Tôi đang mải mê đứng ngắm cái thế giới tí hon này và theo dõi mấy con kiến cảnh binh xem thử sự giám sát của chúng có đến tận sát cửa vào tổ kiến hay không, thì bỗng có tiếng người nói:
- Không được động đậy. Hễ nhúc nhích là chết ngay... Quay lại!
Đó là một người cởi trần, mặc quần soọc ka ki, chân đi một đôi ủng da màu đỏ, tay cầm một khẩu súng hai nòng.
Người ấy tầm vóc trung bình, to ngang, nước da cháy nắng. Đầu hắn hói trán, quanh hai mắt và ở vùng mũi xăm chàm rất đậm, làm thành một cái mặt nạ vẽ. Ngay giữa trán có xăm hình con dán.
- Anh có vũ khí không?
- Không.
- Anh có một mình à?
- Không.
- Các anh có mấy người?
- Ba.
- Anh đưa tôi đến chỗ các bạn anh đi.
- Không được, vì một trong hai người có một khẩu mousqueton, và tôi không muốn anh bị bắn chết trước khi biết ý định của anh.
- À! Vậy thì anh phải đứng yên và nói khe khẽ một phút. Các anh chính là ba tù nhân vừa trốn khỏi bệnh viện phải không?
- Vâng.
- Ai là Bươm bướm?
- Tôi đây.
- À thế thì anh có thể coi như anh đã gây ra cả một cuộc cách mạng ở trong làng với cuộc vượt ngục của anh! Một nửa số phạm nhân mãn hạn đã bị bắt giải về sở hiến binh.
Hắn bước lại gần tôi, nòng súng chĩa thấp xuống đất chìa tay ra cho tôi bắt và nói:
-Tôi là Le Breton Mặt nạ. Anh đã từng nghe nói về tôi chưa?
- Chưa, nhưng tôi thấy rõ anh không phải là kẻ săn người.
- Đúng đấy. Tôi đặt bẫy ở đây để bắt chim hocco. Hổ ăn mất cửa tôi một con rồi... nhưng cũng có thể là các anh.
- Chúng tôi ăn đấy.
- Anh uống cà-phê nhá?
Trong cái xắc hắn đeo sau lưng có một cái bình thủy. Hắn rót ra cho tôi một ít cà phê, và bản thân cũng uống một ít. Tôi nói:
- Đến gặp các bạn tôi đi.
Hắn đến, và ngồi xuống với chúng tôi. Hắn cười khe khẽ một mình về câu chuyện khẩu mousqueton mà ban nãy tôi đã bịa ra để lòe hắn. Hắn nói:
- Thế mà ban nãy tôi tưởng thật, vì không có một tên săn người nào chịu nhận đi tìm các anh: ai nấy đều biết rằng các anh có mang theo một khẩu mousqueton.
Le Breton Mặt nạ giảng giải cho chúng tôi biết rằng anh ta đã ở Guyane được hai mươi năm và đã ra khỏi tù được năm năm nay. Anh ta bốn mươi lăm tuổi. Vì đã lỡ dại dột xăm hình lên mặt, anh ta không nghĩ đến chuyện về Pháp nữa. Anh ta rất mê rừng và toàn sống nhờ vào rừng: da rắn, da hổ, sưu tầm bươm bướm, và nhất là bắt chim hocco - con chim mà chúng tôi vừa ăn. Anh ta kể cho chúng tôi nghe như sau:
- Đây là một giống chim hoang dã thuộc loại gà rừng. Dĩ nhiên nó chưa bao giờ tiếp xúc với gà nhà hay với người. Tôi đặt bẫy bắt sống giống chim này, đem vào làng và bán cho người nào có chuồng gà, vì đây là giống chim rất được ưa chuộng. Còn phải nói. Chẳng cần vặt lông cánh, chẳng cần làm gì, cứ thế đến sâm sẩm tối cho nó vào chuồng gà, đến sáng mở cứa chuồng là nó ra đứng trước cửa có vẻ như đang đếm số gà trống và gà mái đang ra chuồng. Nó đi theo đàn gà, và cũng ăn như gà, nhưng vừa ăn vừa đưa mắt nhìn kỹ bốn phía mười phương, quan sát cả các bụi rậm ở xung quanh. Đó là một con chó giữ gia cầm không có gì sánh kịp. Đến tối nó về đứng ở cửa chuồng gà, và không thể hiểu nó làm thế nào mà biết được còn thiếu con nào, chỉ biết là nó biết, và lập tức đi tìm. Dù gà trống hay gà mái, hễ tìm ra là nó mổ rõ đau vào để dạy cho chú gà kia biết giờ biết giấc. Nó giết chuột đồng, rắn, nhện, rết, bọ cạp, và hễ thoáng có bóng một con diều hâu xuất hiện trên nền trời là nó lùa cả đàn gà vào đám cỏ rậm trong khi bản thân nó đứng ra đối địch với kẻ thù. Đã đem nó về là nó không rời chuồng gà bỏ đi nữa.
Một con chim lạ lùng như thế mà chúng tôi đã luộc ăn như một con gà tầm thường.
Le Breton Mặt nạ cho chúng tôi biết rằng Jésus, Enflé và khoảng ba chục cựu phạm nhân hiện đang bị giam ở sở cảnh binh Saint-Laurent; ở đấy họ đến xem các tù nhân mãn hạn, xem thử có nhận ra một người nào đã từng rình mò xung quanh tòa nhà mà chúng tôi đã ở trước khi trốn đi không. Thằng "giữ chìa khóa" người A-rập thì bị nhốt xà-lim ở sở cảnh binh. Hắn bị giam cách ly, vì họ nghi là hắn đồng lõa với chúng tôi. Hai cú chân giường sắt đã làm cho hắn ngất đi nhưng không để lại chút thương tích nào, còn bọn cảnh sát thì chỉ bị sưng đầu nhẹ. "Còn tôi thì cảnh sát không động đến, vì ai cũng biết tôi không bao giờ nhúng tay vào các vụ vượt ngục" .
Le Breton nói với chúng tôi rằng Jésus là một thằng rất khốn nạn. Khi tôi nói tới chiếc xuồng, anh ta đòi xem. Vừa trông thấy nó anh ta đã kêu lên:
- Nó thí mạng các anh còn gì. Cái xuồng này sẽ không bao giờ nổi lấy được một tiếng đồng hồ trên mặt biển. Hễ gặp phải một ngọn sóng hơi mạnh một chút, khi dập xuống nó sẽ vỡ ra làm đôi ngaỵ Chớ có đi chiếc xuồng này: chẳng khác gì tự sát.
