Ngang Qua Thế Giới Của Em


Em biết em yêu anh, nhưng không biết chúng ta rồi sẽ đi đến đâu. Vì em biết, dù đi đâu, anh cũng không đưa em đi theo cùng. Ký ức em lấp lánh nụ cười của anh, phải gắng lắm mới vui lên được.
Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh về Trương Bình Lạc không khác một bức tranh sơn dầu. Cậu ta mặc chiếc áo phông thủng lỗ chỗ, ngồi trong bóng chiều, rít một hơi thật sâu, rồi chầm chậm nhả khói, cất giọng đều đều:
- Tôi cũng muốn trở thành vĩ nhân, nhưng mẹ tôi kêu tôi về cấy lúa.
Câu chuyện này chẳng mấy liên quan đến tuổi tuổi trẻ.
Bởi tuổi trẻ là rừng rậm, là hoang mạc, là lao đi như điên dại là đứng chết chân dưới mưa tuôn xối xả.
Trương Bình là cậu thiếu niên bơi dưới sông, bị cỏ nước quấn chân, bị lục bình vây khốn, cậu ra sức vùng vẫy, ngoi lên để thở, những hạt nước long lanh đọng trên mặt, cậu cười tươi rói mãn nguyện. Cậu nằm ngửa trên mặt nước, ngắm nhìn bầu trời, chiêm ngưỡng những đám mây lững lờ, trôi từ tinh mơ đến tối muộn. Những đám mây in bóng xuống dòng sông, quét qua gương mặt thiếu niên của cậu.
Cậu ta là bạn học cấp hai của tôi. Lên lớp 9 tôi mới làm quen với 26 chữ cái, tôi bị mẹ “cưỡng bức” đến trường của mẹ. Mơ ước của tôi lúc bấy giờ là trở thành cầu thủ bóng đá hoặc chí ít là “Teddy boy”(*) nông thôn. Nhưng vì không dám cãi lời cha mẹ, tôi ngoan ngoãn bước vào năm cuối cùng của hệ giáo dục chín năm bắt buộc.
Cô chủ nhiệm xếp Trương Bình, người có thành tích học tập xuất sắc nhất lớp ngồi cùng bàn với tôi. Tôi kinh ngạc khi thấy cậu ta giải phương trình hai ẩn bậc hai nhoay nhoáy, còn cậu ta lại ngưỡng mộ tôi hết sức khi vừa tan học là tôi có thể lao ngay đến quán bi-a, giở trò láu cá với đám học sinh lớp dưới. Và thế là hai chúng tôi cùng “học tập lẫn nhau, cùng giúp nhau tiến bộ”. Điểm kiểm tra của tôi được cải thiện rõ rệt, còn cậu ta cũng ngày trở nên lưu manh, đê tiện hơn.
Chúng tôi say sưa Bảy viên ngọc rồng, thần tượng Hojo Tsukasa (**), mê mẩn cảnh biển ngày Mắt mèo (***) mất trí nhớ.
(*) Teddy boy là biểu tượng cho sự nổi loạn của thanh niên trẻ, thể hiện cái tôi cá tính riêng của họ
(**) Tác giả viết truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản.
(***) Mắt mèo (Tiếng Anh là Cat's eye) là nhóm ba chị em ruột, họ là những tay trộm khét tiếng trong bọ truyện tranh nổi tiếng cùng tên của tác giả Hojo Tsukasa.
Chúng tôi hâm mộ Maradona, yêu thích Trần Bách Cường (*). Chúng tôi nghe Hãy trân trọng đêm nay. Chúng tôi say Kiều Phong. Chúng tôi mê mẩn Dương Quá khi hắn càng ngày càng trở nên lạnh lùng, từng trải. Chúng tôi ủng hộ Trình Hoài Tú khi nàng rời bỏ Tứ Gia (**). Chúng tôi thích phim bộ TVB Bản năng, lúc Trịnh Y Kiện nắm tay Trần Tùng Linh (***) và khóc, nước mắt chúng tôi rơi như mưa. Chúng tôi thích đêm tối, chúng tôi yêu tuổi trẻ của chính mình.
