CHƯƠNG 6: TÀU ĐIỆN NGẦM THỦ ĐÔ TOKYO:-♦-TUYẾN HIBIYA-♦-ĐOÀN TÀU A738S-♦-
Anh Ichiba làm việc ột nhà thiết kế thời trang. Tôi có thể không thạo việc làm ăn của ngành thời trang nhưng tôi nhận ra tên cửa tiệm do công ty anh quản lý ở khu thượng lưu của quận Aoyama, Tokyo. Nghĩ lại tôi mới nhớ ra mình thậm chí đã từng mua một cái cà vạt ở một trong các cửa hàng của họ. Sau cuộc phỏng vấn, tôi đã mua một chiếc quần vải thô màu nâu gỉ sắt ở quầy hạ giá – và tôi bảo đảm với bạn rằng, nếu là một thứ tôi mua thì cơ bản nó không thể nào gọi là thời trang lúc đó. Họ ngày càng ngả về hướng sản xuất quần áo thoải mái truyền thống – cái mà người Nhật chúng tôi gọi là "truyền thống mềm mại."
Chả hiểu sao những người làm trong ngành thời trang trông nom đều trẻ cả. Anh Ichiba nay đã bước vào tứ tuần nhưng mặt anh vẫn trẻ trung. Anh không phải típ người đến tuổi trung niên sẽ trở nên dịu dàng nhưng rất có vẻ nghề nghiệp đòi hỏi anh phải trông – và cảm thấy – trẻ trung. Anh nói năng dịu dàng và có nụ cười dễ thương.
Anh không phải là người mơ mộng hay gì gì đó mà rất sắc sảo. Nghe loa thông báo trên tàu, anh lập tức kết nối các sự kiện: "Có thể vụ này liên quan gì đó với vụ Matsumoto đây?" Anh cũng chứng tỏ khả năng ứng biến nhanh bằng việc cứu một người đồng sự gục ngã ở trước ga Shibuya rồi đưa đi bệnh viện. Trong các vụ khẩn cấp như vậy mà suy xét được rõ ràng là không dễ.
"Hỏi một người chỉ bị những triệu chứng nhẹ như tôi để làm gì nhỉ?" mào đầu anh nói, và do dự không muốn nhận phỏng vấn. "Quanh đây còn có những ca nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi chả là cái gì." Không, đáng kể không phải ở chỗ anh bị tệ đến đâu mà là ở quan điểm, ở trải nghiệm của anh, tôi giải thích.
Tôi là người Kumagaya, vùng Saitama [cách Tokyo chừng hai giờ về phía Tây Bắc]. Vừa tốt nghiệp xong là tôi đi làm ột công ty may mặc rồi mau chóng chuyển sang công ty hiện nay. Nó là một "tổ chức một gian" điển hình, hồi đó người ta gọi nó là "công ty buồng tập thể". Làm ăn nhỏ, chỉ với khoảng mười nhân viên. Nhưng bây giờ thì chúng tôi lớn hơn nhiều rồi.
Bắt đầu mở công ty thì dễ, và chuyện một cơ sở như thế trở thành một doanh vụ lớn thì là chuyện thường tình. Tất cả trông vào bản lĩnh, tầm nhìn của bản thân các nhà thiết kế và chủ công ty. Mặt khác, nếu để tuột mất tầm nhìn thì mọi chuyện sẽ chệch hướng ngay. Nếu đã có máy móc chính xác để sản xuất, có những bí quyết công nghệ đã được tích lũy thì trừ phi vấp phải sai sót nghiêm trọng nào đó, không gì lại có thể bị lụn bại hoàn toàn được cả. Nhưng ông không thể cất giữ tầm nhìn và óc sáng tạo vào trong kho – như hoa quả tươi, mấy thứ này dễ yểu mạng. Làm lớn không phải là cái đảm bảo cho thành công. Có nhiều công ty làm lớn chỉ để rồi biến mất.
Tôi đã ở công ty của tôi mười ba năm và nhìn thấy nó lớn lên như thế nào. Chúng tôi nay có mạng lưới bán lẻ trực tiếp, với khoảng 350 nhân viên. Bộ phận của tôi là Kế hoạch Kinh doanh: chúng tôi lo đầu "sản xuất", sản xuất thật sự. Trụ sở của chúng tôi ở Hiro-o [Tây Nam trung tâm Tokyo].
Tôi sống ở phía Đông khu Edogawa; ga tàu điện ngầm của tôi ở Nishikasai. Tôi lấy vợ mười năm trước và mua nhà chung cư. Tôi thích sống ở khu phố cổ. Tôi được thư giãn ở đó.
Ngày 20 tháng Ba trùng với cao điểm bán đồ trang sức mùa xuân của chúng tôi, vì thế chúng tôi khá bận. Với chúng tôi, những người vô tư vô ưu có thể nghỉ cả một tuần dài kia là một thế giới cách biệt hẳn. Chúng tôi có cuộc họp sáng thứ Hai hàng tuần, xưa nay vẫn thế, bắt đầu vào khoảng 8 giờ 45. 45 phút sớm hơn thường lệ, và nó là cớ tại sao tôi lại đâm tắp lự vào vụ đánh hơi độc.
Ở Kayabacho tôi đổi từ tuyến Tozai sang tuyến Hibiya để đi Hiro-o nhưng không để ý thấy có gì khác thường trên tàu cả. Tôi ở đoạn giữa, chắc là toa thứ sáu. Sau khi đi qua Hatchobori, có thông báo: "Một vài hành khách đã đổ bệnh. Chúng ta sẽ ngừng gấp ở Tsukiji, ga sau."
Ở Tsukiji lại có thông báo: "Một… không, hai trong số hành khách bị ốm đã ngất." Như thế đấy, rất cụ thể. Rồi lại đến: "Ba hành khách xuống sức!" Trưởng tàu thì đang hoảng. Lúc đầu ông có vẻ còn giúp truyền tin cho hành khách thế nhưng ông dần cuống lên. Sau đó lại có tiếng ông kêu lên trong micro: "Ê, cái gì thế?"
Tôi nghĩ: "Ô ô, nghe có vẻ như rắc rối đây." Nhưng hình như chả có ai đặc biệt bị rối trí cả. Nếu hôm nay mà cũng xảy ra chuyện này thì cam đoan mọi người sẽ loạn lên trong nhà thương điên hết. Về phần tôi, có lúc tôi nghĩ đến vụ Matsumoto. Không phải tôi đã nghĩ xa tới chỗ cho nó là sarin hay gì, nhưng nghĩ về vụ Matsumoto thì cũng đã là gần với chuyện "thả thuốc độc" rồi đấy. Tôi vụt nghĩ trong đầu: "Chắc có cha điên nào lại đem rắc thuốc trừ sâu hay cái gì đó đây." Tuy lúc đó tôi chưa biết gì về Aum. Hình như là sau đó người ta mới nghi Aum có dính líu, đúng không nhỉ?
Chúng tôi được yêu cầu rời sân ga bằng cửa ra cuối tàu, đằng đầu tàu đại loại có xáo trộn rối ren gì đó. Mọi người đều xử sự tốt và đi từ từ xuống chỗ cửa ra. Tôi cảnh giác nên bịt khăn tay lên miệng cốt phòng xa, nhưng không ai khác làm như tôi. Tôi thấy như chỉ mình tôi cảm thấy có mối nguy hiểm nào đó.
Tôi đang tò mò xem chuyện gì xảy ra cho nên trong khi người ta vẫn xếp hàng ở cửa ra thì tôi nhìn lên màn hình tivi ở đầu kia sân ga và trông thấy một người nằm bất tỉnh. Tôi đang nhìn thì một nhân viên nhà ga quát tôi: "Ông nghĩ ông đang làm cái gì thế? Đi ra ngoài!"
Xuống sân ga, tôi nhìn thấy khá nhiều người ngồi chồm hỗm, lăn kềnh, nằm ngổn ngang. Tất cả đều đang dụi mắt. Tôi quyết định phải xem cái gì đang xảy ra. Tôi đúng là không thể cất chân đi bỏ lại họ được. Nên tôi đi lên cầu dành cho người đi bộ để nhìn rõ toàn cảnh hơn. Quá nhiều cho cuộc họp của tôi.
Không lâu sau, một xe cứu thương đến, chặn lấy đường đi trên con phố đối diện. Họ dựng lên một chiếc lều lớn và lần lượt khiêng cáng những người bị thương vào trong. Cuối cùng một đám đông đến xem, chèn tôi ra khỏi cầu, vậy nên tôi bỏ đi.
Sau đó tôi lên tuyến Ginza đi Shibuya, hy vọng bắt được xe buýt đi Hiro-o. May mà tôi còn nhớ được số xe buýt, xe này thỉnh thoảng tôi có đi. Nhưng bến cuối cùng của xe buýt lại đông hơn thường lệ, chắc là vì không có tuyến đi Hibiya. Chính lúc ấy tôi nhận ra một đồng nghiệp – tầm 24 hay 25 tuổi – đang cúi gục lên rào chắn, và một phụ nữ từ văn phòng ra đang cố đỡ anh ta lên. Nhưng lúc ấy chưa biết gì về vụ rắc rối trên tuyến Hibiya, cô cứ nghĩ anh ta tụt huyết áp hay cái gì đó, điều không lạ vào buổi sáng. Cô xoa xoa lưng anh ta nói: "Anh ổn không? Anh ổn không?" Hình như giống tôi, anh ta lên tuyến Tozai rồi đổi sang tuyến Hibiya.
"Có chuyện gì thế?" tôi hỏi nhưng anh ta chỉ nói được, "Trong tàu, tàu điện ngầm…" Song tôi biết bao nhiêu người đã gục ở Tsukiji nên một ý nghĩ chợt lóe lên như chớp trong đầu tôi: "Đây không phải là một trường hợp tụt huyết áp bình thường đâu. Nghiêm trọng đấy." Chúng tôi phải mau đưa anh ta đến bệnh viện ngay. Vậy là tôi đến bốt điện thoại quay số 119 nhưng chỉ nghe được là: "Tất cả các xe cứu thương của chúng tôi lúc này đã được gọi ra ngoài, không thể đến được với bạn. Bạn ở đâu xin cứ ở đấy." Xe đến hết Tsukiji và Kasumigaseki cả rồi.
Vậy là tôi đến đồn cảnh sát ở trước ga xe điện ngầm cố tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng tin tức chưa đến đồn cảnh sát; khi tôi nhào vào hét "có sự cố ở xe điện ngầm", viên cảnh sát không hiểu tôi đang nói gì và anh ta đơn giản là chẳng buồn bận tâm. Tôi nhận ra như thế này không ăn thua nên quyết định vẫy taxi và tự mang anh đồng nghiệp đến bệnh viện. Người phụ nữ và tôi ngồi hai bên anh ta giữ anh ta ngồi thẳng và bảo tài xế taxi đi đến Bệnh viện Chữ thập Đỏ ở Hiro-o. Đó là bệnh viện gần nhất.
Anh bạn đồng nghiệp của tôi bị khá tệ. Anh không đứng nổi. Anh đau đớn và hầu như không nói được tiếng nào. Anh không thể bảo chúng tôi chuyện gì đã xảy ra. Nếu tôi không đi ngang qua, tôi ngờ rằng sẽ chẳng có ai làm điều đúng đắn cho anh ta cả. Người ta sẽ làm ngơ. Mà một mình người phụ nữ thì khó mà lôi anh ta lên ghế taxi được.
Chúng tôi là những nạn nhân sarin đầu tiên ở Bệnh viện Chữ thập Đỏ. Ở đấy người ta đã hét toáng lên: "Chúng ta có những nạn nhân đầu tiên rồi đây!" Lúc ấy tôi chưa nghĩ rằng mình có thể cũng đã bị nhiễm. Mũi tôi chảy nước nên tôi chỉ nghĩ là mình vừa nhiễm cảm. Tôi không nhận ra bất cứ một triệu chứng nào khác. Khi anh bạn đồng nghiệp đã được bác sĩ chăm sóc, tôi gọi bố mẹ anh để nói rõ việc đã xảy ra. Gọi thông được không dễ, nên phải sau 2 giờ chiều bố mẹ anh mới đến được bệnh viện. Lúc ấy nơi này đã chật lèn nạn nhân sarin. Người ta nằm tràn cả vào hành lang, tất cả đều đang được truyền dịch.
Tôi ở đây từ sáng và chẳng bao lâu đã biết hết các cô y tá. Một cô bảo tôi, "Tốt hơn anh cũng nên kiểm tra xem." Tôi nghĩ, "Sao không chứ?" và tôi vào khám. Tôi ở bệnh viện được nửa ngày rồi mà vẫn chưa làm xét nghiệm nào… Ừm, chắc chắn là đồng tử của tôi cũng bị co lại, nhưng quá nhẹ nên nhìn mọi vật chưa bị tối đi tí nào. Tuy vậy để phòng xa tôi vẫn óc kim vào người, truyền dịch một giờ.
Tôi nhớ một người thợ mộc cắt phải ngón tay đã nhào vào bệnh viện, người đầy máu me, có điều – tội nghiệp cho ông – ông không được ai đoái hoài đến cả. Kiểu cứ như là nói, "Bộ ông không thấy là chúng tôi đang chữa trị cho các nạn nhân sarin ở đây sao?" Tôi không thể không cảm thấy tội cho ông. Máu me khắp thế này, nom ông còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Truyền dịch xong tôi về sở. Mũi tôi vẫn chảy nước nhưng làm việc không sao cả. Sau đó tôi về nhà như thường lệ. Tôi đi trên một toa khác chứ không phải toa có sarin cho nên tôi xuống tàu nhẹ nhàng. Mãi sau tôi mới nghĩ đến chuyện khám khi tôi đưa người đồng nghiệp đến bệnh viện, và cũng do đó mà tên tôi được lên báo.
Người đồng nghiệp không còn ở công ty nữa. Năm ngoái anh đã chuyển đi, nhưng không liên quan gì đến vụ sarin. Trước đó anh đã khỏe mạnh rồi. Từ đó, tôi không biết thêm tin tức gì của anh nữa.
Tôi chỉ bị nhẹ cho nên ấn tượng của tôi về vụ đánh hơi độc cũng giống như đa số dân chúng. Dĩ nhiên tôi không nghĩ là nên bỏ qua cho loại chuyện này, nhưng ở trên và vượt ra ngoài chuyện đó, thì… Về sau, Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm gửi cho tôi thẻ đi Tàu điện ngầm miễn phí. Tôi nghĩ vụ đó cũng ảnh hưởng xấu đến ngành tàu điện ngầm.
"E không kịp mất. Cứ chờ xe cứu thương như thế này thì chết mất"
Naoyuki Ogata (28)
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...