Tàu Thanh Vân bị chiếm lại nguyên vẹn khiến Tám Tâm càng tin chắc chiến công vừa qua là một trận đánh "cuội". Chưa có trận nào "xuôi chèo mát mái" như vậy. Trên bờ không nổ súng mà địch hộ tống trên tàu bó tay quy hàng. Và mãi tới một tuần sau địch mới mở cuộc hành quân thu hồi chiếc tàu Thanh Vân. Phải chăng địch muốn Bảy Viễn có đủ thì giờ chuyển chiến lợi phẩm ra khỏi khu vực hành quân?
Tiếp theo đó, trong một chuyến công tác xuống đơn vị, Tám Tâm còn thấy hai cái xác chết trôi sông, rà tam bản lại gần, thấy toàn người miền Bắc. Cả hai là thợ trong công xưởng tên Đinh Khắc Đang và Bùi Văn Hứa. Tám Tâm nhủ thầm: "Tình trạng này không thể kéo dài được nữa. Mình phải làm sao ngăn chặn bàn tay đẫm máu của Bảy Viễn lại!"
Nhưng Tám Tâm chưa làm gì thì Bảy Viễn đã cho đòi anh lên văn phòng:
- Anh Tám, cho tôi mượn câu Côn Đui của anh.
Tám Tâm móc súng đưa Bảy Viễn. Bảy Viễn ngắm một lúc rồi kéo hộc tủ bỏ vô cất:
- Cho tôi mượn vài hôm. Bây giờ thì anh xuống ghe đi công tác với tôi.
Tám Tâm sinh nghi: "Đi công tác mà không cho đeo súng nghĩa làm sao?". Dù vậy, anh cũng bước xuống ghe hầu loại bốn chèo của Bảy Viễn. Trên ghe ngoài bốn tay chèo còn có nửa tiểu đội vệ sĩ võ trang đến tận răng, súng ru-lô bên hông và tôm-xông cầm tay.
Ghe hầu tách bến, Bảy Viễn không vô bên trong như thói quen mà đứng tựa trước cửa mui, mặt hầm hầm trợn trừng nhìn Tám Tâm:
- Tám Tâm, mày có biết tao đưa mày đi đâu không?
Đây là lần đầu tiên Bảy Viễn "mày tao" với Tám Tâm. Bởi Tám Tâm để râu dài trước ngực, ra vẻ đạo mạo và già trước tuổi.
Tám Tâm thất sắc: "chắc chắn là bọn Tài, Sang đã nắm được bằng chứng về các hoạt động bí mật của mình nên xúi Bảy Viễn thủ tiêu mình đây". Anh tiếc không cảnh giác để Bảy Viễn tước súng. Nhưng anh cố bình tĩnh:
- Không, tôi không biết!
Bảy Viễn cười lạt:
- Tao đưa mày đi "mò tôm". Đ.m mày là thằng Cộng sản chuyên môn xúi giục binh sĩ Bình Xuyên chống lại cấp chỉ huy. Mày làm thơ nhục mạ bọn tao. Mày phải chết!
Tám Tâm chết điếng mấy mươi giây. Nhưng dần dần anh nghĩ: "Thằng này là dân anh chị, mình phải nói thế nào cho nó nổi máu anh hùng cá nhân lên thì may ra thoát nạn… ". Anh nói một cách bình thản:
- Anh định cho tôi "mò tôm" thật sao anh Bảy? Nếu vậy thì trước khi chết, anh cho tôi được nói vài lời…
Bảy Viễn:
- Nói gì nói mau đi!
Tám Tâm nhìn thẳng vào mặt Bảy Viễn:
- Anh không phải là Quan Công mà tôi cũng không phải là Tào Tháo, những điều tôi nói ra đây không phải là để kể ơn đâu, nhưng chuyện đáng nói thì phải nói vậy thôi. Anh nhớ kỹ coi, tôi đâu phải là dân Bình Xuyên! Tôi là thợ nhà in. Sài Gòn biết bao nhiêu bộ đội, tại sao tôi lại đầu quân vào bộ đội Bảy Viễn? Tại vì Bảy Viễn là dân giang hồ nghĩa hiệp, trọng nghĩa khinh tài, anh hùng hảo hớn. Tôi mê cái tính khí hiên ngang của anh mà tôi không theo Chi đội 13 của Tổng công đòan là nơi tập trung nhiều cán bộ ưu tú như Từ Văn Ri, Tư Carê, Lý Chính Thắng. Vì mê thầy Tư Hoảnh Xăng mà tôi làm hết mọi việc, từ thư ký văn phòng đến liên lạc, kể cả nhân viên thu thuế. Tôi đã mạo hiểm vào tận vi-la Ba Huy bắt sống nó đem về cho anh lãnh tiền chuộc cả chục triệu bạc, trong khi đó không một tên bộ hạ nào của anh dám mảng tới vòng rào nhà nó. Trong các trận chống càn Phù Thọ, Gò Cát, Vườn Thơm, Hiệp Hòa, đâu đâu tôi cũng ở lại cản hậu để bảo đảm an toàn cho anh rút lui! Thử hỏi những lúc cận kề cái chết, những thằng Tư Sang, Năm Tài ở đâu chớ?... Người xưa nói đúng "cứu vật, vật trả ơn, cứu nhân, nhân trả oán". Tại tôi thôi! Tôi đã lầm bậc giang hồ hảo hớn với kẻ lưu manh đểu giả. Tôi chết cũng không ân hận, chỉ tiếc cho anh, từ một đấng anh hùng, vì nghe theo bọn xu nịnh mà trở thành…
Bảy Viễn nạt đùa:
- Thôi đủ rồi! Đừng nói nữa! - Hắn đưa cao cánh tay lên hô to: "Quay trở lại!".
Nhờ mồm mép, Tám Tâm thoát chết, nhưng Bảy Viễn vẫn nghi ngờ, bí mật cho người theo dõi. Ngoài tên Hội, Bảy Viễn bố trí y tá Hạnh. Hạnh là cô gái tiểu tư sản thành thị, tâm hồn lãng mạn. Cô theo Bình Xuyên vì thích cuộc sống giang hồ, chọ trời khuấy nước. Hạnh có nhan sắc nên được các cấp chỉ huy săn đón, được mời dự các tiệc liên hoan. Cô nhận theo dõi những "phần tử nguy hiểm" một cách nhẹ dạ. Những "phần tử lừng khừng" thì cô tặng quà quý mang từ trên thành xuống như đồng hồ, viết máy v.v… Đại đội trưởng Ba Trứ cũng được Hạnh tặng một cặp viết Păcrker và còn kèm thêm những ánh mắt tình tứ. Nhưng Ba Trứ mê khẩu đại bác 75 ly hơn bông hồng biết nói.
Còn với Tám Tâm râu dài tới ngực. Hạnh không ban phát nụ cười, ánh mắt mà chỉ ngấm ngầm theo dõi…
Trước vụ cướp tàu Thanh Vân, Tư Sang, Năm Tài khuyên Bảy Viễn lập liên quân Bình Xuyên, mỗi chi đội phải đưa hai trung đội mạnh nhất vào Liên quân. Ý đồ của Tài, Sang là tạo một lực lượng trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Bảy Viễn. Liên quân kéo cả đơn vị pháo binh của Ba Trứ, gồm khẩu 75 ly đặt trên sà lan. Do pháo binh đóng vai chính nên Ba Trứ được chỉ định chỉ huy trưởng Liên quân. Chỉ huy phó là Nguyễn Hoàng Vân, Chi đội 4; chính trị viên là Lưu Chí Thoái, chính trị viên đại đội, cũng Chi đội 4. Sau khi thành lập, Liên quân đánh một trận ra mắt tại đồn Bình Khánh. Ba Trứ đã cho các cổ đại bác của mình nổ thị uy khiến vùng Nhà Bè rung rinh. Ý đồ của Bảy Viễn là muốn nhổ đồn này để đưa Liên quân về đóng sát Sài Gòn. Nhưng Năm Hà và ông Tám Mạnh nằm trong Ban chỉ huy Liên khu Bình Xuyên thấy chủ trương này quá phiêu lưu nên cho rút ngay sau trận đánh.
Trong thời gian này, Bảy Viễn đặc biệt "o bế" Ba Trứ, cho y tá Hạnh bám sát, tặng quà đủ thứ. Nhưng cuộc tấn công tình cảm chưa đi tới đâu thì Năm Hà nhất trí với hai cho con ông Tám Mạnh - Hai Vĩnh cho giải thể Liên quân, đơn vị nào trở về đơn vị nấy. Đơn vị pháo binh của Ba Trứ trở về Chi đội 3 của Mười Lực và Hai Lung.
Đơn vị pháo binh lưu động của Ba Trứ rút khỏi Bình Khánh, bọn Tài, Sang lo lắng. Vì theo mật đàm của chúng với Savani, chúng phải bảo đảm an toàn cho tàu bè ngoại quốc vô ra Sài Gòn. Ba Trứ về vùng Bàu Bông - Vũng Gấm, độc lập tác chiến là một mối nguy cơ cho tàu bè đi lại trên sông Lòng Tàu. Theo yêu cầu của hai tên này, Bảy Viễn bí mật cho phục kích tại ngã ba An Thịt với ý đồ cướp lại chiếc sà lan gắn cỗ 75 ly. Do lực lượng nhỏ hơn, nên Ba Trứ đành lẩn tránh suốt bảy ngày trong rừng. Cả đơn vị anh gồm 45 người sống một tuần thiếu thốn, hết gạo phải luồn rừng bẻ đọt chà là ăn đỡ đói, hết nước ngọt sáng sớm liếm sương đọng trên lá. Đến khi vượt sông về tới Phước An, Ba Trứ báo cáo dã tâm cướp sà lan pháo binh, Năm Hà và Hai Vĩnh càng thêm cảnh giác về mưu mô khó hiểu của Bảy Viễn. Phải chẳng Bảy Viễn đưa Liên quân về Bình Khánh sát ngõ Sài Gòn là để Pháp mở cuộc hành quân hỗn hợp, trên máy bay, dưới tàu chiến "hốt trọn" chủ lực Bình Xuyên về Sài Gòn? Nhưng đây cũng chỉ là nghi vấn mà thôi. Và trong khi chờ đợi tình hình ngã ngũ thì "hồn ai nấy giữ".
° ° °
Trong khi đó, Savani ném một lá bài khác để hổ trợ nhóm Lâm Ngọc Đường, Tài, Sang và Bảy Viễn: đó là Lê Văn Huề nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Bà Rịa…
Đầu năm 46, tình hình Bà Rịa hết sức rối ren. Tây đã chiếm Biên Hòa và đang tiến chiếm Bà Rịa, Đảng bộ Bà Rịa chỉ có hai đồng chí: Dương Văn Xá (Giáo Xá), Nguyễn Văn Hải (Sáu Phải). Sáu Phải học trường Đông Phương Đại học đường Mát-xcơ-va về hoạt động tại tỉnh nhà, Xá học trường cao đẳng sư phạm Normale, tham gia đám tang Phan Châu Trinh, bị đuổi, bỏ nghề gõ đầu trẻ, nhảy ra viết bao lấy bút hiệu Nam Dương rồi đi theo cách mạng luôn. Ngày Bà Rịa cướp chính quyền, hai anh Xá, Phải nắm Ủy ban Nhân dân tỉnh. Vài tháng sau, thi hành chỉ thị của cấp trên, hai anh tìm một nhân sĩ đưa lên ghế Chủ tịch. Nhân sĩ này là Phán Huề. Huề là người Bà Rịa, thuộc gia đình nhà giáo, có tiếng ở xã Long Hương sát bên thị xã. Huề không dạy học mà làm thư ký hành chánh tại phủ Thống đốc Nam Kỳ trên Sài Gòn. Khi cách mạng bùng nổ, Huề về hưu tại xã Long Hương. Trong hôm họp đặc biệt tại nhà Phán Huề, tất cả đều nhất trí yêu cầu Phán Huề giữ chức chủ tịch. Huề từ chối không được, phải nhận. Sáu Phải trông coi về hành chính. Giáo Xá phục trách quân sự. Phán Huề giữ chức chủ tịch, nhưng mọi việc đều phó cho hai anh Xá và Phải. Ông theo đạo Cao Đài phái tu tiên, có chùa trên núi Dinh. Có thể nói, Huề thích ở trên núi hơn cuộc sống trần tục. Khi Tây sắp sửa tiến chiếm Bà Rịa, các cơ quan chuẩn bị rút về Phước Bửu lập chiến khu, Huề ngỏ ý không đi Phước Bửu, mà lên núi Dinh, ở ẩn trong chùa Cao Đài. Hai anh Xá, Phải thuyết phục không nổi, đành hài lòng với lời hứa danh dự của Phán Huề: "Tôi dứt khoát không hợp tác với Tây. Các anh đừng sợ". Không bao lâu sau, khi xây dựng chiến khu Phước Bửu, hai anh Xá, Phải nghe tin Phán Huề bị bắt trên núi Dinh.
Họa vô đơn chí, Phán Huề bị Tây bắt chỉ là khúc nhạc mở đầu. Kế đến, là nạn nhân của quân phiệt nhũng nhiễu dân lành. Lực lượng quân sự, do Giáo Xá phụ trách, gồm khoảng 100 súng lấy của bọn bảo an GCL (Garde Civile Locale) cộng thêm một số súng săn của chủ đồn điền cao su, cà phê trong tỉnh. Đây là tiền thân của Vệ Quốc Đoàn sau này. Tình hình căng thẳng thi đội thân binh kéo về Bà Rịa. Đội Thân binh này lập ra một nhiệm vụ bảo vệ Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ. Khi Trần Văn Giàu được Trung ương điều ra Bắc giao công tác Việt kiều Thái Lan, đội thân bình cũng theo anh lên đường ra Bắc. Nhưng đường xá xa xôi, thời buổi khó khăn, tới Xuân Lộc, Trần Văn Giàu viết giấy gởi trung đội Thân binh lại cho hai anh Xá và Phải. Chỉ huy đội Thân binh là hai người tên Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân. Thấy cả hai hăng hái, Giáo Xá liền giao cho họ trông coi luôn đại đội Vệ Quốc Đoàn của tỉnh để rảnh tay lo việc khác. Nhưng khi nắm lực lượng lớn trong tay, Hiền, Tân trở nên quân phiệt, nhũng nhiễu dân lành, chỉ lo ăn chơi chớ không chịu đánh giặc. Đầu năm 46, một tiểu đội Pháp đi tàu đổ bộ tại Hồ Tràm, xuyên rừng lên Đất Đỏ, Xuyên Mộc để giải thoát đám chủ đồn điền Pháp bị ta bắt làm tù binh. Lúc chúng tới Sở Bông tại Xuyên Mộc, củng cố công sự chiến đấu rồi, Hiền - Tân mới đánh. Kết quả là ta thảm bại, vừa chết vừa bị thương khoảng hai mươi người. Hai anh Xá và Phải liền mời Hiền, Tân tới văn phòng kiểm điểm. Không ngờ Hiền và Tân vây bắt hai anh Xá, Phải đem giam ở Bàu Lung với lý do: "Hai anh móc với Bình Xuyên phá rối công tác quân sự của chúng tôi". Vụ rắc rối này tới tai Dương Bạch Mai, thanh tra chính trị Miền Đông. Ông Mai liền tới dàn xếp. Đồng thời phái đoàn bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đi ngang Bà Rịa, cũng tiếp tay hòa giải. Kết quả hai anh Xá, Phải chỉ bị giam có một đêm và sáng sớm được hai anh Trần Văn Nhượng và Lê Minh Châu xã Long Kiên giải thoát và hai anh Nguyễn Văn Tình và Võ Văn Ấn (Quốc gia Tự vệ cuộc Bà Rịa) đưa đi lánh bọn Hiền, Tân. Sau đó hai bên lại xô xát với nhau lần nữa. Hai Vĩnh xuống Long Điền, nơi Tân - Hiền đóng quân, hòa giải. Đến khi Pháp chiếm Bà Rịa, Tân, Hiền rút quân ra miền Trung, nhưng tới Quãng Ngãi thì bị tước khí giới.
° ° °
Cuối 47, các Chi đội đã được tổ chức lại theo chánh quy, phiên thế thành trung đoàn. Với việc thành lập Vệ Quốc Đoàn lực lượng võ trang ở Nam Bộ đã trưởng thành, đủ sức bước vào giai đoạn cầm cự. Theo đề nghị của Xứ ủy, Trung ương phong Nguyễn bình trung tướng. Đây là vị trung tướng đầu tiên của Nam Bộ. Quyết định ký vào tháng 11 năm 47 nhưng mãi đến tháng Tư năm sau mới làm lễ thụ phong trung tướng Nguyễn Bình tại Giồng Lớn, Ba Thu. Một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ là chờ mùa khô để tiện việc tổ chức. Lễ thụ phong tiến hành long trọng, có máy đèn, có diễn binh. Đây là một ngày trọng đại trong lịch sử Đồng Tháp Mười.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...