Chúng tôi không biết sau này mình sẽ yêu ai.
Lớp cuối khóa của chúng tôi thường tập trung ở trường vào cuối tuần để tự học. Chiều hôm đó, có mấy thằng ất ơ xông vào trường, chúng đập vỏ chai bia ngoài hành lang, cười đùa bên ngoài phòng học, réo gọi tên bạn nữ. Chúng gào lên, bảo bạn nữ đừng học nữa, vào phố trượt băng với chúng.
Người chúng réo gọi là Lâm Xảo, một bạn nữ có ngoại hình bình thường mà vì thế tôi xẹp ngay hứng thú thích lo chuyện bao đồng. Trương Bình cau mày, đập bàn đứng dậy, trông nó mới gầy gò làm sao. Hai tay hai bút máy, nó hùng dũng lao ra cửa trước ánh mắt chăm chú của cả lớp.
(*) Chú thích: Trần Bách Cường (1958 -1993): Ca sỹ, diễn viên nổi tiếng người Hồng Kông những năm 80-90 thế kỷ XX.
(**) Các nhân vật trong bộ phim truyền hình Hí thuyết Càn Long của Trung Quốc.
(***) Tên các diễn viên đóng phim Bản năng của đài TVB – Hồng Kông.
Đám bụi đời huýt sáo, quát:
- Xéo đi, đồ tạp chủng!
Trương Bình cũng huýt sáo, nhưng không thành. Nó lạnh lùng bảo:
- Are you crazy?
Thế là mấy thằng lao vào quần nhau. Bọn ất ơ đạp bụng, bạt tai Trương Bình. Nó dốc toàn lực chiến đấu, ra sức vẩy mực vào đám du côn, bụi đời. Chớp mắt, mặt thằng nào thằng nấy đều đen sì.
Lúc tôi cầm gọt bút chì xông ra thì đám lưu manh mồ hôi mồ kê nhễ nhại trộn với màu mực. Chúng tức điên, kêu gọi đồng bọn đi rửa mặt.
Trương Bình nhổ một bụm nước bọt lẫn máu, lạnh lùng bảo:
- Người ta nói, thư sinh giết người bằng bút, quả không sai.
Kể từ hôm đó, thi thoảng Lâm Xảo lại viện cớ mượn đồ, hỏi bài Trương Bình để rủ nó vào phố trượt băng. Việc gì, Trương Bình cũng đồng ý giúp Lâm Xảo, chỉ trừ trượt băng. Nó bảo không thích làm mấy trò giống đám lưu manh kia.
Cuối cùng cũng đến ngày tốt nghiệp cấp hai, bạn bè tôi mỗi người một trí hướng, đại bộ phận bỏ về nhà kiếm kế sinh nhai. Nơi đây là một thị trấn heo hút miền Bắc tỉnh Giang Tô, ai được tiếp tục đi học nghề đã tốt lắm rồi. Các bạn nữ tìm nhau xin chữ ký, viết lưu bút. Lâm Xảo xin chữ ký của cả lớp, sau đó lật riêng một trang giấy trắng tinh, lỏn lẻn tìm đến chỗ Trương Bình.

Trương Bình nhả một vòng khói, chẳng buồn nhìn cô bạn, lạnh nhạt nói:
- Are you crazy?
Lâm Xảo đỏ mặt nhưng kiên quyết không chịu gấp cuốn sổ lại. Trương Bình búng tàn thuốc, sáp lại bên tai Lâm Xảo thì thào:
- Thực ra, tớ bị đồng tính luyến ái.
Lâm Xảo rưng rưng nước mắt, lẳng lặng gập cuốn sổ lại, lẳng lặng bỏ đi.
Chừng ba, bốn ngày sau đó, đám du côn nọ phục sẵn trên đường Trương Bình đi học về, tương một viên gạch to tổ chảng vào đầu nó, Trương Bình ngã xe, đám du côn tẩn nó một trận kéo dài năm phút.
Sau ngày tốt nghiệp đại học, có lần về qua nhà, tôi nghe một người bạn kể lại, học hết cấp hai, Lâm Xảo kết thân với đám du côn kia, đến năm mười tám tuổi thì lấy một thằng trong số đó, mười chín tuổi sinh con, hai mươi mốt tuổi ly dị, sau đó lấy một thằng du côn khác.
Trương Bình băng bó trắng đầu khi đi thi tốt nghiệp cấp hai. Chiều hôm đó, sau khi thi xong, hai đứa tôi ngồi giữa sân vận động. Ánh tịch dương nhuộm vàng gương mặt cậu ta. Cậu nhai điếu thuốc trong miệng, im lặng hồi lâu mới bảo, việc đồng áng không làm xuể, gia đình không muốn cậu học tiếp.
Tôi không biết phải nói gì.
Cậu ta hờ hững bảo:
- Tôi cũng muốn trở thành vĩ nhân, nhưng mẹ tôi kêu tôi về làm ruộng.
Tôi vỗ vai cậu ta. Cậu ta nói tiếp:
- Tôi nhất định sẽ học tiếp, tôi muốn lên thành phố. Tôi có một linh cảm mãnh liệt rằng, vận mệnh đang réo gọi tôi đến đó, rằng tôi sẽ có một số phận phi thường.
Cậu ta ném đầu thuốc đi, nói:
- Nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy số phận phi thường nhất là lấy một gái bán hoa làm vợ. Tôi có linh cảm đó chính là số mệnh của mình.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp cấp hai, chúng tôi được chọn vào học tại các trường cấp ba khác nhau. Tôi không nhớ gia đình cậu ta phải bán đi thứ gì, nhưng tóm lại, cậu ta được đi học tiếp.
Ba năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau. Tôi đang học đại học Nam Kinh còn cậu ta học đại học Hàng không Nam Kinh.
Đời sinh viên của cậu ta vươn tới những đỉnh cao mà tôi không thể với tới: Năm thứ hai đại học, Trương Bình bỏ học vì linh cảm bản thân phải vào đại học Bắc Kinh mới xứng tầm. Cậu ta quyết học lại cấp ba. Suốt mấy năm không có tin tức gì, đùng một cái, khi đang trong phòng ký túc xá, tôi nhận được một cuộc điện thoại giữa đêm. Tình cờ hôm đó vào đúng dịp bệnh SARS lây lan, tôi bị kìm chân trong ký túc nên mới nhận được điện thoại.
Cậu ta nói:
- Không đậu Bắc Đại (tên gọi tắt của Đại học Bắc Kinh), công cốc rồi.
Tôi hỏi:
- Thiếu mấy điểm?
- Không nhiều lắm.
Không nhiều là bao nhiêu?
- Ít thôi, có hơn 200.
- ...Thế cậu vào trường nào?
- Một trường cao đẳng ở Liên Vân Cảng.
- Dâu Tây thì sao?
Cậu ta im lặng.

Dâu Tây là bạn gái ở Đại học Hàng không Nam Kinh của Trương Bình. Từ chỗ tôi mà muốn đến trường cậu ta phải đi xuyên cả chiều dài thành phố. Vì thế, suốt năm thứ nhất đại học chúng tôi chỉ gặp nhau có hai lần.
Cậu ta đi lại với cô nàng bán hàng tạp hóa, dáng người nhỏ thó, má đỏ hây hây, biệt hiệu là Dâu Tây. Dâu Tây là người Tứ Xuyên, hơn chúng tôi ba tuổi, đến Nam Kinh làm thuê, nhờ quan hệ họ hàng mới xin được một chân bán hàng ở siêu thị trong trường.
Nhà ăn ở cạnh siêu thị, chúng tôi ngồi uống bia trong nhà ăn. Chốc chốc, Trương Bình lại chạy vào siêu thị, lúc thì lấy túi hạt dưa, lúc thì nhấc vài gói lạc. Dâu Tây nhìn thấy chỉ cười tít mắt. Trương Bình giả bộ muốn trả tiền nhưng Dâu Tây khảng khái xua tay, nên cậu ta chẳng buồn diễn nữa, thủng thẳng cầm đồ ra về.
Có lần Trương Bình liều lĩnh lấy một cây thuốc lá Hồng Tháp Sơn, Dâu tây cuống quýt, mấy chục đồng chứ chẳng ít, làm sao phù phép hóa đơn cho ổn?
Trương Bình ôm chầm lấy Dâu Tây, mặc kệ ánh mắt dò xét của đám sinh viên xung quanh, cậu ta buồn bã thở than:
- Tôi không có tiền mua thuốc lá, nhưng tôi biết là em có cách.
Tôi không rõ Dâu Tây thì có cách gì được, chắc chắn là cách tự bỏ tiền túi ra mà thôi.
Lần thứ hai, chúng tôi hẹn gặp ở một khu chợ đêm. Tôi bảo;
- Dâu Tây được đấy chứ.
Cậu ta rít một hơi, hờ hững đáp:
- Are you crazy?
Tôi lặng thing.
Cậu ta lại bảo:
- Tôi thấy cô ấy hơi quê mùa, học hành chẳng đâu vào đâu, nhà lại xa xôi tít tắp như thế, tôi có linh cảm, chúng tôi không tìm được tiếng nói chung.
Từ mười một giờ đêm đến hai giờ sáng, máy nhắn tin của cậu ta phải rung ít nhất ba mươi lần. Cậu ta ngán ngẩm chẳng cần để ý, nhưng chuông báo cứ inh ỏi vang lên trong đêm khuya, cậu ta tức mình, cầm cốc bia dội thẳng lên chiếc máy đó, khiến nó im bặt.
Cậu ta ợ hơi bia, nói:
- Tốn cả tháng tiền ăn của tôi đấy, tiên sư nó chứ!
Sau ba mươi lần réo gọi, cái máy nhắn tin hoàn toàn chìm trong câm lặng.
Những tiếng gọi dồn dập khiến bạn bực bội đều đến từ phe yếu đuối.
Chúng tôi uống đến bốn giờ sáng, say tới mức cậu ta không đi nổi. Tôi đành lựa lời mượn điện thoại của ông chủ quán, vừa dìu cậu ta, lúc này đã chân nam đá chân chiêu, vừa ra sức gọi vào máy nhắn tin của Dâu Tây.
Cuộc gọi được kết nối, cậu ta chỉ nói độc một câu: tôi uống say, đang ở đường nào, đường nào.
Chừng năm giờ sau thì Dâu Tây hộc tốc chạy đến chỗ chúng tôi. Cậu ta chỉ nói ở đường nào mà không nói rõ quán nào, vì thế cô ấy phải tìm từng quán một. Từ đại học Hàng không Nam Kinh đến đây khoảng hai mươi phút tức là cô ấy đã phải tìm chúng tôi suốt bốn mươi phút, cuối cùng cũng tìm thấy.
Trương Bình nằm bò trên bàn, chốc chốc lại chực ngã bổ nhào xuống đất. Dâu Tây vừa dìu cậu ta vừa tranh thủ uống mấy miếng nước.
Tôi gọi một cút rượu, tôi muốn uống thêm.
Bỗng Dâu Tây nhẹ nhàng bảo:
- Anh ấy rất tốt với tôi.
- Ồ
- Siêu thị trong trường thường được giao cho họ hàng thân thích của lãnh đạo kinh doanh. Mặc dù chúng tôi đã ký hợp đồng thuê mặt bằng, nhưng vì không có quan hệ thân thích nên họ hàng của lãnh đạo trong trường thường tìm đến gây sự, muốn đuổi ông chủ của tôi đi.

Tôi làm một hơi hết nửa chai.
Dâu Tây tiếp tục:
- Một hôm có mấy sinh viên ngỗ ngược đến siêu thị gây sự, bảo trong bim bim có giòi, đòi chúng tôi bồi thường. Tôi không gọi được cho ông chủ, mấy tên đó bắt tôi trả tiền, tôi không chịu, bọn chúng liền ra tay đánh người.
Dâu Tây dựng ngay ngắn cốc rượu bị Trương Bình làm đổ, nói:
- Trương Bình xông vào đánh nhau với bọn chúng và bị gãy ngón út bên tay phải.
Dâu Tây mỉm cười, tiếp tục:
- Sau đó, anh ấy thường đến chỗ tôi lấy thứ nọ thứ kia nhưng tuyệt nhiên không bao giờ lấy bim bim, anh ấy bảo không thèm làm mấy trò giống bọn lưu manh.
Tôi bảo:
- Cậu ấy là như thế.
Dâu Tây nói;
- Anh ấy còn nói, anh ấy linh cảm sau này sẽ cưới một cô gái bán hoa. Tôi không phải cave, tôi là người làm thuê và tôi chưa từng học đại học.
Dâu Tây ngồi xuống bên cạnh Trương Bình lúc này đang gục bên nọ ngả bên kia, cô ấy nhẹ nhàng gối đầu lên đùi cậu ta, mồ hôi lấm tấm trên mũi. Trương Bình vuốt ve mái tóc cô ấy trong vô thức, cô ấy cười thật rạng rỡ, nụ cười ngập tràn hạnh phúc.
Tôi dốc cạn nửa cút rượu còn lại.
Dâu Tây cứ ngồi yên như vậy, vùi đầu vào người cậu ta sát hơn nữa, khẽ nói:
- Ông chủ quyết định chuyển đi nơi khác.
Tôi hỏi:
- Còn cô?
Dâu Tây vẫn cười rạng rỡ nhưng nước mắt lã chã, bảo cô:
- Tôi không biết:
Em biết em yêu anh, nhưng không biết chúng ta rồi sẽ đi đến đâu. Vì em biết, dù đi đâu, anh cũng không đưa em đi theo cùng. Ký ức em lấp lánh nụ cười của anh, phải gắng lắm mới vui lên được.
Cô gái chỉ có bằng tốt nghiệp cấp ba ngồi bên anh chàng say bí tỉ, tựa đầu vào đùi anh ta.
Đèn đường soi rọi nụ cười của cô, cô đã phải gắng gượng thế nào mới có được vẻ hân hoan, vui sướng ấy? Đèn đường cũng soi sáng khuôn mặt đẫm nước mắt của cô.
Tôi đã ngà ngà say, tầm nhìn mơ hồ nhưng hình ảnh ấy mãi khắc ghi trong tâm trí tôi, không bao giờ phai nhòa.
Đó là lần gặp gỡ cuối cùng của tôi và Trương Bình thời đại học. Trong khoảng thời gian đó, cậu ta có gọi điện cho tôi mấy lần, thông báo đã bỏ học thi lại nhưng chỉ đỗ vào một trường cao đẳng ở Liên Vân Cảng. Sau đó, chúng tôi có gọi cho nhau vài ba cuộc, lần gặp mặt tiếp theo là vào năm năm sau.
Chúng tôi hẹn nhau tại một quán ăn xập xệ ở Trung Nam Môn. Tôi hỏi cậu ta:
- Tốt nghiệp xong cậu đi đâu? Cả năm trời chẳng có liên lạc gì.
Cậu ta nhả khói, hờ hững đáp:
- Buôn lậu, ngồi tù.
Tôi thất kinh:
- Sao lại thế?
- Tốt nghiệp xong, bố mẹ xin cho tôi vào làm cai ngục. Trong thời gian thực tập, tôi giúp phạm nhân tuồn hàng thế là vào bóc lịch một năm mới được thả.
Tôi im lặng, không định gạn hỏi, chỉ nói:
- Thế cậu định thế nào.
Cậu ta lại say, bảo:

- Tôi thuê một gara ô tô làm chỗ ở, sắp hết hạn rồi, định đưa vợ về quê làm đám cưới.
Trong đầu tôi chợt hiện lên gương mặt của Dâu Tây, tôi bất giác buột miệng hỏi:
- Vợ cậu là ai?
Cậu ta châm thuốc, hờ hững đáp:
- Cậu còn nhớ hồi tốt nghiệp cấp hai tôi đã nói gì không?
Tôi lắc đầu.
Cậu ta bảo:
- Hồi đó tôi linh cảm sẽ lấy một cô vợ cave, quả nhiên đã ứng nghiệm.
