Người Vợ Hiền

 
CHƯƠNG 8 - QUẢ TANG BẮT ĐƯỢC
Tàu sắp mở đỏi [1].
Cô Dung hối hả mua ít trái cây, ít bánh đem theo dùng dọc đường. Cô cùng thằng San bước xuống tàu lựa chỗ ngồi, thình lình có tiếng gọi:
- Cô Ba! Cô Ba! Ði đâu đó?
Nghe kêu, má thằng San dòm ngó thấy cô Thường. Cô vui vẻ hỏi:
- Ủa, chị Hai! Chị đi đâu mà tình cờ gặp nhau đây?
- Tôi đi Sài Gòn rước má tôi.
- Bác đi Sài Gòn đã bao lâu?
- Ðã sáu bữa rồi; đi Ðiện Bà [2] có hẹn khi về ghé Sài Gòn chờ tôi. Còn cô đi đâu?
- Tôi về thăm ba má tôi. Thằng San nó nhớ ông nội, đòi đi hổm rày; nay tôi mới ra đi, thời may lại gặp chị, tôi mừng quá.
- Hai bác đâu có ở nhà; mới đi Sài Gòn hôm kia đây mà. Tôi có gặp. Bác đi coi chưng cộ chà [3] với mua hàng. Theo như lời bác nói thì mốt bác mới về một lượt với tôi vậy thì có về nhà cũng không có bác; thôi, đi Sài Gòn với tôi chơi?
Cô Dung không đi; còn thằng San hỏi má cho nó đi với mợ, đặng sẵn dịp theo bà nội mua cho cái túi da để cặp sách đi học và hộp màu, hai món đó nó ao ước hổm rày.
Hôm ấy cả trời mây toả, cái nhiệt lực của vầng thái dương không thẳng nét như mấy ngày trước kia. Hình như cả vỏ trụ có cái nhà kiếng cực to che ở trên, làm ánh sáng không chói lòa, cái khí hậu không nồng nực.
Gió lai rai thổi, phất phơ vạt áo của kẻ đi đường.
Cô Dung thong dong trở lại nhà, trong mình nghe như được chút hân hoan. Cô vừa đến ngõ gặp chú lão bộc:
- Bẩm cô mới về, sao cô trở lại. Còn cậu San đâu?
Cô cắt nghĩa sơ rồi bước thẳng vào. Lão lại tiếp:
- Bẩm, ông tôi không có ở nhà.
- Ði đâu.
- Ði vườn.
- Vậy được lắm. Ðã lâu rồi tôi không có đi vườn. Sẵn bữa nay mát mẻ tôi đi dạo một phen; tôi đến tình cờ, chắc ở nhà tôi vui lắm.
Ðoạn cô đi thẳng vào phòng. Khi ngang qua tấm gương cô ngó vào ngắm hình dung của mình, rồi chúm chím cười. Tuy trộng tuổi mặc dầu chớ vẻ đẹp của cô còn mặn mà, nhứt là cặp mắt tỉnh táo sáng suốt của cô làm ình cô coi cô như vẫn còn con gái thật thà, vẫn còn cái sức luyến ái của người đồng trinh chưa biết ái tình là gì mà có thể làm ra tình ái trong lòng thiên hạ.
Cô vào mở tủ lựa cái áo dài, cái áo mà chồng vẫn ưa nhứt. Thay đổi xong cô đi ngang tấm kiếng ghé mắt vào lần nữa rồi mới bước thẳng bước.

Hai bên đường mọc những cây me suông đuột giao đầu liên tiếp nhau, thỉnh thoảng gió lay làm cho rải rác cánh hoa trên mình hành khách.
Cô đi đến khúc quẹo, trong nhà kia có vài người đàn bà dòm ra chào và mời cô ghé chơi, cô cám ơn xin để ngày khác. Ðợi cô đi một đỗi rồi đám đàn bà ấy xì xào:
- Thiệt cô đó lịch sự đúng bực, lại tử tế quá. Không biết làm sao tôi cản đường cho cô đi vườn.
- Sao vậy?
- Chị không rõ sao?
- Không!
- Cơ khổ thì thôi! Ai nấy đều hay ông Trường tiền tư tình với cô Ba - tên tây, tên u gì đó tôi quên rồi.
- À cô Ba Josiane. Người ta biết chắc họ ở tại nhà vườn của ông Trường tiền.
- Cô Trường tiền đến đây rủi gặp thì khốn nạn cho cô lắm vậy.
- À! Vậy sao? Chị em mình nom theo coi chơi nè!
- Xí! Cái chị nầy kỳ. Tôi không bao giờ muốn coi cái khổ, cái nhục của ai hết; tôi muốn ngừa dùm họ thôi.
- Còn cô Trường tiền không hay sao?
- Chắc là không. Nhưng vậy, dầu cô có hay thì chỉ buồn rầu thôi chớ không làm cách thô bỉ như bọn mình đâu. Thiệt trong đời, có một đôi vợ chồng đó biết kính nhau, biết yêu nhau vậy.
- Ðờn ông tệ quá há! Vợ như vậy mà còn....
- Tệ thiệt; nhưng tưởng ông Trường tiền dấu vợ lắm tôi lại chắc rằng nếu vợ rõ điều nầy ông sẽ vĩnh biệt tình nhơn.
- Làm sao chắc? Cái thứ đờn ông mê gái mà...
- Tôi chắc. Ðể chị coi.
Kế có ba bốn người đàn bà nữa bước vào: thím giáo với thím thông dẹp chuyện cô Dung mà ra nghinh tiếp:
- Chào mấy chị, mấy cô. Thôi đủ tay rồi, vô gầy sòng kẻo trễ.
Nơi vườn, trong căn phòng mà ta đã rõ hình trạng rồi, nghĩa là cái căn phòng Ðoàn Hữu Minh dọn tạm để nghỉ trưa và nơi ấy cô Ba Josiane đem đồ cho ngày nọ, có đôi tình nhơn đương mơn trớn nhỏ to...
Nói thật ra thì mỗi lần Ðoàn Hữu Minh đến chỗ hẹn thì lòng chàng có hơi ngao ngán, không vui, nhưng cái quyến rũ của cô Josiane cũng có thế làm cho chàng tạm quên lỗi mình, tạm quên lời ước thệ đinh ninh mà vui lúc trăng tình gió nghĩa.
Thầy đang cùng cô Josiane chuyện vãn, âu yếm.
Cô ta ngó thầy một cách mặn mà và thỏ thẻ hỏi:

- Thương tôi không mình?
Thầy cười:
- Thương.
- Nhiều không mình?
- Nhiều.
- Nhiều bằng vợ nhà không mình?
Thầy không đáp chỉ cười một cách bông lông, rồi bước đến kéo ngăn tủ lấy điếu thuốc đốt hút.
Cô Josiane đổi sắc, buồn bực mà nói rằng:
- Tôi biết, thế nào mình thương tôi cho bằng, dẫu rằng tôi thương mình hết dạ hết lòng. Tôi là người vô duyên vô phước quá mình!
Ðoàn Hữu Minh se sẽ vỗ gò má tình nhơn mà trả lời:
- Sao lại khờ đến thế, hỡi em? Chẳng nên hỏi những gì mà khó thể cho người ta tỏ thật với mình; là vì mình được nghe những lời dối trá, vả lại là một điều buộc người ta phải cực lòng vì phải chịu vô phép làm thinh, phải kiếm lời nói dối. Nên biết em thương tôi, tôi thương em là đủ. Chớ so sánh mà chi? Em còn nhớ trước kia tôi không dám thương em, vì biết sau nầy có điều ân hận. Nay đã thương nhau rồi; thương nhau thương lỡ, thương liều; thương vô mục đích, thương thẹn với lương tâm, thiết tưởng em cũng có lúc bất an trong lòng như tôi vậy. Thẹn với lương tâm hạng nhứt là những hồi hoan lạc bỗng nhớ đến vợ nhà; cho nên tôi đã xin với em bao giờ đôi ta hội ngộ, đừng có nói điều gì cho tôi phải nghĩ đến. Tôi cũng có nhiều điều làm cho ngứa lưỡi, song tôi biết hỏi ra em khó trả lời, lại có lẽ là điều làm cho tôi bớt quí bớt yêu em nữa. Giả như tôi hỏi: "Em thương tôi quyết vẹn thủy chung không? Trước khi thương tôi em có thương ai không? Vì đâu khiến cho em thương tôi?" Thì khó cho em trả lời phải không? Mà cũng vô ích cho tôi thấu rõ. Lắm lúc nghĩ tôi lấy làm thương hại cho thân em, nhứt là nghĩ đến cái tương lai của em, chúng ta không chắc rằng sẽ được cùng nhau kết niềm phu phụ mà cộng hưởng an lạc đến già. Thương núp, thương lén, thương điên, thương cuồng; than ôi, đã hiểu tình là kẻ cường đạo đui điếc mà chúng ta vẫn chìa mũi cho nó xỏ, dẫn đi đâu tự ý! Hại là dường nào! Nguy hiểm là dường nào!
Cô Josiane nắm tay tình nhơn mà bóp một cái mạnh.
- Tôi hiểu! Tôi hiểu nghe mình! Tôi biết rằng cái tình thương của tôi hại cho tôi nhiều bề; nhưng đã thấy hại mà tôi dám thương, thì mình hãy lượng dùm cái tình của tôi đối với mình thấm thía biết bao nhiêu.
- Tôi thương mình đáo để, mình phải rõ điều ấy. Bởi tôi thương, nên tôi tưởng cho tôi có cái quyền được hỏi người ta thương tôi bằng như vậy hay không. Ngày giờ nào tôi còn thương mình tôi muốn mình phải thương tôi y như vậy.
- Ngày nay tôi mới biết! Bao giờ mình thương tôi nhiều! Một cái chứng như vậy cũng đủ hiểu rõ ràng: tôi gọi tình lang tôi là mình: người chỉ đành kêu lại là em, cái tiếng em nghe thiệt là vô vị.
- Theo ý ngu của tôi, khi nào tôi chỉ được thương ai trong cái thời kỳ ngắn ngủi, thì tôi tăng cái mãnh lực của tình lên gấp hai gấp ba.
- Tôi nghe mình, tôi không muốn cho ai tội nghiệp đến phần tôi, vì tôi xử theo ý tôi muốn: tôi chỉ tội nghiệp dùm cho ai kia, đờn tiên muốn khẩy, rượu tiên muốn uống, mà chỉ vì e tiếng hét, gầm nên phải nhút nhát, rụt rè!
- Tình là tình, đạo đức là đạo đức; nguời muốn giữ toàn đạo đức thì đừng theo đuổi với tình làm gì, bởi không kiên tâm được đến cùng, rồi ném bỏ đạo đức đi, thì là điều buồn cười, thì là điều đáng tội nghiệp.
- Tôi chán mấy trang [4] "giả đạo đức" cùng là những kẻ "đạo đức dở mùa" như chán cơm nếp; tôi cũng chán đời, nên tôi kiếm kẻ khác thiên hạ để làm bạn tri âm. Tôi là gái lẳng lơ, nhưng chẳng hề nhận chìm ai nơi bể ái. Ôi mà chơi hoa hồ dễ mấy người biết hoa!
Cô không nói nữa. Ðoàn Hữu Minh ngồi nghĩ suy. Cô Josiane là gái phong tình, cái tật ấy làm cho cô là nguời đáng tiếc, đáng uổng vậy. Nếu cô là nam nhi thì có thể quí, vì được phần lịch duyệt, trong giá trắng ngần. Tưởng chừng cô cũng có cái tâm sự đáng thương cô cũng có trải qua một khoảng đường đời khe khắt. Buồn đời, chán đời, mà thành ra chẳng tiếc thân, than ôi, lại chẳng tiếc thân trong vòng hoa nguyệt!
