Tôi không biết khoảng thời gian đóng quân ở kinh thành Thoát Hoan có khốn đốn vì thiếu thốn hay không, nhưng riêng những mâu thuẫn ở Thiên Trường cũng đủ làm tôi và Trần Khâm phải đau đầu.
Kể từ khi giặc Thát cất quân sang đây thắm thoát cũng đã ngót nghét một tháng, chỉ trong một tháng mà chúng đã nắm hầu hết các cứ điểm mà ta đã chuẩn bị từ trước kể cả Phượng thành, khiến toàn bộ quân số của ta phải co cụm lại.
Xưa nay nơi nào càng đông người càng lắm thị phi, và việc một lượng người đông như thế ở cùng một chỗ kể ra cũng có rất nhiều những vấn đề phát sinh.
Đương nhiên tôi không nói đến những rường cột nước nhà ăn chung ngủ chung với quân lính, lăn lộn qua những cuộc chiến mà già đi.
Nhưng trong lớp quý tộc hội tụ về Thiên Trường, có không ít những kẻ chỉ mới lần đầu tham gia chiến sự, những con báo mới lớn còn háo thắng và ngông nghênh.
Tuy hiện tại tôi đã là một bà mẹ một con, không cần thiết phải màng đến những mâu thuẫn nhỏ nhặt của những kẻ đó, nhưng có nhiều chuyện đúng là mình không tìm tới nó, nó vẫn tự tìm đến mình.
Giống như hôm nay trong lúc đang ăn cơm, Quốc Chẩn bỗng hỏi tôi:
- Mẹ ơi, tại sao chúng ta lại chỉ được ăn cơm trắng ạ?
Trong lòng tôi chua xót không thôi.
Còn nhớ lần đó thằng nhóc này còn quấy phá chỉ vì chán ngán một món ăn, còn hôm nay chỉ ăn cơm trắng thôi nhưng vẫn không tỏ thái độ gì, đúng là trẻ nhỏ dễ dạy.
Tôi xoa đầu Quốc Chẩn, lựa lời bảo nó:
- Chúng ta còn được ăn cơm trắng, còn những binh sĩ ngoài kia chỉ được ăn lương khô thôi, con xem họ còn cực khổ đến mức nào? Binh sĩ chiến đấu vì đất nước, còn Quốc Chẩn là hoàng tử càng phải làm gương nghe chưa.
Quốc Chẩn đang tuổi ăn tuổi lớn, vậy mà vì đám người Thát tàn nhẫn hiếu chiến kia nên hiện giờ phải ở đây chịu khổ cùng chúng tôi, lại chẳng biết ngoài kia có bao nhiêu người phải chịu đói khát.
Cũng không phải khó khăn đến mức độ chúng tôi bắt buộc phải ăn cơm trắng, nhưng quân lính thì đông, chiến tranh qua đi cũng còn phải sống tiếp, những gia súc như trâu, bò, chúng tôi cũng hạn chế đụng đến của người dân.
Một con trâu là cả một cơ nghiệp.
Quốc Chẩn hiểu được lời tôi nói, gật gật đầu.
Rồi lại mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi thắc mắc:
- Vậy sao con nghe Văn Chiêu hầu nói sẽ mổ trâu ăn chứ, hay là con nghe lầm?
Thằng bé Trần Thuyên ngồi bên cạnh lập tức giãy lên:
- Cái gì chứ, con là thái tử mà phải ăn cơm trắng đến mức không biết mùi vị gì luôn rồi, chú ta là ai mà đòi mổ trâu ăn? Con phải đi tìm chú ta hỏi cho rõ ràng.
Tôi dùng đầu đũa gõ nhẹ lên tay nó, gằn giọng:
- Còn chưa biết thực hư, con gấp gáp làm gì? Nhỡ đâu không phải thì làm sao ăn nói với người ta.
– Lại quay sang chị Trinh hỏi – Văn Chiêu hầu này là ai thế chị?
Chị Trinh cũng cau mày, chậm rãi nói:
- Anh ta tên là Trần Lộng, vốn là cháu nội của Thái sư Trần Thủ Độ, còn trai của Nhân Thành Hầu Trần Duyệt, là đại tướng trấn thủ vùng sông Tam Đái.
Có điều người này chị nghe danh tiếng rất tốt.
Chẩn có nghe lầm không?
Quốc Chẩn đôi mắt rưng rưng chực khóc, chị Anh Nguyên bỗng nhổm dậy bất bình nói:
- Thực hư thế nào đi nhìn là rõ, nhiều người nhìn vẻ bề ngoài đạo mạo nhưng nội tâm thì xấu xa.
Là một đại tướng quen hô mưa gọi gió, chưa chắc anh ta chịu được ăn uống cực khổ.
Em tin Quốc Chẩn không nghe lầm.
Chị Anh Nguyên nói rồi vội vơ nhanh bát cơm, chưa kịp nuốt xuống đã tức tốc chạy ra ngoài.
Tôi cũng bỏ bữa chạy theo, sợ với tính cách của chị lại gây họa.
Mấy ngày nay tuy đóng quân ngơi nghỉ, nhưng binh lính vẫn thao luyện ngày đêm và nơm nớp lo sợ địch bất ngờ tập kích, tinh thần mọi người đã đủ căng thẳng rồi, một mẫu thuẫn nội bộ xảy ra lúc này là điều không nên có.
Chị Anh Nguyên cưỡi ngựa chạy một vòng trong quân doanh, mãi tôi mới đuổi kịp chị, ở bên cạnh nói:
- Chỉ có kẻ ngu mới làm chuyện đó ở đây!
Chị Anh Nguyên lúc này mới ngớ ra, không nói hai lời đã phóng thẳng ngựa về phía bìa rừng, lúc thấy một cột khói nhỏ bốc lên mới lần theo dấu vết đến trước một hang động.
Tôi và chị Anh Nguyên nấp sau tán cây nhìn thấy có một toán lính tầm khoảng hơn ba mươi người cởi trần đang xẻ thịt trâu, bởi vì họ cởi trần nên tôi nhìn thấy trên lưng, trên bụng họ đều có hình xăm thái long.
Tôi nhìn chị Anh Nguyên, chị Anh Nguyên cũng gật đầu nhỏ giọng nói:
- Quả là lính của Trần Lộng, vì bọn họ trấn thủ ở sông Tam Đái nên rất sợ loài thủy quái.
Ai cũng xăm hình rồng trên người, lần này bọn chúng thật to gan, dám qua mặt vua mà ăn vụng.
Thật ra không chỉ những người trấn thủ ven sông mà bất cứ ai cũng được xăm mình, nhưng vì tính đặc thù của công việc, nên những người trẻ hiện tại ví như các anh tôi cũng không mấy ai xăm nữa, đều xăm một loạt toàn bộ như thế thì chỉ có những người lính thủy quân mà thôi.
Tôi và chị Anh Nguyên định bụng một người ở lại canh, một người trở về báo cho cha cơ sự, nhưng vừa quay đi thì bên kia đã vang lên một trận ầm ĩ, hóa ra đã có người phát hiện ra rồi.
Tôi liếc thấy dáng của một người con gái ngồi trên ngựa chiến, mặc bộ quần áo màu tím sẫm, tóc cột cao trên đỉnh đầu, toát ra đầy anh khí đang chất vấn một kẻ trông có vẻ ăn vận sang trọng trong đám người kia, trông thái độ không hề yếu thế.
Nhưng dù sao cũng chỉ là một cô gái, thử tưởng tượng bọn người kia sợ quá hóa liều, thì ba cô gái chúng tôi cũng khó lòng địch nỗi ba mươi tên đàn ông lực lưỡng trong quân đội.
Tôi đá vào chân chị Anh Nguyên, ra dấu cho chị mau chạy đi tìm người ứng cứu, nhưng cũng muộn mất rồi, trước mặt chúng tôi sớm đã có thêm một người con trai cưỡi ngựa chắn trước.
Gương mặt anh ta vô cùng sáng sủa khôi ngô, ánh mắt có vẻ ôn hòa nhưng lại chứa đầy địch ý.
Có điều trên mặt anh ta bị dính một vệt khói đen nên nhìn tổng thể có vẻ không tương xứng với nhau lắm.
Người đó vừa nhìn thấy chị Anh Nguyên, hai mắt liền phát sáng, kích động nói:
- Quả nhiên là Anh Nguyên, cuối cùng cũng gặp được em!
Chị Anh Nguyên cầm mũi giáo chỉ vào anh ta, quát:
- Trần Lộng, hóa ra đúng là anh đã làm ra chuyện đê hèn này!
Trần Lộng cười ha hả nói:
- Có gì là đê hèn, đại quân ta vào sinh ra tử vì quan gia, chẳng lẽ một con trâu cũng không được mổ?
Tôi hết ngó chị Anh Nguyên lại ngó kẻ được gọi là Trần Lộng kia, hóa ra là bọn họ có quen biết nhau, thảo nào nghe tên của anh ta chị Anh Nguyên liền kích động, như kiểu hiểu rất rõ con người của anh ta vậy.
Tôi cũng chẳng muốn xen vào mớ bòng bong này, nhưng nghe anh ta nói như vậy, trong lòng liền thấy giận dữ, đáp:
- Chẳng lẽ chỉ có đội quân của anh mới vào sinh ra tử hay sao, nếu tất cả toàn quân đều muốn giết trâu ăn thịt như anh thì khác nào sau chiến trận cả Đại Việt sẽ lâm vào cảnh khốn khổ.
Người có tài cán thì vào rừng săn thú, chỉ có kẻ bất tài mới cướp gia súc của dân!
Vừa dứt lời, thanh kiếm trên tay anh ta đã lao về phía tôi.
Tên Trần Lộng này đúng là nói được làm được, không một lời thừa thãi.
Trong lòng tôi đột nhiên tràn về sự kích thích của ngày xưa, như lúc cùng chị Anh Nguyên làm những việc cướp gà trộm chó.
Tôi nắm chặt thanh kiếm trên tay mình, muốn cùng Trần Lộng lao vào đánh vài trăm hiệp.
Nhưng phía bên kia nghe tiếng ngã ngựa, đoán chắc cô gái áo tím cũng không chống nổi những kẻ võ biền, bèn lượn một vòng quay đầu thúc ngựa về hướng đối diện.
Trần Lộng không đuổi theo tôi, có lẽ đã bị chị Anh Nguyên giữ lại.
Cô gái áo tím ngã trên mặt đất, đứng chắn phía trước cũng là một chàng trai trẻ tuổi, anh ta khoanh tay nhìn chằm chằm xuống chị ta.
Gương mặt cô gái này tôi thấy khá quen thuộc, giống như từng gặp qua rồi nhưng không biết gặp ở đâu.
Trong lòng tôi bỗng thấy chế giễu, đúng như chị Anh Nguyên đã nói, có những kẻ vẻ bề ngoài trông vô cùng đạo mạo đàng hoàng, nhưng lại làm những việc hèn mọn khiến người ta khinh bỉ.
Tôi phóng xuống ngựa đỡ cô gái ấy lên, chị Anh Nguyên phía sau cũng phóng ngựa tới, gằn giọng:
- Chẳng biết là những kẻ nào lại to gan dám mạo phạm cả quý nữ của Thượng tướng Thái sư đương triều!
Đầu tôi lập tức nhảy số, Thượng tướng Thái sư đương triều là Trần Quang Khải, chú ruột của Trần Khâm.
Lại nhìn cô gái trước mặt tuy nhìn gầy gò nhưng vóc người rắn chắc, đoán là người tập võ, quý nữ của Thái sư nhưng lại biết võ, thì chỉ có một chính là chị Thụy Hữu – hôn thê của Quốc Uất anh tôi.
Hóa ra tôi trông chị ta quen quen là vì năm đó ở Vạn Kiếp có vô tình trông thấy một lần khi chị ta trở về tìm anh tôi từ quân doanh.
Chị Thụy Hữu nét mặt có chút tái xanh, hừ lạnh:
- Nếu không phải ta bị thương vì cuộc chiến ở Bình Than, thì lũ các ngươi không thể sánh!
Hèn gì tôi thấy có gì đó không đúng ở đây.
Ngày trước chị ta đuổi bắt anh tôi như mèo vờn chuột, không giống cô gái yếu ớt sắc mặt tái xanh đang ngồi trên đất này.
Tôi nhìn cả người chị ta run run đau đớn, có vẻ là bị thương không nhẹ, chẳng hiểu tại sao lại còn chạy loạn ra ngoài để gặp phải đám người vô sỉ kia.
Trong đám người đối diện bỗng nghe tiếng xì xầm, có kẻ tỏ ra thất vọng nói nhỏ:
- Cô gái xinh đẹp như vậy, còn tưởng là quân kỹ, hóa ra lại là kẻ không thể chạm vào.
Thật xui xẻo!
Vẻ mặt chị Thụy Hữu càng trở nên khó coi hơn.
Tôi cũng từng nghe qua ở phương Bắc có những người gọi là quân kỹ, đó là những cô gái lầu xanh hoặc là con của những người phạm tội nặng bị đày, bị bắt vào quân doanh phục vụ binh lính, nhưng cũng chưa từng nghe Đại Việt ta có những phong tục này.
Từ đó suy ra đám người này cũng chẳng phải là những kẻ lương thiện, tệ nhất là trong lúc trấn giữ không chừng còn quấy nhiễu trong nhân gian.
Chị Anh Nguyên bỗng kề thương lên cổ kẻ đó, chàng trai đối diện liền nhanh như chớp lấy kiếm hất ra, ngạo mạn nói:
- Định giết người trước mặt ta? Cô không đủ tư cách!
Trần Lộng lúc này cũng đuổi tới, lớn giọng nói với chàng trai kia:
- Trần Kiện mau dừng tay, đó là người của ta!
Lúc này lại đến lượt tôi há hốc miệng, chị Anh Nguyên từ lúc nào trở thành người của Trần Lộng vậy? Tôi trộm nghĩ giờ mà Phạm Ngũ Lão xuất hiện ở đây, chắc là chúng tôi có kịch hay để xem.
Vừa nghĩ thế, phía xa bỗng truyền đến tiếng vó ngựa, tôi quay đầu, đúng thật là Phạm Ngũ Lão cùng các anh tôi đã đến đây.
Ôi, cầu được ước thấy.
Phạm Ngũ Lão thì tính tình vốn ngay thẳng, cũng chẳng cần vòng vo làm gì, vừa thắng ngựa tới đã quả quyết:
- Quan gia đã ban hôn cho ta và Anh Nguyên, mong Văn Chiêu Hầu cẩn trọng lời nói.
Còn việc hai người chủ trương việc mổ trâu của người dân khao quân, ta cũng sẽ bẩm lại với Quan gia phân xử!
Trần Kiện bỗng nhiên lên tiếng:
- Toàn quân đang đồng lòng chống giặc, ta nghĩ tướng quân cũng nên hiểu chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ cũng đủ làm mất đoàn kết.
Trong lúc nước sôi lửa bỏng này anh nghĩ quan gia sẽ trừng phạt bọn ta sao?
Quốc Tảng thúc ngựa lên trước, lạnh nhạt nói:
- Trừng phạt hay không tự quan gia quyết định.
Còn chúng ta thấy sai phải báo.
Quốc Uất cũng xuống ngựa đỡ lấy chị Thụy Hữu, tôi thấy chị ta ngồi trong lòng anh tôi có vẻ rất hưởng thụ, đôi má ửng đỏ khác hẳn vẻ ngang ngạnh khinh bỉ khi đối diện với bọn Trần Lộng, Trần Kiện vừa rồi.
Dù sao các anh tôi cũng đã ra mặt, tôi cũng chẳng còn lý do để nấn ná ở đây, bèn thúc ngựa trở về.
Trên đường mãi nghĩ, chẳng lẽ thật sự như Trần Kiện vừa nói, vì ổn định lòng quân mà chẳng thể nào trừng phạt hai người bọn họ sao?
Nếu trừng phạt họ làm gương cho kẻ khác, thì ba quân có nghĩ Trần Khâm hà khắc hay không? Còn nếu không trừng phạt thích đáng, thì sau này chắc chắn cũng sẽ có kẻ ỷ vậy mà tiếp tục sai phạm, lệnh vua sẽ chẳng còn vững vàng như trước nữa.
Không, nếu như là Trần Khâm, anh ta chắc chắn sẽ không tha cho hai kẻ này.
Lúc này tôi cũng được biết Trần Kiện là Chương Hiến hầu, con trai thứ của Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang, anh lớn của thượng hoàng.
Nói vậy Trần Kiện theo vai vế lại là anh họ của Trần Khâm.
Tôi thở dài, những kẻ gây họa chỉ toàn những kẻ tai to mặt lớn.
Trần Kiện này hống hách cũng phải, dù sao theo lễ chế con trưởng làm vua như thế này, nếu cha anh ta mà có lòng đoạt ngôi thì đúng là họ Trần phải trải qua một đợt gió tanh mưa máu.
Chúng tôi về hành cung liền lập tức đi tìm Trần Khâm, nhưng ngoài dự đoán, lúc cho người đi tìm thì biết được trước cửa cung Trùng Quang, bọn Trần Kiện Trần Lộng đã dẫn quân quỳ đầy hàng hàng lớp lớp.
Tôi chưng hửng nhìn chị Anh Nguyên, thấy chị ta cũng dùng ánh mắt không thể tin được nhìn mình.
Tình hình như vậy, có lẽ nào bọn này định dùng chiêu ác nhân cáo trạng trước hay sao?
Lúc này Thượng hoàng đã tọa trước cửa cung, Trần Khâm đã bước lên phía trước, tiếng hô bệ hạ vang rền.
Tôi hỏi một nội nhân đang đứng hầu, anh ta nhỏ giọng nói:
- Chương Hiến hầu và Văn Chiêu hầu đến để thú tội ạ!
Tôi đương nhiên biết họ đến thú tội, họ không đến thú tội chẳng lẽ đến để tố cáo bọn tôi sao?
- Vậy họ thú tội như thế nào, xin nói cho tôi được tỏ!
Vị này là nội hầu của Thượng hoàng, tôi cũng không dám bất kính.
Cũng may ông ấy không giấu giếm tôi, bèn đáp:
- Bọn họ nói rằng con trâu đó bị bệnh chết, binh lính mấy hôm nay không được ăn thịt nên làm ẩu.
Lại nói con trâu đó dù sao cũng đã chết rồi nên đám binh sĩ nghĩ là nhẹ tội.
Rốt cuộc bị phát hiện thì cũng đã làm rồi, bản thân hai người ấy làm tướng nhưng không răn được binh sĩ dưới trướng mình nên đứng ra nhận tội.
Đám binh sĩ đó cũng có tình nghĩa, thấy vậy thì hết người này đến người khác cũng đứng ra, kết quả toàn bộ quỳ trước sân thế này.
Nói xong quả nhiên thấy Thượng hoàng phất tay cho qua, người đứng phía trên dõng dạc nói:
- Biết sai rồi thì thôi bỏ qua đi, lần đầu cũng như lần cuối, sau này kẻ nào tái phạm thì phạt theo quân pháp.
Tôi thấy Trần Khâm định nói gì đó nhưng Thượng hoàng trực tiếp bỏ qua, chỉ dặn anh đừng lao lực quá độ, trận chiến kế tiếp vẫn phải cần anh chỉ huy.
Người nói xong thì cho tất cả trở về, rồi vào cung Trùng Quang đi nghỉ.
Chị Anh Nguyên nghe thế thì tức giận định bước lên, tôi nắm tay chị giằng lại, khẽ lắc đầu.
Dù sao mọi việc đã đến tai Thượng hoàng, việc nên nói cũng đã nói với Trần Khâm, hiện giờ bọn chúng là người chủ động đứng ra nhận tội, ban đầu tội đấy cũng không đến mức nghiêm trọng, nay lại càng thêm nhẹ, nếu tôi là Thượng hoàng thì cũng xử lý như vậy thôi.
Lời nói của họ tuy là một phía, nhưng cũng không ai chứng minh được lời nói của chúng tôi.
Thôi thì chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, cũng là người trong nhà với nhau thôi.
Có điều tôi vẫn cảm thấy Thượng hoàng có vẻ không muốn truy cứu, hay là bởi bọn Trần Kiện và Trần Lộng được Thượng hoàng đặc biệt yêu thương nên lợi dụng điều đó mà đến cung Trùng Quang nhận tội chăng?
Lúc toàn quân đã rời khỏi, hai người họ đúng lúc dừng trước mặt chúng tôi, Trần Lộng mỉm cười châm chọc, còn Trần Kiện vẫn giữ nét mặt lạnh nhạt nhưng lại có điểm đắc ý thật là gợi đòn.
Nếu không có ai ở đây tôi đã đấm cho mỗi đứa một cái.
Tôi nhìn vẻ mặt muốn giết người của chị Anh Nguyên, lặng lẽ thở dài.
Trần Khâm chậm rãi đến bên cạnh tôi từ lúc nào, nhẹ giọng an ủi:
- Những việc thế này ngay từ đầu nên báo cho ta, để em phải ấm ức rồi!
Tôi cũng không thể đổ cho chị Anh Nguyên nên chỉ cười cười gật đầu, dù sao kẻ chịu ấm ức cũng không phải tôi, chỉ tội cho chị Thụy Hữu.
Chuyện lần này cũng chẳng phải chuyện gì to tát, rất nhanh chúng tôi đã bỏ ra sau đầu, hiện tại điều quan trọng là củng cố lại lực lượng và nâng cao tinh thần của binh sĩ cho cuộc chiến kế tiếp.
Giờ đã là đầu tháng ba, chúng tôi cũng bắt đầu thăm dò những vùng lân cận, nghỉ ngơi đủ rồi, còn những nơi bị địch chiếm thì nên lấy lại thôi.
Chúng tôi chia quân ra làm nhiều tốp, tôi và Trần Quốc Toản lại chung một đội dẫn Hoài Văn quân đi thám thính từ căn cứ Thiên Trường cho đến gần Tây Kết, vào buổi đêm chỉ dám bơi thuyền nhẹ ra xem, bỗng nhiên trên bờ một trận náo động, tên bắn rợp mặt nước nơi chúng tôi vừa đi qua.
Cũng may là Trần Quốc Toản kịp thời dụi tắt ngọn đuốc, nép vào đám cây đổ bên bờ sông, những người lính của Hoài Văn quân thấy thế cũng ngay lập tức dừng mọi hành động, đợi đến khi đám lính người Thát đã đi khỏi mới thở phào một hơi.
Xem ra vùng Tây Kết này bọn chúng đặc biệt để tâm, đêm hôm vẫn cho quân đi tuần.
Tôi đoán nếu như đã thò mũi đến Tây Kết, thì ắt chúng cũng sẽ dàn quân rải rác ở rất nhiều chỗ, vậy lực lượng đóng ở kinh thành khả năng cao là mỏng hơn rất nhiều so với ban đầu, ưu thế số đông ắt sẽ mất đi.
Nếu như lúc này mà cho quân tập kích bất ngờ thì có khả năng thắng không nhỉ?
Không, cho dù Thoát Hoan dàn mỏng quân số ra nhưng chắc chắn vẫn đông hơn quân ta rất nhiều, và còn cái đầu xảo quyệt của Thoát Hoan, anh ta chưa từng làm việc gì mà không nắm chắc cả.
Mãi nghĩ ngợi, phía bên kia Trần Quốc Toản bỗng kêu lên một tiếng, tôi giật mình hỏi:
- Sao thế, bị tên bắn trúng à?
Trần Quốc Toản nghiến răng:
- Không, tôi bị rắn cắn.
- Ồ..
Tôi với lấy mái chèo nhẹ nhàng bơi vào bờ, lại ra tín hiệu cho toàn quân rút về bờ sông bên kia, lúc xác định đã an toàn mới nhờ người dìu Quốc Toản lên bờ.
Hôm nay lại là một đêm không trăng, đóm bay lập lòe trên những chạc cây và tiếng gió xì xào như thì thầm một bài hát.
Các binh sĩ nhóm lửa sưởi ấm, tôi nhìn đóm lửa bập bùng, lại nhìn trên cánh tay của Trần Quốc Toản có bốn chấm tròn nhỏ, quả nhiên là bị rắn cắn rồi.
Tôi lấy dao găm thuần thục sơ cứu cho cậu ta, cũng may cậu ta cũng có chút kiến thức, biết dùng vải áo quấn chặt bắp tay lại để ngăn độc rắn chạy về tim.
Lại sai người đi tìm cây bòn bọt đắp lên vết cắn, xong xuôi hết mới được xem là ổn thỏa.
Lúc này Trần Quốc Toản ngồi tựa vào gốc cây, hỏi tôi:
- Chị nói thật đi, tôi không cứu được đúng không?
Tôi nhắm chừng từ lúc cậu ta bị rắn cắn đến giờ cũng đã hơn một canh giờ, đã nằm ngoài khoảng thời gian an toàn.
Tôi thở dài nhìn cậu ta, lại nghe cậu ta nói tiếp:
- Xem ra tôi cũng không cầm cự được bao lâu nữa, khi tôi chết rồi, Hoài Văn quân giao cho chị nhé!
Trong quân có người khóc nấc lên gọi cậu ta, Trần Quốc Toản yếu ớt trấn an họ:
- Các người cũng cùng với Tuyên phu nhân vào sinh ra tử, khi ta chết hãy trung thành với chị ấy như trung thành với ta.
Ta tin chị ấy sẽ đưa các anh lập nên những chiến công vang dội.
Tôi không biết Trần Quốc Toản lấy sức lực ở đâu mà trăn trối nhiều như thế, có điều một nghìn Hoài Văn Quân tinh nhuệ xem ra cũng khá hấp dẫn với kẻ mới ra sa trường lập nghiệp như tôi.
Tôi gật đầu với cậu ta, cậu ta lại nói:
- Tôi có thể nhờ chị một việc được không?
- Việc gì chú cứ nói! – Tôi đáp.
Trần Quốc Toản thiêm thiếp cố mở mắt ngước lên trời, giọng nói càng lúc càng nhỏ như mất hút trong đêm đen:
- Chị đừng đem xác tôi về, tôi không muốn cái chết của bản thân trở thành trò cười của hậu thế.
Dù sao ra trận giết giặc nhưng bị rắn cắn chết cũng không vẻ vang gì.
Thôi tôi ngủ trước đây...
Cậu ta nói thế rồi thiếp đi thật, Hoài Văn quân cũng rơi vào trạng thái bi thương.
Tôi cũng mệt mỏi sau chuỗi ngày hành quân đường xa nên cũng tựa vào gốc đại thụ thiếp đi.
Sáng hôm sau chúng tôi nhổ trại rời khỏi, lúc phóng lên ngựa phía sau bỗng nghe tiếng càm ràm:
- Này, tôi vẫn chưa chết, chị gạt tôi?
- Tôi cũng không nói là con rắn đó có độc!
Tôi nói xong thì thúc ngựa đi thẳng, bỏ lại đằng sau tiếng cậu ta không ngừng kêu than.
Lúc về tới Thiên Trường thì tôi hay tin cha tôi báo về là Vạn Kiếp không có quân Thát đóng giữ, đây thật sự là tin tốt nhất từ lúc chiến sự xảy ra đến nay.
Cha tôi cho thuyền chiến chạy dọc theo sông Thái Bình dẫn quân tái chiếm Vạn Kiếp mà không gặp bất cứ trở ngại nào, có lẽ vì khúc sông này lắm dây nhiều mối, nên Thoát Hoan không thể kiểm soát được vị trí của cha tôi.
Từ Vạn Kiếp và Thiên Trường đến kinh thành hình thành nên thế vạc ba chân, nếu Thoát Hoan tiến đánh một trong hai, thì chắc chắn sẽ bị bên còn lại đánh úp.
Cha tôi biết Thoát Hoan không dám vọng động, liền cử tướng Nguyễn Lộc đi ngược lên Vĩnh Bình chặn đường tiếp tế quân lương, tạm thời giành được lợi thế.
Lúc tôi và Trần Quốc Toản trở về thì đúng lúc Phạm Ngũ Lão dẫn thêm quân đến Vạn Kiếp hỗ trợ cho cha tôi, anh Quốc Nghiễn và Quốc Tảng cũng lên đường hỗ trợ cho đội quân của Nguyễn Lộc, còn Quốc Hiện và Quốc Uất thì đi do thám vẫn chưa trở về.
Thật ra trong số những người chưa trở về còn có bọn Trần Kiện, Trần Lộng, cả chị Anh Nguyên và chị Thụy Hữu.
Không phải tôi đặc biệt chú ý đến họ, nhưng những mâu thuẫn xảy ra từ trước khiến tôi vẫn nơm nớp lo sợ làm sao, dù bọn họ cũng không cùng một đội.
Rốt cuộc sáng hôm sau Quốc Uất và Quốc Hiện cũng trở về, còn bốn người nọ vẫn bặt tăm, trong lòng tôi nhác thấy điềm không lành, bèn xin Trần Khâm đích thân dẫn quân đi hỗ trợ.
Lúc Trần Khâm còn đang lưỡng lự thì cả hai anh của tôi đều xin được đi theo, Trần Khâm mới gật đầu.
Chúng tôi lần theo dấu chân ngựa theo hướng mà họ từng đi qua, chị Anh Nguyên và Thụy Hữu cùng một đội, họ được lệnh đi dọc theo dòng sông Đáy hướng dần về kinh, theo dấu vết để lại thì chúng tôi đang đi đúng hướng.
Tôi cho quân vừa đi vừa cảnh giác dọc đường, sợ rằng chị tôi vì bởi trúng tập kích của quân Nguyên nên không về được.
Nhưng chỉ đi được nửa đường, lính tiên phong báo đã gặp được đội quân của bọn Trần Lộng, quả nhiên đi thêm một lát tôi đã thấy doanh trướng của quân ta lúp xúp sau tán cây.
Quốc Hiện dẫn đầu đám chúng tôi, bỗng nhiên hô lên:
- Kỳ lạ, có cả những người mà Anh Nguyên mang theo, bọn họ đi chung từ bao giờ thế?
Quốc Uất ngay lập tức thúc ngựa lên phía trước, chưa đợi tới gần đã từ trên ngựa phóng xuống lao vào trong doanh, tôi cố sức chạy theo nhưng đã bị anh bỏ xa một khoảng.
Phía đó bỗng truyền tới giọng nói của vài binh sĩ:
- To gan, đây là trại của Văn Chiêu Hầu, các người là tướng lĩnh ở đâu!
Anh tôi không nói nhiều lời, trực tiếp đá văng tên đó qua một bên, binh sĩ đều đứng dậy tuốt gươm, tôi nhanh chân dẫn quân vào trong, dõng dạc nói:
- Đây là Hưng Hiến vương ở Vạn Kiếp, kẻ nào dám cản?
Trong đám binh lính gần phân nửa là người mà chị Anh Nguyên mang theo, lúc này mới đồng loạt bước ra nói:
- Bẩm vương, binh lính của Văn Chiêu hầu bảo rằng bị quân Nguyên tập kích, chạy đến đây xin cứu trợ.
Chương Hiến hầu lại đổ bệnh nên cứ chần chừ mãi không chịu dỡ trại.
Sáng nay Anh Nguyên quận chúa gấp rút đưa chúng tôi đi tiếp viện cho Văn Chiêu Hầu, đến nơi thì nghe tin Văn Chiêu Hầu bị thương đang trú trong hang đá.
Lát sau tôi thấy quận chúa ra khỏi hang, nhanh chóng rút quân trở về.
Quốc Uất anh tôi nghe thế, ngay lập tức trầm giọng hỏi:
- Vậy ban đầu chỉ có một mình Thụy Hữu bên trong thôi sao?
Anh tôi chỉ hỏi vậy thôi chứ không đợi trả lời đã nhanh như cắt bước về phía doanh trại, lửa giận của tôi bốc lên ngùn ngụt, tôi cầm kiếm chỉ vào đám binh lính của Văn Chiêu hầu, gằn giọng:
- Lần này đám các ngươi chết chắc!
Vừa nói xong đã nghe xoạch một tiếng, cửa doanh trướng mở ra, tôi thấy chị Anh Nguyên đang dìu chị Thụy Hữu bước ra cửa, trên tay chị vẫn cầm trường thương như trước, ánh mắt long sòng sọc.
Chị Thụy Hữu nhìn thấy anh tôi, cả người run lên một cái, lại cúi mặt nép vào chị Anh Nguyên.
Trước giờ chị Thụy Hữu chưa từng dè dặt như thế, trong lòng tôi có dự cảm không lành, dù đã nắm chắc được bảy phần nhưng vẫn hy vọng mình đoán sai.
Chị Anh Nguyên thấy bọn tôi thì quát lên:
- Đến đúng lúc lắm, mau giết tất cả bọn chúng!
Trần Kiện và Trần Lộng lúc này cũng từ doanh trướng đi ra, nghe chị Anh Nguyên nói vậy, Trần Kiện liền đáp:
- Có sai phạm gì thì về cho Quan gia định đoạt, không đến lượt các người ở đây giễu võ giương oai.
Anh Quốc Uất ngay lập tức đấm cho anh ta một cú khiến hắn hộc cả máu mồm, từ trước tới nay anh tôi vốn làm người đơn giản, đối nhân xử thế rất ôn hòa, sống trong vương phủ luôn là người chịu thiệt, vậy mà hôm nay giận tới mức ra tay đánh người thì đủ hiểu anh đã căm tức đến độ nào.
Tôi biết vẫn nên xem trọng chuyện lớn trước, nhưng nhìn Trần Kiện bị đánh lăn quay ra đất vẫn không nén nổi cảm giác sảng khoái trong lòng.
Gương mặt điển trai của Trần Kiện bị đánh đến méo xệch, vẫn nhếch môi cười ngồi dậy.
Anh ta lau máu trên khóe môi, liếc mắt nhìn anh tôi cười nói:
- Yên tâm, ta sẽ chịu trách nhiệm với vợ chưa cưới của ngài!
Tôi kéo Quốc Uất lại, sợ anh tôi vì nóng giận quá mức mà làm chuyện không thể cứu vãn.
Chúng tôi đưa chị Thụy Hữu trở về, trên đường về chị ấy cũng từ chối đi chung ngựa với anh tôi, chỉ ngồi tựa đầu lên vai chị Anh Nguyên nhìn về nơi xa xăm nào đó, tôi cũng ngại hỏi chị Anh Nguyên đã xảy ra chuyện gì, nên suốt dọc đường trở về, bầu không khí rơi vào trầm mặc.
Dù không muốn nhưng tôi nghĩ chuyện này đã định kết cục rồi.
Chị Thụy Hữu bắt đầu nhốt mình trong phòng.
Chị Anh Nguyên thở dài nhìn tôi, trước mắt là muôn vàn tự trách.
Tôi chỉ biết vỗ vai an ủi chị, chị thủ thỉ bên tai tôi:
- Chị còn nghĩ Trần Lộng đương không ngu ngốc chạy về phía tây làm gì để quân Thát tóm được, hóa ra chính chị mới là kẻ ngu.
Chị nghĩ cũng chưa kịp nghĩ liền mang quân đi tiếp viện, lại rơi vào bẫy của anh ta, em nói xem lúc chị vào hang đá, thì anh ta đã làm gì? Nếu như chị bất cẩn không mang theo cây thương này, thì kết cục có phải cũng giống như chị Thụy Hữu hay không?
Thật ra trong tình huống đó ai mà nghĩ được bọn họ sẽ giở trò hèn hạ như vậy chứ, là phận nữ nhi khoác chiến bào ra trận, không ngờ còn chưa bị địch giết, đã bị những kẻ gọi là đồng đội hại chết rồi.
Trong khi còn biết bao người tắm máu ngoài kia, thì kẻ làm tướng như bọn chúng chỉ nghĩ đến hưởng thụ lạc thú.
Bọn Trần Kiện và Trần Lộng sau khi trở về ngay lập tức đã bị triệu đến cung Trùng Hoa, đây là một cuộc xét xử kín giữa những người trong tộc, còn mấy người chúng tôi do là nhân chứng nên cũng may mắn được vào chầu.
Tôi nhìn anh Quốc Uất đứng tựa vào gốc lê ngoài sân, nhỏ giọng bảo anh cùng vào.
Anh cười nhẹ, lắc đầu, nói rằng sợ mình không kiềm chế được.
Tôi lại không nén nổi thở dài.
Tôi nép mình trong góc nhìn cuộc nói chuyện diễn ra, Trần Khâm và Thượng Hoàng ngồi trên thượng vị, hai bên tả hữu là Chiêu Minh Vương Quang Khải, Tĩnh Quốc Vương Quốc Khang, Nhân Thành Hầu Trần Duyệt, chỉ thiếu cha tôi hiện đang trấn giữ ở Vạn Kiếp chưa hay tin.
Tôi thở cũng không dám thở mạnh trước bầu không khí căng thẳng này, tất cả đều hướng mắt xuống hai kẻ đang quỳ bên dưới là Trần Kiện và Trần Lộng, tôi còn mơ hồ nghe thấy tiếng hít thở khó khăn của Chiêu Minh Vương.
Cuối cùng chính Thượng hoàng là người lên tiếng phá vỡ cục diện rối rắm này, giọng nói ngài vẫn bình thản trước hai kẻ hèn mọn phía dưới, ngài hỏi:
- Biết trái đạo mà vẫn làm, thì mang tội gì?
Trần Kiện và Trần Lộng lúc này không còn mang vẻ giễu cợt tự mãn khi đối mặt với chúng tôi mà tỏ ra rất ngoan ngoãn hiểu chuyện.
Trần Kiện cúi đầu cung kính đáp:
- Thượng hoàng cho phép thần được nói! – Sau đó ngẩng gương mặt trông qua có vẻ vô tội của mình lên, nhìn thấy Thượng hoàng gật đầu mới nói tiếp – Thần đối với Thuỵ Hữu quận chúa vừa gặp đã thích, nhưng biết em ấy đã có nơi chốn nên không dám ước mơ, hôm qua bất cẩn bị quân Thát phát hiện, chúng thần mới tìm đến chỗ đóng quân của em ấy.
Thần lại bất tài đổ bệnh, trong lúc sốt cao mê sảng không biết bản thân đã làm việc gì, tỉnh táo lại thì hối hận không thôi, nhưng tội lỗi đã gây ra, không có gì để chối bỏ, nguyện lấy thân chịu phạt.
Tôi nhìn vẻ thành khẩn của anh ta bỗng cảm thấy buồn nôn, còn nhớ hôm đó anh ta chẳng thương tình đánh chị ấy ngã ngựa, hôm nay làm chuyện đồi bại này, không loại trừ khả năng muốn ra oai với chúng tôi.
Còn đội quân của anh ta cũng toàn những kẻ ma mãnh, tám phần là bọn họ đã thông đồng cùng nhau.
Trần Kiện này lấy lý do mê sảng không làm chủ được bản thân, tôi cũng không tin anh ta tài giỏi đến mức đương lúc bệnh mà có thể trấn áp được một người như chị Thuỵ Hữu.
Không gian đang trầm mặc, chị Anh Nguyên bỗng hét lên:
- Nói láo, chính mi đã bày ra trò này, thông đồng với Trần Lộng ức hiếp hai chúng ta.
Trần Lộng gạt ta ra ngoài để mi thuận tiện ra tay với chị Thuỵ Hữu.
Trần Lộng, chính ngươi cũng có ý đồ với ta, nếu như ta không cảnh giác, thì bây giờ ngay cả mi cũng đạt được mục đích rồi.
Bây giờ bọn mi xong việc rồi, muốn nói gì mà không được?
Tôi không kịp ngăn cản chị Anh Nguyên, chỉ nắm tay áo chị kéo lại, nhưng dường như lúc này sức lực của tôi cũng không bì được chị, chị như một con thú bị thương lồng lên, không một ai ngăn cản được sự cuồng nộ muốn trút giận lên những vật cản trong tầm mắt của chị.
- Anh Nguyên quận chúa, trước mặt các trưởng bối hãy nói năng cẩn thận, Thượng hoàng còn chưa hỏi tới! - Trần Khâm lên tiếng ngăn cản chị Anh Nguyên, giọng nói đầy sự bất đắc dĩ.
Chị Anh Nguyên cũng không đặt Trần Khâm ở trong mắt, chỉ vào bọn Trần Kiện mà mắng:
- Hai người hèn hạ bọn mi, nếu cha ta có ở đây thì bọn mi không còn mạng để ngồi đây phân trần!
- Hàm hồ!
Tôi giật thót một cái, hoá ra là Tĩnh Quốc Vương tức giận tới mức đập bàn.
Tĩnh Quốc Vương là cha của Trần Kiện, không khó hiểu khi ông ấy tức giận vì những lời lẽ của chị Anh Nguyên.
Lúc này chị Anh Nguyên dường như cũng nhận ra mình hơi quá phận, bèn ôm mặt khóc thút thít.
Tôi đau xót nhưng cũng chỉ biết ôm chị an ủi.
Chiêu Minh vương thở dài nói:
- Thôi quận chúa hãy ra ngoài đi, ở đây để Thượng hoàng phân xử.
Chị Anh Nguyên đi rồi, Chiêu Minh vương mới hỏi Thượng hoàng:
- Vậy bây giờ Thượng hoàng quyết định thế nào, con gái ta cũng không thể chịu ấm ức như vậy được, nó đã có đính ước với nhà Hưng Đạo Vương, ta cũng không thể làm kẻ thất tín.
Trần Kiện đang yên lặng bỗng nhiên lên tiếng:
- Thứ cho thần cắt lời, tội lỗi của thần gây ra không thể xoá được, nhưng thần nguyện dùng một đời để sửa sai.
Nếu thượng hoàng cho cơ hội, thần nguyện một đời một kiếp chỉ lấy một mình Thuỵ Hữu quận chúa, không lấy vợ lẽ.
Sau này con của Thuỵ Hữu quận chúa sinh ra sẽ kế thừa hầu tước của thần.
Chiêu Minh Vương gằn giọng:
- Đừng tưởng dùng mấy lời đó là ta sẽ tha cho mi, cho dù thật sự Thượng hoàng tha tội cho mi, thì ta cũng sẽ không tha thứ.
Quang Khải ta không có đứa con rể hèn hạ như mi! Tốt nhất là dùng quân pháp đánh chết.
Trần Kiện cúi gằm mặt, âm thầm hít khí lạnh.
Từ góc độ của tôi có thể thấy anh ta cũng không dễ chịu gì, nếu hôm nay may mắn anh ta cưới được chị Thuỵ Hữu, chưa chắc quãng đời sau chị Thuỵ Hữu có thể sống dễ dàng.
Nỗi nhục hôm nay trước bao nhiêu người, kẻ như anh ta có thể chịu đựng sao?
Tĩnh Quốc Vương lúc này cũng đứng dậy đến trước mặt thượng hoàng, nói khó:
- Thôi đủ rồi, chuyện cũng đến nước này, các em định giết nó hay sao? Đừng quên nó cũng là cháu ruột của các em, hiện giờ giặc Thát đang hoành hành trên lãnh thổ Đại Việt ta, tuy nó làm người chẳng ra gì, nhưng ít nhất nó cũng còn trông cậy được vào việc quân.
Nó là con trai ta, ta cũng nên chịu một phần trách nhiệm, thôi thì hôm nay để ta chịu thay nó là được, cho các em nguôi giận.
Chiêu Minh vương cau mày, cũng đứng dậy bước đến bên cạnh Tĩnh Quốc Vương, nghi hoặc:
- Anh nói vậy là muốn ép ta phải nhượng bộ hay sao? Con trai anh là con vàng con ngọc, vậy con gái ta là cỏ cây ư? Nếu nó biết trước biết sau, là người đàng hoàng, thì cũng sẽ không đến nổi khó xử như ngày hôm nay, có đứa con như vậy, nếu là ta, ta thà không có còn hơn!
Tôi nhìn điệu bộ cả hai giống như có thể lao vào đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán bất cứ lúc nào.
Cuối cùng Tĩnh Quốc Vương bỗng thở dài, nhỏ giọng nói:
- Quang Khải à, ta biết bản thân không có tài năng gì nổi trội, không thể cùng các em so về văn võ hay mưu lược, bây giờ ta ngay cả tranh luận cũng không nói lại em.
Ta ở trong Cấm thành này chỉ là đứa con ngoài giá thú, chẳng phải là máu mủ chính thống của tiên đế, so với các em, ta chỉ là gà trong bầy hạc.
Ta vốn chỉ muốn con cái mình được sống một cuộc sống bình an, nhưng may mắn Trần Kiện lại được các em để ý đến.
Chiêu khổ nhục kế của Tĩnh Quốc vương quả nhiên có tác dụng, ngài ấy vừa nói lấp lửng như thế, thượng hoàng đã không cầm lòng được mà buông lời an ủi:
- Anh cả đừng nói vậy, còn nhớ ngày xưa anh cả thường cùng ta chơi đùa trước mặt tiên đế.
Tiên đế mặc áo bông trắng, còn anh múa kiểu người Hồ, tiên đế bèn cởi áo ban cho.
Lúc đó ta cũng học đòi múa kiểu người Hồ để đòi thưởng áo bông.
Quốc Khang đã nói rằng "Quý nhất là ngôi vua, tôi đã không tranh với chú hai rồi.
Nay đức chí tôn cho tôi thứ nhỏ mọn này mà chú hai cũng muốn cướp sao?".
Ta còn nhớ lúc ấy tiên đế đã cười bảo "Vậy ra Quốc Khang coi ngôi vua cũng chỉ như cái áo choàng này thôi à?".
– Thượng hoàng dừng một chút, lại cười nói – Anh cả và ta không cùng cha mẹ sinh ra, nhưng chúng ta ở cạnh nhau từ nhỏ tới lớn, không nên nói những lời như vậy.
Thôi thì giữa Quang Khải và Quốc Khang cũng là anh em, trẻ nhỏ không hiểu chuyện thì chúng ta từ từ dạy, giữa Quốc Khang và Quốc Tuấn cũng là anh em ruột thịt cùng cha, ta tin Quốc Tuấn sẽ bỏ qua thôi.
Quang Khải cũng nên nhượng bộ một bước, Thuỵ Hữu gả cho Trần Kiện, chính ta sẽ đảm bảo cho nó được hạnh phúc.
Lúc này Chiêu Minh vương đúng là không nói được gì nữa, bèn hít mạnh một hơi, đáp:
- Thượng hoàng đã đứng về phía anh ấy thì ta cũng chỉ biết cúi đầu tuân theo.
Nhưng sau này nếu như có chuyện ngoài ý muốn xảy ra, chính tay ta sẽ kết liễu nó!
Nói xong, ngài mở tung cửa, ưỡn ngực đi thẳng.
Lúc này Trần Khâm bỗng nói:
- Bây đâu, đem Trần Kiện và Trần Lộng đánh mỗi người ba mươi roi!
- Quan gia..? – Tĩnh Quốc Vương lập tức nhảy dựng lên hỏi.
Trần Khâm nói với Thượng hoàng và Tĩnh Quốc Vương đang nghi hoặc, thanh âm chắc như đinh đóng cột:
- Tội chết có thể miễn, tội sống khó tha.
Bây giờ con mới là vua một nước, quyền quyết định đáng lẽ ra nên nằm trong tay của con chứ?
Tôi nhìn vẻ mặt không cam tâm của Tĩnh Quốc Vương, âm thầm cười lạnh.
Mọi chuyện ngay từ đầu nên diễn ra theo hướng này, tôi tha thiết nhìn Trần Khâm, mong anh ta có thể rút lại ý chỉ của Thượng hoàng, nhưng rốt cuộc anh lại dời ánh mắt đi.
Tôi thở dài, có lẽ hiện tại đây là hướng giải quyết tốt nhất rồi, vừa không gây xung đột trong quân, cũng là lời an ủi cho chị Thụy Hữu, và lời nói của Thượng hoàng cũng đã chắc như đinh đóng cột, không thể lung lay..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...