CHƯƠNG 7
Điều đầu tiên tôi nghe thấy là giọng đàn ông trầm trầm nói tiếng Anh rất nặng, kêu tên tôi oang oang, rồi hét lên, "Tôi gặp đúng người chứ?" Tôi đang ngủ say sưa. Đầu óc tôi trống rỗng, như cánh đồng lúa trong mưa dông, và tôi không thể nghĩ được sẽ xảy ra chuyện gì. Tấm khăn trải giường vẫn phảng phất ký ức cuộc ân ái ban chiều, và hiện thực thì rối tung lên như chiếc áo len cài nhầm khuy. Người đàn ông nhắc lại tên tôi. "Tôi gặp đúng người chứ?"
"Ông gặp đúng người rồi," tôi đáp. Dường như nó không giống tên tôi, nhưng chuyện gì đến thì đã đến rồi. Có tiếng lạo xạo một lúc như có hai luồng không khí khác nhau va đập mạnh.
Tôi nghĩ chắc Sumire gọi cuộc điện thoại quốc tế từ Hy Lạp. Tôi để ống nghe ra xa tai một chút, đợi giọng nói của cô vang lên tiếp tục câu chuyện. Nhưng giọng nói tôi nghe sau đó lại không phải của Sumire mà là của Miu.
"Tôi chắc anh đã nghe Sumire nói về tôi?"
"Vâng, tôi có nghe," tôi đáp.
Giọng chị trên điện thoại méo đi vì khoảng cách xa xôi, vì tác động của chất vô cơ, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự căng thẳng ẩn chứa trong đó. Một cái gì đó cứng và rắn chắc như đám mây băng qua đường dây điện thoại tràn vào phòng khiến tôi tỉnh ngủ hẳn. Tôi ngồi bật dậy trên giường, vươn thẳng người, cầm chặt ống nghe.
"Tôi phải nói nhanh," Miu nói không ra hơi. "Tôi đang gọi từ một hòn đảo Hy Lạp, và gần như không thể liên lạc được với Tokyo, có khi đang nói cũng bị ngắt giữa chừng. Tôi thử nhiều lần rồi, và cuối cùng thì cũng kết nối được. Vì vậy anh cho phép tôi bỏ qua phép xã giao để vào việc ngay chứ?"
"Chị cứ nói," tôi đáp.
"Anh có thể đến đây được không?"
"Đến đây, chị muốn nói là Hy Lạp?"
"Vâng. Càng sớm càng tốt."
Tôi buột miệng thốt ra ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu. "Có chuyện gì xảy ra với Sumire à?"
Miu dừng lại lấy hơi. "Tôi vẫn chưa biết. Nhưng tôi nghĩ cô ấy muốn anh đến đây. Tôi chắc chắn thế."
"Chị nghĩ cô ấy muốn thế?"
"Tôi không thể nói chuyện này qua điện thoại được. Sẽ chẳng có hiệu quả gì khi chúng ta bị cắt giữa chừng, vả lại đây là vấn đề tế nhị, và tôi muốn nói chuyện trực tiếp với anh hơn. Tôi sẽ thanh toán vé khứ hồi cho anh. Chỉ cần anh đến. Càng sớm càng tốt. Hãy mua vé đi. Hạng nhất ấy, anh thích như thế nào cũng được."
Mười ngày nữa năm học mới sẽ bắt đầu. Tôi phải quay về trước khi khai giảng, nhưng nếu tôi muốn thì một chuyến dạo chơi Hy Lạp cũng không phải điều không thể. Theo kế hoạch thì trong kỳ nghỉ tôi phải đến trường hai lần để hoàn thành một số việc nhưng tôi có thể nhờ người khác làm hộ.
"Chắc là tôi có thể đi được," tôi nói. "Đúng vậy, tôi nghĩ mình có thể đi được. Nhưng chính xác thì tôi phải đến đâu?"
Miu nói tên hòn đảo. Tôi ghi những điều Miu nói vào bìa trong một cuốn sách để cạnh giường. Tên hòn đảo nghe quen quen.
"Anh bay từ Athens đến Rhodes rồi đi phà. Mỗi ngày có hai chuyến phà ra đảo, một vào buổi sáng và một vào buổi chiều. Tôi sẽ đến cảng đón anh bất cứ khi nào phà tới. Anh đến chứ?"
"Tôi nghĩ là mình sẽ thu xếp được. Chỉ có điều..." Tôi chưa kịp nói hết câu thì đường dây đã bị cắt. Đột ngột, thô bạo, như có người cầm rìu chặt vào dây thừng vậy. Và lại là tiếng lạo xạo khó chịu đó. Hy vọng liên lạc được nối lại, tôi ngồi yên một lúc, ống nghe áp bên tai, chờ đợi, nhưng tất cả những gì tôi nghe thấy là tiếng động khó chịu ấy. Tôi gác máy và rời khỏi giường. Trong bếp, tôi uống một cốc trà lúa mạch lạnh, tựa lưng vào tủ lạnh, cố sắp xếp lại những suy nghĩ trong đầu.
Tôi có thực sự phải lên máy bay và vượt bằng đấy đoạn đường tới Hy Lạp?
Câu trả lời là phải. Tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi lôi từ giá sách xuống tập bản đồ thế giới để xác định vị trí của hòn đảo Miu nói. Nó nằm gần Rhodes, chị nói vậy, nhưng không dễ tìm ra nó giữa vô số hòn đảo rải rác trên biển Aegean. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng phát hiện ra tên của nơi mình đang tìm kiếm được in nhỏ xíu. Một hòn đảo nhỏ nằm cạnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhỏ tới mức thật sự bạn không thể nói được hình thù của nó.
Tôi lấy hộ chiếu ra khỏi ngăn kéo và kiểm tra thấy nó vẫn còn hiệu lực. Sau đó tôi gom hết tiền mặt có trong nhà tống vào ví. Số tiền không nhiều nhưng sáng ra tôi có thể rút thêm tiền ở ngân hàng. Tôi có ít tiền tiết kiệm và khoản tiền thưởng mùa hè hoàn toàn chưa dùng đến. Khoản tiền này cộng với thẻ tín dụng là đủ cho tôi mua vé khứ hồi đến Hy Lạp. Tôi nhét mấy bộ quần áo vào một cái túi thể thao bằng nhựa kèm theo bộ đồ vệ sinh. Thêm hai cuốn tiểu thuyết của Joseph Conrad tôi định đọc lại. Tôi phân vân không biết có nên mang theo đồ bơi không, nhưng cuối cùng cũng mang đi. Có lẽ khi tôi đến đó thì mọi vấn đề dù là gì đi nữa cũng đều được giải quyết, mọi người đều vui vẻ, khỏe mạnh, mặt trời lơ lửng yên bình trên bầu trời, và tôi có thể bơi lội thỏa thích một, hai lần trước khi phải quay về - dĩ nhiên đó sẽ là kết quả tốt đẹp nhất đối với tất cả những ai có liên quan.
Thu xếp đồ đạc xong xuôi, tôi tắt đèn, ngả đầu xuống gối, cố gắng ngủ lại. Mới hơn ba giờ, tôi vẫn có thể chợp mắt một chút trước khi trời sáng. Nhưng tôi không thể ngủ được. Tiếng lạo xạo khó chịu đó vẫn đều đều gõ trong huyết mạch tôi. Sâu thẳm trong đầu mình tôi có thể nghe thấy giọng người đàn ông đó, đang quát tên tôi. Tôi bật đèn, lại rời khỏi giường, vào bếp pha một cốc trà đá uống. Rồi tôi xem xét toàn bộ cuộc nói chuyện với Miu, từng từ một từ đầu tới cuối. Lời chị nói nghe mông lung, mơ hồ, đầy ám chỉ. Nhưng trong những gì chị nói có hai việc. Tôi ghi lại vào sổ ghi nhớ:
1. Có chuyện xảy ra với Sumire. Nhưng Miu không biết là chuyện gì.
2. Tôi phải đến đó càng sớm càng tốt. Sumire, theo Miu, cũng muốn thế.
Tôi nhìn chằm chằm vào cuốn sổ ghi nhớ. Và gạch dưới hai từ:
1. Có chuyện xảy ra với Sumire. Nhưng Miu không biết là chuyện gì.
2. Tôi phải đến đó càng sớm càng tốt. Sumire, theo Miu, cũng muốn thế.
Tôi không thể hình dung nổi có chuyện gì xảy ra với Sumire trên hòn đảo nhỏ Hy Lạp ấy. Nhưng tôi chắc chắn đó phải là chuyện xấu. Vấn đề là xấu như thế nào? Từ giờ đến sáng tôi cũng không thể làm được gì cả. Tôi ngồi trên ghế chân gác lên bàn, đọc sách và chờ ánh sáng đầu tiên xuất hiện. Nó dường như dài vô tận.
Ngay khi trời hửng sáng, tôi bắt chuyến tàu Chuo Line đến Shinjuku, nhảy lên tàu Narita Express và tới sân bay. Đến chín giờ tôi rảo qua quầy bán vé thì mới hay không có chuyến nào bay thẳng từ Narita đến Athens. Sau một hồi mò mẫm tôi mua vé hạng thương nhân của hãng KML bay đi Amsterdam. Từ đấy tôi có thể bay đến Athens. Rồi từ Athens tôi sẽ lên chuyến bay nội địa của hãng Olimpic đến Rhodes. Hãng KML lo hết vụ này. Nếu không có gì trục trặc thì hai chặng chuyển tiếp của tôi sẽ hanh thông. Đấy là cách nhanh nhất để đến đó. Tôi mua vé khống cho chuyến khứ hồi nên trong vòng ba tháng tới tôi có thể về lúc nào cũng được. Tôi trả tiền bằng thẻ tín dụng. Ông có gửi hành lý không? Họ hỏi tôi. Không, tôi đáp.
Còn thời gian trước khi cất cánh, vì vậy tôi ăn sáng tại nhà hàng sân bay. Tôi rút ít tiền mặt từ máy ATM và đổi sang séc du lịch. Tiếp đó tôi mua cuốn hướng dẫn du lịch Hy Lạp ở hiệu sách. Tên hòn đảo Miu nói với tôi không xuất hiện trong cuốn sách nhỏ này nhưng tôi cần biết thông tin về đất nước đó - tiền tệ, khí hậu, những vấn đề cơ bản. Ngoài lịch sử Hy Lạp cổ và kịch cổ điển thì tôi chẳng biết mấy về mảnh đất này. Cũng chỉ ngang bằng kiến thức của tôi về địa lý sao Mộc hay cách vận hành bên trong của hệ thống làm lạnh xe Ferrari mà thôi. Cả đời mình tôi chưa một lần tính đến khả năng tới Hy Lạp. Ít nhất là cho tới hai giờ sáng cái ngày đặc biệt đó. Ngay trước buổi trưa tôi gọi điện ột đồng nghiệp. Tôi bảo cô là một người bà con của tôi gặp tai nạn nên tôi phải rời Tokyo khoảng một tuần, không biết cô có thể giúp tôi giải quyết công việc ở trường cho đến lúc tôi quay về không. Không sao cả, cô đáp. Chúng ta đã nhiều lần giúp đỡ nhau như vậy nên chuyện này không có gì khó khăn cả. "Vậy anh đi đâu?" Cô hỏi. "Shikoku," tôi đáp. Tôi không thể nói rõ với cô tôi đang trên đường tới Hy Lạp.
"Rất tiếc khi nghe tin này," cô nói. "Dù sao đi nữa, hãy bảo đảm là anh sẽ quay về kịp khai giảng năm học mới. Và nếu được thì nhớ mua quà kỷ niệm cho tôi nhé?"
"Nhất định rồi," tôi đáp. Sau này tôi sẽ mua quà.
Tôi vào phòng đợi của hành khách hạng thương nhân, ngả mình lên ghế và thiếp đi chốc lát, một giấc ngủ chập chờn. Thế giới đã mất đi mọi ý nghĩa của thực tại. Màu sắc thì gượng gạo, chi tiết thì sống sượng. Phông bằng giấy bồi, các ngôi sao làm từ lá nhôm. Đâu đâu cũng thấy hồ dán và mũ đinh. Tiếng loa thông báo của sân bay ong ong trong đầu tôi. "Tất cả hành khách đi chuyến bay 275 của hãng hàng không Air France tới Paris." Trong trạng thái chập chờn ngủ không ra ngủ thức không ra thức đó tôi nghĩ về Sumire. Giống như cuốn phim tài liệu về hàng bao tháng năm quá khứ, từng cảnh một lại khơi lên trong tâm trí những nơi chốn, những khoảng thời gian chúng tôi chia sẻ cùng nhau. Trong cảnh náo nhiệt của sân bay, giữa các hành khách đi tới đi lui, cái thế giới mà tôi chia sẻ với Sumire dường như thật tồi tàn, mong manh và bấp bênh. Cả hai đứa tôi đều không biết chuyện gì thực sự quan trọng cũng như không có khả năng điều chỉnh nó. Không có gì vững chắc để chúng tôi có thể dựa vào. Chúng tôi gần như là hai con số không vô hạn, chỉ là hai sinh vật nhỏ nhoi đáng thương đi từ sự lãng quên này đến sự lãng quên khác.
Tôi thức giấc, vã mồ hôi, chiếc áo dính chặt vào ngực. Cơ thể bơ phờ, đôi chân tê cứng. Tôi cảm thấy như mình bị bầu trời u ám nuốt chửng. Chắc hẳn trông tôi có vẻ nhợt nhạt. Một nhân viên phòng đợi lo lắng hỏi tôi có sao không. "Tôi bình thường," tôi đáp, "chỉ do nóng thôi." Ông muốn uống chút gì lạnh không? Cô hỏi. Tôi đắn đo chốc lát rồi đề nghị bia. Cô mang cho tôi một chiếc khăn mặt lạnh, một lon Heineken và một gói lạc tẩm muối. Sau khi lau khuôn mặt đẫm mồ hôi và uống hết nửa lon bia, tôi cảm thấy khá hơn. Và tôi có thể thiếp đi một lúc.
Máy bay rời Narita gần như đúng giờ và theo đường cực Bắc tới Amsterdam. Muốn ngủ thêm chút nữa nên tôi uống một ít whisky, và khi thức dậy thì ăn tối nhẹ. Do không thấy ngon miệng nên tôi bỏ bữa sáng. Tôi muốn giữ đầu óc bận rộn nên khi thức tôi tập trung đọc Conrad.
Đến Amsterdam tôi chuyển máy bay đi Athens, tới phòng đợi dành cho hành khách đi chuyến bay nội địa và lên chiếc 727 bay đến Rhodes. Hành khách trên máy bay phần lớn là thanh niên sôi nổi đến từ mọi đất nước có thể hình dung ra được. Tất cả họ đều rám nắng, mặc áo phông hay áo ngắn tay và quần bò ngố. Phần đông thanh niên để râu (hoặc quên không cạo) và buộc tóc đuôi ngựa. Tôi trông có vẻ lạc lõng trong chiếc quần màu be, áo sơ mi thể thao ngắn tay và áo khoác bằng vải cotton màu xanh đậm. Thậm chí tôi còn quên mang theo kính râm. Nhưng, ai có thể trách tôi được? Mới mấy giờ trước tôi còn ngồi trong căn hộ của mình tại Kunitachi vò đầu bứt tai không biết xử lý đống rác thải thế nào.
Xuống sân bay Rhodes tôi đến bàn chỉ dẫn hỏi cách đi phà ra đảo. Phà nằm ở bến tàu bên cạnh. Nếu nhanh chân tôi có thể kịp chuyến phà chiều. "Trên phà còn chỗ không?" tôi hỏi cho chắc. Một phụ nữ mũi nhọn khó đoán tuổi ngồi ở bàn chỉ dẫn tỏ vẻ khó chịu phẩy tay. "Lúc nào họ cũng kiếm được chỗ ột người nữa," bà ta nói. "Có phải thang máy đâu."
Tôi bắt taxi ra bến. "Tôi đang vội," tôi bảo người lái xe nhưng có vẻ anh ta không hiểu ý tôi. Xe không có máy điều hòa, và ngọn gió nóng nực bụi bặm lùa vào qua khung cửa sổ đang mở. Suốt dọc đường anh tài xế luôn miệng chỉ trích đồng Euro bằng thứ tiếng Anh trúc trắc, khó nhọc. Tôi lịch sự chêm vào mấy câu để chứng tỏ mình đang theo dõi câu chuyện nhưng thực ra không nghe gì. Thay vào đó tôi ngắm nhìn quang cảnh thành phố Rhodes lướt qua rạng rỡ bên ngoài. Bầu trời không gợn mây, không một dấu hiệu của mưa. Mặt trời nung rám các bức tường nhà bằng đá. Bụi phủ thành lớp trên các thân cây xù xì bên đường, dân chúng ngồi dưới tán cây hoặc dưới những chiếc lều ngoài trời và hầu như im lặng ngắm nhìn xung quanh. Tôi bắt đầu tự hỏi không biết mình có đến đúng chỗ không. Nhưng những tấm biển sặc sỡ viết bằng chữ Hy Lạp quảng cáo thuốc lá và rượu hồi tràn ngập dọc đường từ sân bay về thành phố đã mách cho tôi - một cách khá chắc chắn - đây là Hy Lạp.
Chiếc phà chiều vẫn đậu ở bến. Nó to hơn tôi tưởng. Ở phía đuôi có chỗ dành riêng cho ô tô, và đã đậu sẵn hai chiếc xe tải hạng vừa chở thực phẩm và hàng hóa lặt vặt cùng một chiếc Peugeot cũ mui kín. Tôi mua vé lên phà, và vừa kịp ngồi xuống chiếc ghế xếp thì dây buộc phà đã được tháo ra khỏi bến và động cơ nổ ầm ĩ. Tôi thở dài nhìn trời. Bây giờ tất cả những gì tôi có thể làm là đợi chiếc phà đưa tôi tới nơi tôi đang đến.
Tôi cởi chiếc áo vải cotton bụi bặm ướt đẫm mồ hôi, cuộn lại nhét vào túi sách. Đã năm giờ chiều nhưng vầng thái dương vẫn lơ lửng giữa bầu trời, ánh nắng chói chang. Một cơn gió từ mũi phà lướt dưới cánh buồm, hiu hiu thổi trên đầu tôi, chậm rãi đến mức tôi bắt đầu thấy bình tĩnh hơn. Những cảm xúc u ám nảy sinh trong tôi khi ngồi ở phòng đợi sân bay Narita đã biến mất. Tuy nhiên vẫn còn chút dư vị cay đắng.
Trên phà chỉ có vài khách du lịch, do đó tôi đoán hòn đảo tôi đang tới không phải điểm du lịch nổi tiếng. Hành khách đa phần là dân địa phương, chủ yếu là người già sang Rhodes mua hàng bây giờ trở về nhà. Hàng hóa họ mua về được đặt cẩn thận dưới chân như những con vật yếu đuối. Mọi khuôn mặt già cả đó đều hằn sâu nếp nhăn và ngây ra bất động, như thể vầng mặt trời chói chang và cuộc sống lao động cực nhọc đã tước mất của họ mọi biểu hiện tình cảm.
Trên phà còn có mấy người lính trẻ. Và hai khách du lịch bụi, túi xách nặng cầm tay, ngồi bệt trên sàn. Cả hai đều chân gầy nhom, mặt dữ tợn.
Cũng có một cô gái Hy Lạp mặc váy dài. Cô rất đáng yêu, với đôi mắt đen sâu thẳm. Mái tóc dài tung bay trong gió khi cô trò chuyện với người bạn gái. Khóe miệng cô thoáng nét cười như có một điều diệu kỳ nào đó sắp xảy ra. Đôi khuyên tai bằng vàng lấp lánh dưới ánh nắng. Mấy chàng lính trẻ dựa vào hàng lan can trên boong, hút thuốc, vẻ bình thản, thỉnh thoảng liếc vội về phía cô gái.
Tôi nhấp ngụm soda chanh mua ở quầy hàng trên phà, ngắm nhìn mặt nước biển xanh thẳm và những hòn đảo nhỏ tí xíu nhấp nhô xung quanh. Phần lớn đó không phải đảo mà là những khối đá nổi trên biển, hoàn toàn hoang vắng. Những con chim biển trắng đậu trên mỏm đá, săm soi mặt biển tìm cá. Chúng không thèm để ý con phà. Sóng vỗ vào chân vách đá, tạo thành một dải trắng xóa. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy một hòn đảo có người ở. Phủ trùm lên nó là những cái cây dáng khô cằn, trên các sườn dốc rải rác mấy ngôi nhà tường trắng. Những chiếc thuyền sơn đủ màu nhấp nhô trong lạch, các cột buồm cao vẽ thành hình vòng cung khi con thuyền lắc lư theo sóng.
Một ông già nhăn nheo ngồi cạnh tôi lấy thuốc ra mời. Cám ơn ông, tôi mỉm cười, xua tay, nhưng tôi không hút thuốc. Ông mời tiếp kẹo gum bạc hà. Tôi cầm thanh kẹo với vẻ cảm kích, vừa nhai vừa chằm chằm nhìn biển.
Hơn bảy giờ thì phà cập đảo. Vầng thái dương chói chang đã xế bóng nhưng trời vẫn sáng như trước, ánh sáng mùa hè thực ra còn rạng rỡ hơn. Tên hòn đảo được viết bằng những chữ cái to trên bức tường trắng của bến tàu giống như trên tấm biển đề tên khổng lồ nào đó. Con phà rụt rè tiến vào cầu tàu, và hành khách lần lượt bước xuống ván cầu, hành lý cầm trên tay. Đối diện bến tàu có một quán cà phê ngoài trời, và những người đón khách đi phà thường đợi ở đó cho đến khi nhận ra người mình đang tìm.
Vừa đặt chân lên bờ tôi đã đảo mắt tìm Miu. Nhưng xung quanh chẳng thấy ai có vẻ giống chị cả. Mấy người chủ quán trọ bước đến hỏi có phải tôi đang tìm chỗ nghỉ không. "Không, tôi không cần," lần nào tôi cũng lắc đầu nói vậy. Thế nhưng, ai cũng đều đưa danh thiếp cho tôi trước khi bỏ đi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...