Lúc này lại đến lượt tôi há hốc miệng, quay sang chị nhỏ giọng hỏi:
"Ơ? Từ lúc nào chị trở thành người của Trần Lộng vậy?"
Chị Anh Nguyên lườm tôi:
"Có cái cóc khô ấy, đỉa đeo chân hạc!"
Ồ, tôi còn chưa nói người ta dù sao cũng là họ Trần hàng thật giá thật, còn chị mới là đồ giả đấy.
Tôi trộm nghĩ giờ mà Phạm Ngũ Lão xuất hiện ở đây chắc là chúng tôi có kịch hay để xem.
Vừa nghĩ thế phía xa bỗng truyền đến tiếng vó ngựa, tôi quay đầu thì quả nhiên Phạm Ngũ Lão cùng các anh tôi đã đến đây.
Tôi cảm thán một câu, đúng là cầu được ước thấy.
Phạm Ngũ Lão thì tính tình vốn ngay thẳng chẳng cần vòng vo, vừa thắng ngựa tới đã quả quyết:
"Quan gia đã ban hôn cho tôi và Anh Nguyên, mong Văn Chiêu Hầu cẩn trọng lời nói.
Còn việc hai người chủ trương việc mổ trâu của người dân khao quân tôi cũng sẽ bẩm lại với Quan gia phân xử!"
Trần Kiện bỗng nhiên lên tiếng:
"Toàn quân đang đồng lòng chống giặc, chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ cũng đủ làm mất đoàn kết.
Trong lúc nước sôi lửa bỏng này anh nghĩ quan gia sẽ trừng phạt bọn tôi sao?"
Quốc Tảng thúc ngựa lên trước, lạnh nhạt nói:
"Trừng phạt hay không tự quan gia quyết định.
Còn bọn tôi thấy sai phải báo."
Quốc Uất cũng xuống ngựa đỡ lấy chị Thụy Hữu, tôi thấy chị ta ngồi trong lòng anh tôi rất vui vẻ, đôi má ửng đỏ khác hẳn vẻ ngang ngạnh khinh bỉ khi đối diện với bọn Lộng Kiện vừa rồi.
Dù sao các anh tôi cũng đã ra mặt, tôi cũng chẳng còn lý do để nấn ná ở đây bèn thúc ngựa trở về.
Trên đường mãi nghĩ chẳng lẽ thật sự như Trần Kiện vừa nói, vì ổn định lòng quân mà chẳng thể trừng phạt hai người bọn họ ư?
Không, nếu như là Trần Khâm chắc chắn sẽ không tha cho hai kẻ này.
Lúc này tôi cũng được biết Trần Kiện là Chương Hiến hầu, con trai thứ của Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang.
Nói vậy Trần Kiện theo vai vế lại là anh họ của Trần Khâm.
Chúng tôi về hành cung liền lập tức đi tìm Trần Khâm, nhưng ngoài dự đoán lúc cho người đi tìm thì biết được trước cửa cung Trùng Quang bọn Trần Kiện Trần Lộng đã dẫn quân quỳ đầy hàng hàng lớp lớp.
Tôi chưng hửng nhìn chị Anh Nguyên, thấy chị ta cũng dùng ánh mắt không thể tin được nhìn mình.
Tôi thầm than hỏng bét, đây chẳng phải là chiêu ác nhân cáo trạng trước đang lưu hành hay sao?
Lúc này Thượng hoàng đã tọa trước cửa cung, Trần Khâm thì mới bước ra phía trước.
Tôi hỏi một nội nhân đang đứng hầu, anh ta nhỏ giọng nói:
"Chương Hiến hầu và Văn Chiêu hầu đến để thú tội ạ!"
Ai chẳng biết họ đến thú tội, họ không đến thú tội chẳng lẽ đến để tố cáo bọn tôi à?
"Vậy họ thú tội như thế nào, xin nói cho tôi được tỏ!"
Vị này là nội hầu của Thượng hoàng, tôi cũng không dám bất kính.
Cũng may ông ấy không giấu giếm tôi, bèn đáp:
"Bọn họ nói rằng con trâu đó bị bệnh chết nên đám binh sĩ nghĩ là nhẹ tội, binh lính mấy hôm nay không được ăn thịt nên thèm quá hóa liều.
Làm thì cũng đã làm rồi, hai người ấy làm tướng nhưng không răn được binh sĩ dưới trướng mình nên đứng ra nhận tội.
Đám binh sĩ đó cũng có tình nghĩa, thấy vậy thì hết người này đến người khác cũng đứng ra, kết quả toàn bộ quỳ trước sân thế này."
Hay cho một màn chém trước tâu sau, cũng khá khen cho một màn binh tướng thâm tình.
Quả nhiên thấy Thượng hoàng đã gật đầu bỏ qua.
"Lần đầu cũng như lần cuối, sau này kẻ nào tái phạm thì phạt theo quân pháp."
Tôi thấy Trần Khâm định nói gì đó nhưng Thượng hoàng trực tiếp bỏ qua rồi cho tất cả trở về, sau đó người vào cung Trùng Quang đi nghỉ.
Chị Anh Nguyên nghe thế thì tức giận định bước lên, tôi nắm tay chị giằng lại khẽ lắc đầu.
Mọi việc đã đến tai Thượng hoàng, việc nên nói cũng đã nói với Trần Khâm, hiện giờ bọn chúng là người chủ động đứng ra nhận tội.
Ban đầu tội đấy cũng không đến mức nghiêm trọng nay lại càng thêm nhẹ, nếu tôi là Thượng hoàng thì cũng xử lý như vậy thôi.
Lời nói của họ tuy là một phía nhưng cũng không ai chứng minh được lời nói của chúng tôi.
Có điều tôi vẫn cảm thấy Thượng hoàng có vẻ không muốn truy cứu, hay là bởi bọn Trần Kiện và Trần Lộng biết mình được Thượng hoàng thiên vị nên lợi dụng điều đó mà đến cung Trùng Quang nhận tội chăng?
Lúc toàn quân đã rời khỏi, hai kẻ đó dừng trước mặt chúng tôi.
Trần Lộng mỉm cười châm chọc còn Trần Kiện vẫn giữ nét mặt lạnh nhạt nhưng lại có điểm đắc ý thật là gợi đòn.
Nếu không có ai ở đây tôi đã đấm cho mỗi đứa một cái.
Tôi nhìn vẻ mặt muốn giết người của chị Anh Nguyên, lặng lẽ thở dài.
Trần Khâm đến bên cạnh tôi từ lúc nào, lạnh giọng nói:
"Đáng ra nên báo cho tôi!"
Tôi xụ mặt:
"Chàng không thấy à, bọn chúng nhanh chân hơn em!"
Chuyện lần này cũng chẳng phải chuyện gì to tát, hiện giờ điều quan trọng là củng cố lại lực lượng và nâng cao tinh thần của binh sĩ cho cuộc chiến kế tiếp.
Giờ đã là đầu tháng ba, chúng tôi cũng bắt đầu thăm dò những vùng lân cận.
Chúng tôi chia quân ra làm nhiều tốp, tôi và Trần Quốc Toản dẫn Hoài Văn quân đi thám thính từ căn cứ Thiên Trường cho đến gần Tây Kết, vào buổi đêm chỉ dám bơi thuyền nhẹ ra xem.
Bỗng nhiên trên bờ một trận náo động, tên bắn rợp mặt nước nơi chúng tôi vừa đi qua.
Cũng may Trần Quốc Toản kịp thời dụi tắt ngọn đuốc nép vào đám cây đổ bên bờ sông, những người lính của Hoài Văn quân thấy thế cũng ngay lập tức dừng mọi hành động đợi đến khi đám lính người Thát đi khỏi.
Xem ra vùng Tây Kết này bọn chúng đặc biệt để tâm, đêm hôm vẫn cho quân đi tuần.
Tôi đoán nếu như đã thò mũi đến Tây Kết thì ắt chúng cũng sẽ dàn quân rải rác ở rất nhiều chỗ, vậy lực lượng đóng ở kinh thành khả năng cao là mỏng hơn rất nhiều so với ban đầu.
Nếu như lúc này mà cho quân tập kích bất ngờ thì có khả năng thắng không nhỉ?
Không cái đầu xảo quyệt của Thoát Hoan chưa từng làm việc gì mà không nắm chắc cả.
Mãi nghĩ ngợi, phía bên kia Trần Quốc Toản bỗng kêu lên một tiếng, tôi giật mình hỏi:
"Sao thế, bị tên bắn trúng à?"
Trần Quốc Toản nghiến răng:
"Không, tôi bị rắn cắn."
"Hả?"
Tôi với lấy mái chèo nhẹ nhàng bơi vào bờ, lại ra tín hiệu cho toàn quân rút về bờ sông bên kia, lúc xác định đã an toàn mới nhờ người dìu Quốc Toản lên bờ.
Hôm nay lại là một đêm không trăng, đóm bay lập lòe trên những chạc cây và tiếng gió xì xào như thì thầm một bài hát.
Các binh sĩ nhóm lửa sưởi ấm, tôi nhìn đóm lửa bập bùng, lại nhìn trên cánh tay của Trần Quốc Toản có bốn chấm tròn nhỏ quả nhiên là bị rắn cắn rồi.
Tôi lấy dao găm thuần thục sơ cứu cho cậu ta, cũng may cậu ta đã dùng vải áo quấn chặt bắp tay lại để ngăn độc rắn chạy về tim.
Tôi lại sai người đi tìm cây bòn bọt đắp lên vết cắn.
Lúc này Trần Quốc Toản ngồi tựa vào gốc cây, hỏi tôi:
"Chị nói thật đi, tôi không cứu được đúng không?"
Tôi nhắm chừng từ lúc cậu ta bị rắn cắn đến giờ cũng đã hơn một canh giờ, đã nằm ngoài khoảng thời gian an toàn.
Tôi thở dài nhìn cậu ta, lại nghe cậu ta nói tiếp:
"Xem ra tôi cũng không cầm cự được bao lâu nữa, khi tôi chết rồi Hoài Văn quân giao cho chị nhé!"
Trong quân có người khóc nấc lên gọi cậu ta, Trần Quốc Toản yếu ớt trấn an họ:
"Các anh cũng cùng với Tuyên phu nhân vào sinh ra tử, khi ta chết hãy trung thành với chị ấy như trung thành với tôi.
Tôi tin chị ấy sẽ đưa các anh lập nên những chiến công vang dội."
Tôi không biết Trần Quốc Toản lấy sức lực ở đâu mà trăn trối nhiều như thế, có điều một nghìn Hoài Văn Quân tinh nhuệ xem ra cũng khá hấp dẫn với kẻ mới ra sa trường lập nghiệp như tôi.
Tôi gật đầu với cậu ta, cậu ta lại nói:
"Tôi có thể nhờ chị một việc được không?"
"Việc gì chú cứ nói!" – Tôi đáp.
Trần Quốc Toản thiêm thiếp cố mở mắt ngước lên trời, giọng nói càng lúc càng nhỏ như mất hút trong đêm đen:
"Chị đừng đem xác tôi về, tôi không muốn cái chết của bản thân trở thành trò cười của hậu thế.
Dù sao ra trận giết giặc nhưng bị rắn cắn chết cũng không vẻ vang gì."
Cậu ta nói thế rồi thiếp đi thật, Hoài Văn quân cũng rơi vào trạng thái bi thương.
Tôi cũng mệt mỏi sau chuỗi ngày hành quân đường xa nên cũng tựa vào gốc đại thụ thiếp đi.
Sáng hôm sau chúng tôi nhổ trại rời khỏi, lúc phóng lên ngựa phía sau bỗng nghe tiếng càm ràm:
"Tôi vẫn chưa chết, chị gạt tôi?"
"Tôi đâu có nói là con rắn đó có độc!"
Tôi nói xong thì thúc ngựa đi thẳng, bỏ lại đằng sau tiếng cậu ta không ngừng kêu than.
Ôi cái thằng nhóc này ngay cả rắn độc và không độc còn chẳng phân biệt được nữa mà còn học đòi ra chiến trường..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...