PHẦN GIỮ KÍN
Lúc này Gillette đã có việc làm ở báo Call trong một tuần nên nó cảm thấy khá hơn. Em phải nói với anh rằng sống trong một thành phố mà không có việc làm thì chẳng còn gì thú vị cả.
Rose đã trao cho nghiệp đoàn(9) câu chuyện của nó viết về Charlie Chaplin. Nghiệp đoàn chịu chi mọi phí tổn, lo liệu bán cho các báo, các tạp chí và Rose chỉ lãnh một nửa số nhuận bút được trả. Họ nói với nó rằng họ nghĩ là sẽ bán được câu chuyện đó cho các tờ báo ở các thị trấn nhỏ và thu về số nhuận bút 500 đô la một tuần trong năm tuần liên tục. Một câu chuyện đăng tải trong năm tuần và các báo phải trả tiền như thế để được in thì thật là quá nhiều trong một tuần. Rose nghĩ rằng họ đã nhìn vấn đề hơi quá với thực tế nhưng nó cũng hy vọng sẽ thu về được một khoản nào đó.
Càng nhìn cách thức làm việc của Rose, em càng thấy hài lòng được chăm sóc cho lũ gà. Em vẫn muốn viết một cái gì đó cho đáng giá nhưng em không chịu cho công việc cuốn đi như nó và em không hiểu bằng cách nào nó có thể duy trì nổi mức làm việc như thế.
Thương yêu
BESSIE
(9) Một Nghiệp Đoàn chuyên cung cấp những bài viết hoặc những câu chuyện được viết riêng cho một tờ báo nào đó tới tất tất cả những tờ báo khác, tạp chí khác trên khắp nước để đăng lại. Do hoạt dộng của Nghiệp Đoàn này, có nhiều bài viết đã được đăng tải trở lại trên hàng trăm tờ báo và tạp chí. Những tờ báo nhận đăng tải trở lại này phải trả một khoản nhuận bút tương đối thấp hơn và tác giả thu về một phần nào đó tùy theo sự thỏa thuận với Nghiệp Đoàn.
San Francisco
6 tháng Mười, 1915
Manly thân yêu,
Chắc anh còn nhớ lá thư mới nhất mà em viết khi em một mình từ thành phố trở về nhà. Này, điều quái đản nhất đã xảy ra. Khi về tới nhà, trước lúc viết thư cho anh, em đi xuống gặp cô bé họa sĩ. Em sợ là Rose có thể bất chợt về nhà trong lúc em đi vắng và sẽ lo ngại về việc đó nên em ghi lại mấy chữ cho nó biết em đang ở đâu. Khi từ chỗ Berta trở về, em không lưu tâm tới mảnh giấy để trên bàn, cứ đi thẳng vào phòng viết thư cho anh bằng chiếc máy chữ. Đúng là Rose lo ngại về em trở về nhà một mình nên nó tính toán thời gian em đã ở nhà để gọi điện thoại từ thành phố về. Dĩ nhiên lúc đó em không thể trả lời vì đang ở nhà Berta và nhân viên bưu điện báo cho nó biết là không có người nghe điện thoại.
Nó chấm dứt cuộc phỏng vấn Fritz Kreisler, quay lại tòa báo để làm cho xong công việc và ngay lập tức nó lại điện thoại về từ tòa báo. Vẫn không có trả lời. Nó rất lo lắng nhưng phải tới Sở Báo Chí Thành Phố và trong lúc nó làm việc tại đây, một cô gái ở văn phòng của bà Beatty cố liên lạc với em. Rose trở ra và cô gái cho biết là không thấy em trả lời khiến Rose phát hoảng, lên xe điện tức tốc chạy về nhà. Dọc đường nó đinh ninh là em đã bị xe cán chết và nhớ ra là em không mang theo thứ gì để người ta có thể truy tìm lý lịch. Nó lao qua cửa với ý định gọi điện thoại tới bệnh viện cấp cứu và tại đó, nó nhận ra mảnh giấy của em cho nó biết em đang ở chỗ Berta. Nó không ngừng lại đủ để nghe tiếng máy chữ đang lách cách trong phòng ngủ mà phóng ra cửa, chạy xuống chỗ Berta. Berta nói là em đã đi khỏi khoảng bốn mươi lăm phút rồi nên nó chạy qua nhà bà Beatty ở bên kia phố. Ở đó không có em. Thế là Rose vội vã tới cửa tiệm tạp hóa nhỏ mà nó thường mua đồ gần như nằm trong một con đường hẻm, nhưng cũng không thấy em nên nó phóng về nhà và trong lúc băng ngang phòng tới gọi điện thoại cho cảnh sát cáp cứu thì nó nghe thấy tiếng máy chữ và tìm thấy em đang bình yên ngồi viết thư cho anh.
Em nói chắc nó nghĩ em đã kiếm ra cách nào đó để trở về nhà nhưng nó sợ là em đã gặp tai nạn. Nó bảo hàng ngày đều có người, thậm chí nhiều người, đã bị xe hơi cán và nói thêm là nó sẽ không bao giờ còn để em lọt ra ngoài tầm mắt của nó. Tuy thế, hôm qua em vẫn xuống phố và quay trở về một mình và em đã phải băng ngang phố Market là con phố tồi tệ nhất trong thành phố để tới tòa báo Bulletin. Em không gặp rắc rối gì.
Sương mù ở đây dày đặc từ nhiều ngày. Suốt ngày đêm, lúc nào cũng nghe tiếng còi trên các hòn đảo và mũi đất, trên các tàu phà thả neo trong vịnh kéo dài báo hiệu sương mù. Tụi em không thể nhìn thấy gì trên khắp các bờ vịnh San Francisco, ngoại trừ vài ngôi nhà ở rất gần trên đồi Russian Hill. Tiếng còi hụ báo sương mù buồn nản và kéo dài giống như những linh hồn lạc lõng đang réo gọi nhau trong khoảng không. (Dĩ nhiên chẳng có ai nghe được tiếng réo gọi của một linh hồn lạc lõng, nhưng đó là cái cách nghĩ mà tiếng còi khơi lên). Đồi Russian Hill tựa hồ đang bồng bềnh trên một vùng biển xám khiến Rose và em đã có ý tưởng ngông cuồng rằng nó bị tách rời khỏi đất liền ở đây và đang trôi tới Nhật Bản. Đó là cái cảm giác tự nhiên dấy lên.
Có tám con tàu viễn dương lớn ở ngoài Golden Gate không nhận rõ hướng đi do bị sương mù và đang nằm chờ. Trong số đó, một là tàu chở khách từ Viễn Đông, một là tàu quân dụng Mỹ, một là tàu vận tải Hy Lạp. Số còn lại là tàu chở khách từ các thành phố duyên hải và một chiếc trong số này đầy ắp hành khách và thủy thủ đoàn từ một con tàu bị đắm phải bỏ lại. Tất cả đều ở đó, gần sát đất liền nhưng không thể tiến vào.
Em phải nói với anh về chuyện Rose phỏng vấn Fritz Kreisler, nhạc sĩ vĩ cầm người Áo từng sống dưới các chiến hào suốt bốn tuần và bị thương tới mức không còn thích hợp trong quân ngũ nữa. Em nhớ là em đã viết cho anh rằng ông ta gửi tất cả những gì kiếm được để giúp đỡ, không phải ủng hộ chiến tranh mà chỉ nhắm cứu những nghệ sĩ khác khỏi chết đói và chăm sóc bốn mươi ba đứa trẻ mà ông ta nhận nuôi.
Ông ta nói không có thù hận lẫn nhau giữa những người lính và tất cả những chuyện man rợ do người lính thuộc phía này dành cho người lính bị thương thuộc phía kia rõ ràng chỉ là chuyện do báo chí dựng lên và được thổi phồng mãi để nuôi dưỡng sự căm phẫn trong quần chúng hầu tạo nên lòng thù hận. Ông ta nói rằng cả hai phía, Đức và Nga, khi thu thập thương vong trên chiến địa đều không phân biệt người thuộc phía nào và đối xử với tất cả như nhau.
Trong số những đứa trẻ đang được ông ta cung cấp có ba đứa thuộc các gia đình người Nga.
Bà Kreisler là một nữ y tá trong quân đội Áo. Ông ta nói rằng bà ấy dễ xúc động tới mức bất kỳ thương binh nào không thể yên tâm nhắm mắt do còn lo lắng cho những đứa con, bà ấy đều hứa nếu ông Kreisler sống sót trở về hai vợ chồng sẽ chăm lo chu đáo cho đứa trẻ. Khi ông trở về, bà đã hứa với bốn mươi ba người trong số có ba người lính Nga.
Ông ta kể rằng trong một trận đánh quân Áo phải rút lui, quân Nga đã thu thập những người thương vong trong số có một binh sĩ Áo bể xương quai hàm. Họ đã cố điều trị vết thương tới mức tối đa nhưng người kia vẫn không thể ăn nổi các thức ăn cứng. Trong đại đội chỉ có một ít trứng và họ đã dành hết lại cho người lính Áo bị thương để ra đi tay không và không biết phải chịu đựng thèm thuồng như thế bao lâu nữa. Ông Kreisler biết rõ chuyện này vì chỉ vài ngày sau đó quân Áo tấn công chiếm lại được vị trí và người lính Áo bị thương đã kể lại với họ. Chuyện rất đáng kể vì quân đội Nga đang không có đủ thức ăn. Xin nhớ rằng đây là câu chuyện do một người Áo kể về người Nga. Rose nói cả hai vợ chồng ông Kreislẻ đều là những người đáng yêu nhất mà nó được gặp.
Ngày mai tụi em sẽ tới giảng đường Greek Theater để nghe ông ta trình tấu nhạc.
Ở đây giá trứng hiện nay là năm mươi xu một tá.
Anh nhớ giữ gìn sức khỏe và lưu tâm tới Inky. Em đang lo lắng chờ đợi câu trả lời cho lá thư mà em hỏi anh coi nên ở lại đây bao lâu nữa. Nếu em ở lại cho tới khi vé hết hạn tức là tới ngà 15 tháng Mười Một thì Rose có thể đưa em đi một chuyến tàu tới Los Angeles. Nếu em không ở lại tới ngày đó, em sẽ bỏ chuyến viếng thăm Los Angeles cùng chuyến đi tàu biển và trở về nhà khi vé của em chưa hết hạn.
Thương yêu
BESSIE
San Francisco
14 tháng Mười, 1915
*
Manly thân yêu,
Đã nhiều ngày không viết thư cho anh nên em bắt đầu trở lại từ chỗ em ngưng.
Rose và em đã tới Berkeley để nghe nhạc sĩ Áo Kreisler trình tấu vĩ cầm. Như anh đã biết, thế là lại có một chuyến đi ngang qua vịnh luôn luôn thích thú, rồi một chuyến xe tàu điện qua Oakland vì lần này tụi em ghé cầu tàu Oakland, sau đó là một cuộc đi bộ qua khuôn viên trường đại học tới Greek Theater mà em đã tả cho anh nghe trong thư trước.
Về đêm ở đây đẹp tuyệt vời. Ánh đèn chiếu sáng cho tới khi mọi người đã ngồi yên và khi buổi hòa nhạc bắt đầu thì tất cả đều phụt tắt ngoại trừ ánh đèn trên sân khấu. Sân khấu và các bức tường phía sau giống như những cánh gà của một rạp hát đều bằng đá hoa màu trắng và phía trên cùng là những cây thông cao vút, những cây khuynh diệp xum xuê che phủ. Những ngọn đồi vươn lên xung quanh khán đài vòng cung khiến những hàng ghế tiếp tục nhấc cao mà vẫn tựa vào sườn đồi vững chắc phía sau. Những ngọn đồi tiếp tục vươn cao hơn các hàng ghế với những hàng cây lớn nên tụi em đã ngồi trong rạp hát với cây bao bọc xung quanh và trên đầu. Ánh trăng chiếu ngay trên sân khấu và tất cả đều tuyệt đẹp khi chiếc vĩ cầm của Kreisler bắt đầu lên tiếng. Phụ họa cho Kreisler là một dàn nhạc đàn dây hoàn hảo. Chưa bao giờ em được nghe thứ âm nhạc tuyệt vời như thế. Tụi em ngồi suốt hai giờ đồng hồ gần như nín thở để lắng nghe. Các dãy ghế đều đông nghẹt và tất cả mọi người chỉ được nhận ra như những vệt tối mờ với những khuôn mặt màu trắng. Hết thảy đều bất động lắng nghe với mức tập trung cùng cực.
Sau đó lại có chuyến đi ngang vịnh và xe điện để trở về nhà. Tụi em về tới nhà vào lúc một giờ khuya và rất mệt. Nhưng, ôi, hôm sau tụi em còn cứng đờ do ngồi quá lâu trên những chiếc ghế đá cứng, lạnh ngắt đến nỗi khó thể cử động. cơn mệt đã tác động tới mắt em và khiến em không thể vận dụng nhiều từ đó. em có nói với anh về cặp kính lúp trang trí giống như bằng vàng mà em mua tại cửa hàng mười xu ở đây chứ? Nó giúp em khá nhiều. Em không thể đọc hoặc viết nếu thiếu chúng nhưng mắt em quá mỏi ngay cả khi dùng chúng khiến em sợ là người đàn ông ở Springfield đã nói đúng và mắt em cần phải có một cặp kính như thế.
À, một bữa khác khi Rose và em đi bộ xuống phố, tụi em nhìn thấy trong tủ kính của một cửa hàng đồ cổ, một chiếc đồng hồ bạc nặng ba pao. Nó được làm cho một người kiếm vàng bằng thứ bạc đầu tiên đào được tại California. Nó được làm vào năm 1848. Bên cạnh nó là một chiếc khay nhỏ để đồng hồ nạm ngọc đẹp cùng cực được làm trong thế kỷ 16 (bốn trăm năm trước) tại Pháp.
Khoảng năm giờ Chủ nhật, Rose viết bài xong và cùng với em lên xe điện ra bãi biển. Tụi em bắt đầu từ Land’s End đi bộ vòng theo bờ biển tới Cliff House. Dừng lại trên ba công Cliff House ngắm mặt biển một hồi rồi đi xuống mé nước cho những gợn sóng có thể cuốn quanh bàn chân và nhìn những màu sắc lạ kỳ của anh sáng hoàng hôn đang nhạt dần trên mặt biển, trên bầu trời trong lúc bóng tối buông xuống bao trùm mặt nước. Em hết sức yêu biển - ngắm nhìn biển, nghe tiếng biển và đón hương vị của biển.
Thứ Ba Rose và em qua suốt ngày tại Hội Chợ. Nó dành cho em sắp đặt ngày hôm đó theo ý thích nên tụi em xuống phố sớm - tới hội chợ khoảng 9 giờ 30.
Trước tiên, tụi em đi coi những con kangaroo và wallaby. Chúng ở trong khu sân rào dây kẽm giữa các tòa nhà Úc và Tân Tây LanAustralian Building và New Zealand Building. Cấu trúc và xây dựng ở đó là sự phô diễn kỳ diệu nhất những loại gỗ địa phương mà tụi em chưa từng nhìn thấy.
Em không biết những thứ gỗ đẹp như thế có ở mọi nơi không nhưng em ao ước anh và ông Nall được nhìn thấy chúng. Gỗ được trưng theo đủ loại từ gỗ còn dạng thô, gỗ cắt phiến, gỗ đã pha tới ván xẻ. Rồi tới các loại gỗ đã được chuẩn bị xong, đánh bóng tự nhiên và những món đồ đóng bằng mỗi thứ gỗ. Hồ đào là thứ gỗ dễ thương nhất. Có một phòng ngủ được dựng tại đó. Giá 2000 đô la. Còn có nhiều thứ gỗ sồi khác nhau trong số có loại “sồi tơ” bóng mịn như lụa vân. Thông cũng có nhiều thứ và có rất nhiều thứ gỗ khác. Gỗ cứng của Úc hầu hết là loại chịu lửa và một số loại gỗ ngâm trong nước ba mươi năm vẫn tốt cũng được mang ra trưng bày. Tất cả các loại hạt ngũ cốc cùng rau cỏ lạ đều có mặt bên những núi len, kim loại và chất khoáng. Tụi em gặp hai nhà báo Úc, các “nam ký giả” như họ tự gọi.
Họ kể rất nhiều về Úc châu và tặng tụi em một đống tài liệu mà em sẽ mang về nhà. Một trong hai người là một ông lớn gì đó. Ông ta có một bộ ria mép trông khó chịu, được vuốt sáp và xoắn thật chặt cho nó chĩa thẳng ra và trên khóe miệng ông ta còn một vết thẹo do mũi kiếm kỵ binh cắt qua.
Từ Úc châu, tụi em qua nước Pháp mà chỉ cần băng ngang một đường phố. Đây là một lâu đài lớn bằng đá hoa trắng và tụi em dừng tại đó hai tiếng rưỡi đồng hồ, đi quanh xem ngắm suốt thời gian đó mà hình như mới chỉ là vài phút. Có những chiếc áo dài ngủ dễ thương, những chiếc nón, những đôi giầy, găng tay của phụ nữ cùng những chiếc sơ mi, những kiểu giầy và găng tay của nam giới chế tạo đẹp nhất (bằng mọi loại vải) vượt mức tưởng tượng. Có cả những bức họa và những bức tượng nổi tiếng trên thế giới. Có những tấm thảm thêu cổ mỗi tấm phủ kín hết một bức tường. Rose và em ước tính một số tấm rộng năm mươi và dài bảy mươi bộ. Thử tưởng tượng một bức tranh lớn cỡ đó được một họa sĩ nổi tiếng vẽ rồi thêu bằng những sợi chỉ màu đẹp nhất trong cách hòa hợp dịu dàng và hoàn toàn vượt lên theo thời gian. Chúng thật tuyệt vời. Màu da người cùng các gam màu trời, màu cây cỏ, màu những con ngựa, những bầy chim cùng hoang thú và màu đất, màu nước, tất cả đều hoàn hảo và không hề phai nhạt. Một số thảm được làm tại Brussels, thủ đô Bỉ, lúc này do người Đức chiếm. Còn có một khung giường chạm khắc và mạ vàng cùng một khung xe cổ làm từ năm trăm năm trước khi vua Louis XIV trị vì nước Pháp. Cũng thật kỳ diệu là những đồ thủ công mỹ nghệ bằng đồng dát bạc và những đồ gỗ cổ cùng các tấm thảm làm cho vua Louis XIV. Em không thể tả hết cho anh nghe nhưng em sẽ mang về một tập cataloge và sẽ duyệt lại cùng với anh.
Em nghĩ họ đã dành cho nước Mỹ một sự tài trợ hoàn hảo qua những món đồ trưng bày. Họ còn trưng bức tượng đồng “Người Của Thời Khắc 1776” là một chiến binh cách mạng Mỹ như anh biết. Em nhận ra nhân vật được tạc ngay khi nhìn thấy và bên cạnh đó là một gian hàng phòng nhỏ đầy những vật dụng cá nhân của tướng Lafayette, người đã chiến đấu bên cạnh Washington. Có một bàn giấy, một chiếc ghế ông ấy thường dùng, một cặp kiếm bắt chéo của ông ấy, một ngọn đèn, một lọ mực bằng sừng và chiếc mũ cũ kỹ mà ông ấy vẫn mang giống hệt như trong các bức hình mà mình thường nhìn thấy. Có một bức chân dung của ông ấy và một bức chân dung của tướng Washington cùng các tướng lãnh Pháp khác từng giúp đỡ chúng ta.
Ôi, em phải nói cho anh nghe về những dây chuỗi kỳ diệu các hạt trai trắng, hồng và đen. Rồi tới những viên ngọc độc đáo có cả hai màu trắng, đen và lớn ngang một trái trứng gà gô.
Có một gian phòng nhỏ kéo dài. Khi bước vào chiếc cổng vòm đang mở để vào trong đó và nhìn xuống, tụi em thấy hai bên là những bức tranh lớn về các cảnh chiến đấu trong cuộc chiến cũ giữa người Pháp và người Đức. Có những thành phố đang bốc cháy, những người đang chiến đấu trên đường phố. Những tướng lãnh trên lưng ngựa đang dẫn đầu đoàn kỵ binh tiến vào. Tranh ảnh đủ mọi loại treo khắp chiều dài những bức tường cho tới gần đoạn cuối xa mút. Ở đó, mỗi bên là một bức họa chúa Giêsu đang chịu đóng đinh trên cây thập giá, những bức họa độc nhất mà em từng nhìn thấy không có vẻ khủng khiếp. Những bức họa này thật tuyệt vời. Giữa những bức họa và chính giữa phòng là bức tượng đồng đau xót khắc một phụ nữ đang khóc. Một điều thực tế nhất. Bức tượng gần như khiến em khóc khi ngắm nó. Ở cuối phòng, che kín bức tường chắn với những bức họa chúa Giêsu ở hai bên và bức tượng người phụ nữ khóc đặt phía trước là một bức họa về quân đội Pháp. Đó là một doanh trại về đêm với ánh đèn canh phòng leo lét ở một phía, Súng ống chất thành một hàng nhỏ dần, nhỏ dần theo khoảng cách. Ngọn cờ cuốn lại, đặt nằm trên đầu những cây sung ở gần và tất cả những người lính đang cuộn mình ngủ trong những tấm mền. Bình minh chỉ đang rạng theo chân trời và trên những đám mây đang trôi đi là “quân đội Pháp hư huyễn”, em nghĩ là bóng ma của tất cả những người, ngựa đã nằm xuống trong các cuộc chiến. Toàn thể bức họa là một cảnh sống thực kỳ diệu nhất mà em được nhìn thấy và là một điện đài thương tưởng đau xót.
Từ nước Pháp, tụi em tới Bỉ là một phần phụ của tòa nhà Pháp French Building và đầy ắp những thứ mà nước Bỉ nghèo nàn có thể gom nhặt được từ sự hoang tàn. Có một bản đồ hình nổi, một mô hình thành phố Brussels, vài bức họa cổ rất đẹp, tượng Hoàng đế Albert và Hoàng hậu Elizabeth bằng đá hoa trắng giống hệt những bức hình mà mình đã có tại Metropolitan. Sau khi coi gian hàng Bỉ, tụi em tới tòa nhà trưng bày thực phẩm Food ProductsBuilding, mua hai chiếc bánh nướng Tô Cách Lan rồi đi tới phòng trà East Indian ở trong cùng tòa nhà, gọi trà và bánh ngọt ăn chung với bánh nướng và ngồi nghỉ ít phút.
Sau đó tụi em quay lại và sau khi ngắm những con kangaroo, tụi em đi vào tòa nhà TânCách Lan New Zealand Building đang chiếu phim ảnh về nông thôn và người ta ở đó. Anh có nhớ lúc tụi mình có ý nghĩ ngớ ngẩn là tới Tân Cách Lan trước khi tới Florida không? Chắc chắn đây là một xứ sở vĩ đại. Phim ảnh cho thấy đang thu hoạch lúa trên những ngọn đồi không thể dùng máy vì quá gồ ghề nên phải cắt bằng loại liềm buộc chặt vào bàn tay và đập bằng nèo. Vụ mùa được giới thiệu thuộc về một vùng đất hơi mấp mô. Trong đồng có bốn người thợ gặt và lúa thật tốt. Lúa được kéo từ đồng về và đập ngay trước mắt tụi em.
Tụi em cũng được xem xét việc chất đầy những con tàu tại bến cảng đủ thứ sò, hến, dầu gai, phô mai, len và thịt cừu đông lạnh. Có nhiều hình ảnh về những bầy cừu vĩ đại, những con chó chăn cừu và người chăn cừu, hàng trăm hàng trăm con cừu. Tụi em thấy chúng bơi qua những bể chứa nước và được xén lông. Tụi em cũng nhìn thấy những thổ dân xấu xí ở trên đảo thường là những bộ lạc ăn thịt người tại Úc và Tân Tây Lan. Tụi em còn nhìn thấy hồ nước nóng và những vách đá đang bốc hơi.
Tin em đi, em ngồi ở khá xa. Những vách đá cao đang trút nước nóng từ các dòng suối xung quanh vào trong hồ và ở nơi nào có suối chảy ra từ vách đá hoặc có nước phun lên đều bốc cao những đám mây hơi nước. Một con thuyền chở đầy người bơi trên hồ nước nóng giữa đám hơi bụi nước mù mịt bao quanh. Nước nóng tới nỗi không ai dám thò tay xuống - một người đã thử và bị phỏng. Cũng có nhiều dòng suối và suối nước nóng ở nơi khác rồi những hình ảnh về tắm sóng trên bãi biển, nơi có nhiều người ôm những tấm ván trượt đứng chờ sóng dâng lên thì thả xuống và leo lên ván cho sóng đưa vào bờ.
Khi qua khu này, tụi em xuống Marina là con đường bộ dọc theo bờ biển và nhìn thấy con tàu chiến màu xám cùng nhiều tàu phà, tàu thuyền khác đang chỉnh theo hướng gió để cập bến Columbus vào buổi tối. Sau đó tụi em qua những khoảnh sân dễ thương tới một cổng ra vào là nơi tụi em đón xe điện trở về nhà. Đã quá trễ để ra khơi thăm con tàu chiến như ý định nên tụi em đành phải gác tới ngày hôm sau.
Sao nhỉ! Em đã nói với anh về lý do em đổi địa chỉ nhận thư rồi mà. Thư của mình gửi về tòa báo Bulletin được chuyển thẳng lên văn phòng của bà Bessie Beatty trút lên bàn giấy giữa một đống giấy tờ cho năm người bất cẩn ở đó sờ soạng và em đã không nhận được lá thư của anh kèm trong một lá thư của Wilheim. Vì thế, em gửi cho anh địa chỉ nhà riêng nơi tụi em đang ở là số 1019 B. Vallejo St., San Francisco.
Thương yêu
BESSIE
*
Rose viết cho Almanzo gửi kèm theo lá thư của mẹ ngày 14 tháng Mười.
Ba thân yêu,
Có một điều đang xảy ra mà con nghĩ Ba nên biết, dù theo con thì điều đó đặc biệt là một chuyện phiền muộn khi nhìn ngắm. Con thấy Mẹ Bess không nói gì về chuyện này trong các lá thư của Mẹ, nhưng con hiểu rõ lý do Mẹ làm thế. Dù sao, con cảm thấy hoàn toàn hợp lý là Ba nên biết và con nghĩ rằng bổn phận của con là thông báo cho Ba.
Mẹ Bess đang mập ra.
Con không biết có phải vì Mẹ ăn cá hay không. Mẹ ăn cá rất nhiều. Tuy nhiên, cá vẫn được coi là món ăn bổ óc. Con không khi nào nghe nói cá làm cho mập.
Có thể là do món bánh nướng Tô Cách Lan. Đó là thứ bánh nóng giòn rụm rất ngon, tét đầy bơ và mứt. Mẹ ăn luôn hai chiếc mà không ăn nhằm gì. Có lần Mẹ ăn ba chiếc. Sau đó Mẹ cảm thấy khó chịu và thắc mắc Mẹ đã ăn món gì. Có thể đúng là do món bánh nướng.
Con sẽ không đưa Mẹ tới quầy bán bánh nướng nữa. Chỗ đó thật nguy hiểm dù theo cách nào, bởi nó ở sát nơi trưng bày cá và Mẹ đứng ngoài các lồng kính nhìn vào những con cá hồi, cá thu, cá bơn, tôm, cua theo cái cách mà trong từng phút con sợ muốn chết là Mẹ không thể tự kìm hãm nổi lâu hơn cái việc đập bể lồng kính để ăn một thứ gì trong đó. Ngay cả khi đã có trong tay hai chiếc bánh nướng, một bịch bắp rang trộn mỡ, một gói mười lăm xu quả hạnh ướp muối, một chiếc bánh ngọt, một bịch khoai tây chiên Saratoga, Mẹ vẫn nhìn những con cá theo cùng một cách.
Không, con sẽ không để Mẹ tới quầy bán bánh nướng một lần nào nữa. Con sẽ tự đi mua một mình và mang về. Hoặc là con sẽ để Mẹ dừng lại bên những khẩu súng lớn, chỗ người ta rang gạo. Ba có ăn gạo rang khi nào không? Ngon hơn cả bắp rang đó. Gillette vẫn ăn gạo rang trộn với bơ và muối. Mẹ Bess vừa cắt ngang con - con cho là mình đang viết câu chuyện “Phía Sau Ánh Đèn Sân Khấu” - thì Mẹ cắt ngang và nói “Bữa trưa xong rồi”. Khi Mẹ nấu bữa trưa thì ngon tới mức mà Ba không thể nào không ăn thêm. Con sợ vào lúc Ba có bữa ăn trưa đó thì Mẹ còn mập hơn nữa.
Dù sao con đã làm xong bổn phận thông báo với Ba.
Yêu Ba nhiều lắm
ROSE
*
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...