Chẳng biết mưa đã tạnh từ lúc nào. Chỉ biết buổi sáng sau một đêm mưa, trời bỗng nhiên đẹp đến bất ngờ. Nắng mới màu vàng chanh lấp lánh ngoài rèm cửa. Cây ngọc lan trước thềm vẫn khoác tấm áo sũng nước từ cơn mưa đêm qua, lá cây như vừa được gột rửa, ánh lên màu xanh nõn nà đáng yêu. Trên nền đất ẩm ướt, vô số hạt mầm của một loại cỏ không tên nhú lên lá chồi biêng biếc. Tôi đứng đằng sau tấm rèm màu cà phê, im lặng nhìn ra khung cảnh hiền hòa tươi đẹp phía bên ngoài.
Trên giường, Vương đại ca vẫn ngủ say, cả người quấn chặt chăn chỉ thò mỗi cái đầu ra ngoài. Trông anh vẫn chẳng khác gì một con sâu khổng lồ. Tò mò, tôi mở hé tấm rèm ra cho ánh sáng tràn vào phòng, sau đó bước lại gần chỗ Vương, cúi xuống ngắm khuôn mặt đang say ngủ của anh. Rõ ràng Vương đại ca đã gầy hẳn đi, các đường nét trên gương mặt trở nên góc cạnh, trông lại có vẻ đẹp trai hơn trước. Chúng tôi đã ngủ chung phòng hai lần. Lần đầu tiên, tôi nâng cao cảnh giác như thể mình là một con cừu con bị nhốt chung chuồng với một con sói già. Còn lần này, mặc dù chung chăn chung giường, nhưng lại cảm thấy bình thản, yên tâm như đang ở cùng chỗ với một người thân trong gia đình.
Đang ngắm Vương đến mê mải thì cửa nhà bị gõ dồn dập. Tôi ra mở cửa. Chưa kịp chào hỏi gì, vị khách không mời mà đến lúc sáng sớm, người phụ nữ trung niên sang trọng đang đứng trước cửa đã vung tay tặng lên mặt tôi một cái tát trời giáng. Vị tanh của máu nồng lên trong khoang miệng. Tôi ôm một bên má bỏng rát, ngơ ngác không hiểu vì sao mình bị đánh.
Vương từ trong nhà chạy tới ôm tôi giấu ra sau lưng, phẫn nỗ quát tháo ầm ĩ. Tôi ngăn anh lại. Tôi nhận ra quý bà trung niên đến tìm tôi kia chính là mẹ Tùng.
***
Hành lang bệnh viện hẹp mà dài hun hút. Khu điều trị VIP nên mọi thứ trông sạch sẽ và chỉn chu như trong khách sạn, chỉ có mùi thuốc sát trùng lẩn quất ở mọi ngóc ngách là không hề thay đổi. Tùng đang nằm trong phòng hồi sức sau ca phẫu thuật dài, vẫn chưa được chuyển sang phòng bệnh bình thường. Tối hôm qua, anh đã đi tìm tôi. Người ta nói thấy tôi đi về hướng công trường. Anh tưởng thật, đi vào khu vực đang xây dựng để tìm và cuối cùng bị một dàn giáo đổ ập vào người.
Tai nạn rất nghiêm trọng. Nếu là người mẹ khác, như mẹ tôi mà gặp tình huống này chẳng hạn, hẳn bà đã khóc đến ngất xỉu. Trái lại, mẹ Tùng trông vẫn lạnh lùng, bình tĩnh. Bà ta quay sang tôi với nét mặt vô cảm:
- Tôi có chuyện muốn nói với riêng cô.
Tôi theo bà vào một căn phòng trống. Bên má trái đỏ tấy vẫn âm ỉ đau.
Mẹ Tùng mở đầu bằng một câu hỏi:
- Người đàn ông kia là gì của cô?
- Đó là một người bạn của cháu.
- Bạn kiểu gì? Mà thôi, tôi cũng không cần quan tâm xem anh ta là gì của cô. Dù có là gì đi chăng nữa, cô cũng phải bảo anh ta đi đi.
- Cháu…
Giọng bà đầy nghiêm khắc:
- Vì cô mà con tôi mới bị như vậy? Cô có hài lòng không? Tôi vốn định tống cổ cô đi khỏi đây, nhưng bây giờ tôi đã suy nghĩ lại rồi. Cô phải chịu trách nhiệm cho những gì mình đã gây ra.
Tôi ưỡn thẳng ngực lên:
- Kể cả bác không cho, cháu cũng nhất định ở lại chăm sóc anh Tùng. Nhưng cháu cũng có một điều cần nói với bác. Thứ lỗi nếu cháu nói hỗn, nhưng bác có biết vấn đề của mình là gì không? Vấn đề của bác là bác luôn muốn áp đặt tất cả mọi thứ lên người khác.
Tôi tiễn Vương ra sân bay. Chúng tôi im lặng trên suốt chặng đường đi. Chẳng ai biết nói gì trong hoàn cảnh này. Cuộc sống của chúng ta lúc nào cũng đầy ắp biết bao là biến cố. Chúng như dòng nước siết cuốn ta đi, không cho phép ta dừng lại hay lựa chọn. Ta chỉ có thể buông trôi theo dòng nước ấy. Nó đưa ta đi tới đâu? Một khu vườn sum suê cây trái hay một sa mạc hoang vu cằn cỗi? Không ai biết được! Ta chỉ có thể khóc hoặc cười mà không thể không chấp nhận mọi sự đã an bài.
- Cà Rốt, – Vương đứng trước cửa phòng soát vé, nung nấu nhìn tôi: – Anh nhắc lại đó không phải là lỗi của em. Em không phải ân hận hay trả giá gì hết!
Tôi mỉm cười:
- Em biết. Đó là lựa chọn của em, của chính em mà thôi.
Vương cười buồn:
- Cuối cùng, anh cũng thua anh ta. Trước hay sau, đều là thua. Cà Rốt, chúc em vui với lựa chọn của em.
Sau đó, Vương quay người đi vào phía trong.
Tôi đứng ngẩn ở đó nhìn theo bóng lưng anh đang đi xa dần, lẩn quất vào giữa những bóng hành khách xa lạ trong sân bay. Lòng tôi buồn mênh mang. Tôi có cảm giác mãnh liệt rằng kể từ đây, khoảng cách giữa hai chúng tôi sẽ mỗi ngày một xa, có lẽ ngày gặp lại, mọi thứ đã hoàn toàn đổi khác. Tôi không kìm lòng, gọi lớn:
- Anh Vương!
- Anh Vương!
- Vương đại ca!
Vương đại ca xoay đầu lại, nhìn tôi với nỗi mong chờ. Tôi vẫy vẫy tay, hét to:
- Hãy trồng một cây xoài khác nhé!
- Anh sẽ! – Ánh mắt anh đầy vẻ thất vọng.
Tiếng loa thông báo chuyến bay chuẩn bị cất cánh. Bóng dáng Vương đã mất hút từ lâu nhưng tôi vẫn đứng nguyên một chỗ không nhúc nhích. Phía bên ngực trái, nơi ấy trái tim nhân nhẩn đau đang đập từng nhịp, từng nhịp, chậm chạp và mỏi mệt.
***
Hiện tại, mỗi ngày của tôi trôi qua theo một lịch trình giống hệt nhau. Bệnh viện – nhà rồi lại nhà – bệnh viện… Tùng đã được chuyển tới bệnh viện tốt nhất, nằm trong phòng bệnh tốt nhất với những máy móc tối tân nhất. Tôi dành phần lớn thời gian ngồi bên giường bệnh, đọc sách cho anh, mở nhạc cho anh và kể cho anh nghe những chuyện đang diễn ra bên ngoài thế giới.
Mẹ Tùng ngày nào cũng tới. Khuôn mặt bà vẫn lạnh lùng và nghiêm khắc như cũ, nhưng tôi nghĩ bà cũng đang héo mòn đi từng ngày vì bệnh tình của đứa con trai duy nhất chẳng hề có lấy một chút biến chuyển. Có một đôi lần, chúng tôi đã nói với nhau dăm ba câu hỏi thăm. Cũng có một lần bà buột miệng kể về Tùng hồi bé, về kỷ niệm anh đã từng đi lạc khi cùng bà đến ăn tân gia ở nhà một người bà con. Kể từ lần đó, bà luôn đặt Tùng dưới tầm mắt của mình, theo dõi từng bước kể từ lúc anh lớn lên, trưởng thành rồi ra ngoài xã hội. Có thể nói, bà đã đặt tất cả niềm hy vọng của cuộc đời bà lên cuộc đời của người con trai duy nhất này.
Giữa tôi và mẹ Tùng phát triển một mối quan hệ kỳ lạ. Tôi biết bà hận tôi đến tận xương tủy, nhưng đồng thời, bà cũng đang dựa vào tôi, cần sự an ủi từ một người cũng có quan hệ thân thiết với con trai bà.
Tùng tỉnh dậy sau khoảng thời gian hôn mê chừng nửa tháng. Lúc đó tôi đang đọc cho anh nghe một trích đoạn trong chương 14 của cuốn truyện dài “Hạt Hòa Bình”, một cuốn truyện viết về chiến tranh biên giới Tây Nam của một người trẻ mà tôi dự định sẽ dịch nó sang tiếng Anh lúc rảnh rỗi. Đọc vừa đúng đến dòng cuối cùng trong chương 14 thì những ngón tay của Tùng khẽ cựa quậy. Sau đó, mí mắt sưng húp của anh hấp háy mở ra.
Sau khi tỉnh dậy, Tùng phục hồi rất nhanh. Qua một thời gian làm trị liệu, anh đã có thể đi lại được loanh quanh trong phòng bệnh, dù vẫn phải dùng nạng hoặc nếu muốn đi dạo thì phải dùng xe lăn nhưng với một người hôn mê lâu ngày như anh thì đó quả là một kỳ tích. Bác sĩ cho xuất viện, anh được gia đình chuyển về một căn nhà ở ngoại ô để tiện cho việc nghỉ ngơi.
- Em có thích chỗ này không?
Tùng hỏi trong lúc tôi đang đẩy xe lăn cho anh đi dạo ngoài đồng cỏ cạnh nhà. Ngày sắp trôi qua nhường chỗ cho hoàng hôn buông xuống. Nơi chân trời phía Tây, mặt trời đỏ rực rỡ và những áng mây tím lộng lẫy đang vẽ lên cả một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đầy hàm súc.
- Nơi này thật tuyệt! Em nghĩ người ta có thể sống suốt đời ở một nơi như thế này.
Vừa trả lời, tôi vừa nhìn theo một cánh bướm đang rập rờn bay trên đồng cỏ. Nó là một con bướm tự do nhưng đơn độc, mải miết hướng về chân trời phía Tây với khát khao được vươn tới những ảo ảnh rực rỡ. Nó đâu hề biết rằng, hoàng hôn lộng lẫy quá xa vời, và nó chỉ là một con bướm nhỏ, vĩnh viễn không thể rời khỏi vùng đồng cỏ này.
Tùng cười hiền:
- Nếu như vậy thì chúng ta có thể ở đây đến suốt đời.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...