Leamas cởi đai bụng
Người ta bảo những người sắp phải chết đều trải qua những phút giây khoái hoạt bất ngờ; tựa hồ những con thiêu thân trong lửa, sự thiêu huỷ của chúng trùng hợp với sự thành đạt. Theo đúng quyết định của mình, Leamas biết rõ một cảm giác so sánh được, đó là sự khoan khoái; tuy ngắn ngủi nhưng vẫn khiến chàng ấm lòng một lúc. Sau đó là sợ và đói.
Chàng đang xuống dốc. Control nói đúng.
Chàng đã nhận thấy điều này lần đầu tiên trong vụ của Riemeck năm ngoái. Karl đã gửi một bức điện tín, anh ta có một món quà đặc biệt dành cho chàng và đang đi một chuyến hiếm hoi sang thăm Tây Đức; một cuộc hội nghị chính thức tại Karlsruhe, Leamas đã xoay sở để bay đến. Cologne và đáp một chiếc xe tại phi trường. Lúc đó còn là sáng sớm và chàng hy vọng tránh được phần lớn sự giao thông xe cộ đến Karlsruhe nhưng những chiếc xe cam nhông nặng nề đã di chuyển rồi.. Chàng đang lái bảy mươi cây số trong nửa giờ, lách qua lại trong dòng xe cộ, liều lĩnh cướp thời gian, thì một chiếc xe nhỏ, có lẽ hiệu Fiat, thò ra lằn đường ngoài chỉ cách đầu xe chàng bốn mươi thước. Leamas đạp lên chân thắng, bật đèn pha và nhấn còi, và nhờ ơn Chúa, chàng thoát nạn; thoát nạn chỉ trong một tích tắc. Trong lúc chàng vượt qua chiếc xe nhỏ, qua khoé mắt chàng nhìn thấy bốn đứa bé ở băng sau đang vẫy tay cười, và bộ mặt ngu đần sợ hãi của cha chúng trước tay lái. Chàng vừa lái xe đi vừa chửi thề, và đột nhiên "nó" xảy ra; đột nhiên tay chàng run rẩy một cách dữ dội, mặt nóng bừng, tim đập loạn xạ. Chàng cố cho xe vào lề, lồm cồm ra khỏi xe và đứng thở hổn hển, giương mắt nhìn dòng xe cam nhông chạy ào ào. Chàng tưởng chừng trông thấy chiếc xe nhỏ vướng vào đám xe lớn, bị tông và nghiền nát cho đến khi không còn gì, không còn gì ngoài tiếng còi kéo rền rĩ và những bóng đèn xanh loé sáng; và thân thể lũ trẻ nát nhừ như những người tị nạn bị chết trên con đường băng ngang những cồn cát.
Chàng lái xe rất chậm trên suốt quãng đường còn lại và lỡ buổi hẹn với Karl.
Về sau, chàng không bao giờ lái xe mà không có một góc nào của ký ức nhớ lại những đứa bé tóc rối bù từ hàng ghế sau xe vẫy tay với chàng và cha chúng nắm chặt tay lái như một nông dân nắm hai gọng của máy cày tay.
Control đã gọi đó là cơn sốt.
Chàng ngồi thờ thẫn trên ghế, gần cánh máy bay. Có một người đàn bà Mỹ ngồi cạnh chàng, đi đôi giầy cao gót bọc Polythene. Chàng thoáng có ý định đưa cho bà ta mẩu tin cho các người ở Bá Linh, nhưng chàng gạt ý nghĩ đó ngay. Bà ta sẽ nghĩ chàng đang tìm cách tán tỉnh và Peters sẽ trông thấy. Vả lại, để làm gì? Control biết chuyện gì đã xảy ra. Control đã làm cho chuyện đó xảy ra. Không có gì để nói cả.
Chàng tự hỏi chuyện gì sẽ xảy đến cho mình. Control đã không nó về điều đó - chỉ nói về kỹ thuật:
- Đừng cho chúng biết tất cả cùng một lúc, hãy bắt chúng phải tìm hiểu.Làm cho chúng rối bời bằng các chi tiết, bỏ sót một vài chuyện, nói lại những điều đã nói. Hãy tỏ vẻ tức giận, hãy bướng bỉnh, hãy khó khăn. Cứ uống như hũ chìm. Đừng nhượng bộ về ý thức hệ, chúng sẽ không tin đâu.. Chúng muốn thương thảo với một người chúng đã mua được. Chúng muốn có sự đối chọi chứ không muốn một sự cải hoàn lưng chừng. Nhất là chúng muốn tự suy diễn lấy. Đất đã được dọn dẹp sẵn; chúng tôi đã dọn sẵn từ lâu, các dấu vết nhỏ bé cũng như khó khăn đều đủ hết. Anh là giai đoạn cuối trong cuộc săn kho tàng.
Chàng đã phải chấp thuận việc đó, mình không thể rút khỏi cuộc đánh lớn khi mọi việc sơ khởi đã có người đánh giùm cho mình.
- Alec, có một điều tôi có thể hứa với anh: việc này đáng công lắm, đáng cho quyền lợi đặc biệt của mình. Hãy giữ cho hắn sống là ta đã thắng một trận lớn.
Chàng không nghĩ rằng chàng sẽ chịu đựng được một sự tra tấn. Chàng nhớ lại một quyển sách của Koestler, nói rằng những tay cách mạng thời xưa đã tự tập cho quen với sự tra tấn bằng cách cầm một cây diêm đang cháy châm vào đầu ngón tay. Chàng đã không đọc sách nhiều nhưng đã đọc quyển đó và vẫn còn nhớ.
Lúc phi cơ hạ cánh xuống phi trường Templehof thì trời đã sẩm tối. Leamas nhìn ánh đèn của thành phố Bá linh dâng cao lên, chàng cảm thấy cái thốn nhẹ khi máy bay chạm bánh xuống phi đạo, trông thấy các viên chức di trú và quan thuế tiến ra khỏi vùng sáng mờ.