- Thế thì biết làm cách nào bây giờ?
- Anh có tiền không?
- Có
- Bây giờ tôi nói cho anh biết rõ phải làm gì, hơn nữa, tôi sẽ giúp anh: anh xứng đáng được giúp đỡ. Tôi sẽ giúp không thôi, sao cho anh và các bạn anh thành công. Vì bất cứ lý do gì các anh cũng không được đến gần làng. Muốn có được một cái thuyền tốt, phải đến đảo Bồ câu. Trên đảo này có gần hai trăm người hủi. Ở đây không có giám thị, và không bao giờ có một người nào lành mạnh đến đấy, kể cả thầy thuốc. Cứ mỗi ngày vào lúc tám giờ, một chiếc xuồng đưa lương thực đến cho người trên đảo đủ dùng trong hai mươi bốn tiếng, toàn đồ ăn sống. Viên y tá bệnh viện nhà lao giao một thùng thuốc cho hai viên y tá của đảo (đều mắc bệnh hủi), chuyên chăm sóc bệnh nhân trên đảo. Không có một ai, dù là cảnh sát, linh mục hay bọn săn người, đặt chân lên đảo. Những người hủi sống trong mấy túp nhà tranh nhỏ do chính họ dựng lên. Họ có một căn nhà chung để hội họp. Họ nuôi gà vịt để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Họ không được công khai bán bất cứ thứ gì, nhưng họ vẫn bí mật giao dịch mua bán với Saint-Laurent, Saint-Jean và với dân Tàu ở Guyane thuộc Hà-lan, ở Albinạ Họ đều là những kẻ sát nhân thuộc loại nguy hiểm. Rất ít khi họ giết lẫn nhau, nhưng họ rất hay bí mật ra khỏi đảo, phạm một tội ác rồi sau đó lại trở về ẩn náu trên đảo. Để thực hiện những chuyến đi ấy, họ có một số thuyền lấy trộm được của dân làng bên. Ở đảo này, tội nặng nhất là có một chiếc thuyền. Cảnh sát được lệnh bắn vào bất cứ thuyền nào đi vào đảo Bồ câu hay ra khỏi đảo. Vì vậy bọn hủi nhận chìm thuyền của họ xuống nước và lấy đá chặn cho thuyền khỏi nổi lên. Mỗi khi cần đến thuyền, họ lặn xuống nước bỏ đá ra, thế là thuyền lại nổi lên. Trên đảo có đủ các giống người, từ khắp các miền của nước Pháp. Kết luận: cái xuồng của anh chỉ có thể dùng trên sông Maroni mà thôi, mà với điều kiện là không chở nặng quá! Muốn ra biển phải kiếm một chiếc thuyền khác và cách tốt nhất là đến đảo Bồ câu mà tìm.
- Làm thế nào để đến đấy?
- Đây. Tôi sẽ cùng đi với anh trên sông cho đến khi trông thấy đảo. Nếu đi một mình, anh sẽ không tìm ra hoặc có thể nhầm sang đảo khác. Đảo này cách cửa sông một trăm năm mươi cây số. Vậy phải quay trở lại phía sau. Nó ở phía trên Saint - Laurent đến năm mươi cây số. Tôi sẽ đưa anh đến thật gần đảo, sau đó tôi sẽ chuyển sang xuồng của tôi (ta sẽ kéo nó theo) và một mình anh sẽ hành động trên đảo.
- Tại sao anh không lên đảo với chúng tôi?
- Trời ơi, - Le Breton nói. - Tôi đặt chân lên bến ván của họ có một lần (cái bến ván này là nơi ghé chính thức của thuyền Ban quản trị). Hồi đó là giữa ban ngày, thế mà những điều tôi trông thấy đã đủ cho tôi ngán lắm rồi. Anh tha thứ cho tôi, Papi ạ, nhưng cho tới chết tôi sẽ không bao giờ còn đặt chân lên đảo này nữa. Vả chăng tôi sẽ không khắc phục nổi cái cảm giác ghê tởm khi đứng gần họ, khi phải nói chuyện, phải thương lượng với họ. Như vậy tôi sẽ có hại hơn là có lợi cho anh.
- Bao giờ thì đi?
- Sâm sẩm tối thì đi.
- Thế bây giờ là mấy giờ rồi, Breton?
- Ba giờ.
- Được thế thì tôi ngủ một lát.
- Không được đâu, anh phải thu xếp chở hết đồ đạc lên xuồng.
- Ồ, không, tôi sẽ đi xuồng không, sau đó sẽ quay về đón Clousiot. Clousiot sẽ ở lại đây trông đồ.
- Không thể được, không bao giờ anh có thể tìm lại chỗ này, ngay giữa ban ngày cũng vậy. Mà ban ngày thì anh tuyệt nhiên không được có mặt trên sông. Cuộc lùng bắt các anh chưa chấm dứt đâu. Vùng sông vẫn còn nguy hiểm lắm.
Chiều xuống. Le Breton đi tìm cái xuồng độc mộc của anh. Chúng tôi buộc nó vào phía sau thuyền của chúng tôi. Clousiot ngồi cạnh Le Breton đang cầm chèo lái, Maturette ngồi giữa, tôi ngồi phía trước. Thuyền ra khỏi vịnh một cách khó khăn, và khi ra đến sông thì trời đã sắp tối. Một vầng thái dương khổng lồ màu đỏ huyết dụ làm bùng lên một đám cháy ở chân trời phía biển. Muôn vàn tia lửa của một trận pháo hoa vĩ đại đang thi nhau bùng lên, như thể những tia đỏ đang cố sao cho đỏ hơn những tia đỏ khác, những tia vàng đang cố sao cho vàng hơn những tia vàng khác, và ở những vùng các màu sắc pha trộn vào nhau thì cố sao kết hợp được thật nhiều màu sắc.
Có thể trông rõ ở phía trước, cách chúng tôi hai mươi cây số, cái cửa bể của con sông oai nghiêm đang đổ ra đại dương trong những đợt sóng màu hồng chen ánh bạc lấp lánh. Le Breton nói: "Giờ nước ròng sắp hết. Chỉ một tiếng đồng hồ nữa sẽ thấy nước triều lên: ta sẽ lợi dụng nó để đi ngược sông Maroni, và đi như thế chẳng cần chèo chống gì nhiều, rất chóng đến nơi". Đêm tối đổ sập xuống một cách đột ngột.
- Đi thôi, - Le Breton nói. - Chèo cho mạnh để ra giữa sông. Đừng hút thuốc nữa.
Mấy mái chèo vục xuống nước, và chúng tôi cắt ngang dòng đi khá nhanh. Tôi và Le Breton phối hợp rất ăn nhịp với nhau, mái chèo cắt nước đều đặn. Maturette đem hết sức bình sinh ra chèo. Càng ra giữa dòng càng cảm thấy rõ thủy triều đang đẩy thuyền lao mạnh về phía trước. Thuyền lướt đi vun vút, cứ nứa giờ một lại cảm thấy thủy triều lên mạnh hơn. Sáu giờ sau, chúng tôi đã đến rất gần đảo. Thuyền lao thẳng vào đấy: một cái vệt lớn gần đúng giữa dòng sông, chi hơi chếch về bên phải một chút. "Đây rồi" - giọng Le Breton nói khẽ. Đêm không tối lắm, nhưng chắc đứng hơi xa không sao thấy được chúng tôi, vì làn sương mù bay là là trên mặt sông. Chúng tôi đã đến sát đảo. Khi đã phân biệt được rõ hơn những đường nét của giải bờ đá, Le Breton bước sang chiếc thuyền độc mộc của anh ta, nhanh nhẹn cởi dây buộc và nói khẽ một câu: "Chúc các bạn may mắn!".
- Cám ơn nhé.
- Không có gì.
Chiếc thuyền của chúng tôi, không được Le Breton điều khiển nữa, bị dòng nước đẩy ngang vào bờ đảo. Tôi cố lái cho nó đi thẳng trở lại, nhưng không có kết quả cho lắm, và vẫn bị dòng nước đẩy mạnh, chiếc thuyền đâm cheo chéo vào những khóm lá rũ trên mặt nước. Thuyền xô vào bờ rất mạnh, mặc dầu tôi đã dùng chèo cố hãm lại, đến nỗi giá đây không phải là một lùm cây mà là một tảng đá, thì chiếc thuyền đã vỡ tan ra rồi, và thế là đi tong các thứ đồ dùng và lương thực, v. v. Maturette nhảy xuống nước, kéo chiếc thuyền vào, thế là chúng tôi chui vào phía dưới một lùm cây rất tọ Cậu ta lại kéo nữa, và chúng tôi đã buộc được thuyền vào một cành cây.
Chúng tôi uống mỗi người mấy ngụm rượu rhum, và tôi leo lên bờ một mình, để hai bạn tôi ngồi lại dưới thuyền.. Tay cầm địa bàn, tôi bước đi sau khi đã làm gãy mấy cành cây và móc vào nơi này nơi nọ những miếng vải bao bột mà tôi đã xé sẵn ra trước khi lên đường. Đi được một lát, tôi thấy có ánh đèn lập lòe phía trước và chợt nghe thấy những tiếng người nói. Trước mặt tôi có ba nếp nhà tranh. Tôi bước về phía đó. Vì tôi không biết mình sẽ trình diện với những người ở trên đảo ra sao, tôi quyết định để cho họ phát hiện tôi trước.
Tôi đánh một que diêm. Khi ánh lửa lóe lên, một con chó nhỏ vừa sủa vừa xông vào tôi. Nó cứ chồm chồm chỉ chực cắn vào chân tôi. Mong sao nó đừng mắc bệnh hủi" - tôi thoáng nghĩ. Ngu quá, chó có bao giờ lại mắc bệnh hủi!
- Ai đấy? Ai? Cậu đấy hả Marcel?
- Tôi là một người vượt ngục.
- Anh đến đây làm cái gì? Để ăn trộm hẳn? Anh tưởng chúng tôi có của thừa chắc?
- Tôi cần được giúp đỡ.
- Giúp không hay có trả tiền?
- Mày có câm mồm đi không, thằng Chouette kia?
Bốn bóng người từ trong mấy nếp nhà tranh đi ra.
- Đi tới từ từ anh bạn! Tôi cuộc rằng anh chính là người có khẩu mousqueton. Nếu anh có mang theo, anh cứ để xuống đất đi, ở đây anh không sợ gì hết.
- Vâng, chính tôi, nhưng khẩu mousqueton thì tôi không mang theo.
Tôi bước tới sát họ. Trời tối quá tôi không phân biệt được nét mặt mấy người ấy. Tôi giơ tay ra một cách ngu xuẩn. Không ai bắt lấy bàn tay tôi. Tôi hiểu ra, một cách hơi muộn màng, rằng bắt tay là một cử chỉ không bao giờ có ở đây: họ không muốn làm cho tôi nhiễm bệnh.
- Vào nhà đi, - La Chouette nói.
Túp lều tranh sáng mờ mờ dưới ánh một cây đèn dầu đặt trên bàn.
- Ngồi xuống đi.
Tôi ngồi xuống một chiếc ghế rơm không có lưng tựa. La Chouette thắp thêm ba cây đèn dầu nữa và đem một cây đặt lên cái bàn ngay trước mặt tôi. Ngọn khói bốc lên từ cái bấc đèn dầu dừa tỏa ra một thứ mùi ngửi mà buồn nôn. Tôi ngồi, còn năm người kia đứng, tôi không trông rõ mặt họ. còn mặt tôi thì vừa ngang tầm ánh đèn, chắc họ trông rất rõ: hẳn là họ có chủ ý để ánh sáng như vậy. Giọng nói ban nãy đã mắng bảo La Chouette câm mồm bây giờ lại nói:
- L'anguille, cậu sang bên nhà chung hỏi xem bên ấy có muốn chúng ta đưa anh này sang không. Toussaint trả lời ra sao về đây báo ngay, nhất là trong trường hợp Toussaint đồng ý. Ở đây chúng tôi không có gì để mời anh uống đâu anh bạn ạ, trừ khi anh vui lòng nuốt trứng sống.
Hắn đặt trước mặt tôi một cái giỏ đan đựng đầy trứng.
- Cám ơn, tôi không cần đâu.
Bên tay phải, rất gần chỗ tôi, một người trong bọn họ ngồi xuống, và lần đầu tiên tôi trông thấy bộ mặt của một người hủi.
Thật là gớm ghiếc. Tôi phải cố gắng lắm mới không ngoảnh mặt đi và không để lộ cái cảm giác ghê tởm ra ngoài. Cái mũi đã bị ăn mòn hết cả thịt lẫn xương, ở chính giữa mặt chỉ thấy một cái lỗ lớn. Tôi nói là một cái lỗ, chứ không phải hai đâu, nó to bằng một đồng tiền hai francs. Cái môi dưới về phía bên phải cũng bị ăn sứt, để lộ ba cái răng tróc nếu, rất dài đều vàng khè, cắm thẳng vào xương hàm trên đã tróc hết thịt. Hắn chỉ còn một tai. Hắn đặt một bàn tay băng bó lên bàn: đó là bàn tay phải. Bằng hai ngón tay cuối cùng còn lại trên bàn tay phải, hắn cầm một điếu xì gà to và dài, chắc chắn là do hắn quấn lấy bằng một tấm lá thuốc chưa khô hẳn, vì điếu xì-gà có màu tai tái. Chỉ còn con mắt bên trái của hắn là con mi, mắt bên phải không nhắm lại được, và một vết loét dài và sâu từ mắt phải chạy lên trán rồi mất hút trong mớ tóc hoa râm bù xù. Bằng một giọng khản đặc, hắn nói với tôi:
- Chúng tôi sẽ giúp anh, anh bạn ạ. Chứ không thì rồi dần dà anh sẽ có đủ thì giờ để trở thành như tôi: điều đó tôi chẳng muốn.
- Cám ơn.
- Tôi tên là Jean sans Peur, tôi là dân ngoại ô. Khi tôi bước chân đến trại khổ sai, tôi còn đẹp hơn, lành mạnh hơn, khỏe hơn anh. Trong mười năm, tôi đã hóa ra thế này.
- Họ không chữa cho anh sao?
- Có chứ. Từ khi tôi tiêm dầu choumogra cho đến nay thì thấy có đỡ. "Đây anh xem".
Hắn quay nghiêng đầu cho tôi xem mé bên trái:
- Bên này đang khô dần.
Một niềm thương xót vô hạn tràn ngập lòng tôi, và tôi giơ tay ra toan sờ vào má bên trái của hắn để bày tỏ niềm thông cảm. Nhưng hắn đã né người ra phía sau, nói:
- Cám ơn anh đã có lòng muốn chạm vào tôi. Nhưng tôi phải khuyên anh là đừng bao giờ chạm vào một người bệnh, mà cũng đừng bao giờ ăn hay uống vào một cái cà-mèn của họ.
Trước sau tôi chỉ một lần trông thấy mặt một người hủi - người duy nhất đã có đủ can đảm chịu để cho tôi nhìn thẳng vào mặt.
- Hắn ta đâu? - Trên ngưỡng cửa hiện ra một bóng người thấp tịt, gần như một người lùn.
- Toussaint và mấy tay kia muốn gặp hắn. Đưa hắn tới trung tâm đi.
Jean sans Peur đứng dậy, nói với tôi:
- Đi theo tôi.
Chúng tôi cùng đi cả ra ngoài trong đêm tối, bốn năm người đi phía trước, Jean sans Peur đi bên cạnh tôi, mấy người nữa đi phía sau. Ba phút sau, khi chúng tôi đi đến một cái nền rộng đắp cao lên, ánh trăng mờ mờ soi lên cái thứ quảng trường này. Đó là chỗ cao nhất trên đảo. Ở chính giữa có một ngôi nhà. Một ít ánh sáng lọt qua hai khung cửa sổ. Khoảng hai mươi người đứng trước cửa chờ chúng tôi. Chúng tôi bước tới. Vào đến cửa, họ xê ra hai bên cho chúng tôi vào nhà.
Đó là một gian phòng hình chữ nhật chiều dài khoảng mười mét, chiều rộng bốn mét, có một thứ lò sưởi củi gỗ đang cháy, bốn góc có đặt bốn tảng đá lớn cao ngang nhau. Gian phòng được chiếu sáng bằng hai cây đèn bão lớn thắp dầu hỏa. Ngồi trên một chiếc ghế đẩu là một người không có tuổi, mặt trắng bệch, mắt đen. Sau lưng hắn có năm sáu người ngồi trên một chiếc ghế dài. Hắn nói với tôi:
- Tôi là Toussaint le Corse, còn anh là Papillon?
- Vâng.
- Ở trại khổ sai tin tức đi rất nhanh, cũng nhanh ngang những hành động của anh. Khẩu mousqueton của anh để đâu?
- Chúng tôi ném xuống sông rồi.
- Ở chỗ nào?
- Ngay trước bức tường bệnh viện, đúng ở chỗ chúng tôi leo qua tường.
- Thế thì có thể tìm lại được chứ?
- Tôi nghĩ là có thể, vì nước chỗ ấy không sâu.
- Sao anh biết?
- Vì chúng tôi phải lội xuống nước để khiêng anh bạn của chúng tôi bị thương đưa lên thuyền.
- Hắn ta bị thương thế nào?
- Gãy một chân.
- Anh đã làm gì cho hắn chưa?
- Tôi đã buộc nẹp cho anh ta.
- Hắn có đau không?
- Có
- Bây giờ hắn đâu?
- Dưới xuồng ấy.
- Anh bảo là anh đến đây vì cần được giúp đỡ: vậy anh cần thứ gì?
- Một chiếc thuyền.
- Anh cần chúng tôi giúp anh một chiếc thuyền?
- Vâng. Chúng tôi có tiền để trả.
- Được Tôi sẽ bán cho anh chiếc thuyền của tôi. Nó là thứ tuyệt hảo, và hãy còn mới toanh. Tôi vừa mới lấy trộm được tuần trước ở Albina. Đó không phải là một cái thuyền, đó là một chiếc tàu viễn dương. Chỉ thiếu có một cái: đó là cái trụ đáy. Trong hai tiếng đồng hồ bọn tôi sẽ lắp cho anh một cái trụ đáy tươm tất. Còn thì cái gì cũng có sẵn: bánh lái có cả tay lái đầy đủ, cột buồm cao bốn mét bằng gỗ lim và một lá buồm bằng vải lanh mới tinh khôi. Anh trả tôi bao nhiêu?
- Anh cứ nói giá đi! Tôi không biết giá cả ở đây.
- Ba ngàn francs nếu anh có đủ tiền trả, còn nếu không đủ thì anh quay về tìm khẩu mousqueton đi rồi tối mai đem đến đây mà đổi lấy thuyền.
- Không, tôi sẽ trả tiền.
- Được rồi. Xong phắt. La Puce, dọn cà-phê!
La Puce tức là cái người lùn tịt ban nay đã sang bên kia tìm tôi. Hắn đến cạnh một tấm ván đóng vào tường phía trên lò sưởi, lấy một cái cà-mèn mới tinh đã được lau chùi bóng lộn lên, rồi lấy một cái chai đựng cà phê rót vào đấy và bắc bên bếp lửa. Một lát sau hắn bỏ cà-mèn xuống, rót cà-phê ra mấy cái ca đề cạnh bốn tảng đá. Toussaint cúi người cầm lấy và chuyển cho mấy người ngồi sau lưng hắn. La Puce cầm cái cà-mèn đưa cho tôi, nói: "Uống đi, đừng sợ, cái cà-mèn này chỉ dùng cho khách vãng lai. Không có người bệnh nào uống vào đây đâu". Tôi cầm lấy cái cà-mèn uống rồi đặt lên đùi.
Lúc bấy giờ tôi mới nhận thấy có một đốt ngón tay người dính vào cái cà-mèn. Tôi đang ngỡ ngàng thì La Puce nói:
- Chà, mình lại rơi đâu mất một ngón tay nữa rồi! Đi đi đàng nào thế không biết?
- Nó đây
- Tôi vừa nói vừa chỉ cái cà-mèn.
La Puce gỡ cái ngón tay ra, ném vào lửa. Hắn lại đưa cà-mèn cho tôi, nói:.
- Anh cứ uống đi, vì tôi là loại hủi khô. Tôi cứ rụng dần từng bộ phận một, nhưng tôi không bị rữa, chứng này không lây đâu.
Một mùi thịt nướng thoang thoảng trên không. Tôi nghĩ bụng chắc đó là mùi cái ngón tay bị ném vào lò sưởi Toussaint nói:
"Anh sẽ phải ở lại đây cả ngày cho đến tối để chờ nước ròng. Bây giờ anh phải ra bảo cho các bạn anh biết. Các anh hãy khiêng anh bạn bị gãy chân lên một căn lều mà nằm, xuống thuyền lấy hết các thứ lên rồi nhận chìm nó đi. Ở đây không có ai đỡ được cho các anh một tay đâu. Chắc anh cũng hiểu tại sao rồi."
Tôi lập tức ra chỗ hai bạn tôi đang đợi ở dưới thuyền. Tôi và Maturette khiêng Clousiot lên, đặt cho anh ta nầm trong một căn lều. Một giờ sau dưới thuyền không còn thứ gì nữa, và các đồ đạc, thực phẩm của chúng tôi đều được xếp lại ngăn nắp. La Puce xin chúng tôi cái xuồng và một mái chèo. Tôi cho ngay. Hắn liền đem xuồng đi dìm ở một nơi hắn biết. Đêm đã qua rất nhanh.
Cả ba chúng tôi cùng nằm trong căn lều tranh, trên những tấm chăn mới do Toussaint gửi tới. Mỗi tấm đều được trao cho chúng tôi trong một cái túi bọc bằng giấy gói hàng loại cứng. Tôi nằm dài trên chăn kể lại cho Clousiot và Maturette nghe những sự việc đã diễn ra từ khi tôi lên đảo và kết quả cuộc thương lượng giữa tôi với Toussaint. Clousiot nói ra một câu rất ngốc, chẳng qua vì không kịp suy nghĩ:
- Vậy là chuyến vượt ngục này tốn sáu ngàn năm trăm francs. Tớ sẽ đưa cậu một nửa số tiền ấy, tức là cái món ba ngàn francs của tớ.
- Tụi mình đến đây không phải để ngồi làm những con tính kiểu Armêni như vậy. Chừng nào tôi hãy còn xu là tôi cứ trả. Rồi sau hẵng hay.
Không một người hủi nào vào căn lều của chúng tôi. Trời sáng thì thấy Toussaint đến.
- Chào các anh. Các anh có thể ra ngoài chơi. Cứ yên tâm: ở đây không có ai đến quấy rầy các anh đâu. Trên ngọn cây dừa ở đàng kia có một tay của chúng tôi gác. Xem có thuyền của cảnh sát đi trên sông không. Bây giờ không có. Chừng nào vẫn thấy miếng vải trắng kia bay trên ngọn dừa tức là không có gì. Nếu trông thấy gì, tay gác trên ngọn dừa sẽ xuống báo ngay. Các anh có thể tự đi hái đu đủ lấy mà ăn nếu thấy thích. Tôi nói:
- Toussaint này, thế cái trụ đáy thì thế nào đây?
- Sẽ lấy cánh cửa bệnh xá mà làm. Đó là loại "gỗ rắn", rất nặng. Xẻ đôi cánh cửa ra thành hai tấm gỗ ghép lại là xong. Anh em ở đây đã đưa thuyền lên bãi cao từ hồi đêm. Anh đến mà xem.
Chúng tôi cùng đến xem. Đó là một chiến thuyền tuyệt đẹp dài năm mét hãy còn mới tinh. Trên thuyền có hai tấm ván bắc ngang trong đó một tấm có khoét lỗ để đút cột buồm. Thuyền rất nặng. Tôi và Maturette phải khó nhọc lắm mới lật sấp nó xuống được. Cánh buồm và dây lèo đều mới. Hai bên mạn thuyền có gắn những cái vòng để buộc các thứ chở theo, trong đó có thùng nước ngọt. Chúng tôi bắt tay vào việc. Đến trưa, một cái trụ đáy chắc chắn, càng về phía trước càng thon lại, đã được gắn chặt vào đáy thuyền bằng những cái đinh xoắn ốc rất dài và bằng bốn cái đinh chốt có lắp vòng mà tôi đã mang theo.
Đứng thành vòng tròn xung quanh chúng tôi, đám người hủi im lặng xem chúng tôi làm. Toussaint chỉ vẽ cho chúng tôi rõ cần làm những gì, và chúng tôi cứ thế mà làm theo. Mặt Toussaint thoạt trông có vẻ như bình thường: không có chỗ nào lở loét hay sứt sẹo; chỉ khi nào hắn nói mới thấy là chỉ có một nửa mặt bên trái nhúc nhích. Hắn cũng nói rõ cho tôi biết là nửa bên phải bị liệt hẳn, và cũng nói thêm rằng hắn bị bệnh hủi khô. Ngực bên phải và cánh tay phải của hắn cũng bi liệt và hắn dự tính là chỉ ít lâu nữa cái chân phải cũng sẽ liệt nốt: Con mắt phải của hắn im lìm bất động như mắt giả. Nó vẫn thấy, nhưng không cử động được.
Tên những người hủi trên mấy trang giấy này đều không phải là tên thật của họ. Để đừng bao giờ những ai đã từng yêu đương hay quen biết những con người khốn khổ này biết được họ đã bị thối rữa ngay khi còn sống một cách ghê sợ như thế nào. Tôi vừa làm việc vừa nói chuyện với Toussaint. Nhưng người khác chẳng ai nói gì. Chỉ trừ có một lần: lúc ấy tôi toan cầm lấy mấy cái bản lề họ đã tháo ra từ một cái tủ trong bệnh xá để đóng thêm vào trụ đáy cho chắc, thì một người hủi nói: "Khoan đã, cứ để đấy. Trong khi tháo tôi bị đứt tay nên máu dính vào đấy. Tôi đã chùi di nhưng chưa sạch hẳn". Một người hủi khác lấy rượu rhum rót lên chiếc bản lề rồi châm lửa đốt hai lần, xong mới nói: "Bây giờ thì được rồi, anh lấy đi".
Trong khi chúng tôi làm việc, Toussaint nói với một người hủi: "Cậu đã mấy lần đi, cậu phải nói kỹ cho Bươm bướm hiểu rõ cung cách, vì ba cậu này đều chưa đi lần nào". Người kia lập tức giảng giải:
- Chiều nay sẽ có nước ròng rất sớm, ba giờ đã bắt đầu rồi. Chập tối khoảng sáu giờ, sẽ có một dòng nước thủy triều xuống rất mạnh, trong khoảng chưa đến ba tiếng đồng hồ sẽ đưa các anh xuống chỉ cách cửa bể chừng một trăm cây số. Đến chín giờ là phải dừng lại. Anh phải buộc kỹ thuyền vào một thân cây trong rừng mà đợi cho qua sáu tiếng đồng hồ nước thủy triều lên: tức là đến ba giờ sáng. Anh đừng ra đi vào giờ này, vì nước xuống chưa mạnh. Đến bốn giờ rưỡi sáng anh hãy cho thuyền ra giữa sông. Anh có được một tiếng rười để đi năm mươi cây số trước khi mặt trời lên. Cái thời gian một tiếng rưỡi này là thời cơ độc nhất vô nhị của anh đấy. Đến sáu giờ, khi trời sáng, anh phải ra biển rồi. Dù bọn cảnh sát có trông thấy anh, chúng cũng không đuổi theo anh được, vì chúng sẽ đến chỗ giáp triều ở cửa biển đúng vào lúc thủy triều bắt đầu lên. Chúng sẽ gặp phải ngọn triều dữ dội không tài nào vượt qua được trong khi anh đã ra khơi rồi. Cái khoảng cách một cây số ngăn chia bọn cảnh sát với anh khi chúng trông thấy anh, bằng bất cứ giá nào anh cũng phải có được nó: vì đó chính là sinh mệnh của anh. Ở đây chỉ có một lá buồm, trước đây anh đã sắm được những gì cho cái xuồng kia?
- Một lá buồm chính và một lá buồm foc.
- Chiếc thuyền này nặng, có thể chịu được hai foc, một lá căng đứng dọc cột buồm, đáy hình tam giác chạy từ mũi thuyền đến chân cột buồm, một lá buộc lỏng cho nó phồng lên ở phía trước mũi thuyền, để nó nâng mũi thuyền lên khi có sóng ngược chiều. Khi vượt cửa biển anh cho căng hết buồm lên, đâm thẳng vào các đợt sóng: ở cửa biển sóng bao giờ cũng rất to. Anh cho hai bạn anh nằm sát đáy thuyền để cho nó có thăng bằng hơn, còn anh, anh phải cầm tay lái thật vững. Đừng buộc lèo vào chân, phải luồn nó vào cái vòng bên mạn thuyền và giữ nó bằng cách quấn một vòng quanh cổ tay (chỉ một vòng thôi đấy). Nếu anh thấy sức gió thổi cùng chiều với một ngọn sóng lớn làm cho nó mạnh thêm gấp bội, và anh phải nằm rạp xuống nước với nguy cơ lật thuyền, anh hãy buông hết ra, sẽ thấy thuyền tức khắc lấy lại thăng bằng. Khi đó anh đừng hãm lại, cứ thả lỏng cho buồm chính vật qua vật lại mặc sức, chỉ dùng hai lá foc cho thuyền tiến thẳng vào luồng gió. Mãi đến khi nào ra đến chỗ nước xanh anh mới đủ thì giờ để bảo cậu bé hạ buồm xuống, thu gọn nó vào lòng thuyền, rồi sau đó cho kéo nó lên và lại chuyển sang hướng mới. Anh biết đường đi trên biển chứ?
- Không. Tôi chỉ biết rằng xứ Venezuela và xứ Colombia ở về phía tây-bắc.
- Đúng đấy, nhưng anh phải coi chừng đừng để gió thổi dạt vào bờ. Xứ Guyane thuộc Hà Lan họ giao trả tù vượt ngục đấy, xứ Guyane thuộc Anh cũng vậy. Đảo Trinidad thì không giao trả tù nhưng lai bắt anh phải lên đường sau mười lăm ngày cho tạm trú. Xứ Venezuela thì trao trả tù vượt ngục sau khi đã bắt anh làm phu sửa đường một hai năm.
Tôi vểnh hết tai lên nghe thật kỹ. Toussaint nói là thỉnh thoảng anh ta vẫn đi, nhưng vì anh ta mắc bệnh hủi cho nên cũng bị họ trả về một cách dứt khoát. Anh ta thú thật là chưa bao giờ đi quá được Georgetown ở Guyane thuộc Anh. Bệnh hủi của Toussaint chỉ có thể thấy rõ khi nào anh ta đi chân không: bao nhiêu ngón chân đều đã rụng hết. Anh ta bắt tôi nhắc lại những điều anh ta vừa dặn dò tôi. Tôi nhắc lại không sai một chữ. Đến đây Jean sans Peur nói: "Anh ta phải đi ra khơi trong bao nhiêu lâu?" Tôi trả lời trước:
- Tôi sẽ đi hướng bắc - đông - bắc trong ba ngày. Với ảnh hưởng của hải lưu, hướng thực tế sẽ thành bắc bắc; đến ngày thứ tư tôi sẽ chuyển sang hướng tây bắc, và kết quả sẽ là chính tây.
- Khá lắm, - Toussaint nói. - Tôi thì lần vừa rồi tôi chỉ đi hai ngày theo hướng đông - bắc, thành thử tôi rơi đúng vào Guyane thuộc Anh. Với ba ngày theo hướng bắc, anh sẽ vòng qua phía bắc Trinidad hay Barbados, và băng một phát qua Venezuela mà không hay, để rơi trúng vào Curacao hay Colombia.
Jean sans Peur nói:
- Toussaint này, cậu vừa bán chiếc thuyền bao nhiêu?
- Ba ngàn, - Toussaint nói. - Đắt quá hay sao?
- Không. Tôi hỏi không phải có ý như thế. Chẳng qua để biết thôi. Anh có đủ sức trả không, Papillon?
- Có
- Trả xong có còn được ít nhiều gì không?
- Không. Chúng tôi chỉ có ngần ấy: đúng ba ngàn francs trong plan của cậu Clousiot.
- Toussaint ạ, tôi đưa khẩu súng lục của tôi cho cậu - Jean sans Peur nói. - Tôi muốn giúp các cậu này. Cậu trả tôi bao nhiêu?
- Một ngàn francs.
Clousiot nói.
- Tớ cũng muốn giúp các cậu ấy.
- Cám ơn các anh nhiều quá, - Maturette nhìn Jean sans Peur nói.
- Cảm ơn, - Clousiot cũng nói.
Còn tôi, lúc ấy tôi thấy xấu hổ vì đã nói dối họ. Tôi nói:
- Không được, tôi không thể nhận của anh một món quà như vậy: không có lý do gì cho phép tôi nhận như thế.
Jean sans Peur nhìn tôi, nói:
- Có chứ, có lý do đấy. Ba ngàn francs là một món tiền lớn, thế nhưng với cái giá ấy Toussaint thiệt ít nhất là hai ngàn, vì chiếc thuyền tốt cực kỳ. Không có lý gì tôi lại không góp phần giúp các anh.
Lúc bấy giờ đã xảy ra một điều rất cảm động: La Chouette ném một cái mũ xuống đất, thế là đám người hủi ném vào đấy người thì tiền đúc, người thì tiền giấy. Từ khắp mọi nơi đều có những người hủi kéo tới, và ai ai cũng có ít nhiều bỏ vào cái mũ. Tôi thấy xấu hổ quá. Nhưng bây giờ tôi không thể nói rằng tôi còn tiền? Trời ơi, biết làm thế nào bây giờ? Tôi đã xử sự một cách thật đốn mạt trước nghĩa cử cao đẹp của họ. Tôi nói: "Tôi van các anh, các anh đừng hy sinh như vậy!". Một người da đen Tombouetou, hai tay cùi hết chỉ còn là hai cục thịt, không sót lấy được một ngón, nói: tiền của chúng tôi không phải để sống. Anh cứ nhận đi, đừng ngượng ngập. Tiền chúng tôi dùng để đánh bạc hay để hôn hít mấy con mẹ hủi vẫn thỉnh thoảng từ Albina tới". Những lời này làm cho tôi thấy đỡ nặng lòng, và đến đây tôi mới từ bỏ ý định thừa nhận là mình hãy còn tiền.
Họ đã cho luộc hai trăm quả trứng khiêng tới cho chúng tôi trong một cái thùng mang dấu chữ thập đỏ. Đó là cái thùng đựng các thứ thuốc họ vừa nhận được sáng naỵ Họ còn mang đến hai con rùa sống mỗi con ít ra cũng phái đến ba chục cân, sau khi đã trói nó lại rất kỹ, một mớ thuốc lá chưa thái, hai chai đầy diêm que và bìa quẹt, một bị gạo chừng năm mươi cân, hai bị than củi, một cái bếp cồn (cái bếp của bệnh xá), và một bi đông xăng. Cả cái tập thể khốn khổ này đều xúc động vì tình cảnh của chúng tôi, và ai cũng muốn góp phần vào sự thành công của chuyến vượt ngục. Tưởng chừng như chính họ đang vượt ngục vậy.
Chúng tôi đã kéo chiếc thuyền đến một cái bến gần chỗ chúng tôi ghé xuồng đêm trước. Họ đã đếm số tiền quyên góp trong cái mũ: tám trăm mười francs. Tôi chỉ phải đưa một ngàn hai trăm francs cho Toussaint là đủ. Clousiot đưa cái plan của cậu ta cho tôi, tôi mở nó ra trước mặt mọi người. Nó đựng một tờ giấy bạc một ngàn francs và bốn tờ năm trăm. Tôi trao cho Toussaint một ngàn rưởi francs, anh ta thối lại ba trăm rồi nói:
- Anh cầm lấy khẩu súng này, tôi tặng anh đấy. Các anh đã chơi xả láng với số kiếp, phải làm sao đừng để xảy ra cái tình trạng là đến phút cuối chỉ vì không có vũ khí mà đi tong hết cả bấy nhiêu công sức. Tôi hy vọng rằng anh sẽ không có dịp nào cần phải dùng đến nó.
Tôi không còn biết nói thế nào để cảm ơn anh ta - trước hết là anh ta, và sau đó là tất cả cái khối cộng đồng của họ.
Người y tá của đảo đã xếp sẵn một cái hộp đựng bông thấm nước, cồn, aspirin, băng, I- Ốt, một cái kéo và một cuộn băng dính. Một người hủi mang đến hai tấm ván mỏng bào rất kỹ và hai giải băng Velpeau mới tinh còn để nguyên trong hộp. Anh ta tặng chúng tôi mấy thứ đó chẳng qua để chúng tôi thay bộ nẹp chân cho Clousiot. Đến khoảng năm giờ trời bắt đầu đổ mưa. Jean sans Peur nói với tôi.
- Các anh gặp may đấy. Trời này thì không sợ bị chúng nó nhìn thấy. Các anh có thể lên đường ngay và như thế là lợi được cả nửa giờ. Khi phải dừng lại đợi, các anh sẽ ở gần cửa biển hơn để lại lên đường lúc bốn giờ rưỡi sáng.
Tôi nói:
- Tôi sẽ làm thế nào để biết giờ giấc đây?
- Thủy triều sẽ cho anh biết giờ, tùy theo lúc nó lên hay xuống.
Chúng tôi hạ thủy chiếc thuyền. Nó chẳng phải như cái xuồng kia đâu: mạn thuyền nhô cao lên trên mặt nước đến hơn bốn tấc trong khi chở cả ba chúng tôi lẫn toàn bộ đồ lề và lương thực. Cột buồm được quấn trong mấy lá buồm và đặt nằm trong lòng thuyền, vì đến khi xuất phát để ra biển mới dùng đến buồm. Chúng tôi lắp bánh lái, tay lái đâu vào đấy, đặt thêm một cái đệm bằng dây leo để tôi ngồi lái thuyền cho êm. Chúng tôi lại dùng mấy tấm chăn lót thành một chỗ nằm cho Clousiot ở đáy thuyền (cậu ta không chịu thay băng). Clousiot nằm ngay dưới chân tôi: cậu ta nằm giữa lòng thuyền, một bên là tôi, bên kia là cái thùng đựng nước ngọt. Maturette cũng ngồi giữa lòng thuyền, nhưng ở phía trước. Tôi lập tức có được một cảm giác an toàn mà tôi không hề thấy có khi ngồi lên cái xuồng trước kia. Trời vẫn mưa. Tôi sẽ phải đi xuôi dòng ở khoảng giữa sông, nhưng hơi chếch sang bên trái, phía bờ thuộc địa phận Hà Lan.
Jean sang Peur nói:
- Lên đường mạnh giỏi nhé! Thôi đi ngay đi cho sớm sủa.
- Chúc các anh may mắn! - Toussaint nói đoạn đạp mạnh chiếc thuyền ra khỏi bờ.
- Cảm ơn Toussaint, cảm ơn Jean, cảm ơn tất cả các bạn một ngàn lần.
Và chúng tôi rời khỏi đảo rất nhanh dưới sức đẩy của dòng nước thủy triều xuống đã bắt đầu từ cách đây hai tiếng rưỡi và bây giờ đang chảy băng băng như dòng thác.
Trời vẫn mưa, nhìn ra phía trước cách mười thước đã không trông thấy gì rồi. Vì ở phía xuôi có hai hòn đảo nhỏ nữa, cho nên Maturette cứ phải chồm người lên, mắt đăm đăm nhìn trước mặt, để cho thuyền khỏi đâm vào những tảng đá ven bờ đảo. Đêm đã xuống. Một cái cây đại thụ cùng trôi xuôi dòng với chúng tôi đã có lúc làm cho chúng tôi phải lúng túng với những cành lá xum xuê của nó. May thay nó trôi chậm hơn, cho nên chúng tôi cũng nhanh chóng gạt nó ra xa chiếc thuyền, và tiếp tục lao tới với tốc độ ba mươi cây số một giờ là ít. Chúng tôi hút thuốc lá, uống rượu rhum. Người trong làng hủi đã cho chúng tôi sáu chai đầy. Có điều lạ là trong chúng tôi không có ai nhắc tới những vết loét khủng khiếp mà chúng tôi đã nhìn thấy trên thân thể những người hủi. Câu chuyện chỉ xoay quanh một đề tài duy nhất: lòng tốt của họ, sự hào phóng của họ, tính ngay thẳng của họ, và cái hên của chúng tôi đã gặp được Le Breton Mặt nạ đưa chúng tôi đến Đảo Bồ Câu.
Trời mưa mỗi lúc một to, tôi ướt như chuột lột, nhưng mấy cái áo va-rơi len tốt đến nỗi mặc dầu ướt sũng nó vẫn giữ được hơi ấm như thường. Chúng tôi không thấy lạnh. Chỉ có bàn tay toi cầm lái bị nước mưa làm cho tê dại đi. Maturette nói:
- Bây giờ chúng mình trôi phải đến bốn mươi cây số một giờ. Đã đi được bao nhiêu lâu rồi nhỉ?
- Để yên tớ nói cho mà nghe, - Clousiot nói. - Đợi tí nhé: ba tiếng mười lăm phút.
- Cậu này điên! Cậu làm thế nào mà biết được?
- Từ khi bắt đầu đi tớ đã đếm từng ba trăm giây một, cứ mỗi lần tớ lại cắt một miếng các-tông. Tớ đã có được ba mươi chín miếng. Mỗi miếng là năm phút, vị chi là ba giờ mười lăm phút. Nếu tớ không nhầm, chỉ mười lăm hay hai mươi phút nữa chúng mình sẽ không đi xuôi nữa, mà sẽ trôi ngược về điểm xuất phát.
Tôi đẩy tay lái sang phải để cho thuyền đi chéo góc vào bờ, phía Guyane thuộc Hà Lan. Chưa vào đến bờ đã thấy dòng nước đứng lại, không chảy xuôi mà cũng chẳng chảy ngược. Trời vẫn cứ mưa. Bây giờ chúng tôi không hút thuốc, không nói chuyện nữa, chỉ bảo nhau thầm thì: "Cầm lấy chèo mà chèo vào đi". Tôi cũng chèo, còn tay lái thì kẹp vào đùi cho bánh lái khỏi đảo. Thuyền từ từ ghé vào dải bờ rậm rạp. Chúng tôi vít cành cho thuyền chui vào dưới một lùm cây, và nấp vào đấy Xung quanh cây lá dày đặc, tối như bưng. Dòng sông phủ một lớp sương mù xám xịt. Nếu không căn cứ vào nước thủy triều lên xuống thì không thể nào biết được phía nào là biển, phía nào là nguồn sông.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...