Ngày 23-9, trong một cuộc họp liên tịch Xứ ủy và UBND Nam bộ tại một số địa điểm trên đường Cây Mai dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Quốc Việt, hội nghị quyết định kháng chiến và thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Hội nghị cũng quyết định ban hành lệnh kháng chiến.
Giữa lúc Sài Gòn đang chuẩn bị bảo vệ nền độc lập mới giành được thì từ chiến khu Đông Triều, Khu trưởng Nguyễn Bình được lệnh của Bộ Tổng vào Nam thống nhất các lực lượng võ trang. Nguyễn Bình đã cùng với Trần Cung lập căn cứ Đông Triều từ năm 1944, lấy chùa Bắc Mã làm nơi trú ẩn và hoạt động. Trong vùng nhiều người thuộc bài thơ ở chùa của Hỏa Mai, bút hiệu của Trần Cung:
Tránh Tây ta phải giả thầy chùa
Xúng xính nâu sồng bộ pháp sư
Không đạo, đóng vai người mến đạo
Chẳng tu, làm bộ kẻ chân tu
Hai mươi thu trải năm nhà ngục
Bốn chục xuân qua năm độ tù
Chiến sĩ mấy phen nương bóng Phật
Tụng kinh Mác xít, niệm nam mô.
Một mình một ngựa vô Nam, lại làm nhiệm vụ thống nhất các lực lượng võ trang của mấy chục nhóm, công việc không phải dễ, nhưng Nguyễn Bình hăng hái ra đi vì tin tưởng nơi "ông Cụ" biết dùng người đúng chỗ. Phải là một tay hảo hớn mới quy tụ được các bậc giang hồ mã thượng trong Nam. Nguyễn Bình tin tưởng mình làm nên nghiệp lớn vì thuở thiếu thời đã lưu lạc vào Sài Gòn, đã giao du với các tay anh chị và đã bị Pháp đày ra Côn Đảo cùng với nhóm Quốc dân Đảng từ năm 30 đến năm 35...
Tình hình chiến sự ngày càng gay go, Pháp quyết tâm chiếm lại Nam bộ, Sài Gòn như chảo dầu sôi. Nguyễn Bình càng hối hả vượt đường thiên lý vào chiến trường đã định. Trên đường đi, ông cố thu thập tin tức và rất mừng rỡ khi biết Bình Xuyên là một lực lượng đáng kể trong số các lực lượng ở miền Đông. Ông có nghe tiếng Ba Dương từ trước và tính ngay tới việc liên kết với Ba Dương để có thế lực ngay bước đầu.
° ° °
Trong khi đó, quân đội Anh- Ấn của tướng Gracey không theo đúng chỉ thị giải giới quân Nhật của Đồng minh mà trắng trợn sử dụng quân Nhật kiềm hãm các hoạt động của dân quân, giúp bọn Pháp ngóc đầu dậy. Quân Nhật được bố trí đóng ở các vị trí ngoại thành. Bên vùng Chánh Hưng chúng đóng các đầu cầu quan trọng như cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, cầu Rạch Ong. Bộ đội Ba Dương đóng ở hãng Nichinăn phải cấp tốc dời vô cầu Rạch Đỉa. Không thể vác súng đi ngờ ngờ trước mắt bọn Nhật, anh em phải rút tay không còn súng thì cho xuống ghe, xuồng nhờ chị Năm Hà chở vô Rạch Đỉa.
Sau khi tập hợp các lực lượng tại đây, Ba Dương vạch kế hoạch đánh chớp nhoáng vào nội thành gây tiếng vang. Đội chủ lực đánh bót "xít dèm" trên đường Fonk và bót thương khẩu trước mặt Cảng. Cánh Tân Quy đánh nhà đèn Chợ Quán và nhà máy Nguyễn Thanh Liêm ở Sở Rác, cánh Tân Thuận và Thủ Thiêm thọc sâu vô xã Tây (tức Tòa đô chính), bót Catinat, dinh khâm sai Nguyễn Văn Sâm (nay là bảo tàng thành phố).
Những trận đánh này hiệp cùng các trận khuấy rối của các cánh quân khác đã làm cho các tướng lãnh đầy tự cao tự đại Pháp thấy rõ dân Sài Gòn không bó tay để chúng ngang nhiên cướp nước lần thứ hai.
° ° °
Giữa tháng mười, sau cuộc hưu chiến mười ngày, tướng Leclere bắt đầu đánh lớn, Cần Giuộc là một trong những mục tiêu đầu tiên của địch. Bộ đội Hai Vĩnh phối hợp cùng bộ đội Ba Bang chống cự dọc phòng tuyến đào cặp con lộ số 5 gần cầu Ông Thìn. Nhưng chỉ đánh một đêm rồi rút.
Vài ngay sau, kéo quân qua Long Kiểng. Hai Vĩnh gặp Ba Bang bị trói ngồi dưới đất trong văn phòng xã, còn Ba Bay đang nhậu ở bàn ngoài. Ngạc nhiên trước chuyện bất ngờ, Hai Vĩnh hỏi:
- Ba Bay, anh Ba Bang bị bắt về vụ gì?
- Anh Hai nên hỏi anh Ba, còn tôi chỉ là thiên lôi...
Hai Vĩnh nhìn quanh, tình cờ thấy Tư Hoạnh đi trờ tới:
- Tư Hoạnh, anh Ba Bang bị tội gì?
Tư Hoạnh lắc đầu:
- Tao không biết! Mày hỏi anh Ba!
Hai Vĩnh mở "sắc cốt" lấy giấy ra:
- Tư Hoạnh, mày chờ tao viết thư rồi mang qua tổng hành dinh ở cầu Rạch Đỉa cho anh Ba xem, ngồi chờ ảnh trả lời. Thư đại khái như sau: Anh Ba Bang là người của Đảng giao giữ chức Chủ tịch huyện Cần Giuộc, mình không nên tự quyền bắt bớ. Có việc gì, nên giao cho cấp trên giải quyết.
Hai Vĩnh cũng cho liên lạc báo động với Tám Mạnh và ông Bảy Trân, đề nghị kéo quân làm áp lực với Ba Dương.
Tư Hoạnh đi rồi, Hai Vĩnh bảo Ba Bay:
- Mày vô mở trói và mời anh Ba ra đây uống trà với tao.
Ba Bay miễn cưỡng tuân lệnh.
Được Hai Vĩnh can thiệp, Ba Bang mừng rỡ ôm chầm lấy Hai Vĩnh:
- Thật may cho tôi được gặp chú Hai. Không có chú Hai thì thằng này - chỉ Ba Bay - cho tôi "mò tôm" rồi.
- Anh Ba Dương bắt anh về tội gì?
- Về tội để mất quận Cần Giuộc.
Hai Vĩnh kêu lên:
- Trời đất! Ảnh có giỏi thì qua đó mà giữ! Đánh Tây đâu phải chuyện dễ!...
- Vậy mà Ba Dương cho bộ đội tới tước khí giới và tịch thu hết tiền bạc của Ủy ban huyện.
Hai người uống chưa hết bình trà, Tư Hoạnh về cho biết anh Ba chịu tha cho Ba Bang. Sau vụ này, Bảy Trân càng thấy rõ vai trò chính trị viên trong bộ đội Bình Xuyên là điều tối cần thiết.
Vào tháng mười một, Bảy Trân nhận được thư mời lên An Phú xã (Thủ Dầu Một) dự hội nghị quân sự do Khu trưởng Nguyễn Bình chủ tọa.
Dự hội nghị có chỉ huy các bộ đội tên tuổi như Huỳnh Kim Trương, Tô Ký, Huỳnh Văn Một, Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Trí, Bảy Viễn...
