Theo tinh thần Hiệp nghị Giơ-neo 1954, các cán bộ và binh sĩ ở miền Đông Nam Bộ tập kết tại Xuyên Mộc, cán bộ và binh sĩ ở miền Trung tập kết tại Cao Lãnh và cán bộ và binh sĩ miền Tây tập kết tại Cà Mau. Cũng theo tinh thần này thì thời gian tập kết ở Xuyên Mộc chỉ có 80 ngày, ở Cao Lãnh 100, và ở Cà Mau 200 ngày.
Tình hình khẩn trương, các chiến sĩ gỗ Bình Xuyên nhắn gia đình vợ con vô Xuyên Mộc, tính chuyện quan trọng là theo chồng tập kết hay ở lại.
Hai Vĩnh và ông Tám Mạnh quyết định đưa hết gia đình ra Bắc. Tất cả mười một người con của ông bà Tám Mạnh cùng gia đình đều nhất trí ra đi. Có lẽ đây là gánh đông nhất trong số các gia đình tập kết.
Ông Tám tuy sẵn sàng đi cùng trời cuối đất, nhưng ngày xuống tàu vẫn ngậm ngùi vì chưa về thăm được mảnh đất Chánh Hưng, viếng mồ đứa con trai cưng là Bảy Hải. Ông cũng lo ngại cho cô Tư đang mang thai đưa con thứ năm phải ở lại chờ ngày sinh nở rồi đi chuyến tàu chót tại Cà Mau là địa điểm tập kết 200 ngày.
Đối với cô Tư vấn đề đi hay ở rất rõ ràng. Học tập hiệp định Giơ-neo, cô biết "đi là chiến thắng, ở là vinh quang". Đi hay ở đều có nghĩa vụ chiến đấu và xây dựng đất nước. Ưu tiền ra Bắc dành cho thanh thiếu niên để được học tập, đào tạo thành cán bộ chuyên môn, rất cần thiết cho tương lai xứ sở. "Là một người mẹ năm con, mình phải nuôi dưỡng cho chúng nên người. Cha mình, chồng mình vì hoàn cảnh xã hội bất công mà không được ăn học, bây giờ nhất định không để con mình chịu thiệt thòi như thế…" Cô Tư nghĩ như vậy và bình tĩnh ở lại chờ ngày sinh rồi mới đi sau. Cô vui vẻ giơ hai ngón tay lên tiễn gia đình cùng các đồng đội đi Xuyên Mộc để xuống tàu ra Bắc đợt đầu.
° ° °
Bảy Rô rộng ngày hơn Hai Vĩnh. Anh ở miền Tây, Cà Mau, được sống 200 ngày dưới cờ đỏ sao vàng cho thỏa lòng mong ước. Khác với Hai Vĩnh, Bảy Rô chọn ở lại. Máu binh vận trong người anh quyết định việc đi hay ở dứt khoát. "Đây là lúc cách mạng cần đến mình, không thể vắng mặt!".
Cũng trong thời gian tập kết chuyển quân, các đồng chí ở Trung ương Cục, ngày đêm ngồi trước bàn thế cờ. Mỹ tạm thời nắm Bảo Đại nhưng tên tay sai thực dân Pháp này chỉ là vật lót đường cho tên tay sai của đế quốc Mỹ là Ngô Đình Diệm. Đưa người vào dòng họ nhà Ngô là chuyện cấp thiết. Đồng thời cũng phải có người nắm giáo phái, vì trong hai năm tới, các giáo phái sẽ nắm vai trò quan trọng. Dù Diệm đi nước cờ liên kết các giáo phái hay tiêu diệt giáo phái, cũng phải có cán bộ bí mật "cài" vào để lèo lái đối phó. Trong các giáo phái, Bình Xuyên của Bảy Viễn được chú ý trước tiên. Bảy Viễn có thể ngán ngại đi với cách mạng, nhưng chung quanh hắn có khá nhiều người của ta. Mười Lực, Bảy Môn tự ý về thành, nhưng đó cũng là do sự o ép của lão già râu kẽm Nguyễn Đức Huy. Căn bản họ vẫn là người tốt. Rồi còn Năm Chảng, Tám Hoe, Thái Sư Tử… họ đã được Đảng phân công về nắm Bảy Viễn đợi thời cơ. Đến nay thì họ đã ổn định nơi ăn chốn ở rồi. Mười Lực năm tiểu đoàn, Bảy Môn, Năm Chảng nắm đại đội…
Hai cán bộ chiến lược được Trung ương Cục bố trí ở lại để nắm lấy Bình Xuyên. Đó là anh Ba Thuận nguyên bí thư tỉnh Thủ Biên (Biên Hòa và Thủ Dầu Một) và anh Bảy Khánh, bí thư tỉnh Bà Chợ (Bà Rịa và Chợ Lớn).
° ° °
Ngồi trước bàn cớ thế này, cáo già Savani bảo hai tay thân tín là Tư Sang và Năm Tài:
- Trong những ngày sắp tới, vai trò của hai ông rất nặng. Thủ tướng Diệm là tay sai của CIA. Chúng sẽ biến tên này thành một kẻ chống Pháp. Diệm sẽ được CIA giúp làm cuộc đảo chính hạ bệ Bảo Đại để bước lên ghế tổng thống. CIA sẽ tung tiền mua các giáo phái. Hai ông phải nắm thiếu tướng Bảy Viễn cho chắc. Tiền và gái là hai chỗ yếu của ông ta. Hai ông phải giải thích cho ông ta thấy rõ là bấy lâu nay ông ta sống trong nhung lụa là nhờ Quốc trưởng Bảo Đại và Nhà nước Pháp, Nhà nước Pháp rất thủy chung với những người cộng tác, không bao giờ có cảnh "ăn cháo đá bát" như bọn CIA. Trong bất cứ trường hợp nào, Chính phủ Pháp cũng che chở đùm bọc các ông.
Trở về tổng hành dinh, Năm Tài trỗi giọng mỹ nhân ngư:
- Thời gian tập kết chuyển quân ở Xuyên Mộc đã kết thúc. Sáng nay, hàng vạn cán bộ và binh sĩ Việt Minh xuống tàu ra Bắc. Nếu hồi trước mình không ra đây chiếm một giang sơn riêng biệt thì đời mình kể như tàn rồi. Đi cũng kẹt mà ở lại càng kẹt hơn…
Bảy Viễn đang xem báo cáo số thu chi về hai sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới, nghe Năm Tài một cách lơ đãng:
- Trình bày tiếp đi.
- Làm sao tập kết ra Bắc được, thiếu tướng? Ngoài ấy nghèo mạt. Mỗi khi vỡ đê là hàng vạn dân chết đói. Năm 1954 có hai triệu dân chết vì thiếu ăn. Đó là chưa kể thiếu tướng không ưa người Bắc và bọn Cộng sản. Chỉ có nước ở lại. Mà ở lại thì cũng chẳng yên thân với bọn CIA đâu thiếu tướng. Bọn này chuyên môn nước cờ "tiên lễ hậu binh", trước ném tiền ra mua chuột, sau không cần nữa thì thủ tiêu thanh toán.
Bảy Viễn vốn làm biến suy nghĩ:
- Vậy mình phải làm sao đây?
- Tôi vừa gặp trung ta Savani. Ông ta nhân mạnh là thủ tướng Diệm sẽ vâng lệnh quan thầy Mỹ đá đít Bảo Đại nhảy lên ghế tổng thống. CIA sẽ tung tiền mua các giáo phái để làm hậu thuẫn cho nhà Ngô. Trung tá Savani khuyên thiếu tướng không nên chạy theo đô la. Đồng Franc tuy không nặng nhưng bền hơn…
- Thôi, mày nói ít thôi! - Bảy Viễn sốt ruột cắt ngang - Lão Savani mà dạy khôn dạy khéo cho tao hả? Mày hãy nhắn với lão ấy là Bảy Viễn thiếu tướng với Bảy Viễn giang hồ vẫn là một!...
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...