Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Vào cuối đời Đường thiên hạ đại loạn, giặc giã nổi dậy khắp nơi, dân
tình khổ cực. Sớm thì dân thuộc về nhà Lương, chiều thì dân lại thuộc về nhà Tần, dân chúng chẳng biết theo ai, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ!

Thuở ấy tại núi Tây Nhạc Hoạ có ông Trần Đoàn tức Hi Di tiên sinh ở ẩn trong núi, dày công tu luyện trở nên một vị tiên cao đạo, đức dày.

Hi Di tiên sinh cưỡi lừa đi ngang qua cầu Thiên Hán chợt thấy một đám mây ngũ sắc bay ngang qua. Ông biết ngay điềm lành đem đến cho dân chúng, vội
ngước mặt lên trời nhìn sững hồi lâu rồi buông một chuỗi cười khoái trá
đến nỗi ngã nhào xuống đất lúc nào không hay mà cứ vẫn cười ngặt nghẽo!

Mọi người thấy thế lấy làm lạ xúm lại xung quanh tiên sinh hỏi nguyên do. Ông bảo:

- „Ha, ha…Ai bảo đời này không có vui hiền? Chỉ có một thai mà sinh hạ những hai rồng cơ đấy“.

Mọi người ngơ ngác không hiểu gì cả, nhưng câu nói của tiên ông đầy ý
nghĩa, vì ông biết rằng hiện nay tại dinh Giáo mã của quan Tư đồ Triệu
Hoàng Ân, có phu nhân là Đỗ Thị vừa sinh được một người con trai tên là
Khuông Dẫn. Khuông Dẫn, vốn là Thích Lịch Đại Tiên người của Thiên giới
xuống phàm trần đầu thai nên có hào quang chiếu sáng và mây lành che
chở.

Sau này Trịnh Khuông Dẫn lớn lên, sở trường sử dụng cây roi,
chỉ với hai bàn tay trắng mà thu phục các châu quận, lập nên cơ nghiệp
hơn ba trăm năm, xưng quốc hiệu là Đại Tống, đóng đô tại Biện Lương.

Kể từ khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn mở mang bờ cõi truyền ngôi cho đến đời vua Huy Tông, tổng cộng là tám đời vua (Thái Tổ, Thái Tông, Chân
Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Yết Tông, Thần Tông và Huy Tông).

Vua
Huy Tông vốn là người thượng giới, do Trường Mi Đại Tiên giáng thế nên
tính tình ưa thích những việc thần tiên, xưng hiệu Đạo Quân Hoàng Đế.
Lúc bấy giờ thiên hạ thái bình, nhà nhà an lạc, gươm giáo cất kỹ vào
kho, lại nhờ mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, thiên hạ ấm no.

Thật quả là:

Khải hoàn đất Thuấn trời Nghiêu

Chúng dân no đủ, kinh triều yên vui

Mưa hoà, gió thuận khắp nơi

Chẳng ai còn nhớ tới thời can qua

Chắc ai cũng thừa hiểu bên Tây Trúc là nơi cực lạc. Hôm ấy tại chùa Lôi Âm,
Phật Tổ Như Lai ngự tại Cửu phẩm liên đài, hai bên có bốn vị Đại Bồ Tát, tám vị Đại Kim Cương, năm trăm vị La Hán, ba nghìn vị Yết Đế, cùng chư
vị Hộ pháp thánh thần chầu chực để nghe Phật Tổ giảng du diệu pháp chân
kinh.

Khi giảng đến chỗ tuyệt hay, người ta có cảm tưởng như mùi
hoa thơm bay khắp mọi nơi, chẳng khác châu ngọc gieo vãi khắp cõi hồng
trần.

Trong lúc ai nấy đang chăm chú lãnh giáo, bỗng dưới liên đài
có một vị Tinh quân là sao Nữ Thổ Bức (con dơi cái) chẳng biết vô tình
hay hữu ý, phát ra một tiếng trung tiện (rắm) khá to, tuy vậy, Phật Tổ
Như Lai là bậc đại từ đại bi nên không thèm để ý đến việc vô lễ ấy.
Nhưng trên liên đài có một vị Hộ pháp Thần Kỳ tên là Đại Bàng Kim Sĩ
Minh Vương đôi mắt bỗng ngời lên ánh giận dữ, lòng đầy phẫn nộ. Hộ pháp
không thể tha thứ cho hành động vô lễ của vị Nữ Thổ Bức này được, bèn
quạt cánh bay thẳng xuỗng mổ Nữ Thổ Bức chết tươi, khiến linh hồn nữ
Tinh quân rời khỏi chùa Lôi Âm, bay qua Đông Độ đầu thai, làm con gái gã họ Vương.

Về sau người con gái họ Vương này được gả cho Tần Cối, nên mới có dịp hại kẻ trung lương để trả cái mối thù sâu nặng này.

Chuyện này sẽ nói sau, bây giờ quay lại chuyện tại chùa Lôi Âm, Phật Tổ Như

Lai thấy sự tình như vậy đưa mắt nhìn Đại Bàng Kim Sinh than thở:

- Ngươi đã thọ giáo cùng ta, sao không giữ việc quy y ngũ giới lại hành
động hung ác như vậy? Thế thì ngươi đành phải trải qua một giai đoạn
nhân quả, nghĩa là ngươi phải xuống hồng trần để trả cho xong cái oan
trái ấy, rồi mãn kiếp lại tiếp tục tu hành cho thành chánh quả.

Đại Bàng Kim Sinh cúi đầu vâng pháp chỉ bay vọt ra khỏi chùa Lôi Âm bay thẳng qua Đông Độ đầu thai.

Nói về việc tu hành của Trần Đoàn tiên sinh. Ông chỉ có ngủ mà rốt cuộc thành tiên, nên người thế gian thường nói:

“Trần Đoàn nhất hốt khốn thiên niên”.

Ngày kia tiên sinh đang ngủ tại giường mây, hai tiểu đồng của ông là Thanh Phong và Minh Nguyệt bàn với nhau:

- Thầy ta đã ngủ rồi, biết chừng nào thầy ta dậy? Chi bằng chúng tar a núi dạo chơi một chập cho vui.

Rồi cả hai đằng vân ra đi dạo qua không biết bao nhiêu là cụm núi, hưởng thú nước Nhược non Bồng.

Khi hai người đến Bàn Xà Thạch bỗng thấy một bàn cờ, Thanh Phong như nhớ lại việc gì liền hỏi Minh Nguyệt:

- Sư đệ, còn nhớ ai đánh cờ ở chỗ này không?

Minh Nguyệt đáp:

- Tôi còn nhớ năm ấy có Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn đi Quảng Tây, băng
ngang qua đường này, sư phụ ta thấy thế vội hô phong nổi lên một trận
gió rước người lên núi đánh cờ, thắng cờ, người được hai trăm lượng bạc
rồi ép Thái Tổ làm giấy bán đứt núi Hoạ Sơn này. Trong lúc ấy có Tiểu
Thanh Long là Sài Vinh và Ngoạ Hồ Tinh là Trịnh Ân cùng đứng ra làm
chứng. Về sau Triệu Khuông Dẫn lên ngôi báu, sư phụ ta mang văn khổ ấy
xuống kinh đô chúc mừng và yêu cầu cho dãy núi này từ nay về sau không
phải đóng thuế cho nên bàn cờ tàn này đến nay vẫn còn.

Thanh Phong gật đầu khen:

- Sư đệ nhớ dai thật, thôi bây giờ đang lúc rảnh rỗi, chúng ta hãy cùng đánh cờ chơi cho khuây khoả.

Hai người ngồi xuống vừa sắp cờ xong, bỗng nghe trên chín tầng không có
tiếng ồn ào vang động. Cả hai ngửa mặt lên trời trông thấy phía Tây Bắc
có hắc khí kéo đầy trời bay thẳng qua hướng Đông Nam.

Thanh Phong biến sắc mặt bảo:

- Nguy tai! Tôi sợ trời nghiêng đất sụp rồi sư đệ ơi!

Rồi cả hai vội vã chạy thẳng về, vừa vào đến sân đã quỳ xuống kêu lớn:

- Thầy ôi! Hãy thức dậy ngay, vì hình như trời nghiêng đất sụp rồi thầy ạ!

Hi Di tiên sinh đang ngủ ngon lành bỗng nghe hai đồ đệ gọi thất thanh,
giật mình thức dậy chạy ra ngoài động, ngửa mặt nhìn lên trời xem mây và bảo:

- Đám mây quả là điềm dữ, kẻ trần gian sẽ không tránh khỏi vận sát kiếp.

Thanh Phong và Minh Nguyệt thấy thầy ra vẻ lo âu vội chắp tay thưa:

- Tại sao có điềm dữ dằn như vậy xin thầy giải thích cho chúng con việc
nhân quả ra làm sao, vì chúng con còn mê muội chưa thấu rõ.

Tiên sinh trầm giọng nói:

- Hai người tu hành còn ít ỏi, hiểu sao cho nổi, để ta giải thích cho mà nghe.


Ngừng lại giây lát, lão tổ bắt đầu kể:

- Nguyên trong lúc Tết Nguyên đán, vua Huy Tông làm lễ tế Nam Giao có
viết sớ tâu cùng Ngọc Hoàng. Khi viết đến “Ngọc Hoàng Đại Đế”, thay vì
chấm chữ Ngọc mà chấm lầm ở chữ Đại, cho nên trở thành bốn chữ “Vương
Hoàng Khuyển đế”. Vì vậy khi đọc sớ, Ngọc Hoàng thấy vậy giận lắm phán
bảo:

- “Vương Hoàng khả khứ, khuyển đế nan nhiêu”.

Ngài liền
sai Xích Tu Long (tức rồng râu đỏ) xuống trần đầu thai nơi Bắc Địa, tại
Nữ Chân Quốc, phù Hoàng Long để sau này đánh phá bờ cõi Trung Nguyên,
phá tan giang sơn nhà Tống làm cho dân tình khốn khổ.

Hai tiên đồng lại hỏi:

- Thưa thầy, nếu vậy hắc khí xông lên đầy trời ấy là Xích Tu Long đi đầu thai đó sao?

Lão Tổ lắc đầu đáp:

- Không phải thế đâu, đó là Phật Tổ Như Lai vì sợ con Xích Tu Long xuống
trần thế không ai trừ nổi nên vội sai Đại Bàng Điểu xuống để giữ gìn
giang san nhà Tống cho đủ mười tám đời vua.

Nói đến đây, Hi Di tiên sinh giơ tay chỉ lên trời nói:

- Con Đại Bàng Điểu đã bay gần tới kia kìa, hai đứa bay hãy coi sóc trong động, để ta theo dõi xem hắn đầu thai tại xứ nào cho biết.

Dứt lời tiên sinh vội đạp tường vân bay theo Đại Bàng Điểu thì thấy nó sà xuống sông Hoàng Hà chín khúc.

Hoàng Hà chín khúc là con sông chạy quanh co ước chừng đến chín nghìn dặm.
Thuở trước đời Đông Tấn có ông Hứa Chân Quân chém chết con giao long ở
đấy, nên sau con giao long này hoá ra một vị tú tài cải tên là Thuận
Lang, vào làm rể ông Cổ Thứ Sử ở đất Trường Sa. Về sau bị ông Hứa Chân
Quân bắt được cột hắn tại cây đại thọ gần cái giếng phía Nam thuộc về
tỉnh Giang Tây. Vợ hắn là nàng Cổ thị sau đi tu tại núi Ô Long, sanh
đặng ba đứa con. Ông Hứa Chân Quân chém chết hai đứa, còn đứa thứ ba
thoát khỏi, chạy xuống mé sông Hoàng Hà, về sau tu hành đắc đạo tự xưng
là Thiết Bối Cù Vương.

Ở đây, con Thiết Bối thường thường hoá ra
một bạch y Tú Sĩ tập trung loài tôm cá huấn luyện thành binh tướng lập
nên trận đồ gần bên chân núi.

Vì vậy, khi Đại Bàng Điểu vừa bay đến chợt trông thấy đã biết ngay là yêu quái. Đại Bàng Điểu đáp xuống mổ
một cái thật mạnh trúng con mắt phía bên phải văng tròng mắt ra, máu
chảy đầm đìa. Con Thiết Bối đau quá, hét lên thảm thiết, rồi chạy lùi
xuống tận đáy sông Hoàng Hà trốn tránh. Còn lũ binh tôm tướng trạch thấy thế cũng cả kinh chạy trốn không dám ho hoe, chỉ riêng có một tên là
Đoàn Ngư Tinh tính khí ương ngạnh, ỷ mình có sức mạnh chẳng biết sợ ai.
Hắn vung cặp song ngạc sáng ngời nhìn Đại Bàng Điểu quát to như sấm nổ:

- Yêu quái kia, ngươi ở đâu dám đến đây hành hung như vậy?

Hắn vừa nói dứt câu đã bị Đại Bàng Điểu mổ một cái trúng ngay giữa đỉnh đầu chết không kịp ngáp. Linh hồn nó bay thẳng qua Đông Độ đầu thai, sau
hắn là Vạn Sĩ Hoa, mưu hại Nhạc Phi trong ngục ở Phong Ba đình để trả
mối hận thù ấy.

Nhưng đây là việc về sau, bây giờ xin nhắc đến chuyện ông Trần Đoàn xem thấy sự tình vội thở dài than:

- Than ôi! Nghiệt súc đã bị đày xuống phàm trần mà còn hung hãn như vậy

thì chắc chắn oan oan sẽ tương báo chẳng biết chừng nào cho xong.

Than xong lão tổ nương mình nương theo vầng mây bạc tiến sát Đại Bàng Điểu.

Khi Đại Bàng bay đến tỉnh Hà Nam phủ Tương Châu, liền xà cánh xuống đậu
trên nóc nhà kia, rồi chỉ một lát sau không tìm thấy bóng Đại Bàng Điểu
đâu nữa. Trần Đoàn bèn hoá ra một nhà sư, tay cầm gậy vào nhà hỏi thăm,
mới hay nhà này là một Viên ngoại họ Nhạc tên Hoà, vợ là Diêu An Nhân,
tuổi đã bốn mươi vừa sinh được một mụn con trai, bọn tôi tớ trong nhà
chạy ra báo hỉ mừng rỡ vô cùng, còn ông Nhạc Hoà nay đã năm mươi tuổi
mới được một mụn con trai nên càng vui mừng hơn nữa, ông ta thắp nhang
khấn vái tạ ơn trời đất tứ phương.

Khi Trần Đoàn hoá thân thành nhà sư già vào đến trước cửa vừa trông thấy người lão bộc, vội cúi đầu xá một vái rồi nói:

- Tôi là kẻ tu hành, đi lỡ đường bụng đói, đến cầu một bữa cơm chay, xin người làm phúc.

Người lão bộc chắt lưỡi than thở:

- Thật rủi cho hoà thượng quá. Nhà viên ngoại của tôi xưa nay thường hay
làm phúc, dù cho đôi mươi người lỡ bước như hoà thượng đến đây cũng sẵn
sang giúp đỡ tận tình, ngặt vì hôm nay bà chủ tôi mới sinh con nên bếp
núc không được tinh khiết, vậy xin lão sư phụ đến nhà khác.

Trần Đoàn Lão tổ lại nói:

- Tôi là khách từ phương xa tới đây, cũng còn chút việc cần muốn gặp gia chủ, nhờ ông vào nói hộ, không biết có được chăng?

- Thế thì lão sư phụ hãy ngồi đây chờ tôi một lát để tôi vào thưa với Viên ngoại xem sao.

Người lão bộc vội vã chạy vào nhà chắp tay thưa cùng Viên ngoại:

- Có một nhà sư vào nhà mình xin một bữa cơm chay.

Viên ngoại cau mày bảo:

- Ông đã có tuổi mà sao không hiểu biết gì cả vậy? Hôm nay trong nhà ta
sinh sản uế tạp, còn người ta là nhà tu hành nếu để cho người ta mất sự
tinh khiết có phải tội ấy nhà mình phải mang với trời phật không?

Người lão bộc chạy ra thuật lại lời của Viên ngoại, Trần Đoàn thản nhiên bảo:

- Ông làm ơn thưa lại với Viên ngoại rằng, việc ấy không can chi, nếu có tội lỗi chỉ tôi xin hứng chịu.

Lão bộc lại trở vào phân trần cùng Viên ngoại lần nữa, Viên ngoại bảo:

- Không phải tôi tiếc một bữa cơm chay, nhưng vì tôi thấy việc bất tiện nên mới từ chối.

Người lão bộc khẩn khoản:

- Xin Viên ngoại hãy xem xét lại, vì chỗ này là nơi hoang thôn dã địa
không có quán xá gì thì người ta biết tìm nơi nào mà lót dạ? Hơn nữa lời xưa có nói: “xuất tiểu bất toa tội” thì Viên ngoại đã làm phúc chẳng lẽ lại mang tội sao?

Suy nghĩ hồi lâu, Viên ngoại gật đầu bảo:

- Ngươi nói có lý lắm, thôi hãy ra mời người ta vào đây.

Người lão bộc mừng rỡ chạy ra nắm tay nhà sư dắt vào nhà trong. Viên ngoại
trông thấy Trần Đoàn Lão Tổ râu tóc bạc phơ, dung mạo cốt cách khác
người phàm, liền bước ra tiếp đón một cách lễ phép.

Sau khi an toạ, Viên ngoại lên tiếng:

- Chẳng phải tôi muốn chối từ, xong chỉ vì tôi quá ngại ngùng về việc vợ
tôi mới sinh sản chỉ sợ làm phiền các vị tu hành đó thôi.

Trần Đoàn Lão Tổ cười xoà nói:

- Phàm làm việc lành tuy không ai rõ, nhưng trời đất thì biết ngay. Chẳng hay Viên ngoại tên họ là chi?

Nhạc Hoà đáp:

- Tôi họ Nhạc tên Hòa, ông bà tôi tự bao đời nay vẫn ở xứ Tương Châu này, nơi đây là xóm Hiếu Đễ, làng Vĩnh Hoà. Chỉ vì tôi có ít mẫu đất cùng
chút đỉnh sản nghiệp nên người ta gọi tôi là Viên ngoại đó thôi, còn

tính danh của hoà thượng là gì? Hiện tu ở chùa nào xin cho tôi biết với.

Trần Đoàn Lão Tổ nói:

- Tôi biệt hiệu là Hi Di tiên sinh
thường tiêu dao khắp bốn bể, nay tình cờ đến đây gặp trong nhà có việc
sinh sản thì cũng là cái duyên hiếm có đấy, chẳng hay Viên ngoại có vui
lòng bồng thằng bé mới lọt lòng ấy ra đây cho tôi xem thử, như rủi có
yêu ma quấy phá, tôi sẽ có cách ếm giúp giùm cho.

Nhạc Hoà lấy làm vui mừng, nhưng lại tỏ vẻ ngại ngùng:

- Nếu được như vậy thì còn gì quý hoá cho bằng. Song tôi chỉ ngại uế tạp
có thể xâm phạm đến đấng tam quan thì cả tôi lẫn hoà thượng đều mang tội đấy chứ chẳng phải chơi đâu.

Lão Tổ lắc đầu:

- Không hề chi đâu, chỉ cần lấy dù che cho nó thì không can gì cả.

- Thế thì hay lắm, vậy hoà thượng hãy ngồi đây để tôi vào nói với vợ tôi đã.

Nhạc Hoà liền gọi gia đinh bảo soạn một mâm cơm chay cho tử tế, đoạn vào nhà trong hỏi bà An Nhân:

- Mẹ con có được mạnh giỏi không?

Bà ta đáp:

- Nhờ ơn Trời Phật phù hộ, mẹ con tôi vẫn mạnh giỏi vô sự, ông xem thằng bé con chúng ta ra thế nào?

Viên ngoại bồng thằng bé vào trong lòng âu yếm rồi bảo vợ:

- Có một nhà sư đến cầu chay, tu hành đã lâu năm biết phép ếm trừ ma
quái, ông ta có bảo bồng thằng bé ra cho ông xem nếu có bề gì ông ta sẽ
ếm trừ giùm cho.

Bà An Nhân khoả tay:

- Sợ e con mình chưa được sạch sẽ có thể mắc tội với trời phật đấy.

- Tôi cũng đã tỏ ý kiến ấy rồi nhưng ông ta bảo chỉ cần lấy dù che cho nó rồi bồng ra thì không can gì cả.

Bà An Nhân nghe nói mừng rỡ vội gọi gia đinh đem dù vào che cho đứa bé rồi trao cho Viên ngoại bồng ra nhà ngoài.

Lão Tổ trông thấy tướng mạo đứa bé tỏ lời khen ngợi và hỏi:

- Đã đặt tên cho nó chưa?

- Cháu mới sinh còn chưa kịp đặt tên.

- Vậy thì tôi đặt tên nó giùm cho, ông có bằng lòng không?

Nhạc Hoà gật đầu tỏ ý hài lòng:

- Được lão đặt tên cho nó thì còn gì hân hạnh cho bằng.

Lão Tổ nói:

- Tôi xem tướng mạo của nó khá khôi ngô, chắc chắn sau này lớn lên sẽ
“viễn cử cao phi vạn lý”, nên tôi muốn đặt tên nó là Phi tự là Bàng Cử,
chẳng biết Viên ngoại có bằng lòng không?

Nhạc Hoà tạ ơn rối rít ra vẻ vui mừng khôn xiết.

Sau đó Lão Tổ sợ ở đây gió máy nên bảo Viên ngoại bồng đứa bé trả lại cho mẹ nó.

Cơm chay đã dọn lên, Viên ngoại đứng dậy mời Lão Tổ, Lão Tổ lại nói:

- Hiện tôi có người đồng đạo cùng đi, cũng cầu chay như tôi, người ấy có
bảo rằng: “Nếu có vị thí chủ nào hảo tâm thì phải tin cho nhau biết để
cùng hưởng, để tôi đi tìm kiếm mới được!”

Dứt lời Lão Tổ từ từ bước ra khỏi nhà, Viên ngoại nối gót tiễn chân và dặn:

- Nếu tìm thấy vị đồng đạo đó, xin sư phụ sớm quay lại đây kẻo tôi mong.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui