Ngay sau khi tôi bị bắt, người ta đã hỏi cung tôi nhiều lần, nhưng đó chỉ là những câu hỏi về căn cước không lâu mấy. Lần thứ nhất ở sở Cảnh sát, hình như vụ của tôi không làm ai chú ý đến. Trái lại tám ngày sau, ông dự thẩm đã nhìn tôi với vẻ tò mò. Nhưng để bắt đầu, ông chỉ hỏi tên, địa chỉ, nghề nghiệp, ngày và nơi sanh của tôi, rồi ông muốn biết tôi có chọn luật sư không.
Tôi trả lời không và lại hỏi liệu có thực cần thiết phải chọn một luật sư không. Ông nói: “Tại sao”. Tôi trả lời là vụ của tôi đơn giản lắm. Ông mỉm cười nói: “Đấy là một ý kiến! Tuy nhiên luật pháp còn đó. Nếu ông không chọn luật sư, chúng tôi sẽ chỉ định một người”. Tôi thấy nếu luật pháp lo liệu giùm cho những chi tiết ấy thời tiện lợi quá. Tôi nói với ông như vậy. Ông tán đồng lời tôi và kết luận luật pháp hoàn hảo lắm.
Mới đầu, tôi không cho ông là quan trọng. Ông tiếp tôi trong một căn phòng có treo rèm, trên bàn có một ngọn đền duy nhất soi sáng chiếc ghế bành mà ông bảo tôi ngồi, trong khi chính ông lại ngồi trong bóng tôi. Tôi đã đọc trong các sách một bài tả cảnh tương tự và mọi sự ấy đối với tôi hình như là một trò đùa. Trái lại sau cuộc nói chuyện, tôi nhìn ông và thất ông là một người có nhiều nét tinh tế, đôi mắt lớn, sâu hoắm, xanh biếc vơi bộ ria dài màu xám và tóc rậm gần bạc. Hình như ông có vẻ rất biết điều và kể ra dễ thương, mặc dù chứng giật gân thỉnh thoảng kéo xếch mồm ông. Lúc ra, tôi toan giơ tay bắt ông nhưng tôi kịp nhớ lại là tôi đã giết một người.
Hôm sau, một luật sư vào nhà lao thăm tôi. Người ông nhỏ thó và tròn trĩnh, khá trẻ, tóc chải mượt cẩn thận. Tuy trời nóng bức (tôi mặc áo cộc tay), ông mang một bộ đồ lớn màu sẫm, với cổ cồn bẻ góc, ca vát ngộ nghĩnh có những đường sọc lớn trắng và đen. Ông để lên giường tôi chiếc cặp mang dưới nách, tự giới thiệu và nói đã nghiên cứu hồ sơ của tôi. Vụ của tôi rất rắc rối nhưng nếu tôi tin tưởng ở nơi ông thì ông cho là chắc chắn phải thắng lợi. Tôi cảm ơn ông và ổng nói: “Chúng ta đi vào điểm chính của vấn đề”.
Ông ngồi xuống giường và vắt nghĩa là người ta đã thu thấp tài liệu về đời tư của tôi.
Người ta biết má tôi mới chết ở viện dưỡng lão. Rồi người ta mở cuộc điều tra ở Marengo. Các điều tra viên biết là hôm đám tang má tôi thời “tôi đã chứng tỏ một thái độ vô cảm xúc”. Luật-sư bảo: “Ông thừa hiểu, tôi hơi ngại ngùng phải hỏi ông như thế nhưng điều ấy rất can hệ. Và nếu tôi không trả lời được thì đấy sẽ là một luận cứ mạnh mẽ để buộc tội”. Ông muốn tôi giúp đỡ ông. Ông hỏi là ngày hôm ấy tôi có thấy đau buồn không? Câu hỏi ấy làm tôi hết sức ngạc nhiên và hình như tôi sẽ ngại ngùng nếu phải tự hỏi lòng. Tuy nhiên tôi trả lời là tôi hơi mất thói quen tự vấn mình và tôi rất khó lòng nói rõ với ông ta về điều ấy. Chắc chắn là tôi yêu mến má tôi lắm nhưng sự đó không có nghĩa chi cả. Tất cả những người lành mạnh, không ít thì nhiều, đều ao ước cái chết của những người thân yêu. Tới đây, luật sư ngắt lời tôi và ông có vẻ bối rối lắm.
Ông buộc tôi phải hứa là không được nói điều ấy trước phiên tòa hay ở phòng dự thẩm. Tuy nhiên, tôi cắt nghĩa cho ông biết là bản chất tôi hay bị các nhu cầu thể chất làm xáo trộn đến mọi tình cảm. Ngày táng má tôi, tôi rất mệt mỏi và buồn ngủ, đến nỗi tôi không nhớ các chuyện gì đã xảy ra. Điều đó tôi có thể nói chắc chắn là tôi thích má tôi đừng chết. Nhưng luật sư có vẻ không hài lòng, ông bảo tôi: “Như thế chưa đủ”.
Ông đã suy nghĩ. Ông hỏi tôi liệu tôi có thể nói rằng ngày hôm ấy tôi đã chế ngự những tình cảm tự nhiên của tôi chăng?.. Tôi bảo ông: “Không, vì sai rồi”. Ông nhìn tôi một cách kỳ quặc: hình như tôi gợi cho ông ta một chút ghê tởm. Ông bảo tôi một cách gần như dữ tợn là trong mọi trường hợp, ông giám đốc và nhân viên ở viện dưỡng lão sẽ được nại ra làm chứng và “như thế có thể là một vố rất đau cho tôi”. Tôi lưu ý ông là chuyện đó không dính dáng chi đến vụ của tôi nhưng ông chỉ trả lời rõ ràng là tôi chưa bao giờ có chuyện dính líu tới pháp luật.
Ông ra về với dáng điệu giận dữ. Tôi muốn giữ ông ta lại, cắt nghĩa cho ông hiểu là tôi muốn được ông có thiện cảm, không phải là để được bào chữa đắc lực hơn, nhưng nếu tôi có thể nói, đó là lẽ tự nhiên, nhất là tôi thấy rằng tôi đã làm cho ông khó chịu. Ông không hiểu tôi và ông hơi giận tôi. Tôi muốn xác nhận cho ông rõ là tôi cũng như mọi người khác, hoàn tao n giống như mọi người khác. Nhưng kỳ thực, tất cả mọi sự đó không có ích lợi chi lớn lao và tôi bỏ qua vì lười biếng.
Sau đó ít lâu tôi lại bị dẫn đến trước mặt ông dự thẩm. Lúc đó vào hai giời chiều và lần này văn phòng của ông tràn đầy ánh sáng do các rèm của hơi làm dịu bớt đi. Trời rất nóng. Ông bảo tôi ngồi và hết sức nhã nhặn, ông nói là luật sư của tôi “vì một sự trục trặc” nên không đến được, nhưng tôi có quyền không trả lời những câu hỏi của ông và đợi tới khi nào luật sư dự thính. Tôi nói là tôi có thể trả lời một mình được. Ông bấm vào một cái nút ở trên bàn. Một viên lục sự vào ngồi ngay sát sau lưng tôi.
Hai chúng tôi cùng ngồi thoải mái trong ghế bành. Cuộc hỏi cung bắt đầu. Trước hết ông ta bảo rằng người ta hình dung tôi như một người tính nết lầm lì, kín đáo. Và ông muốn biết tôi nghĩ thế nào về sự nhận xét ấy. Tôi trả lời: “Tại vì không bao giời tôi có điều chi đáng nói cả, vì thế nên tôi nín thinh”. Ông mỉm cười như lần đầu tiên, công nhận đấy là một lý do hay nhất và nói thêm: “Vả lại điều ấy không có chi can hệ”. Ông ngừng bắt, nhìn tôi và bỗng nhiên đứng lên nói rất nhanh: “Điều tôi chú ý chính là ông”. Tôi không hiểu ý ông muốn nói sao nên không trả lời chi cả. Ông nói thêm: “Trong cử chỉ của ông có nhiều cái tôi không hiểu. Chắc chắn là ông sẽ giúp tôi tìm hiểu những cái đó”. Tôi nói là tất cả đều rất giản dị. Ông hối thúc tôi kể lại mọi công việc trong ngày. Tôi kể lại mọi việc mà trước kia tôi đã nói với ông Raymond, bãi biển, cuộc tắm, đánh nhau, rồi lại bãi biển, dòng suối nhỏ, mặt trời và năm phát súng lục. Cứ mỗi câu, ông lại nói: “Tốt! Tốt!”. Khi tôi kể đến cái thân hình nằm thẳng cẳng, ông tán đồng và nói: “Tốt! Tốt!”. Còn tôi thời tôi thấy chán vì cứ phải nhắc lại hoài một câu chuyện và tưởng như chưa bao giờ mình nói nhiều đến như thế.
Sau một lát yên lặng, ông ta đứng lên và bảo rằng ông muốn giúp đỡ tôi, là ông thích tôi và với sự trợ giúp của Chúa, ông sẽ làm một cái gì ích lợi cho tôi. Nhưng trước hết, ông muốn hỏi tôi một vài câu. Không chuyển tiếp, ông hỏi ngay là tôi có yêu má tôi không? Tôi nói: “Có, cũng như tất cả mọi người”. Và viên lục sự, cho đến lúc ấy vẫn đánh máy đều, có lẽ vừa đánh lầm, vì y tỏ vẻ bối rối và phải lui lại chữ trước. Vẫn không có liên quan rõ rệt, vị thẩm phán hỏi có phải đã bắn năm phát súng lục liền nhau không? Tôi suy nghĩ và nói đích xác rằng trước tiên tôi bắn một phát, rồi mấy giây sau, tôi mới bắn bốn phát liền. Ông hỏi: “Tại sao ông lại phải chờ giữa phát thứ nhất và phát thứ nhì?”. Lại một lần nữa, tôi thấy bãi biển đỏ ối và cảm thấy mặt trời nóng bỏng trên trán tôi. Nhưng lần này tôi không trả lời chi cả. Trong suốt cả lúc yên lặng tiếp theo, ông thẩm phán tỏ vẻ băn khoăn. Ông ngồi xuống, vò đầu, chống hai khu u tay lên bàn giấy và hơi cúi đầu về phía tôi với một vẻ dị kỳ: “Tại sao, tại sao ông lại bắn một người ngã xuống đất?”. Về điểm này, tôi cũng không biết trả lời ra sao. Ông thẩm phán lấy hai tay bóp trán và nhắc lại câu hỏi với một giọng hơi lạc: “Tại sao? Ông cần phải nói cho tôi biết. Tại sao?”. Tôi vẫn lặng thinh.
Bỗng nhiên ông đứng dậy, bước nhanh lại phía đầu bàn giấy và mở một ô kéo trong ngăn đựng các giấy tờ. Ông lấy ra một thánh giá bạc, vừa vung vẩy vừa đi về phái tôi. Rồi với một giọng khác hẳn, gần như run run, ông hét to: “Đây! Ông có biết ai đây không?” Tôi nói: “Có, lẽ tất nhiên”. Thế là ông ta nói rất nhanh, một cách hăng say rằng ông tin tưởng ở Chúa, ông quyết tin là không hề có một người nào lại quá ư tội lỗi đến nỗi Chúa không tha thứ, nhưng muốn được tha thứ thời người ấy cần phải ăn năn hối cải dể trở nên như một đứa trẻ con với tâm hồn trống rỗng và sẵn sàng tiếp đón mọi sự. Cả người ông cúi xuống bàn, vung vẫy cây thanh giá gần ngay trên mặt tôi. Nói cho đúng ra, tôi không theo dõi được bao nhiêu lý luận của ông, trước hết vì tôi nóng bức quá và trong văn phòng ông có những con ruồi lớn đậu vào mặt tôi và cũng vì ông làm cho tôi sợ sệt. Đồ thời tôi công nhận như thế là lố bịch vì dù sao, chính tôi là kẻ phạm tôi sát nhân. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục nói. Tôi gần hiểu ra rằng theo ý kiến ông thì chỉ có một điểm tối tăm trong sự thú nhận của tôi ấy là việc tôi đã chờ đợi trước khi bắn phát súng thứ hai. Còn các điểm khác thời tốt lắm, nhưng cái đó ông ta không hiểu.
Tôi toan nói với ông ta rằng ông khăng khăng như vậy là bậy điểm cuối cùng này không quan trọng đến thế đâu! Nhưng ông ngắt lời tôi, đứng thẳng người lên, khích lệ tôi một lần cuối cùng và hỏi tôi có tin ở Chúa không? Tôi trả lời không. Ông giận dữ ngồi xuống. Ông bảo tôi là như thế không thể được, là tất cả mọi người đều tin ở Chúa kể cả những kẻ đã ngoảnh mặt đi không nhìn người. Đó là niềm tin của ông và nếu bao giờ ông phải nghi ngờ về chỗ đó thì đời sống của ông không còn nghĩa lý chi.
Ông kêu lên: “Ông muốn cho đời sống của tôi khong còn nghĩa lý chi nữa ư?”. Theo ý kiến tôi, sự đó không can hệ chi đến tôi và tôi đã nói cho ông biết thế. Nhưng ông với tay qua bàn, giơ tượng Chúa Ky-Tô sát vào mặt tôi và kêu lên một cách vô lý: “Tôi, tôi là một người công giáo. Tôi xin Chúa tha thứ cho lỗi lầm của anh. Làm thế nào anh có thể không tin là Chúa đã đau khổ vì anh?” Tôi để ý là ông vừa xưng hô anh anh, tôi tôi nhưng tôi đã chán ngấy. Mỗi lúc một hteem nóng bức. Cũng như thường lệ, khi nào có ý tống khứ mọt người mà tôi không muốn nghe chuyện, tôi làm ra vẻ tán đồng lời y nói. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông nói với giọng đắt thắng: “Anh thấy chưa? Anh thấy chưa? Phải chăng anh đã tin tưởng và sắp thú thực với Chúa?”. Lẽ dĩ nhiên một lần nữa, tôi lại nói không. Ông ta gieo mình xuống ghế bành.
Ông có vẻ rất mệt mỏi và yên lặng một lúc trong khi cái máy chữ, không ngớt theo dõi cuộc đối thoại tiếp tục kéo dài thêm những câu nói cuối cùng. Sau ông ta nhìn tôi chăm chú, vẻ hơi buồn rầu và thì thầm: “Chưa hề bao giờ tôi thấy một tâm hồn chai sạn như tâm hồn ông. Các tội nhân khi đến trước mặt tôi đều khóc lóc trước hình ảnh đau thương này!”. Tôi toan trả lời là đúng như thế vì đấy là những phạm tội, nhưng tôi lại nghĩ rằng chính tôi cũng y như họ. Đó là một ý kiến mà trí tôi không thể nào quên được. Rồi ông thẩm phán đứng lên, hình như có ý cho tôi biết cuộc thẩm vấn đã kết thúc. Cùng với một vẻ hơi mệt mỏi ấy, ông chỉ hỏi tôi là có hối tiếc về hành động của tôi không? Tôi suy nghĩ và nói rằng, thay vì hối tiếc thực sự, tôi cảm thấy một cái gì đấy buồn nản. Tôi có cảm tưởng là ông không hiểu tôi. Nhưng hôm đó các sự việc không tiến xa hơn chút nào.
Sau đó tôi thường gặp lại ông dự thẩm. Tuy nhiên, mỗi lần tôi đều có luật sư đi theo. Họ chỉ cốt ý bảo tôi xác định lại một vài điểm trong các lời khai trước, hay là ông thẩm phán tranh luận về các chứng cớ với luật sư. Nhưng thực ra, họ không hề chú ý đến tôi trong những lúc đó.
Dù sao, giọng điệu của những cuộc hỏi cung dần dần đã thay đổi. Hình như ông thẩm phán không chú ý đến tôi nữa và có thể là ông đình cứu nội vụ rồi… Ông không nói đến Chúa với tôi nữa và tôi cũng không thấy ông hăng say như buổi ban đầu. Kết quả là những cuộc đàm luận của chúng tôi trở nên thân mật hơn. Một vài câu hỏi, nói chuyện một chút với luật sư của tôi, cuộc thẩm vấn đã kết liễu. Theo chính lời cũng ông thẩm phán thì vụ của tôi tiến triển đến điều hòa.
Cũng có lúc, khi câu chuyện có tính chất thông thường, họ lại nói đến tôi. Tôi bắt đầu thở phào.
Trong những giời đó, không ai độc ác với tôi. Mọi sư đều tự nhiên, đều có quy củ và diễn tiến đến chừng mực đến nỗi tôi có cảm tưởng ngộ nghĩnh là “người trong gia đình”! Và sau cuộc dự thẩm kéo dài mười một tháng, có thể nói là tôi gần như ngạc nhiên rằng mình không bao giời được hưởng khác hơn là những giây phút hiếm hoi mà vị thẩm phán tiễn tôi ra cửa, vừa vỗ vai tôi vừa nói thân mật: “Thưa ông chống Chúa, hôm nay thế là xong!”. Rồi người ta giao tôi cho hiến binh…
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...