Ngược Về Thời Minh

Trên điện Ngân An, các vị đại nhân rành nhìn sắc diện phát hiện thấy vẻ mặt của hai vị khâm sai, hai vị tuần phủ và cả Tam biên tổng chế Dương Nhất Thanh đang đứng hàng đầu rất xấu, ngay cả Đại vương thiên tuế trông thấy vị tân nương mười sáu mười bảy thướt tha cũng dường như không cao hứng lắm. Mấy quan lớn địa phương này không biết chuyện gì đã xảy ra, ai nấy đều cẩn thận không dám to tiếng nói cười.

Vương gia nạp phi khác hẳn người thường cưới vợ, nghi thức lại gần giống như là quan viên nhậm chức vậy. Đầu tiên tổng quản thái giám tuyên đọc thánh chỉ của Hoàng thượng, tờ thánh chỉ này là do Dương Đình Hoà thảo ra, Chính Đức chỉ việc đóng kim ấn lên mà thôi. Có điều vị đại học sĩ làm văn hộ người khác này lại không lộ diện. Mặc dù lão không giấu giếm việc mình đến Đại Đồng, nhưng kẻ biết tin cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, vì lẽ đó nên lão tránh mặt ở hậu điện.

Hoàng thượng cũng đã đến Đại Đồng, trừ phi ngài tự nguyện trở về, bằng không sẽ không thể trói gô ngài lôi về được. Dương Lăng không chịu phối hợp nên lão cũng không còn cách nào khác đành ngồi trong hậu điện khổ sở suy nghĩ mãi. Dương Đình Hoà vẫn chưa nghĩ ra được phương cách gì thì đã nghe trên điện Ngân An tấu lên tiếng nhạc cung đình hân hoan, lão chỉ biết lắc đầu cười khổ.

Cử xong đại lễ nạp phi rườm rà, bái lạy Vương gia và Vương phi xong, được sự gợi ý của vương gia, tân nương chậm rãi đi đến, tay ôm tước ngọc(*), kính rượu hai vị khâm sai. Tuy đối với vương gia, phẩm hàm của bọn họ không tính là cao nhưng họ đã cầm thẻ bài phụng chỉ tuần biên thì vương gia cũng không thể thất lễ trước mặt hai người này. Cũng không phải là Đại vương kính trọng bọn họ, mà là cung kính Hoàng đế sau lưng bọn họ mà thôi. (*: chén uống rượu ba chân bằng ngọc)

Trắc vương phi tên là Trác Đình, dáng người thon gầy, vận áo dài đỏ, khăn quàng vai, đầu đội mũ phượng, rèm châu đong đưa trước khuôn mặt xinh xắn nhưng lại không đeo khăn trùm mặt. Dáng người cô nàng mềm mại lả lướt, tuổi tuy chỉ mười sáu mười bảy song lại chất chứa muôn vẻ phong tình, có đủ ý vị, trông thanh nhã thoát tục, tự nhiên trang nhã, dịu dàng thanh tú, rất khác với con gái trong đất liền. Khó trách Đại vương lại ưu ái cô nàng như vậy, đã bỏ công xin chỉ ban cho nàng ta danh phận trắc phi.

Trắc vương phi kính rượu khâm sai xong, lại nhận rượu kính của quan viên văn võ, rồi dìu vương phi nương nương trở về hậu điện. Tiệc rượu được bày ra, các quan viên bắt đầu ăn uống linh đình, lúc này không khí mới trở nên sôi nổi.

Hai vị tuần phủ Hồ Toản và Uông Dĩ Hiếu nâng chén kính rượu Đại vương gia, xong lại sánh vai đến bàn của Dương Nhất Thanh, Dương Lăng và Trương Vĩnh, tươi cười nói:

- Chưa hết tháng giêng mà hai vị khâm sai đại nhân đã phải đi xa đến Đại Đồng thay vua tuần thú, tuy vất vả nhưng công lao to lớn. Dương tổng chế đích thân ra trận, dụng binh như thần, khiến cho đầu lĩnh quân giặc là Bá Nhan liên tiếp thất bại. Trăm họ Tuyên Phủ Đại Đồng có thể được bình yên đều nhờ các tướng sĩ quên mình phục vụ. Quan viên địa phương chúng ta đáng nên kính các vị đại nhân một chén, tỏ chút lòng ngưỡng mộ vậy, nhé? Ha ha ha...

Các quan viên nghe vậy liền đồng loạt nâng chén ủng hộ:

- Đúng thế! Đúng thế! Chúng tôi kính hai vị khâm sai, kính Dương tổng chế, mời ba vị đại nhân uống cạn chén này.

Dương Nhất Thanh mặt mày rạng rỡ cười đáp:

- Nào dám nào dám! Nói đến việc Dương mỗ phụng mệnh trấn thủ tam quan thì từ nay về sau cũng sẽ là tướng thủ Đại Đồng, là thuộc hạ của Đại vương thiên tuế, đáng nên cùng các vị đại nhân kính hai vị khâm sai, chúc Hoàng thượng chúng ta thiên thu vạn tuế, vận nước thiên hạ Đại Minh được hưng thịnh.

Hồ Toản và Uông Dĩ Hiếu đều mỉm cười, như thể hoàn toàn không có can hệ gì với mấy kẻ hồi nãy xúm lại đánh Dương Lăng và Trương Vĩnh ở hậu điện vậy. Dương Lăng và Trương Vĩnh đưa mắt nhìn nhau cười khổ một tiếng, liền cũng vội trương bộ mặt cười vờ vịt, nâng chén đáp lại.

Quan viên văn võ kính rượu vương gia xong thì phải kính rượu hai vị khâm sai và ba vị văn võ biên quan có phẩm hàm cao nhất. Loại thù tạc quan trường này tuy nhàm chán, nhưng là chuyện nể mặt nể mũi, vì vậy hai người Dương Lăng cũng chỉ có thể tươi cười mà bồi tiếp.

Qua ba tuần rượu, một vị thái giám vương phủ lặng lẽ đi vào ghé tai nói mấy câu với Đại vương. Đại vương gật đầu, tên thái giám đó liền đi về phía Dương Lăng, ghé tai nói nhỏ:

- Khâm sai đại nhân, thống lĩnh thị vệ của ngài có chuyện quan trọng muốn bẩm.

Dương Lăng hơi ngẩn người. Tuy đội nghi trượng thị vệ y mang theo gồm ba trăm người, song được vào vương phủ lại chỉ có mười hai, ở đâu ra thống lĩnh thị vệ? Nếu có thể ra lệnh cho đám đại nội thị vệ này như thế thì cũng chỉ có thể chính là hoàng đế Chính Đức mà thôi. Y bèn đứng dậy cáo lỗi với vương gia rồi vội vã bước ra ngoài.

Đám người Đại vương tuy biết Chính Đức đang ở trong quân, nhưng có nghĩ tét đầu cũng không tưởng tượng ra Chính Đức đường đường là thiên tử sẽ lại cải trang thành thị vệ theo hầu Dương Lăng đi dự tiệc, hơn nữa còn ở một mình chung với đám hạ nhân, tạp dịch, gia bộc và thân binh ở ngoại điện nữa.

Cho dù là Hồ Toản từng tận mắt gặp Chính Đức vận trang phục thị vệ thì cũng chỉ nghĩ đó là trang phục nhằm che tai mắt trên đường. Lão không tin hoàng đế Chính Đức là con rồng cháu phượng hậu duệ của thiên hoàng sẽ cứ mặc đồ sĩ tốt thấp hèn mãi, càng không ngờ Dương Lăng dám đại nghịch bất đạo đẩy Hoàng thượng xuống địa vị thấp như vậy, cho nên mấy người bọn họ không chút nghi ngờ.

Dương Lăng đi cùng tên thái giám đó ra khỏi điện Ngân An, qua hàng loạt cánh cổng cùng hàng hàng lớp lớp căn nhà mới đến ngoài cổng Thừa Vận. Quả nhiên y trông thấy Chính Đức đang cùng hai tay thị vệ đứng trước cổng, hai mắt sáng ngời, mặt mày đỏ au, chừng như đã uống rất nhiều rượu.

Dương Lăng mỉm cười khách sáo với viên thái giám nọ, nói khéo:

- Đã làm phiền công công rồi! Còn xin công công đợi tạm ở chỗ này, bản quan ra ngoài một chốc.

Dương Lăng ra khỏi cổng điện, vòng ra sau cây cột cạnh cổng. Chính Đức liền nắm lấy tay y lắc lấy lắc để, giọng run rẩy vì hào hứng:

- Dương thị độc, trẫm không mơ, trẫm đã gặp được nàng ấy rồi. Ha ha ha, trẫm thật vui.

Dương Lăng thấy mặt hắn đỏ au lại nói chuyện không đầu không đuôi, liền vội đảo mắt nhìn quanh, thấy không ai chú ý mới ngạc nhiên hỏi:


- Hoàng thượng đã uống say rồi à? Ngài đã gặp được ai mà vui như vậy?

Chính Đức mặt mày hớn hở, cười toe toét nói:

- Đường Nhất Tiên! Trẫm đã gặp lại Đường Nhất Tiên! Nàng ấy đang ở trong vương phủ. "Vào cửa vương hầu sâu tựa biển", khó trách thám tử của khanh tìm khắp nơi đều không thấy nàng ấy.

Dương Lăng thoáng sững người, rồi cũng thoắt trở nên phấn chấn, giọng run rẩy:

- Đường Nhất Tiên? Cô ấy chưa chết sao? Cô ấy còn sống?

Dương Lăng nắm chặt tay Chính Đức, chợt nhắm mắt ngửa mặt lên trời, sau một hồi mới thở ra một hơi thật dài, giọng kích động:

- Cảm ơn trời đất! Cô ấy bình yên vô sự thì tốt rồi. Cô ấy đang ở đâu?

Dương Lăng vừa nói vừa đưa mắt tìm quanh. Ngày đó quen biết với Tô Tam, Đường Nhất Tiên và Tuyết Lý Mai ở Thì Hoa quán, chính nhờ vào mối quan hệ của Đường Nhất Tiên mà Mã Vĩnh Thành mới đem bạc tới để y chuộc thân cho ba vị cô nương, nhờ vậy mà Tô Tam và Tuyết Lý Mai mới trở thành ái thiếp nghĩa nặng tình thâm với y.

Mà vị tiểu cô nương Đường Nhất Tiên vì giúp y bảo vệ cuốn sổ làm bằng chứng phạm tội của Bào tham tướng lại bị người ta đánh ngã xuống vách núi, sống chết không rõ, khiến y vẫn cảm thấy hổ thẹn khôn thôi.

Đường Nhất Tiên chịu cảnh tai bay vạ gió đều do y mà ra. Trong khi ân nhân thật sự cứu vớt Đường Nhất Tiên ra khỏi chốn trăng hoa ấy lại là Chính Đức, còn bản thân y chưa hề bỏ ra công sức hay ơn huệ gì; ngược lại còn nhờ nàng hy sinh tính mạng mới bảo vệ được cuốn sổ ấy, nhờ có chứng cứ hùng hồn đó mà y đã lật đổ được Bào tham tướng, nhờ vào quan hệ của nàng ấy mà y mới có cơ duyên cưới được hai người con gái tư dung xinh đẹp, tính tình dễ thương là Tô Tam và Tuyết Lý Mai. Vì vậy mỗi lần nhớ tới cảnh ngộ bất hạnh của nàng, trong lòng Dương Lăng đều nặng như đeo đá, giờ nghe nói nàng không có chuyện gì, có thể tưởng tượng là y vui sướng lẫn kinh ngạc biết dường nào.

Chính Đức vội lo lắng bảo:

- Nói nhỏ chút đi! Nàng ấy đi gặp cha mẹ nuôi của mình rồi, chốc nữa dự xong tiệc khanh hãy đón nàng ấy về như thế nào? Nhưng mà... nàng ấy đã mắc phải chứng mất hồn rồi, có lẽ do lúc ngã từ trên vách núi xuống bị va đập, đã hoàn toàn quên hết những chuyện trước kia rồi.

Dương Lăng nghe vậy thì ngẩn người ra, cảm thấy hơi buồn. Y ngơ ngác hỏi:

- Mất... hồn? Mất trí nhớ sao? Sao lại như vậy được? Không còn nhớ bất cứ thứ gì ư? Vậy thần sẽ dẫn cô ấy về thế nào đây, mà cô ấy chịu tin lời Hoàng thượng à?

Chính Đức vò đầu cười gượng đáp:

- Việc đó... nàng ấy không tin trẫm lắm, còn nghĩ rằng trẫm là tên bịp. Đùi trẫm bị ăn một gậy chắc là bầm cả rồi.

Có điều nàng ấy không tin lời của một hiệu úy cỏn con như trẫm song lại không có lý do gì mà không tin lời của kẻ đường đường là Dương đại tướng quân, cho nên trẫm mới nói với nàng ấy rằng nàng là biểu muội của khanh, cha mẹ mất cả, từ nhỏ đã ở cùng với khanh. Chốc nữa gặp nàng ấy khanh vạn lần chớ nói toạc ra đấy. Đường cô nương đã quên những chuyện trước đây, trẫm... không muốn để nàng biết những quá khứ không vui đó.

Nói đến đoạn cuối sắc mặt Chính Đức trở nên hết sức chân thành, hết sức nghiêm túc, trong mắt có thứ gì đó sáng long lanh. Dương Lăng khẽ gật đầu rồi chợt vỗ nhẹ vai Chính Đức, tuy y không nói gì song khoé môi lại nở một nụ cười thấu hiểu.

Trên mái hiên nhà, gió thổi tuyết rơi, tuyết vẩy lên cổ nghe lành lạnh, hai người bọn họ lại cảm thấy ấm áp trong lòng. Nếu đám quan văn trong triều trông thấy cử chỉ kích động gần như vượt quá khuôn phép của Dương Lăng, chắc chắn sẽ khó tránh lại giống như lần trước Vương Quỳnh trông thấy Dương Lăng ngồi cùng với vua mà nổi cơn thịnh nộ. Nhưng Chính Đức lại chẳng hề để ý đến chuyện này, hắn đọc hiểu được vẻ tán thành và cảm kích trong mắt Dương Lăng, trong lòng không khỏi cảm thấy vui vẻ và sảng khoái vô cùng.

