24.
Đau bụng kinh đến rồi đi nhanh chóng. Ngày hôm sau không còn đau nữa, chỉ có bụng hơi trướng lên.
Dì nói rất nhiều việc cần chú ý trong thời kỳ đặc biệt này, ví dụ như giữ ấm, cần ăn kiêng, không đụng nước lạnh, không tập thể dục…
Có lẽ do tối đó tôi hành hạ Chu Hải Yến quá mức nên hôm sau dì căng thẳng hơn tôi, không được ăn cái này không được đụng vào cái kia.
Năm nay lớp 9, chuẩn bị đối mặt với kỳ thi tuyển sinh trung học, những người khác nghỉ đông thì tôi phải đến trường, mãi đến trước Tết âm lịch hai ngày mới được giải phóng.
Năm đầu tiên tôi ở nhà họ Chu, cũng là năm đầu tiên họ ở ngõ Bình An.
Tương lai chúng tôi còn sẽ có nhiều năm nữa.
…
Sáng 30 Tết.
Tôi ngồi trước bàn trang điểm. Dì đứng phía sau thắt bím tóc cho tôi. Tết xong lọn tóc cuối cùng, dì ôm mặt tôi nhìn trái nhìn phải, mắt ngập ý cười: “Ui chao, Thanh Thanh chúng ta sao lại đáng yêu thế này!”
Tôi ngẩng đầu, thiếu nữ trong gương có hai búi tóc tròn, chiếc áo choàng nhung đỏ bên ngoài làm tôn nước da trắng ngần, đôi mắt đen láy trong veo, khi cười tươi tắn sẽ cong lên như vầng trăng non xinh xắn. Không còn vẻ tự ti nhút nhát.
Thì ra tôi đã biến thành như vầy.
Thảo nào trong trường mọi người đều nói tôi như biến thành người khác.
Tôi quay lại nhào vào lòng dì, đầu áp vào ngực mềm mại của bà, tựa như khi còn bé không mấy lần được ôm mẹ như vậy. Tôi nhẹ nhàng cọ cọ, nói nhỏ: “Cảm ơn.”
Cảm ơn hai người đã nhặt tôi lên, ghép lại từng mảnh từng mảnh một.
Bàn tay ấm áp xoa đầu tôi, trêu ghẹo: “Cảm ơn ai ha?” Giọng ẩn chứa vài phần mong đợi.
Tôi ngẩn ra, chớp mắt: “Mẹ. Cảm ơn mẹ.”
“Ừ!” Trong giọng nói không giấu được niềm vui, đôi môi mềm mại đặt lên trán tôi, “Thanh Thanh của mẹ ngoan quá!”
Niềm vui lặng lẽ dâng lên trong lòng, ngọt lịm.
Thấy vành tai tôi đỏ bừng, bà không trêu tôi nữa, bảo tôi đi gọi Chu Hải Yến dậy dán câu đối.
Thời gian này gần Tết nên khách hàng đặt hẹn kín lịch, thức đêm đến 2-3 giờ sáng là chuyện thường với Chu Hải Yến, thế nên giờ làm việc - nghỉ ngơi của anh đã thay đổi.
Gõ gõ cửa, không đáp.
Tôi đẩy cửa vào. Căn phòng yên tĩnh, ánh sáng xuyên qua tấm rèm xám chiếu vào, người trên giường ngủ say, chỉ nghe tiếng hít thở nhè nhẹ.
Tôi giơ tay chọc chọc mặt anh. “Anh ơi, mẹ kêu anh dậy dán câu đối.”
Không phản ứng.
Tôi ghé sát vào, nói bên tai anh: “Anh ơi, dậy dán câu đối.”
Vẫn không động tĩnh.
Người trên giường im lặng nhắm nghiền mắt, lông mi dày rậm như cây quạt nhỏ. Tôi nảy ra một ý, yên lặng giơ tay ra giật giật, chắc ghê. Đang do dự có nên giật mạnh hơn không thì người trước mặt đột ngột mở mắt ra, trong mắt là ngạc nhiên lẫn cạn lời, chỉ không có vẻ buồn ngủ.
Anh vừa bực vừa buồn cười, “Đồ vô lương tâm, anh đang nghĩ xem em làm sao để kêu anh, nào ngờ lại giật lông mi anh?”
Tôi: “…”
Tôi giở chiến thuật cười ngoan ngoãn đáng yêu.
“Sao giống y như mấy em bé trong tranh tết vậy?” Anh nắn nắn búi tóc trên đầu tôi.
…
Mẹ Chu ở trong bếp nấu bánh trôi, Chu Hải Yến với tôi dán câu đối. Mấy chỗ khác trong nhà đã dán xong.
Anh chỉ tay lên câu đối Xuân cuối cùng, một tấm hình Cừu lười biếng, một tấm Cừu vui vẻ, chúng cầm câu chúc phúc rất đáng yêu, giọng ghét bỏ: “Này nhìn con nít quá, hay là khỏi dán đi?”
Tôi lật đật lắc đầu: “Không con nít không con nít, đâu có.”
Anh nói: “Hơi mệt rồi, không muốn làm nữa.”
Không được, đây là tôi với mẹ Chu đi chợ lựa mua. Tôi vươn tay túm cánh tay anh lắc lắc, “Anh trai ơi, anh là anh trai tốt nhất thế giới. Dán đi mà, dán đi, dán phòng em đó.”
Mắt anh hiện lên ý cười thật nhẹ. “Được được, dán dán dán.”
Hai bên cửa sổ dán mỗi bên một con, Cừu vui vẻ là tôi, Cừu lười biếng là An Tề. Chúng tôi là bạn bè tốt nhất.
Chúc bạn tốt An Tề của tôi, năm mới vui vẻ.
…
Buổi tối mọi người quây quần gói sủi cảo.
Chu Hải Yến chê sủi cảo tôi gói xấu, ngắt cục bột đưa tôi tự chơi. Mẹ Chu một tay ấn cán bột, tay kia liên tục chỉnh góc bột để vỏ sủi cảo được mỏng, tròn trịa. Bà nhìn Chu Hải Yến, như vô tình hỏi: “Người bạn học kia của con sao nay không tới? Về nhà ăn tết rồi à?”
Chu Hải Yến tay nắn sủi cảo, cho nhân vào giữa, trả lời: “Dạ không, ở đơn vị.”
“Không về nhà cha mẹ không lo sao?”
“Cậu ấy lớn lên ở cô nhi viện, trong nhà không có ai.”
Mẹ Chu không nói gì nữa. Bà cụp mắt, không biết nghĩ gì mà tốc độ cán bột ngày càng chậm. Lát sau mới nói: “Sủi cảo gói nhiều, tối con gọi thằng bé đó tới ăn cơm tất niên.”
Chu Hải Yến sững sờ vài giây mới phản ứng lại, ừ một tiếng.
Họ nói là cảnh sát Tiểu Phó.
Gần như tối nào anh ấy cũng đến đây, có khi xách theo túi đồ ăn của mình, có khi là trái cây mới mua ở chợ, có khi còn cho tôi búp bê anh ấy gắp được trong máy gắp thú.
Chu Hải Yến nói tới thì tới, đừng mang gì theo.
Anh ấy không chịu, nói tuy mình từ nhỏ không có cha mẹ dạy nhưng cũng biết lễ nghĩa.
Điều lạ là mẹ Chu, người luôn hiền lành hiếu khách lại rất xa cách với cảnh sát Tiểu Phó, chỉ kém mức viết hẳn lên mặt là bà không muốn đến gần. Nhưng rõ ràng lúc ban đầu gặp cảnh sát Tiểu Phó, bà còn khen anh dễ thương. Sau đó biết anh là bạn học của Chu Hải Yến, hiện là cảnh sát thì thái độ lại lạnh nhạt.
Cảnh sát Tiểu Phó cũng nhận ra điều đó, nhưng anh hoàn toàn không bận tâm sự thờ ơ của mẹ Chu, mỗi ngày vẫn cười đùa, ngày thường không bận thì thích tới tiệm. Anh còn giúp mẹ Chu tới chợ mua thức ăn tươi mới về, giúp tỉa cây hoa quế trong sân, sẽ cố tình mặc đồng phục cảnh sát để cảnh cáo mấy người hàng xóm bớt lắm mồm nói xấu mẹ Chu.
Tóm lại, anh đặc biệt kính trọng mẹ Chu
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...