Điều khiến Ngải Mễ rất vui là một lát sau Allan đã theo bố mẹ cô lên nhà vì anh gặp họ ở dưới sân. Ngải Mễ nhìn thấy anh chàng ngồi trên sofa ngoài phòng khách liền bước đến trêu: “Vừa nãy bảo anh ở lại với bổn đại vương mà không chịu nghe, giờ vẫn phải ngoan ngoãn quay lên à? Nhẹ không ưa lại ưa nặng…”
Bố đang thay quần áo trong phòng ngủ, nghe thấy vậy liền mắng cô: “Ngải Mễ, không phải ai cũng đùa được đâu.” Nói xong, ông liền bước ra phòng khách nói với Allan: “Thành Cương, em đừng chấp, con nhỏ này từ nhỏ được chiều nên hư. Thôi ta vào phòng làm việc nhé!”
Allan liền đứng dậy đi về phía phòng làm việc, cười nói: “Ngải Mễ tranh luận giỏi lắm, em không đọ nổi, đành đầu hàng thôi.”
Mẹ đang nấu cơm trong bếp, Ngải Mễ liền lẻn vào năn nỉ: “Mẹ giữ anh ấy ở lại ăn cơm đi, muộn thế này rồi, anh ấy về đến trthì nhà ăn đã đóng cửa là cái chắc.”
“Học được cách quan tâm đến người khác từ bao giờ vậy?” Mẹ nhìn cô, hỏi. “Lo lắng gớm nhỉ, việc này còn phải để mày nhắc mẹ nữa à? Mẹ không biết điều đó ư?” Nói xong, mẹ liền bước đến cửa phòng làm việc và nói với Allan: “Allan, hôm nay ở lại ăn cơm với thầy cô nhé, em về thì chắc chắn nhà ăn đóng cửa rồi.”
Bố cũng mời: “Đúng đấy, trong chốc lát không thể nói xong chuyện đâu.”
Hôm đó Allan đã ở lại nhà Ngải Mễ ăn cơm, cô phấn chấn chạy vào bếp giúp mẹ nấu nướng. Mẹ cười, liếc cô một cái rồi nói: “Mặt trời mọc ở đằng tây ư? Con thì giúp được cái gì? Vào làm bài tập đi. Lát nữa ăn giúp là được rồi. Cũng không sớm sủa gì nữa đâu, mẹ cũng chẳng làm gì, hấp ít thịt gác bếp, xào đĩa rau, còn lại đều là thức ăn cũ.”
Bốn người ngồi bên bàn ăn, Allan ngồi bên phía tay trái của Ngải Mễ, cô liên tục gắp thức ăn cho anh và nhìn anh, khiến anh cũng mất tự nhiên, mặt đỏ bừng. Hình như bố không nhận ra điều gì, chỉ có mẹ lắc đầu, nói: “Ngải Mễ, đừng gắp thức ăn cho anh ấy nữa, con có biết anh ấy thích ăn gì đâu mà gắp, hơn nữa lại gắp bằng đũa của con, mất vệ sinh lắm.”
Allan vội nói: “Không sao đâu ạ.”
“Anh ấy chẳng chịu gắp nên con mới gắp mà.” Ngải Mễ chạy vào bếp, lấy một đôi đũa ra và nói: “Con gắp bằng đũa mới này nhé?” Nói rồi cô lại gắp vào bát của Allan một miếng thịt hấp.
Ngải Mễ rất thích ăn thịt gác bếp mà bà nội làm cho nhà cô, thế nên cô nghĩ chắc Allan cũng thích. Ăn thịt gác bếp cô không thích phần mỡ, chỉ ăn chỗ thịt nạc, cô cắn miếng nạc rồi bỏ phần mỡ ra bàn. Thấy vậy, bố liền nói: “Thịt mỡ không ăn đừng có bỏ đi, gắp vào bát cho bố ăn.”
Ngải Mễ không muốn cắn bằng miệng rồi lại gắp cho bố nên đành phải lấy tay xé, mỡ dính đầy tay. Thấy vậy, Allan liền đề nghị: “Để anh tách ra cho.” Thấy không ai phản đối, anh liền mang bát thịt vào bếp rồi tách thịt nạc, thịt mỡ ra rất nhanh.
Cô ăn phần thịt nạc đã được Allan tách ra mà vui vô cùng. Thỉnh thoảng cô lại liếc anh, thấy anh không gắp miếng nạc nào, cô cũng biết là anh để phần cho cô, cảm thấy anh chẳng khác gì bố mẹ cô, thấy cô thích ăn cái gì đều nhường cho cô cái đó, cô ăn ngon thì anh cũng sẽ vui. Thế nên cô lắc lư cái đầu với vẻ rất khoa trương như muốn nói với anh rằng: Cảm ơn anh, em ăn cơm rất ngon!
Cô lén nhìn bố mẹ, bố vẫn đang tập trung ăn cơm nên không để ý gì, còn ánh mắt mẹ thì toát lên vẻ lo âu.
Ăn cơm xong, Allan giúp mẹ cô thu dọn bát đũa, lau bàn, anh còn đòi rửa bát nhưng mẹ không cho, bảo anh không biết bà để đồ ở đâu, hai thầy trò cứ trao đổi công việc với nhau đi.
Bố liền hạ lệnh bằng vẻ nghiêm nghị ngày thường chẳng bao giờ thấy: “Ngải Mễ, ra giúp mẹ rửa bát đi!”
Ngải Mễ liền càu nhàu: “Tại sao chứ? Tại sao con gái lại phải rửa bát?”
“Bố và cậu ấy đang phải trao đổi một số vấn đề quan trọng.” Bố liền giải thích, có thể nhận ra là bình thường ông vẫn hay phải nghe những lời càu nhàu của con gái, hôm nay định ra oai trước mặt người khác nhưng cô con gái cũng không chịu.
Ngải Mễ có thói “khách đến nhà là quấy nhiễu”, khi không có ai đã thích làm nũng rồi, bây giờ nhà có khách, hơn nữa lại là vị khách mà cô muốn thu hút sự chú ý nên càng không thể bỏ qua cơ hội thể hiện mình. Cô liền phản bác: “Rửa bát không phải là việc quan trọng ạ?”
Allan liền cười, nói: “Thôi cứ để em rửa, ở nhà em, em chính là cái máy rửa bát. Cô tìm giúp em cuốn từ điển tiếng Nga với ạ!”
Mẹ cười rồi lau tay và đi tìm cuốn từ điển tiếng Nga. Bố liền nói với Allan: “Thầy đợi em trong phòng làm việc nhé!”
Ngải Mễ đi theo Allan vào bếp, nhìn anh rửa bát. “Bố em chẳng bao giờ chịu rửa bát cả, rất phong kiến, em cũng thấy bất bình thay cho mẹ. Hai người đều là giáo sư, tại sao mẹ phải rửa còn bố thì không chứ?”
“Đấy là do mẹ em muốn đỡ việc cho bố em đó chứ!”
“Haizz, đúng là anh rửa vừa nhanh vừa sạch thật. Có phải ở nhà ngày nào anh cũng rửa bát không?”
“Thường xuyên rửa.”
“Nhà anh con trai phải rửa bát hả? Thế con gái thì làm gì? Anh có chị em gái không?”
“Không, anh chỉ có một anh trai.” Allan hỏi: “Rác đổ ở đâu nhỉ?”
“Em không biết, em chưa đổ rác bao giờ cả, chắc là đổ ở thùng rác dưới tầng.”
Allan liền xách túi rác trong thùng ra, buộc lại rồi nói với cô: “Em tìm túi nilon mới đặt vào để anh đi đổ.”
“Để em đi cùng anh.” Cô chẳng kịp tìm túi đựng rác, cũng không biết túi đựng rác nhà mình để ở đâu. Cô theo anh ra ngoài. Đến cửa, cô liền gọi với vào trong: “Bọn con đi đổ rác đây ạ!”
“Hê hê, đi đổ rác mà cũng phải tung hê cho cả thế giới biết hả?” Allan cười, trêu cô. “Đến đổ rác mà em cũng không làm hả? Lười thật đấy!”
“Từ nay về sau ngày nào em cũng sẽ đổ rác.” Cô liền cam kết với Allan. “Thật đấy, sau này anh cứ hỏi bố em sẽ biết em có đổ hay không.”
Lúc đầu cô còn định nói: “Từ nay trở đi, tối nào em cũng rửa bát”, nhưng vừa nghĩ đến cảnh tay dính đầy dầu mỡ, cô lại cảm thấy quá vất vả, thôi vậy, để sau rồi tính.
Sau khi Allan vào phòng làm việc trao đổi các vấn đề với bố, Ngải Mễ liền quay về phòng mình, ngồi trước bàn học mà không thể làm gì được nữa, tai chỉ dỏng lên nghe động tĩnh phía phòng làm việc. Hồi lâu mà chẳng nghe được gì, cô vừa cắn bút vừa nghĩ ngợi vẩn vơ. Anh ấy có người yêu chưa nhỉ? Anh ấy có thích mình không? Chắc là có thích vì anh ấy cứ nhìn mình cười tủm tỉm, rồi còn nhường hết thịt nạc cho mình ăn. Mỗi lần đỏ mặt, trông anh ấy rất đáng yêu. Không biết bao giờ anh ấy lại đến nhà mình chơi nhỉ? Ước gì ngày nào anh ấy cũng đến, nhưng chắc chắn anh sẽ không thể ngày nào cũng đến được…
Cô nghĩ, có cách nào để anh buộc phải đến nhà mình không nhỉ? Bảo bố ngày nào cũng gọi anh đến trao đổi ư? Chắc chắn là bố sẽ không làm như thế. Bảo mẹ ngày nào cũng gọi anh đến dịch tài liệu ư? Chắc chắn mẹ sẽ không làm như thế. Cuối cùng cô nghĩ ra một cách, không biết có thành công không nhưng theo những gì cô hiểu về tính khí của bố mẹ mình, cô biết chỉ cần có quyết tâm “không thành công cũng thành nhân” thì nhất định sẽ thành công.
Sau khi Allan về, Ngải Mễ nghe thấy bố nói với mẹ: “Cậu Thành Cương này khá ra phết, không ngờ tiếng Nga lại tốt như thế, nếu không có cậu ấy nhắc thì bài viết của anh đã sai nghiêm trọng rồi. Thơ mất chất thơ vì cách dịch. Đúng là chân lý thật! Thế nên những người làm về văn học so sánh tốt nhất phải biết mấy ngoại ngữ, nếu chỉ nghiên cứu văn học so sánh thông qua bản dịch thì chẳng khác gì gãi ngứa qua giày. Sau này anh phải hỏi em các vấn đề trong tiếng Anh, còn tiếng Nga thì phải nhờ Thành Cương vậy. Nghe nói tiếng Nhật của cậu ta cũng khá lắm, có thể đọc tác phẩm văn học nhờ vào từ điển.”
Mẹ liền nói: “Tiếng Nga, tiếng Nhật thì em không biết nhưng tiếng Anh thì cậu ấy dịch rất chắc chắn. Em có quen cô giáo dạy dịch cho cậu ấy ở bậc đại học, cô ấy tên là Tĩnh Thu, là ủy viên thường trực trong Hiệp hội dịch giả của tỉnh D, hai cô trò nhà ấy hợp tác và dịch cùng nhau rất nhiều tác phẩm. Trong cuốn tạp chí Dịch lâm có giới thiệu tác phẩm dịch của hai cô trò, họ còn viết bài đăng trên tạp chí Dịch thuật Trung Quốc nữa. Nếu Thành Cương tiếp tục phát triển theo hướng dịch thuật có thể sẽ rất có tiếng đấy.”
“Em nói thế là có ý gì?” Bố Ngải Mễ chất vấn. “Chẳng lẽ em cho rằng cậu ta lựa chọn ngành văn học so sánh là một sai lầm ư?”
“Em không có ý đó mà chỉ muốn nói là cậu ấy dịch viết rất khá, nếu chỉ nhìn bản dịch, thật sự, anh không thể nghĩ là cậu ấy mới hơn hai mươi tuổi đầu đâu.”
Ngải Mễ liền xen vào: “Anh ấy mới hơn hai mươi thôi ạ? Con lại cứ tưởng ngoài ba mươi rồi cơ.”
“Tại sao?” Mẹ liền cười, hỏi. “Vì cậu ấy để râu à?”
“Không chỉ mỗi râu, con cảm thấy anh ấy rất già dặn, có lẽ là do anh ấy bảo con là trẻ con, là sâu lười.”
Mẹ liền nhắc nhở: “Đúng là con lười thật, chẳng chịu làm việc nhà gì cả. Con xem anh Allan có chăm chỉ không? Việc gì cũng làm, còn con thì chẳng mó tay vào việc gì bao giờ, nếu đến nhà người khác, chắc chắn chẳng ai quý đâu.”
“Từ nay trở đi, ngày nào con cũng sẽ đi đổ rác cho mẹ, con đã cam kết với anh ấy rồi.”
“Con coi đó, quan điểm của con đã có vấn đề rồi, tại sao lại là đổ rác cho mẹ?” Mẹ cười rồi hỏi. “Con cam kết với cậu ấy rồi hả? Cậu ấy nhắc nhở con à?”
“Đâu có, anh ấy không nhắc nhở con mà do con nghĩ thế thôi.” Ngải Mễ nghĩ, còn đợi đến lúc anh ấy nhắc nhở thì còn ra cái gì nữa? Tự cô có thể hận ra anh ấy thích điều gì và không thích điều gì mà.
“Mẹ ơi, anh ấy nói tiếng Anh rất hay, hay là mẹ nhờ anh ấy dạy tiếng Anh cho con đi?” Ngải Mễ thăm dò mẹ.
“Tiếng Anh của con mà còn cần phụ đạo nữa ư?” Mẹ sửng sốt hỏi. “Nếu phải phụ đạo thì để mẹ phụ đạo cho xong. Mẹ là giáo viên tiếng Anh mà còn đi mời gia sư, không sợ bị người ta cười cho à?”
“Mẹ bận rộn như thế, làm gì có thời gian phụ đạo cho con?” Ngải Mễ nói. “Con chỉ muốn học giao tiếp với anh ấy, mẹ cũng biết là sau này con sẽ đi theo ngành tiếng Anh. Nếu bố mẹ không muốn trả tiền cho gia sư thì con lấy tiền của con để trả vậy.”
Bố liền thắc mắc: “Nếu như thế thì con tự đi nhờ cậu ấy, việc gì phải để mẹ nhờ nữa?”
“Anh ấy coi con là trẻ con, con mà nhờ thì làm sao anh ấy chịu?” Ngải Mễ liền quay sang năn nỉ mẹ: “Mẹ mà nhờ thì chắc chắn anh ấy sẽ đồng ý. Con cam đoan là sẽ học tốt tất cả các môn. Nếu bố mẹ không chịu nhờ thì con không biết điểm số các môn sẽ sa sút thế nào đâu.”
“Mày đang đe dọa bố mẹ hả?” Bố nói. “Điểm số là của mày, tương lai là của mày, mày để việc học sa sút thì phải tự chịu trách nhiệm thôi, không nên nghĩ là học vì bố mẹ…”
Mẹ liếc Ngải Mễ, biết cô đã nói là làm nên đành thở dài. “Thôi được, để mẹ đi nói với cậu ấy, nhưng con phải cam kết là điểm số các môn không được sa sút đâu đấy, nếu không… Hơn nữa phải nói cho rõ là chỉ học tiếng Anh thôi. Con gái con đứa phải biết ý biết tứ, không nên…”
Bố liền thắc mắc: “Chỉ mỗi chuyện mời gia sư, sao em lại nói cái đó làm gì?”
“Em chỉ đề phòng trước thôi mà.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...