*****

- Biểu... biểu ca!

Đột nhiên có thêm một biểu ca vừa xa lạ vừa anh tuấn, Đường Nhất Tiên gọi mà vẫn có chút chưa quen, nên ngượng ngùng cùng bẽn lẽn, gò má cũng hơi ửng hồng.

- Sao? - Dương Lăng gò ngựa chậm lại, ngoái đầu nhìn Đường Nhất Tiên đang ngồi trong kiệu xe, mỉm cười dịu dàng - Có chuyện gì?

- Biểu ca, nhà chúng ta có lớn không? Biểu tẩu... có thích muội vào ở hay không?


Đường Nhất Tiên nhíu đôi mày xinh xắn lo lắng hỏi.

Dương Lăng cảm thấy buồn cười, song thấy Chính Đức đang đi cạnh y mỉm cười đưa mắt âu yếm nhìn Đường Nhất Tiên, y bèn đáp:

- Yên tâm đi! Biểu tẩu của muội rất tốt, hơn nữa... trước khi xảy ra chuyện cũng đã rất hoà thuận với muội rồi. Chừng gặp lại muội, không biết ba vị biểu tẩu của muội sẽ vui biết chừng nào đây?

- Oa! Ba vị biểu tẩu cơ à? - Đường Nhất Tiên giật mình lè lưỡi, cười dí dỏm - Biểu ca thật là lợi hại, ba vị chị dâu nhất định đều là đại mỹ nhân trong kinh sư phải không? Muội không nhớ nổi biểu ca, cũng không nhớ được các chị ấy, kinh sư có hình dáng thế nào muội cũng chẳng có ấn tượng gì cả.

Nàng tựa cằm vào cửa sổ xe ngẩn ngơ đưa mắt nhìn người đi đường trên phố, chợt hỏi:

- Biểu ca, cha mẹ ở đời ở kiếp tại nơi này, không nỡ rời xa thân bằng lão hữu, không muốn dọn đến kinh thành. Mấy ngày này... muội vẫn muốn thường xuyên đến thăm hai vị, có được không?

Chính Đức thấy nàng rụt rè xin ý kiến Dương Lăng, trong lòng rất đỗi lấy làm thương xót, liền thúc ngựa đến gần xe ngựa, vỗ ngực cao giọng cam đoan:

- Tiên Nhi cô nương, cô không cần lo lắng! Cô muốn về vương phủ, chỉ cần báo một tiếng, ta... thuộc hạ bảo hộ cô trở về là xong!

Đường Nhất Tiên lườm hắn, mắng:

- Không nói thì cũng không ai bảo ngươi câm đâu, chẳng biết cái gì cả! Nếu ta mà là biểu ca thì sẽ chẳng bao giờ cho ngươi làm thân binh, lo biết điều mà đi quét sân giữ cổng cho ta đi! Vương phủ là chỗ ngươi muốn vào thì vào à? Cho dù biểu ca là khâm sai cũng phải xin phép vương gia mới được, người ta lo là sẽ mang đến phiền phức cho biểu ca thôi.

Bị Đường Nhất Tiên mắng cho một trận trước mặt người khác, xương cốt Chính Đức tức thì nhẹ tênh, mặt mày hớn ha hớn hở như thể rất có tiềm chất khổ dâm!

Thấy Hoàng đế lão gia hứng chịu sỉ vả một cách sung sướng như vậy, bọn đại nội thị vệ liền tự giác vứt bỏ sứ mạng "bảo vệ an nguy cho Hoàng thượng, che chở tôn nghiêm của Thiên tử" sang một bên, rồi cứ thực hiện theo đúng nguyên tắc "không nhìn điều sai, không nghe lời tầm bậy"(1), ai nấy cắm đầu đi nhanh, vờ như không thấy.

*****

Đường Nhất Tiên được thu xếp trọ ở nhà trên (phòng thượng hạng) của dịch quán. Thu xếp thoả đáng cho nàng xong, Dương Lăng lại chạy về thư phòng soạn một bức thư sai người đưa về kinh thành, một là để báo sớm cho bọn Ngọc Nhi cái tin mừng này, hai là để các cô chuẩn bị trước, tiện bề đón tiếp tiểu biểu muội về kinh.

Dương Đình Hoà bí mật đến gặp Chính Đức. Lão là thầy coi việc giảng sách cho Hoàng thượng nên vẫn được Chính Đức kính trọng vài phần. Hay tin lão đến, sợ rằng sẽ bị lão khuyên bảo mình trở về kinh thành, hắn bèn vội lôi hai ông thần giữ cửa(2) của mình là Dương Lăng và Trương Vĩnh đứng sau lưng để thêm phần can đảm, rồi mới cho vời Dương Đình Hoà vào.

Dương Đình Hoa quen quan sát thời cơ, cân nhắc tình thế, tuy dám ra tay đánh đập Dương Lăng và Trương Vĩnh vì tội xúi giục Hoàng đế rời kinh, nhưng khi đối diện với Hoàng đế thì lão lại ẩn nhẫn và bền chí hơn Lý Đông Dương vài phần. Khi đến trước cửa thư phòng, nhìn thấy trận thế được bày sẵn ở bên trong lão liền biết rõ quyết tâm của Hoàng đế, thế là lão không nói những câu chữ đã chuẩn bị sẵn nữa, tránh rước vạ vào thân.

Dương Đình Hoa thuật lại một lượt tình hình sau khi Chính Đức rời kinh: trong cung đã phong tỏa tin tức nghiêm ngặt, mọi thái giám và cung nữ biết chuyện đều nhận được nghiêm lệnh ai dám đồn xằng chuyện Hoàng đế cải trang xuất kinh sẽ lập tức bị xử tội chết, cho nên tin tức vẫn chưa bị loan truyền ra ngoài. Ngoại trừ Lục Bộ Cửu Khanh và tam đại học sĩ, văn võ cả triều đều nghĩ rằng Hoàng đế đã mắc bệnh, không thể lâm triều.

Thế nhưng Hoàng đế không lâm triều xử lí chính vụ liên tiếp mười mấy ngày thì nào phải là chuyện đùa. Hoàng đế là vua một nước, thể chế triều đình không phải là chuyện giỡn chơi, mấy ý tưởng hoang đường như tìm người giả mạo hoặc nói dối rằng tấu chương Đại học sĩ phê duyệt là của Hoàng đế phê duyệt đều không thể dùng được.

Cho nên trong mắt bá quan, chắc chắn Hoàng đế đã mắc bệnh nặng đến nỗi không thể phê duyệt tấu chương; chỉ cần suy đoán bệnh tình Hoàng đế nghiêm trọng thế nào cũng đã đủ khiến lòng người hoảng sợ, dù là ba đại học sĩ cũng không cách nào ứng phó nổi việc ấy. Lúc tường thuật việc này với Chính Đức, Dương Đình Hoà không khỏi lộ vẻ khổ sở.

Chính Đức nhíu mày suy nghĩ một chút rồi phán:

- Nếu đã như vậy, khanh hãy chọn những tấu chương quan trọng nhất, hằng ngày đưa khoái mã chuyển đến cho trẫm, trẫm xem và phê duyệt xong sẽ lại chuyển về kinh. Về đối ngoại thì cứ bảo trẫm đang khỏi dần, có điều vẫn chưa thể ra nắng gió nên chưa thể lâm triều, thiết nghĩ có thể ổn định lòng dân một chút vậy.

Dương Đình Hoà thở dài bảo:

- Kế này... cũng chỉ đành vậy!


Lão buồn lòng lo lắng đứng dậy tâu tiếp:

- Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và Hoàng hậu nương nương rất mong nhớ Hoàng thượng, Lục Bộ Cửu Khanh cũng đang ngóng tin ngài! Nếu như Hoàng thượng đã quyết chí ở lại Đại Đồng, thần cũng không dám trì hoãn thêm nữa, xin phép trở về kinh sư báo tin ngay vậy.

Thi lễ với Chính Đức xong, lão lại liếc sang Dương Lăng, nghiêm nghị bảo:

- Dương đại nhân! An nguy của Hoàng thượng và an nguy của Đại Minh đều giao cho ngài đó, mong đại nhân vạn lần để ý cẩn thận, nhất định phải bảo vệ Hoàng thượng chu toàn.

Dương Lăng trịnh trọng đáp:

- Đại nhân yên tâm, hạ quan biết cân nhắc nặng nhẹ, tuyệt sẽ không lơ là.

Dương Đình Hoà gật đầu, lại thở một tiếng rõ dài rồi mới chán nản lui ra.

Lại qua hai ngày, hằng ngày khi Chính Đức không có việc gì làm thì lại chạy đến cửa phòng Đường đại tiểu thư làm thân binh, cùng nàng đánh quay trong sân, lại rủ thêm hai đứa nha hoàn chuyên hầu hạ tiểu mỹ nhân họ Đường cùng chơi mã điếu(3), vừa giúp Đường Nhất Tiên giải sầu vừa thỏa tâm nguyện mình.

Mã điếu đã tồn tại từ lâu, nghe nói từ thời Hán-Đường đã có, từ triều đình đến dân chúng, bất luận vương hầu công khanh, danh sĩ tài tử, thục nữ nổi danh hay con buôn bình dân đều rất thích trò này, thậm chí nhiều tăng ni cũng rất thích chơi.

Mã điếu giống như mạt chược thời hiện đại, lúc rảnh rỗi Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và đám phi tần cũng rất thích chơi trò này, thi thoảng Chính Đức cũng chơi cùng. Hắn vốn thông minh nên chỉ cần học một chút là hiểu rõ.

Đường Nhất Tiên và hai nha hoàn nọ nào phải đối thủ của hắn, dần dần số bạc tiêu vặt mà Dương Lăng đưa cho Đường Nhất Tiên và số trang sức rẻ tiền của hai tiểu nha hoàn đó đều bị hắn ăn hết một đống. Chính Đức vui khôn kể xiết, cất giữ cái đống phế phẩm đó như của báu, mặc kệ hai tiểu nha hoàn đó đá mắt nheo mày thế nào, vị “lính ca ca” anh tuấn cũng không trả lại cho bọn họ.

Thân phận của hắn là thị vệ của Dương Lăng, song Đường Nhất Tiên không phải là loại người mê luyến quyền quý, không vì hắn có thân phận thấp hèn mà không thèm kết giao. Mặc dù nàng vẫn mắng nhiếc hắn như cũ nhưng ngữ khí đa phần lại khá thân thiết.

*****

Chiều hôm đó, một kỵ mã vội vã phi ngựa từ xa đến dịch quán, đến trước cổng thì nhảy xuống ngựa. Bình thường dịch quán chỉ có hai tay dịch tốt canh gác, nay bề ngoài thì có hai vị khâm sai, nhưng thực sự lại có thêm một Hoàng thượng, cho nên đám dịch tốt canh phòng đã được thay bởi đám thân quân của Dương Lăng, cả dịch quán được bảo vệ kín như bưng, hệt như một doanh trại vậy.

Người nọ đi đến trước cổng, rút trong người ra tấm ngân bài chứng minh thân phận Nội xưởng. Phiên tử gác cổng kiểm tra cẩn thận xong liền có một phiên tử khác dẫn hắn đi vào trong sân. Trên một quán rượu nhỏ treo một lá cờ cũ rách nằm đối diện với dịch quán, một vị tửu khách vụt ngẩng đầu khi thấy ngựa phóng đến trước cổng dịch quán, ánh mắt sắc bén lướt nhìn về phía kẻ mới đến.

Vị tửu khách này vận áo da chó ngắn, quần ấm ống suông, đầu đội một chiếc mũ lông sói màu nâu, dưới vành mũ rậm là một đôi mày kiếm toát lên vẻ khí khái hào hùng, không ngờ lại là một chàng trai vô cùng tuấn tú.

Lúc vào cổng dịch quán người cưỡi ngựa nọ thoáng nhìn quanh, người tửu khách thấy được một bên mặt của hắn thì không khỏi hơi giật mình, thầm nghĩ: "Ngũ Hán Siêu? Hừ, ‘học được một thân văn võ, bán mạng cho bậc đế vương,’ quả nhiên hắn đã nương nhờ Dương Lăng. Với võ công của hắn đáng ra phải là thị vệ cận thân cho Dương Lăng mới phải, nhưng trông bước chân ngựa mệt mỏi như vậy, hẳn là hắn vừa mới vượt đường dài tới đây. Dương Lăng không giữ hắn bên người, y đã phái hắn đi làm gì?"

"Chàng trai tuấn tú" nọ trầm tư một chốc, trong lòng mang máng cảm thấy dường như Dương Lăng sắp có hành động gì đó, trong mắt không khỏi loé lên vẻ hào hứng, ngay sau đó lại biến thành vẻ mù mờ.

"Hắn" đưa mắt nhìn quanh, cặt mắt trong veo lướt qua tốp người đang tụm năm tụm ba trên phố: "Nếu Di Lặc giáo tìm cách ra tay với Hoàng đế, nhất định sẽ giám sát dịch quán nghiêm ngặt. Nhưng bọn chúng đang ở đâu?

Còn tên khốn Dương Hổ đó nữa! Từ ngày mình bực tức bỏ đi, cũng không biết hắn và Ngũ thúc đã đi đâu rồi, chỉ mong bọn họ lạ nước lạ cái mà đừng lỗ mãng định ra tay với Dương Lăng. Nhìn tình hình dịch quán như vậy, bên trong hẳn có trọng binh bảo vệ, nguy cơ trùng trùng. Dương Lăng đi đâu một tí là có vài trăm cao thủ bảo vệ, muốn động thủ với y thì khác nào đưa dê vào miệng cọp?”

"Chậc!" "Chàng trai anh tuấn" khẽ thở dài, hàng mày hơi nhíu lại, thực có phần duyên dáng như con gái.

* * *

- Được! Rốt cuộc cũng đã đến rồi, Hoàng thượng nghe tin nhất định cũng sẽ rất vui!

Dương Lăng phấn khởi nói. Thấy Ngũ Hán Siêu mặt đầy vẻ phong sương, y liền bảo:

- Mau đi rửa ráy, ăn uống một tí rồi nghỉ ngơi đi! Tối nay bản quan sẽ lại bàn kỹ với ngươi.

Vốn Đoá Nhan Tam Vệ yêu cầu kết minh cùng Hoàng đế triều đình nhà Minh với một thái độ có cũng được không có cũng chẳng sao, do bọn họ cũng cho rằng Hoàng đế Đại Minh sẽ không hạ thấp dịa vị mà chạy tới gặp mặt bọn họ.

Bọn họ biết triều đình người Hán coi trọng nhất là mặt mũi và thích tiếm lợi kẻ khác, nhưng triều đình nhà Minh lại thà giữ thanh danh chứ không cần ích lợi, ngay cả khi thông thương với nước khác cũng đều đòi đối phương phải dùng phương thức triều cống của nước lệ thuộc mà tiến hành. Hoàng đế Đại Minh sẽ vì một thế lực còn chưa đáng được gọi là "quốc gia" như Đoá Nhan Tam Vệ mà từ bỏ tư thế cao ngạo của hắn ư?

Ai ngờ vị thiên tử của nước lớn phương đông này lại đến thật, khiến Hoa Đáng và các thủ lĩnh bộ lạc vừa thấy bất ngờ lại vừa mừng vừa lo. Hoa Đáng lập tức tuyển chọn bốn nghìn thiết kỵ, đi tối ngủ ngày, bí mật xuất phát tiến về phía Đại Đồng.


Trương Vĩnh nhìn theo Ngũ Hán Siêu lui ra ngoài, chợt cũng trở nên lo lắng. Lão nói với Dương Lăng:

- Dương đại nhân! Hoa Đáng đã đến thật rồi, nếu Bá Nhan mà biết tin ắt sẽ gây bất lợi cho Hoàng thượng. Chúng ta... chúng ta thật sự phải gặp mặt bọn chúng sao?

Dương Lăng cũng hơi lo, nhưng nếu y để lộ ra sự do dự và lo lắng há chẳng khiến kẻ khác càng thêm sợ hãi? Thế là y bèn đè nén sự hồi hộp lo âu trong lòng lại rồi gật đầu đáp:

- Phải gặp! Phóng lao phải theo lao thôi! Nếu lúc này mà lùi bước, chẳng những chúng ta sẽ bị người Mông Cổ chê cười mà nghìn đời sau cả ông, tôi lẫn Hoàng đế đều sẽ trở thành người bị người ta nhạo báng đó!

Đoạn y đứng dậy, tản bộ trong phòng mấy bước, rồi nói:

- Hoa Đáng chỉ mang theo bốn nghìn nhân mã. Số lượng người này nếu nói ít thì không ít, nhưng một khi tản vào trong đại mạc thảo nguyên sẽ như muối bỏ biển, không thấy bóng dáng đâu nữa. Huống hồ thám mã của Bá Nhan chỉ để ý đến hướng đi của quân đội Đại Minh ta, không lý do gì mà bố trí thám mã ở tại hậu phương của mình, vì vậy chưa hẳn là sẽ phát hiện.

Dương Lăng bước tới bàn, cầm lấy ấm trà rót cho Trương Vĩnh và chính mình mỗi người một chén trà nóng, rồi nói tiếp:

- Đoá Nhan Tam Vệ cũng thường đến biên giới cướp bóc, cho dù Bá Nhan có biết tin bọn chúng di chuyển về biên giới cũng sẽ tưởng rằng bọn chúng thừa dịp mà đánh cướp. Người Thát Đát không thể biết được tin tức Hoàng đế rời kinh sư đi đến Đại Đồng đâu.

Nói đến đây Dương Lăng chợt nhớ đến lời mà người con gái cưỡi ngựa có bóng hình xinh đẹp rực đỏ như lửa trong gió tuyết đã nói với y. Y thầm nghĩ: "Quái lạ, đến đây lâu như vậy sao vẫn chưa thấy Di Lặc giáo có động tĩnh gì? Là Hồng Nương Tử gạt mình, hay là Di Lặc giáo không biết Hoàng đế đến Đại Đồng, hay là đã biết nhưng chưa có cơ hội ra tay?"

Hiện tại vẫn chưa đến lúc Di Lặc giáo công khai tạo phản, nhất là Đại Đồng hiện giống như một doanh trại quân đội, ngoài thành là lính, trong thành cũng là lính. Cho dù Di Lặc giáo có vọng tưởng giết Hoàng đế cũng sẽ không có cơ hội động thủ ngay tại chốn này.

Nghĩ đến đây, Dương Lăng vứt bỏ mối uy hiếp không thể nào xảy ra giữa thiên quân vạn mã sang một bên rồi tiếp tục lo nghĩ về chiều hướng của Bá Nhan Khả Hãn. Hiện tại đại quân của hắn đang tấn công và cướp bóc vùng Hồ Quan, Bình Thuận, xem ra không hề hay biết gì về tin tức Hoàng đế đang ở Đại Đồng. Nhưng ngộ nhỡ có gian trá, đội thiết kỵ có thể phi về trong một ngày của hắn quả thực sẽ là uy hiếp lớn nhất.

Nghĩ vậy, Dương Lăng vỗ nhẹ tay, một tay phiên tử lặng lẽ bước vào. Dương Lăng nói:

- Đi, báo cho người của Nội xưởng tại bản địa tăng cường thu thập mọi tin tức, chú ý đến tất cả những kẻ khả nghi, khi có tin tức phải lập tức bẩm báo!

Phiên tử nọ dạ một tiếng rồi xoay người đi ra. Dương Lăng quay trở lại bàn, lấy giấy và nghiên mực ra, nói:

- Đại quân của Dương Nhất Thanh đóng gần trong gang tất, không cần vội báo tin cho y, đợi Hoa Đáng đến gần kề mới lại sẽ bảo Dương Nhất Thanh điều động quân đội. Bây giờ tôi sẽ soạn một bức mật thư, đóng kim ấn khâm sai, lệnh cho chỉ huy sứ Thái Nguyên đưa quân đến Đại Đồng làm quân dự bị. Sáng sớm ngày mai tôi sẽ đích thân mang người cải trang lên núi Bạch Đăng khảo sát địa hình, chuẩn bị trước.

Trương Vĩnh lo lắng hỏi:

- Cải trang? Đại nhân mang theo ít người rất có thể gặp phải nguy hiểm, hay là mang theo hai nghìn thiết kỵ vậy.

Dương Lăng lắc đầu cười bảo:

- Người biết địa điểm kết minh ít thôi. Nếu mang đại quân mấy nghìn người chạy lên Bạch Đăng sơn dạo xem phong cảnh, vậy chẳng phải nói cho kẻ khác biết khâm sai đến đây là có dụng ý sao? Yên tâm, nơi đó xưa nay yên tĩnh, lại ở gần thành, quân chủ lực của giặc Thát lại đã đi đến Bình Thuận. Việc tôi lên núi Bạch Đăng chỉ có tôi và ông biết, ai mà chờ sẵn ở đó chứ? Được vậy chẳng phải là thần tiên sống rồi à?

Ăn uống no nê trên lầu Bách Mị các xong, thương nhân buôn đồ ngọc Bao lục gia vừa xiêu vẹo bước xuống thang gác, vừa tươi cười ngâm nga một điệu hát dân gian. Hắn mới vừa bàn xong một vụ mua bán nữa, trong thời buổi binh mã loạn lạc thế này, làm được việc đó thực không dễ chút nào.

Gã xa phu người Mông Cổ kiêm bảo tiêu có dáng người khôi ngô, mặt mày chất phác tên A Man tận lực dìu một bên, giúp hắn khỏi va đụng với những tửu khách khác.

Ra đến hành lang ngoài cửa, tiểu nhị trông coi chuồng ngựa vội dắt xe ngựa của Bao lão gia lại. A Man cầm lấy dây cương, một tờ giấy được vo tròn cũng được bí mật chuyển vào trong tay gã. A Man thản nhiên dìu Bao lão gia lên xe, rèm xe vừa được buông xuống, xe ngựa liền phóng băng băng trên con phố lớn.

A Man lặng lẽ đặt mảnh giấy nhỏ lên đùi, giở ra xem. Bên trên chỉ có một hàng chữ nhỏ: " Lý Gia tập (*) dưới Bạch Đăng sơn có thóc gạo". Vẻ mặt thờ ơ, A Man vung roi quát: "Giá!", rồi vo tròn mảnh giấy, bỏ vào miệng, nhai kỹ nuốt đi.

(*) tập 集 ở đây là thôn trang không lớn lắm, nhưng buôn bán sầm uất, có tổ chức chợ phiên định kỳ.

Chú thích:

(1) Trích từ lời đáp của Khổng Tử khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân: PHI LỄ VẬT THỊ. PHI LỄ VẬT THÍNH. PHI LỄ VẬT NGÔN. PHI LỄ VẬT ĐỘNG. Nghĩa là: Cái gì không hợp lễ thì đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói, đừng hành động.

(2) Nguyên văn "Hanh Cáp nhị tướng", trỏ cặp thần giữ cửa miếu của đạo Phật; một người phun khí trắng từ mũi, một người phun khí vàng từ mồm.

(3) "Mã" trỏ thẻ ghi số đếm thời xưa; "điếu" trỏ xâu tiền, trỏ một thể loại đánh bạc giống mạt chược thịnh hành vào thời Minh.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui