Tôi không biết Nhân Huệ vương mà anh ta nói là ai, dù sao số vương hầu trong triều cũng không ít, tùy tiện kể ra cũng không thể đủ ba trang giấy nên chỉ chống cằm ngồi đợi thuyền lớn của người đó dừng lại thôi.
Đến cửa Đại Than thì thuyền lớn dừng lại, Trần Khâm cho quân hầu bơi thuyền nhỏ ra, lại dặn:
"Nói với ông lái có lệnh vua gọi."
Quân hầu tuân mệnh rời khỏi, chốc lát sau cũng chỉ một mình anh ta trở về, anh ta cúi người tâu lại:
"Bẩm quan gia, lão ấy nói là người buôn bán, có gì mà phải gọi."
Tôi tưởng Trần Khâm sẽ giận, không ngờ anh ta lại đập tay tỏ ý như mình đoán đúng rồi, kẻ bình thường làm sao dám nói thế, liền tự mình ngồi trên thuyền nhỏ rồi sai quân hầu chèo đi.
Tôi hốt hoảng nhảy xuống thuyền theo anh ta làm con thuyền tròng trành một cái.
Tôi ngồi an vị sau lái, Trần Khâm dỡ trán, bất lực nói:
"Mau lên thuyền lớn đợi tôi, sông nước nguy hiểm lắm."
Tôi ngẩng mặt nhìn Trần Khâm thách thức:
"Đừng hòng bỏ lại em!"
Ra đến cửa Đại Than quả nhiên gặp người lái thuyền đang bận rộn chuyển than, nghe Trần Khâm gọi anh ta quay mặt lại.
Tôi nhìn thấy gương mặt đen nhẻm của anh ta, liền giật mình kinh ngạc thốt lên:
"Tên gian tặc Khánh Dư!"
Đừng nói là hiện giờ anh ta trông bần hàn nhếch nhác, gương mặt đen nhẻm vì bụi than, cho dù anh ta có hóa ra tro tôi cũng nhận ra kẻ dạo trước đã bắt cóc tôi, hại tôi suýt làm mồi cho thú dữ.
Hôm nay gặp anh ta tại đây âu cũng là do ý trời muốn anh ta phải đền tội trước tôi.
Trần Khánh Dư nghe tôi gọi cũng giật mình liếc qua.
Vừa thấy tôi mắt anh ta đã long lên sòng sọc, Trần Khánh Dư chỉ tay vào mũi tôi mắng:
"Con ả nhiều chuyện, hôm nay gặp lại ta coi như mi tận số!"
Tôi cười khiêu khích:
"Có ngon thì nhào vô!"
Đương lúc tôi định nhảy lên thuyền lớn của anh ta thì Trần Khâm ở mũi thuyền quát lên:
"Được rồi, các người không xem ta ra gì đúng không?"
Lúc này Trần Khánh Dư mới như người trong mộng bừng tỉnh, vội chèo thuyền nhỏ tới trước mặt Trần Khâm cúi đầu kính cẩn, hoàn toàn khác xa với vẻ ngang ngược ban nãy khi đối đầu với tôi:
"Lão xin ra mắt quan gia!" – Lại quay sang tôi, bứt rứt gọi – "Phu nhân!"
"Không dám!" – Tôi bĩu môi chắp tay đáp lễ.
Trần Khâm nhìn Trần Khánh Dư một lát, bèn chắc chắn nói:
"Quả đúng là Nhân Huệ vương rồi! Nam nhi mà lại đến nông nỗi này đúng là cùng cực.
Lý do là gì thế?"
Tôi thấy Trần Khánh Dư có vẻ ấp úng, biết anh ta cũng không muốn khơi lên chuyện xấu của mình dạo trước, bèn nói:
"Nhân Huệ vương đã không muốn nói, chúng ta cùng đừng nên hỏi khó anh ta."
"Mặc kệ là chuyện gì, hiện tại xã tắc đang lâm nguy, một người tài như Nhân Huệ vương trốn tránh ở đây phó mặc việc đời e là không thỏa đáng."
Trần Khánh Dư lại cúi người thật thấp, tôi biết anh ta cũng rơi vào tình trạng bất đắc dĩ mới chọn cách lánh xa thế sự như vầy.
Một phần là do sợ người của phủ Hưng Đạo vạch trần chuyện xấu trước mặt Trần Khâm và quần thần, một phần cũng vì có lẽ ngọn lửa trong lòng đã tắt, chẳng còn muốn hơn thua với đời nữa.
Trần Khánh Dư lại băn khoăn:
"Thần cũng vì có chuyện khó nói...!Hôm nay xin tạ tội với quan gia."
Tôi đứng bên cạnh cũng không nhịn nỗi:
"Chuyện gì mà còn quan trọng hơn đền ơn dân nợ nước đây Nhân Huệ Vương? Đừng quên trước đây ngài vinh hiển quyền uy là do ai ban cho, bây giờ xã tắc cần tài năng của ngài thì cho dù có chuyện gì quan gia cũng sẽ bảo vệ cho ngài, ngài không cần phải hoang mang lo lắng."
Trần Khâm bên cạnh liếc tôi, đằng hắng một cái, nói:
"Có công thì thưởng, có tội thì phạt!"
Trần Khánh Dư trố mắt nhìn tôi, chắc anh ta cũng không tin tôi sẽ giữ kín chuyện, nhưng trước mặt Trần Khâm nghe lời này của tôi thì trong lòng chắc là cũng có phần dao động.
Là bậc nam nhi lại là vương tướng đã quen với uy quyền thì làm sao từ chối nổi món ăn béo bở này đây.
Trần Khánh Dư lưỡng lự một lát, bèn quỳ xuống trước mặt Trần Khâm, tuyên thệ:
"Nếu vậy Khánh Dư xin tuân mệnh!"
Tôi bỗng cảm giác khóe miệng Trần Khâm nhếch lên.
Buổi tối hôm đó tôi nằm bên dưới chịu đựng Trần Khâm tra tấn mình, anh ta uy hiếp tôi nói ra bí mật với Trần Khánh Dư.
Bình thường cạy miệng tôi ra không dễ, lại thêm tuy tôi không chính miệng nói ra mình hứa với Trần Khánh Dư nhưng có vẻ Trần Khánh Dư cũng tin tôi là một người giữ chữ tín nên tôi cắn răng chịu đựng, quyết không thể nào bội ước được.
Có điều...
Tại sao tên quan gia này hôm nay lại khỏe thế nhỉ?
Cuối cùng tôi nuốt nước mắt vào trong, giơ tay đầu hàng vô điều kiện.
Khánh Dư ơi, anh nào hiểu tôi vì giữ bí mật cho anh mà phải chịu gian khổ từng nào.
Dù sao nếu như quan gia bắt anh nói anh cũng không thể mím chặt miệng cả đời được, Trần Khâm không muốn làm mất mặt anh trước tôi nên buổi sáng không gặng hỏi, nhưng trong lòng không phải không bâng khuâng.
Tôi biết giấu vua là trọng tội nên đành sửa sang lại quần áo, ngồi dựa vào vách thuyền thở hổn hển một lát mới bình tĩnh nói:
"Thì trước đây Trần Khánh Dư có lần mò tới Vạn Kiếp rủ chị dâu bỏ trốn chứ chi."
Trần Khâm có vẻ bất ngờ, dù sao lần đó cũng chỉ có mấy người bọn tôi biết rõ cớ sự chứ chưa từng đồn ra ngoài, ngay cả cha mẹ bọn tôi cũng không hề nói đến.
Chuyện xấu trong nhà ấy mà, nếu không phải hôm nay vô tình gặp anh ta ở đây tôi cũng đã giấu chuyện đó đến khi xuống lòng đất rồi.
Trần Khâm trầm ngâm một lát, thì bất giác thốt ra:
"Ngày xưa thấy Nhân Huệ Vương ra vào cung cấm hằng ngày tôi đã có lòng sinh nghi, không ngờ lại là sự thật.
Chị của tôi đã lấy chồng rồi mà y vẫn không buông tha."
Tôi nghĩ đàn ông các người vốn dĩ là những kẻ có lòng tham không đáy.
Như Thoát Hoan rõ ràng biết tôi đã có chồng con vẫn cố chấp bắt tôi về đấy thôi, tôi tưởng họ Trần thời tiên đế đã mang tư tưởng thông thoáng lắm rồi, ấy vậy mà bọn người Mông Cổ còn làm tôi càng mở mang tầm mắt.
Trần Khâm mang tâm thế của kẻ hóng hớt, tiếp tục hỏi:
"Sau đó chị của tôi có đi không? Làm sao mà em biết được?"
Trong lòng tôi thầm mắng anh bị ngốc à, nếu đi rồi thì nhà tôi còn không tới cửa nhà anh kiếm chuyện đập phá, làm gì đến hôm nay anh mới biết được cơ sự này?
Tôi liếc anh ta, mỉa mai:
"Đương nhiên là vì em nghe lén được bọn họ âm mưu bỏ trốn trong đêm, sau đấy Khánh Dư phát hiện ra rồi bắt em đi tự lúc nào em cũng không hay biết.
Nhắc đến đúng là làm người ta không nén nổi thở dài, suýt nữa thì làm mồi cho sói rồi, anh ta vậy mà lại hẹn chị dâu ở bìa rừng."
Trần Khâm liền liếc mắt ngược lại tôi, trách:
"Tôi biết thừa cái tính này của em."
Đoạn lại nghi hoặc hỏi:
"Nhưng không ngờ em lại có sở thích rình rập nhà người ta đấy.
Thế làm sao mà thoát được?"
"Trùng hợp, trùng hợp thôi!" – Tôi cười hì hì nói.
Tôi cũng không thể nói là do khi ấy bị Quốc Tảng đang say rượu lẻn vào phòng tỏ tình, sau đó vì cảm thấy bức bối trong người nên mới nửa đêm ra ngoài đi lang thang rồi vô duyên vô cớ bị người ta bắt.
Nghĩ xong lại hoài niệm:
"Khi ấy là anh ba đã cứu em."
"Ồ, lần nào em gặp nguy nan anh ta cũng kịp thời có mặt." – Trần Khâm nghe tới đây lại giở giọng châm chọc.
Được rồi, người ta là anh trai tôi có được hay không?
Trần Khánh Dư qua lời kể của anh cả thì là một kẻ văn võ song toàn, đường gươm như tuyết rơi hoa nở, có thể xông vào đám quân cả ngàn người như vào chỗ không người.
Đúng là cháu nội của Trần Thủ Độ, một kẻ gian hùng.
"Đã biết được hết chân tướng rồi, chàng vẫn sẽ coi trọng anh ta chứ?" – Tôi nghi hoặc hỏi.
Trần Khâm cũng tựa vào khoang thuyền, tự mãn nhìn tôi đáp:
"Tôi là người công tư phân minh.".
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...