CHƯƠNG 13
Tôi đọc hai lần cả hai tài liệu, lúc đầu chỉ lướt qua, rồi chậm rãi, để ý đến chi tiết, khắc sâu chúng trong tâm trí. Các tài liệu này chắc chắn là của Sumire; chúng được viết theo đúng văn phong quen thuộc của cô. Tuy nhiên, vẫn có điều gì đó khác với giọng điệu chung, một điều tôi không thể nắm bắt được. Nó kìm nén hơn, xa cách hơn. Thế nhưng không còn nghi ngờ gì - Sumire đã viết cả hai.
Sau một lúc lưỡng lự, tôi nhét cái đĩa mềm vào trong túi xách của mình. Nếu Sumire trở về an toàn, tôi chỉ việc trả nó về chỗ cũ. Vấn đề là nếu cô không trở về thì phải làm gì. Nếu có ai đó lục soát đồ đạc của cô, chắc chắn họ sẽ tìm thấy chiếc đĩa, và tôi không chịu được ý nghĩ sẽ có những con mắt khác tọc mạch những gì tôi vừa đọc.
Sau khi đọc xong hai tài liệu, tôi phải ra khỏi nhà. Tôi thay áo sơ mi mới, rời nhà nghỉ và leo xuống cầu thang để tới thị trấn. Tôi đổi 100 đôla séc du lịch, mua một tờ báo khổ nhỏ bằng tiếng Anh tại quầy báo rồi ngồi đọc dưới chiếc dù ở quán cà phê. Người hầu bàn ngái ngủ nghe tôi gọi nước chanh và bánh mì nướng quệt pho mát. Hắn ghi lại yêu cầu của tôi bằng cái bút chì ngắn ngủn, không có vẻ gì vội vã hơn thường lệ. Mồ hôi thấm qua lưng áo hắn thành một vệt lớn. Vết mồ hôi đó dường như đang gửi một thông điệp, nhưng tôi không thể giải mã được.
Tôi máy móc đọc lướt qua một nửa tờ báo rồi lơ đãng nhìn quang cảnh bến cảng. Một con chó đen gầy trơ xương không biết từ đâu chui ra, khịt khịt ngửi chân tôi, rồi, mất hứng, bỏ đi. Dân chúng mỗi người một góc trải qua buổi chiều hè uể oải. Những kẻ duy nhất có vẻ đang di chuyển là gã hầu bàn và con chó, nhưng tôi nghi ngờ không biết họ còn giữ được bao lâu. Ông lão ở chỗ quầy tôi mua báo ngủ thiếp đi dưới chiếc dù, chân giang rộng. Bức tượng người anh hùng ở quảng trường vẫn đứng bình thản như thường lệ, quay lưng lại ánh mặt trời gay gắt.
Tôi áp cốc nước chanh mát lạnh vào tay và trán át, suy đi tính lại những mối liên hệ có thể giữa sự biến mất của Sumire và những gì cô viết.
Sumire đã không viết gì một thời gian dài. Khi cô gặp Miu lần đầu tại đám cưới, niềm ham mê viết của cô đã tuột ra ngoài cửa sổ. Vậy mà trên hòn đảo nhỏ này cô lại cầm bút viết liền hai tài liệu trong một khoảng thời gian ngắn. Phải kỳ công lắm thì chỉ trong mấy ngày mới viết được nhiều như thế. Chắc hẳn có một điều gì đó đã thôi thúc Sumire ngồi vào bàn viết. Nguyên cớ là đâu?
Thêm nữa, giữa hai tài liệu này có đề tài chung không? Tôi ngước mắt nhìn lũ chim đang đậu trên cầu tàu, suy ngẫm một lúc.
Trời quá nóng đến nỗi không tài nào nghĩ nổi những vấn đề phức tạp. Thú thực tôi thấy bối rối và mệt mỏi. Nhưng giống như việc thu gom tàn binh của một đội quân thất trận - không kèn không trống - tôi gom các ý nghĩ tản mát của mình lại. Tập trung đầu óc, tôi chắp nối chúng lại với nhau.
"Điều thực sự quan trọng ở đây," tôi khe khẽ nói thành lời với chính mình, "không phải những điều lớn lao người khác nghĩ đến, mà là những vấn đề nhỏ nhặt của anh, chính anh." Câu châm ngôn tôi thường dạy học trò. Nhưng thực tếc có phải thế không? Nói thì dễ, nhưng đưa vào thực hành lại không đơn giản. Bắt đầu từ những vấn đề nhỏ đã khó, nói gì đến cả Bức tranh lớn. Hay có lẽ suy nghĩ càng nhỏ thì càng khó để nắm bắt? Thêm nữa cũng chẳng ích lợi gì khi tôi ở xa nhà đến thế.
