Chiều đó, Hai Vĩnh qua nhà ông già vợ. Anh đến đúng lúc Tư Ó tới mời ông Tám Mạnh ra chùa Cao Đài Phú Lạc có việc cần.
- Có việc gì vậy chú Tư?
- Anh Bảy Trân đang chờ ông Tám ngoài đó.
Nghe nói Bảy Trân, ông Tám lật đật thay đồ ra đi. Tới chùa đã có Ba Cưởng và Bảy Trân chờ sẵn. Bảy Trân ôm ông Tám, vui vẻ:
- Hôm nay anh em làm lễ kết nạp ông Tám vào Đảng.
Ông Tám ngẩn ngơ một lúc:
- Chuyện quan trọng vậy mà không cho tôi hay trước để chuẩn bị. Tôi chưa dọn mình…
Bảy Trân cười:
- Nhưng tụi tui thấy ông Tám đã dọn mình từ ba, bốn năm nay rồi. Hôm nay đã tới lúc phải kết nạp ông Tám để củng cố đội ngũ trước thời cơ biến chuyển rất thuận lợi cho ta.
Tư Ó nói tiếp:
- Tôi nhớ mãi cái ngày tôi đưa anh Bảy Trân đến nhà ông Tám để mời ông Tám tham gia khởi nghĩa năm 1940. Ông Tám nghe được, làm heo mua rượu gọi tất cả em út, con cháu về đầy nhà làm lễ thích huyết ăn thề với Đảng, sống chết có nhau, đồng lòng đánh Tây. Rất tiếc cuộc khởi nghĩa bất thành, nhưng điều đó chứng tỏ ông Tám một lòng một dạ với cách mạng. Như vậy là ông Tám đã trải qua đủ thử thách và Đảng cũng đủ tin nơi ông Tám. Tôi với Ba Cưởng xin giới thiệu ông Tám vào Đảng.
Ba Cưởng đứng lên, đằng hắng trước khi nói:
- Tôi cũng đồng ý với Tư Ó và xin chịu trách nhiệm về việc giới thiệu này.
Bảy Trân nói với giọng phấn khởi:
- Nhân danh Liên chi ủy Tân Phong Hạ, tôi làm lễ kết nạp đồng chí Tám Mạnh. Kể từ giờ phút này, đồng chí Tám Mạnh là đảng viên chính thức, không phải trải qua thời kỳ dự bị vì đồng chí Tám Mạnh đã được thử thách trong cuộc khởi nghĩa đêm 22-11-1940 và nhất là trong những năm thoái trào, đồng chí không hề hoang mang chao đảo khi làng lính thẳng tay khủng bố… Trong hoàn cảnh bí mật, chúng ta làm lễ thật đơn giản, không có Đảng kỳ, cũng không hát quốc tế ca, nhưng tôi tin rằng đồng chí Tám Mạnh sẽ là một đảng viên xứng đáng với Liên chi bộ Tân Phong Hạ này. Xin đồng chí Tám Mạnh phát biểu cảm tưởng.
Sau một phút lúng túng, ông Tám Mạnh nói:
- Trước đây tôi căm thù Tây nhưng chưa hiểu rõ hết tội ác của Tây. Tôi thù Tây vì cha tôi thù Tây. Cha tôi vô Thiên Địa Hội, tôi cũng theo Thiên Địa Hội, tôi làm tới chức thống lãnh binh nhưng quên hẳn xuất xứ của Thiên Địa Hội là hội kín của người Tàu thuộc nhóm Phù Minh diệt Thanh. Nay tôi được anh Bảy Trân giải thích rành rẽ, nhờ đó mà được sáng tỏ. Được kết nạp vào Đảng Cộng sản, tôi nguyện sống chết với cách mạng. Là người trọng lời hứa, đã hứa thì tôi giữ lời cho tới chết.
Sau lễ kết nạp, Tư Ó mang trà bánh lên. Bảy Trân báo cáo tình hình thế giới và trong nước, điểm qua diễn biến cuộc thế chiến 2 cho đến những ngày cuối 1944 đầu 1945 này và phấn khởi nói tiếp:
- Hôm nay ông Tám đã là đồng chí của mình, tôi mới nói kỹ vậy để chúng ta cùng biết lối mà đi. Nguy cơ Nhật đảo chính càng ngày càng lộ rõ. Hiện Nhật đã công khai mộ lính lập đội "Heiho", mình gọi là Hải Hồ. Đây là đội quân Nhật định dùng tại Đông Dương để chúng rảnh tay đánh Đồng minh. Mặt khác chúng cũng ngấm ngầm khuyến khích Cao Đài lập bộ đội, bí mật cho người huấn luyện quân sự cho Cao Đài. Chúng dùng nhãn hiệu "Kỳ ngoại hầu Cường Để, rể Nhật hoàng sẽ về nước" để kêu gọi dân chúng đứng vào hàng ngũ thân Nhật. Một số trí thức cũng đã chịu cộng tác với chúng… Nhưng những người thức thời không dễ bị mua chuộc. Thằng phát xít còn tàn bạo hơn thằng thực dân.
Đến đây giọng Bảy Trân trở nên hồ hởi:
- Trước đây có lần ông Tám hỏi tôi mấy năm nay đi đâu mà không thấy, lúc đó tôi chỉ cười cho qua, bây giờ mới nói thiệt. Tôi chẳng tài hơn ai, tôi cũng bị Tây bắt. Câu chuyện như sau: Sau ngày Nam kỳ khởi nghĩa, tôi lặn một hơi lên Đà Lạt, tá túc với thằng em cô cậu tên là Chung Văn Năm. Nó có tiệm cầm đồ trên đó.
Tưởng yên thân, ai dè anh em đều bị mật thám Đà Lạt bắt giam 15 ngày rồi giải về Catina. Vợ Năm có tiền mướn thầy kiện lo cho nó ngoại hầu tra, rồi được trắng án. Riêng tôi thì bị quản thúc tại quê là Đa Phước, không được đi ra khỏi xã và mỗi tháng phải trình diện một lần với chính quyền quận… Bây giờ tôi xin báo một tin mừng cho anh em lên tinh thần. Đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam kỳ của mình đã vượt ngục Tà Lài, hiện giờ đang vận động chuẩn bị cướp chính quyền trong những tháng tới đây, khi Nhật đảo chính Pháp.
Ông Tám hỏi:
- Ai vậy?
- Trần Văn Giàu, tức Sáu Giàu. Chắc ông Tám chưa biết, để tôi giới thiệu vắng tắt. Sáu Giàu là người Tầm Vu, tỉnh Tân An. Anh trốn qua Pháp học, được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Pháp, sau đó được đưa sang Nga học trường Đông Phương Đại học đường trong ba năm 1930, 1931, 1932. Trở về nước, Sáu Giàu hoạt động mạnh, mở rộng phong trào, phát huy khí thế, được anh em đồng chí tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Xứ ủy. Tháng 10-1939, Sáu Giàu bị bắt đày lên Tà Lài. Năm qua, chi bộ nhà tù bố trí ột số đồng chí vượt ngục, trong số này có Sáu Giàu. Nhiệm vụ của các đồng chí này là liên lạc các nơi, củng cố lực lượng chờ thời cơ khởi nghĩa. Nhóm đi về phía Sài Gòn có ba anh bị bắt lại, còn hai anh Sáu Giàu và Châu Văn Giác trốn thoát nhờ đi ngược về phía Đà Lạt. Vụ vượt ngục trèo núi băng rừng rất dài dòng, tôi chỉ kể vắn tắt là người sau kẻ trước đã mò về tới nhà tôi và đã được tôi giấu trong nhà, tẩm bổ trong một tuần lễ cho lại sức rồi tìm nơi khác an toàn hơn. Chớ tôi đang bị quản thúc, tức là luôn luôn bị làng lính dòm ngó.
Ông Tám Mạnh nói đầy xúc động:
- Ở tù cũng năm ba đường ở tù. Như tôi vào Khám Lớn sau vụ lân râu bạc thì có thấm vào đâu với các đồng chí thầy Bảy vừa kể. Tôi nghe nói miệt Bà Rá, Tà Lài rừng sâu nước độc, cọp beo lển nghển, rắn chàm quạp như rễ mục, vậy mà các đồng chí mình cắt đường rừng ròng rã mấy tháng trời mới thoát nạn, thiệt là một thử thách quá lớn lao. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để xứng đáng là đồng chí của các bậc đàn anh đó…
Đêm ấy là một khúc quanh lịch sử trong đời giang hồ của ông thầy nghề võ vang danh xã Chánh Hưng.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...