Một thi thể bầy hầy máu thịt được lôi đến trước mặt Đới Nghĩa, Lý Đạc và Nghê Khiêm.
Đới Nghĩa tới gần quan sát kỹ một hồi, khi thấy cùm sắt, quần áo, hình dáng hoàn toàn không sai biệt, lão buột miệng cười lớn, nói:
- Các vị đại nhân! Tên Vương Cảnh Long này không chịu nổi lao dịch khổ sở, tính trốn khỏi Đế Lăng, không cẩn thận đã bị ngã xuống sơn cốc mà chết, không hề can hệ gì đến chúng ta. Nếu đám đại học sỹ có hỏi tới, vẫn mong các vị có thể làm chứng cho nhau.
Vương Cảnh Long tự tìm đến cái chết, Đới Nghĩa là người vui vẻ nhất. Vừa có thể tránh khỏi liên can, lại có thể lấy lòng xưởng đốc Nội xưởng sắp tân nhậm, sao có thể không vui chứ? Lý Đạc, Nghê Khiêm nghe xong gật đầu lia lịa. Song Dương Nhất Thanh lại đi quanh thi thể mấy vòng, mặt đầy vẻ nghi ngờ, khẽ lắc đầu nói:
- Không đúng! Các vị đại nhân, chuyện này hơi lạ.
Dương Nhất Thanh là người thân tín của Dương Lăng. Giờ đây Dương Lăng thăng chức như thuỷ triều dâng cao, không ai dám tiên đoán tiền đồ của Dương Nhất Thanh sẽ ra thế nào. Đới Nghĩa nào dám xem nhẹ gã, nghe vậy vội vàng khách khí hỏi:
- Dương hiệu úy có cao kiến gì?
Dương Nhất Thanh chỉ vào thây ma nói:
- Xin các vị đại nhân hãy nhìn xem! Mặc dù thi thể này dính đầy bùn đất, nhưng đều do lăn từ trên sườn dốc, bụi bặm cỏ dại trên quần áo lại không nhiều, hơn nữa trên mắt cá chân cũng không có dấu vết xây xước, trên người không có vết roi. Không lẽ Vương Cảnh Long chỉ té ngã mà mọi vết thương trên người đều mất sạch sao?
- A!
Một đốc công đang đứng cúi đầu khom lưng bên cạnh xác chết đột nhiên kêu lên một tiếng kinh ngạc, vội nói:
- Đúng rồi! Đúng rồi! Trước đây không lâu tên khốn này vừa mới ăn roi, trên cổ và vai đều có dấu roi.
Gã vừa nói vừa nhảy lại xé áo thi thể ra. Mọi người đều thấy rõ trên lưng và trên cổ tử thi, ngoại trừ những vết trầy xước do va chạm ra, những chỗ khác hoàn toàn không bị tổn thương gì.
Đới Nghĩa vừa kinh ngạc vừa giận dữ la lên:
- Thay mận đổi đào? Tên nhãi này đã trốn thoát rồi sao? Vậy thi thể này... trên núi nhất định đã có người giúp y trốn thoát. Thôi chết rồi, để khâm phạm này trốn thoát, ta phải quay về bẩm báo sao với Hoàng Thượng đây? Làm sao để Dương đại nhân biết đây? Giờ phải làm thế nào cho ổn đây?
Dương Nhất Thanh thoáng trầm ngâm suy nghĩ, rồi vội nói:
- Trừ chỗ vách núi đó ra, quanh Thái Lăng đều nằm dưới sự canh tuần, giam sát của quan binh Thần Cơ Doanh. Ti chức nhớ là giữa khoảng thời gian này nhân viên ra vào không nhiều. Đới công công, ti chức sẽ lập tức dẫn người truy đuổi trước. Xin công công điều tra bên trong Thái Lăng, không chừng tên thư sinh đó vẫn chưa kịp trốn đi.
Thị lang bộ Lễ Lý Đạc cười lạnh, nói:
- Giỏi cho Vương Quỳnh! Bản thân lão thì đã chạy đến Nam Kinh làm quan, cho dù Vương Cảnh Long có chạy trốn lão cũng sẽ không bị hiềm nghi. Tuy nhiên dám liều lĩnh bất chấp cái giá phải trả để cứu Vương Cảnh Long, ngoài lão thất phu đó ra thì còn ai nữa chứ? Đới công công, môn sinh bạn cũ của Vương Quỳnh ở trong kinh rất nhiều, đối với chuyện lão ta bị giáng chức đều có lòng bất mãn. Vương Cảnh Long trốn thoát, rất có thể hắn sẽ xuôi nam đến Kim Lăng, hoặc trốn đến chỗ huynh trưởng của hắn ở Chiết Giang. Vẫn còn một khả năng khác là... chính là to gan liều lĩnh đi đến nơi mà hắn không nên đến...
Đới Nghĩa giật mình, buột miệng thốt:
- Kinh sư?
Đoạn lão nghiến răng nói với Dương Nhất Thanh:
- Dương hiệu úy! Hãy nhanh chóng tra hỏi những kẻ khả nghi đã ra vào Đế Lăng hôm nay. Lý đại nhân! Nghê đại nhân! Làm phiền hai vị mang người kiểm tra tất cả quan binh thợ thuyền và các địa điểm trọng yếu của công trường có thể ẩu náu được.
Lão vẫy tay gọi một tiểu thái giám thân tín lại rồi dặn:
- Mau cầm lấy tấm thiệp của ta đến Đông xưởng một chuyến, mời Phạm công công sai người kiểm tra mọi con đường dẫn đến các giao lộ lớn nhỏ của Kim Lăng và Giang Chiết, cũng phải chiếu cố kỹ những nhân vật trong kinh có quan hệ mật thiết với Vương Quỳnh.
Kinh sư nằm dưới chân thiên tử. Đới Nghĩa tuy kiêu ngạo cũng không dám điều động kinh quân (quân đồn trú trong kinh - ND) và Ngũ Thành binh mã ty(1) lục soát khắp thành giống như thời Thọ Ninh hầu được vua Hoằng Trị sủng ái, nên lão chỉ điều động những bọn đầu sỏ mà Đông xưởng khống chế âm thầm gia tăng chú ý. Lão thoáng trầm ngâm rồi nói tiếp:
- Còn nữa! Báo với Dương đại nhân một tiếng, bảo y đề phòng cẩn thận.
...
Tám thiếu nữ, mỗi người thướt tha mỗi vẻ, khuôn mặt xinh xắn đỏ rực đang đứng trước mặt Dương Lăng. Phó sứ lễ đại hôn chỉ phụ trách chỉ điểm lễ tiết lúc hầu hạ Hoàng Đế, còn chuyện quan hệ nam nữ đã có nữ quan nội cung truyền thụ. Dương Lăng thở phào một hơi nhẹ nhõm, nếu không sợ rằng đến lúc đối diện với Chính Đức sẽ còn khó xử lắm đây.
Những âm thanh kẽo cà kẽo kẹt không ngừng của năm pho tượng Bồ Tát trong lầu Vũ Hoa như vẫn còn vọng lại bên tai y, hàm răng vẫn còn ê buốt. Dương Lăng cắn răng, nghiêm mặt nhìn thẳng vào một cây cột trạm trổ rồng uốn lượn trong điện rồi nói:
- Mỗi ngày bốn người vào hầu, hai lượt liên tục. Vào tẩm cung của Hoàng Thượng, phải nghiêm ngặt tuân thủ quy củ...
Dương Lăng càng nói càng cảm thấy không được thoải mái. Nếu biết ngoài việc làm người chủ trì cho nghi thức hôn lễ, phó sứ của thiên tử còn phải làm mấy trò này, y sớm đã mượn cớ xin khước từ rồi. Đâu đến nổi như hiện nay, cho dù y có nói thế nào cũng vẫn cảm thấy mình giống như là đại tổng quản của Kính Sự phòng (2) vậy.
Tám mỹ nữ mi thanh mục tú động lòng người đó tuy không nén được chút xấu hổ trên khuôn mặt khi nghe mấy chuyện nam nữ này, nhưng trong ánh mắt bọn họ lại là niềm thích thú và hưng phấn, thậm chí là... lửa dục!
Rõ ràng đây là những mỹ nhân yểu điệu, nhưng trong ánh mắt ấy của mỗi người lại bùng lên một ngọn lửa... một ngọn lửa dục vọng đủ để thiêu đốt đàn ông thành tro. Dương Lăng chỉ liếc một cái thì đã không khỏi rùng mình mấy lượt.
Một khi vào cung, những cung nữ này sẽ phải ở lại nơi đây cả đời, tận đến khi tiêu phí hết thanh xuân, rồi bị người ta quẳng vào trong giếng hỏa táng thành tro bụi. Cho dù gặp được Hoàng Đế có lòng hảo tâm thải những cung nữ lớn tuổi về quê, lúc đó bọn họ cũng đã quá ba mươi tuổi, còn có thể lấy ai được chứ?
Giờ đây may mắn được tạo điều kiện để hầu hạ Hoàng Đế, từ nay về sau bọn họ sẽ là nữ quan có thân phận, mặc dù không thể được phong làm phi, nhưng mỗi tháng có thể nhận được kha khá bổng lộc, không cần phải làm việc cực nhọc nữa. Có được cơ hội này, bọn họ thật sự đã thoát ly bể khổ, một bước lên trời rồi. Vả lại e rằng đây sẽ là cơ hội đầu tiên và là duy nhất trong đời bọn họ tiếp xúc với nam nhân, tuy vì ngại ngùng không dám biểu hiện ra, nhưng trong lòng sao không mừng điên lên được chứ?
Dương Lăng ngâm nga một cách vô vị:
- Sau khi tắm rửa, không được mặc lại y phục, công công kiểm tra xong sẽ lấy chăn gấm quấn các người lại, đưa vào tẩm cung Hoàng Đế. Các người nhớ kỹ, Hoàng Thượng nằm trên giường, chỉ để lộ hai chân ra ngoài. Sau khi công công lui ra khỏi phòng, các người phải từ bên phía “long trảo” (tay vua - ND) đưa ra mà chui vào chăn, sau đó cùng vua giao hợp. Không được nhầm vị trí.
Dương Lăng khịt mũi, đoạn nói tiếp:
- Công công sẽ chờ ở bên ngoài, khi đến giờ sẽ gọi các người, các người phải lập tức lui ra. Nếu như Hoàng Thượng giữ lại, cũng không thể quá hai lần gọi của công công. Nhớ kỹ, không được xoay lưng về phía Hoàng Thượng, phải bò ngược xuống giường...
Nói đến đây, Dương Lăng trộm nhìn những mỹ nữ thân thể dịu dàng xinh đẹp, mỗi người một vẻ trước mắt, không khỏi thầm lắc đầu: "Rốt cuộc thì làm Hoàng Đế có gì hay chứ? Ngay cả chuyện này cũng có người quản, lắm quy củ thối hoắm như thế! Hoàng Đế nằm trên giường như vậy, ngoài dục vọng với nữ nhân làm sao còn tự do để vuốt ve trò chuyện yêu đương nữa? Tiểu Chính Đức đáng thương, chỉ mong sao chú có thể thích ứng được với loại sinh hoạt này...
...
Lúc này Chính Đức đang hết sức cao hứng chỉ huy đám tiểu thái giám treo đèn màu do Ninh vương dâng trong các cung Khôn Ninh, Càn Thanh, và Ngự Hoa Viên. Còn ba ngày nữa là đại hôn, tuy bây giờ chưa được đốt pháo hoa nhưng y đã không thể chờ nữa mà cho treo đèn lồng lên luôn. Khi đêm đến, Chính Đức vẫn bồi hồi lưu luyến trong biển đèn lồng rực rỡ như ngân hà, không ngủ được vì cao hứng.
Hồng Lư Quan của bộ Lễ không ngừng lẽo đẽo theo sát bên Chính Đức không rời dù chỉ một khắc, hổn hển báo cáo với hoàng đế về tiến độ thu xếp các hạng mục, khiến y bực mình khoát tay bảo:
- Đừng nói mấy chuyện này với trẫm. Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và ba vị đại học sỹ đồng ý là được rồi.
- Dạ dạ dạ! thần tuân chỉ.
Hồng Lư Quan với mái tóc bạc phơ vội vã đáp lời, song vẫn đuổi theo sau mông y bẩm tiếp:
- Ngày đại hôn, lúc Hoàng Hậu nương nương và Hoàng Thượng giao bái thiên địa, tuyên lễ thành thân, phải có bốn vị Cáo Mệnh phu nhân bên cạnh phụ giúp. Phụng ý chỉ của Thái hoàng thái hậu và Thái hậu, thần đã tuyển chọn ra bốn vị nhất, nhị phẩm Cáo Mệnh phu nhân của Thành Quốc công, Phụ Quốc công, Thọ Ninh hầu và Lâm Hoài hầu, Hoàng Thượng có vừa ý không?
Chính Đức đang ngắm nghía một chiếc đèn lồng hình con cá có vảy bằng giấy dát vàng, nghe vậy bèn suy nghĩ một chút rồi nói:
- Bỏ phu nhân của Thọ Ninh hầu đi, thay bằng... Ừ, thay bằng phu nhân của Uy Vũ bá. Ha ha, đó là vị Cáo Mệnh phu nhân đầu tiên mà trẫm phong hiệu từ lúc đăng cơ đến nay đó.
Hồng Lư Quan lộ vẻ khó xử, lão bẩm:
- Hoàng Thượng! Bốn vị Cáo Mệnh phu nhân này đều là những người con đàn cháu đống, một năm gần đây đã chiếm được sự yêu mến của nương nương, sẽ phù hộ Hoàng Thượng có lắm con nhiều cháu. Còn phu nhân của Uy Vũ bá phẩm hàm đã thấp, lại không con nối dõi, hình như không thích hợp lắm. Vả lại Thọ Ninh hầu là đương kim quốc cữu, nếu thay phu nhân của quốc cữu đi, bên thái hậu sẽ...
Chính Đức cả giận nạt:
- Lúc trước nói tới những chuyện này, trẫm không để ý đến thì ngươi cứ muốn đến hỏi trẫm, giờ trẫm đã có quyết định, ngươi lại đưa ra một đống lý do để ngăn cản trẫm! Hừ! Có phải là ngươi đang đùa bỡn thiên tử không?
Hồng Lư Quan lật đật quỳ sụp xuống tâu:
- Thần không dám! Thần thật sự không dám, xin Hoàng Thượng bớt giận.
Hoàng đế Chính Đức cười nhạt:
- Sợ cái rắm ấy! Sắp đến đại hôn của trẫm rồi, nghĩa là trẫm đã sắp trưởng thành, các ngươi vẫn còn coi trẫm như con nít ư? Hừ, nghĩ là trẫm không nhìn ra à? Các ngươi làm ra vẻ như chuyện gì cũng phải thông qua sự đồng ý của trẫm, thật ra trong lòng sớm đã quyết định. Cứ tự cho là mình thông minh! Hừ! Ngươi không làm phiền trẫm, trẫm cũng lười chẳng để ý đến ngươi, nếu ngươi đã hỏi, thì trẫm sẽ ra quyết định. Phu nhân Uy Vũ bá phẩm hàm thấp hử? Thấp thì khâm phong làm nhất phẩm Cáo Mệnh đi! Nàng ấy không có con nối dõi hử? Được, câu này trẫm cũng gửi lại cho ngươi, chờ khi phu nhân Uy Vũ bá mang thai, trẫm sẽ xử ngươi tội khi quân!
Hồng Lư Quan mặt vàng như nghệ, dập đầu lia lịa:
- Dạ dạ dạ, thần sẽ theo ý Hoàng Thượng, nhưng mà những người này... Thái hoàng thái hậu và Thái hậu đã quyết định, nếu lại thay thì sợ rằng không thoả đáng. Chi bằng... chi bằng thần chọn lựa thêm một vị tam phẩm Cáo Mệnh phu nhân vào cung cùng với phu nhân của Uy Vũ bá, sửa “tứ Cáo Mệnh” thành “lục Cáo Mệnh”, Hoàng Thượng thấy sao ạ?
Lúc này Chính Đức mới đổi giận thành vui, liếc lão ta một cái rồi đắc ý nói:
- Coi như ngươi thông minh, đi truyền chỉ đi.
Hồng Lư Quan nghe xong như được đại xá. Đi mời mấy nữ khách quý cho Hoàng Thượng mà suýt nữa biến thành mời đầu mình rời khỏi cổ, lão nào còn dám lải nhải nữa. Lão liền vội bò dậy lủi nhanh như chớp về ty Lễ Giám, sai người đi truyền chỉ.
Gian nan vất vả mãi, Dương Lăng mới dặn dò hết mấy chục quy củ "lên giường cùng Hoàng Đế" cho tám cô cung nữ mỹ lệ đầy ắp xuân tình. Sau khi ra khỏi điện, y rút từ trong ngực ra một tờ giấy xem một lát. Bây giờ việc còn lại cần y làm chỉ là vào ba ngày sau sẽ đi nghênh đón một vị Hoàng Hậu và hai vị Hoàng Phi vào cung thôi.
Xem xong, bất giác Dương Lăng thở phào nhẹ nhõm. Mấy ngày nay có quá nhiều lễ nghi cần phải chuẩn bị, có lúc bận đến tận khuya, y đành phải ngủ đỡ trong triều phòng (3), đã hai ngày rồi chưa về nhà. Cuối cùng bây giờ cũng đã "đến hồi kết".
Y đi đến cung Càn Thanh trước. Khi nghe nói Hoàng Đế Chính Đức đang tự mình chỉ huy bố trí treo đèn trong Ngự Hoa viên, y bèn vội thừa cơ rời khỏi hoàng cung. Y cũng không ngồi kiệu mà chỉ cưỡi một thớt khoái mã, đem theo bốn thị vệ tùy thân chạy về Tây giao (vùng ngoại ô phía tây kinh thành).
Vừa vào trong phủ Uy Vũ bá, Dương Lăng đã thấy trong phủ giăng đèn kết hoa, khắp nơi tràn ngập không khí vui vẻ.
Lúc này đã qua hai mươi bảy ngày chịu tang (*) cho vua Hoằng Trị, trên xà ngang của tòa tam tiến viện(**) đều được đều được treo đèn đỏ, dọn dẹp rực rỡ hẳn lên. Khắp sân bươm bướm tung tăng bay lượn quanh những khóm hoa tươi, khiến người ta nhìn mà lòng khoan khoái. (*: nguyên văn là "tam cửu thủ hiếu kỳ", ba lần chín hai bảy ngày)
(**): xem video http://v.youku.com/v_show/id_XODIzNzQxNTY=.html)
Dương Lăng thấy vậy lấy làm kỳ lạ, hỏi lão quản gia đang bước tới nghênh đón:
- Cao quản gia! Vì sao đại hôn của Hoàng Thượng mà nhà chúng ta cũng phải bố trí như vậy? Mọi nơi cùng ăn mừng sao?
Cao quản gia bật cười đáp:
- Chắc lão gia ở trong cung bận rộn quá mà đã quên mất chuyện lớn của chính mình rồi? Sao người lại quên ngày đại hôn của Hoàng Thượng cũng chính là ngày vui của người chứ. Phải nói nha, đây chính là chuyện mừng do Hoàng Thượng ban thưởng. Tuy rằng nó không phải là ngày lão gia cưới đại phu nhân vào nhà, nhưng ngày cưới hai vị tiểu phu nhân vào nhà cũng không thể làm qua loa, cho nên phu nhân đã sớm cho thu xếp chuẩn bị cả rồi.
- À!
Dương Lăng chợt dừng bước. Hai ngày nay bận tối mày tối mặt, thật sự y đã quên mất chuyện của chính mình. Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai gả vào nhà ư? Sắp làm vợ mình rồi ư?
Dưới ánh dương tươi đẹp, lọt vào tầm mắt là một khu vườn rực rỡ, xộc vào mũi là những hương thơm dịu nhạt. Trong nhất thời trong lòng Dương Lăng ngổn ngang trăm mối cảm xúc, chợt nhớ lại tình huống lần đầu tao ngộ hai cô. Lúc đó mình chưa hề nảy sinh tình cảm gì với bọn họ, vốn chỉ là lữ khách tình cờ gặp nhau. Ai biết được thoắt một cái đã lại biến thành người đầu gối tay ấp bên nhau trọn đời.
Ngẩn ngơ, y dường như lại nhìn thấy Tuyết Lý Mai mặc chiếc áo lụa mỏng thêu hoa, váy dài xanh màu lá mạ oán hận từ trong Tú lầu bước ra, khuôn mặt xinh xắn đang đanh lại bắt bẻ Nghiêm Khoan. Còn có Ngọc Đường Xuân mang theo tiếng thở dài dằng dặc như tiếng sáo chợt xuất hiện trong lầu gác, y phục trắng như tuyết, mái tóc dài lượn quanh, khi chăm chú nhìn như một vầng trăng sáng.
Còn có... còn có... còn có Đường Nhất Tiên xinh xắn hoạt bát với giọng nói ngọt ngào ấy nữa...
Nghĩ đến Đường Nhất Tiên giờ đây chưa rõ sống chết, lòng Dương Lăng chợt trở nên u ám. Sau khi Đường Nhất Tiên mất tích, Cẩm Y vệ và quan phủ địa phương dưới sự nhờ vả của y quả thực đã ra công dốc sức tìm kiếm kỹ lưỡng, nhưng thuỷ chung vẫn không tìm thấy tung tích của nàng. Tuy trong lòng Dương Lăng đã có chín phần xác tín nàng vẫn chưa chết, nhưng... vì sao đến giờ nàng vẫn chưa hiện thân?
Dương Lăng lo lắng nhất chính là, mặc dù nàng đã được cứu, nhưng kẻ cứu nàng lại thấy nàng đẹp mà nổi lòng hưu dạ vượn, đem nàng giam cầm. Một người con gái yếu ớt cô độc lại không thể phản kháng, vậy sẽ có một kết cục gì? Mỗi khi nghĩ đến chuyện này trong lòng y lại hết sức bất an, cho nên y luôn cẩn thận né tránh không nghĩ đến nó. Nhưng hôm nay câu "cưới hai vị tiểu phu nhân vào nhà" đã lại chạm vào nỗi đau trong tim y.
Dương Lăng lặng lẽ khoát tay, một mình bước vào nhà trong. Bốn người Hàn Ấu Nương, Cao Văn Tâm cùng với vị đại tẩu Trương Thị kiệm lời đều đang cười nói trong phòng khách. Trên bàn bày ba bộ gấm bào rực rỡ và ba chiếc mũ trân châu có đính kim thoa ngọc bích đang khẽ rung rinh theo gió.
Vừa bước vào trông thấy vậy, Dương Lăng lấy làm lạ hỏi:
- Đây là gì vậy? Trang trí nhiều châu báu quá! Là trọng lễ của ai đưa đến thế?
Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai thấy y đã về, thẹn thùng yêu kiều kêu lên một tiếng, vội vàng chạy đến mỗi người ôm lấy một bộ gấm bào đỏ thẫm và mũ trân châu, đỏ mặt nhún người chào "Lão gia!" rồi bỏ chạy mất.
Cao Văn Tâm nén cười, hành lễ:
- Tiểu tỳ ra mắt lão gia. Hai bộ đồ khi nãy không phải của người ta tặng, mà là khăn choàng và mũ phượng. Có điều chúng đều là đồ phỏng chế, là... là của Tuyết Nhi cô nương và Ngọc Nhi cô nương chuẩn bị để mặc lúc xuất giá ạ.
Vào thời Thái Tổ, được Mã hoàng hậu ân điển, nhân dân trăm họ được phép phỏng chế khăn choàng và mũ phượng. Phụ nữ trời sinh đã thích đồ đẹp, giờ thấy khăn choàng và mũ phượng này, bọn họ quây lại cùng nhau sôi nổi tán chuyện một hồi, thậm chí còn đề cập đến một số chuyện trong khuê phòng cũng là điều bình thường. Khó trách sau khi thấy mình thì các nàng đã xấu hổ bỏ chạy.
Dương Lăng rờ mũi, có chút ngài ngại. Nhìn thấy trên bàn còn một bộ gấm bào, y không khỏi thất kinh hỏi:
- Sao vẫn còn một bộ? Bộ... bộ này lại là của ai đây?
Y vừa hỏi vừa không kiềm lòng nhìn sang Cao Văn Tâm.
Không dưới một lần Hàn Ấu Nương đã nhắc đến tình nghĩa Cao Văn Tâm đối với nhà họ Dương và thân thế đáng thương của nàng, thỉnh cầu tướng công đồng ý thực hiện lời hứa của nàng khi cùng bọn họ kết bái (lời hứa mọi người cùng ngồi chung thuyền Dương Lăng), nhưng mà y vẫn chưa ưng thuận. Lúc này nhìn thấy khăn choàng mũ phượng y còn tưởng Hàn Ấu Nương tự nghĩ tự làm, muốn gả luôn Cao Văn Tâm cho y.
Cao Văn Tâm là người con gái lanh lợi cỡ nào, bốn mắt vừa chạm liền lập tức hiểu ngay Dương Lăng đang nghĩ những gì, khuôn mặt nàng tức thì đỏ lên như quả táo chín, cả người cũng bắt đầu thấy mất tự nhiên.
Hàn Ấu Nương nhìn thấy vậy cũng không biết là hiểu hay không hiểu, chơp chớp mắt rồi cười duyên dáng nói:
- Bộ này là của thiếp mà! Nè, chàng xem, trên gấm bào của hai cô vừa rồi thêu phượng hoàng, còn bộ của thiếp là thêu chim công. Đây là bộ áo bào tam phẩm Cáo Mệnh mà Hoàng Thượng ban thưởng, tướng công lại nghĩ là của ai chứ?
Hàn Ấu Nương vừa nói lời này, Cao Văn Tâm càng ngượng không dám ngẩng đầu lên. Nàng đưa tay giật mép áo của Trương Thị, hỏi khẽ:
- Trương phu nhân! Có phải hai ngày nay ve kêu rền rĩ khiến cho người ngủ không được ngon không? Tiểu tỳ đi pha thuốc thanh thần dưỡng khí cho người dùng đây.
Là người từng trải, Trương Thị cũng nhìn ra bầu không khí nhuốm vẻ ám muội. Đương nhiên nàng ta không nói toạc ra là mình ăn rất tốt, ngủ rất ngon, bệnh gì cũng không có, liền vội đáp lời, theo Cao Văn Tâm rời khỏi.
Dương Lăng ngượng nghịu hỏi:
- Hoàng Thượng ban thưởng bộ quan phục này, không phải là nàng vẫn luôn tiếc không lấy ra mặc sao? Sao giờ lại lấy ra rồi...?
Hàn Ấu Nương hớn hở đáp:
- Tướng công vẫn chưa biết hay sao? Người trong cung đã đến truyền chỉ: Hoàng Thượng nói muốn Ấu Nương vào bầu bạn với Hoàng Hậu đó.
Nói rồi nàng ôm lấy tay Dương Lăng líu lo:
- Cuối cùng lần này Ấu Nương đã có thể kiến thức phong cảnh của hoàng cung rồi. Nơi ở của chân long thiên tử đó nha!
Nghe nàng nói vậy, Dương Lăng bật cười đáp:
- Vậy là quá tốt! Ngày đại hôn của Hoàng Đế, ta làm người chủ trì, nàng làm cô phù dâu, chỉ là không biết Hoàng Thượng có lì xì cho chúng ta phong bao thật dày không nhỉ, khà khà khà...
Ấu Nương không hiểu ý nghĩa của "người chủ trì" và "bao lì xì", còn tưởng đó là một trong những danh từ nghi lễ trong đại hôn của hoàng đế, nàng mỉm cười hỏi:
- Tướng công trở về sớm như vậy, chẳng lẽ hai ngày này có thể nhàn hạ rồi ư?
Dương Lăng vuốt chiếc mũi xinh xắn của nàng một cái, đáp:
- Thông minh đó! Hai ngày này tướng công sẽ không cần làm việc vất vả nữa, ngược lại Hoàng Thượng...,
Nghĩ đến tám vị nữ quan mỹ lệ đầy vẻ quyến rũ kèm với ánh mắt như muốn "ăn thịt" người ta đó, y không khỏi cười khổ nói tiếp:
- Ngược lại hai ngày này e là Hoàng Thượng sẽ phải chịu khổ rồi, cũng không biết ngài có vượt qua nổi hay không, hà hà...
Ngọc Đường Xuân ôm bộ đồ tân hôn của mình đỏ mặt chạy về khuê phòng. Tim nàng vẫn còn đang đập thình thịch. Thường ngày nàng chỉ mong sao được gặp lão gia nhiều hơn một chút, nhưng mắt thấy ngày bước vào nhà họ Dương càng lúc càng đến gần, nhi nữ hoài tình, ý nghĩ xấu hổ đó cũng càng lúc càng tăng.
Nàng thu xếp quan phục lại gọn gàng, chờ khuôn mặt bớt nóng, mới rón rén rời khỏi phòng sau. Vừa mới bước vào sảnh chính, đúng lúc Cao quản gia từ ngoài sảnh bước vào, vừa nhìn thấy nàng thì mừng ra mặt, thưa:
- Tô tiểu thư, cô đến thật đúng lúc quá! Đây là phong thư, lão nô đang muốn đưa cho cô đây.
- Thư? Có người đưa thư cho ta ư?
Ngọc Đường Xuân ngạc nhiên hỏi lại.
Lão quản gia cười hùa, đáp:
- Phải, ờ... là một người thân của tiểu thư đó.
Lấy làm lạ, Ngọc Đường Xuân hỏi:
- Người lão nói đâu rồi?
Lão quản gia cười đáp lời:
- Người đó đưa thư xong thì bỏ đi ngay, bảo là trong thư sẽ nói rõ, còn những thứ khác lão thật sự không biết.
Vừa nói lão vừa thầm nghĩ: “vị cô nương này đã sắp trở thành thiếp nhà Uy Vũ bá rồi, trong nhà đột nhiên lòi ra tên thân thích nghèo đến làm tiền, bị hạ nhân như mình biết được thì mất mặt biết dường nào chứ? Thôi thì mình cứ làm ra vẻ hồ đồ vậy.” Lão quản gia thông thạo sự đời, nói xong liền trao thư rồi kiếm cớ rời đi.
Kinh ngạc nhận lấy thư xong, thần sắc Ngọc Đường Xuân đầy vẻ mờ mịt. Người thân ư? Người thân của mình ở đâu ra?
Nàng ngập ngừng bước vào ngồi trong thư phòng của sảnh chính rồi mở phong thư trong tay ra. Chỉ vừa lướt mắt nhìn qua chữ ký dưới phong thư, nàng liền đứng bật dậy, cả người run lẩy bẩy như thể đang gặp phải một nỗi khiếp sợ dị thường.
Chu Ngạn Hưởng, Chu Ngạn Hưởng! Không ngờ người cha ruột của nàng lại từ trên trời rơi xuống xuất hiện trước mặt nàng, khúm núm ghi thẳng tên với con gái của chính mình. Cái tên này gắn liền với nỗi đau và nước mắt của nàng đã chôn vào đáy lòng quá lâu quá xa, giờ chợt xuất hiện khiến lòng nàng bị chấn động mạnh, đầu óc quay cuồng. Nàng vội vã vịn vào bàn, nước mắt không kiềm được đã rơi xuống từng dòng lã chã: "Tại sao là ông ta? Tại sao lại là ông ta? Ông ấy còn đến tìm mình để làm gì?"
Ngọc Đường Xuân cố ép mình phải quên, nhưng trước giờ nàng chưa bao giờ thật sự quên được, chưa quên được cái tên này, chưa quên được người cha ruột đã mang đến cho nàng thân tình và tình thương của người cha, vừa lại nhẫn tâm đẩy nàng vào nơi hố lửa, chưa quên được kẻ đọc sách nghèo khó vô lương, ăn uống chơi bời này.
Từ khoảng khắc nàng lưu lạc vào trốn phong trần ấy, nàng đã quyết định quên hết mọi thứ về con người đó, thậm chí quên cả cái tên gốc của chính mình, cái tên thật đẹp mà nàng đã không xứng đáng có: Chu Ngọc Khiết.
Ngọc Khiết, băng thanh ngọc khiết (ngọc ngà trong trắng - ND), người con gái lưu lại chốn phong trần còn xứng được gọi cái tên này sao? Nàng được gọi là Ngọc Đường Xuân, gọi là Tô Tâm, là Ngọc Tỷ Nhi. Giờ đây, khi nàng đã rửa sạch phấn son, chuẩn bị trọn đời trọn kiếp bầu bạn với lang quân của nàng, truy tìm hành phúc của chính mình thì tại sao ông ấy lại tìm đến cửa chứ?
Hai mắt đẫm lệ, Ngọc Đường Xuân cầm phong thư lên, thút thít đọc...
Chú thích:
(1) Năm Vĩnh Niên thứ hai (tức năm 1404), triều đình thiết lập ty chỉ huy quân đội Bắc Kinh. Sau khi đóng đô ở Bắc Kinh phân ra lập thành ty binh mã Ngũ thành (Ngũ thành binh mã ty), tức năm thành Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc. Chỉ huy ty binh mã Ngũ thành là quan có hàm Chánh lục phẩm. Mỗi ty thiết lập một chỉ huy, bốn phó chỉ huy và một tiểu lại phụ trách trị an các loại, tương đương với khu cảnh vệ Bắc Kinh và cục công an bây giờ.
(2) giống phòng hành chính và tài vụ, tạp vụ.
(3) phòng nghỉ cho quan lại trước khi thiết triều
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...