Giấc mơ của Sumire. Sự tách đôi của Miu.
Tôi nhận ra có hai thế giới khác nhau. Ở đây, đó là yếu tố chung.
Tài liệu 1: Cái này liên quan đến giấc mơ của Sumire. Cô leo lên dãy cầu thang dài đến gặp người mẹ đã mất của mình. Nhưng khi cô tới nơi, mẹ cô đã quay lại phía bên kia. Và Sumire không ngăn bà lại được. Cô bị bỏ lại trên đỉnh tháp, bị bao vây bởi các vật thể đến từ thế giới khác. Sumire thường có những giấc mơ như vậy.
Tài liệu 2: Cái này liên quan đến kinh nghiệm lạ lùng của Miu mười bốn năm trước. Chị bị mắc kẹt suốt đêm trên vòng đu quay trong một công viên giải trí tại thị trấn nhỏ của Thụy Sĩ, và khi nhìn qua ống nhòm phòng mình chị thấy một cái tôi thứ hai ở đấy. Con ma của một người đang sống. Và kinh nghiệm đó đã phá hủy con người Miu - hay ít nhất làm cho sự phá hủy đó trở nên rõ rệt. Theo lời Miu, chị bị tách ra làm hai, với một tấm gương chắn giữa hai cái tôi. Sumire đã thuyết phục Miu kể chuyện này và vận dụng hết khả năng của mình để viết lại nó.
Bên này - bên kia. Đó là sợi chỉ chung. Sự di chuyển từ bên này sang bên kia. Chắc hẳn Sumire đã bị chủ đề này thu hút và bị thôi thúc đủ để dành nhiều thời gian đến thế nhằm viết hết nó ra. Nói theo lời của cô thì viết ra tất cả những điều này đã giúp cô suy nghĩ.
Gã hầu bàn đến lau vụn bánh và tôi gọi thêm nước chanh. "Xin cho nhiều đá," tôi yêu cầu. Khi gã mang nước uống đến tôi nhấp một ngụm và lại áp cốc nước vào trán át.
"Nhưng nếu Miu không chấp nhận tôi thì sao?" Sumire viết. "Khi nào đến lúc tôi sẽ đi qua cây cầu đó. Máu sẽ phải chảy. Tôi sẽ mài sắc dao, sẵn sàng cắt đôi cổ họng một con chó ở nơi nào đó."
Cô đang cố truyền đạt điều gì? Có phải cô đang bóng gió mình có thể tự sát? Tôi không thể tin như vậy. Lời lẽ của cô không có mùi tử khí. Cái tôi cảm nhận được trong đó là ý chí tiến lên phía trước, là nỗ lực ột khởi đầu mới. Chó và máu chỉ là ẩn dụ, như tôi đã giải thích cho cô trên chiếc ghế băng trong công viên Inogashira (khoảng giữa chương 1). Chúng trở nên có ý nghĩa nhờ những sức mạnh thần bí truyền sinh khí. Câu chuyện về những cánh cổng Trung Hoa là ẩn dụ về việc truyện kể nắm bắt được ma thuật đó như thế nào.
Sẵn sàng cắt đôi cổ họng một con chó ở nơi nào đó.
Ở đâu đó?
Suy nghĩ của tôi đâm sầm vào một bức tường vững chãi. Một ngõ cụt tuyệt đối.
Sumire có thể đi đâu? Đâu là nơi nào đó mà cô phải đến trên hòn đảo này?
Tôi không sao dứt bỏ được hình ảnh Sumire bị rơi xuống một cái giếng ở chốn xa xăm nào đó và đang chờ đợi cứu viện trong cô đơn. Bị thương, lẻ loi, đói, và khát. Suy nghĩ này gần như khiến tôi phát điên.
Cảnh sát nói rõ ràng trên đảo không có cái giếng nào. Họ cũng không hề nghe nói đến bất kỳ cái hố nào ở bất cứ nơi đâu quanh thị trấn. Nếu có thì chúng tôi là những người đầu tiên phải biết, họ tuyên bố. Tôi buộc phải đồng ý với họ về vấn đề đó.
