Nếu Được Yêu Như Thế

Máu và gen dường như có mối liên quan thần bí. Năm đó,
Thời Mộ Hề có người con trai là nhiếp ảnh gia trong cung vua tên là Thời Duệ
Ngọc, và người con gái học múa ba lê, từ đó họ Thời đời đời kiếp kiếp có duyên
với ba lê.

Tử Chấn đang tập múa trong hội trường, bỗng có tin
nhắn, hóa ra là của Thuấn Nhân, cô ấy nói đang đứng ở cổng.

Thuấn Nhân tìm đến chỗ Tử Chấn với dáng vẻ của một
người đi bắt tội người khác. Tử Chấn nhìn Thuấn Nhân bằng ánh mắt khó hiểu.
Thuấn Nhân nói: “Lý Triệt chuyển đi khỏi nhà anh rồi, anh ấy đến ở nhà của một
bạn khác rồi.”

Tử Chấn cười nhạt: “Thế thì có liên quan gì đến anh?”

Thuấn Nhân nói: “Sao lại không liên quan? Tối qua anh làm
như thế, tất nhiên anh ấy không dám ở nhà anh nữa rồi.”

Tử Chấn không trả lời mà còn hỏi lại: “Vì chuyện này
à? Thế thì anh có ba điều muốn nói. Thứ nhất, Lý Triệt đi rồi, anh rất vui
mừng. Thứ hai, nếu em không vui, em có thể đi cùng nó. Thứ ba, sau này đừng
nhắn tin cho anh nữa.”

Thuấn Nhân rút điện thoại ra, xóa số của Tử Chấn. Tử
Chấn đứng bên cạnh nhìn. Thuấn Nhân xóa xong, Tử Chấn lại kiểm tra lần nữa.
Thuấn Nhân nói: “Điện thoại của anh đâu? Anh cũng xóa số của em đi, đừng tìm em
nữa.”

Tử Chấn không mang điện thoại theo người. Thuấn Nhân
đi cùng anh vào trong hội trường, bắt anh xóa số của mình.

Hai người đối mặt một lúc, thái độ lạnh lùng. Thuấn
Nhân tuyên bố: “Bây giờ em sẽ chuyển đi.” Tuy nói như vậy, nhưng Thuấn Nhân
cũng không biết đi đâu. Nếu đi với Lý Triệt thì Châu Văn làm thế nào? Không thể
để cậu ấy một mình ở tứ hợp viện, như thế tội cho cậu ấy quá. Thuấn Nhân mong
sao Tử Chấn cố nhịn một chút, như thế cô cũng dễ rút lại lời nói.

Không ngờ Tử Chấn đáp trả ngay: “Chuyển đi thì chuyển
đi.” Còn chưa hết, anh lại thêm một câu: “Nhưng anh còn phải canh chừng em, ai
mà biết được em sẽ lấy thứ gì nhà anh đi.”

Thuấn Nhân nổi giận đùng đùng, đi ra ngoài. Tử Chấn
hét với theo: “Anh đang tập, không đi được, anh không ở nhà, em không được đi
đâu đấy.”

Thuấn Nhân nghe thấy Tử Chấn nói vậy liền quay đầu
lại, đi đến đến trước mặt Tử Chấn nói: “Khi nào anh về nhà?”

Phùng Dư cao giọng nhắc nhở: “Tử Chấn, còn làm gì nữa
thế? Lên sân khấu nhanh lên!”

Lúc này Thuấn Nhân mới nhìn thấy thầy giáo ngồi đó,
không dám nhiều lời nữa, lặng lẽ đi đến, ngồi bên cạnh Phùng Dư xem Tử Chấn tập
trên sân khấu.

Tử Chấn tập xong, Thuấn Nhân vẫn còn muốn xem nên hỏi:
“Hết rồi à? Không diễn phần khác à?”

Tử Chấn nói: “Hôm nay em có chuyển đi không?”

Lúc này Thuấn Nhân mới nhớ ra cuộc nói chuyện lúc nãy
giữa hai người: “Muốn em chuyển đi cũng được thôi, sau này anh có diễn thì phải
mời em đến xem đấy.”

Tử Chấn không nói gì, quay đầu đi vào trong hậu

trường.

Thuấn Nhân đi tới. Tử Chấn đang thay quần áo. Hai tay
giơ lên, lột cái áo tập ra khỏi cổ, để lộ làn da bánh mật trước mắt Thuấn Nhân.
Thuấn Nhân hơi ngượng, nói: “Cái anh này, cởi áo sao không vào chỗ nào không có
người mà cởi?” Tử Chấn lại cởi đến quần tập, Thuấn Nhân vội quay người đi. Tử
Chấn giọng mỉa mai: “Sao nói thích nghệ sĩ mà? Nghệ sĩ đều thế cả.”

Thuấn Nhân không nói được gì, Tử Chấn lẩm bẩm: “Đúng
là Diệp Công thích rồng[1].”

[1]
– Diệp Công thích rồng bắt nguồn từ một câu chuyện cổ của Trung Quốc. Thời Xuân
Thu. Ở nước Trần có người tên là Diệp Công rất thích rồng. Trong nhà ông ta,
mọi thứ đều khắc hình rồng, đến quần áo giày dép cũng thêu hình rồng, vì thế
nhà ông ta trở thành thế giới của rồng. Con rồng thật trên trời biết chuyện nên
rất cảm động, muốn xuống nhà Diệp Công thăm ông ta. Nhưng khi nó từ ngoài cửa
tiến nào thì Diệp Công đã sợ mất mật, vội kêu to và chạy mất. Từ đó, câu nói:
Diệp Công thích rồng dùng để chỉ những người bề ngoài thì tỏ ra thích một vật
nào đó nhưng trong lòng thì không phải vậy.

Thay quần áo xong, Tử Chấn khoác ba lô trên vai. Thuấn
Nhân theo sau, vừa đi vừa bẻ mấy ngón tay, cuối cùng cũng có dũng khí nói với
Tử Chấn: “Hay anh lại cho em số của anh đi!” Dừng một lúc, Thuấn Nhân lại đưa
ra lý do khác: “Em nghĩ tương lai sau này anh sẽ là một diễn viên múa ba lê nổi
tiếng đấy, em rất thích làm quen với những người như thế.”

Tử Chấn không nói, chỉ rút điện thoại trong túi ra rồi
bấm máy. Thuấn Nhân đang lo lắng anh không để ý đến mình, bỗng điện thoại kêu,
trong lòng mừng thầm, cười tủm tỉm. Tử Chấn ngẩng đầu đi tiếp. Thuấn Nhân theo
sau, vừa đi vừa lưu số, đọc nhẩm mấy lần, lần này thì Thuấn Nhân đã nhớ số điện
thoại của anh.

Lý Triệt ngồi suy nghĩ rất lâu trong phòng.

Anh ta cho rằng khi xuống ga tàu, anh ta đã hiểu sai
lời mời đến nhà của Y Na. Bạn ở nơi xa xôi tới, chủ nhân tiếp đón chỗ ăn chỗ ở
là việc rất bình thường. Theo như anh ta đoán, điều kiện nhà Y Na tương đối khá
giả, nhà cao cửa rộng, thông thường sẽ có rất nhiều phòng, nếu mình đến đó chắc
sẽ được bố trí ở một phòng riêng. Ban ngày có thể được tiếp xúc nhiều với bố
của Y Na, như thế biết đâu sẽ giúp ích được cho sự nghiệp của mình sau này. Anh
ta không ngờ Y Na lại đưa mình tới khách sạn. Y Na nói đấy là khách sạn của
người thân, không cần trả tiền phòng. Y Na còn dẫn anh ta lên tận phòng, kiểm
tra một lượt ti vi, bình nước nóng, đèn ngủ v.v… thấy không có vấn đề gì rồi
mới ra về.

Một ngày ba bữa tự lo, hằng ngày ngồi trong phòng xem
ti vi, anh ta cảm thấy rất vô vị, thậm chí còn chưa một lần nhìn thấy mặt bố Y
Na.

Lý Triệt cảm thấy buồn chán, rốt cuộc đang vướng mắc
vấn đề gì đây?

Anh ta đột nhiên nhận ra, chắc chắn là Y Na có tình ý
với mình, nhưng lại vướng Nhan Thuấn Nhân, tình cảm giấu kìn trong lòng, ngại
không nói ra, cho nên mới sắp xếp cho mình ở khách sạn.

Lý Triệt xé một tờ giấy, kẻ một đường thẳng chính
giữa, bên trái viết tên của Thuấn Nhân, bên phải viết tên của Y Na, sau đó ở
bên lề giấy viết chữ “nhan sắc”, sau đó bên dưới tên của Thuấn Nhân đánh dấu
nhân, Y Na đánh dấu 0. Bên lề anh ta lại viết chữ “còn trinh”, bên dưới tên
Thuấn Nhân lại đánh dấu nhân, còn bên dưới tên Y Na đánh dấu chấm hỏi. Chữ thứ
ba mà anh ta viết bên lề là “tính cách”, bên dưới tên Thuấn Nhân và Y Na, anh
ta đều đánh dấu nhân. Tiêu chí tiếp theo mà anh ta viết bên lề là chữ “khả năng

giúp đỡ cho sự nghiệp của mình”, lần này bên dưới tên Thuấn Nhân, anh ta lại
đánh dấu 0, Y Na là dấu nhân. Sau đó đến “mức giàu có”, “có dễ dãi với mình
không”, “tương lai có nhiều bạn bè không”, “điều kiện lớn lên của con cái” v.v…
Ở mỗi mục, Lý Triệt đều so sánh, đánh giá kỹ lưỡng, cuối cùng, tổng kết lại, Y
Na thắng Thuấn Nhân.

Lý Triệt đau đầu suy nghĩ về kết quả này. Nghĩ cho
cùng thì nên vui hay buồn đây, khó có thể quyết định được. Anh ta buồn bực, lấy
bút gạch đi gạch lại trên tờ giấy, ngẩng đầu nhìn chiếc đèn treo trên trần nhà.
Đầu bút cứ gạch đi gạch lại trên giấy, khiến nó rách nát, cuối cùng Lý Triệt
mới quyết định. Anh ta nghĩ, đã là một nam nhi thì sống phải có tình có nghĩa,
mọi chuyện nên làm và giải quyết một cách êm đẹp. Anh ta xuống dưới sảnh khách sạn
để vào mạng, tìm kiếm mấy chữ “vá màng trinh” trên các trang mạng. Giá rất rẻ,
có nơi chỉ cần tám mươi tệ. Lý Triệt chọn chỗ đắt nhất, tại một bệnh viện tốt ở
Bắc Kinh với giá một nghìn tệ, phần giới thiệu có nói cụ thể phải xem mức độ
tổn thương của màng trinh, anh ta đoán Thuấn Nhân chắc không thuộc loại nghiêm
trọng.

Mọi toan tính dường như rất chu đáo, Lý Triệt gọi điện
thoại nói Thuấn Nhân tới khách sạn. Anh ta muốn giải quyết vấn đề càng sớm càng
tốt. Thuấn Nhân phẫu thuật tại Bắc Kinh, về đến tỉnh thì sẽ chẳng có ai biết
cả, hơn nữa anh ta có thể tranh thủ thời gian còn lại ở Bắc Kinh mà thân mật
hơn với Y Na, cũng phải để cho bố Y Na ấn tượng tốt đẹp về mình. Cứ thế, quay
lại trường học, yêu một năm nữa, tốt nghiệp xong có thể cùng Y Na về Bắc Kinh
kết hôn rồi làm việc luôn.

Thuấn Nhân ngồi tàu điện ngầm hơn bốn mươi phút. Đến
phòng của Lý Triệt, người nóng bừng bừng, mặt đỏ ửng lên, bộ ngực tròn trìa cứ
phập phồng theo từng nhịp thở, khiến người khác chỉ nhìn thôi cũng phải rung
động.

Lý Triệt ôm lấy Thuấn Nhân xuống giường, hôn lấy hôn
để.

Sự việc xong xuôi, anh ta đi tắm. Đợi Thuấn Nhân cũng
tắm xong, Lý Triệt mới rót cho Thuấn Nhân một ly nước, nhìn Thuấn Nhân với ánh
mắt đầy hàm ý.

“Anh và em bàn với nhau một chuyện”, anh ta mở miệng
nói.” Mình yêu nhau cũng được hơn hai năm rồi, cảm giác của anh đối với em rất
tốt, em mà làm vợ thì thật là lý tưởng.”

Thuấn Nhân hơi e thẹn, cười cười nói: “Đã thân đến mức
ấy rồi còn nói chuyện này làm gì?”

Lý Triệt nói: “Có rất nhiều những quan niệm cổ hủ,
cứng nhắc, nó là rào cản cản trở sự phát triển của xã hội, phải loại bỏ tất cả
những thứ đó. Từ lúc cải cách, đất nước ta đã giàu mạnh lên rồi đúng không?”

Thuấn Nhân thấy đề tài này chẳng liên quan gì đến
chuyện của họ, không hiểu là Lý Triệt muốn nói gì đây, cảm thấy có chút bất an,
cô uống ngụm nước, rồi nói: “Mấy cái đó, em cũng chẳng rõ lắm, sắp đến bữa tối
rồi, mình ra ngoài ăn bát mỳ đi. Lúc vào đây, em nhìn thấy bên đường có quán
mỳ, nhìn cũng sạch sẽ lắm.”

Lý Triệt ngồi đó không nhúc nhích, nói: “Chờ anh nói
hết rồi hãy đi ăn, chuyện này nói gọn chỉ có mấy câu thôi.”

Thuấn Nhân nhìn anh ta. Lý Triệt nhìn Thuấn Nhân chăm
chú, nụ cười trên khuôn mặt mờ dần: “Chúng mình chia tay đi.”


Thuấn Nhân im lặng, Lý Triệt cũng im lặng.

Mùa hè Bắc Kinh phảng phất chút lạnh khi mặt trời
khuất bóng, chứ không giống như buổi tối mùa hè ở phương nam, ướt át lại nóng
khủng khiếp.

Lý Triệt bụng đói cồn cào, nhưng nãy giờ vẫn cố ngồi
với Thuấn Nhân. Anh ta thấy giờ thì chẳng cần phải ngồi đó làm gì nữa.

“Anh phải đi ăn cơm đây”, Lý Triệt nói. “Em về sớm đi,
muộn quá sẽ không còn tàu điện ngầm nữa đâu.”

Thuấn Nhân ngồi đó, không biết có nghe thấy không, Lý
Triệt lại nói: “Đi thôi, anh phải khóa cửa.”

Thuấn Nhân từ từ đứng lên. Khoác chiếc cặp có thêu
hình mèo Kitty để ở tủ đầu giường lên vai, lặng lẽ đi ra ngoài.

Lý Triệt nhìn theo bóng dáng của Thuấn Nhân, sống mũi
hơi cay, anh ta nói như an ủi: “Mối tình đầu thường không thành, đừng có đâm
đầu vào ngõ cụt, hai ngày nữa, anh đưa em đến bệnh viện làm phẫu thuật.”

Thuấn Nhân đứng đó, không quay đầu lại nhìn anh ta,
nói một cách rõ ràng: “Anh không phải là mối tình đầu của tôi.”

Lý Triệt mặt đỏ tía tai, ngẩn ra một lúc, hét lớn:
“Thế thì tôi với cô còn giả vờ làm gì nữa? Thảo nào lần đầu không thấy ra máu!”

Thuấn Nhân cười nhạt, đẩy cửa đi ra ngoài. Lý Triệt
đứng ở hành lang nhìn theo bóng dáng cô, mái tóc đen mượt bay bay sau lưng, như
cây đinh hương nghiêng nghiêng trong gió.

Thành phố về đêm càng lạnh lẽo. Những khối kiến trúc
đồ sộ hiện ra làm con người càng trở nên nhỏ bé, những bậc thềm rộng lớn như
muốn đè bẹp con người. Có lẽ sống ở cái thành phố này, mọi thứ đều vô cùng nhỏ
bé.

Một người bán kẹo hồ lô đẩy xe đi ra từ con phố đi bộ
Vương Phủ Tinh, nhìn dáng vẻ như đã dọn hàng, nhưng hễ có người đi bộ qua, chị
ta lại ấp ủ hy vọng đưa kẹo ra mời chào: “Mua kẹo hồ lô không? Có đủ các mùi
vị.” Thuấn Nhân đi tới, chọn mua mùi hương trà quen thuộc, nắm chặt cây kẹo
trong tay.

Thuấn Nhân cầm kẹo, men theo phía tây đường Trường An
đến quảng trường Thiên An Môn, ngồi xuống bên luống hoa, nhấm nháp kẹo hồ lô.

Hồi nhỏ học môn ngữ văn, cô được biết, Thiên An Môn là
quảng trường lớn nhất, đồ sộ nhất thế giới. Ở đó có nhà của Mao chủ tịch, hội
trường nhân dân, đài tưởng niệm các anh hùng v.v…

Không có một người Bắc Kinh nào có thể cảm nhận được
cảm xúc của một người tỉnh lẻ sinh ra ở Trung Quốc mà lần đầu tiên được đặt
chân lên quảng trường Thiên An Môn, đó là niềm tự hào dân tộc, tự hào về những
gì đất nước mình đang có.

Thuấn Nhân lặng lẽ đi dạo xung quanh, ngẩng lên nhìn
bầu trời bao la, bên tai lại vọng về tiếng nói trong trẻo của cậu bé ngày nào:
“Đợi khi nào cậu đến Bắc Kinh, tớ sẽ mời cậu đi ăn kẹo hồ lô, ăn bao nhiêu cũng
được.”

Miệng vẫn nhai miếng kẹo hồ lô mùi hương trà, mà hai mắt
Thuấn Nhân nhòe đi. Vị chua chua của quả sơn trà cùng với lớp đường giòn tan
bao bên ngoài đầy ắp trong miệng, vị ngọt của đường và vị chua của quả hòa
quyện với nhau chảy xuống cổ họng. Nuốt một miếng, vị chua thấu vào tận trong
tim.

Những ngôi sao trên bầu trời ở thành phố luôn tối hơn,
nhạt nhòa hơn so với ở miền quê. Ánh trăng nơi đây cũng giống như đĩa đựng trái
cây chưa sạch, gượng gạo treo trên bầu trời. Phía đông mới ló lên một đường
sáng của bình minh, đội cảnh vệ mặc quân phục đang đi theo nhịp từ Ngọ Môn lên
kỳ đài. Thuấn Nhân đứng đó xem họ kéo cờ, rồi băng qua đường đến chỗ bán vé vào
Cố Cung. Lúc này trời mới tờ mờ sáng, phòng vé chưa mở cửa. Đợi một hồi lâu,
tám rưỡi họ mới bắt đầu bán vé.


Chỗ bán vé có màn hình điện tử hướng dẫn tham quan,
Thuấn Nhân cho mấy đồng xu vào máy, rồi đeo tai nghe, bấm nút chọn tiếng Trung,
rồi bấm OK. Một bản nhạc cổ điển cất lên, giọng nói trong trẻo, rõ ràng của một
nữ hướng dẫn viên từ từ vang lên: “Cố Cung nằm ở trung tâm thành phố Bắc Kinh,
Trung Quốc, tên cũ là Tử Cấm Thành. Vốn là hoàng cung của đời Minh và đời
Thanh, một kiệt tác kiến trúc cổ đại mà không một kiến trúc nào có thể so sánh
được. Hiện nay, Cố Cung vẫn là một quần thể kiến trúc vĩ đại nhất, hoàn thiện
nhất trên thế giới. Được bình chọn là một trong năm cung điện lớn nhất thế
giới…”

Bên tai Thuấn Nhân vẫn vang lên giọng nói ấy: “Thế thì
tớ sẽ dẫn cậu đi thăm Thiên An Môn nhé! Chúng ta sẽ thăm Cố Cung, sẽ được nhìn
thấy quần áo, đồ trang sức, ghế ngồi, giường nằm của các hoàng hậu ngày xưa,
thú vị lắm đấy.”

Giả Ninh Cung còn lưu lại cảnh hôn lễ của vua Quang
Tự. Một gian phòng nhỏ, màn, rèm cửa, nệm đều bị lửa thiêu rụi. Cuộc hôn nhân
của hoàng đế Quang Tự không hạnh phúc. Tiếp theo, đời hoàng đế Phổ Nghi cũng
không hạnh phúc. Khi đó, hoàng đế cùng với hoàng hậu ngồi trên ngai vàng thêu
hình rồng, hình phượng, nghe những lời chúc phúc của các quần thần, cùng với
muôn dân trăm họ, mà sao những lời chúc đó lại không thể làm họ hạnh phúc?

Hạnh phúc, có lẽ là một thứ gì đó rất khó thực hiện,
đến hoàng đế cũng không thoát nổi số mệnh.

Thuấn Nhân ra khỏi Thần Võ Môn. Trời cũng sắp tối, bầu
trời xanh xám, không thấy ánh hoàng hôn. Hai mươi tư tiếng quả thực rất ngắn,
người và người ở với nhau lại trở nên dài đằng đẵng. Thời gian có lẽ rất ngắn,
nhưng chúng ta lại nghĩ nó rất dài, dài như chính cuộc sống, như chính hạnh
phúc.

Thuấn Nhân buồn bã đứng bên hồ, không biết mình nên đi
đâu. Bụng đói nhưng không muốn ăn, cho tay thò vào túi khua khua, tay chạm vào
vỏ kim loại của chiếc điện thoại. Rút điện thoại ra xem, Thuấn Nhân giật mình,
có tới bốn mươi bảy cuộc gọi nhỡ và cả tin nhắn, hòm thư quá tải không đọc được
tin nhắn.

Là Tử Chấn gọi. Thuấn Nhân gửi cho anh một tin nhắn,
nói mình đang ở cổng sau của Cố Cung.

Tử Chấn đến rất nhanh, như từ trong taxi xông ra, anh
nói một tràng không ngớt: “Em… em… em bị điên à? Tối qua Lý Triệt gọi cho anh,
nó nói cãi nhau với em, hỏi em về nhà chưa. Sau đó anh gọi cho em mãi, nhưng sợ
máy em hết pin, nên anh không gọi nữa. Tối qua em đi đâu? Có hẹn với ma ở Cố
Cung à?”

Thuấn Nhân đột nhiên giơ tay ra ôm chặt lấy anh, gục
vào lòng anh, không nhúc nhích. Tử Chấn hơi ngại, mặt đỏ bừng, miễn cưỡng nói
một câu: “Thế này không hay lắm.”

Thuấn Nhân gục đầu vào vai Tử Chấn, nũng nịu nói: “Một
lát thôi.”

Tử Chấn không dám động đậy, để mặc cho Thuấn Nhân ôm
mình.

Lâu sau, Thuấn Nhân thở dài một hơi, đứng thẳng người,
gượng cười: “Không có chuyện gì đâu.”

Tử Chấn nhìn Thuấn Nhân vẻ nghi ngờ: “Không nói dối
anh đấy chứ? Có phải bị thằng Lý Triệt bắt nạt rồi không? Để anh hỏi tội nó.”

“Được rồi, được rồi.” Thuấn Nhân cười xinh như hoa.
“Từ nay em sẽ chăm chỉ học hành, sẽ làm người tốt, sẽ sống tốt. Em sẽ hạnh
phúc, nhất định là như vậy!”

Hai mắt Thuấn Nhân long lanh, nụ cười tươi che đi nỗi
buồn thầm kín. Trên khoe mắt cô còn vương giọt lệ. Tử Chấn muốn quan sát kỹ
hơn, nhưng sợ Thuấn Nhân khó chịu, đành quay người đi, giả vờ như đang nhìn về
hướng bảng hiệu trên đường.

Thuấn Nhân không chú ý đến anh, quay đầu nhìn về phía
thành lầu của Thần Võ Môn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận