Nào Hay Xuân Mênh Mông


Chàng Là Ngọn Đèn Trời Trong Đêm Đen Mù Mịt
Trung tuần tháng mười hai, trời vào lúc rét đậm, phần lớn thời gian bầu trời xám xịt một màu, mưa phùn lất phất đổ lên mái ngói nghe vô cùng ảm đạm.
Vào những ngày hiếm hoi có nắng ấm, tôi thích tựa vai Trần Khâm ngồi sưởi nắng ở tòa đình giữa hồ sen.

Dù phần lớn thời gian anh ta dùng để xử lý công việc, nhưng với kẻ thích bầu không khí tĩnh lặng như tôi thì việc ngồi ngủ gà ngủ gật với Trần Khâm còn thoải mái hơn là ở cùng với bọn người ồn ào An Tư hay thằng nhóc Thuyên nữa.

Tôi nhìn cái bụng gần tám tháng của mình, lặng lẽ thở hắt ra.
Trong lúc Trần Khâm vẫn đang ghi ghi chép chép, tôi thường ngắm mây bay trên trời, những ngày có hoàng hôn đỏ ối.

Làn gió thổi đóa sen dao động hay hàng liễu rậm lá phủ bên hồ, lúc chán thì đọc mấy bài thơ hoặc ăn vài món ăn vặt để tránh nhạt miệng.

Hầu hết thời gian tôi dùng để ngủ, lúc tỉnh dậy, Trần Khâm đã đi rồi, chỉ để lại chiếc áo khoác ngoài phủ lên người tôi và Thụy Hương ngồi ngáp ngắn ngáp dài bên cạnh.

Đó là những khi anh bận rộn.
Lúc rảnh rỗi, Trần Khâm rất kiên nhẫn với tôi.

Bao giờ tỉnh lại tôi cũng thấy mình nằm trên đùi anh, trên tay anh ta cầm quyển binh pháp dày cộm, còn ánh mắt thì mơ màng nhìn ra xa.

Khi phát hiện tôi nhìn trộm, hầu như lúc nào Trần Khâm cũng mỉm cười, nghịch ngợm nói:
- Ồ, ta không biết mình lại có sức hấp dẫn lớn như vậy đấy!
Khi đó tôi bỗng nhiên nhận ra, trên đời này dù có đi đến đâu, gặp phải loại cảnh đẹp nhân gian nào, thì nơi an bình nhất, thứ làm tôi xao xuyến nhất chỉ có nằm trong lòng nhìn Trần Khâm nở nụ cười.
Trần Nhật Duật gửi tới rất nhiều đồ chơi trẻ con, nhưng chỉ toàn kiếm gỗ, ngựa gỗ, trống trận.

Tôi nhìn sắc mặt không được tốt đẹp lắm của Trần Khâm, hóa ra là anh ta thích con gái.
Đêm rằm tháng chạp, lại có một bữa tiệc nhỏ thết đãi các quan đại thần, tôi cùng nhóc Thuyên ngồi uống trà ngắm trăng ở trong sân, hít thở không khí lành lạnh của đêm đông yên tĩnh.

Thằng nhóc bộc bạch với tôi việc nó muốn vượt hoàng thành ra ngoài phường phố, được cùng bọn trẻ ngoài đấy chơi đùa.

Tôi ngẫm nghĩ ở trong cung cấm này, lại mang thân phận là một thái tử, một thằng nhóc ham chơi như nhóc Thuyên đúng là không dễ dàng.
Tôi nói với thằng bé:
- Cũng không phải là không thể...!- Tôi nhìn nó ngước ánh mắt mong đợi chờ tôi nói, bỗng bật cười – Hôm nay đúng lúc trăng sáng vằng vặc, làm một bài thơ đi, nếu thấy hay hôm nào dì sẽ đưa con đi nhé!
Tôi nghĩ một thằng bé mới năm tuổi như nhóc Thuyên biết đọc chữ là đã giỏi lắm rồi.

Nó ngồi chống cằm suy nghĩ một hồi, giận dỗi nói:
- Dì không muốn đưa con đi nên cố tình làm khó chứ gì!
Tôi cốc đầu nó một cái, bảo rằng:
- Phàm là những việc trong thiên hạ, nếu như càng khó thì phải bỏ ra cái giá càng cao.

Con nghĩ đưa một thằng nhóc như con ra khỏi cung là dễ lắm hả, đòi một bài thơ là đã giảm giá rồi.

Giá gốc của nó là làm phục dịch cho dì một tuần nhé! Dì còn chưa có tính lời đâu.
Thằng nhóc Thuyên làm bộ dạng khóc không ra nước mắt.

Trong đầu tôi bất chợt hiện ra một câu: mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng, trong lòng bất chợt quặn lên một trận cười, đứa bé trong bụng lại đạp thêm một cái.

Thằng nhóc Thuyên nhìn sắc mặt tôi lúc trắng lúc xanh, vội vàng hỏi han dồn dập, đúng là một đứa con hiếu thảo.

Tôi vuốt tóc nó, bảo rằng:
- Sau này học hành chăm chỉ một chút, đừng mải ham chơi.

Cái gì cũng phải có chừng mực, nhất là khi con mang trên người trọng trách với thiên hạ, là bậc quân vương, tuy không phải cái gì cũng cần cáng đáng, nhưng cũng đừng ỷ lại vào quần thần.

Thần tử có trung có gian, làm sao phân biệt được để dụng mới đúng là bậc hiền vương.

Mà muốn làm được điều đó thì phải học, phải hành, phải nhìn và cảm nhận.

Đừng nghe mọi chuyện bằng tai.
Nhóc Thuyên gãi đầu, nó hỏi tôi:
- Vậy phải nghe bằng gì ạ?
Tôi chỉ tay vào ngực trái của nó, cười nói:
- Nghe bằng cái này này!
Nhóc Thuyên ngồi ngã ra ghế, đôi má phúng phính trắng nõn và cái áo choàng lông màu đỏ tươi khiến nó trông bật lên như một viên ngọc quý được điêu khắc tỉ mẫn từng công đoạn.

Đôi mắt của con trẻ sáng ngời như vì sao lấp lánh ngoài xa, làm người ta thương yêu hết lòng hết dạ.
Một chiếc áo choàng ấm phủ lên vai tôi, phía sau truyền đến giọng nói trầm trầm:
- Ăn mặc phong phanh quá.

– Trần Khâm ngồi xuống bên cạnh, giở giọng trêu – Còn chưa sinh con, đã có bộ dáng từ mẫu rồi.

Sau này con ta để em dạy dỗ ta rất an lòng.
Tôi nghe anh ta nói thế thì hơi đỏ mặt, quay sang đã nghe anh ta nói với nhóc Thuyên:
- Đọc được một bài thơ hay, đích thân ta dẫn con đi thì thế nào?
- Để con suy nghĩ một lát đã! – Thằng bé nói.
Đúng là có một nguồn động lực lớn dễ khiến khả năng của con người ta trỗi dậy.

Thằng nhóc Thuyên hết nhìn trăng, lại nhìn tôi, rồi nhìn quanh quẩn một lúc, bèn làm bộ dáng người ta hay ngâm thơ, đứng dậy múa một vòng.

Tay chỉ vào không trung mà đọc:
"Thanh phong táp địa vô hưu yết" (Gió mát thổi quanh mặt đất không lúc nào ngừng)
Tôi ngạc nhiên nhìn Trần Khâm, thấy anh ta cũng có phần kinh ngạc, lại đắc ý cười cười.

Nhóc Thuyên múa xong, lại ngẩng đầu nhìn trăng sáng đọc tiếp:
"Minh nguyệt đương không kiểu băng tuyết" (Trăng trong lơ lửng trên không sáng như băng tuyết)
Tôi lại nhìn Trần Khâm, trong lòng trộm nghĩ: chà, đúng là Trường Giang sóng sau xô sóng trước, con hơn cha là nhà có phúc đây.

Thằng nhóc này không ngờ tâm hồn cũng thật lãng mạn.

Với cái đà này, làm vua là chuyện nhỏ, làm kẻ người gặp người thích mới là để lại mối họa cho nhân gian.

Thấy tôi và Trần Khâm có vẻ hứng thú, nó bèn lượn đến chỗ tôi, trước chỉ vào không trung, kế đến lại chỉ lên trời, cuối cùng chỉ vào tôi, vừa chỉ vừa thích thú đọc theo từng động tác:
"Thử phong, thử nguyệt dữ thử nhân" (Gió ấy, trăng ấy, với người ấy)
Lại xòe ra ba ngón tay rồi nháy mắt với tôi:
"Hợp thành thiên hạ tam kỳ nguyệt" (Hợp thành ba tứ kỳ tuyệt trong thiên hạ)
Tôi ho khan mấy tiếng, cảm thấy từng tuổi này rồi còn bị một thằng nhóc ranh năm tuổi trêu chọc đến đỏ mặt, thật mất mặt làm sao.

Trần Khâm xách cổ áo nó lên, cười như không cười bảo:
- Đúng là một kỳ tuyệt, nói hay lắm, đúng là con trai của ta!
Tôi đỡ lấy thằng bé đang la oai oái thả xuống, trừng mắt nhìn anh ta.

Này, đừng nói với tôi là anh ta đang ghen với chính con ruột của mình đấy nhé? Khổ thân thằng nhóc chân vừa chạm đất, liền chạy một mạch đi tìm Thụy Hương đưa trở về cung.

Trần Khâm cũng ngồi xuống trên ghế, cảm thán:
- Tuy không quá xuất sắc, nhưng cũng không phải là gỗ mục không thể đẽo.
Tôi nhếch môi:
- Đừng vội xem thường, sợ là ngọc trong đá, chỉ nhìn thôi thì không thấy được đâu.
Trần Khâm quay sang nhìn tôi, sửa lại cổ áo choàng đã từ lúc nào rơi xuống vai của tôi, cười ẩn ý:
- Thế nào là ngọc trong đá, xem ra em đối với thằng nhóc ấy rất có niềm tin nhỉ?
Trong lòng tôi thắc mắc một chuyện, trăn trở mãi bỗng buột miệng nói ra:
- Em ở bên cạnh Thuyên nhi, anh không sợ em sẽ dạy hư thằng bé à? Dù sao trong bụng em cũng đang mang giọt máu của anh, mà anh thì vẫn còn trẻ.

Thằng nhóc như tờ giấy trắng, anh không sợ em sẽ đưa vào trong đầu nó những thứ xấu sao? Chiêu Quốc Vương còn từng nghi kỵ em sẽ dòm ngó ngôi vua, chẳng lẽ anh không suy nghĩ đến?
Trần Khâm nhấp một ngụm trà, nhẹ giọng bảo:
- Đúng là con trẻ như tờ giấy trắng, nhưng ai có ý đồ xấu với chúng, chúng sẽ nhận ra ngay thôi.

Tâm của chúng sáng như gương vậy.

Nghi kỵ quá mức chỉ khiến bản thân và những người xung quanh càng thêm mỏi mệt.
Tôi cảm thấy anh ta nói cũng đúng.

Yên lặng ngẩng lên nền trời bỗng thấy phía xa xa có mấy ngọn đèn trời đang bay lơ lửng như quả cầu lửa giữa không trung.

Trần Khâm nắm tay tôi, đề nghị:
- Chúng ta cũng đi thả.
Hai chiếc đèn trời lắc lư một chút rồi bay lên không trung, hòa vào những chiếc đèn trời đang bay như một đàn đom đóm khổng lồ giữa tầng trời đen thăm thẳm.

Tôi không biết Trần Khâm viết gì trong đó, còn tôi chỉ ước mong non nước này mãi thái bình, ngày ngày cùng anh ấy và con trẻ đi qua xuân hạ thu đông bốn mùa luân chuyển, cùng nắm tay nhau đến lúc bạc đầu.

Chỉ như vậy thôi là quá đủ rồi.
Tân Tỵ, Thiệu Bảo năm thứ ba.

Mùa xuân, tháng giêng, ngày hai mươi chín, hoàng tử Quốc Chẩn sinh.
{{{
Nói đến vấn đề của con trẻ, đúng là nói suốt nghìn lần vạn lần vẫn không hết chuyện.

Ngay từ lúc mới chào đời, nó đã chiếm hết sự chú ý của cả hai bên nội ngoại.

Thậm chí cha tôi còn tranh luận một trận với Thượng hoàng xem đứa trẻ giống ai.

Tôi nhìn trái ngó phải, cảm thấy đứa trẻ này mặc dù là do mình sinh ra, nhưng cũng không nói được rõ điểm nào là giống mình, từ đôi mắt, cái mũi, cái miệng nhỏ đều giống Trần Khâm y đúc, nhưng trong lòng vẫn mang một niềm tin mãnh liệt rằng có lẽ do nó còn quá nhỏ, ngũ quan chưa thể hiện rõ ra được thôi, biết đâu năm mười năm nữa tôi sẽ phát hiện điểm gì đó giống mình không chừng.
Cùng là con nhưng thằng bé Thuyên lại có vẻ giống chị Trinh hơn, nhưng tại sao Quốc Chẩn lại không giống tôi nhỉ? Thế mà cha tôi cứ một mực khẳng định là nó giống bên ngoại, Thượng hoàng mang vẻ mặt đắc thắng cũng không thèm cãi với ông làm gì, cho đến khi Chiêu Minh Vương Quang Khải đứng ra bên vực cha tôi thì lúc này Thượng hoàng lại trở nên quan ngại về mối quan hệ giữa anh em nhà mình.

Tôi cười trộm, ai chẳng biết cha tôi và Chiêu Minh Vương thân với nhau hơn cả anh em ruột đâu.
Tôi với Trần Khâm đứng ngoài cuộc ngồi xem long hổ đấu, Trần Khâm cũng không mấy quan tâm đến chuyện đó, từ lúc sinh xong đến nay anh ta chỉ quan tâm hỏi han tôi thế nào, những việc gì có thể đụng đến đều có thể đụng, những việc không thể vẫn phân phó người hầu chăm sóc tôi thỏa đáng, khiến tôi cảm thấy nếu như muốn biết người đó có đối với mình thật lòng không thì hãy đợi lúc ta sinh đẻ.

Mà tôi thì đương nhiên rất hài lòng.
Nhưng lại cảm thấy có vẻ như anh ta khá thất vọng vì thằng bé không phải con gái.

Đối với nhóc Thuyên cũng vậy, anh ta mặc dù hết lòng thương yêu nhưng vẫn hơi nghiêm khắc, chẳng biết khi có con gái nét mặt anh ta sẽ thế nào.
Sinh Quốc Chẩn được ba tháng, tôi dần cảm thấy mọi việc trở lại như bình thường, ngoài việc có thêm một thằng bé để chăm sóc, còn lại việc nào nên làm tôi đều học.

Chị Trinh sức khỏe vốn yếu ớt hơn tôi, lại trông vẻ mặt hay âu sầu, thành ra những việc gì có thể san sẻ với chị tôi đều san sẻ, kể cả việc chăm sóc thằng nhóc Thuyên.

Dạo này chị ấy lại càng thành tâm hướng Phật, đúng là trên vai tôi đột nhiên cảm thấy một áp lực vô hình.
Riêng về Quốc Chẩn nhỏ bé, hễ ngủ thì thôi, một khi mà tỉnh dậy thì phải có tôi bên cạnh, nếu không sẽ khóc lóc ầm ĩ, tôi bận tối mắt tối mũi với nó.

Cũng may ngoài tôi ra thì thằng nhóc Thuyên cũng có thể làm nó vui vẻ được, nếu không tôi đến đổ bệnh mất thôi.

Riêng về Trần Khâm dù rất muốn san sẻ giúp tôi nhưng lực bất tòng tâm, tôi nhìn anh ta dạo này bận bịu gầy đi không ít, trong lòng cũng xót xa.

Dù sao xung quanh tôi cũng không thiếu những kẻ sẵn sàng ngồi từ sáng đến tối với Quốc Chẩn, ví như An Tư, Thanh Vân hay Thụy Hương chẳng hạn.
Nhưng có một ngày đột nhiên cô An Tư nói với tôi:
- Không biết ngươi có phát hiện ra không, ta cảm thấy dạo gần đây đứa cháu trai của ta có gì đó là lạ.

Chẳng phải bình thường nó quan tâm ngươi lắm sao, hiện tại có thêm một đứa trẻ nữa nhưng sắc mặt không mặn không nhạt kia là thế nào nhỉ? À gần đây ngươi bận tối mắt tối mũi, chắc không có thời gian nhìn đến đâu ha.
Tôi nghe An Tư nói, bỗng cảm thấy hoang mang vô cùng.

Ngay cả cô An Tư thỉnh thoảng mới đến còn tinh ý phát hiện ra chuyện đó, còn tôi ngày ngày gặp gỡ Trần Khâm, làm sao lại không nhận ra được nhỉ? Hay vì dạo này bị Quốc Chẩn chiếm hết thời gian nên tôi đã sớm không nhìn tới bất cứ thứ gì khác nữa rồi.

Tôi thấy mình như người trong mộng sực tỉnh, đầy hoài nghi và mơ hồ.
Tôi bắt đầu để ý đến hành động của Trần Khâm, buổi sáng anh ta lên điện Thiên An, trưa thì dùng cơm trưa trong yên lặng, xế lại ngồi xem công văn, chiều tối thì ăn tối và chơi đùa cùng Quốc Chẩn, sau đó kiểm tra xem nhóc Thuyên học hành như thế nào.

Cuối cùng ngoan ngoãn lên giường đi ngủ, kết thúc một ngày bận rộn.

Tôi quan sát anh ta, không có điểm nào bất thường, nhưng cũng không được xem là bình thường.

Trần Khâm này, có đôi chút trầm lặng và cam chịu, hoàn toàn không giống anh ta của trước kia.

Tối muộn, tôi ngồi chống cằm nhìn anh ta tự động cởi áo ngoài rồi lên giường ngủ, khẽ thở dài.


Trần Khâm lúc này mới phát hiện ra tôi có điểm khác lạ, liền bước đến ngồi xuống bên cạnh tôi, nhẹ giọng hỏi:
- Sao thế, khó ngủ à?
Tôi lắc đầu, bỗng nhiên cảm thấy đỏ mặt.

Đúng là rất lâu rồi từ khi tôi có mang, cả hai chúng tôi chưa từng làm gì thân mật, suýt nữa thì tôi quên mất bản thân mình cũng có một niềm khát khao từ tận sâu bên trong.

Tôi bất giác cúi đầu, vệt đỏ giống như đã lan tới cổ, miệng đắng lưỡi khô.
Trần Khâm thấy sắc mặt tôi không được khỏe, vội đứng lên định gọi y quan, tôi bỗng nắm lấy tay anh níu lại, ngước mắt lên nhìn người đàn ông khôi ngô phía đối diện, khẽ lắc đầu.

Ngọn đèn dầu lung lay theo từng hơi thở gấp gáp, trái tim tôi đập bang bang trong lồng ngực, ánh mắt của Trần Khâm cũng càng thêm mê say.

- Anh..

hình như anh đang có chuyện gì không thoải mái à...? – Tôi nhìn anh ta, lắp bắp hỏi.
Trần Khâm đột nhiên hôn xuống môi tôi, nụ hôn mãnh liệt như thác đổ, như một con mãnh thú hung hăng chiếm trọn con mồi, khiến tôi ngộp thở, nụ hôn như kéo dài cả vạn năm.

Tôi bỗng cảm thấy thân thể mình như tan ra thành nước, chỉ biết quàng tay lên cổ anh ta để chống chịu, cố ngăn không cho mình yếu ớt ngã xuống.
Trần Khâm đưa tay kéo nhẹ, chiếc áo đối khâm của tôi đã rơi xuống, tôi thoát khỏi nụ hôn dài của anh ta, run rẩy gọi:
- Bệ...bệ hạ...
Trần Khâm hôn lên cổ tôi, chất giọng trầm thấp âu yếm thủ thỉ bên tai tôi:
- Đừng nói gì cả...
Tôi hiểu có lẽ gần đây trong lòng Trần Khâm cảm thấy khó chịu, nhưng anh chấp nhận ở bên cạnh tôi làm tròn trách nhiệm của một người chồng mà không một lời than van, giống như đó là những việc anh đã quá quen thuộc, đến mức quên bẵng mất bản thân yêu thích điều gì, chỉ biết khát thì uống, đói thì ăn mà thôi.

Tôi tựa vào lồng ngực Trần Khâm để nghe trái tim của cả hai đập một giai điệu nguyên thủy nhất.
Bỗng dưng Quốc Chẩn khóc ré lên một tiếng, tôi theo thói quen buông người đàn ông đang dán sát vào người mình ra, nhanh chân bước đến chỗ đứa bé bế nó lên dỗ dành.

Lúc này giật mình nhìn lại, thấy Trần Khâm vẫn đứng đó, nụ cười có cái gì đó bất đắc dĩ.

Anh ta nhặt lên chiếc áo choàng, tiến đến choàng lên vai tôi, dịu dàng hôn lên trán tôi.
- Em ngủ sớm đi, hôm nay ta về cung Quan Triều xem mấy việc còn sót lại.
Tôi thất thần nhìn Trần Khâm chậm rãi đi ra cửa, bước chân có chút loạng choạng.

Tôi bảo trời đêm lạnh lẽo, anh ta lắc đầu tỏ ý không sao rồi quay người đi thật.

Nhìn cánh cửa mở ra rồi đóng lại, gió ùa vào làm chớm lạnh căn phòng, tôi biết anh ta chỉ muốn mượn chút khí lạnh để làm tan đi lửa nóng đang cháy trên người mình mà thôi.
Tôi đặt lại Quốc Chẩn vào trong nôi, mặc thêm áo khoác rồi bước ra ngoài, quả nhiên thấy Trần Khâm vẫn ngồi trên chiếc sập trúc tôi hay kê trước sân.

Tôi bật cười bước tới, mỉa mai nói:
- Không ngờ bệ hạ miệng cứng nhưng lòng mềm, buổi đêm ngồi đây hứng gió lạnh là vì muốn thiếp dằn vặt tự trách bản thân hay sao?
Trần Khâm kéo tôi ngồi vào lòng, rầu rĩ nói:
- Không có tâm trạng xem sự vụ.
Tôi nhìn hằng hà sa số những vì sao trên trời, khẽ thở dài:
- Quốc Chẩn là con của chúng ta!
- Ừ, ta biết.

– Trần Khâm đáp.
Ngừng một lúc nhìn gió lùa qua kẽ lá, cây bằng lăng chầm chậm nở hoa.

Trần Khâm bỗng xiết chặt lấy tôi, tôi nghĩ chỉ cần mãi bên nhau như lúc này, tôi chẳng còn mong ước nào hơn.
Tiết Đoan ngọ năm nay, tôi và Trần Khâm giữ lời hứa với thằng bé Thuyên, đưa nó ra ngoài hoàng thành.

Những lúc thế này ông bà chính là những cánh tay đắc lực nhất, tôi gửi Quốc Chẩn cho thái hậu và thượng hoàng trông, bản thân thì cùng cha con Trần Khâm ngồi xe ngựa qua cửa Đại Hưng ra khỏi Cấm thành.

Hiện tại ba người chúng tôi ngồi trên tầng cao của một tòa lầu, tầm nhìn bao quát khắp bốn phương tám hướng.

Nhìn về phía đối diện chính là Đông Bộ Đầu, Trần Khâm nói rằng bến Đông Bộ Đầu vừa là bến cảng của quân đội, vừa là nơi diễn tập thủy chiến, lại là nơi diễn ra các cuộc đua thuyền vào mùa thu hằng năm.

Vậy nên bến này được xây dựng thành cụm kiến trúc rất tráng lệ, thậm chí còn cho xây dựng thêm cả sứ quán dành riêng cho sứ giả phương Bắc ở khu Quán Sứ.

Tôi và nhóc Thuyên lần đầu được thấy, xuýt xoa mãi không thôi.
Hôm nay ba người bọn tôi cải trang vi hành, đến thằng nhóc Thuyên bình thường ăn mặc sặc sỡ hôm nay cũng chỉ mặc một bộ quần áo màu thiên thanh.

Nó ngồi ăn hết hai cái bánh gio, miệng khen lấy khen để, lại làm thêm nửa bát cơm rượu mới chịu ngừng.

Tôi nghĩ món cơm rượu này đối với trẻ con cũng không dễ ăn, riêng thằng nhóc này đối với mấy món rượu đặc biệt yêu thích, tương lai ắt hẳn là một nhân tài.
Cơm no rượu say, chính là lúc thích hợp nhất để hóng chuyện, bàn bên cạnh có chút ồn ào, tôi lắng tai thì nghe rằng:
- Nam Tống diệt vong đến nay đã hơn hai năm, người Nguyên lên làm chủ.

Ngẫm lại thế sự thật khó lường, phương Bắc lớn mạnh mấy nghìn năm, nhiều lần mưu đồ thôn tính nước ta không được, ấy thế mà hôm nay lại mất trong tay bọn giặc Thát kia.

Vó ngựa người Nguyên, thật làm người ta khiếp đảm.
Trần Khâm đang rót trà, một giọt sánh ra ngoài.
Người khác lại nói:
- Đừng vội xót thương thay kẻ khác, anh hãy nhìn Nam Tống người đông thế mạnh còn bị diệt, xung quanh đây có nơi nào không bị giày xéo cho nát tan bờ cõi đâu? Đại Việt nhỏ bé lại nằm chắn trước Chiêm Thành, tôi thấy lần này nếu không bị biến thành bước đà để đánh sang Chiêm thì cũng bị quân Mông cổ từ chiêm thôn tính tới.

Tôi thấy trước mắt anh nên lo cho vợ con ở nhà đi là hơn.
- Không sai, hai mươi ba năm trước bọn chúng đánh nước ta tuy chưa đầy nửa tháng đã bị đánh trở về, nhưng chỉ trong bao nhiêu thời gian đó cũng đủ biết được bọn chúng hung hăng cỡ nào, huống hồ lúc đó chúng vẫn chưa bành trướng đến mức ấy.

Hơn hai mươi năm đất trời xoay chuyển, thu tóm thế lực mười phương, đến khi binh lực cực thịnh mà bọn chúng quay trở lại, chỉ e rằng mọi thứ sẽ không dễ dàng như trước nữa đâu.

Tình thế này có thể dùng một câu để hình dung, chính là lấy trứng chọi đá.
Lấy trứng chọi đá? Tôi nhếch môi, trong lòng âm thầm khinh bỉ.


Chẳng hiểu bọn người này là người ở nơi nào, đến đây để làm nhụt chí người Đông A ta hay sao? Tôi chưa kịp lên tiếng bất bình, đã nghe thằng nhóc Thuyên nói:
- Giặc tới nhà thì đánh, nước lên thì đắp đê, có gì phải sợ?
Xung quanh lập tức nhao nhao phụ họa:
- Đúng vậy, mấy tên đàn ông cao to vạm vỡ vậy mà thua cả một đứa trẻ con, kẻ thù chưa đến đã cúp đuôi chạy trước, không xứng đáng là dân Đại Việt ta.
Người khác lại nói:
- Thắng được một lần sẽ có lần hai lần ba, bọn chúng binh nhiều của thịnh, chúng ta cũng lắm nhân tài.

Một mình già đây giết được năm mười tên giặc cũng còn dư sức.

Chỉ cần quân dân đồng lòng, dân Đại Việt ta còn sợ mấy tên ngoại bang chỉ biết cưỡi ngựa hay sao?
Lại một tràng tiếng cười, mấy tên bị bẽ mặt bỗng nhiên nổi cáu, xăm xăm đến định động tay động chân với thằng nhóc Thuyên.

Nó hoảng hốt lùi ra phía sau tôi, tôi bật cười trêu:
- Lúc nãy thì mạnh miệng lắm, sao bây giờ trở thành con rùa rụt cổ rồi?
Thằng bé vịn tay áo tôi, thò đầu ra bảo:
- Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, chỉ cần giữ lại rừng thì sợ gì không có củi đốt.

Hai mươi năm sau lớn lên lại là một bậc anh hùng!
Tôi nghe cái lý luận có vẻ vô lý nhưng lại rất thuyết phục của thằng nhóc thì bật cười thành tiếng.

Bọn người kia lập tức càng tỏ thái độ hung hăng, luôn miệng hỏi tôi cười cái gì.
Lúc này bên kia Trần Khâm giống như nhịn không nổi nữa, anh ta đứng bật dậy thượng cẳng tay hạ cẳng chân, chỉ trong một chốc bọn người đó đã nằm rên hự hự dưới sàn.

Anh ta phất tay áo, bế nhóc Thuyên lên rồi nắm tay tôi rời khỏi đó, chỉ để lại một câu cộc lốc:
- Đám hèn nhát, không xứng là người Đại Việt!
Tôi gật gù, anh ta nói đúng lắm.

Bây giờ thì tôi biết thằng nhóc Thuyên giống ai rồi, đúng là cha nào con nấy.

Tôi bỗng dưng cảm thấy cũng may là bọn tôi ăn vận bình thường, nếu không lộ ra việc anh ta là quý tộc mà đánh thường dân thế này, dù về tình về lý thế nào xem ra cũng không hay.
Trần Khâm nắm tay tôi đi nhanh về phía trước.

Ngoài kia, những hàng đèn lồng kéo dài từ đầu phố đến cuối phố không thấy điểm dừng, người người tràn ra từ khắp các cửa lớn ngõ nhỏ cùng tiến về cửa Triều Đông, nơi con sông Tô Lịch rộng lớn chảy dọc bờ thành.
Ánh mắt Trần Khâm hiện lên nét mê say, không chú ý đã bị đổ xô vào dòng người tấp nập.

Lần này có vẻ như vị vua trẻ đã đánh giá thấp sức mạnh của quần chúng nhân dân, chỉ biết nhìn bản thân vô thanh vô thức bị cuốn đi xa tít.

Tôi nhìn nhóc Thuyên la oai oái trên vai anh ta, bất giác bật cười.

Cũng vào một ngày như thế này năm ấy, tôi lần đầu gặp gỡ Trần Khâm, chạm mặt nhau giữa đám đông nhìn thấy cảnh anh ta bị đuổi giết, tuy không thể nói là kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau, nhưng miễn cưỡng coi như cùng vượt qua hung hiểm.

Mới đây mà hai kẻ chúng tôi đã trải qua bao nhiêu chuyện, còn cùng nhau sinh con đẻ cái, gánh vác trọng trách trên vai.
Tôi tấp vào một hàng bánh đúc, ngồi xuống gọi ra liên tục ba bát.

Thứ này đúng là không ăn thì thôi, đã ăn phải ăn liên tục mới đã thèm, ăn xong lại ngồi hồi tưởng quá khứ.

Ngày tết Đoan ngọ năm đó, Quốc Tảng tỏ tình với tôi, sau đấy tôi lại bị Trần Khánh Dư bắt đi rồi lại được Quốc Tảng cứu về.

Thời gian như bóng câu qua cửa, mới đó đã hai năm, tôi thì đã có con còn anh ta vẫn giữ mối tình si như trước.

Ở phương diện này tôi cảm thấy đúng là phụ nữ dễ thay lòng hơn đàn ông, cả chị Quỳnh Trân cũng bị mềm lòng trước tình cảm của anh Quốc Nghiễn, còn Trần Khánh Dư cố chấp thì hiện tại chẳng biết lưu lạc ở nơi xó xỉnh nào rồi.
Trời càng lúc càng về khuya, vầng trăng như chiếc lưỡi liềm treo trên đỉnh đầu, gió hiu hắt thổi dãy đèn lồng đung đưa.

Người qua đường đã rất thưa thớt, tôi đi dạo một vòng quanh các hẻm lớn ngõ nhỏ, cảm giác như lạc giữa mê cung.

Gió thổi lá khô xào xạc, chợt nhớ ra thân phận của mấy người bọn tôi, lạc nhau lâu như vậy, lúc này hẳn là nên gặp rồi chứ? Tiếng cười nói thưa thớt dội vào lòng tôi, bỗng nhiên làm tôi lo sợ và lạc lõng, tôi nắm chặt lòng bàn tay, không phủ nhận bản thân mình có chút khẩn trương.
Đám lá khô cuối cùng đổ ào ạt như một trận bão, có tiếng bước chân điềm tĩnh chậm rãi đạp lên xào xạc lên lá khô, tôi nghe được thanh âm quen thuộc từ trong tiềm thức, quen thuộc như đã có ai mỗi sáng bước đi như vậy bên cạnh tôi, ém góc chăn cho tôi, âm thầm dặn cung nữ đừng làm tôi tỉnh giấc.

Tôi quay đầu lại, trước mắt là một chàng trai vận viên lĩnh màu ngọc, đầu đội kim quan, mày kiếm mắt sắc, anh khí ngút trời.

Anh ta bế một đứa trẻ, gương mặt quen thuộc vô cùng.

Đứa trẻ vẫy tay với tôi, miệng không ngừng gọi tôi.
Khoảnh khắc anh ta nhìn tôi, cả không gian như ngưng đọng lại.
"Thấy được dung mạo của chàng
Tựa như gió mát trăng thanh
Dường như đã gặp qua ở phàm thế
Đợi chờ lưu luyến, thời gian như ngừng lại"
Mấy cánh hoa bằng lăng trong không trung khẽ bay tán loạn, vô thức rơi trên vai áo của Trần Khâm, lưu luyến chẳng muốn rời.

Anh ta bắt lại một cánh hoa nắm trong lòng bàn tay, nghiêng đầu nhìn tôi.

Trước đây đọc sách từng nghe qua một câu "giữa biển người mênh mông tìm duy nhất một bóng hình trăm biến vạn hóa, bất giác ngoảnh đầu, người ở ngay đó, giữa chốn hoa đăng đã lụi tàn".

Có lẽ anh ta vẫn đứng đây chờ tôi từ rất lâu rồi, chỉ là tôi vô ý không nhìn thấy mà thôi.
Trần Khâm mỉm cười với tôi, vẻ mặt đắc ý nói:
- Không ngờ qua bao nhiêu lâu, em vẫn nhìn ta bằng ánh mắt si mê như thế.

Xem ra ta vẫn còn sức hấp dẫn lắm.
Tôi nghe một đợt ớn lạnh chạy dài xuống sống lưng, ôi anh ta lại bắt đầu tự mãn rồi.
Gió đêm thổi xào xạc trên tán cây hai bên bờ sông Tô Lịch, làm bập bềnh mấy đóa hoa đăng đã leo lét ánh lửa, dạt chúng sang hai bên bờ, trông như hai dải lụa phát quang trên nền lụa đen tuyền một màu tối.

Người nghệ nhân đàn ở đầu thuyền say mê theo làn điệu, cô đào hát cất tiếng ca, ca rằng:
"Phủ Phụng Thiên sáu mươi mốt phường: Tàng Kiếm chuyên nghề làm kiệu, Yên Thái chuyên làm giấy, Thụy Chương và Nghi Tàm chuyên nghề dệt vải và dệt lụa, Hà Tân là nơi nung vôi, Hàng Đào chuyên việc nhuộm điều, Tả Nhất làm quạt, Tây Hồ có cá to, Thịnh Quang chuyên nghề làm long nhãn, Đồng Nhân bán áo diệp y.

Đồ cống có gấm, đồ thêu, hương xạ, cùng ba loài kim."
Khúc nhạc du dương trầm bổng vang khắp cả mặt sông, len lỏi vào tiếng nước vỗ ì ọp nơi mạn thuyền trong đêm thanh tĩnh.

Trong khoang thuyền tràn ngập bóng tối, chỉ có chút ánh đèn hiu hắt bên ngoài theo kẽ hở của tấm mành trúc lách mình chui vào, phản chiếu mờ mờ bóng của vị quan gia trẻ tuổi ngồi trầm tư cạnh khung cửa, tay anh ta nâng chén trà giữa không trung nhưng vẫn chưa động đến, khói trà nhè nhẹ bốc lên cao.

Trong bóng tối thế này chỉ thấy được nửa phần gương mặt của anh ta, chiếc mũi thẳng tắp như tạc, ngón tay cầm chén trà thon dài khéo léo.

Anh ta ngồi như thể một pho tượng đẹp đẽ giữa nhân gian.

Bên ngoài đã đàn đến khúc nhạc thứ năm, khúc nhạc nhẹ nhàng chậm rãi làm tôi không kìm được ngáp dài một cái.

Thằng bé Thuyên đã ngủ từ lâu, còn tôi nằm gối đầu lên đùi Trần Khâm ngắm anh ta ngồi trầm tư nghe hát suốt buổi, loại nghệ thuật này bản thân vẫn chưa thể cảm thụ được tinh hoa của nó, nên cứ ngáp ngắn ngáp dài.

Trần Khâm đưa mắt nhìn ra lòng sông, thủ thỉ với tôi:
- Con sông này có thể vét để làm trục đường chính của kinh đô.
Tôi gật gù, từ xưa đến nay những việc liên quan đến quốc sự tôi thường không đưa ra ý kiến, bởi tôi tin tưởng anh ta tuyệt đối.

Con người này dù có đôi lúc làm tôi bối rối nhưng chuyện quốc gia đại sự vẫn rất đáng tin.


Trần Khâm nói xong câu đấy lại thở dài một tiếng, anh ta nói tiếp:
- Ban nãy hẳn em cũng đã nghe rõ rồi, người Nguyên hung hãn quen thói, binh lực cũng mạnh mẽ vô cùng, lại mang giấc mơ thâu tóm thiên hạ, nơi nào vó ngựa Nguyên Mông lướt qua, cỏ không mọc nổi, dân chúng lầm than.

Biết bao thế lực đã quy hàng, hoặc là tự hàng, hoặc là bị chà đạp ép phải hàng, Đại Việt ta tuy từng một lần đánh đuổi được chúng, nhưng hằng năm vẫn phải triều cống – xưng thần.
Tôi cũng biết việc triều cống này giống như nghĩa vụ của nước nhỏ đối với nước lớn, phương Bắc trước nay dù là thời đại nào vẫn luôn muốn làm bá chủ, tự cho mình là trung tâm, bọn chúng luôn ỷ mình người đông thế mạnh để chèn ép các nước lân bang khác, và việc triều cống cũng không phải là chưa từng có tiền lệ.

Trần Khâm biết suy nghĩ của tôi, anh ta lại nghiến răng, từng chữ như rít ra từ trong phẫn nộ:
- Đại Việt ta tuy nhỏ, nhưng cũng là nước có vua, cũng tồn tại mấy nghìn năm nay song song với phương Bắc, nhưng bọn man rợ đó lại bắt đích thân vua một nước phải sang cống.

Ở đời con giun xéo lắm cũng quằn, huống chi ta lại là bậc quân vương, ta và Thượng hoàng luôn coi khinh sự cưỡng ép đó, chưa từng khuất phục lần nào.

Kể cả đồ cống hết thảy đều vô bổ.
Tôi bỗng bật cười:
- Nguyên triều chưa chiếm được chút lợi ích nào của anh, vậy anh khó chịu gì chứ?
Trần Khâm lại thở dài, than:
- Vậy nên trong lòng chúng bất mãn đã lâu, luôn bới lông tìm vết để dễ bề sinh sự.
Ngày xưa lúc Thượng hoàng nhường ngôi cho Trần Khâm, vua của nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt đã cho Sài Thung dẫn sứ đoàn sang Đại Việt, trách móc việc lập vua mới mà không xin phép Nguyên triều.

Thời gian Sài Thung ở Đại Việt, cậy thế nước mạnh đã có nhiều hành động ngang ngược vô phép.

Nước ta lấy đại cục làm trọng, hết lần này đến lần khác nhượng bộ không truy cứu.
Thông qua Sài Thung, Hốt Tất Liệt tuyên chỉ rằng nước ta dối trá, trước vì Thượng hoàng già yếu không thể đi xa còn lượng tình được.

Nay vua trẻ đang độ cường sĩ, vào chầu chịu mệnh chính là phải thời, nếu lòng không yên cố ý kháng mệnh thì cứ sửa thành đắp lũy, sắm sửa giáp binh sẵn sàng mà đợi.

Thượng hoàng lần nữa viết thư cầu hòa nhưng lập trường thì vẫn không thay đổi, sứ thần nước ta theo Sài Thung về Nguyên lập tức bị bắt giam.
Hai quân giao chiến, không giết sứ giả, Hốt Tất Liệt làm thế vốn không cho ta có cơ hội quay đầu.

Tôi nghĩ con thuyền này dù muốn dù không cũng phải nhắm mắt bước lên, chỉ là đó đều sẽ quy về ý muốn của Nguyên triều.

Tôi nghĩ nguyên nhân chuyện này một phần cũng là vì Thượng hoàng nói rằng bản thân già yếu, sau đấy lại còn để cho Sài Thung chứng kiến sự "già yếu" đó của ngài, phần còn lại là do Hốt Tất liệt nghe Sài Thung kể lại bộ dáng cường tráng đẹp đẽ đó của thượng hoàng nên sinh lòng đố kỵ bèn tùy tiện bắt giam sứ thần cho hả giận mà thôi.
Trần Khâm cảm giác vai tôi run run, lấy ngón trỏ gõ vào trán tôi một cái, lại kể:
- Hai tháng trước nhà Nguyên gọi ta sang chầu, ta cáo bệnh không đi, lại cử chú họ là Di Ái sang thế, không ngờ chú của ta sang đó còn được phong làm An Nam quốc vương.

Trần Di Ái này thấy Nguyên chủ phong cho cũng nhận, chắc trong bụng đồ là chuyến này nhờ sức Mông cổ, may việc xong thì được làm vua, nhược bằng không xong, thì sẽ đổ cho là Nguyên chủ bắt ép.

Ta hiểu ông ta nghĩ gì, và cũng đoán được rằng không lâu nữa thôi, Nguyên triều sẽ cho hộ Tống kẻ phản phúc kia về để lên mặt với ta đây.
Mành trúc khẽ rung lên một tiếng, nhạc khúc bỗng đứt quãng.

Tôi bâng khuâng nhìn bóng nước dao động trên vách thuyền, thầm nghĩ binh biến sắp đến nhưng người già trẻ nhỏ có lẽ vẫn chưa hay biết gì.
Quả nhiên tháng Giêng năm Thiệu Bảo thứ năm – tức là năm Nhâm Ngọ, Sài Thung được lệnh đem hơn một nghìn quân người Hán trong quân đội Nguyên hộ tống Trần Di Ái về Đại Việt làm vua.

Trần Khâm huy động lực lượng chặn đánh Sài Thung ở ải Nam Quan và bắt giữ nhóm Di Ái, song vẫn nghênh đón gã về Phượng thành.
Ngày Sài Thung bước chân vào cấm thành, An Tư từ sớm đã ngồi đợi tôi ở Quân Hoa cung.

Năm nay Quốc Chẩn đã tròn một tuổi, không quấy khóc như trước nữa, trở thành một thằng bé vô cùng hiểu chuyện, cũng vừa cai sữa xong.

Tôi cho nó ăn sáng xong xuôi, bồng ra ngoài đã bắt gặp An Tư ngồi chống cằm dùng ngón tay chấm nước trà vẽ nguệch ngoạc lên bàn gỗ.

Tôi bĩu môi một cái, nhìn cô ta bảo:
- Khiếp, còn bẩn hơn Quốc Chẩn!
An Tư nhìn thấy tôi như mở cờ trong bụng, không quản tôi nói lời mỉa mai, lập tức vào thẳng vấn đề:
- Nghe nói hôm nay sứ giả Sài Thung là người Nguyên về, nghe nói phái đoàn sang nước ta rất xa hoa.

Ta chưa gặp bọn Mông cổ đó lần nào, hay là chúng ta...
- Cô lại định bày chuyện rắc rối nữa hay sao? – Tôi cắt ngang.
An Tư nắm tay áo tôi, nài nỉ:
- Chỉ là đứng xem từ xa thôi, ta hứa là không gây ra rắc rối gì.

Sau khi trở về ta giúp ngươi trông chừng Quốc Chẩn ba ngày được không?
Tôi nhìn An Tư, lắc đầu.
- Năm ngày!
Tôi lại lắc đầu.
- Một tuần trăng! Đây là giá tốt nhất rồi, không hơn được nữa đâu!
Tôi nhếch môi cười gật đầu, xem như đã thành giao.

Trên đời này vốn có những người sinh ra để gây rắc rối cho người khác, mà hoàng quý cô An Tư của tôi chính là tên cầm đầu của những kẻ gây rắc rối, Chiêu Thành vương lại là kẻ tiếp tay.

Vì thế ngay sáng hôm đó tôi, An Tư cùng Chiêu Thành vương nấp vào một góc hướng mắt về cửa Dương Minh hóng hớt đoàn sứ giả đến từ Nguyên triều.

Tôi âm thầm than thở, một cô gái mới mười sáu tuổi cùng chàng người yêu hết lòng cưng chiều cô ta hùa nhau làm loạn thì đã đành, sao kể cả một người phụ nữ đã có con như tôi cũng tham gia náo nhiệt chứ, thật là oan trái lắm thay.
Nhưng đúng là kịch hay chỉ xuất hiện ở những nơi hung hiểm, cửa Dương Minh hiện tại đã náo loạn không ra hình thù gì rồi.

Từ bên đây ngó qua, chỉ thấy một tên cao to bặm trợn ăn vận sặc sỡ kỳ quái cầm roi ngựa quất vào lính canh, tôi cảm thấy đây hẳn là tên sứ giả Sài Thung mà An Tư nhắc tới.
Sài Thung cưỡi trên con ngựa cao lớn, phía sau là một cỗ xe ngựa xa hoa được kéo bởi hai con ngựa tốt, sau nữa là một toán quân hộ tống hơn trăm người đều khôi giáp chỉnh tề, lăm lăm gươm giáo.

Tôi tặc lưỡi, loại hống hách ngang ngược này chỉ đến thế là cùng, vốn dĩ kẻ vào Cấm thành dù tốt xấu vẫn phải tuốt bỏ gươm giáo áo mũ chỉnh tề vào diện kiến quan gia, đằng này còn ngang nhiên ngồi trên lưng ngựa đánh xuống binh lính giữ thành.

Một ngàn quân đưa Trần Di Ái trở về bị chặn đánh dọc đường cho tan tác, những kẻ còn lại bước chân vào được đây, sợ là cũng không phải đám người vô dụng.
Đương lúc roi ngựa sắp quật xuống lần nữa, An Tư bỗng dùng một hòn đá làm ám khí, rất chuẩn xác phóng trúng cánh tay đang hạ xuống của Sài Thung, hắn ta liền không ngừng la hoảng.

Còn chưa kịp cản lại, An Tư đã nhếch môi phóng thêm hòn đá thứ hai, tên Sài Thung từ trên ngựa ngã xuống đất ở cửa Dương Minh.
Tôi trừng mắt nhìn cô ta, dùng khẩu hình miệng mắng cô ta một tiếng.

Chiêu Thành vương liền ngồi chắn lấy người An Tư, cô ta liền đắc ý nhìn tôi cười cười.

Thật hết nói nỗi.
Tôi liếc mắt về phía đó thì phát hiện Sài Thung đang lồm cồm ngồi dậy, gã ghé sát cỗ xe ngựa nói nhỏ gì đó, từ chỗ tôi có thể loáng thoáng nghe được mấy từ "ma quỷ", "Giao Chỉ rất đáng sợ" gì đó.

Nhưng gã ta nói bằng tiếng Hán nên tôi chỉ có thể nghe hiểu lờ mờ mấy chữ thôi, có lẽ là nói Đại Việt ta không thể xem thường.
Trong cỗ xe ngựa tôi chỉ loáng thoáng thấy được mái tóc dài xoăn nhè nhẹ của người đàn ông cột thành hai lọn đổ xuống khuôn ngực rộng.

Anh ta nâng cánh tay vén nhẹ mành che cửa sổ, đôi mắt dõi ra xa, như muốn rà soát từng tán cây ngọn cỏ.

Tôi nín thở không dám nhìn thẳng vào kẻ đó, một lát sau rèm che buông xuống, tôi khẽ thở phào.
Bên kia vang lên âm thanh trầm thấp:
- Làm theo họ nói đi!
Tức thì toàn bộ binh lính người Nguyên đồng loạt xuống ngựa.

Lúc này lính canh cửa Dương Minh mới cho họ vào..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận