Công cuộc cải cách được Chính Đức gióng trống khua chiêng sau khi kế vị rốt cuộc đã bắt đầu rồi. Kỳ thật trước đó Lưu Cẩn đã đã tiến hành cải cách một lần, chỉ có điều, lần cải cách đó xuất phát từ trong quan lại, hơn nữa căn bản không thông qua thảo luận của triều thần, nội dung cải cách cũng không có trọng điểm, sao có thể khiến mọi người thực thi, còn lần này tuy rằng chỉ có mười điều, nhưng mỗi điều đều bao hàm những vấn đề nóng hổi nhất của toàn bộ xã tắc: Lại trị (chế độ cai trị hành chính), chế độ thuế, đất đai, chế độ tổ chức quân đội cùng với một phần chế độ giáo dục.
Khi Lưu Cẩn còn đương chức, nắm toàn bộ quyền hành, phàm những ai phản đối cải cách của y lập tức bị đổ cho các loại tội danh rồi bị giam cầm hoặc bãi chức. Còn lần cải cách này được sự ủng hộ của Nội Các, Lục Bộ và toàn bộ hệ thống Khoa Đạo (ban khoa học kỹ thuật), hơn nữa Dương Lăng và người của Nội Các thảo luận nhiều lần, nhằm vào những vấn đề có khả năng bị chất vấn, để hoàn thiện chính sách và bổ sung vào những chỗ còn thiếu sót. Mỗi điều khoản đưa ra, đều thuyết minh một cách chi tiết những khuyết điểm của chế độ chính sách cũ, chính sách mới nhằm vào những đối tượng nào, vì sao lại có sự đổi mới, khiến cho những ai phản đối không thể biện hộ được. Vì vậy, ngay sau khi được Hoàng thượng phê chuẩn, việc đưa ra chính sách mới cực kỳ thuận lợi.
- “Đại Minh khám loạn pháp ", " Pháp luật về chiêu mộ binh lính của Đại Minh ", " Pháp luật về thuế của Đại Minh ", " Pháp luật về công thương của Đại Minh ", "Pháp luật về di dân của Đại Minh ", " Pháp luật về thi cử của Đại Minh", "Chế độ thi cử Quan lại " lần lượt được công khai, nó giống như một dòng suối mát rót vào một triều đình khô cứng và hủ bại trong thời điểm nội bộ Đại Minh đang phát binh tiễu phỉ, Giang sơn Tây Bắc đang nổi lên phong ba bão táp.
Những sĩ phu có nhận thức trong triều cũng không ít, nhất là lần tạo phản này của dân lưu vong đã trở thành một động lực vô cùng lớn cho sự cải cách. Những người tạo phản chỉ trong một thời gian ngắn đã tập hợp được nhiều người hưởng ứng như vậy, vô số gia đình thân hào ở mấy trọng trấn lớn phía Bắc không chỉ tan cửa nát nhà mà còn bị diệt môn, tài chính triều đình chỗ nào cũng gặp cảnh túng quẫn, những chuyện như vậy đã thức tỉnh bọn họ từ trong ảo cảnh về một thế giới thái bình thịnh trị. Vô số những bi kịch như vậy đã khiến cho bọn họ tràn đầy xúc động, bọn họ cũng biết ý dân không thể trái, triều đình cũng nên tiến hành một phen cải cách rồi.
Hoàng đế Chính Đức hạ chỉ, một lần nữa làm rõ việc miễn thuế lương thực cho các địa phương như Kinh kỳ, Sơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc… Đồng thời tuyên bố đối với những dân lưu lạc muốn khôi phục cơ nghiệp, quan phủ sẽ cấp lương thực, nhà cửa, ruộng đất, trâu bò nhằm an ủi lòng dân lưu lạc, đồng thời đối với di dân ở Quan Đông thi hành vô số chính sách ưu đãi, đất đai được khai hoang sẽ thuộc quyền sở hữu cá nhân, trong ba năm không phải nộp tiền thuế…Cứ như vậy, rất nhiều người dân bình thường cũng bắt đầu động tâm suy nghĩ.
Đặc biệt là đối với những gia đình có nhiều con cái, bao gồm cả những hộ gia đình có người trong quân đội, vì theo thông lệ của dân gian, gia sản do con trưởng đích tôn kế thừa, những người con trai khác đều phải tự tìm cho mình sinh lộ, thừa dịp tuổi còn trẻ ra quan ngoại lập nên một mảnh cơ đồ, có được đất đai, điền trang cho riêng mình, sao lại không vui vẻ mà làm cơ chứ? Huống hồ, những người này không có nỗi lo ở hậu phương, một khi thất bại có thể quay lại chốn cũ. Vì thế rất nhiều thanh niên trẻ tuổi không phải là con cả trong gia đình đều đến báo danh, trong đám di dân tiến vào ba Vệ ở Đông Bắc bắt đầu có sự gia tăng số lượng người không mang theo gia quyến để đi khai hoang. Những người này tương lai sẽ trở thành lực lượng chủ chốt để rèn luyện thành binh lính.
Nội bộ triều đình cũng tiến hành chỉnh đốn, hiện tại trong Nội Các thì Tiêu Phương đứng đầu, nhưng sự hăng hái như dòng nước xiết của Lý Đông Dương đem lại cho vị Tiêu Các Lão tuổi cao rồi mới có cơ hội thi triển tài năng này rất nhiều động lực và cảm xúc, Ông chủ động xin chỉ, dùng tấm thân già nua đi tuần tra Sơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây...
Những địa phương này có tổng cộng hơn ba mươi vạn dân tị nạn do chiến loạn mà phải rời bỏ quê hương. Đám người này giống như cỏ khô có thể bị đốt cháy bất cứ lúc nào, hiện tại bọn họ đi ăn xin khắp nơi, vẫn chưa nhìn ra được mầm mống phản loạn, nhưng chỉ cần mùa đông năm nay những người này vẫn chưa tìm được nơi an cư, không chốn nương thân, không quần áo, không lương thực, thì chuyện tạo phản lúc nào cũng có thể phát sinh.
Tiêu Phương xin thánh chỉ dùng thân phận khâm sai đi tuần tra các địa phương, đốc thúc các nhà kho ở châu phủ tích trữ lương thực, hạ thấp giá cả, thu nạp ngân phiếu, bán cho nông dân. Đồng thời lệnh cho các Bố Chính Sử ở những địa phương nói trên tại những nơi có đông dân tị nạn tiến hành biên chế thành những Lý giáp (một Lý giáp tương đương với một trăm mười hộ), lập làng xã mới, an trí tại chỗ, phòng ngừa người dân tiếp tục chạy loạn.
Những địa phương có dân lưu vong rải rác, thì địa phương đó thu xếp vào những hộ tịch sẵn có tại các hương thôn phụ cận của các Châu Huyện, nhưng cũng phải lập ra Lý trưởng mới để tăng cường quản lý, lại tiến hành phân phối trâu cày, hạt giống cho các nơi có đồng ruộng bỏ hoang hoặc vùng bồi đắp của sông Hoàng Hà, khiến dân lưu vong có thể tự mình sản xuất. Nông dân có nhà, có đất, có hy vọng để sinh tồn, thì tuyệt đối sẽ không đem thủ cấp của mình treo ở đai quần để đi tạo phản.
Đại sự trong triều do Dương Đình Hòa chủ trì, trở thành người chấp chưởng triều chính trên thực tế. Đây cũng là sự điều chỉnh quyền lực tinh tế, nhằm tranh thủ sự ủng hộ hết mình của Dương Đình Hòa và phe cánh của ông ta. Dương Đình Hòa loại bỏ những ảnh hưởng chính trị xấu, giảm nhẹ việc trưng thu lương thực và thuế khóa tại những địa phương nghèo khó, cho hồi hương cung nữ và nhạc công, phóng thích tù nhân vô tội, thanh tra các khoản quân lương khống. Chỉ bằng vào những hoạt động này hàng năm là có thể tiết kiệm được cho triều đình cả trăm vạn lượng.
Thân sĩ Giang Nam nhân cơ hội này cổ súy người đại diện cho lợi ích của bọn họ, thỉnh cầu triều đình giảm thuế cho Giang Nam. Đối với yêu cầu này, Dương Đình Hòa kiên quyết từ chối. Giang Nam chính là trọng điểm để tiến hành cải cách của Dương Lăng, những quan viên kia thỉnh cầu Dương Đình Hòa không được bèn tìm đến thỉnh cầu Dương Lăng, đương nhiên là kèm thêm rất nhiều lời dèm pha dành cho Dương Đình Hòa, lại đem nỗi khổ của người dân Giang Nam nói tới mức sắp không chịu nổi.
Giang Nam giàu có nhất thiên hạ, điều này Dương Lăng biết, người dân Giang Nam giàu có hơn người dân các địa phương khác, về điểm này hắn hai lần đi Giang Nam cũng đã biết rất rõ. Dương Đình Hòa giảm thuế cho địa phương nghèo, tăng thuế tại những địa phương giàu có, chính sách này cũng giống như thuế điều tiết thu nhập cá nhân của thời nay vậy, là môt đòn bảy để cân bằng cán cân thu thuế rất hiệu quả, vì thế Dương Lăng hoàn toàn ủng hộ ông ta, những quan lại đi du thuyết kia đều bị đuổi về.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...