Đêm sâu như hũ nút, cậu ta cạn chén, rồi kể:
- Tôi phải lòng cô gái ở buồng kế bên, cô ấy làm ở tiệm gội đầu, tay nghề được lắm, à nhưng tôi nói là tôi mến con người cô ấy.
Tôi say mềm, đầu óc quay cuồng, đây là lần đầu tiên tôi gục trước cậu ta. Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong phòng trọ, trên bàn có món quà của cậu ta để lại là mười đĩa phim “người lớn”.
Một năm sau cậu ta gọi đến báo;
- Tôi ly hôn rồi.
Tôi không biết phải nói gì.
Cậu ta tiếp tục:
- Chúng tôi về làng chưa được bao lâu, cô ta đã lộ nguyên hình, lăng nhăng với bao thằng đàn ông trong làng, bị mẹ tôi bắt tại trận mấy lần. Tôi không chịu được, đã bỏ cô ta. Rồi cậu biết sao không, cô ta mở tiệm cắt tóc gội đầu ngay gần nhà tôi. Mẹ kiếp!
Tôi bỗng nhiên buột miệng hỏi:
- Cậu còn giải được phương trình bậc hai hai ẩn không/
- Giải ngon.
- Đợt tới cùng về trường cấp hai xem họ xây mới ra sao nhé.
- Ừ.
Ba năm sau, tôi về quê ăn Tết, bỗng nhớ đến lời hẹn năm xưa, liền gọi điện đến nhà Trương Bình. Mẹ cậu ta bảo cậu ta cặp với một cô nàng bán điện thoại di động, cả hai dắt díu nhau đi Côn Sơn mở cửa hàng, không về nhà ăn Tết.
Tôi gác máy, về thăm trường một mình.
Tôi ở lại nhà thầy giáo cấp hai dùng bữa. Ngày tôi học thầy, thầy vẫn chỉ là giáo viên thực tập, chưa được vào biên chế, nhưng mấy năm gần đây, thầy đã được giảng dạy chính thức ở trường.
Lúc vợ thầy đi chợ về, tôi chỉ nhìn thoáng cũng nhận ra Lâm Xảo.
Lâm Xảo cười vui vẻ, nói:
- Tôi biết cậu tới chơi nên mua đủ thịt cá tôm về đây, hôm nay chúng ta phải liên hoan một bữa thịnh soạn mới được.
Thầy giáo tửu lượng hơi kém, mới vài chén đã đu đưa:
- Tôi được vào giảng dạy chính thức cũng là nhờ Lâm Xảo. Chồng trước của cô ấy vốn là con trai của lãnh đạo thị trấn. Anh ta đòi ly dị Lâm Xảo, cô ấy đã đưa ra điều kiện giúp tôi có được suất biên chế.
Tôi không biết đặt câu hỏi thế nào? Không lẽ hỏi, ly hôn là việc của Lâm Xảo, liên quan gì đến thầy mà cô ấy phải giúp thầy vào biên chế chính thức?
Từ đầu bữa đến giờ Lâm Xảo không hề uống một giọt rượu nào, nhưng lúc này cũng rót cho mình một chén Dương Hà và uống cạn. Hai má hồng hồng, cô nói:
- Nói thật với cậu, ngày thi tốt nghiệp cấp hai chính tôi đã bảo đám lưu manh tẩn cho Trương Bình một trận, cái tên khốn ấy! Nhưng thôi, nếu cậu gặp anh ta, cậu cho tôi gửi lời xin lỗi.
Tôi say đến mức hoa mắt chóng mặt, tôi nhìn Lâm Xảo và chợt nhớ lại khung cảnh năm đó, cô gái đã tốt nghiệp cấp ba, mình hạc sương mai quỳ bên cạnh anh chàng say rượu, tựa đầu vào gối cậu ta. Ánh đèn đường chiếu rọi nụ cười gượng và gương mặt đẫm lệ của cô ấy.
Tôi biết em yêu tôi nhưng không biết tương lai sẽ về đâu. Bởi vì, tôi biết, dù đi đâu, tôi cũng không thể đưa em theo cùng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui