Ngay lúc đó, Thiệu đã nảy ra một ý, giơ tay chỉ về phía tỉnh Sơn Tây, lân cận tỉnh Hà Bắc: “Chúng ta đến nơi đó!”
Đối với Thiệu mà nói, Đại Đồng, Sơn Tây là một nơi chẳng hề xa lạ.
Từ xưa, nơi đây chính là vùng giao trang của nhà binh, “Tam diện lâm biên, đông liên thượng cốc, nam đạt tịnh hằng, tây giới hoàng hà, bắc khống sa mạc” (theo ta hiểu thì ba mặt đều có biên giới tự nhiên, đông là một khe hang gì đó, nam là Hằng Sơn, tây là Hoàng Hà, bắc thông với sa mạc), vốn được xưng là “Tam đại kinh hoa, lưỡng triêu trọng trấn” (cái này là suy đoán của ta thôi: Đại Đồng là thành thị phồn hoa của 3 đời Tần, Tây Hán, Đông Hán, là trấn quan trọng của thời kỳ Lưỡng Tấn).
Điều quan trọng nhất là, Đại Đồng vốn là kinh đô thuở đầu của Bắc Ngụy, chỉ có điều, khi đó có tên là Bình Thành.
Sau đó, Thanh Hà Vương kêu Quảng Thắng sai người đi mua về một tấm bản đồ Trung Quốc cụ thể hơn, dựa theo tỉ lệ, lấy thước kẻ phóng to đường chỉ dẫn trông giống chòm sao đó lên bản đồ. Xong xuôi đâu đó, mục tiêu lại càng thêm rõ ràng – chính là nơi cách Đại Đồng 62 km về phía nam – Bắc Nhạc – Hằng Sơn. (tham khảo wiki – đây)
Quảng Thắng nằm ườn ra giường trong một quán trọ nhỏ vừa tìm được, nhìn Thiệu bận bịu vẽ vẽ, càng lúc càng nghi hoặc, không nhịn được hỏi một câu: “Chúng ta đến Hằng Sơn không phải để đi du lịch đó chứ?”
Thiệu chẳng buồn ngẩng đầu lên: “Ngày trước, sau khi giấu cổ vật đi rồi, Trương Đại Phúc đã vẽ lại bản đồ lên mảnh giấy vệ sinh này rồi đưa cho Ngô Thủy Căn. Bây giờ chúng ta phải dựa vào bản chỉ dẫn này để đi tìm bảo vật.”
Thủy Căn dính mỡ đầy miệng đang ngồi gặm đồ ăn sẵn, cùng đống “đồ chơi” này lắc lư dọc đường đi, thành ra tiểu hài tử đã có cái khí chất ung dung thong thả lắm rồi.
Cậu đã phát hiện ra vị Thanh Hà vương này nói xạo siêu giỏi, lúc hắn nói dối ấy mà, nhịp tim vẫn đập như thường, chưa bao giờ cần tập trước, cậu cũng chẳng buồn lật tẩy mấy câu ba xạo của Thiệu, nếu không thì kẻ xúi quẩy cuối cùng vẫn cứ là cậu thôi.
Ai bảo đời trước cậu thiếu nợ người ta mà làm gì!
Trong lúc đó, Quảng Thắng cầm tờ giấy vệ sinh than ngắn thở dài: “Chết tiệt! Thật chưa từng thấy ai lại vẽ bản đồ kho báu lên giấy vệ sinh bao giờ, lão nông dân này đúng là chả chuyên nghiệp tí nào cả!”
.
.
.
Cả đám đều là tội phạm bị truy nã, mặc dù vào khu du lịch đông người qua lại, nhưng để che đậy tai mắt người đời, cả bọn vẫn phải đội mũ đeo kính hóa trang cho cẩn thận.
Đi trên đường núi Hằng Sơn, dù có trăm mối ngổn ngang trong lòng, mọi người vẫn không khỏi chấn động trước những dãy núi đá Hằng Sơn trùng trùng điệp điệp với quang cảnh thiên nhiên kỳ thú mênh mông.
Dù rằng ngày nay, trong Hằng Sơn đã có thêm nhiều trang thiết bị hiện đại xen lẫn với rất nhiều lầu gác chùa cổ, nhưng cấu trúc tổng thể của dãy núi cũng không có nhiều khác biệt so với nơi này hàng ngàn năm trước.
Khi còn sống, Thác Bạt Thiệu đã từng đến Hằng Sơn săn bắn du ngoạn vô số lần, nhìn thấy cảnh sắc quen thuộc khiến Thác Bạt Thiệu, kẻ vẫn phải sống trong một thế giới xa lạ từ khi hồi sinh đến giờ, cũng khó có thể kìm nén những xao động trong lòng. Nhìn về phía eo Kim Long ở xa xa, Thác Bạt Thiệu chỉ cho Thủy Căn thấy: “Ngày xưa, ngay tại nơi đây, phụ vương đã cho phá núi mở đường, tạo ra cửa ngõ để ra vào vùng Trung Nguyên đó.”
Từ khi rời khỏi thôn Bốc Vu, đây là lần đầu tiên Thanh Hà Vương trò chuyện vui vẻ đến thế với Thủy Căn. Thủy Căn cảm thấy nếu tình cảm giữa hai anh em trở nên hoàn thuận mãi, thì cái mông cậu sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích, thế là bèn ra vẻ xúc động cảm thán: “Cha ta thật là lợi làm sao!”
Nhưng mặt dày thấy sang bắt quàng làm họ quả nhiên là chả được tích sự gì cả, vẻ xúc động trên gương mặt Thiệu biến sạch, ánh mắt sắc lẻm như dao lia đến, lăng trì tùng xẻo Vương huynh một trận trong im lặng.
Thủy Căn ngượng ngùng bỏ đi cái vẻ mặt tươi cười nịnh nọt, và chìm sâu vào sự chán nản với chính mình. Cậu lại cảnh cáo bản thân: kiểu gì thì kiểu, mình sẽ không bao giờ đáp lại tên đại oan gia ngàn năm này nữa!
Sau khi dạo qua một vòng, sắc trời đã bắt đầu tối, đám Quảng Thắng đã oải đến không đứng thẳng lưng nổi nữa. Người lúc nào cũng đứng ra đại diện phát ngôn cho cả bọn, Quảng Thắng, đã bắt đầu nghiến răng nghiến lợi: “Chú em Đới Bằng, chú mày không phải đang đùa bọn anh đấy chứ!”
Thiệu không nói một lời, tia nhìn của hắn dừng lại ở nơi những vệt nắng cuối cùng của hoàng hôn rơi rớt lại, một góc mái ngói của ngôi chùa được ánh mặt trời chiếu lên nhàn nhạt màu vỏ quýt.
Khi trời còn sáng, không ai có thể chú ý đến nơi này, nhưng giờ đây mới nhìn thấy được, mấy tầng mái ngói đỏ rực đã tạo thành những văn tự Tiên Ti thật lớn – “Hãy tới đây.”
“Đây là nơi nào?”, Thiệu hỏi Thủy Căn đang cầm tấm bản đồ du lịch.
Thủy Căn nhìn ngôi chùa kỳ lạ xây chênh vênh trên vách núi, rồi lại nhìn bản đồ trên tay, và đọc to: “Huyền Không Tự (1).”
Theo giới thiệu vắn tắt trên bản đồ du lịch, tuy Huyền Không tự được xây vào thời Bắc Ngụy, nhưng lại là nửa cuối của thời Bắc Ngụy, do một vị hòa thượng tên là Liễu Nhiên dựng nên. Nói cách khác, cả trăm năm sau khi Thác Bạt Thiệu chết, mới có ngôi chùa này, Thác Bạt Thiệu không biết cũng không có gì lạ.
Người cho xây dựng ngôi chùa là một hòa thượng, nhưng các thợ xây lại dựa vào yêu cầu “không nghe gà gáy chó sủa” của Đạo gia mà dựng nên Huyền Không Tự. Toàn bộ ngôi chùa treo lơ lửng giữa vách núi cao cao, đình đài lầu các nhô ra như thể được gắn vào vách đá dựng đứng bằng cao su vậy. Tầng tầng lớp lớp cung điện chỉ dựa vào mấy cây cột chống mảnh mai như chiếc đũa mà đứng giữa sườn núi cheo leo.
Thậm chí, đến cả thi tiên Lý Bạch, người vẫn yêu thích du ngoạn khắp chốn, để lại vô số ý thơ đẹp, khi đến Huyền Không Tự này, đã phải sững sờ thưởng thức hồi lâu, và chỉ để lại trên vách núi hai chữ súc tích – “Tráng quan.” (Cảnh quan tráng lệ)
Lý Bạch cũng thật thông minh, vẻ đẹp kỳ diệu lạ lùng của Huyền Không Tự, quả thực có dùng câu thơ nào để hình dung cũng không đủ nói hết. (Skye: sao ta cảm giác Cuồng tử đang dốc sức quảng bá du lịch nước nhà =..=)
Khi đoàn người đi tới con đường phía trước Huyền Không Tự, chân họ dẫm lên những tấm ván gỗ cọt kẹt, bên dưới những ván gỗ chính là vách đá sâu vạn trượng. Khi gió thôi ào ào bên tai, có cảm giác như chỉ cần sơ sẩy một chút thôi, là sẽ rơi xuống vực sâu thăm thẳm liền.
Hướng dẫn viên ở Huyền Không Tự bắt đầu dẫn bọn họ đi tham quan khắp chốn trong chùa.
Ngoài địa điểm và cách thức xây dựng mà người thường không thể tưởng tượng ra nổi, trong Tam Giáo điện ở tầng cao nhất của Huyền Không Tự, một khung cảnh còn khó hiểu hơn nữa lại hiện ra trước mắt mọi người: tượng của Thích Ca Mậu Ni, Lão Tử và Khổng Tử được đặt trong cùng một căn phòng.
Theo lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên, cho tới nay, cảnh tượng ông tổ của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo cùng trong một phòng, khắp non sông nước nhà thì chỉ nơi này mới có mà thôi.
Một tên thuộc hạ của Quảng Thắng, gọi là Phì Phiêu (Béo ú), mới nói giỡn: “Sao không cho thêm cái tượng chúa Jesus vào nữa nhở! Bốn người gộp lại là vừa đủ làm vài vòng mạt chược rồi còn gì!”
Mấy người còn lại nghe thế cũng cười phá lên, đến cả cô hướng dẫn viên cũng lịch sự mỉm cười một cái.
Thế nhưng Thủy Căn lại không cười, sau rất nhiều những trải nghiệm không thể tưởng tượng nổi, hài tử giờ đây không dám báng bổ quỷ thần nữa. Trên thực tế, từ khi đến Huyền Không Tự “chân không chạm đất, đầu không đến trời” này, trái tim Thủy Căn không hiểu vì sao cứ thấp thỏm không yên.
Thiệu cũng không cười, ánh mắt của hắn cứ chăm chú dán lên bức tượng Lão Tử trên ban thờ, Thủy Căn lần theo tia nhìn của hắn và quan sát cẩn thận, cậu cuối cùng cũng nhận thấy khuôn mặt của bức tượng dường như có gì đó rất quen thuộc.
Sau nhiều lần cân nhắc, bất chợt, Thủy Căn đã nghĩ ra đó là ai, và mồ hôi lạnh bắt đầu vã ra như tắm.
Mặc dù bức tượng được đắp nhằm làm nổi bật sự vĩ ngạn thần minh của Lão Tử, nên khuôn mặt được khắc họa thật đầy đặn, nhưng gương mặt sáng ngời này lại chính là vị thái tử anh tuấn cậu nhìn thấy ở thôn Bốc Vu – Thác Bạt Tự!
Thủy Căn vội vàng phân bua với đệ đệ mình: “Chuyện này không phải do ta làm đâu nhá, ngươi nghe thấy rồi đó, chùa được xây vào nửa sau thời Bắc Ngụy mà, khi đó ta chết lâu rồi còn gì…”
“Câm miệng!” Hai chữ ngắn gọn, Vương huynh tắt điện ngay tắp lự.
Ánh mắt Thác Bạt Thiệu cuối cùng cũng rời khỏi bức tượng Lão Tử, và chuyển sang quan sát hai bức tượng còn lại.
Thủy Căn không nhận ra hai bức tượng này, chứ Thiệu lại quen thuộc vô cùng. Trong đó, gương mặt của Khổng Tử vô cùng giống khai quốc công thần của Bắc Ngụy – Yến Phượng.
Yến Phượng, tự Tử Chương, khi còn trẻ thích đọc sách, đã đọc qua đủ loại kinh thư sử tịch, đặc biệt am hiểu thuật âm dương và sấm vĩ. Về sau, ông đã phụ tá vị quốc chủ khi ấy còn nhỏ tuổi, Đạo Võ đế Thác Bạt Khuê. Thác Bạt Khuê khi còn nhỏ tuổi đã có thể giữ được mạng sống(thì như kiểu Khang Hy ý), cho nên về sau lão đã giương roi thúc ngựa, rong ruổi chiến trường nam bắc, mở rộng vương triều Bắc Ngụy, là công lao không thể phủ nhận.
Vì vậy, cho dù về sau, do dùng Hàn thực tán mà tính khí Thác Bạt Khuê trở nên thất thường, nghi kỵ thành tính, sử sách đối với lão ta vẫn muôn vàn kính trọng.
Còn vị khai quốc trung thần đã đọc đủ kinh thư trên đời nọ, cũng vô cùng tán thưởng người kế vị Ngụy Vương – Thác Bạt Tự, thậm chí còn bất chấp tuổi tác đã cao, đích thân giảng giải cho Thác Bạt Tự những bài học quan trọng. Thế nhưng, về phần Thác Bạt Thiệu, ông lại không thích nói nhiều, ngoại trừ những lễ nghi tối thiểu; có thể nói, ông coi thường kẻ phóng túng bừa bãi trong hoàng thất này. Và Thác Bạt Thiệu cũng rất ghét lão đầu đạo mạo đó.
Còn bức tượng Phật còn lại, nhìn thế nào thì Thiệu vẫn thấy người đó giống hệt thị vệ thân cận của Thác Bạt Tự ngày trước – Vương Lạc Nhi.
Thiệu lại bắt đầu nghiến răng.
Ngày đó, khi mẫu thân bị đâm chết vì Vương huynh được sắc phong thái tử, y đã khóc lóc trong cung suốt ba ngày ba đêm. Còn phụ vương thân yêu của họ lại đang rất nóng nảy vì ăn Hàn Thực tán!
Lúc đầu, lão cha còn tử tế an ủi nhi tử của mình kìm nén đau thương mà nhìn về tương lai tốt đẹp phía trước. Về sau, từ phụ cũng phải nản, dứt khoát cho mời thái tử đến cung mình.
Thác Bạt Tự nghe được tin rằng trước khi phái người gọi y đến, phụ vương đã hạ lệnh chém đầu cả nhà một vị đại thần chẳng mắc một lỗi lầm nào. Y đã lập tức đánh hơi được điều không ổn, bèn thu dọn hành lý, mang theo thị vệ Vương Lạc Nhi mở đường tẩu thoát.
Sau đó, y ở lại nhà của Vương Lạc Nhi, trong một sơn thôn nhỏ gần Bình Thành. Y định ở đó một thời gian, chờ đến khi phụ vương nguôi giận rồi sẽ tìm một thời cơ thích hợp để chở về. Chỉ có điều, thời cơ còn chưa đến, hắn – Thác Bạt Thiệu, đã gây ra cung biến.
Sau khi đâm chết phụ vương, hắn lập tức phái người bí mất điều tra nơi ẩn nấp của Thác Bạt Tự, với ý định nhổ cỏ tận gốc. Hắn lại không ngờ rằng, nhờ sự trợ giúp trung thành và tận tâm của Vương Lạc Nhi, Vương huynh đã âm thầm về đến Bình Thành, liên hệ với các vị trọng thần trong triều, rồi nổi dậy phản công, và khiến hắn rơi vào kết cục “sắp thành lại bại”.
Giờ đây, ba kẻ thù của kiếp trước lại thành tiên thành Phật, một thân sơn son thiếp vàng ngồi trên ban thờ cao cao khinh thường nhìn xuống hắn.
Lòng uất hận của Thanh Hà Vương lại dâng lên!
Hắn xông lên ban thờ, dốc sức lung lay tượng Phật, chỉ muốn đẩy ngã bức tượng xuống để cả ba vị phải thịt nát xương tan.
Hành động của Thiệu hoàn toàn vượt ngoài dự đoán của tất cả mọi người.
Cô hướng dẫn viên lập tức hét lên: “Anh kia làm gì vậy! Mau dừng lại!”
Thấy tiếng quát của mình không thể làm vị du khách như đang phát điên lên này dừng tay, cô bèn xoay người chạy ra khỏi đại điện gọi người tới.
Khi cô hướng dẫn viên và mấy anh bảo vệ trẻ tuổi chạy vào đến nơi, thì trong đại điện đã không còn một bóng người nữa rồi.
Ngoài việc tượng Phật trên ban thờ hơi bị nghiêng đi và con mắt của bức tượng giờ lại nhìn về phía Lão tử, không còn điều gì kỳ lạ nữa.
Mấy người bảo vệ tìm từ trong ra ngoài đến mấy lần. Trời đã nhá nhem, cũng không còn mấy du khách trong Huyền Không Tự nữa. Bảo vệ còn hỏi cả nhân viên bán vé ngồi ở cửa, nhưng cũng chẳng có người nào rời khỏi ngôi chùa cả.
Cứ như thể, mấy người đàn ông đeo kính đen ấy cứ như đã nhảy xuống khỏi vách núi, biến mất không một dấu vết.
———————————-
(1) Huyền Không Tự được xây dựng vào năm 491 (năm Thái Hoà thứ 14) dưới thời Cao Tông Hiếu Văn Đế
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...