Này Chiến Trận, Này Cuồng Si

Buổi sáng hôm sau Francesco lại lên đường, cùng đi theo chàng là hai tùy tùng, Fanfulla và anh hề. Anh hề bình phục nhanh đến mức lúc này đã có thể tự ngồi trên lưng lừa được, nhưng để anh ta không bị quá mệt vì cuộc hành trình, họ đi thong thả chậm hơn nước kiệu bình thường một chút dọc theo thung lũng thơ mộng trải rộng hai bên bờ sông Metauro. Vì thế khi màn đêm buông xuống đoàn người lữ hành vẫn còn tiếp tục trên đường, cách Urbino chừng hai dặm. Họ tiếp tục đi thêm chừng một dặm đường dưới ánh trăng, trong khi anh hề đang mua vui cho mọi người bằng một câu chuyện hài hước rút ra từ tập sách thú vị của quý ngài Boccaccio, thì đột nhiên đôi tai rất thính của anh chàng nghe thấy tiếng động vọng lại, anh ta bèn ngừng bặt.

“Anh bạn bị choáng hay sao thế?” Francesco hỏi, quay lại nhìn người bạn đồng hành, luôn nhớ trong đầu tình trạng yếu ớt của Peppe.

“Không, không,” anh hề trả lời, với giọng tỉnh táo xua tan lập tức nỗi lo lắng của Bá tước. “Con nghĩ con nghe thấy tiếng bước chân kiểu nhà binh vọng lại.”

“Tiếng gió thổi qua các cành cây thôi, Peppino,” Fanfulla giải thích.

“Con không nghĩ là...” Anh hề ngừng bặt lắng nghe, và lúc này mọi người đều nghe thấy tiếng bước chân vẳng lại theo nhịp ngắn, đều đều, tất cả đều cau mặt.

“Anh bạn có lí,” Francesco nói. “Đúng là tiếng hành quân. Nhưng thế thì đã sao, Peppe? Lính tráng sẽ còn hành quân nhiều ở Italia. Tốt nhất là kể tiếp cho chúng ta câu chuyện của anh bạn đi.”

“Nhưng người của ai lại hành quân trên đất Urbino giữa đêm tối thế này?” anh hề vẫn băn khoăn.

“Làm sao ta biết được chứ, mà cần gì phải quan tâm?” chàng Bá tước đáp. “Tiếp tục kể chuyện đi, anh bạn.”

Hoàn toàn không hài lòng, anh hề kể tiếp câu chuyện đang bỏ dở. Nhưng anh ta không còn giữ được giọng điệu hài hước thâm thúy lúc trước. Toàn bộ đầu óc Peppe đã để cả vào việc dõi theo tiếng bước chân đang lại gần. Cuối cùng, không chịu đựng được lâu hơn vẻ dửng dưng như không của những người đồng hành, anh chàng bật kêu lên phản đối.

“Thưa ngài,” Peppe, dẹp câu chuyện đang kể sang một bên, quay sang Bá tước kêu hoảng, “chỉ lát nữa là đám lính này sẽ đâm sầm vào chúng ta mất.”

“Thì đúng thế!” Francesco đồng ý với giọng tỉnh bơ. “Chỉ vòng qua chỗ rẽ phía trước là chúng ta gặp họ rồi.”

“Vậy thì con xin ngài, thưa Bá tước, hãy tránh sang một bên. Chúng ta hãy tạm lánh vào bên đường nghỉ ngơi, ẩn sau các bụi cây, chờ cho đến khi đám lính kia đi qua. Con thấy sợ lắm. Có lẽ con đúng là một kẻ nhát gan, nhưng quả thật con không thích cái kiểu mò mẫm đi đêm của đám người này chút nào. Có thể là một đám lính lang thang đi cướp bóc.”

“Thế thì sao chứ?” Bá tước đáp, vẫn không hề hãm ngựa lại. “Vì cớ gì chúng ta lại phải sợ một đám đầu trộm đuôi cướp cơ chứ?”

Nhưng cả Fanfulla lẫn hai người hầu của chàng đều đồng ý với anh hề, và cuối cùng họ cũng thuyết phục được Francesco cùng ẩn nấp sau đám cây rậm rạp cho tới khi đám người kia đi khuất. Không muốn làm những người bạn đồng hành lo lắng thêm, chàng, và cả toán cùng rẽ phải đi sâu vào bìa rừng, dừng cương lại nấp dưới tán cây từ một vị trí mà họ có thể dễ dàng quan sát được bất cứ ai đi lại trên con đường được ánh trăng chiếu sáng. Chẳng bao lâu sau đoàn người đi theo hướng ngược lại đã đi vào đúng đoạn đường nằm dưới ánh trăng. Những người quan sát ngỡ ngàng khi nhìn thấy không phải một đám du thủ du thực lộn xộn mà là một toán lính đang hành quân rất có kỉ luật xuất hiện trước mắt họ, tất cả có chừng hai mươi người, ăn mặc chỉnh tề với áo chẽn bằng da và áo giáp mới tinh sáng loáng, bước đi đều đặn, gươm đeo bên hông, kích vác vai. Đi đầu là một lão hộ pháp nghênh ngang cưỡi trên một con ngựa nâu vạm vỡ, vừa nhìn thấy lão, anh hề liền buột miệng rủa thầm vì kinh ngạc. Ở giữa đoàn người là bốn chiếc kiệu, mỗi chiếc được hai con lừa chở, bên cạnh những chiếc kiệu là một kị sĩ vóc dáng mảnh dẻ, đẹp trai mà vừa nhìn thấy mặt anh hề đã bật ra tiếng rủa thầm thứ hai. Nhưng sự kinh ngạc của Peppe còn lớn hơn nữa khi xuất hiện trước mắt họ là một thân hình tròn xoay bó chặt trong bộ áo chùng của dòng tu Dominican ở phía cuối đoàn người, đúng vào lúc đức cha rất thánh đang cáu kỉnh quay ra vặc nhau với một gã đang lấy cán kích thúc lấy thúc để vào con lừa lão cưỡi để giục nó đi nhanh hơn.


“Cầu cho mi bị người ta quay sống trên giàn nướng như thánh Lawrence,” lão tu sĩ đang bực tức kêu ầm lên. “Mi muốn làm cho ta gãy cổ hay sao hả đồ súc sinh kia? Hãy đợi đến khi chúng ta tới Roccaleone, có Thánh Dominic chứng giám, ta sẽ yêu cầu cái lão chỉ huy đạo tặc của các người treo cổ mi lên vì trò đùa láo xược này.”

Nhưng gã kia chỉ phá lên cười đáp lại, và nhằm vào con lừa, gã tặng cho nó một cú động viên thích đáng đến mức chỉ thiếu chút nữa con vật tội nghiệp đã nhảy dựng lên. Lão tu sĩ hoảng hồn kêu thất thanh, rồi sau đó, vừa tuôn ra một tràng nguyền rủa đe dọa, lão vừa tiếp tục cuộc hành trình bất đắc dĩ. Khi lão tu sĩ đã đi khuất, đến lượt sáu chiếc xe bò chất nặng xuất hiện, mỗi chiếc được một đôi bò mộng kéo. Khép lại đoàn diễu hành lạ lùng nọ là một bầy cừu được một gã trông có vẻ lính tráng chăn dắt, vừa đi vừa văng ra đủ kiểu báng bổ thô lỗ. Tất cả diễu qua trước cặp mắt ngạc nhiên của Francesco và những bạn đồng hành của chàng, họ vẫn tiếp tục cẩn thận ẩn kín trong rừng cho đến khi cả đoàn người bí ẩn đã biến mất vào màn đêm.

“Tôi có thể thề rằng,” Fanfulla lên tiếng, “tôi đã gặp lão tu sĩ này rồi.”

“Quý ông không cần sợ nhầm đâu,” anh hề. “Đó chính là cái lão béo ị Domenico - lão đã đi cùng với ngài đến tu viện Acquasparta để kiếm đồ băng bó vết thương cho ngài Bá tước đây.”

“Thế thì ông ta làm cái quái quỷ gì trong đám người này vậy, mà đám người này là thế nào không biết?” Chàng Bá tước vừa hỏi vừa quay sang anh hề khi họ đã chui ra khỏi chỗ nấp.

“Thà rằng ngài hỏi con xem quỷ sứ cất bùa ngải của nó ở đâu,” anh hề đáp, “lúc ấy may ra con còn xoay xở trả lời ngài được.

Chứ ngài lại hỏi con xem thầy Domenico đang làm gì trong cái đám rước đêm này thì quả thật con không dám đoán bừa. Mà lão cũng không phải là người duy nhất con quen mặt,” Peppe nói thêm, “con còn nhận ra cả Ercole Fortemani, một gã du côn to vâm, bẩn thỉu, thích sinh sự mà con luôn thấy diện những bộ đồ nát bươm như ăn mày, lại dẫn đầu đám lính vừa rồi, vận bộ đồ lành lặn đến khó tin; và còn có cả anh chàng Romeo Gonzaga, người mà theo con biết, chỉ ra khỏi nhà ban đêm để đi tán gái. Hiển nhiên là ở Urbino đang có sự lạ thường gì đây.”

“Thế còn những chiếc kiệu thì sao?” Francesco hỏi, “Anh bạn thử đoán xem chúng có nghĩa gì?”

“Con không dám đoán chắc điều gì,” anh hề đáp, “trừ một điều: những chiếc kiệu này giải thích sự có mặt của quý ngài Gonzaga. Vì kiệu khiến người ta nghĩ đến phụ nữ.”

“Xem ra, anh bạn ngốc ạ, lần này thì cả trí khôn của anh bạn cũng không giúp chúng ta biết được thêm bao nhiêu. Nhưng anh bạn cũng nghe lão tu sĩ nói họ đang đi tới Roccaleone rồi chứ?”

“Vâng, con có nghe thấy. Và với đầu mối này, chúng ta có thể biết được phần còn lại của câu chuyện khi tới Urbino.”

Vốn là người cực kì tọc mạch, anh hề liền bắt đầu cuộc điều tra ngay buổi sáng hôm sau, khi họ vừa vượt qua cổng thành Urbino - vì họ đã đến nơi quá muộn để được cho phép vào thành ngay đêm hôm đó, và đành phải tìm chỗ qua đêm trong những ngôi nhà ven sông. Anh hề bám ngay lấy viên sĩ quan gác cổng để dò la.

“Thưa ngài đại úy, ngài có thể cho tôi biết,” anh chàng dò hỏi, “đoàn người đi về hướng Roccaleone đêm qua là gì vậy?”


Tay đại úy nhìn anh chàng hồi lâu.

“Theo ta biết thì không có đoàn người nào cả,” viên đại úy đáp, “chắc chắn không phải từ Urbino.”

“Ngài gác xách cẩn thận thật đấy,” anh hề đáp lại tỉnh queo. “Tôi nói ngài nghe, đêm hôm qua một toán lính chừng hai chục người đã rời khỏi Urbino tới Roccaleone rồi.”

“Tới Roccaleone?” viên đại úy lặp lại, mặt ngẩn ra, có vẻ để tâm hơn vào câu chuyện, vì cái tên này đã khiến lão vụt nhớ ra điều gì đó. “Sao chứ, đó chính là lâu đài của công nương Valentina mà.”

“Đúng thế, thưa ngài đại úy sáng suốt. Nhưng đám lính nọ có nghĩa là gì, và tại sao lại lần mò đi lúc đêm hôm khuya khoắt như thế?”

“Tại sao ngươi biết chúng đi từ Urbino?” viên đại úy vội hỏi.

“Vì rằng tôi đã nhìn thấy quý ngài to mồm Ercole Fortemani đi tiên phong trong đám người đó, ở trung quân là Romeo Gonzaga, và để chặn hậu thì có mặt thầy Domenico, cha xưng tội của công nương - toàn là người Urbino cả.”

Nghe tới đây ngài đại úy xám mặt lại.

“Trong đoàn người có phụ nữ nào không?” gã quát hỏi.

“Tôi không trông thấy người nào,” anh hề trả lời, vẻ vồn vã quan tâm của tay đại úy khiến anh ta bất chợt chột dạ đề phòng.

“Nhưng có bốn chiếc kiệu kia mà,” Francesco, vốn bản tính ít đa nghi và thiếu cảnh giác hơn anh hề khôn ngoan, bèn chen vào.

Peppe định ra hiệu xin chàng thận trọng nhưng đã quá muộn. Viên đại úy văng ra một câu chửi thề đậm chất lính tráng.


“Chính là nàng rồi,” gã kêu lên chắc nịch. “Và các người nói toán người này đang đi tới Roccaleone. Tại sao các người biết?”

“Chúng tôi nghe được từ miệng ngài tu sĩ,” Francesco trả lời không do dự.

“Thế thì, thề có Đức Mẹ đồng trinh! Chúng ta đã tìm thấy dấu vết họ rồi. Ô la la!” Tay đại úy quay lưng lại với hai người, vội vàng vừa chạy vừa quát tháo ầm ĩ vào căn nhà của lính canh cổng, rồi trở lại một thoáng sau cùng sáu người lính.

“Đi tới cung điện”, gã ra lệnh, trong khi đám lính vây quanh Francesco và những người đồng hành của chàng, “Thưa ngài, mời đi theo tôi,” viên đại úy nói với chàng Bá tước. “Ngài phải đi theo chúng tôi, và thuật lại toàn bộ câu chuyện của ngài cho Công tước.”

“Không cần phải dùng bạo lực,” Francesco lạnh lùng trả lời. “Dù thế nào đi nữa tôi cũng không thể ghé qua Urbino mà không yết kiến Công tước Guidobaldo. Tôi là Bá tước Aquila.”

Lập tức viên đại úy trở nên cung kính lễ độ hết mực. Gã xin lỗi chàng về cách cư xử có hơi thô lỗ trong lúc vội vã kích động, và quát đám lính canh lui ra. Mời Bá tước và những người cùng đi theo sau, viên đại úy trèo lên một con ngựa lính canh vừa đem tới, và phi ngựa bên cạnh chàng Bá tước theo đường phố về phía cung điện. Trên đường đi, tay đại úy kể cho họ nghe những gì mà linh tính sắc sảo của anh hề đã đoán ra. Công nương Valentina đã bỏ trốn khỏi Urbino đêm hôm trước, đem theo ba người tùy nữ, thầy Domenico và Romeo Gonzaga có lẽ cũng đã đi theo nàng - bởi vì cả hai kẻ này cũng đột ngột biến mất.

Ngỡ ngàng trước điều vừa nghe được, Francesco gặng hỏi thêm; nhưng viên đại úy cũng không cho chàng biết được gì nhiều, ngoại trừ việc dư luận cho rằng cô thiếu nữ đã hành động như vậy để thoát khỏi cuộc hôn nhân đã được định trước với Công tước Babbiano. Guidobaldo trước sự việc đã xảy ra, và đang lo lắng tìm cách bắt cô cháu gái trở lại trước khi tin tức về cách cư xử của nàng đến tai Gian Maria. Vì thế, viên đại úy không khỏi đắc ý được trở thành người báo cho Guidobaldo biết nơi ẩn trốn của nàng, thông tin mà gã đã tình cờ moi được từ anh hề và Francesco.

Peppe trông có vẻ cau có bực dọc. Giá như anh chàng biết kìm tính tò mò đáng nguyền rủa của mình lại, giá như vị Bá tước kia đề phòng đúng lúc và giữ mồm giữ miệng, thì chắc hẳn mọi việc đã tốt đẹp với cô chủ yêu quý của anh chàng. Thế là chính anh hề - vốn sẵn sàng hi sinh tính mạng để phụng sự nàng - lại trở thành kẻ làm lộ ra nơi ẩn trốn của nàng. Anh ta nghe thấy chàng Bá tước phá lên cười, tiếng cười như đổ thêm dầu vào ngọn lửa giận của Peppe. Nhưng Francesco chỉ nghĩ đến sự táo tợn lạ thường từ hành động của cô thiếu nữ.

“Thế còn đám lính cô gái mang theo thì sao?” chàng tự hỏi thành tiếng khá to. “Tại sao lại cần một đoàn hộ tống đông như vậy?”

Tay đại úy nhìn chàng chằm chặp.

“Chẳng lẽ ngài không đoán ra được sao?” gã hỏi. “Có lẽ ngài chưa từng nghe nói đến lâu đài Roccaleone.”

“Quả là lạ nếu tôi lại không biết đến pháo đài bất khả xâm phạm nhất Italia.”

“Thế thì chẳng hai năm rõ mười rồi hay sao? Nàng mang theo đám lính này để cố thủ lâu đài, và hiển nhiên như thế là nàng định nổi loạn chống lại dự định của đức ông Công tước.”

Nghe đến đấy, chàng Bá tước ngửa mặt về phía sau, buông ra một tràng cười sảng khoái nhất trong đời chàng, khiến những người đi đường cũng phải giật nảy mình hoảng hốt.

“Có Đức Chúa Cha chứng giám!” chàng hổn hển thở không ra hơi, giọng nói vẫn run lên vì cười. “Một cô gái xứng đôi với cậu đấy! Cậu có nghe ngài đại úy đây nói gì chứ, Fanfulla? Cô bé sẵn sàng dùng vũ lực kháng cự để phản đối đám cưới này nếu cần thiết. Đến nước này, thề có sự cứu rỗi linh hồn, vẫn cứ khăng khăng áp đặt cuộc hôn nhân liên minh kia, thì quả là ông ta không có trái tim, cảm xúc gì cả. Nàng đúng là một người cháu gái mà bất cứ ông hoàng thượng võ nào cũng phải lấy làm tự hào. Bây giờ thì tôi không còn ngạc nhiên tại sao ở Urbino người ta không sợ Borgia.” Và chàng lại cười phá lên. Nhưng viên đại úy nhìn chàng lấy làm bực tức, ngay cả Peppe cũng cau mày.

“Cô ta là một kẻ phản loạn,” viên đại úy cay cú lên tiếng.


“Ấy không, nhẹ nhàng một chút nào,” Francesco đáp trả, vẫn tiếp tục cười. “Nếu ngài cũng là một hiệp sĩ, tôi sẵn sàng đọ thương với ngài về câu nói vừa rồi đấy. Còn nói đến...” chàng ngừng lời, tràng cười cũng ngừng lại, đôi mắt sẫm màu nhìn viên đại úy đầy tò mò. “Tốt nhất, ngài đại úy thân mến ạ, đừng nói điều gì không hay về nàng. Nàng là một thành viên của dòng tộc Rovere, và là họ hàng gần của nhà Montefeltro.”

Viên sĩ quan có vẻ cũng nhận ra mình đáng trách, thế là sau đó họ im lặng tiếp tục cuộc hành trình.

Trong lúc Francesco, Fanfulla và Peppe đang đợi Công tước triệu kiến ở tiền phòng, anh hề bắt đầu nói ra miệng nỗi bực bội của mình trước sự bất cẩn của họ. Căn phòng lộng lẫy đông nghịt người. Có thể bắt gặp ở đây các quý tộc, sứ giả, những chiếc áo chùng đỏ chen vai những chiếc áo choàng sẫm màu, những viên đại úy mặc giáp trụ, các triều thần phủ đầy nhung lụa trên người. Thế nhưng, bất chấp người khác có thể nghe thấy, Peppe đã để cơn bực tức tự do tuôn trào, và lời lẽ anh hề dùng chẳng hề có vẻ tôn trọng hay chừng mực như địa vị của chàng Bá tước đòi hỏi. Dù vậy, với tính tình rộng lượng đã khiến chàng luôn được yêu mến ở bất cứ đâu, Francesco không có vẻ gì bực mình trước những lời trách cứ của anh chàng hề. Bản thân chàng còn thừa nhận sự trách cứ đó cũng đáng, vì nó đã khiến chàng nhìn lại câu chuyện dưới một ánh sáng hoàn toàn mới và một cái nhìn sâu sắc hơn. Nhưng nhìn xa hơn ý nghĩ của anh hề, chàng bất giác mỉm cười trước bộ mặt khó đăm đăm của anh ta.

“Đừng to tiếng quá thế, Peppe,” chàng lên tiếng. “Ngài đang phóng đại hậu quả lên đấy. Tệ nhất thì chúng ta cũng chỉ đẩy nhanh thêm một chút cái mà Công tước trước sau cũng biết từ người khác thôi.”

“Nhưng cái ‘một chút’ đó - vài giờ hay vài ngày - sẽ gây ra tai họa,” anh hề than thở đầy tính toán, cho dù giọng đã nhỏ lại. “Chỉ vài ngày nữa Gian Maria sẽ quay trở lại. Nếu ông ta được đón tiếp bằng tin công nương Valentina mất tích, rằng nàng đã bỏ trốn cùng với Romeo Gonzaga - vì, câu chuyện sẽ được kể lại như thế, ngài thấy đấy - liệu ngài có nghĩ ông ta sẽ chùng chình ở lại đây, hay tiếp tục nghĩ đến chuyện hôn nhân hay không? Không đời nào. Những cuộc hôn nhân hoàn toàn do lí do chính trị kiểu này, trong đó trái tim không có vai trò gì, đòi hỏi chí ít, rằng phía cô dâu phải có một danh tiếng không tì vết. Đến lúc đó đức ông quý hóa kia sẽ khăn gói về lãnh địa của mình, và cô chủ của con sẽ thoát khỏi y.”

“Nhưng với một cái giá thật kì lạ đấy, Peppe ạ,” Francesco nghiêm nghị trả lời. “Tuy thế,” chàng nói tiếp, “ta đồng ý rằng ta đáng lẽ đã giúp nàng được nhiều hơn nếu giữ im lặng. Nhưng ta không tin chuyện này sẽ làm nguội được lòng nhiệt tình của ông anh họ ta. Anh bạn đã nhầm khi xếp cuộc hôn nhân chính trị này vào loại trong đó trái tim không có vai trò gì. Nếu như những gì người ta đồn đại không sai, về phía anh họ ta, trái tim, ngược lại đóng vai trò khá quan trọng đấy. Nhưng, nói cho cùng, chúng ta đã gây tổn hại gì đâu?”

“Thời gian sẽ trả lời,” anh gù đáp.

“Thế thì thời gian sẽ cho thấy ta đã không làm gì tổn hại đến lợi ích của cô chủ anh bạn. Lúc này nàng đã an toàn ở Roccaleone. Vậy thì chuyện gì còn có thể xảy ra với nàng được? Hiển nhiên là Guidobaldo sẽ tìm đến chỗ nàng, và đứng bên ngoài hào nước, ông ta sẽ cố gắng thuyết phục nàng hãy cư xử đúng như một cô cháu biết điều và quay về nhà. Nàng sẽ hứa làm vậy với điều kiện ngài Công tước của chúng ta phải lấy danh dự một ông hoàng ra hứa không quấy quả nàng thêm nữa với chuyện cưới xin này. Lúc đó thì sao đây?”

“Sao ư?” anh hề lầm bầm, “Lúc đó thì sao ư? Ai mà biết được lúc đó chuyện gì có thể xảy ra? Đức ông có thể dùng vũ lực bắt nàng phải khuất phục.”

“Một cuộc vây hãm ấy hả?” chàng Bá tước phá lên cười. “Trời đất quỷ thần ơi! Trí khôn của anh bạn để đâu hết rồi, anh chàng ngốc! Anh bạn không định cho rằng quý ngài Guidobaldo danh tiếng lại sẵn sàng trở thành trò hề cho cả Italia, lại muốn được lưu danh hậu thế như là Công tước đầu tiên trên đời đem quân đi bao vây cô cháu gái của mình vì nàng không chấp sự sắp đặt của đức ông cho hôn sự của nàng?”

“Cũng có lúc Guidobaldo da Montefeltro trở thành một người hung bạo,” anh hề còn đang trả lời thì tay sĩ quan đã để họ chờ ở tiền phòng xuất hiện trở lại, thông báo rằng đức ông Công tước đang chờ ba người.

Họ bắt gặp ông hoàng đang trong tâm trạng cực kì bực bội, và sau khi đã chào đón Francesco một cách xã giao nhạt nhẽo, ông hỏi chàng về đoàn người đã gặp tối hôm trước. Tất cả thắc mắc đều được ông hỏi với vẻ nghiêm trang bình thản, không hề lộ vẻ gì quan tâm chú ý, như thể đó chỉ là chuyện một con chim ưng săn của ngài bị gãy cánh vậy. Công tước cảm ơn Francesco vì những thông tin chàng cung cấp, rồi ra lệnh cho viên tổng quản cung điện chuẩn bị phòng để chàng và Fanfulla tùy ý sử dụng, chừng nào hai người còn có nhã ý lưu lại. Sau đó Công tước cho hai người lui ra, đồng thời lưu viên sĩ quan lại đợi lệnh.

“Và đó, là người có thể đi vây hãm lâu đài của cháu gái mình sao?” Francesco nói với Peppe, khi hai người theo sau một hầu phòng đi ngang qua tiền phòng, “Quý ngài hề thân mến ơi, lần này thì quả thực trí khôn của ngài lầm rồi.”

“Ngài chưa biết rõ Công tước đâu, ngài Bá tước,” anh hề trả lời. “Dưới vẻ bề ngoài bình thản lạnh lùng ấy là cả một ngọn núi lửa, và không có chuyện điên rồ nào ông ta không dám làm đâu.”

Nhưng Francesco chỉ cười đáp lại, vừa khoác vai Fanfulla, chàng vừa đi dọc theo hành lang dẫn tới căn hộ mà người hầu đang đưa họ tới.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui