Sáng hôm sau, chàng lững thững rời khách điếm, tìm chỗ ăn sáng. Tuyết vẫn rơi phủ trắng mặt đường và những mái ngói rêu phong.
Được vài chục bước, Phiêu Trần đi ngang qua chỗ lão già bán bánh hấp và một đám ăn mày đông khoảng tám chín người.
Thấy chàng, lão bán bánh hấp tươi cười bưng rổ bánh bước đến:
- Hôm qua công tử đưa bạc mà không lấy bánh, khiến tiểu nhân áy náy vô cùng. Sáng nay, công tử phải ăn mới được.
Bất ngờ, lão vung mạnh rổ tre, hất hàng trăm chiếc bánh nóng vào mặt Phiêu Trần. Chàng vội vung song chưởng quạt bay tất cả. Nhưng bọn hóa tử đã nhất tề xuất thủ, phóng những mũi phi đao mỏng như lá liễu vào người Phiêu Trần.
Đòn bất ngờ này đã thành công vì Phiêu Trần chỉ bảo vệ được mặt trước, còn lưng bị cắm ngập ba mũi ám khí. Biết mình đã lọt ổ mai phục, Phiêu Trần nghiến răng rút kiếm ập đến lão bán bánh. Giờ đây, trên tay đối phương là những thanh đoản đao, lúc trước giấu trong áo lông rộng thùng thình.
Phiêu Trần đã động nộ nên đường kiếm rất mãnh liệt, chặt phăng đao và nửa hộp sọ của đối phương. Đám hóa tử không ngờ chàng trúng ba đao trí mạng mà vẫn kiên dũng như vậy liền xông vào tấn công. Phiêu Trần nghe cổ có vị mặn biết phi đao đã chạm phổi, không dám kiên trì, tận lực phá vây. Chàng vung kiếm lao vào hai gã trước mặt, xuất chiêu Bát Tiên Trạch Hoa, đâm thủng ngực chúng.
Chàng chưa kịp thoát đi thì trước mặt xuất hiện thêm một toán người nữa, phóng ám khí cản đường. Bọn mới đến mặc võ phục đủ màu chứ không giả làm khất cái. Đứng đầu là lão nhân tuổi thất tuần, mặt dài như mặt ngựa, lạnh lùng và thâm độc.
Thấy Phiêu Trần vung kiếm gạt được ám khí, lão cười nhạt:
- Dù bản lãnh ngươi có cao cường đến đâu cũng không thoát khỏi tay của Phi Đao Môn.
Chàng giật mình khi nghe đến tên của tổ chức sát thủ thần bí này. Trong mọi thời đại, võ lâm luôn tồn tại những tổ chức hành nghề giết mướn, và ba chục năm nay, Phi Đao Môn độc quyền khai thác ngành kinh doanh tàn nhẫn này. Phiêu Trần cau mày hỏi:
- Ai đã mướn chư vị?
Lão mặt ngựa lạnh lùng đáp:
- Nể mặt người là bậc anh hùng, lão phu cũng chẳng giấu. Toàn Cơ Bang đã treo giá thủ cấp ngươi là ba ngàn lượng vàng đấy! Giờ hãy yên lòng mà nhắm mắt.
Toàn Cơ Bang tức là Khổng Tước Bang của Trương Tự Thanh. Từ nay chúng ta hãy làm quen với cái tên mới này.
Phiêu Trần mỉm cười:
- Lão mừng hơi sớm đấy!
Dứt lời, chàng lướt đến xuất chiêu Liên Hoa Cửu Biện (hoa sen xòe chín cánh) như chín cánh hoa bay đến thân trên đối phương. Lão mặt ngựa vung loan đao chống đỡ bằng một chiêu vũ bão. Có lẽ do chẳng nhận được thông tin đầy đủ nên lão không biết vũ khí trong tay Phiêu Trần là thần kiếm. Loan đao gãy ngọt và ngực lão mặt ngựa bị thủng ba lỗ.
Thấy đầu lĩnh gục ngã trên mặt lộ, máu phun hồng tuyết trắng, bọn thủ hạ Phi Đao Môn gầm lên, nhất loạt xông vào. Họ phối hợp cả đao pháp lẫn ám khí liên tục ném ra những mũi liễu điệp phi đao, quyết lấy mạng kẻ thù.
Phiêu Trần vũ lộng trường kiếm, tung hoành giữa hai chục gã sát thủ lợi hại. Nhất thời, chàng không thể phá được vòng vây của những kẻ hung hăn này. Vô Danh Kiếm như thần long bay lượn, chặt phăng vũ khí và xương cốt của bọn Phi Đao Môn. Chưa đầy nửa khắc, Phiêu Trần đã giết và đả thương được tám tên. Nhưng càng cử động, ba vết thương sau lưng càng đau nhức và chảy máu nhiều, mang theo sức lực của chàng trai thần dũng.
Phiêu Trần nghiến răng đánh chiêu Phật Quang Toàn Hiện, tạo màn kiếm ảnh dày đặc quanh thân rồi thoát đi. Chàng lướt nhanh về phía Lỗ gia trang, vào thẳng tận cuối vườn cây điêu tàn, rồi vượt sang chùa Bạch Mã Tự.
Tuyết bỗng rơi mù mịt khiến bọn Phi Đao Môn mất dấu, bỏ đi.
Nhờ sự chăm sóc của các tăng lữ trong chùa, và số linh đan, thuốc kim sang của Tú Châu mà chàng mang theo trong người, nên chỉ bảy hôm sau Phiêu Trần đã hồi phục được sáu phần, khởi hành về Trường Sa.
Chàng mang mặt nạ vì biết qui củ của Phi Đao Môn đã nhận lời thì không bao giờ bỏ nửa chừng. Trong dung mạo của một hán tử tứ tuần khăc khổ, Phiêu Trần ung dung rong ruổi, vượt qua những cặp mắt cú vọ của đối phương.
Mờ sáng ngày hai mươi sáu, chàng vượt sông Hoài, và trưa hôm sau đã có mặt trong thành Tín Dương.
Lúc đi ngang Nam Phong Đại Tửu Lâu, chàng bỗng nghe trên lầu vọng xuống tiếng cười khanh khách của ai đó, sao giống Phỉ nhi lạ thường. Phiêu Trần dừng ngựa trao cương cho gã tiểu nhị rồi bước lên lầu trên, quả nhiên đúng là đứa con nuôi tinh quái của chàng.
Phỉ nhi đang ngồi bàn với một gã áo đen lạ mặt, hình dung khá tức cười. Người này tuổi độ hơn bốn mươi, đầu nhẵn nhụi chẳng khác gì Sở Phỉ. Râu gã rậm rì nhưng trên đôi mắt đen tròn kia lại chẳng có cọng lông mày nào cả. Nhìn chung, phong thái của gã rất hiên ngang, khí phách và vẻ uy vũ thoát ra từ thân hình chắc nịch, cuồn cuộn bắp thịt. Thế mà Phỉ nhi cứ vỗ vai gã mà xưng huynh đệ.
- Miêu huynh! Tiểu đệ không ngờ bách tính Tây Bắc lại nhớ đến chút công lao nhỏ mọn của giòng họ Sở, cử Miêu huynh đến Trường Sa. Nay giữa đường gặp gỡ, Tam Tuyệt Đồng Tử này xin được đưa Miêu huynh về giới thiệu gia tổ.
Hán tử họ Miêu lộ vẻ băn khoăn:
- Nhưng không hiểu bao giờ Sở đại hiệp mới có mặt ở Sở gia trang? Tại hạ cần gặp cho được người mới thỏa nguyện. Hơn nữa, tại hạ còn phải chuyển lễ vật của bộ tộc Đông Hương đến tận tay Sở đại thiện nhân.
Phiêu Trần ngồi xuống bàn gần đấy, vừa ăn uống, vừa lắng tai nghe câu chuyện. Té ra gã họ Miêu này từ Cam Túc đến, và là người của bộ tộc Đông Hương, một trong những sắc dân thiểu số vùng Tây Bắc. Phỉ nhi hiếu kỳ hỏi:
- Người Đông Hương định tặng gia phụ vật gì vậy? Miêu huynh thử lấy cho tiểu đệ xêm thử.
Họ Miêu lưỡng lự:
- Vật quý chẳng nên đem khoe ra giữa chốn đông người!
Phỉ nhi cười nhạt:
- Oai danh của Nga Mi Đại Kiếm Khách bao trùm thiên hạ. Chẳng ai dám làm càn mà ra tay cướp đoạt đâu! Miêu huynh đừng ngại!
Câu nói ngông cuồng của Phỉ nhi đã khiến Phiêu Trần nổi giận, định lên tiếng trách mắng. Nào ngờ có người đã phản ứng trước. Đó là một chàng công tử tuổi độ ba mươi lăm, ba mươi sáu, mặc trường bào bằng gấm Hoàng Châu, ngoài khoác áo lông cáo trắng muốt. Trên chiếc mũ lông hải ly có gắn một viên ngọc nâu to bằng hạt nhãn, mặt gã khá anh tuấn nhưng sát khí loang loáng từ đôi mắt dài đã làm giảm đi vẻ quyến rũ của hàm râu mép tỉa rất đẹp.
Người này ngửa cổ cười ha hả:
- Thúi thật! Thúi thật! Nga Mi Đại Kiếm Khách là cái quái gì mà tiểu tử ngươi dám tán tụng đến mây xanh như vậy? Bổn công tử từ Đông Hải vào đây, cũng đang tìm gã mà thử vài chiêu!
Phỉ nhi tái mặt:
- Gia phụ không có mặt, túc hạ cứ so tài với Tam Tuyệt Đồng Tử ta cũng được.
Hán tử họ Miêu vội đứng lên nghiêm giọng:
- Tuy Sở hiền đệ đây hơi quá lời, nhưng Sở đại hiệp đúng là bậc kỳ nhân nam tử có một không hai, và là đại ân nhân của trăm vạn dân Tây Bắc. Nếu các hạ xúc phạm đến, đừng trách Miêu mỗ tàn nhẫn.
Chàng công tử áo tím đứng phắt lên cười ngạo nghễ:
- Giống man di mọi rợ mà cũng dám lên mặt với Đài Loan Kiếm Khách ư?
Phiêu Trần từng nghe đến danh tự này, biết gã tên gọi Văn Sĩ Luyện. Họ Văn nổi tiếng khắp đảo Đài Loan và các tỉnh Duyên Hải và kiếm pháp nhanh như điện và tàn độc khôn lường.
Như vậy, lão đạo sĩ râu năm chòm bạc phơ cùng bàn với Văn Sĩ Luyện chính là Đông Hải Thần Quân, là cao thủ thuộc phái Toàn Chân, chấp chưởng một đạo quán trên đảo Đài Loan. Tuổi ông gần trăm, kiếm thuật đã đến mức thâm huyền.
Hán tử họ Miêu bị mắng là man mọi, trao tay nải cho Phỉ nhi rồi bước về phía họ Văn. Những bước chân của gã trầm ẩn và thân hình uyển chuyển như loài báo gấm. Các thực khách hiếu sự đã kịp kéo bạt bàn ghế tạo chỗ trống làm đấu trường.
Họ Miêu đứng cách đối phương một trượng, gằn giọng:
- Ngươi dám mắng Miêu Vô Mi là không còn muốn sống nữa rồi.
Họ Miêu chậm rãi rút thanh đao bên hông ra, hình dáng của nó khá lạ mắt vì thẳng, có mũi nhọn và sắc cả hai bề như kiếm. Chỉ khác ở chỗ là bản rất lớn và mỏng.
Đông Hải Chân Nhân cau mày nói:
- Luyện nhi chớ khinh thường! Hắn ta là truyền nhân của Hà Tây lão quái đấy.
Hà Tây là đại danh để chỉ vùng đất ở nhánh Tây Hoàng Hà. Miêu Vô Mi cười nhạt:
- Dù lão có quen với gia sư hay không thì cũng đã trễ rồi. Quái đao đã rút ra thì phải dính máu mới chịu chui vào vỏ.
Dứt lời, họ Miêu lướt đến tấn công, đao ảnh của gã có màu vàng nhạt và đao kình xé không gian tạo ra những tiếng rít như xé lụa. Pho Cuồng Sa Đao Pháp của Hà Tây quái lão đã lừng danh sáu chục năm nay.
Đài Loan kiếm khách ỷ tài, vung kiếm đón chiêu. Thủ pháp của gã nhanh như thiểm điện, chặn đứng được đường đao. Nhưng họ Văn cũng phải lùi hai bước, vì đao kình của đối phương quá mạnh.
Lúc này, Văn Sĩ Luyện mới biết ngán sợ thần lực của họ Miêu. Gã nhủ thầm vận xui của mình, vừa đặt chân vào nội địa đã gặp ngay một đối thủ khó chơi. Miêu Vô Mi không hề để cho đối thủ có thời gian suy nghĩ, dấn tiếp đến một chiêu như sấm sét, Đài Loan kiếm khách phải tận lực chống đỡ và lại bị đẩy lùi.
Sau sáu lần va chạm, Văn Sĩ Luyện đã chạm vách lầu, không còn đường để thoát lui nữa. Lúc này Miêu Vô Mi lạnh lùng xuất chiêu tối hậu. Thân hình gã lao đến như mãnh hổ vồ mồi, đao ảnh loang loáng và cuồn cuộn như bão cát. Văn Sĩ Luyện kinh hãi thét lên:
- Sư phụ!
Đông Hải Chân Quân chẳng nỡ để học trò thảm tử liền phóng đôi đũa trên tay vào lưng họ Miêu. Thủ đoạn đê tiện này quả không xứng với thân phận một đại nhân vật như Chân Quân.
Phỉ nhi vội quát vang:
- Ám khí!
Nhưng đã quá trễ vì đôi đũa bay nhanh như chớp, sắp cắm vào lưng Miêu Vô Mi. Bất ngờ, có một vệt tròn dẹp bay đến đẩy bạt đôi đũa tre độc hại sang một bên. Và Đài Loan kiếm khách rú lên thảm khốc vì thân hình đã bị quái đao của họ Miêu chặt làm đôi.
Đông Hải Chân Quân rụng rời, đứng lên chỉ mặt Miêu Vô Mi:
- Tên man mọi kia, sao ngươi lại hạ thủ tàn nhẫn như vậy? Bần đạo sẽ giết ngươi để đòi nợ cho ái đồ!
Phiêu Trần biết họ Miêu không thể nào địch lại Chân Quân, liền đứng phắt lên cười nhạt:
- Lệnh đồ vô cớ nhục mạ người. Song phương giao đấu công bằng, tiền bối lại phóng đũa ám toán, nay còn trách người là sao?
Chân Quân quay sang nhìn chàng, gằn giọng:
- Té ra ngươi là kẻ đã phóng đũa chặn đôi đũa của bần đạo đấy ư? Muốn chết thì cứ liên thủ với gã họ Miêu, bần đạo rất vui lòng!
Miêu Vô Mi giờ đây mới biết hán tử kia đã cứu mạng mình. Gã vòng tay nói:
- Cảm tạ huynh đài! Việc này tại hạ có thể đối phó được.
Phiêu Trần nghiêm giọng:
- Miêu các hạ có chắc là mình địch lại Đông Hải Chân Quân hay không?
Họ Miêu lúng túng gãi đầu:
- Nếu đúng là lão ta thì tại hạ chẳng dám bì, nhưng dũng sĩ bộ tộc Đông Hương không bao giờ sợ chết mà lùi bước.
Phiêu Trần cười mát:
- Nhưng các hạ còn có nhiệm vụ phải đưa tặng vật đến Trường Sa cơ mà! Xin hãy nhường cho tại hạ trận này!
Không chờ họ Miêu đồng ý, chàng rút kiếm chỉ mặt Đông Hải Chân Quân:
- Lão đừng tưởng đất Trung Nguyên không có người mà vào đây diễu võ dương oai! Ta dù là kẻ hậu sinh cũng không thèm dùng thủ đoạn ám toán như lão đâu!
Nói xong, chàng vung kiếm tấn công ngay. Đối với Đông Hải Chân Quân, Phiêu Trần chỉ không phục chứ chẳng có oán thù gì, vì vậy chàng dùng kiếm thuật thông thường mà tỷ thí. Chân Quân từng vào Trung Nguyên luận kiếm ở Hoa Sơn nên nhận ra ngay tuyệt học phái Nga Mi. Ông cười nhạt:
- Té ra ngươi là đệ tử Nga Mi!
Phiêu Trần lẳng lặng xuất chiêu Tây Phong Thôi Lãng trong pho Thủy Lãng Kiếm Phổ, của Giang Nam Quái Hiệp. Tuy không có thời giờ tập luyện nhưng với một người căn cơ thượng phẩm như Phiêu Trần, dù ngồi trên mình ngựa dùng ngón tay làm kiếm cũng có thể học được mấy thành. Những lúc dừng chân dọc đường, chàng cũng không quên nghiên cứu, đó cũng là thói quen của người kiếm sĩ.
Chân Quân kinh ngạc ồ lên:
- Sao chiêu này lại không phải?
Phiêu Trần thấy lão giải phá dễ dàng, lòng rất khâm phục và không khỏi nảy sinh cảm giác hiếu thắng. Chàng liên tiếp tung ra những chiêu kiếm của hai pho, khiến cho đối phương chẳng làm sao nhận ra lộ số.
Đông Hải Thần Quân cũng là người mê kiếm, gặp đối thủ xứng tay lão quên cả hận thù, say sưa hóa giải. Miêu Vô Mi xuất thần theo dõi, ồ lên tán thưởng những chiêu lợi hại. Bỗng gã nhận ra Phỉ nhi đã đến đứng bên mình và mặt mày buồn so, đầy vẻ sợ hãi, gã hỏi ngay:
- Sao mặt mũi hiền đệ khó coi như vậy?
Phỉ nhi rầu rĩ đáp:
- Phen này tiểu đệ tiêu rồi! Hán tử kia chính là gia phụ đấy! Lần này người đã nghe được lời hênh hoang của tiểu đệ tất sẽ đuổi về Kỳ Liên Sơn thôi!
Miêu Vô Mi mừng rỡ:
- Té ra Sở đại hiệp đấy sao? Hhèn gì kiếm pháp tuyệt luân khiến ta phải đê đầu bái phục!
Gã dừng lại, xoa đầu Phỉ nhi an ủi:
- Thôi được! Để ta khẩn cầu đại hiệp tha cho hiền đệ. Nhưng lần sau đừng đại ngôn như thế nghe chưa?
Phỉ nhi ngượng nghịu đáp:
- Tiểu đệ đã tự dằn lòng, thế mà không hiểu sao cái tật khoe khoang cứ len lén ló ra.
Họ Miêu cười khì, quay sang tiếp tục quan sát trận so kiếm. Đã đến chiêu thứ sáu trăm mà thấy Phiêu Trần vẫn chưa cạn vốn hay đuối sức, Đông Hải Chân Quân bực bội đánh mạnh một chiêu vũ bão, đẩy lùi đối thủ. Rồi lão nhún chân bốc lên cao, bủa lưới kiếm xuống đầu Phiêu Trần. Chàng biết lão đã động sát cơ, nên kiếm ảnh bao trùm một phạm vi hai trượng vuông, kiếm khí lập loè đe dọa.
Phiêu Trần dồn toàn lực xuất chiêu Liên Phòng Tế Nguyệt (gương sen che trăng) là chiêu thứ ba trong Thiên Xảo Tam Chiêu. Thân hình chàng như mũi tên bay vút lên, và bảo kiếm hóa thành gương sen tròn trịa. Ba mươi sáu hạt sen trên gương là ba mươi sáu mũi kiếm thập thò.
Đông Hải Chân Quân thấy đối phương biến mất, chỉ còn lại bàn chông tròn đáng sợ, lòng cũng nao núng nhưng không còn cách nào dừng lại được nữa. Hai màn kiếm quang chạm nhau ngân dài và tắt lịm, nhường chỗ cho tiếng thét đau đớn của con người. Đông Hải Thần Quân bị đâm thủng bụng và đùi, phi thân qua cửa sổ đi mất. Còn Phiêu Trần ôm ngực rơi xuống. Mặt tái xanh, nhưng vẫn mỉm cười.
Chàng đã thắng nhờ xuất thủ đúng lúc, nếu kéo dài thêm nữa thì kẻ chiến bại sẽ là chàng. Thấy máu rỉ qua kẽ bàn tay, Phỉ nhi chạy đến mếu máo hỏi:
- Phụ thân có sao không?
Ánh mắt thiết tha của cậu bé đã làm dịu nỗi giận trong lòng, Phiêu Trần lắc đầu:
- Ta không sao, chỉ bị gãy một lóng xương lồng ngực mà thôi!
Mồ hôi tuôn đổ làm ướt lớp da mặt, Phiêu Trần lột mặt nạ, dùng tay áo để lau.
Miêu Vô Mi quỳ ngay xuống:
- Sở đại hiệp! Hơn tháng trước, tù trưởng các bộ tộc miền Tây Bắc đã họp lại và quyết định cử Miêu Vô Mi này đến làm nô bộc cho đại hiệp để đền chút ơn tái tạo. Mong đại hiệp thu nạp cho.
Phiêu Trần điểm huyệt chỉ huyết xong, điềm đạm đáp:
-Tại hạ dùng tài sản của bách tính để chẩn tế bách tính, xét ra chẳng có công lao gì cả. Các hạ cứ về thưa với các tù trưởng như vậy.
Họ Miêu nghiêm giọng:
- Bất kể nguồn gốc của số tài sản kia ở đâu ra, trăm vạn lê dân Tây Bắc đã nhờ đại hiệp mà qua được tai họa. Riêng gia đình tiểu nhân đã có chín người sống sót sau trận hạn hán. Nếu Đại hiệp không nhận lời, tiểu nhân xin chết tại đây chớ không mặt mũi nào trở về Tây Bắc nữa.
Ánh mắt kiên quyết của gã khiến Phiêu Trần không dám từ chối. Người Tây Bắc chất phác, thẳng thắn và không biết sợ chết. Chàng thở dài bảo:
- Thôi được! Nếu các bộ tộc đã muốn thế, tại hạ đành phải lãnh thọ! Các hạ cứ gọi ta là công tử, xưng tại hạ là được rồi.
Miêu Vô Mi hoan hỉ thi đại lễ, đứng lên nói:
- Xin công tử để thuộc hạ trị thương cho.
Gã lục hành lý, lấy ra một lá cao đen sì, vạch áo Phiêu Trần, dán lên miệng vết thương. Xem ra dược lực của loại cao này còn tuyệt diệu hơn cả Sinh Cơ Tục Cốt Giao của Tú Châu nữa. Vết thương lập tức ngưng rỉ máu và cơ hồ bao đau đớn cũng tiêu tan cả.
Phiêu Trần vỗ vai họ Miêu tỏ ý cám ơn. Chàng gọi chưởng quỹ, đưa cho lão nén vàng, gọi là bù đắp tổn thất.
Về đến khách điếm, Phiêu Trần gọi Phỉ nhi:
- Tam Tuyệt Đồng Tử, xin mời đến đây!
Giọng chàng lạnh lẽo khiến Phỉ nhi run lên bần bật. Cậu bé quì xuống, tự tay tát vào mặt mình mấy chục cái. Phiêu Trần cười nhạt:
- Ngươi làm gì vậy?
Phỉ nhi khóc nói:
- Hài nhi biết tội nên tự ra tay trừng phạt cái miệng thối tha này, không dám để phụ thân phải bẩn tay.
Phiêu Trần gật gù:
- Biết lỗi thế là được! Nhưng thực ra ta muốn gọi ngươi để hỏi thăm tin tức ở nhà thôi!
Phỉ nhi dở khóc, dở cười đứng lên lẩm bẩm:
- Té ra mình bị đòn oan rồi!
Phiêu Trần phì cười:
- Không oan đâu, nếu không có mấy cái tát ấy, ngươi đã được phép trở lại Kỳ Liên Sơn để tha hồ múa mép khoe khoang rồi! Lần sau, dù ngươi có đập đầu chảy máu cũng đừng hòng ta tha cho.
Phỉ nhi sợ hãi cười cầu tài:
- Phụ thân yên tâm, không có lần thứ ba đâu.
Cậu bé liến thoắng kể lể:
- Mấy ngày trước, hài nhi lo lắng cho phụ thân nên trốn nhà đi tìm. Hôm kia, lúc còn cách Tín Dương hai chục dặm. Hài nhi có nhìn thấy đoàn người của Sách Nhị Tổ xuôi Nam, nhưng họ không thấy hài nhi. Khi đến Nam Phong Đại Tửu Lâu mới quen Miêu Đại ca!
Biết bọn Sách Siêu đã an toàn, Phiêu Trần yên tâm ở lại Tín Dương một đêm, sáng hôm sau mới khởi hành.
Trên đường đi, Phỉ nhi buột miệng hỏi:
- Hôm qua, Miêu đại ca bảo rằng có lễ vật tặng gia phụ, sao không thấy đưa ra?
Họ Miêu thản nhiên đáp:
- Đối với dân Tây Bắc, con người là bảo vật quí giá nhất trên đời. Bản thân ta chính là tặng phẩm ấy! Miêu Vô Mi từng đoạt danh hiệu Hà Tây Đệ Nhất Dũng Sĩ nên mới được chọn để dâng lên Sở đại hiệp.
Phiêu Trần thở dài:
- Ngươi hãy trở về cố thổ mang vợ con đến Trường Sa chung sống. Có thế ta mới đỡ áy náy.
Miêu Vô Mi:
- Đa tạ công tử đã quan tâm! Thuộc hạ luyện Tuyệt Dục Đồng Nam Tâm Pháp nên suốt đời không có thê tử!
Phiêu Trần giật mình, không thể ngờ họ Miêu lại hiếu võ đến mức từ bỏ lạc thú nhân sinh.
Phỉ nhi cười hì hì:
- Té ra đại ca cắt phăng cái của nợ ấy đi rồi phải không?
Họ Miêu đỏ mặt:
- Ngươi chỉ nói bậy! Gia sư dùng thủ pháp đặc biệt phong tỏa vĩnh viễn huyệt liên quan đến cảm giác nhục dục, chứ đâu cần phải thiến như bọn hoạn quan!
Ngay chiều hôm ấy, bọn Phiêu Trần gặp Kim Nhãn Điêu, Tư Đồ Lan và Diệp Tú Châu từ hướng Nam đi ngược lên để tìm Phỉ nhi. Hai phe nhập lại đồng hành về Trường Sa.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...