Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang


Đấy là những chữ ảo thuật, người ta có thể gọi lên ma quỷ với tất cả những chữ ấy. A! Đối với việc làm tiến triển khoa học, thì chúng không có lợi gì. Trí tuệ chỉ thích những gì cố định, những gì có hình dáng, khoa học muốn tin vào những dấu hiệu của mình thích cái gì đang hiện hữu, không thích cái gì đang trở thành; thích cái thực, không thích cái khả hữu. Nó không thể chịu được rằng một chữ omêga lại trở thành một con rắn hay một con chim. Trí tuệ không thể sống trong thiên nhiên như là cái ngược lại với mình. Bây giờ em đã tin tôi chưa, khi tôi bảo em rằng em sẽ không bao giờ trở nên một nhà bác học?
Dĩ nhiên Đan Thanh tin chàng từ lâu, về điểm ấy cậu đồng ý.
Em không còn chút nào muốn khăng khăng theo đuổi trí tuệ của anh - Đan Thanh vừa nói vừa cười nửa miệng - về trí tuệ và học thuật cũng như về cha em, em nghĩ em đã yêu người nhiều và giống người; tất cả những gì người nói đối với em đều đã là thánh ngôn. Nhưng vừa khi mẹ em hiện diện trong em trở lại thì em bắt đầu biết được tình yêu là gì và bên cạnh hình ảnh bà, hình ảnh của cha em bỗng nhiên trở thành hèn hạ quạu quọ và hầu như khó cảm. Và bây giờ em có khuynh hướng xem mọi sự thuộc về tri thức như là thuộc phạm vi người cha, không có ý nghĩa của người mẹ, thù nghịch với hồn mẹ, và em hơi coi khinh nó.
Đan Thanh nói đùa nhưng không xua đuổi được nét buồn trên gương mặt bạn. Huyền Minh yên lặng nhìn bạn và tia nhìn của chàng như một sự âu yếm vỗ về. Đoạn chàng nói:
Tôi hiểu em lắm, chúng ta không còn gì để bàn cãi nữa, em đã thức tỉnh và em đã nhận thấy rằng; chúng ta khác hẳn nhau, cái khác biệt giữa những người thuộc dòng giống người cha và những người thuộc về bên mẹ, khác biệt giữa tâm hồn và trí tuệ. Và chẳng còn bao lâu nữa em cũng sẽ thấy rằng cuộc sống của em ở tu viện và nguồn hứng khởi của em đối với đời tu sĩ chính là một sai lầm, một bịa đặt của phụ thân em khi người muốn nhờ đó mà tẩy rửa tội lỗi ký ức về thân mẫu em, hoặc có lẽ để trả thù bà. Hay em còn tưởng rằng định mệnh của em là ở lại suốt đời trong tu viện?
Đan Thanh đầy trầm tư ngắm nhìn hai bàn tay bạn, những bàn tay thanh tú vừa khắc khổ vừa mềm mại, gầy và trắng. Không ai có thể hoài nghi đấy là những bàn tay của một nhà khổ hạnh, một người uyên bác.

Em không biết - Đan Thanh nói với giọng thanh như hát, hơi ngập ngừng, vừa kéo dài mỗi âm thanh, cách chàng thường nói trong ít lâu nay - Quả tình là em không biết. Anh phán đoán cha em hơi quá nghiêm khắc. Ông đã không sống một cách dễ dàng. Nhưng có lẽ anh cũng có lý về điểm ấy nữa. Bây giờ là đã ba năm em học ở trường của tu viện, và ông không đến thăm em một lần nào. Ông hy vọng em sẽ ở lại đây mãi mãi. Đấy cũng có lẽ là giải pháp tốt nhất, không phải là em luôn luôn ao ước điều ấy hay sao? Tuy nhiên hôm nay em không còn biết chắc chắn thực tình em ao ước gì, em muốn gì. Ngày xưa mọi sự đều giản dị như những mẫu tự. Bây giờ không còn gì đơn giản nữa, ngay cả những mẫu tự. Mọi sự đều mang muôn ngàn ý nghĩa muôn ngàn dáng mặt. Em không biết em sẽ thành cái gì; đấy là những điều mà bây giờ em không thể nghĩ đến.
Em cũng không nên nghĩ đến nữa - Huyền Minh nói - Rồi chúng ta sẽ rõ con đường của em dẫn em đi đâu.
Nó đã khởi Sự bằng cách dẫn em về lại với mẹ em, và nó sẽ còn đưa em lại gần bà hơn nữa. về những gì liên hệ đến thân phụ em, tôi không xét đoán quá khắc nghiệt đâu. Em có muốn trở về bên ông không?
