý do miệng kêu ta thán, giáng ông làm Phù Lăng Quận công, chuyển tới định cư ở Phòng Châu.
Ngụy Vương chịu không nổi đả kích ấy, chẳng bao lâu sau đã uất ức mà chết.
Vậy là, đến bây giờ, hai người con của Thái Tổ và Ngụy Vương đã mất, Thái Tông không truyền ngôi cho con trai thì còn truyền được cho ai đây? Thái Tông có chín người con trai, người con cả Nguyên Tá nghiễm nhiên lên kế vị.
Thế nhưng, Nguyên Tá và người chú thứ tư Đình Mỹ có quan hệ rất tốt, ông từng nhiều lần can ngăn Thái Tông, cố gắng nghĩ cách cứu Đình Mỹ, đáng tiếc sau cùng vẫn không thể thay đổi được sự thật này.
Khi tin Đình Mỹ mất truyền đến kinh thành, tính tình Nguyên Tá thay đổi đi rất nhiều.
Kẻ hầu người hạ xung quanh hễ mắc phải một chút lỗi nhỏ, hoặc là bị ông đánh hoặc là bị ông giết, khiến lòng người lo sợ.
Thậm chí còn phóng hỏa trong cung, Thái Tông cùng các Hoàng tử hoảng sợ, còn Nguyên Tá lại cười ha hả không ngớt.
Thái Tông mất, con trai thứ ba Triệu Hằng kế vị, Triệu Hằng đối xử với người anh bị điên này rất tốt.
Thường xuyên phái người đến khám bệnh cho anh trai, đem thuốc tốt đồ ăn ngon qua, ông cũng hay tới thăm anh trai.
Nhưng từ sau khi Triệu Hằng lên ngôi, Nguyên Tá điên dại đã từ chối gặp mặt Triệu Hằng.
Do vậy, rất nhiều người đời sau đoán rằng Nguyên Tá thực ra đang giả điên giả khờ, nhằm trốn tránh kế vị.
Người chú thứ tư và hai người anh họ vì đấy mà chết, thế nên trong lòng ông mãi không thoát ra được cảm giác tội lỗi.
Chính vì cảm giác ấy khiến ông phát điên, khiến ông từ chối gặp mặt em trai Triệu Hằng.
Trương Toại cũng tin giả thuyết này, ông cho rằng hành động trốn tránh kế vị của Nguyên Tá có thể sánh với thánh hiền nhường ngôi thời cổ đại – Thái Bá và Quý Trát.
Tuy nhiên, điều khiến Trương Toại băn khoăn chính là, Thái Tông nhìn thấy con mình như thế, tại sao vẫn tàn nhẫn ác độc như xưa? Bạn biết đấy, ông ấy độc ác bao nhiêu, Nguyên Tá sẽ phải thống khổ bấy nhiêu, cha làm con trả.
Cuối cùng Sở Vương Nguyên Tá bình an sống qua hơn 60 tuổi, chuyện này không thể nói là kết cục trả nghiệp của Sở Vương.
Vậy nên là, tôi đã dựa vào những gì tra được ở phía trên, sau đó ý tưởng tuôn trào….
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...