Bạch thiên tổng làm gì còn chút khẩu vị nào, nên chỉ uống rượu suông, và không ngừng nói chuyện với hai mẹ con Bạch phu nhân.
Không biết trải qua bao lâu, cấm tốt khẽ báo cho Mã Độ rằng thời gian thăm ngục đã hết từ lâu, hiện giờ đã gần đến lúc đóng của đại lao rồi.
Đến lúc chia tay, Bạch thiên tổng thò tay ra từ trong vòng rào, cầm chặt tay Dương Thu Trì: "Dương công tử, lúc trước ta sai rồi, nếu lúc đó gả Mai nhi cho công tử, chí ít nó cũng không phải chịu cái khổ này. Hiện giờ hai mẹ con nó bị đày đến phương xa, không biết sau này làm sao mà sống nữa a."
Bạch phu nhân và Bạch Tố Mai lại thút thít bật khóc.
Dương Thu Trì thấy bộ dạng thê thảm của họ như vậy, trong lòng xáo động không yên, nhưng không biết sau này hắn sẽ làm quan ở đâu, có cùng địa phương với nơi mà hai mẹ con Bạch phu nhân bị đày hay không, nên không thể cố lo liệu được nữa, chỉ biết an ủi: "Thỉnh Thiên tổng đại nhân yên tâm, tôi sẽ chiếu cố Bạch phu nhân và Tố Mai cô nương, tuyệt không để hai người chịu khổ!"
Bạch thiên tổng ngẩn ngơ nhìn Dương Thu Trì, từ từ buông tay, lùi một bước, rồi chợt quỳ sụp xuống dập đầu mấy cái thật kêu: "Dương công tử nếu như có thể chiếu cố cho nương tử của ta và Mai chi chu toàn, kiếp sau Bạch mỗ nguyện kết cỏ ngậm vành, báo đáp đại ân của công tử!"
Dương Thu Trì vội vã quỳ xuống dập đầu hoàn lễ.
Lúc rời khỏi ngục, Dương Thu Trì và Mã Độ có bao nhiêu bạc trên người đều móc ra hết để giao cho lao đầu phụ trách quản lý Bạch phụ nhân và Bạch Tố Mai, chuẩn bị cho hai mẹ con họ vài bộ y phục mùa đông, và chiếu cố thật tốt cho hai người.
Vị lao đầu này biết thân phận của Mã Độ, nào dám làm loạn, nên nhất mực chối từ, cho đến khi Mã Độ hạ lệnh để y thu lấy, y mới dám nhận, sau đó vỗ ngực thề thốt sẽ không để hai mẹ con Bạch phu nhân chịu điểm ủy khuất nào trong ngục.
Dương Thu Trì vừa rồi đã nói ra lời, và tuy là người không dễ hứa hẹn, nhương một khi đã đáp ứng làm chuyện gì, hắn nhất định phải liều chết làm cho tới.
Chỉ có điều, chuyện này còn không cần phải liều chết mới làm được, cho dù là chỗ hắn làm quan sau này không trúng chỗ của họ bị lưu đày, nhưng Dương Thu Trì quyết ý trước hết đưa hai mẹ con họ bình an đến Vân Nam, an ổn đâu đấy, sau đó rồi mới tính.
Sáng hôm sau khi Bạch thiên tổng và những người khác bị xử quyết, Dương Thu Trì không đến xem. Hắn đã xem qua quá nhiều người chết, tuy chưa hề xem qua cái chết do phương thức chấp hành hình phạt "lăng trì" mang lại, nhưng hiện giờ hắn không còn lòng nào nghiên cứu nó, cũng không muốn kinh lịch qua sự thống khổ do tử biệt sinh ly mang lại nữa.
Dương Thu Trì bỏ tiền ra tìm hai ngỗ tác đến hình trường tìm thi thể của Bạch thiên tổng rồi chọn một nơi đất tốt chôn cất đường hoàng.
--------o0o------
Xử lý xong chuyện này, Dương Thu Trì, Tống Tình, mẹ của Tống Tình cùng mọi người rời kinh thành Ứng Thiên Phủ trở về Ninh Quốc phủ.
Dương mẫu và Phùng Tiểu Tuyết đã tiếp thu toàn bộ gia sản của Hác gia.
Cùng ngày, Dương Thu Trì bày tiệc chúc mừng ở nhà mới. Chu tri phủ tự thân viết cho DƯơng Thu Trì hai chữ "Dương phủ" làm biển treo cổng thay cho biển "Hác phủ" cũ. Các thân bằng hảo hữu đều hân hoan tề tựu cùng chúc mừng cho Dương Thu Trì và Tống Tình thành thân.
Hiện giờ Hác gia đã thành nhà của Dương Thu Trì, nên hắn mới có dịp đi xem xét qua hết một lượt toàn bộ trạch viện.
Trạch viện này quả là lớn, cả nhà Dương Thu Trì cùng hai mươi cẩm y vệ hộ vệ vào ở mà còn trống không, căn bản không thể nào chiếu cố hết được. Chịu sự ủy thác của Dương Thu Trì, Chu tri phủ mới thỉnh thêm vài phiêu sư từ các phiêu cục tin cậy về làm những kẻ hộ viện coi nhà. Hắn lại mua thêm một số nô tì và người hầu nhanh nhẹn, khỏe mạnh mới có thể vận hành công việc làm ăn hàng ngày của Hác gia trở lại bình thường.
Tống tri huyện, mẹ của Tống Tình và Tống Vân Nhi ở lại Dương phủ mấy ngày rồi trở về Quảng Đức huyện. Trước khi khởi hành, Tống tri huyện bảo Dương Thu Trì ở nhà yên tâm đọc sách chuẩn bị tham gia kỳ ân khoa, tạm thời không cần đến lao phòng ở nha môn Quảng Đức huyện trực ban nữa.
Dương Thu Trì luôn miệng cảm tạ. Hắn cũng cần nhân cơ hội này tu chỉnh lại một chút, vì đoạn thời gian vừa qua quá cực nhọc rồi, chuyện tứ thư ngũ kinh do không cần đọc, nên có thể lợi dụng khoảng thời gian này ngủ cho đẫy giấc vài ngày.
Hiện giờ hắn một vợ hai thiếp, vợ Phùng Tiểu Tuyết, tiểu thiếp có Tần Chỉ Tuệ và Tống Tình, nhưng sau khi Tần Chỉ Tuệ bị võ lâm nữ tiền bối bắt đi rồi vẫn không có tin tức gì, nên hiện giờ chỉ còn lại một vợ một thiếp.
Án chiếu theo quy củ đã định ra giữa hắn và Tần Chỉ Tuệ, Dương Thu Trì thương lượng với Phùng Tiểu Tuyết và Tống Tình thực hiện năm ngày một vòng phân biệt đến ngủ ở phòng của vợ và phòng của thiếp. Đương nhiên, nếu như có mẹ vợ đến thăm, thì thời gian có thể ứng trước hoặc là tùy duyên.
Tống tri huyện chỉ về Quảng Đức huyện mấy ngày là quay trở lại, hơn nữa lần này lại chuyển cả nhà lên. Vừa gặp mặt, Tống Vân Nhi cao hứng báo cho Dương Thu Trì là phụ thân của nàng đã thăng quan.
Thì ra cẩm y vệ Ngưu bách hộ đã án chiếu theo lời của Dương Thu Trì báo lên trên công lao của Tống tri huyện và Tống Vân Nhi trong việc phá án mưu phản của Hác gia cũng như do bắt phản tặc Đặng Hữu Lộc, lại thêm Tống tri huyện liên tục phá án loạn luân của Ân gia và Bạch cốt án của Kim Khả Oánh, nên lại bộ truyền công văn thăng Tống tri huyện lên nhậm chức đồng tri ở Ninh Quốc phủ, chính là chỗ trống để lại sau khi Vương đồng tri bị đệ đệ giết chết.
Thật ra chuyện này chủ yếu là công lao của Tống Vân Nhi, nhưng nàng là phận nữ nhi, và nữ nhi thời cổ đại không thể làm quan, do đó công lao này được đặt lên đầu của cha nàng.
Tống tri huyện nguyên là quan ở hàng thất phẩm, hiện giờ được phá cách đề bạt lên chức Đồng tri ở Ninh Quốc phủ đứng vào hàng ngũ phẩm, nếu ở thời hiện đại tương đương phó bí thư thường vụ tỉnh ủy, nên không khỏi cao hứng đến ngủ không được hết mấy ngày liền, lập tức cho chuyển nhà lên Ninh Quốc phủ.
Tống tri huyện đương nhiên không quên công lao này từ đâu mà có. Lão rất mừng cho sự thông minh của mình lúc trước, quanh co ngoắt ngoéo thế nào mà lại dẫn tới mối quan hệ bác cháu với Dương Thu Trì, hiện giờ xem ra bước này đi quả thật quá đúng!
Di chuyển đến nha môn của Ninh quốc phủ xong, Tống tri huyện thiết yến ăn mừng biểu kỳ sự cảm tạ đối với Dương Thu Trì.
Nếu như Tống tri huyện giờ không còn làm tri huyện ở Quảng Đức huyện nữa, thì cái chức quản giam cho nhà lao của Dương Thu Trì đương nhiên không cần phải làm. Thật ra ý của Tống tri huyện là muốn tiếp tục dùng Dương Thu Trì làm phụ tá cho mình, tiếp tục giúp lão phá án, nhưng lần này lão bị Dương Thu Trì mượn cớ tham gia thi cử khéo léo cự tuyệt.
Tống tri huyện giờ cũng biết Dương Thù Trì không còn là kẻ "ngô hạ a mông" (*) nữa. Từ khi hắn tiếp thu gia sản của Hác gia, lắc người một cái biến thành đại tài chủ số một số hai của Ninh quốc phủ, nếu chỉ từ góc độ tiền tài, hắn nhất định chẳng thèm để ý đến chút tiền lương còm cõi, do đó Tống tri huyện cũng không tiếp tục kiên trì lôi kéo nữa.
Hơn nữa Tống tri huyện cũng biết, không cần nói gì đến việc hắn hiện là cháu rễ của lão, chỉ bàng mối quan hệ sinh tử của hắn và Tống Vân Nhi, chỉ cần sau này lão gặp chuyện gì không giải quyết được, Dương Thu Trì nhất định sẽ giúp.
Hai nhà lại được ở gần nhau, điểm này khiến Dương Thu Trì rất cao hứng. Tuy hắn và Tống Vân Nhi không chạm mặt trực tiếp nhau hàng ngày, nhưng được ở gần nhau như thế hắn mãn nguyện lắm rồi.
Nhận thấy ngày mở ân khoa càng lúc càng đến gần, mà Dương Thu Trì chẳng thèm đọc sách học hành gì cả, Tống tri huyện cứ tìm lời khéo léo khuyên hắn, thậm chí còn ám chỉ rằng lão sẳn sàng dạy. Tống tri huyện đã từng là cử nhân, là đồng niên với lão thái gia của Dương gia thôn của nhà họ Dương, đã từng kinh lịch qua khao cử khảo thí, làm thầy của Dương Thu Trì đương nhiên dư sức. Chỉ có điều, Dương Thu Trì căn bản chẳng hề có chút hứng thứ nào với tứ thư ngũ kinh, nên Tống tri huyện phải đành bỏ mặc.
Chú thích:
Ngô hạ a mông (吴下阿蒙): "Ngô hạ" chỉ Đông Ngô, hiện chính là Giang Tô ở phía nam sông Trường Giang。"A mông" chỉ Lã/Lữ Mông đại tướng của Đông Ngô thời Tam Quốc, kẻ đã dùng kế đánh bại và bắt được Quan Công.
Lữ Mông (178 – 219.AD), tự Tử Minh. Lữ Mông là một trong những trụ cột phò tá Đông Ngô từ rất sớm, lập được nhiều chiến công rất được Tôn Quyền tin tưởng trọng dụng. Trong chiến dịch Xích Bích, Lữ Mông là người cực lực phản đối chủ trương hàng Tào, kiên quyết tử chiến.
Do xuất thân nghèo khổ, Lữ Mông ko có điều kiện học hành nhiều, chủ yếu tiến thân bằng võ nghiệp, đánh trận chém giết. Tôn Quyền khuyên Lữ Mông dù việc quân có bận rộn đến đâu thì cũng nên giành ít thời gian đọc sách để có kiến thức, biết chữ nghĩa. Lữ Mông ngẫm thấy có lý nên nghe theo, điều không ngờ là Lữ Mông không những học để biết chữ mà còn trở thành một bậc quân sư đa mưu túc kế. Chính điều này khiến cho Lỗ Túc, người trước đây rất coi thường Lữ Mông đã phải thay đổi cách nhìn, nến mới khen: "Ngài không còn là A Mông bên bờ Giang Đông nữa. Lữ Mông cười đáp "Kẻ sỹ ba ngày không gặp nhau thì nên rửa mắt mà nhìn (Quát mục tương khán)". Từ đó các câu "Ngô hạ a mông" và "Quát mục tương khán" được lưu truyền hậu thế.
Câu "ngô hạ a mông" nếu dụng để chỉ người khác, thì có y nói người đó có sự biến hóa rất lớn, tiến bộ rõ ràng. Ngoài ra cũng có thể dùng cho chính bản thân người nói, ý chỉ mình không có tiến triển gì, nhưng phải đổi ngược lại thành câu "a mông ngô hạ".
Trong thơ, có mấy câu rất hay liên quan đến tích này:
“Ngô hạ a mông phi hướng nhật,
Tân thiên tranh khiển cửu tuyền tri.”
Kim Nguyên Mẫn chi - trong (Độc dụ chi đệ thi cảo)
Hoặc
"A mông ngô hạ hoàn y cựu,
Tha nhật đăng đường dục bái nan"
Thanh Hoàng Cảnh Nhân - trong (Văn trĩ tồn đinh mẫu ưu)
------------o0o---------------
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...