Trong một lúc, Leamas lo lắng có người quen biết cũ nào chẳng may nhận ra chàng ở phi cảng. Nhưng khi họ đi cạnh nhau, Peters và chàng, dọc theo những hành lang bất tận, qua chỗ kiểm soát di trú và quan thuế, không có mặt nào quen quay lại chào chàng. Chàng chợt nhận thấy rằng sự lo lắng đó của chàng thật ra chỉ là một hy vọng nhờ một biến cố nào đó, quyết định đi tiếp của chàng sẽ bị huỷ bỏ bởi hoàn cảnh. Có điều làm cho chàng thích thú là Peters không còn vẻ tỏ ra không quen biết chàng. Y làm như Tây Bá Linh là đất an toàn, nơi mà vấn đề cảnh giác và an ninh có thể được nới lỏng và được xem là một chặng chuyển tiếp kỹ thuật hướng về miền Đông.
Họ đang bước qua sảnh đường tiếp tân rộng lớn để tiến về cửa chính, bỗng Peters như đổi ý, đột ngột quay sang hướng khác, dẫn Leamas đến một cửa hông nhỏ hơn nhìn ra bãi đậu xe và bến taxi. Peters ngập ngừng vài giây, đứng dưới ánh sáng của ngọn đèn trên cửa, rồi đặt va ly xuống đất, cạnh người, lấy tờ báo kẹp dưới nách ra, gấp lại, cho vào túi áo mưa bên trái và lại nhấc va ly lên. Tức thì từ phía bãi đậu xe, một cặp đèn pha sáng loé lên rồi tắt ngay.
- Đi ngay, Alec
Vừa nói, Peters vừa rảo bước qua khoảng đường trống, Leamas theo sau chậm hơn. Khi họ đến dãy xe hơi đầu tiên, cánh cửa sau của một chiếc Mercedes đen chợt mở ra từ phía trong và đèn bật sáng. Peters đang đi trước Leamas độ một thước, liền bước nhanh đến chiếc xe, nói nhỏ với tài xế, rồi gọi Leamas:
- Xe mình đây rồi, nhanh lên.
Đó là một chiếc Mercedes cũ và chàng bước vào không nói một tiếng. Peters ngồi cạnh chàng ở băng sau, khi ra khỏi bãi đậu, họ qua mặt một DKW nhỏ có hai người ngồi đằng trước. Cách chừng hai mươi thước trên đường có một phòng điện thoại. Một người đang nói vào máy điện thoại, vừa nói vừa nhìn họ đi ngang. Leamas nhìn qua cửa hậu và thấy chiếc DKW chạy theo sau. Tiếp rước long trọng quá, chàng nghĩ.
Họ lái rất chậm. Leamas ngồi để hai tay lên đầu gối, nhìn thẳng ra đằng trước. Chàng không muốn nhìn Bá Linh đêm đó. Đây là cơ hội cuối cùng, chàng biết thế. Với thế ngồi hiện thời, chàng có thể chặt bàn tay phải vào họng của Peters, đập nát khí quản của y. Chàng có thể phá cửa ra và bỏ chạy, chạy theo hình chữ chi để tránh các viên đạn bắn ra từ xe sau. Chàng sẽ được tự do - có những người ở Bá Linh sẽ lo cho chàng - chàng có thể thoát được.
Chàng không làm gì cả.
Thật là dễ vượt qua vùng biên giới. Leamas đã không ngờ là dễ đến như vậy. Họ chạy xe thư thả trong mười phút, Leamas đoán họ phải vượt biên giới vào một giờ đã định trước. Trong lúc họ tiến gần nút chặn Tây Đức, chiếc DKW vượt lên, máy rú ấm ĩ và ngừng lại trước lều cảnh sát. Chiếc Mercedes đợi cách sau lưng ba mươi thước. Hai phút sau, cây cột trắng đỏ nhấc lên cho chiếc DKW qua, và trong lúc cả hai chiếc xe cùng chạy qua, chiếc Mercedes để số hai rú lớn, tài xế dựa nửa người vào nệm, hai cánh tay nắm chặt bánh lái.
Trong khi họ vượt quãng đường năm mươi thước giữa hai nút chặn, Leamas mơ hồ nhận thấy sự tăng cường ở bức tường phía Đông - đầu tường xây chìa ra xa, tháp canh và kẽm gai giăng hai lớp. Tình trạng có vẻ nặng nề hơn trước rất nhiều.
Chiếc Mercedes không ngừng lại nơi nút chặn thứ hai, các cây cầu đã được nhấc lên và họ lái thẳng qua, mấy tên Vopo chỉ nhìn họ đi qua bằng ống nhòm. Chiếc DKW đã biến mất, và khi Leamas thấy lại nó, mười phút sau, nó lại lẽo đẽo đằng sau. Họ đang lái nhanh - Leamas đã tưởng họ sẽ dừng lại ở Tây Bá Linh, có lẽ đổi xe, và chào mừng công tác đã hoàn tất, nhưng họ vẫn lái qua thành phố về hướng Đông. Chàng hỏi:
- Mình đi đâu đây?
- Mình đang ở Cộng Hoà Dân Chủ Đức Quốc. Họ đã soạn sẵn nhà cho anh rồi.
- Tôi tưởng mình sẽ đi xa hơn nữa về phía Đông.
- Thì mình đang đi. Nhưng mình ở đây một hai ngày đã. Chúng tôi nghĩ người Đức cần phải nói chuyện với anh.
- Tôi hiểu.
- Vả lại, phần lớn công việc của anh là liên hệ với người Đức, Tôi đã gửi đầy đủ chi tiết những lời khai của anh cho họ xem.
- Và họ yêu cầu được gặp tôi?
- Họ chưa hề có được một ai giống như anh. Một người... hiểu biết nhiều chuyện. Chúng tôi đồng ý là họ nên có nhiều cơ hội được gặp anh.
- Rồi sau đó? Từ Đức mình sẽ đi đâu?
- Vẫn đi về phía Đông?
- Tôi sẽ gặp ai ở Đông Đức?
- Chuyện đó có quan trọng với anh không?
- Không hẳn. Tôi chỉ biết hầu hết tên các nhân vật trong Abteilung. Tôi chỉ hỏi để biết.
- Anh mong có thể gặp ai?
Leamas trả lời:
- Fiedler, Phó Giám đốc An ninh, nhân viên của Mundt. Y thẩm vấn tất cả các vụ lớn. Đúng là một tên khốn khiếp.
- Tại sao?
- Một tên khốn rừng rú. Tôi đã nghe nói về y. Y đã bắt một nhân viên của Peters Guillam và suýt giết chết anh ta.
Peters nhận xét một cách mỉa mai:
- Điệp báo không phải là trò chơi thể thao.
Sau đó hai người cùng im lặng. Fiedler là thế đó, Leamas thầm nghĩ.
Dĩ nhiên Leamas biết rõ Fiedler. Chàng biết rõ y qua các tấm hình trong hồ sơ và lời khai của các cựu nhân viên của hắn. Một con người chững chạc, dáng mảnh khảnh, còn rất trẻ, mặt mày sáng sủa. Tóc đen, mắt nâu sáng, thông minh và hung bạo, như Leamas vẫn từng bảo. Một cơ thể nhanh nhẹn, mềm dẻo, chứa đựng một tinh thần kiên nhẫn, nhớ dai; một người có vẻ không tham vọng cho mình nhưng lại không nương tay hạ thủ kẻ khác. Fiedler là một kẻ hiếm có trong Abteilung - y không tham dự vào các âm mưu trong đó, có vẻ hài lòng sống trong bóng của Mundt mà không có kỳ vọng được thăng thưởng. Y không thể được gán là phần tử của phe này hoặc nhóm khác, ngay cả những kẻ làm việc gần gũi với y trong Abteilung cũng không thể xác định được y đứng chỗ nào trong hệ thống quyền hành phức tạp này. Fiedler là một kẻ cô đơn, bị sợ hãi, bị ghét bỏ, bị nghi ngờ. Bất cứ tư tưởg nào của y đều được khoác dưới lớp áo của sự mai mỉa, châm chích.
Control đã giải thích:
- Fiedler là một lá bài tốt nhất của chúng ta.
Lần đó ba người đang ngồi ăn tối, Leamas, Control và Peters Guillam - trong quán Bảy chú Lùn tại Surrey, nơi Control sống với bà vợ mắt ti hí, giữa những chiếc bàn chạm trổ kiểu Ấn Độ có mặt bằng đồng. Control tiếp tục nói:
- Fiedler là một tên phụ lễ một ngày kia sẽ đâm vào lưng tu sĩ có cấp bực cao hơn y. Y là người duy nhất đối chọi được với Mundt (nghe đến đây, Guillam gật đầu) và y ghét tâm địa của Mundt. Dĩ nhiên Fiedler là một tên Do Thái, còn Mundt thì trái lại hẳn. Hai tên đó làm việc với nhau không hợp. Nhiệm vụ của chúng tôi vẫn là (Control có ý chỉ Guillam và ông ta) cho Fiedler khí giới để diệt Mundt. Leamas, nhiệm vụ của anh là khích lệ y dùng khí giới đó. Dĩ nhiên là một cách gián tiếp, vì anh sẽ không bao giờ gặp Mundt. Ít nhất tôi hy vọng rằng anh sẽ không bao giờ gặp y.
Lúc đó cả ba đều cười, Guillam cũng vậy. Lời nói có vẻ đùa cợt, một lối đùa cợt sở trường của Control
Chắc hẳn đã quá nửa đêm.
Đã có lúc họ chạy xe trên một con đường không trải nhựa, một nửa băng qua một cánh rừng nhỏ và một nửa ngoài rừng trống. Giờ họ ngừng lại và một lát sau chiếc DKW chạy lại bên cạnh. Khi theo Peters ra khỏi xe, người thứ ba vẫn ngồi ở băng sau, đang xem một số giấy tờ trên ánh đèn trong mui xe, một người dáng gầy gầy, khuất một nửa trong tối.
Họ đã đậu xe cạnh mấy chuồng ngựa bỏ không, toà nhà nằm sâu phía trong khoảng ba mươi thước. Trong ánh đèn pha xe hơi, Leamas đã thoáng trông thấy đó là một ngôi trại có vách gỗ và gạch quét vôi trắng. Trăng đã lên và chiếu sáng đến nỗi những ngọn đồi phủ đầy rừng thưa sau nhà in rõ trên nền trời đêm mờ nhạt. Họ bước vào ngôi nhà, Peters và Leamas dẫn đầu, hai người còn lại theo sau. Người đang ở trên chiếc xe thứ hai không động đậy; y vẫn ngồi đó, tiếp tục đọc.
Khi họ đến cửa, Peters ngừng lại, đợi hai người kia bước lên. Một người cầm một xâu chìa khoá bằng tay trái, và trong kh hắn đang lần xâu chìa khoá người kia đứng lùi xa, hai bàn tay thọc trong túi, canh cho hắn.
Leamas nói với Peters;
- Họ sẽ không có dịp nào đâu. Họ cho tôi là người thế nào?
- Họ được trả tiền không phải để suy nghĩ.
Peters quay lại một người trong bọn và hỏi bằng tiếng Đức:
- Ông ta tới chưa?
Tên người Đức nhún vai quay lại nhìn về phía chiếc xe nói:
- Ông ấy sẽ đến, ông ấy thích đến một mình.
Họ vào nhà, người đàn ông dẫn đường. Căn nhà được dựng lên như một chỗ tạm trú cho các tay thợ săn, nửa cũ nửa mới. Ánh sáng mờ tối toả ra từ các ngọn đèn mờ trên đầu. Nơi đây có một bầu không khí phảng phất mùi ẩm mốc meo không được ai trông nom, dường như chỉ được dùng cho dịp này. Khắp nhà có nhiều dấu hiệu chứng tỏ có một tổ chức có quy củ - một thông cáo cho biết phải làm gì khi có hoả hoạn. Cửa sơn xanh, màu thông thường của các công sở, các ổ khoá lò xo lớn; và trong phòng tiếp tân khá tiện nghi, có một bộ bàn ghế màu đen đã bị trầy trụa ở nhiều nơi, cùng những bức hình không thể thiếu của các lãnh tụ Xô viết. Đối với Leamas những nét đặc trưng này cho thấy Abteilung phải miễn cưỡng đồng hoá với guồng máy thư lại. Đó là điều chàng đã quen thuộc tại cơ sở.
Peters ngồi xuống và Leamas ngồi theo. Họ chờ trong mười phút, hoặc hơn thế, rồi Peters nói với một trong hai tên đứng xớ rớ ở cuối phòng:
- Đi cho ông ấy hay là bọn tôi đang đợi. Và kiếm cho bọn tôi chút đồ ăn, chúng tôi đang đói.
Khi tên gác tiến ra cửa, Peters gọi:
- Whisky nữa. Bảo họ mang 1 chai whisky và vài cái ly.
Tên gác nhún vai một cách miễn cưỡng và đi ra, để ngỏ cửa. Leamas hỏi Peters:
- Anh đến đây bao giờ chưa?
- Có, nhiều lần
- Để làm gì?
- Những thứ này. KHông hẳn như thế này, nhưng chỉ vì công tác.
- Với Fiedler?
- Phải.
- Hắn khá không?
Peters nhún vai:
- Với tư cách một tên Do Thái, y không đến nỗi tệ.
Leamas chợt nghe thấy tiếng động ở cuối phòng, liền quay lại và trông thấy Fiedler ở cuối ngưỡng cửa. Một tay y cầm chai whisky và tay kia y cầm vài cái ly và soda. Y cao chưa tới một thước bảy, mặc một bộ y phục màu xanh thẫm với chiếc áo hơi dài. Y có vẻ nhẵn nhụi, hơi giống một con thú. Mắt y màu nâu và sáng. Y không nhìn họ mà nhìn tên gác ở cạnh cửa.
- Đi đi
Y nói giọng mũi, hơi giống giọng Saxon
- Hãy đi bảo anh kia mang đồ ăn cho chúng tôi
Peters liền cho hay:
- Tôi vừa bảo anh ta ban nãy. Họ biết rồi, nhưng họ không mang gì vào cả
Fiedler nhận xét một cách lạnh nhạt bằng tiếng Anh:
- Bọn chúng toàn là dânh bảnh. Chúng tưởng ta phải có người hầu ăn riêng
Fiedler đã sống suốt thời chiến tại Gia-nã-đại, Leamas nhớ ra điều này, vì lúc này chàng đã nhận được giọng nói. Cha mẹ y vốn là dân tị nạn Đức gốc Do Thái, những người theo chủ nghĩa Macxit, và mãi đến năm 1946 cả gia đình mới trở về, mong mỏi được góp phần dù phải trả giá nào, vào việc tạo dựng một quốc gia Đức của Stalin. Y nói với Leamas bằng một giọng lơ là:
- Chào anh, vui được gặp anh
- Chào Fiedler
- Anh đến cuối lộ trình rồi.
Leamas hỏi nhanh:
- Anh muốn nói cái quái gì vậy?
- Tôi muốn nói rằng, trái với bất cứ gì Peters đã bảo anh, anh không đi về phía Đông. Rất tiếc.
Giọng y có vẻ thích thú. Leamas quay lại Peters:
- Có đúng không? Có đúng không? Anh hãy cho tôi biết ngay
Peters gật đầu:
- Phải, tôi chỉ là người trung gian. Chúng tôi bắt buộc phải làm thế. Tôi chỉ còn biết xin lỗi anh
- Tại sao?
Fiedler chen lời:
- Fouce majeure cuộc thẩm vấn sơ khởi xảy ra ở miền Tây, nơi chỉ có một toà đại sứ mới có thể dàn xếp sự móc nối cần thiết. Cộng Hoà Dân Chủ Đức Quốc lại không có toà đại sứ nào ở phía Tây. Chưa có ban liên lạc của chúng tôi, do đó đã sắp đặt cho chúng tôi được hưởng các phương tiện liên lạc và đặc miễn mà hiện thời chúng tôi chưa có.
Leamas rít lên:
- Khốn nạn. Anh là một tên khốn nạn bẩn thỉu. Anh biết rõ tôi sẽ không đủ tin tưởng để hợp tác với cơ quan thối nát của anh chứ gì? Đó là lý do anh đã dùng một người Nga.
- Chúng tôi phải nhờ đến toà đại sứ Nga ở La Haye. Chúng tôi còn làm gì khác hơn được? Cho tới lúc đó, đây chỉ là việc riêng của chúng tôi. Chuyện rất hợp lý. Chúng tôi cũng như bất cứ ai khác đều không thể biết rằng người của anh ở Anh quốc lại tìm theo anh nhanh thế.
- Không biết à? Ngay cả khi chính các anh mách họ về tôi? Không phải chuyện đã xảy ra như vậy hay sao, Fiedler. Hừ, không lẽ không phải?
Control đã bảo: Phải luôn luôn tỏ vẻ khinh ghét bọn chúng. Như thế chúng mới quý những gì chúng sẽ khai thác được ở anh.
Fiedler đáp gọn:
- Đó là điều phi lý.
Liếc về phía Peters, y nói thêm điều gì đó bằng tiếng Nga. Peters gật đầu đứng lên, y nói với Leamas:
- Chào anh, chúc anh may mắn
Y mỉm cười một cách mệt nhọc, gật đầu với Fiedler và bước ra cửa. Y đặt tay lên quả nắm cửa, rồi quay lại và nói với Leamas một lần nữa:
- Chúc anh may mắn.
Dường như y muốn Leamas nói một điều gì nữa nhưng Leamas đã không nghe thấy. Chàng đã tái xanh mặt, hai bàn tay gác chéo trước mặt, hai ngón tay cái chỉa lên như sắp sửa đánh nhau. Peters vẫn còn đứng ở cửa. Leamas nói, và giọng chàng lạc hẳn đi vì tức giận:
- Đáng lẽ tôi phải biết. Đáng lẽ tôi phải đoán ra được các anh không bao giờ đủ can đảm để tự làm lấy công việc nhơ bẩn này của các anh. Đây thật là một thí dụ điển hình cho phân nửa xứ sở nhỏ bé thối nát của các anh và cái cơ quan ti tiện mà các anh nhờ ông Bác vĩ đại dắt mối cho. Các anh không phải là một quốc gia, không phải là một chính quyền, các anh là một chế độ độc tài hạng bét của những tên mắc bệnh thần kinh về chính trị.
Xỉa ngón tay về phía Fiedler, chàng tiếp tục la lớn:
- Tôi biết anh, anh là một tên khốn nạn hung bạo, anh đúng là kẻ tiêu biểu cho hạng này. Anh đã ở Gia-nã-đại suốt thời chiến phải không? một chỗ tốt cho anh? Tôi dám cá rằng anh đã rúc cái đầu mập tròn của anh vào ngực mẹ mỗi khi có máy bay qua. Bây giờ anh là cái gì? Một tên chạy hiệu hèn mọn cho Mundt và cho 22 sư đoàn Nga đang ngồi ngay bậc cửa nhà má anh. Hừ, tôi thương hại cho anh, Fiedler, ngày anh tỉnh dậy và thấy chúng đã bỏ đi. Số đổ máu, và lúc đó sẽ không có má và cũng chẳng có Bác nào cứu anh khỏi cảnh mà anh phải chịu.
Fiedler nhún vai:
- Leamas, anh cứ xem chuyện này như một chuyến đi nhổ răng. Công việc càng xong sớm, anh càng được về sớm hơn. Anh hãy ăn uống chút gì và đi ngủ đi.
Leamas hằn học:
- Anh thừa biết rằng tôi không về nhà được. Anh đã thấy trước chuyện đó rồi mà. Các anh đã cho nổ tôi ở Anh quốc, cả hai anh đều phải thế. Các anh đều hiểu tôi sẽ không bao giờ đến đây trừ phi bị bắt buộc.
Fiedler nhìn các ngón tay thon và mạnh của y:
- Lúc này không phải là lúc triết lý vụn, nhưng thực tình anh không thể phàn nàn, anh biết chứ? Tất cả việc của ta - của anh và của tôi - bắt nguồn từ cái lý thuyết là toàn thể quan trọng hơn cá nhân. Đó là lý do vì sao trong xứ anh ngành điệp báo được gọi là một thứ Pudeur anglaise . Sự khai thác các cá nhân chỉ có thể được biện minh bởi nhu cầu tập thể, phải không? Tôi thấy anh phẫn nộ là một việc hơi lố bịch. Chúng ta ở đây không phải để tôn trọng các luật lệ về đạo đức của đời sống nông thôn Anh quốc. Tóm lại (y nói với giọng ngọt ngào), theo quan điểm của một nhà luân lý thuần tuý thì những gì anh làm cũng không phải là đáng trách.
Leamas nhìn Fiedler với một vẻ nhờn gớm:
- Tôi muốn biết hệ thống các anh. Anh chỉ là con chó của Mundt phải không? Người ta đồn anh muốn chiếm vị trí của hắn. Tôi nghĩ bây giờ là lúc anh sắp đạt ý. Có lẽ đã đến lúc triều đại Mundt sụp đổ.
Fiedler đáp:
- Tôi không hiểu ý anh.
Leamas cười khẩy:
- Tôi là thành công lớn của anh, phải không?
Fiedler có vẻ suy nghĩ một lát, rồi nhún vai bảo:
- Công tác đã thành công. Anh có đáng công hay không mình sẽ xem xét sau. Nhưng công tác đã thành công tốt đẹp. Nó thoả đáng cho nhu cầu duy nhất của nghề chúng ta: nó đã có hiệu quả.
Leamas vừa liếc về phía Peters vừa nói:
- Chắc là anh được hưởng lợi.
Fiedler trả lời dõng dạc:
- Không có vấn đề lợi lộc gì hết. Hoàn toàn không.
Y ngồi xuống thành ghế tràng kỷ, trầm ngâm nhìn Leamas rồi nói:
- Dẫu sao anh có lý khi nổi giận về một điều. Ai đã cho người bên anh biết rằng chúng tôi đã mang anh theo? Chúng tôi không cho họ biết. Anh có thể không tin tôi, nhưng sự thực là như thế. Chúng tôi đã không cho họ biết. Chúng tôi cũng không muốn họ biết nữa. Lúc đó chúng tôi đã có ý dùng anh làm việc cho chúng tôi sau này - ý định mà bây giờ tôi thấy lố bịch. Vậy ai cho họ biết? Anh lạc loài, lang thang, không có địa chỉ, không bà con, không bạn bè. Vậy tại sao họ biết được anh đã đi? Có kẻ đã báo tin cho họ - khó có thể là Ashe hoặc Kiever, vì chúng đều đã bị câu lưu.
- Bị câu lưu?
- Gần như thế. Không hẳn vì chuyện của anh, nhưng có những chuyện khác...
- Á... à...
- Đúng thật như vậy, những gì tôi vừa nói. Đáng lẽ chúng tôi đã hài lòng với báo cáo của Peters ở Hoà Lan. Đáng lẽ anh đã được lãnh tiền rồi dông. Nhưng anh đã không nói hết mọi điều cho chúng tôi mà tôi thì lại muốn biết hết. Dẫu sao, anh thừa hiểu sự hiện diện của anh ở đây cũng đặt ra nhiều vấn đề cho chúng tôi.
- Hừ, anh lầm rồi. Tôi đã nói với anh tất cả những gì tôi biết.
Hai người cùng im lặng. Rồi Peters, với một cái gật đầu đột ngột và không thân thiện tí nào với Fiedler, lẳng lặng bỏ ra ngoài.
Fiedler lấy chai whisky và rót một chút vào mỗi ly. Y bảo:
- Bực quá, lại không có soda. Anh thích dùng nước không? Tôi gọi soda nhưng chúng mang lên một thứ limsnade cà khổ.
Leamas đáp:
- Ồ, cái mẹ gì cũng được.
Chàng bất thần cảm thấy mệt rã rời
Fiedler lắc đầu, nhận xét:
- Anh là một người rất kiêu hãnh, nhưng không sao. Anh cứ việc ăn xong rồi đi ngủ.
Một tên gác mang vào một khay đồ ăn - bánh mì đen, xúc xích và xà lách. Fiedler nói:
- Thực đơn có vẻ sơ sài nhưng tạm đủ. Tôi e không có khoai tây, hiện giờ khoai đang bị khan hiếm.
Họ bắt đầu ăn trong im lặng. Fiedler ăn rất cẩn thận, như một người đang tính toán từng calorin cho cơ thể mình.
Bọn gác dẫn chàng tới phòng ngủ. Chúng để chàng tự xách lấy hành lý - vẫn là hành lý Kiever đã đưa cho chàng trước khi rời Anh quốc - và chàng bước giữa hai tên gác dọc theo hành lang rộng xuyên qua ngôi nhà từ cổng trước. Họ cùng đến trước một cánh cửa đôi lớn, sơn xanh đậm, và một trong hai tên gác mở khoá; chúng ra hiệu cho chàng vào trước. Chàng mở cửa và trông thấy một căn phòng ngủ trông kiểu trại lính có hai giường, một ghế và một bàn thô sơ. Giống như trong tù. Có mấy tấm hình đàn bà treo trên tường và cửa sổ đều có cánh sập. Cuối phòng là một cửa ra vào khác. Chúng lại ra dấu chàng đi tới. Để hành lý xuống, chàng tiến lại mở cánh cửa. Phòng thứ hai y như phòng trước, nhưng chỉ có một giường và mặt tường trống trơn. Chàng bảo:
- Các anh mang vali vào giúp tôi. Tôi mệt quá.
Chàng nằm trên giường, để nguyên quần áo, và mấy phút sau chàng ngủ say.
Một tên gác đánh thức chàng dậy ăn sáng: bánh mì đen và cà phê ẽrsatz . Chàng ra khỏi giường và đi lại cửa sổ:
Ngôi nhà đứng trên một ngọn đồi cao. Từ cửa sổ trông ra một sườn dốc khá gấp, chàng nhìn thấy những ngọn thông. Về phía bên kia đỉnh đồi là những ngọn đồi trùng điệp, đầy cây, cân đối một cách đặt biệt, trải dài một chân trời. Thỉnh thoảng lại có một khoảng trống dùng làm sân phơi gỗ hoặc dùng để ngăn chặn sự lan tràn hoả hoạn, tạo thành một lằn nâu phân cách những đám thông, trông như cây đũa thần của Argon ngăn chặn những biển cây rừng xích lại gần nhau. Không có dấu vết của con người. Không một căn nhà hay một thánh đường, không có cả tàn tích của một chỗ trước kia có nhiều dân cư. Chỉ có con đường, con đường đất vàng, dơ bẩn, như một vệt bút chì chạy qua đáy thung lũng. Không một âm thanh. Thật khó tin nổi trong cảnh tượng bao la như thế lại im lìm như thế. Ngày hôm đó trời lạnh nhưng trong sáng. Chắc hồi đêm trời đã mưa vì mặt đất ẩm ướt, và toàn phong cảnh nổi bật lên nền trời sáng loá đến độ Leamas có thể phân biệt được từng ngọn cây đơn độc trên những ngọn đồi xa nhất.
Chàng thay quần áo một cách chậm rãi, trong lúc uống tách cà phê đắng ngắt. Chàng mặc đồ gần xong, đang sửa soạn ăn bánh mì thì Fiedler bước vào phòng, nói bằng một giọng vui vẻ:
- Chào anh. Anh cứ tự nhiên tiếp tục điểm tâm.
Y ngồi lên giường, Leamas phải chịu Fiedler là người có nghị lực. Không phải muốn vào thăm chàng thì phải có gan dạ - bọn gác chắc vẫn ở phòng kế bên. Nhưng trong thái độ của y, có một vẻ kiên trì, một chủ đích rõ rệt mà Leamas có thể cảm thấy và ngưỡng phục.
Fiedler nhận xét:
- Anh đã đặt cho chúng tôi một vấn đề hóc búa.
- Tôi đã nói hết những gì tôi biết.
Y mỉm cười:
- Ồ không, ồ không. Anh chưa nói hết. Anh chỉ nói hết những gì anh ý thức được là anh biết.
- Khéo thật.
Vừa khẽ bảo, Leamas vừa gạt đồ ăn sang một bên và châm một điếu thuốc - điếu cuối cùng của chàng.
Fiedler nói với vẻ vui tính quá mức của một người đề nghị trò chơi trong các buổi tiệc:
- Tôi xin hỏi anh một câu, với tư cách một viên chức tình báo giàu kinh nghiệm, anh sẽ làm gì với những tin tức anh đã cho chúng tôi?
- Tin tức nào?
- Này Leamas, anh mới chỉ cho chúng tôi một tin thôi. Anh đã kể cho chúng tôi nghe về Riemeck, chúng tôi đã biết chuyện về Riemeck. Anh đã kể cho chúng tôi nghe về hệ thống tổ chức của anh ở Bá Linh, về các nhân vật và nhân viên. Những điều đó tôi xin nói rằng xưa lắm rồi. Rất đúng - phải, bối cảnh tốt, tài liệu hay, thỉnh thoảng thêm vào một vài bằng chứng, thỉnh thoảng cho chúng tôi bắt một con cá nhỏ trong hồ. Nhưng không có - tôi xin nói trắng ra - không có tin nào đáng mười lăm ngàn Anh kim.
Y lại mỉm cười, nhấn mạnh:
- Không có, nhất là theo giá bạc hiện thời.
- Này, tôi đâu có đề nghị số đó - các anh đấy chứ - anh, Kiever và Peters. Tôi đâu có mò đến mấy tên bạn lại cái của anh để gạ bán những tin tức cũ mèm. Các anh bày chuyện ra mà, Fiedler; anh đã đặt giá và ráng chịu. Mặt khác, tôi chưa được một xu con nào cả. Vì thế các anh đừng trách tôi nếu công tác không thành.
Leamas nghĩ, cứ để chúng lăn vào mình:
- Không phải không thành mà là chưa xong. Không thể như thế được. Anh chưa nói những gì anh biết. Tôi đã nói anh mới chỉ cho chúng tôi một mẩu tin. Tôi muốn nói vụ "Rolling Stone". Để tôi hỏi lại anh lần nữa, anh sẽ làm gì nếu tôi, nếu Peters hoặc ai đó như chúng tôi, đã kể anh nghe một chuyện tương tự?
Leamas nhún vai nói:
- Tôi sẽ cảm thấy khó chịu. Chuyện này trước kia đã xảy ra. Anh được một điểm chỉ viên, hoặc có lẽ nhiều hơn, cho hay có một điệp viên trong một cơ quan hoặc ở một cấp nào đó. Rồi sao? Anh không thể bắt giữ tất cả các công chức tại đó. Anh không thể giăng bẫy cho một cơ quan. Anh chỉ cần ngồi yên, hy vọng thêm nữa. Anh nên nhớ như vậy. Trong vụ "Rolling Stone" không có thể biết được các đương sự làm việc tại quốc gia nào.
Fiedler bật cười bảo:
- Anh chỉ là một nhân viên hoạt vụ, chứ không phải là một người phê điểm. Rõ ràng như vậy. Để tôi hỏi anh vài câu sơ đẳng.
Leamas không nói gì:
- Hồ sơ vụ "Rolling Stone" có màu gì?
- Màu xám với một chữ thập đỏ trên - có nghĩa là luân chuyển giới hạn.
- Có gì kèm theo bên ngoài không?
- Có cái caveat. Đó là một thứ phiếu luân chuyển với một ghi chú nói rõ bất cứ ai vô thẩm quyền không được nêu tên trên phiếu này, nếu thấy hồ sơ, phải hoàn ngay về Ban Ngân Sách mà không được mở ra xem.
- Ai ở trên danh sách luân chuyển?
- Vụ "Rolling stone"?
- Phải.
- Phụ tá của Control, Control, Bí thư của Control, Ban Ngân Sách, cô Bream ở phòng ghi chú đặc biệt và Ban Vệ tinh bốn. Hết, hình như có thế. Có lẽ còn Ban Điều hành nhưng tôi không chắc lắm.
- Vệ tinh bốn? Họ làm gì?
- Các vụ liên hệ với các quốc gia bên kia Bức Màn Sắt ngoại trừ Nga Sô, Trung Hoa và Đông Đức.
- Anh muốn nói nước Cộng hoà dân chủ Đức Quốc?
- Tôi muốn nói Đông Đức
- Anh có thấy kỳ lạ vì toàn một ban có tên trong danh sách luân chuyển không?
- Phải, có lẽ. Tôi không sao biết được. Tôi chưa hề động tới những hồ sơ luân chuyển giới hạn. Dĩ nhiên, ngoại trừ ở Bá Linh, ở đó khác hẳn.
- Hồi đó, Vệ tinh bốn gồm những ai?
- Trời ơi, hình như có Guillam, Haverlake, De Jong. De Jong mới từ Bá Linh về.
- Tất cả mấy người đó đều được phép xem hồ sơ à?
Leamas gay gắt đáp:
- Tôi không biết, Fiedler, nếu tôi là anh...
- Vậy không lạ sao khi cả một ban nằm trên danh sách luân chuyển trong lúc tên khác được ghi riêng từng người một?
- Tôi đã nói là không biết. Tôi làm sao biết được? Trong vụ này tôi chỉ là một thư ký quèn.
- Ai mang hồ sơ từ người này sang người khác?
- Chắc là các bí thư. Tôi không thể nhớ được, lâu quá rồi...
- Vậy tại sao các bí thư không có tên trong danh sách mà bí thư của Control lại có?
Im lặng một lát.
Rồi Leamas nói với giọng ngạc nhiên:
- Không, anh nói đúng. Tôi nhớ ra rồi. Chúng tôi tự tay chuyển hồ sơ.
- Còn ai khác ở Ban Ngân Sách có thể xem hồ sơ đó?
- Không. Tôi lãnh việc kể từ khi tôi đến làm việc tại ban này. Trước kia có một bà làm việc này, nhưng từ khi tôi đến, tôi phụ trách lấy và họ gạch tên bà ta ra khỏi danh sách.
- Vậy chỉ mình anh tự tay chuyển hồ sơ cho người kế tiếp?
- Phải, phải... tự tay tôi.
- Anh chuyển cho ai?
- Tôi.. tôi không nhớ rõ.
- Anh hãy suy nghĩ kỹ lại đi
Fiedler không cất cao giọng nhưng giọng y chứa đựng một vẻ khẩn bách bất thần làm Leamas ngạc nhiên:
- Hình như cho phụ tá của Control, để cho thấy những gì chúng tôi đã làm hoặc đề nghị
- Ai đã mang hồ sơ đến?
Leamas có vẻ chưng hửng:
- Anh nói sao?
- Ai đã mang hồ sơ cho anh đọc? Nhất định phải là một người có tên trong danh sách mang đến cho anh.
Một ngón tay của Leamas sờ lên má một lát trong một động tác ưu tư vô tình:
- Phải. Chắc hẳn như thế. Fiedler, anh cũng thấy thật là khó. Hồi đó tôi đã uống quá nhiều.
Giọng chàng hoà dịu một cách khác thường
- Có lẽ anh cũng không thể nhận thức được khó đến mức nào...
- Tôi hỏi anh một lần nữa. Anh hãy suy nghĩ kỹ. Ai mang hồ sơ đến cho anh?
Leamas ngồi xuống bàn và lắc đầu:
- Tôi không thể nhớ được. Có lẽ tôi cũng sẽ nhớ ra nhưng lúc này thì tôi chịu. Dù có moi óc ra cũng không ích gì.
- Không thể là các nữ bí thư của Control phải không? Anh luôn luôn hoàn lại các hồ sơ cho phụ tá của Control. Anh đã nói như vậy. Vậy chắc những người trên danh sách phải xem hồ sơ trước Control.
- Phải, có lẽ như thế.
- Vậy thì đó là Ban Ghi chú đặc biệt, tức là cô Bream.
- Cô ta chỉ là người điều hành tủ sắt đựng các hồ sơ có tên trên danh sách luân chuyển. Đó là nơi hồ sơ được lưu giữ khi không dùng đến...
Fiedler dịu giọng:
- Vậy thì chắc là Vệ tinh bốn mang đến phải không?
Leamas nói một cách yếu ớt, như không chống lại nổi trí thông minh của Fiedler:
- Phải tôi nghĩ là như vậy.
- Vệ tinh bốn làm việc trên tầng thứ mấy?
- Tầng nhì.
- Còn Ban Ngân sách?
- Tầng bốn. Cạnh Ban ghi chú đặc biệt.
- Anh có nhớ ai mang hồ sơ đến cho anh không? hoặc anh có nhớ, chẳng hạn có lần nào xuống thang lầu để lấy hồ sơ không?
Hoàn toàn thất vọng. Leamas lắc đầu. Rồi bỗng nhiên chàng quay lại Fiedler:
- Phải, đã có một lần! Dĩ nhiên là có! Tôi đã lấy hồ sơ từ Peters!
Leamas như tỉnh ngộ hẳn, mặt chàng đỏ bừng bừng có vẻ kích động.
- Đúng thế. Có lần tôi đã lấy hồ sơ từ tay Peters trong phòng anh ta. Chúng tôi tán gẫu về Nauy. Trước kia chúng tôi cùng làm việc ở đó, anh biết chứ.
- Peters Guillam?
- Phải, Peters - tôi đã quên bẵng anh ta. Lúc đó anh ta vừa từ Aukara về được vài tháng.. Anh ta cũng có tên trên danh sách. Peters là... dĩ nhiên là như thế. Có ghi Vệ tinh bốn và FG trong dấu ngoặc, đó là tên tắt của Peters. Trước đó đã có môt người khác xem hồ sơ và Ban ghi chú đặc biệt dán một miếng giấy trắng lên cái tên cũ và ghi tắt tên của Peters vào.
- Guillam phụ trách vùng nào?
- Vùng Đông Đức. Anh ta phụ trách một phần hành nhỏ về vấn đề kinh tế một công việc chán phèo. Đúng là mẫu người của anh ta.. Anh ta cũng đã mang lên cho tôi một lần, tôi nhớ ra rồi. Tuy nhiên anh ta không điều khiển các điệp viên. Tôi thật không hiểu tại sao anh ta lại nhảy vào chuyện này - Peters và vài người khác trước kia đã từng lo việc nghiên cứu về sự khan hiếm thực phẩm. Thật ra chỉ ước tính các chỉ số.
- Anh đã không bàn luận về các hồ sơ với Peters à?
- Không, điều đó cấm. Không ai được quyền bàn luận về những hồ sơ có danh sách luân chuyển giới hạn, tôi đã được người đàn bà trong Ban ghi chú đặc biệt dặn dò kỹ về điều này - không bàn luận, không hỏi han.
- Nhưng nếu xét về những biện pháp an ninh kỹ lưỡng quanh "Rolling Stone" thì cái gọi là công việc nghiên cứu của Guillam có thể liên quan đến sự điều hành "Rolling Stone" hay không?
Leamas nói như quát lên, tay nắm lại đấm xuống mặt bàn:
- Tôi đã nói với Peters rồi, thật là khờ khạo tột bực mới nghĩ rằng có một điệp vụ nào chống Đông Đức mà tôi lại không hay biết - mà tổ chức tại Bá Linh lại không biết. Đáng lẽ tôi phải biết chứ, anh không thấy sao? Tôi đã nói thế bao nhiêu lần rồi? Đáng lẽ tôi phải biết chứ?
Fiedler ôn tồn bảo:
- Hẳn vậy, dĩ nhiên anh phải biết.
Y đứng lên, đến bên cửa sổ, vừa nhìn ra ngoài vừa nói tiếp:
- Anh nên ngắm khung cảnh này vào mùa thu. Thật tuyệt khi những cây đã thay lá.
Chú thích
Trường hợp bất khả kháng (bằng tiếng Pháp văn trong nguyên tác)
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...