Khu trưởng Nguyễn Bình bố trí lại thứ tự các chi đội. Bộ đội Bình Xuyên có 7 chi đội, theo thứ tự: Chi đội 2 do Từ Văn Ri chỉ huy, chi đội 3 do Mười Lực, chi đội 4 do Mười Trí, chi đội 7 do Mai Văn Vĩnh, chi đội 9 do Bảy Viễn, chi đội 21 do Tư Hoạnh và chi đội 25 do Tư Tỵ chỉ huy. Bảy Trân xin từ chức Ủy trưởng Mặt trận số 4 với Nguyễn Bình:
- Tôi có máu xâm, hễ thấy máu là xỉu. Từ nhỏ tới lớn không dám xem thọc huyết heo bao giờ.
Nguyễn Bình nói:
- Đồng chí về họp từ đại đội trở lên, tuyên bố xin rút lui để họ tự bầu cử.
Đầu tháng 11-1945, Ban cán sự Đảng Mặt trận số 4 được thành lập gồm ba đồng chí: Trịnh Đình Trọng, Nguyễn Văn Trân và Nguyễn Mạnh Hoan. Trong hội nghị họp tại nhà Hội đồng Đống, ấp Phước Cơ, xã Đa Phước, huyện Cần Giuộc, Ban cán sự cử Ba Dương làm chỉ huy trưởng các lực lượng Nhà Bè, Tân Thuận, Bình Đông. Ba Dương dời tổng hành dinh ở Rạch Ong về Rạch Đỉa. Ông cho kẻ chữ thật to lên tàu xung công của Pháp: "Bộ đội Bình Xuyên, thủy quân đội". Tên bộ đội Bình Xuyên nổi danh nhờ mấy trận đánh táo bạo vào nội thành. Địch đánh mạnh, tung hết lực lượng quyết chiếm Sài Gòn và vùng phụ cận. Ba Dương họp các chỉ huy lại, ra lệnh:
- Thế giặc mạnh, mình phải rút ra ngoài. Tất cả đơn vị phải kéo về Phước An, Long Thành để chấn chỉnh lực lượng.
Đại đội trưởng bộ đội Tân Thuận là Sáu Thơ theo đạo Thiên chúa bàn:
- Hôm nay nhằm hăm ba, không nên xuất quân.
Vì mê tín dị đoan mà đơn vị bị Tây đánh úp, mất một số vũ khí cất giấu ở chùa Phật.
Ngày thường vốn nghiêm nghị, đụng chuyện, Ba Dương càng giữ vững kỷ luật nhà binh. Em ruột là Sáu Làm tịch thu một ghe thuốc bắc, định bán xài riêng, bị Ba Dương rút súng bắn. Rất may là đạn nổ không trúng.
Bộ đội Bình Xuyên tập trung về Phước An được đồng bào làm heo tiếp tế linh đình. Ai nấy đều trông chờ Tây tới để xem bộ đội Bình Xuyên đánh giặc.
Ở Phước An vài ngày. Năm Hà ra lệnh rút ra Rừng Sác để tránh mũi nhọn của quân đội viễn chinh Pháp. Ba Dương bận họp với Khu trưởng Nguyễn Bình mấy ngày. Chừng về Phước An thì bộ đội đã rút đi rồi. Lập tức Ba Dương tìm Năm Hà rầy một dữ dội:
- Bà con Phước An đã nuôi bộ đội Bình Xuyên như con cưng, ngày ăn ba bữa, heo, bò, gà, vịt, không thiếu thứ gì. Vậy mà Tây chưa tới, tụi bây đã chạy trước, bỏ đồng bào bơ vơ. Như vậy coi sao được?
Năm Hà và các cấp chỉ huy lặng thinh nhìn nhận khuyết điểm.
Tại Ba Doi, Ba Dương thống nhất các đơn vị, gồm có:
1. Bộ đội Thủ Thiêm khoảng 60 tay súng do các anh Mười Lực, Bảy Môn và Tám Hoe chỉ huy.
2. Bộ đội Tân Thuận gồm 110 tay súng do Sáu Đối chỉ huy.
3. Bộ đội Nhà Bè khoảng 50 tay súng do Chín Soái, Hai Nhị chỉ huy.
4. Bộ đội Phú Nhuận-Tân Bình khoảng 30 tay súng do Tư Huỳnh chỉ huy.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...