Ồ không! Đan Thanh kêu lớn. Không phải trong những điều kiện như thế mà chúng ta đã trở thành bạn! Một tình bạn sẽ ra sao nếu sau một giai đoạn ngắn ngủi nó đã đạt đến mục đích của nó và chỉ còn chờ chấm dứt? Anh đã chán em rồi sao? Có phải là anh không thể chịu đựng em được nữa chăng?
Huyền Minh nóng nảy đi đi lại lại, mắt nhìn chằm chặp xuống đất, rồi đứng dừng trước bạn:
Im đi, chàng nói, em cũng biết là tôi luôn luôn yêu thích tình bạn của chúng ta.
Chàng nhìn bạn với đôi mắt do dự, lại bước đi, lại dừng, và từ khuôn mặt khô gầy của chàng một tia nhìn chắc chắn hạ trên Đan Thanh. Bằng một giọng nhỏ nhưng rắn rỏi và quả quyết chàng bảo:

Nghe này Đan Thanh, tình bạn chúng ta rất tốt, nó có một mục đích và đã đạt được, ấy là nó đã thức tỉnh em. Tôi hy vọng rằng nó chưa chấm dứt, tôi hy vọng nó sẽ mãi mãi không ngừng và đưa đến những mục đích mới. Bây giờ ta chưa thấy có mục đích nào mới cả. Mục đích của em thì bất định, tôi không thể dẫn dắt em đến đấy, cũng không thể đi theo em. Em hãy hỏi mẹ em đi, hãy hỏi hình ảnh bà và lắng nghe. Còn mục đích của tôi thì không bất định. Nó ở đây, nơi tu viện, nó gọi tôi từng giờ. Tôi có quyền làm bạn em, nhưng tôi không có quyền yêu thương. Tôi là tu sĩ, tôi đã tuyên thệ. Trước khi thụ giới tôi sẽ xin thôi nhiệm vụ dạy dỗ và ở riêng một mình trong nhiều tuần để chay lòng và để làm những sự tập luyện của sự kính tín. Trong thời gian ấy tôi sẽ không có một cuộc đàm thoại phàm trần nào, ngay cả với em.
Đan Thanh hiểu, buồn bã nói:
Ra thế, anh sắp làm những gì mà em cũng sẽ làm nếu em gia nhập đoàn thể tu sĩ vĩnh viễn. Và khi anh đã xong những luyện tập, khi anh đã nhịn đói, cầu nguyện và thức đêm Vừa đủ, khi ấy mục đích của anh là gì?
- Em đã biết, Huyền Minh nói.
- Quả thế. Trong vài năm nữa anh sẽ là giáo sư có chức phận, có lẽ sẽ là hiệu trưởng trường. Anh sẻ cải thiện nền giáo dục, khuếch trương thư viện. Có lẽ anh sẽ viết sách chăng? Không? Thế thì anh không viết. Nhưng mục đích của anh sẽ là gì?
Huyền Minh hơi mỉm cười.

- Mục đích? Có lẽ tôi sẽ chết với chức hiệu trưởng trường hay tu viện trưởng hay chủ giáo, điều ấy không quan trọng. Mục đích là tự đặt mình vào chỗ mà tôi có thể phụng sự đắc lực nhất, nơi mà thiên tính tôi, tính chất và năng khiếu tôi sẽ tìm thấy môi trường thích hợp nhất, môi trường hoạt động rộng rãi nhất. Không có mục đích nào khác hơn thế.
Đan Thanh:
- Không có mục đích nào khác cho một thầy dòng?
Huyền Minh:
- Ồ có chứ! Những mục đích thì không thiếu. Có thể mục đích của đời một tu sĩ là học tiếng Hébreu, phê bình Aristote, hay trang hoàng nhà thờ của một tu viện, hay tự giam mình vào suy tư, hay làm một chuyện khác. Đối với tôi đấy không phải là những mục đích. Tôi không muốn tăng thêm tài sản của tu viện, cũng không muốn cải tổ đoàn thể hay giáo hội. Tôi muốn phụng sự tâm linh trong giới hạn mà tôi có thể làm như tôi hiểu. Đấy không phải là một mục đích sao?
Rất lâu Đan Thanh suy nghĩ trước khi trả lời.
Anh có lý - chàng nói - Em có là một phiền phức lớn trong bước đường của anh đến mục đích không?
Một phiền phức! ồ Đan Thanh! Không ai giúp tôi nhiều hơn em. Em đã tạo cho tôi những khó khăn, nhưng tôi không phải là kẻ thù của những khó khăn. Chúng đã dạy tôi rất nhiều, tôi đã vượt được một phần những khó khăn ấy.

Đan Thanh ngắt lời bạn, vừa nói vừa cười nhạo:
- Anh đã vượt chúng một cách tuyệt diệu! Nhưng hãy nói em nghe, trong khi giúp em, dẫn dắt em, giải thoát cho em, trong khi đem lại sự lành mạnh cho linh hồn em, có phải đích thực là anh đã phụng sự linh hồn không? Như thế có lẽ anh đã làm mất đi của tu viện một kẻ tân tòng đầy nhiệt tình và thiện chí và có lẽ anh đã gây dựng cho linh hồn một đối thủ, một người sẽ làm, sẽ tin, sẽ theo đuổi ngay cái ngược lại những gì mà anh cho là tốt!
Sao lại không? Huyền Minh nói với vẻ cực kỳ nghiêm trọng. Bạn ơi! Em vẫn còn hiểu tôi ít thế sao? Có thể tôi đã bóp tắt trong em một tu sĩ tương lai và tôi đã mở ra cho em con đường đi đến một số phận phi thường. Ngay cả nếu ngày mai em phóng hỏa đốt cả tu viện đẹp đẽ của chúng ta và đi khắp thế giới rao truyền một điều tà tín điên rồ nào đó, tôi cũng sẽ không hối hận một giây nào về việc đã giúp em tìm thấy con đường riêng em. Chàng thân mật đặt hai bàn tay trên vai bạn.
- Này nữa hỡi Đan Thanh nhỏ bé của tôi, đây là một điều thích hợp với mục đích của tôi. Dù tôi là tu viện trưởng, giáo sư, thầy tẩy tội hay gì đi nữa, tôi sẽ không bao giờ muốn có cơ hội gặp một người có giá trị, đây năng lực và độc đáo, mà không thể hiểu họ, giúp họ tự khai triển và đi thẳng tới trước. Và tôi nói cho em rõ điều này: dù có gì xảy đến cho em hay cho tôi, dù cả hai chúng ta sẽ thành thế này hay thế khác, em sẽ không bao giờ, ngay khi em gọi tôi một cách nghiêm trọng, và khi em nghĩ là em cần đến tôi, em sẽ không bao giờ thấy tôi làm ngơ trước tiếng gọi của em, không bao giờ.
Câu ấy nghe như một lời từ biệt và quả thế, đấy là tiền vị của một cuộc từ biệt. Khi đứng trước mặt bạn, khi ngắm nhìn vẻ cương quyết của bạn mắt chú mục vào mục đích mình, Đan Thanh cảm thấy không còn sai lầm gì nữa, rằng họ không còn là anh em bạn hữu, ngang hàng nhau, mà con đường của họ đã tách đôi. Con người đang đứng trước chàng không phải là một người mơ mộng, không phải đang chờ đợi tiếng gọi của định mệnh; đấy là một thầy tu, chàng đã dấn thân, chàng đã hiến mình cho một đoàn thể rõ rệt và một bổn phận, chàng là một bề tôi, một tên lính của đoàn thể tu sĩ, của giáo hội, của linh hồn. Còn Đan Thanh, hôm nay điều này đã trở nên rõ ràng đối với chàng ở đây thật không nhằm chỗ, không có quê hương; một thế giới xa lạ đang chờ đợi chàng. Ngày xưa mẹ chàng cũng đã như thế. Bà đã lìa bỏ nhà và tổ ấm, chồng và con, cuộc đời cộng đồng và trật tự xã hội, bổn phận và danh dự, để ra đi vào một nơi xa lạ chắc chắn bà đã tàn tạ từ lâu. Bà không có một mục đích nào, cũng như Đan Thanh hôm nay không có mục đích nào. Có những mục đích, chuyện ấy để dành cho người khác, cho chàng thì không. Ồ, Huyền Minh đã thấy điều ấy từ lâu biết bao; chàng có lý biết bao! ít lâu sau ngày đó, có thể bảo Huyền Minh đã biến mất. Dường như chàng trở nên vô hình. Một thầy khác cho bài, bục của chàng ở thư viện trống rỗng. Chàng vẫn còn đó, chàng không hoàn toàn mất tăm dạng, người ta có thể thấy chàng đi bách bộ trong sân đi dạo, người ta có thể nghe chàng thỉnh thoảng thầm thì những lời kinh trong một nhà nguyện, quỳ gối trên những bực đá. Người ta biết chàng đã bắt đầu cuộc cấm phòng vĩ đại, rằng chàng nhịn đói và thức dậy mỗi đêm ba lần để làm những luyện tập của sự kính tín. Chàng vẫn còn đó nhưng lại đã qua một thế giới khác. Người ta có thể thấy chàng rất hiếm nhưng không thể đến nơi chàng, không có gì chung với chàng, không thể nói chuyện với chàng. Đan Thanh rõ biết chàng sẽ lại xuất hiện, lại chiếm bục của chàng, ghế chàng nơi nhà ăn, chàng lại nói nhưng Huyền Minh của ngày qua không trở lại nữa. Huyền Minh không thuộc về chàng nữa. Khi nghĩ đến điều ấy Đan Thanh hiểu rõ rằng chính Huyền Minh là người duy nhất đã làm cho chàng yêu thích và mến chuộng tu viện và cuộc đời tu sĩ, văn phạm và luận lý, sự học và tư duy. Gương của Huyền Minh lôi cuốn chàng, lý tưởng của chàng ngày xưa là được như Huyền Minh. Dĩ nhiên vị tu viện trưởng vẫn còn đấy, chàng vẫn kính phục người, yêu mến người và tìm thấy ở người một gương mẫu cao quý. Nhưng những thứ khác, những thầy giáo, sư huynh, nhà ngủ, chỗ ăn, trường học, bài làm, khóa lễ, tất cả tu viện sẽ không còn mãnh lực lôi cuốn chàng nếu thiếu Huyền Minh. Chàng còn làm gì ở đây? Đan Thanh chờ đợi. Chàng ở lại dưới mái tu viện như một người lữ khách bất định, đang trú ẩn trong trận mưa rào dưới một mái nhà hay một tàng cây, chỉ để chờ đợi, chỉ như một người khách, chỉ vì sợ hãi những phũ phàng của thế giới xa lạ.
Cuộc sống của Đan Thanh, lúc ấy chỉ còn là đợi chờ và từ biệt. Chàng đi thăm lại tất cả những nơi chàng yêu thích hoặc đã có một ý nghĩa trong đời chàng. Chàng ngạc nhiên nhận thấy rằng ở đấy có rất ít người và hình ảnh mà chàng sẽ nhọc lòng khi chia tay. Có Huyền Minh và vị tu viện trưởng già Từ Vân và cả cha An ấy, và có lẽ thêm thầy thủ môn tử tế với người láng giềng tốt của cậu, ông chủ nhà xay. Nhưng những người ấy, chính họ cũng gần như đã mất hết mọi thực hữu. Khổ tâm hơn có lẽ là sự từ biệt với tượng thánh mẫu lớn bằng đá của nhà thờ, với những vị thánh thờ ở cổng chính. Rất lâu chàng đứng trước những pho tượng ấy, trước những hình điêu khắc đẹp đẽ của chỗ hát thánh ca, trước máy nước của đường đi dạo, trước cột trụ có ba đầu thú vật, chàng đứng dựa lưng vào những cây Điền- mã, cây dẻ. Tất cả thứ ấy một ngày kia đối với chàng sẽ là một kỷ niệm, một quyển sách hình, đóng kín trong lòng chàng. Ngay bây giờ, trong khi chàng còn sống giữa những vật ấy, chúng đã bắt đầu tuột khỏi chàng, mất hết tính cách thực hữu, lung linh như những hồn ma dĩ vãng. Cùng với cha An người thân thiết với chàng, Đan Thanh đi hái những cây cỏ thuốc, đến người thợ xay của thư viện, chàng nhìn những người bồi làm việc và thỉnh thoảng uống một cốc rượu họ mời và ăn cá chiên, nhưng chàng vẫn cứ xa lạ với tất cả mọi thứ ấy, chỉ còn nhìn chúng như những kỷ niệm, cũng như bạn chàng. Huyền Minh dưới mắt chàng chỉ còn là một chiếc bóng đang sống trong giáo đường; và trong phòng kín, mọi sự vật xung quanh cũng mất hết thực tại của chúng, tất cả đều gợi lên mùa thu, mùa của những gì đi qua và tan biến. Điều duy nhất vẫn thực hữu và hoạt động, ấy là cuộc đời ở tận tâm khảm chàng. Những nhịp đập khắc khoải của tim, mũi kim đau đớn của dục vọng, niềm hoan lạc và nỗi xao xuyến của những giấc mơ. Chàng đang sống hết mình cho những giấc mơ ấy, những khắc khoải xao xuyến ấy. Ngay giữa lúc học và đọc, đôi khi chàng đã đắm chìm trong tư tưởng và quên hết, chỉ buông trôi mình theo những dòng thác lũ và tiếng nói của đời sống bên trong đang kéo lôi chàng vào những giếng sâu đầy những hòa tấu buồn ủ trong những vực thẳm nhiều màu sắc đầy những phiêu lưu thần tiên có muôn ngàn âm vang đều là dư âm của mẹ chàng và muôn nghìn đôi mắt đều là đôi mắt của mẹ chàng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui