Hai Vĩnh đang dự Hội nghị Quân khu ủy tại Bình Hòa bàn kế hoạch thành lập Vệ Quốc Đoàn (phiên chế các chi đội thành trung đoàn) thì được mật điện của chi đội phó Chi đội 7 là Trịnh Văn Tài báo tin bắt được Phán Huề. Khi Tây chiếm tỉnh lỵ, Phán Huề rút lên núi Dinh "trú ẩn" trên chùa Cào Đài. Tây lên núi bắt ông đưa về Sài Gòn. Nay không hiểu vì lý do gì, Phán Huề lại bí mật trở vô khu. Hai Vĩnh nghĩ ngay tới khả năng Pháp và Phán Huề móc nối với nhau.
Ngược lại, nguồn tin Công an Nam Bộ về một cuộc gặp gỡ gần đây giữa bọn 2B (do Lâm Ngọc Đường đại diện) với Bảy Viễn có Tư Sang và Năm Tài cặp kỳ, đã dẫn tới một thỏa thuận kỳ quặc là: "Bình Xuyên sẽ giữ thái độ an binh bất động trong khu Rừng Sác để đổi lấy sự tiếp tế về vũ khí và quân nhu của Pháp"… Nói cách khác là: Pháp đang dùng vũ khí và vật chất để biến dần khu Rừng Sác từ một căn cứ đề kháng thành một vùng đệm, để rồi nâng nó lên thành một chiến khu của chúng cắm sâu vào chúng ta!... Các đồng chí lãnh đạo ngành Công an phát hiện âm mưu thâm độc của địch gây dựng những chiến khu như vậy trong hậu phương ta, nuôi dưỡng chúng lơn mạnh, tạo điều kiện cho chúng mở rộng, liên hoàn được với nhau… Ở Bắc Bộ, chúng đã thực hiện thành công ở Phát Diệm, Bùi Chu… Ở Nam Bộ này, chúng đã dòm ngó vùng Cao Đài, gây men ở vùng Hòa Hảo và đang ráo riết xâm nhập Rừng Sác bằng mọi thủ đoạn thích hợp: tiền, gái, xa xỉ phẩm… và bây giờ là vũ khí, quân nhu….
Nguyễn Bình nhất trí với Hai Vĩnh phải hết sức bí mật và bất ngờ thì mới mong thành công vì hai người đều như đang đi vào hang cọp.
Vì vậy khi hay tin trung tướng Nguyễn Bình đi Bà Rịa, anh Ngọt và Việt Hồng mời Nguyễn Bình ghé Tiều thắm trung đoàn 300 thì Nguyễn Bình không ghé Tiều. Ông không muốn Bảy Viễn biết chuyện này. Biết đâu Bảy Viễn có liên hệ tới Phán Huề? Ngay khi được điện của Trịnh Văn Tài, Hai Vĩnh điện về dặn giữ Phán Huề tại văn phòng, đối xử tử tế chờ anh về.
Lúc thuyền cặp bến, chi đội phó Trịnh Văn Tài thấy Hai Vĩnh và Nguyễn Bình lên bờ luýnh quýnh hô "nghiêm". Nhưng Hai Vĩnh khoát tay bảo:
- Không có gì! Cứ như bình thường! Đừng cho Phán Huề biết có trung tướng đi với tôi. Anh đưa trung tướng qua nhà khách. Đừng cho Phán Huề thấy…
Phán Huề trông thấy Hai Vĩnh reo lên:
- Chào ông chi đội trưởng. Ông mới về?
Hai Vĩnh bắt tay Phán Huề bảo:
- Ông ngồi đây đợi tôi một chút. Đi đường cả ngày bụi bặm quá. Xin phép xuống nhà dưới rửa mặt cho khỏe…
Hai Vĩnh hội ý chớp nhoáng với Nguyễn Bình, đề nghị để anh khai thác Phán Huề cách nào tùy ý, Nguyễn Bình giữ bí mật sự có mặt của mình, tuyệt đối không cho Phán Huề biết.
Hai Vĩnh tiếp chuyện riêng với Phán Huề suốt buổi chiều. Anh cho làm gà đãi Phán Huề và tiếp tục nói chuyện đến tối. Anh xin lỗi Phán Huề về cách đối xử của Trịnh Văn Tài trong thời gian anh đi hội nghị ở Quân khu và xin Phán Huề bỏ qua cho. Trước thái độ nhã nhặn, lịch sự của Hai Vĩnh, Phán Huề lên tinh thần. Sau khi nói xa nói gần, Phán Huề thú nhận là người của Thủ tướng Nam phần Việt Nam Nguyễn Văn Xuân về đây có nhiệm vụ lập "chiến khu quốc gia". Ngoài ra Phán Huề còn muốn gặp Ngài khu bộ phó Lê Văn Viễn để trao bản kiến nghị do Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân soạn, nếu tán thành thì ký vào. Hai Vĩnh xin được xem bản kiến nghị. Phán Huề cho Hai Vĩnh xem. Đại khái Nguyễn Văn Xuân đề nghị Pháp ngừng bắn để Thủ tướng Xuân kêu gọi anh chiến binh sĩ quốc gia trở về thành. Hai Vĩnh mừng rỡ lấy giấy bút ra soạn thảo một bản kiến nghị theo mẫu Phán Huề đưa ra. Đại ý như sau:
Kính gửi ngài Thủ tướng Nam phần Việt Nam.
Tôi, Mai Văn Vĩnh chi đội trưởng Chi đội 7, trong Liên khu Bình Xuyên, đã nghiên cứu kỹ và hoàn toàn nhất trí với kiến nghị của Ngài do ông Lê Văn Huề chuyển tới. Dưới đây, xin góp một số ý kiến:
1. Cám ơn Ngài Thủ tướng đã lo cho anh em Bình Xuyên.
2. Đề nghị Ngài Thủ tướng bàn với Pháp dành một nơi bất khả xâm phạm để chúng tôi về đóng quân. Xin NgàiThủ tướng gởi ột bản quy ước để chúng tôi nghiên cứu. Trân trọng kính chào Ngài Thủ tướng.
Ký tên, đóng dấu.Hai Vĩnh làm hai bản, một trao cho Phán Huề, một trao Nguyễn Bình ký vào, chứng nhận Hai Vĩnh soạn công văn trên với sự giám thị của mình.
Nắm được bức thư của Hai Vĩnh, Phán Huề vững bụng kể hết các cuộc hội nghị bí mật ở Chợ Lớn nhằm kêu gọi các phần tử quốc gia trong hàng ngũ kháng chiến bỏ Việt Minh trở về thành ủng hộ giải pháp Bảo Đại. Bảy Viễn đã ủy quyền cho Lại Hữu Tài dự các cuộc hội nghị này.
Kết quả hết sức mong đợi, Hai Vĩnh đề nghị Phán Huề ghi rõ ngày tháng các cuộc hội nghị nói trên để anh còn "thuyết phục các chi đội trưởng khác trong Liên khu Bình Xuyên". Phán Huề vui vẻ ghi rõ hết tất cả. Hai Vĩnh và Phán Huề thức nói chuyện đến bốn giờ sáng mới đi ngủ.
° ° °
Trung tướng Nguyễn Bình cho tiến hành việc chấn chỉnh bộ máy hành chính và quân sự trong tỉnh Bà Rịa. Chi đội 7 và Chi đội 16 được phiên chế thành trung đoàn 307, làm lực lượng hộ công đắc lực cho các ngành hành chính, công an, quân sự trong tỉnh, Hứa Văn Yến đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Nguyễn Đăng Khoa, chính trị viên Chi đội 7 làm Chủ tịch Vũng Tàu, Trịnh Văn Tài, Chi đội đội phó phụ trách tòa án nhân dân.
Hai Vĩnh được đề bạt lên trung đoàn trưởng Trung đoàn 307 kiêm ủy viên quân sự tỉnh.
Phấn khởi trước tình hình, nhiệm vụ mới, Hai Vĩnh đi lên sở cao su Cuốc-tơ nây (Courteney) - lúc này bọn chủ Tây bỏ chạy - lập thêm một công binh xưởng thứ hai cho tỉnh. Với máy móc đầy đủ, cơ sở này có thể chế súng lục, mìn, lựu đạn, địa lôi, ba-dô-ka, moóc-chê…
Còn binh công xưởng của Chi đội 7 ở Bà Trao, anh giao cho Quân khu. Đích thân Vũ Thùy Nhân tứ Kiều Đắc Thắng đến tiếp quản. Vũ Thùy Nhân không ngờ quy mô to lớn của binh công xưởng Chi đội 7. Nhưng điều làm họ Vũ không ngờ nhất là thiện chí của Hai Vĩnh. Tâm lý các chỉ huy trưởng là "nắm" chớ không "buông". Đầu óc địa phương cục bộ những năm đầu kháng chiến là hiện tượng phổ biến.
Củng cố bộ mày hành chính tỉnh Bà Rịa xong, Nguyễn Bình cấp tốc về Quân khu điều tra thêm Phán Huề, để đánh gia lập trường quan điểm của Bảy Viễn, Hai Vĩnh lại lãnh nhiệm vụ đưa Nguyễn Bình về Quân khu. Cùng trong chuyến đi này, anh có trọng trách áp giải Phán Huề. Khi nghe nói lên Quân khu để tiếp xúc một số chỉ huy quân sự khác, Phán Huề phấn khởi hy vọng làm được một cú lớn ngon lành. Huề đề nghị để hắn vận động cho cả hai phái đoàn đi ngã công khai hợp pháp. Hắn xòe từ "lét-xê-pát-xê" (Laissez-passer) của Tây cấp cho khoe với Hai Vĩnh. Cố nhiên không ai để hắn đi ngã công khai.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...