Tôi quyết định đánh liều đưa ra một giả thuyết.
Sumire đã đi sang phía bên kia.
Giả thuyết này sẽ giải thích rất nhiều. Sumire bước qua tấm gương sang phía bên kia. Tìm gặp một Miu khác đang ở đó. Nếu Miu ở phía bên này cự tuyệt cô thì không phải đó là một hành động logic sao?
Tôi cố nhớ lại những điều cô viết: "Vậy chúng ta cần làm gì để tránh va chạm? Xét một cách logic, việc này dễ thôi. Câu trả lời là những giấc mơ. Cứ mơ mãi. Bước vào thế giới của những giấc mơ, và không bao giờ quay ra. Sống trong mơ suốt quãng thời gian còn lại."
Tuy nhiên vẫn còn một câu hỏi. Một câu hỏi chủ chốt. Bạn nghĩ làm sao đến được đó?
Đặt vào những điều kiện logic đơn giản, việc này cũng dễ thôi. Tuy nhiên, giải thích nó không dễ.
Tôi trở lại đúng nơi tôi đã xuất phát.
Tôi nghĩ về Tokyo. Về căn hộ của mình, trường học nơi tôi dạy, đống rác trong bếp tôi lén vứt vào một cái thùng ở bến xe. Tôi chỉ mới xa Nhật Bản hai ngày, nhưng dường như nó đã là một thế giới khác. Một tuần nữa năm học mới sẽ bắt đầu. Tôi hình dung cảnh mình đứng trước ba mươi lăm học sinh. Nhìn từ khoảng cách này thì việc tôi dạy ai đó - thậm chí lũ trẻ mười tuổi - có vẻ thật phi lý.
Tôi tháo kính râm lấy khăn tay lau vầng trán đẫm mồ hôi, rồi lại đeo kính vào ngắm lũ chim biển.
Tôi nghĩ về Sumire. Về cơn hứng tình sôi sục của tôi khi tôi ngồi cạnh cô vào cái ngày cô chuyển đến chỗ ở mới. Kiểu cương cứng kinh hoàng tôi chưa từng trải qua. Giống như toàn bộ cơ thể tôi sắp nổ tung. Khi đó, trong trí tưởng tượng của tôi - một cái gì đó giống như thế giới giấc mơ mà Sumire đã viết - tôi làm tình với cô. Và cảm giác đó còn thực hơn bất kỳ cuộc ân ái nào tôi từng trải qua.
Tôi nuốt một ít nước chanh để thông họng.
Tôi quay lại với giả thuyết của mình, phát triển nó thêm. Bằng cách nào đó Sumire đã tìm thấy lối thoát. Nó thuộc kiểu lối thoát nào và làm sao cô khám phá ra được thì tôi không biết.
Giả sử nó là một kiểu cánh cửa. Tôi nhắm mắt cố hình dung trong đầu hình ảnh tỉ mỉ cái cửa đó trông như thế nào. Chỉ là một cái cửa bình thường trong một bức tường bình thường. Sumire tình cờ tìm thấy cái cửa đó, vặn nắm đấm và bước ra ngoài - từ bên này sang bên kia. Mặc độc bộ pyjama lụa mỏng và đi dép ở nhà.
Cái gì nằm ở phía bên kia cánh cửa thì vượt ngoài khả năng tưởng tượng của tôi. Cánh cửa khép lại và Sumire không trở về nữa.
o O o
Tôi quay lại nhà nghỉ, ăn tối với những thứ có sẵn trong tủ lạnh. Mì ống cà chua và húng quế, xalát và một lon bia Amsstel. Tôi ra hiên ngồi, chìm trong suy nghĩ. Cũng có thể chẳng nghĩ ngợi gì cả. Không ai gọi điện. Có lẽ Miu đang tìm cách gọi từ Athens về, nhưng anh chẳng thể trông chờ điện thoại hoạt động.
Trời mỗi lúc một xanh sẫm hơn, mặt trăng còn nhô lên trên biển, mấy vì sao nhấp nháy. Gió thổi dọc sườn núi làm bụi dâm bụt xào xạc. Ngọn hải đăng tự động trên cầu tàu chớp nháy thứ ánh sáng cổ xưa của nó. Mọi người đang chậm rãi dắt lừa xuống đồi. Tiếng trò chuyện sôi nổi của họ gần lại, rồi nhỏ dần về phía xa. Tôi lặng lẽ thu giữ toàn bộ cảnh tượng xứ người, dường như hoàn toàn thuộc về tự nhiên này.
Rốt cuộc điện thoại không đổ chuông, và Sumire không xuất hiện. Thời gian trôi qua lặng lẽ, nhẹ nhàng, đêm đang sâu dần. Tôi lấy mấy băng nhạc trong phòng Sumire và đưa ra phòng khách bật. Một băng là tuyển tập nhạc Mozart, trên có chữ viết tay: Elizabeth Schwarzkopt và Walter Gieseking (p). Tôi không rành nhạc cổ điển nhưng vừa nghe tôi đã thấy nhạc này thật tuyệt vời. Phong cách hát hơi cổ nhưng nó gợi lại cho tôi cảm giác như khi đọc một đoạn văn hay, đáng nhớ - nó nhắc nhở bạn hãy ngồi thẳng và tập trung chú ý. Dường như các nghệ sĩ đang ở ngay trước mặt tôi, giọng hát tinh tế của họ bổng lên, trầm xuống, rồi lại bổng lên. Chắc hẳn trong băng phải có một bài hát tên là "Sumire". Tôi ngả người ra ghế, nhắm mắt và chia sẻ nó cùng người bạn đang mất tích.
o O o
Tiếng nhạc làm tôi tỉnh giấc. Thứ nhạc xa vắng, gần như không nghe thấy. Đều đều, như người thủy thủ giấu mặt kéo chiếc neo từ đáy biển, âm thanh mơ hồ đã đánh thức tôi dậy. Tôi ngồi trên giường, vươn người về phía cửa sổ mở, chăm chú lắng nghe. Đúng là tiếng nhạc. Chiếc đồng hồ đặt cạnh giường chỉ hai giờ đêm. Âm nhạc? Vào lúc khuya khoắt như thế này?
Tôi mặc quần áo, xỏ giày và bước ra ngoài. Đèn nhà hàng xóm đã tắt hết, phố xá vắng ngắt. Trời đứng gió, ngay cả tiếng sóng biển cũng không nghe thấy. Chỉ có ánh trăng giãi trên mặt đất. Tôi đứng đó, lại lắng nghe. Thật kỳ lạ, tiếng nhạc như vọng xuống từ đỉnh đồi. Trên dãy đồi dốc đứng không có bất kỳ làng mạc nào, chỉ có một nhóm chăn cừu và những tu viện nơi các thầy tu sống cuộc sống ẩn dật. Thật khó hình dung nổi bọn họ lại có thể tụ tập hội hè vào lúc đêm khuya thế này.
Ở ngoài trời tiếng nhạc nghe rõ hơn. Tôi không nắm bắt được giai điệu, nhưng nghe nhịp thì rõ là nhạc Hy Lạp. Đó là tiếng nhạc sống chói tai nhộn nhạo, không phải thứ được phát qua loa phóng thanh.
Lúc đó tôi đã hoàn toàn tỉnh táo. Không khí đêm hè dễ chịu, sâu thẳm huyền bí. Nếu không lo lắng cho Sumire thì có lẽ tôi đã khoan khoái tận hưởng nó. Tôi chống tay lên hông, vươn người, ngước nhìn trời và thở sâu. Trong tôi tràn ngập không khí mát mẻ ban đêm. Đột nhiên tôi nảy ra một ý nghĩ - có thể, ngay lúc này, Sumire cũng đang lắng nghe chính tiếng nhạc đó.
Tôi quyết định tản bộ về phía tiếng nhạc một lúc. Tôi phải tìm xem nó phát ra từ đâu, ai đang chơi nó. Đường lên đỉnh đồi chính là con đường sáng nay tôi đã qua để tới bãi biển, vì vậy tôi nắm rõ đường. Có thể đi xa được đến đâu thì mình sẽ đi tới đó, tôi quyết định.
Ánh trăng soi sáng cảnh vật giúp việc đi lại dễ dàng. Nó tạo nên những hình thù kỳ dị giữa các vách đá, phủ lên mặt đất những bóng đen lạ mắt. Mỗi khi đế giày chạy của tôi đá phải một viên sỏi trên đường, âm thanh lại được khuếch đại lên. Tôi càng lên cao tiếng nhạc nghe càng rõ. Đúng như tôi đoán, nó phát ra từ đỉnh đồi. Tôi có thể nhận ra một số nhạc cụ gõ, đàn măngđôlin cổ dài, đàn ăccooc và sáo. Có thể ghita nữa. Ngoài tiếng nhạc ra, tôi không nghe thấy gì. Không tiếng hát, không người reo hò. Chỉ có tiếng nhạc bất tận, theo một nhịp điệu lẻ loi, hầu như buồn tẻ.
Tôi muốn xem chuyện gì đang diễn ra trên đỉnh núi nhưng đồng thời lại nghĩ mình không nên tới gần đó. Sự tò mò không thể kiềm chế giằng co nỗi sợ hãi bản năng. Nhưng tôi phải bước tới trước. Tôi thấy mình như đang mơ. Nguyên tắc thực hiện các lựa chọn có thể khác đã bị bỏ qua. Hay có thể chính sự lựa chọn thực hiện nguyên tắc đó đã bị bỏ qua?
Theo những gì tôi biết, vài ngày trước Sumire đã bị đánh thức bởi cùng tiếng nhạc này và sự tò mò đã chiến thắng khi cô leo lên con dốc trong bộ pyjama.
Tôi dừng lại quay nhìn phía sau. Cơn dốc lờ mờ quanh co chạy xuống phía thị trấn trông như dấu vết của một con sâu khổng lồ. Rồi tôi ngước lên bầu trời, dưới ánh trăng, và liếc nhìn lòng bàn tay mình. Đột ngột hiểu ra, tôi biết đây không còn là tay mình nữa. Tôi không thể lý giải được. Nhưng vừa liếc nhìn tôi đã biết. Tay tôi không còn là tay tôi, chân tôi không còn là chân tôi nữa.
Tắm trong ánh trăng nhợt nhạt, cơ thể tôi, giống như một con búp bê thạch cao, đã mất hết hơi ấm sự sống. Như thể một phù thủy đã yểm bùa tôi, thổi sự sống tạm bợ của tôi vào nắm đất sét ấy. Tia sáng của sự sống đã biến mất. Sự sống thật sự của tôi đã ngủ vùi ở nơi nào đó, và một kẻ giấu mặt đang nhét nó vào vali, định mang đi.
Tôi cảm thấy ớn lạnh, khó thở. Ai đấy đã sắp xếp lại các tế bào của tôi, dứt đứt các sợi chỉ nối liền ý thức tôi. Tôi không thể suy nghĩ mạch lạc được. Điều duy nhất tôi có thể làm là rút nhanh hết mức về nơi trú ẩn quen thuộc. Tôi hít thở sâu và lặn xuống tận đáy cái biển ý thức.
Tôi rẽ dòng nước xiết, ngụp nhanh xuống và dùng cả hai tay bám lấy một tảng đá to. Nước vỗ mạnh vào màng nhĩ. Tôi nhắm chặt mắt, nín thở chịu đựng. Một khi tâm trí đã ổn định thì không còn khó khăn đó nữa. Tôi dần quen với tất cả - áp lực của nước, sự thiếu không khí, bóng tối dày đặc, với những dấu hiệu phát ra từ cõi hỗn độn. Đó là điều tôi đã trải qua nhiều lần khi còn nhỏ.
Thời gian tự đảo ngược, móc lại, vỡ vụn, rồi tự sắp xếp lại. Thế giới mở ra vô tận, tuy nhiên vẫn xác định và có giới hạn. Những hình ảnh sắc nét - chỉ hình ảnh thôi - trôi dọc những hành lang tăm tối giống như bầy sứa hay những linh hồn vật vờ. Nhưng tôi buộc mình không nhìn chúng. Nếu tôi để lộ ra, dù chỉ một chút xíu, là tôi đã nhìn thấy chúng, thì lập tức chúng sẽ trở nên có ý nghĩa. Ý nghĩa gắn với thời gian, và thời gian đang tìm cách bắt tôi trồi lên mặt nước. Tôi đóng kín tâm trí chờ cho hành trình của chúng kết thúc.
Tôi không biết mình đã ở trong tư thế đó bao lâu. Khi tôi nổi lên mặt nước, mở mắt, lặng lẽ hít thở, thì tiếng nhạc đã tắt. Màn trình diễn bí ẩn đã kết thúc. Tôi thận trọng nghe ngóng. Không nghe thấy gì nữa. Tôi không thể nghe thấy gì. Không nhạc, không tiếng người, không tiếng gió thổi.
Tôi muốn biết lúc này là mấy giờ nhưng lại không đeo đồng hồ. Tôi đã bỏ nó lại cạnh giường.
Lúc này, bầu trời chi chít sao. Hay đó là do tôi tưởng tượng? Dường như tự bầu trời đã biến đổi thành một thứ khác. Cảm giác bị xa lánh kỳ lạ mà tôi từng có đã biến mất. Tôi duỗi người, co cánh tay, gập ngón tay. Không có cảm giác bị rời khỏi vị trí. Nách tôi lạnh và ẩm ướt, nhưng tất cả chỉ có thế.
Tôi đứng dậy khỏi bãi cỏ và tiếp tục leo lên đồi. Tôi đã đi được xa như thế này và có thể lên tới tận đỉnh. Có phải trên đó thực sự có nhạc? Tôi phải tự mình nhìn thấy, dù chỉ là những dấu vết mờ nhạt nhất còn sót lại. Năm phút sau tôi đã lên tới đỉnh. Dưới chân đồi phía Nam là biển, cầu tàu và thị trấn đang say ngủ. Đôi ba ngọn đèn chiếu dọc con đường ở bãi biển. Sườn đồi phía bên kia chìm trong bóng tối, không nhìn thấy một ánh sáng nào. Tôi dán mắt vào bóng đêm, và cuối cùng nhận ra một dãy đồi xa xa bồng bềnh dưới ánh trăng. Khuất sau nó bóng tối còn dày đặc hơn. Còn ở đây quanh tôi, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một lễ hội vui vẻ vừa diễn ra.
Mặc dù tiếng vọng của nó vẫn còn văng vẳng trong đầu tôi, nhưng giờ thậm chí tôi còn không chắc có phải mình đã nghe thấy tiếng nhạc không. Càng lúc tôi càng hoài nghi hơn. Có lẽ đấy hoàn toàn chỉ là ảo giác, tai tôi bắt được những tín hiệu từ một nơi khác, một thời gian khác. Và điều này có ý nghĩa - cái ý tưởng mọi người tụ tập trên đỉnh núi vào lúc một giờ đêm để chơi nhạc đúng là phi lý.
Giữa bầu trời phía trên đỉnh đồi, vầng trăng bạc lờ mờ trông rất gần. Một quả cầu bằng đá cứng, lớp vỏ của nó bị ăn mòn bởi dòng thời gian tàn nhẫn. Những hình thù quái đản trên bề mặt của nó là các tế bào ung thư mù quáng đang vươn xúc tu về phía hơi ấm sự sống. Ánh trăng làm méo mó mọi âm thanh, tẩy sạch mọi ý nghĩa, ném mọi ý nghĩ vào hỗn loạn. Nó làm Miu thấy cái tôi thứ hai. Nó đưa con mèo của Sumire đến nơi nào đó. Nó khiến Sumire biến mất. Và nó mang tôi tới đây, ở giữa tiếng nhạc - gần như - chưa bao giờ tồn tại. Trước mặt tôi là bóng tối không đáy; sau lưng tôi, một thế giới của ánh sáng nhợt nhạt. Tôi đứng đây trên đỉnh đồi nơi đất khách quê người, tắm mình trong ánh trăng. Có lẽ tất cả chuyện này đã được lên kế hoạch tỉ mỉ ngay từ lúc bắt đầu.
Tôi trở lại nhà nghỉ và uống cạn một cốc rượu mạnh của Miu. Tôi cố ngủ nhưng không thể. Không chợp mắt được. Cho đến khi trời Đông hửng sáng, tôi đã bị vây bủa bởi ánh trăng, trọng lực và một thứ xao động nào đó trong thế giới này.
Tôi hình dung lũ mèo đang chết đói trong căn hộ đóng kín. Những con thú ăn thịt nhỏ bé, mềm mại. Tôi - cái tôi đích thực - đã chết, còn chúng vẫn sống, đang ngấu nghiến thịt da tôi, nhai tim tôi, hút máu tôi. Nếu lắng nghe thật chăm chú, tôi có thể thấy vẳng lại từ một nơi nào đó rất xa tiếng lũ mèo đang liếm não tôi. Ba con mèo nhỏ vây quanh cái đầu vỡ toác của tôi, húp xì xụp thứ chất lỏng xám mềm bên trong. Đầu những cái lưỡi đỏ, thô ráp của chúng liếm láp những nếp nhăn mềm của não bộ tôi. Cứ mỗi khi đầu lưỡi chúng liếm vào, suy nghĩ của tôi lại bốc hơi và tan biến như không khí nóng.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...