Nhưng tóm lại, cô là con người hư rồi; thiên kiều bá vịnh, vạn chưởng phong lưu [5], chẳng qua cũng là món đồ cho người chuyền tay trong lúc còn hương nồng, sắc đượm.
Rồi thì thôi...

Tại mình tầm nẻo đoạn trường mà đi, bụng làm dạ chịu đã đành. Nhưng nghĩ rộng ra, nếu cả thảy đờn ông ở thế gian nầy là tốt hết thì nàng không ra cớ đổi.
Nàng hư, tất nhiên có tại ai xô nàng vào nẻo chông gai. Nàng hư tất nhiên có nguời tham cái nhan sắc của nàng mà cám dỗ nàng để cho chìm đắm trong vòng hắc ám.
Trong đám nguời háo sắc ấy lại có mình là Ðoàn Hữu Minh, là kẻ đã tự xưng là nguời biết hoa. Thầy cũng là một tội nhơn đối với tiết giá cô Josiane!
Lại vì đó mà lỗi thầy đối với cô Dung càng thêm nặng!
Nghĩ đến đó, thầy xốn xang bứt rứt.
Cô Josiane thì xây mặt vào trong, như vui, như buồn, khó tả.
Cửa phòng khóa chặt, chỉ còn cửa sổ không gài. Cảnh trưa vắng vẻ. Thình lình cô Josiane mở bừng mắt ra, rồi vội vàng kéo mền đắp ngực lại, nét mặt xám xanh.
Cô thấy gì vậy?
Cái cửa sổ bỗng nhiên mở hé, ánh sáng chói làm cho cô phải mở mắt ra, thấy có nguời chường mặt ngó vào. Nhưng vẫn êm ru, không chút đá động.
Cô dụi mắt dòm lại thì cửa kia vẫn còn khép. Cô ngồi dậy; đánh thức Ðoàn Hữu Minh:
- Dậy! Dậy!
- Có việc gì?
- Vợ mình! Tôi thấy vợ mình!
Cái tiếng cô run với bộ hơ hải làm cho Ðoàn hoảng và bối rối.
- Ðâu?
- Kia, ở chỗ cửa sổ, mới ló đầu vào!
Thầy chạy lại toan mở cửa ra. Cô níu áo:
- Chết tôi mình ơi! Ðừng, đừng mở!
- Không sao mà! Em chiêm bao, chớ vợ tôi đi khỏi.
- Thiệt mà! Tôi có ngủ đâu mà chiêm bao. Rõ ràng, tôi thấy. Mình ơi! Chết tôi!
Hữu Minh mở cửa ra xem thì chẳng thấy một người. Thầy đánh bạo toan mở khoá bước ra ngoài. Cô Josiane lại kéo tay cản trở. Thầy phải kiếm lời nói cho cô bớt kinh khủng, rồi mới ra được khỏi phòng.
Có gì đâu!
Nom trước, dòm sau, chẳng một bóng ai thấp thoáng.
Xung quanh nhà đổ toàn đá sạn, kiếm chẳng thấy dấu giày.
Thật không có! Huống chi đã chắc ý rằng cô Dung vắng mặt từ ban mai.
Thầy trở vào:
- Có gì đâu mà em sợ! Tôi đã nói vợ tôi đi khỏi, đi chính mắt nầy thấy mà. Chẳng qua là bữa nay trong mình em yếu nên mơ màng thấy những điều lo sợ trong lúc còn thức. Em còn nhớ khi nãy em hỏi tôi: "Mình đi như vậy vợ không nghi sao?" cái ý lo ngại vẫn còn ẩn núp trong đầu, nhơn đó biến ra cái ảo trạng làm cho em thấy mà ngờ rằng thiệt. Không sao đâu!

Cô Josiane có hơi yên tâm, nhưng lại thở dài:
- Tôi sợ quá!... Chiều lại, Ðoàn trở về nhà, lấy làm lạ mà thấy đèn đốt sáng choang, mấy cửa mở hoác, lại có nghe hát máy nữa.
Ai?
Cô Dung với thằng San đi khỏi. Không lẽ tôi tớ ở nhà dám tự do. Không lẽ có người thân thích nào?
Thầy vào. Vừa ngó thấy vợ thì trong châu thân dường như xuống nhầm luồng điện.
Vợ thầy không đi! Chắc cô Dung đã thấy thầy với cô Josiane rồi. Chết nỗi! Rồi đây thầy biết bao nhiêu xấu hổ với vợ hiền rồi đây thầy có lời chi mà tỏ cho vợ tin rằng thầy vẫn yêu vợ, vẫn một lòng thủy chung như nhứt!
Cô Dung giả lờ không thấy sự bối rối ấy, bước lại tiếp chồng và chúm chím cười:
- Mình đi mới về!... Tôi giới thiệu với mình cô Năm đây vốn bạn đồng môn của tôi ngày xưa.
Thầy cúi đầu chào khách. Cô dung tiếp:
- Ba với má mắc đi Sài Gòn nên tôi không qua. Tôi cho phép thằng San đi với chị Hai, hồi sớm mơi nầy chỉ đi lên đó đặng đón hai bác; rồi thằng San sẽ về với ba má luôn thể. Tôi ở lại may quá! Nếu đi thì đã không được hân hạnh gặp cô Năm đây rồi.
Thầy ngồi tiếp giây lâu, rồi vào trong tắm rửa ăn cơm.
Thầy hỏi nhỏ người lão bộc:
- Nầy! Chú Tư. Người khách đàn bà ấy đến đây hồi nào?
- Bẩm, chừng độ lối ba giờ rưỡi, bốn giờ.
- Người cho vợ tôi hay trước mà đón rước không?
- Chắc không. Bởi hồi trưa cô tính đi vườn đặng chiều về với ông; té ra cô gặp bạn cũ nên trở lại.
- Chà! Vợ tôi bữa nay sao giỏi vậy! Chú có nghe nói má thằng San đi đến đâu mà trở về không?
- Bẩm tôi có hỏi; cô tôi có nói đi vừa khỏi nhà thiếm giáo Hai thì trở lại.
Theo lời lão bộc thì cô Dung không có đến vườn. Cô thấy chồng về, lại tiếp rước một cách tự nhiên. Cô không lộ một vẻ nào buồn. Thế là cái sự thấy của cô Josiane chẳng qua là cái ảo tưởng.
Chú thích
[1] đỏi: dây to để buộc tàu, mở đỏi: tách bến, tàu chạy
[2] điện thờ Bà trên núi Bà Ðen, Tây Ninh
[3] xe hoa của người Chà Và, tức người Ấn Ðộ
[4] loại người
[5] thiên: ngàn, kiều: cầu, bá: trăm, vịnh chỗ sâu, người miền Nam còn gọi bờ sâu của một khúc quanh trên dòng sông là vịnh. Thành ngữ nầy có nghĩa đã qua nhiều cuộc thay đổi cam go (qua nhiều nhịp cầu, nhiều khúc sông), tương đương như ba chìm bảy nổi), vạn chưởng phong lưu (hay vạn chủng phong lưu. vạn: muôn; chủng: gót chân hay lối đi; phong: gió hay trôi; lưu: chảy. Vạn chủng nghĩa là nhiều lối, nhiều cách; phong lưu nguyên nghĩa là đức độ cao, một nghĩa khác là dáng vấp hoặc thái độ. Về sau chữ phong lưu dùng để chỉ chơi bời, đàng điếm, đỉ thỏa. Ở đây vạn chưởng phong lưu= đủ mọi cách chơi bời. 
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui