Sống ở cái đất làng Phên, trai gái đến độ lấy vợ gả chồng ai cũng phải biết đến nàng Siêng nhà Lục Cửu. Ông bà nhà đoản mệnh mất sớm, để lại chị em nàng côi cút bao bọc lấy nhau, sống đến nay cũng phải được sáu bảy năm. Mà quản chuyện nhà một tay nàng lo toan hết, từ chuyện phường dệt của mẹ cho đến thửa ruộng cấy dở của cha, dẫu có khó khăn thế nào mảnh đất tổ tiên vẫn còn nguyên vẹn.
Ai cũng khen nàng có tài, trai tráng thì mong nàng làm vợ, các bà đã có tuổi thì lại muốn nàng làm con dâu. Thân gái một mình mà lo ngần ấy chuyện thì đảm không kể sao cho xiết, nhưng khốn nỗi trời thường ghen cái hồng nhan, để cho nàng đụng phải ông bá làng, đến nay đã lỡ thì mà vẫn chẳng có một mối nên thân.
Siêng có ba người em, hai gái một trai, đứa nào đứa nấy cũng đều khôn ngoan lanh lợi cả. Thằng Hến là đứa chui ra thứ hai, mặt mũi khôi ngô có nét của cậu chàng biết chữ nghĩa, dẫu lầm lì ít nói nhưng vẫn luôn được yêu thích trong làng. Mấy đứa con gái thường kể với nhau, đáy mắt Hến chứa tình, mà cái má lúm đồng tiền trên gương mặt thư sinh lại càng thêm duyên.
Đứa tiếp theo là cái Sen, nhỏ người mà đanh đá ngoa ngoắt có tiếng. Nó mới lên mười ba mà đã đối đáp chỏn lỏn chẳng chịu thua ai. Có tức cũng chẳng làm được gì, vì nó đúng, nếu không đúng nó cũng bẻ lại thành đúng. Thế là chẳng ai dám động đến con này, ít bạn nó cũng kệ, vốn chẳng ảnh hưởng đến sự kiêu hãnh của kẻ sở hữu cái yếm đỏ duy nhất trong xóm.
Con bé nhỏ người nhất nhà tên Thắm, trông dáng vẻ còi cọc nhỏ con nhưng sức lại bằng ba gã trai lực điền. Chả hiểu nó thuộc cái giống gì mà khoẻ, ăn khoẻ mà làm cũng khoẻ, chẳng mấy khi đã kéo được cả cày, gặt được gấp rưỡi người lớn. Nuôi con Thắm hơi tốn cơm một tí nhưng được cái việc nặng trong nhà đều một tay nó làm hết, nên thành thử có con bé như có con trâu tốt trong nhà.
Bốn chị em mỗi người một vẻ, cùng nhau nương tựa lẫn nhau, sống êm ấm hoà thuận không mấy khi xung đột bất hoà.
Nhưng lạ nỗi, lũ em không hiểu sao lại chẳng muốn chị gả đi, cứ có kẻ nào lại gần là nhăm nhe ra bảo vệ như gà mái bọc con. Người làng đều khó hiểu, nhưng người ta chậc miệng, chắc chúng nó còn nhỏ muốn giành chị cho riêng mình. Mọi mối lương duyên của chị nó đều bị chúng phá nát từ khi mới chớm, dần dà, chẳng ai đoái hoài gì đến nàng nữa.
Từ đấy người ta gặp nàng là hát luôn câu.
"Nhà em có đàn sầu riêng
Đằng ngoài gai góc, đằng chiêng ngọt bùi
Ai ơi muốn lựa lấy cùi
Phải tróc hết vỏ, vặt trụi hết gai."
Cũng như ý hiểu ngầm rằng, muốn tiếp cận nàng, thì phải qua được ải lũ em đã. Bị trêu riết, lâu rồi nàng cũng đem nó như lời từ chối trai làng.
"Hoa đã nở, sao nỡ không kết trái?"
"Dạ, nhà em còn đàn sầu riêng. Trái ngắt cành rồi, sầu riêng biết rụng đầu ai."
***
bối cảnh về miền quê Việt Nam thế kỉ mười bảy, thời đại phong kiến vua Lê chúa Trịnh.
Những câu ca dao trong truyện không hoàn toàn thuộc về tác giả. Đa phần là mình viết, có câu mình sưu tầm, cải biên để khớp với nội dung truyện.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...