Ông Trương xuất viện, bố tôi liền đưa ông trở về thôn Lý Tập.
Nhắc đến tờ hóa đơn thanh toán viện phí, tôi nhếch mép lên cười méo xẹo như người bị đau răng. "Bây giờ thì mình đã biết tầm quan trọng của đồng tiền rồi, mình phải đi kiếm tiền mới được."
Chu Nhuệ cười. "Cậu có kế gì kiếm được tiền, nói ra tôi nghe xem nào!"
Tôi thì có kế gì? Nói đi nói lại, chắc cũng chỉ giống như các bạn học khác, cùng lắm là làm nhân viên phục vụ ở các quán ăn theo giờ đi phát tờ rơi, làm nhân viên bán hàng trong siêu thị, mệt thì có mệt thật, tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao, nhưng tôi thục sụ không nhẫn tâm để một mình bố gánh vác.
Chu Nhuệ không khách sáo chỉ ra cho tôi thấy tôi đang lãng phí thời gian. "Lương lậu khi làm những công việc này thấp kinh khủng, một tuần cùng lắm cậu chỉ làm được bốn buổi, mệt gần chết, lên lớp chỉ muốn ngủ gật, một tháng không kiếm nổi tám trăm tệ, không đáp ứng đủ mức sống thấp nhất, muốn nhờ vào việc này mà giúp bố cậu trả nợ thì thật hoang đường.
Có tám trăm tệ có nghĩa là tôi không cần bố gửi tiền sinh hoạt phí cho tôi nữa, ít nhất cũng giúp được ông đôi chút. Tôi lườm cậu ta: "Không thế thì làm thế nào? Nghe nói đi bán thân kiếm được nhiều hơn đấy, nhưng cậu chắc chắn sẽ mỉa mai tôi, chê tôi bán không được giá cao cho mà xem."
Cậu ta thấy tâm trạng của tôi không tốt nên cũng biết điều không nói thêm gì nữa.
Hai hôm sau, anh Triệu Thủ Khác giới thiệu cho tôi một công việc, đó là làm nhân viên kiểm hàng ở một công ty bán hàng thời trang qua mạng. Nói một cách đơn giản là, những đơn hàng nhận được từ khách hàng sẽ được gửi đến kho, tôi và các nhân viên khác sẽ phân loại hàng hóa, đóng gói và giao cho nhân viên công ty chuyển phát nhanh.
Nghe thì không hề phức tạp, bắt đầu làm cũng rất dễ, nhưng ngày đầu tiên đi làm, tôi đã phải ngồi trên mạng làm công việc giới thiệu hàng, rồi lưu những đơn hàng mà khách đặt vào máy tính, đơn hàng cứ tấp nập bay đến như tuyết rơi. Sau bốn tiếng đồng hồ, tôi thực sự cảm thấy lưng không thể ưỡn thẳng lên được. Tôi ngồi bất động bên đống thùng giấy, đồng nghiệp an ủi: "Mấy ngày đầu đều như vậy, một thời gian nữa sẽ cảm thấy đỡ mệt hơn."
Chưa đợi tôi thốt ra lời, có người đã đá vào thùng giấy, giục: "Nào nào, làm việc đi, làm việc đi, bây giờ vẫn đang trong giờ làm việc đấy, ngồi không như thế còn ra thể thống gì."
Tôi ngoảnh đầu lại nhìn, là cái chị Đổng Nhã Minh đã lâu rồi chưa gặp. Sau khi chị ta nói xong cũng không thèm nhìn tôi mà nhấc giày cao gót ung dung bước đi. Tôi ngẩn người, hỏi đồng nghiệp: "Chị ta làm gì vậy?"
Đồng nghiệp cười. "Cháu gái của sếp tổng, con gái của sếp phó tổng, cũng coi như là sếp nhỏ của chúng ta, phụ trách kiểm tra hiệu quả công việc của chúng ta, tốt nhất là đừng để cô ta nhìn thấy chúng ta ngồi chơi."
Tôi muốn chửi thầm anh Triệu Thủ Khác, dám không cảnh báo cho tôi biết trước mà đã ném tôi vào tay bạn gái của anh ta để một mình tôi phải tìm lấy đường sống.
Có điều sự việc cũng không tồi tệ như tôi tưởng tượng.
Sếp tổng là bác của Đổng Nhã Minh, ông ta còn mở một xưởng may quần áo, sếp phó tổng là mẹ của Đổng Nhã Minh. Hai người chung vốn đăng ký thành lập công ty thương mại bán quần áo qua mạng. Quy mô công ty không lớn lắm, tính cả hai sếp, một kế toán, bốn nhân viên phục vụ khách hàng và thêm tôi cùng những nhân viên kiểm hàng khác cũng chưa đến hai mươi người. Đổng Nhã Minh sắp tốt nghiệp rồi nhưng nhất thời chưa tìm được công việc thích hợp, nên tạm thời đến đây làm việc. Chị ta chưa từng đến làm phiền tôi, chị đi ra đi vào, tiếp tục giữ thái độ khinh khinh không nhìn thẳng vào mặt tôi, khiến tôi cảm thấy hơi nực cười.
Gần một tuần làm thêm khiến tôi mệt rũ rượi, mỗi ngày về đến ký túc xá là tôi vùi đầu vào ngủ, ngồi học trên giảng đường cũng ngủ gà ngủ gật. Sau đó, tôi cảm thấy quen hơn và nhẹ nhàng hơn nhiều. Mặc dù thu nhập chẳng đáng là bao nhưng ưu điểm của công việc này là thời gian linh hoạt, lại cách trường không xa. Tôi làm việc rất chăm chỉ, sếp phó còn trực tiếp khen ngợi tôi, đồng thời cảm thán: "Con nhà nghèo đúng là chịu khổ giỏi.'
Tôi tiếp tục làm việc, Đổng Nhã Minh bỗng đi đến cạnh tôi, nói nhỏ: "Xin lỗi. Mẹ tôi hay nói năng như vậy đó."
Tôi ngạc nhiên quay đầu lại. "Gì cơ?"
"Mẹ tôi nói cô là con nhà nghèo gì gì đó..., cô đừng để ý.”
Trước đây, tôi thật sự không có khái niệm gì về "cái nghèo", thu nhập cùa người dân thị trấn nhỏ cũng có người cao, ngươi thấp, và bố tôi chỉ thuộc vào hàng đủ ăn, không đến nỗi buồn phiền, lo lắng về miếng ăn, cái mặc. Nhưng dối với tôi, những người có thu nhập cao không làm tôi thấy hứng thú, tôi chưa bao giờ ngưỡng mộ họ. Người giàu có duy nhất tôi biết là Chu Nhuệ, nhưng cậu ta vẫn thường xuyên đến nhà tôi ăn cơm chực. Bây giờ nghĩ lại, bố tôi nợ một khoản tiền viện phí lớn, tôi hạ quyết tâm tiết kiệm tiền, tiết kiệm đến nỗi bạn cùng phòng đứa nào cũng thở dài, đúng là rất phù hợp với tiêu chuẩn của "con nhà nghèo", thế nên không đến nỗi vì một câu nói cùa mẹ chị ta mà cảm thấy tổn thương lòng tự trọng. Nhưng điều tôi không ngờ là, Đổng Nhã Minh đã cố tình dùng câu nói khắc nghiệt đó để châm chọc tôi, mặc dù bây giờ chị ta nói xin lỗi tôi vì mẹ chị ta chê tôi nghèo, nhưng tôi nhất thời không thể phản ứng lại.
"Cũng không hiểu vì sao, mẹ tôi đặc biệt để ý đến tiền bạc tiêu chuẩn đánh giá người khác chính là điều kiện vật chất. Mẹ tôi nghĩ rằng nhược điểm của anh Thủ Khác là quá nghèo."
Ồ, hóa ra nhờ anh Triệu Thủ Khác, tôi cũng được thơm lây. Tôi cười tươi. "Bà ấy là bà chủ, theo tiêu chuẩn của bà ấy, anh Thủ Khác đương nhiên chỉ là người nghèo."
Đổng Nhã Minh nhếch môi. "Hiện nay lợi nhuận ngành thời trang thấp, công ty này đã hoạt động được hai, ba năm mà vẫn ở quy mô như vậy, cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, gia đình tôi cũng chỉ có chút vốn, không hiểu cảm giác hơn người đó ở đâu ra?"
Tôi không muốn ngay lúc này cũng chỉ ra cho chị ta thấy rằng chính chị ta lúc nào cũng có cảm giác hơn người. Tôi chỉ nhún vai nói: "Chị đừng lo lắng về việc này nữa, chứng minh bản thân tuy nghèo nhưng vẫn có tương lai, tiền đồ, đó là điều anh Triệu Thủ Khác cần làm, chị không cần buồn phiền thay anh ấy"
"Nhưng mẹ tôi bắt tôi và anh ấy chia tay."
"Chị nghĩ thế nào?"
Chị ta do dự một hồi rồi nói nhỏ: "Tôi không nỡ xa anh ấy."
Chẳng hiểu tại sao chị ta lại tâm sự với tôi, tôi không muốn tùy tiện khuyên nhủ chị ta, chỉ nói: "Chị mới hai mươi hai tuổi, anh Thủ Khác cũng chỉ có hai mươi ba, chắc chị cũng chẳng muốn vừa tốt nghiệp đã kết hôn, mà anh ấy cũng phải học cao học, thế nên hai người có rất nhiều thời gian để quyết định tương lai phải làm gì, đâu cần việc gì cũng phải báo cáo với mẹ chị."
Tôi phát hiện, lúc mình nói những câu vớ vẩn tưởng như chẳng có tác dụng gì với bộ mặt nghiêm túc thì lại được hoan nghênh hơn khi tôi nói những lời châm chọc. Đổng Nhã Minh có vẻ nghe ra. Nhưng khả năng cao hơn là chị ta cuối cùng đã nhận ra, anh Triệu Thủ Khác thường dạy dỗ tôi chẳng khác nào dạy một đứa em, việc dạy dỗ đó cũng không có gì thân thiết đặc biệt, hơn nửa giữa chúng tôi không có bất cứ tình cảm ám muội nào. Tôi chẳng có điểm gì uy hiếp chị ta, mà tôi cũng đồng thời quen hai người bọn họ, lại còn ủng hộ tình yêu của bọn họ. Thế nên từ đó về sau, chị ta dường như đã coi tôi là bạn.
Tuy nhiên, tôi chẳng đế ý đến tình bạn đột ngột từ trên trời rơi xuống này. Khi không coi tôi là thù địch, chị ta không còn công kích, mỉa mai tôi nữa, và tôi phát hiện con người chị ta thực ra cũng rất được, hoạt bát vui vẻ, khi cười trông vô cùng đáng yêu, không hề có mưu kế gì, thảo nào cái anh Triệu Thủ Khác kỳ quái đó thích chị ta. Tôi chỉ không hiểu, rõ ràng anh Triệu Thủ Khác không phải là kiểu đàn ông lãng mạn, biết chiều phụ nữ, sao chị ta lại thích anh ấy được nhỉ?
Ý nghĩ này chỉ thoáng qua trong đầu, còn tôi thực sự không nhàn rỗi đến mức lo lắng thay cho họ.
Ông Trương về nhà được hơn nửa tháng thì lại đổ bệnh và được đưa vào bệnh viện huyện.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...