Nào Hay Xuân Mênh Mông


Cô nhóc Đan Thanh mang quần áo đã phơi khô vào phòng, liếc nhìn tôi đầy ý vị, giọng mỉa mai:
- Tiểu thư đã tỉnh rồi sao? Trời vẫn còn sớm lắm!
Tôi không buồn liếc mắt tới cô nàng kia, không ý tứ ngáp dài một cái.

Đan Thanh chỉ biết lắc đầu, rồi bước đi nhanh như sàn nhà xối mỡ.
Tôi ở Hưng Đạo vương phủ đã ba ngày rồi nhưng vẫn còn mơ mơ hồ hồ, đôi lúc giật mình tỉnh giấc cũng hoang mang chẳng biết mình là ai, ở nơi nào nữa.

Ký ức lâu nhất mà tôi nhớ được là tại thời điểm ba ngày trước, nằm dưới chân Yên Tử sơn, sau đó có một đám người vô tình đạp lên người tôi, thế là tôi tỉnh lại.
Hôm ấy trời xanh mây trắng, gió thổi chim ca, quả là vô cùng thích hợp để trêu chọc con gái nhà lành.

Tôi đang ngủ ngon trớn thì bị một tên mập áo đỏ đạp lên, có lẽ tưởng tôi là xác chết sống dậy hay sao mà tên mập kêu la oai oái, đám gia nô xung quanh lúc này mới hoàn hồn túm tụm lại lôi cái thứ chết tiệt dưới đám lá khô là tôi lên.

Trước mắt tôi là một cô gái nhỏ đôi mắt ngấn lệ, hai hàng mày cong cong chau lại vì hoảng hốt.

Xung quanh là một đám đàn ông được cầm đầu bởi một tên mập quần là áo lụa, không cần suy nghĩ cũng hiểu được là đang xảy ra chuyện gì.

Vị tiểu thư này chính là Đỗ An Hoa, cháu họ hàng xa của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn phủ Vạn Kiếp.

Đỗ An Hoa vốn xuất thân là thư hương thế gia, cũng tạm gọi là có của ăn của để.

Có điều chỉ trong một năm mà cả cha mẹ đều lần lượt ra đi, phận nữ nhi không gánh vác nổi gia sản trong nhà, để cho đám người trong tộc thao túng.

Rốt cuộc gia sản tiêu tán, còn chị ta thì bị cưỡng ép gả cho phú hộ trong vùng, chính là tên mập mà tôi vừa đá lăn lông lốc như quả bóng ban nãy.

Đỗ An Hoa xinh đẹp ngời ngời đương nhiên không chịu gả cho một tên vừa mập vừa lùn vừa đần độn ngu si như anh ta, trong đêm trước ngày hôn lễ lẻn đi, qua ngày hôm sau thì bị đuổi kịp, rồi trùng hợp gặp được kẻ kì quái từ dưới đất bò lên là tôi đây.

Sau đấy kẻ mất trí nhớ là tôi theo Đỗ An Hoa đi thêm chẵn mười ngày thì đến cổng Hưng Đạo Vương phủ uy nghi tráng lệ, chính thức dấn thân vào con đường môn khách hay còn gọi là ăn bám.

Thế nên bây giờ tôi nhàn nhã nằm đây ngày ngày trêu chọc cô nhóc Đan Thanh, chung quy cũng có lý do.

Nhắc tới Đỗ An Hoa, ngoài việc tên hôn phu quá kém cỏi ra, lý do chính mà chị ta liều mình trốn khỏi hôn lễ, không xa lạ là vì trong lòng đã có ý trung nhân ưu tú.

Còn nhớ cái hôm vừa cứu được chị ra khỏi đám lưu manh đó, đã thấy chị ta buông mình nhảy xuống con suối sâu, làm hại tôi còn tưởng chị ta có ý định tự tử.

Hóa ra là muốn tìm chiếc vòng tay – tín vật định tình từ mười năm về trước.

Mà vị ý trung nhân ưu tú kia lại chẳng phải ai xa lạ - xếp thứ ba trong số bốn vị vương tử tài ba nổi tiếng khắp thành của Hưng Đạo Vương lừng danh – Trần Quốc Tảng.

Lần gặp gỡ định mệnh chính là vào một lần hiếm hoi Hưng Đạo Vương dẫn theo gia quyến đến Chúc Động thăm em gái của ngài.

Nghe Đỗ An Hoa kể lại, trong cái nắng tháng ba dịu nhẹ phảng phất hương thơm hoa cúc, hàng dương liễu hai bên bờ sông Lạc Hà theo gió lay động, thành nhỏ trù phú đầy kẻ mua người bán, ngựa xe dập dìu, Đỗ An Hoa đã gặp Trần Quốc Tảng lần đầu tiên.

Đỗ An Hoa sau này mỗi khi hồi tưởng đến khoảnh khắc đó, cứ ngỡ như mới hôm qua.

Đặc biệt là lúc người thiếu niên ấy cúi xuống đưa chiếc khăn tay màu trắng cho chị ta, trên tóc mai vẫn còn vấn vương mùi hoa lan thanh nhã.

Cảnh tượng diệu huyền đó, chỉ sợ là cả đời cũng khó mà quên.

Và những ngày thiếu niên đẹp như ngọc bắt đầu có mặt trong phủ nhà chị ta, thì chị ta cũng bắt đầu tương tư anh chàng đó.

Tôi nghe đến đây thì trong lòng cũng có chút suy nghĩ.

Từ mấy cuốn ca dao tục ngữ đọc được ba ngày nay thì tôi rút ra một điều, những ước vọng thật sự của chúng ta thì ít, còn sự mơ tưởng thì mênh mông.

Tại sao Đỗ An Hoa lại thích anh chàng đó nhanh như vậy được, có lẽ ban đầu chị ta chỉ hơi có cảm tình, đoạn tình cảm sau đó là do chị ta tự mình suy diễn rồi mơ tưởng ra thôi.

Trong chuỗi ký ức mơ mơ hồ hồ của mười năm đó, vô số lần Đỗ An Hoa bắt gặp thiếu niên mười lăm tuổi một mình đọc binh pháp trong hoa viên.

Anh ta luôn né tránh Đỗ An Hoa, chỉ cần vừa phớt thấy ống tay áo nàng từ xa là vụt mất nhanh như một cơn gió.

Cả hai đuổi bắt như thể mèo vờn chuột, mà cho đến hôm nay, chị ta vẫn chưa thể nào bắt được con chuột tinh ranh như anh ta.

Nhưng có một lần Đỗ An Hoa lỡ tay làm vỡ vòng ngọc mà mẹ chị tặng trong dịp sinh nhật của mình, đau lòng không thôi, người anh họ lạnh lùng ấy thế mà cũng biết động lòng trắc ẩn, liền đền cho chị ta chiếc vòng bằng hổ phách quý giá.

Lại không hề hay chiếc vòng ấy vốn dĩ là một trong bốn bảo vật mà cha anh ta đích thân sắp xếp, chính là để làm tín vật cho ý trung nhân của bốn vị vương tử sau này.

Đỗ An Hoa lúc ấy đã định trả lại chiếc vòng, nhưng Hưng Đạo phu nhân chỉ cười xoa đầu nàng:
- Con cứ cầm lấy đi.

Và hôn ước được đặt ra.

Tôi hàm hồ nghe chị ta kể đến đây, phải vỗ đùi cái phốc, anh chàng này cũng quá là tuỳ tiện rồi.

Hèn gì Đỗ An Hoa một lòng một dạ với anh ta, hoá ra cũng do anh ta khơi mào, nếu anh ta không tuỳ tiện đưa đồ của mình cho người khác thì đâu xảy ra cớ sự ngày hôm nay.

Tôi nghĩ nguyên nhân thật sự ở đây là do anh ta quá giàu, muốn vung tiền cũng không cần phải suy nghĩ kỹ.

Nhưng tiếp theo đây mới quá đáng, bởi anh họ này đối với hôn ước không tán thành cũng không phản đối, vẫn tiếp tục ngồi trong vườn hoa đọc binh thư của anh ấy.

Chỉ có Đỗ An Hoa là vui mừng khôn xiết, còn hùng hồn vỗ ngực mà tuyên bố sau này sẽ trở thành người vợ tốt của chàng, một lòng một dạ.

Này này, anh là người thuộc chủ nghĩa sao cũng được hả?
Nhưng tôi đã lầm, Trần Quốc Tảng khi ấy chỉ lãnh đạm nói rằng:
- Thích và yêu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Sau này khi lớn lên, em nhất định sẽ hiểu.

Lúc em đã thật sự tìm được ý trung nhân, ta sẽ không phiền giải trừ hôn ước.

Được rồi, anh ta không thích, cũng không từ chối, anh ta thích thể loại mập mờ như vậy được không?
Tôi sau khi nghe chuyện còn tưởng tượng ra một trăm lẻ hai tình huống trong văn học dân gian.

Chỉ sợ tên anh họ lòng dạ sắt đá ấy vốn đã cưới vợ sinh con, con đàn cháu đống, chứ nhớ nhung gì một cô gái từng xuất hiện trong ký ức trước đây.

Sau đấy là một màn đại chiến không khoan nhượng đến trời long đất lở của vợ lớn vợ nhỏ, hấp dẫn hơn cả cuộc đời của Tần Hương Liên và Trần Thế Mỹ ở nước Tống.

Chỉ nghĩ thôi mà máu trong người tôi đã phấn khích nóng lên rần rần.

Nhưng thực tế chứng minh trí tưởng tượng của tôi quá mức phong phú.


Quốc Tảng vốn không có vợ con gì hết, vẫn là một anh trai độc thân hoàng kim, à, nếu như bỏ qua chi tiết anh em nhà này lượn lờ trong kỹ viện thì anh ta vẫn được tính là một chàng trai tốt.

Nói đến đây thì kể ra anh em nhà ấy cũng thật biết hưởng thụ.

Thành Vạn Kiếp có một chốn ăn chơi vào loại bậc nhất, gọi là Tĩnh Lâu, đầy đủ các loại hình từ trà lâu, tửu lâu, khách điếm tới kỹ viện.

Tòa lâu này kết cấu ba tầng từ lớn đến nhỏ, quy mô phải nói là tráng lệ vô cùng.

Chỉ nhìn sơ là thấy được phía sau tòa lầu chính, đình viện nhỏ rải rác vô số kể.

Hẳn chính là nơi đốt tiền của bọn nhà giàu nơi đây.

Một nơi thế này lạ gọi là Tĩnh Lâu, tôi mắng một câu, đúng là treo đầu dê, bán thịt chó.

Nếu muốn kể rõ ràng đầu đuôi mọi chuyện, thì phải nhắc một chút tới bốn vị vương tử lừng lẫy của Hưng Đạo vương.

Vị thứ nhất là Trần Quốc Nghiễn, tài mạo song toàn.

Vị thứ hai là Trần Quốc Uất, anh dũng thiện chiến, dung mạo khôi ngô.

Vị thứ ba là Trần Quốc Tảng, người tình trong mộng của Đỗ An Hoa, thiên hạ đồn đại đây chính là người xuất sắc nhất trong bốn vị, ngũ quan đoan chính, mưu trí hơn người.

Cuối cùng là Trần Quốc Hiện, đây đích thị là một tên đáng ghét!
Bởi vì khi Đỗ An Hoa hồi phủ đã non nửa tháng vẫn không thấy bóng dáng anh ba của mình đâu, lúc này đã như một đóa hoa bị vùi dập trong trận mưa đêm hôm trước, ủ rũ người không ra người, vậy mà tên nhãi kia còn tiêu sái bước ngang qua bỏ lại hai chữ "ta biết" rồi đi một mạch vào thư phòng cả ngày không thấy ra.

Đây không phải là anh em bao che ỷ thế hiếp người hay sao? Thế nên sau khi một cánh cửa thư phòng Hưng Đạo Vương phủ bị dỡ, một bên chân của tứ vương tử bị trật thì tôi vừa hay biết được mấy ngày hôm nay anh ba của họ đang ở đâu.

Tôi cắn răng bỏ ra ba phần mười thù lao mà Hưng Đạo vương trả công cho mình khi hành hiệp trượng nghĩa đưa Đỗ An Hoa về phủ để mua chuộc tú bà trong Tĩnh Lâu, cộng với miếng ngọc trấn lột được từ tay Quốc Hiện, dắt chị ta vượt qua mấy tòa đình.

Cũng thật không uổng công, đến đây quả nhiên được rửa mắt một lần, thanh nhã có, lộng lẫy có, cả tòa lâu toát lên vẻ thơ ca nhạc họa.

Đỉnh điểm chính là gian phòng mà Trần Quốc Tảng trốn tránh mấy ngày nay.

Tiếng đàn bầu réo rắt, một thiếu nữ ngồi trên sập mặc áo lụa đỏ nhập tâm đánh đàn.

Tiếng đàn lúc trầm lúc bổng, đôi khi nhẹ như hoa rơi xuống nước, đôi khi lại hối hả như mưa tuôn.

Bên cạnh chị ta là một người đàn ông mặc áo xanh, tóc đen như thác cột hờ, nửa nằm nửa ngồi trên sập, làm ra vẻ tận hưởng âm thanh tuyệt diệu.

Không cần suy nghĩ, chiếc lư hương còn đang mơ màng nhả khói trên bàn đã rẽ gió lao thẳng, rất chuẩn xác dừng lại trước trán anh chàng kia, mà anh ta cũng rất chuẩn xác bắt được.

Tiếng nhạc đột nhiên im bặt, một ánh mắt vừa dò xét vừa hiếu kỳ hướng đến trước mặt tôi.

- Điêu dân to gan, ai cho phép ngươi làm càn ở chỗ này, gia nhân đâu hết rồi?!
Người của anh ta còn chưa đến, bỗng chốc đã bị một tảng đá đè lên, hai tay bị ghì dưới eo còn cổ áo thì bị túm chặt.

- Anh gọi ai là điêu dân hả? Vợ chưa cưới của anh đến tìm anh này!
Anh ta đanh mặt lại, cố sức vùng ra nhưng không được, lại không ngờ được cô nàng trông nhỏ bé kia lại có sức lực lớn như vậy, vừa mới bừng bừng lửa giận đã chuyển thành khiếp sợ, vẻ mặt trở nên mù mịt, lầm bầm:
- Ai cơ? Cô là vợ chưa cưới của tôi hồi nào?
Tôi định tặng cho anh ta thêm một bạt tay, thì đã nghe sau lưng truyền đến tiếng Đỗ An Hoa thì thào:
- Anh...anh ba...!
Tên đàn ông dưới người tôi chỉ cật lực lắc đầu, cố dùng mắt ra hiệu cho tôi rồi gấp gáp nói:
- Bên kia, bên kia!
Trời ạ, tôi nhận nhầm người rồi, tôi không nhớ là mình bao nhiêu tuổi, nhưng trời ơi trong suốt những năm đó tôi cá là mình chưa bao giờ mắc cỡ như ngày hôm nay.

Tôi ngay lập tức dừng tay, đưa mắt sang một gian phòng chỉ được ngăn lại bằng một tấm sa mỏng cách đó mấy chục bước chân.

Trong cái nóng oi ả của mùa hè, ấy thế mà tôi lại thấy gió mát từ mặt hồ thổi tới.

Gian phòng này không phải là một gian phòng kín, một mặt phòng chỉ dùng mành trúc đơn giản che chắn, chỉ cần có gió lại va vào nhau leng keng, tạo ra thanh âm thuần túy nhất.

Mà thấp thoáng sau mành trúc kia, chính là mặt hồ rộng lớn trong suốt, ánh mặt trời rọi xuống mặt hồ nóng hổi, làm cho mỗi đợt sóng nhỏ đều lấp lánh như bạch kim.

Giữa hồ, một ngư phủ lặng lẽ buông cần, lơ đễnh để thuyền theo sóng nước bập bềnh trôi.

Theo gió thổi đến, còn nghe một chuỗi thanh âm xa xa.

Ngày ấm uyên ương xuôi nước biếc
Gió hòa hải yến lượn rèm châu
Trước mành trúc đặt một bàn ngọc được chạm trổ tinh xảo, màu học tinh túy làm người ta không khỏi nảy sinh cảm giác muốn chạm vào.

Chén trà cùng chất liệu đang tỏa khói nghi ngút tạo thành một làn sương trắng huyền ảo.

Tại đó, một chàng trai áo trắng đang ngồi, màu trắng của y phục hòa với màu trắng của bàn ngọc tản mát ra thứ sắc thái làm người ta chói mắt, tinh khiết thanh cao không thể chạm tay.

Trên tay anh ta vẫn như trước cầm quyển binh pháp đang đọc dỡ, mà anh ta lại hướng ánh mắt lơ đễnh về phía cảnh đẹp ngoài kia, nhìn đến quên hết sự đời.

Đôi mắt anh ta có phần lạnh nhạt, đầu mắt đuôi mắt đẹp như tranh.

Nhìn anh ta, thật giống như thấy được hình ảnh đêm đông yên tĩnh.

Hình như động thái quá lớn ở bên này, bên kia anh ta cũng bị mất hứng, quay sang dùng đôi mắt lạnh nhạt đó lẳng lặng đánh giá tôi.

Tôi đột nhiên cảm thấy lạnh lẽo từ đầu tới chân, tên đàn ông phía dưới tôi liền nhân cơ hội đảo khách thành chủ, nhìn tôi cười gian trá.

Ánh nắng xế chiều hắt vào gian phòng tịch mịch, miếng sa mỏng gió thổi tung làm ẩn hiện bóng hình chàng trai đang xoay người đứng dậy.

Tôi thấy Đỗ An Hoa chầm chậm bước tới, khuôn mặt thoáng hiện nét âu lo, đôi má lại có chút phiếm hồng.

Rèm mi nàng khẽ lay động, đôi mắt hạnh long lanh như có nước, mái tóc dài quá thắt lưng bóng mượt vương màu của nắng chiều.

Một nam một nữ đứng đó, đẹp không khác gì một bức tranh thủy mặc.

- Anh ba, đã lâu không gặp – Đỗ An Hoa nhỏ giọng nói, bờ môi chị run run.

- Ừ! Đã lâu không gặp.

Quốc Tảng chỉ đáp lại một câu, cả gương mặt anh toát ra vẻ lạnh lùng xa cách, giọng điệu cũng dứt khoát vô tình.

Nói rồi anh ta khẽ gật đầu với em gái mình một cái, ngoảnh mặt rời khỏi.


Đỗ An Hoa ban đầu có đôi chút thất thần, nhưng chị ta chỉ nhìn ra ngoài mà thở dài một tiếng, có vẻ như đã quá quen với loại biểu hiện này của Quốc Tảng.

Bóng lưng dưới nắng chiều cô tịch, đổ dài trên sàn nhà bằng gỗ lê.

Tôi cũng không nhớ rõ tình huống khó xử ngày hôm đó kết thúc như thế nào, chỉ thấy Đỗ An Hoa ngày càng trầm tư.

Chị ấy không đi tìm Quốc Tảng, cũng không len lén lau nước mắt nữa, chỉ là trong ánh mắt đẹp trong suốt như mặt hồ để lại vài tia tâm sự.

Người ta thường hay nói một câu, sự chấp trước của ngày nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai, tôi vốn đã thấy rõ tình cảm từ tên anh họ đó là không thể cưỡng cầu, càng kéo dài sẽ càng đau khổ.

Tiếc thay một khi đã yêu rồi thì hàng đống đạo lý chỉ như gió thổi mây trôi mà thôi.

Sau khi sự việc hôm đó xảy ra, Hưng Đạo Vương sau một chuỗi ngày công vụ bộn bề mới sực nhớ tới vị môn khách bất đắc dĩ là tôi đây, nhân buổi thuyết pháp của Tuệ Trung Thượng Sĩ liền cho gọi tôi đến để nghe giảng.

Tôi đột nhiên nghĩ, có lẽ ngài thấy tôi tính tình nóng nảy nên có ý muốn cho tôi học bộ môn này để tâm mình thanh tĩnh hơn.

Hiểu được lòng ngài chỉ vì muốn tốt cho tôi, tôi đã cố gắng ngồi thiền nhập định, tập trung nghe Thượng Sĩ nói không sót một chữ nào, nhưng lúc Thiền tôi lại ngủ quên mất.

Trần Thì Kiến ở bên cạnh lay tôi, nhỏ giọng nhắc:
- Tiểu thư, Thượng Sĩ đang gọi em kìa!
Tôi giật bắn người một cái, lớn giọng thưa:
- Thượng sĩ gọi học trò có gì muốn chỉ dạy ạ?
Nhìn ánh mắt như gặp phải người điên của toàn bộ người ở đây, bao gồm cả Thượng sĩ, thì tôi đã biết tên Trần Thì Kiến này chơi tôi rồi!
Thượng Sĩ nhìn tôi vừa thất thố, vẫn ung dung cười hỏi:
- Trò tên gì? Xuất thân từ đâu?
- Thưa thầy, con không biết! – Dù mồ hôi tôi rịn ướt lòng bàn tay nhưng tôi vẫn tỏ ra bình tĩnh đáp.

Trần Quốc Hiện phía trước tôi quay đầu xuống, hất mặt lên bảo:
- Xưa nay sinh tử là việc lớn, cớ sao cô lại nói không biết? Hay là cô giả vờ cho qua chuyện để dối gạt thầy?
Anh Nguyên ngồi bên cạnh anh ta vỗ vai anh ta một cái đau điếng:
- Em ấy bị mất trí, không biết là đúng rồi, anh làm gì khắt khe với người ta vậy?
Trong lòng tôi khẽ đáp lời chị: thì bởi vì anh ta bị tôi đánh cho một trận nên trong lòng khó chịu chứ còn gì!
Chị Anh Nguyên là em gái nhỏ nhất của anh ta, nhưng là em gái nuôi được Hưng Đạo Vương nhận từ nhỏ.

Anh ta cũng còn một cô em gái ruột nữa, nghe nói là làm hoàng hậu trong Phượng thành.

Thượng Sĩ hình như cũng hiểu nên không hề làm khó tôi, ngài chỉ nhẹ giọng giảng giải:
"Giữa trời dù có đôi vành chuyển,
Biển cả ngại gì hòn bọt sanh"
Tôi không hiểu lắm lời ngài nói, nhưng đại loại đoán được chắc là ngài bảo xuất thân không quan trọng, sống chết cũng là chuyện bình thường.

Sau đấy ngài đặt tôi tên là Tĩnh, trước ánh mắt kỳ lạ mà tôi không hề hiểu được của bốn người vương tử, tôi vui vẻ cảm ơn ngài.

Chỉ có một chuyện tôi không mấy hài lòng, là tại sao ngài lại đi đặt tên tôi giống với tên của toà lâu đáng ghét kia chứ?
Tuệ Trung Thượng Sĩ bỏ qua tôi, ngài chỉ mặt Trần Quốc Hiện lên trả lời câu hỏi.

Ngài hỏi rằng:
- Trước đây Quy Sơn tổ có hỏi ta, "sau trăm năm, lão tăng đến dưới núi làm con trâu", thì khi ấy gọi là Qui Sơn tăng hay gọi là con trâu?
Lần này thì không những tôi phải nói không biết mà toàn bộ người ở đây cũng yên lặng không nói nên lời.

Tôi nhìn vẻ mặt mịt mờ như đêm ba mươi của Trần Quốc Hiện thật muốn ôm bụng cười một trận nhưng không dám, chỉ sợ cười lên bị gọi trúng thì coi như xong.

Một lúc lâu, Thượng Sĩ vẫn giữ vẻ mặt tươi cười, ngài cho Quốc Hiện ngồi xuống, đưa ra gợi ý:
"Nếp đỏ mổ thừa hạt anh vũ,
Ngô đồng biếc đậu cành phượng hoàng."
Lúc này trong đình cũng dần vang lên tiếng thảo luận.

Tôi nghe chữ được chữ mất, khẽ lẩm bẩm một mình:
- Nếp mà mổ được chim, cây ngô đồng lại đậu trên cành phượng hoàng, thật là ngược đời!
Trần Thì Kiến nghe thế liền thì thầm vào tai tôi:
- Đây nguyên là hai câu "Hương đạo trác dư anh vũ lạp, bích ngô thê lão phụng hoàng chi" (chim anh vũ mổ mãi những hạt nếp thơm, chim phụng hoàng đậu hoài trên cành ngô xanh) của nhà thơ Đỗ Phủ thời Đường, thầy đang dùng lối thơ đổi ngược để giải thích đấy! Nghĩa là người khi đã đạt đạo, sống trong các loài mà không có tâm niệm dính mắc trong các loài, đó là hạnh của các Thiền sư.

Là con trâu hay lão tăng đều như nhau cả.

Trần Thì Kiến vừa nói xong thì Trần Quốc Tảng cũng đứng lên giải thích một lèo, lời lẽ chắc là trong lĩnh vực đó nên tôi hiểu chữ được chữ không, nhưng đại ý chắc cũng là như thế vì tôi nhìn ra được vẻ mặt đắc ý của Trần Thì Kiến nhìn tôi.

Lần này thì tới lượt tôi trố mắt nhìn Trần Thì Kiến, không ngờ anh ta lại uyên bác như vậy.

Trần Thì Kiến lại rỉ tai tôi:
- Học xong ra ngoài tôi xem bói cho.

Tôi gật đầu một cái rồi lại tập trung vào bài giảng, không ngờ anh ta còn biết xem bói nữa cơ đấy.

Buổi học đột xuất kết thúc, một mặt tôi thấy cơ thể rã rời, một mặt lại thấy đầu óc lẫn tâm hồn như mở ra một thế giới mới.

Học Thiền tuy có chút khó hiểu, nhưng cái lợi rất lớn, tôi biết nó cần thiết cho cuộc sống của tôi sau này.

Bọn tôi hôm nay may mắn được gặp Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng một phần do ngài là anh ruột của Hưng Đạo Vương, bình thường ngài hay vân du đây đó, chỉ thỉnh thoảng ngẫu hứng ghé thăm đám cháu của mình.

Chỉ vài lần ngẫu hứng thế thôi cũng đủ khiến họ ngao ngán.

Tôi gặp Trần Thì Kiến ở dưới mái hiên có giàn tầm xuân leo kín, trên tay anh ta cầm một cái mai rùa với ba mảnh đồng xu, ra chiều là kẻ thật sự biết bói toán.

Tôi từng đọc qua một câu tục ngữ rằng: bói ra ma, quét nhà ra rác, cũng không biết anh chàng này bói ra cái gì đây.

Ngoài suy đoán của tôi, anh ta bói xong lại không nói kết quả, chỉ cười cười bảo thiên cơ bất khả lộ.

Tôi nổi cáu, cũng đâu phải tôi bắt anh bói, cớ chi bói xong rồi lại giấu nhẹm thế kia, thà rằng anh ta đừng bói ngay từ đầu.

Làm tôi bực mình muốn chết.

Việc này cộng với việc ban nãy anh ta đùa tôi là ra hai việc tôi ghi nợ.

Trần Thì Kiến là người làng Cự Xạ ở Đông Triều, anh ta năm nay chỉ mới mười chín đôi mươi, nét mặt cũng được xem là khôi ngô, chỉ tiếc đôi mắt kia cười vào cứ híp lại như sợi chỉ.


Tài đoán quẻ cùng với cái miệng lanh lợi của anh ta khiến bao cô nàng phải thầm thương trộm nhớ ngày đêm.

Ở cùng với anh ta vài ngày, tôi cũng có phúc phận kinh qua mấy màn tỏ tình ong bướm của mấy cô nàng với anh ta, đáng tiếc anh ta chỉ phớt lờ.

Đứng với Trần Thì Kiến chưa lâu, thì có người gọi tôi đến thư phòng cho đại vương gặp mặt, tôi vội từ biệt anh ta, theo gia nô đi thẳng một đường đến thư phòng.

Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi được diện kiến ngài, bởi từ khi vào vương phủ, hầu hết thời gian ngài đều ở bên ngoài lo sự vụ, hôm nay đặc biệt trở về, chắc là do có anh cả Tuệ Trung Thượng Sĩ ghé thăm.

Gia nô đứng bên ngoài xin phép, sau đó đưa tôi vào.

Đây là một căn phòng đơn giản, bên ngoài trồng đầy trúc xanh ngắt một màu, loà xoà cả vào cửa sổ.

Bước vào phòng chỉ thấy toàn binh thư với binh thư, binh thư chất cao như núi trên giá sách.

Trong lòng tôi thầm nghĩ, đúng là cha nào con nấy đây mà, hèn gì anh ba nhà này cũng yêu sách như mạng.

Lúc tôi bước vào, đại vương đang ngồi trên sập tre trò chuyện với Tuệ Trung Thượng Sĩ, người phụ nữ xinh đẹp cao quý ngồi bên cạnh hầu trà được tôi đoán là Thiên Thành công chúa – phu nhân của ngài.

Đại vương năm nay đã sắp ngũ tuần, nhưng đường nét cương nghị trên gương mặt cùng đôi mắt sáng như ưng vẫn không hề thay đổi
Nhác thấy tôi đứng đó, đại vương liền bảo tôi ngồi, tôi ngược lại không dám ngồi, cứ đứng chết trân ở đó.

Đại vương bèn cười bảo tôi:
- Tiểu thư tên gì, là người ở đâu?
Tôi lúng túng khẽ liếc nhìn Thượng Sĩ, thì đã thấy ông ấy trình bày giúp tôi rồi:
- Ban nãy ta hỏi thì cô ấy nói không nhớ, nên ta đặt tên giúp là Tĩnh.

Lúc này cả đại vương và phu nhân đều có loại biểu cảm kinh ngạc y như bốn vị vương tử ngoài kia, trong lòng tôi ngập trong thắc mắc, nhưng lại không dám hỏi.

- Thưa đại vương, tôi chỉ biết lúc tỉnh lại đã thấy mình nằm dưới chân núi Yên Tử mà thôi.

Không biết tôi có nói sai gì không nhưng lại thấy phu nhân kín đáo lau nước mắt, tuy vậy nhưng vành mắt đỏ hoe đã nói lên tất cả rồi.

Đại vương và phu nhân nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lẫm, vừa như suy xét, vừa như cưng chiều làm tôi lúng túng không biết phải làm sao.

Tôi cá chắc là lúc nãy Thượng sĩ đã nói gì đó về tôi, nhưng ngài là cao nhân, tôi cũng không thể đoán được là ngài đã nói gì.

Đại vương dường như cũng rất xúc động, ngài hỏi tôi mà chất giọng cũng run run:
- Ta nghe An Hoa nói con đánh người cứu nó, vậy con cũng từng học võ sao?
Tôi cũng không biết trả lời ngài ra sao, bởi nó giống như bản năng vậy, tuỳ tiện lao vào là có thể tung ra quyền cước.

Tôi không nhớ mình là ai hay ở đâu, nhưng tôi nghi có lẽ mình đã từng học qua võ thuật mới có thể luyện ra được thân thể khoẻ mạnh nhường này.

- Thưa, tôi cũng không biết, có thể là do bản năng ạ.

Đại vương và phu nhân nhìn nhau, tôi thấy đầu bà gật nhẹ.

Lát sau, bà quay sang trìu mến nhìn tôi rồi nói:
- Nếu như con không nhớ gì hết, vậy thì làm con nuôi của bọn ta, lấy họ của bọn ta được không?
Trên đầu tôi nổ bùm một tiếng, tôi thậm chí còn ngỡ là mình nghe nhầm.

Nhưng thực tế chứng minh tôi không hề nghe nhầm, bởi vì bà đã bước đến trước mặt tôi, nước mắt rơi lã chã.

Tôi có điểm thắc mắc, cho dù là nhận con nuôi cũng không thể xúc động như vậy được, nhưng đó cũng chỉ là thắc mắc, bởi vì tôi đâu có biết được nguồn cơn.

Trong vô thức tôi cũng thấy hơi đau lòng, cũng cảm giác trong thâm tâm mình khát khao có cha mẹ.

Không biết trước đây cha mẹ mình là ai, nhưng với tình hình đầu óc trống rỗng như thế này, tôi nghĩ lúc mình nhớ lại cũng còn xa lắm.

Ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại đồng ý.

Không phải tôi thấy người sang bắt quàng làm họ, nhưng rượu nhạt uống lắm cũng say, con người ta vốn có lòng trắc ẩn mà.

Dù cho suy ra thì tôi được lợi hơn họ, ha ha.

Đúng như suy đoán, sau khi tôi trở thành con cái trong nhà này thì cuộc sống của tôi trở nên đảo lộn, nếu như là ngày xưa thì ít ra tôi vẫn có một không gian riêng, chứ không phải đến khi chuẩn bị đi ngủ, nhìn lên nóc nhà lại thấy một tên đàn ông đu xà nhà như khỉ đột thế này.

Thay vì hét toán lên như những cô nàng khác thì tôi nhanh chóng nhặt chiếc giày ném anh ta rơi luôn.

Vốn dĩ hôm ấy đòi lý lẽ cho Đỗ An Hoa đã là việc bao đồng nhất tôi từng làm.

Đã vậy còn đòi nhầm người, thật mất mặt muốn chết.

Thế nên tôi dặn lòng phải tránh mặt mấy người bọn hắn, tránh được bao nhiêu hay bấy nhiêu, tuyệt đối không thể để mất mặt càng thêm mất mặt.

Nhưng không tìm phiền phức không có nghĩa là phiền phức không tự tìm tới, nhất là tên đại phiền phức Quốc Uất này.

Anh ta tuy bị tôi ném rơi nhưng tiếp đất vẫn rất vững vàng, không hổ là người tập võ.

Anh ta thấy tôi nhìn mình trân trân thì cười hì hì, tiến tới giường tôi, một tay chống lên thanh gỗ đầu giường, một tay xoa cằm.

Tôi bất giác kéo chăn trùm kín đầu thì nghe tiếng anh ta lẩm bẩm:
- Người thì chỉ vài lạng thịt lại nóng nảy bốc đồng, xuất thân thì mờ ám, chả hiểu sao cha lại nhận làm con nuôi.

Ngày xưa lúc Anh Nguyên được phong làm quận chúa xuất sắc biết nhường nào!
Tôi bực mình kéo chăn xuống tới cổ, càng nhìn anh ta chằm chặp.

- Có câu anh hùng không hỏi xuất thân, tôi mất trí nên xuất thân càng trong sạch hơn ai hết, hơn nữa việc được đại vương nhận làm con nuôi cũng không phải do tôi xin xỏ.

Anh đừng có đến đây ăn nói điêu ngoa.

- Biết đâu trước khi mất trí thì em là con của loạn thần tặc tử bị thanh trừng, nhỡ đâu ít hôm em nhớ lại, thế chả phải nhà tôi tự dưng ôm họa à?
Tôi ngồi bật dậy, ném cái gối về phía anh ta, anh ta cũng rất phối hợp bắt được cái gối, lại nhìn tôi cười.

Nhưng bây giờ tôi thấy nụ cười của anh ta thật chói mắt, hai hàm răng trắng sáng kia, nhưng ánh dao đâm vào ngực tôi vậy.

- Ấy, mới nói mấy câu mà đã nổi nóng rồi, xem ra hôm qua Thượng sĩ ngồi giảng cả ngày chỉ là công cốc.

Mắt tôi đỏ hoe, dù sao tôi cũng chỉ là một cô gái, sao chịu nổi mấy lời nhục mạ đó của anh ta.

Anh ta không đồng ý thì đi tìm đại vương nói khó đi, cớ chi lại đến tìm tôi sinh sự.

Anh ta hình như cũng biết mình đùa hơi quá, vội cầu hoà:
- Tôi mới đùa một chút đã khóc rồi, thế thì sao xứng với danh con gái của đại vương.

Nói thật chứ về xuất thân của em, tôi tin Thượng sĩ không nhìn nhầm, có điều...!
- Có điều gì anh cứ nói! – Tôi giục.

- Không có gì, tóm lại tôi cũng không có ý kiến gì về việc em trở thành em nuôi của tôi, hôm trước sức lực của em cũng có chỗ khiến tôi bội phục, tôi tin sau này em cũng có thể làm nên chuyện lớn.

Tôi biết anh ta có điều gì giấu tôi, nhưng biết sao được, tôi cũng không thể cạy miệng anh ta ra.

Trong bốn vị vương tử thì Quốc Uất có thể nói là kẻ phóng túng nhất, anh ta chưa bao giờ câu nệ lễ tiết dù bản thân chí ít cũng là một vương tử.

Thông thường tôi vẫn hay bắt gặp anh ta trêu hoa ghẹo bướm ngoài đường, nhưng nghe đồn vì cái tật hay nói kháy mà anh ta thường bị quan gia quở phạt.


Đúng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn mà.

Nhưng người như anh ta lại rất ít bạn, ví như Quốc Hiện thì thường lui tới với Bình Trọng do cả hai đam mê cờ.

Thì Kiến với Quốc Tảng thì thuộc dạng gió tầng nào gặp mây tâng đó, hai người bọn họ hễ nói chuyện với nhau thì mấy người bọn tôi chạy còn không kịp chứ đừng nói là bàn luận chung.

Quốc Nghiễn thì xem vợ anh ta là nhất rồi, còn riêng tôi mấy hôm nay cũng kết bạn được với đám con gái trong phủ.

Bởi thế đôi lúc tôi thấy anh ta có chút cô đơn, có lẽ vì vậy mà anh ta trở nên phóng túng không chừng, hoặc ngược lại chính bản tính phóng túng đó làm anh ta trở thành một người không ai dám làm bạn.

Nhưng đó là chuyện của anh ta, tôi cũng không rảnh mà quản tới, dạo này tôi bận tập luyện thêm võ thuật của vương phủ.

Bản thân tôi không rõ mình đã từng học qua võ thuật chưa, nhưng nền tảng thể lực của tôi lại phải nói là quá tốt, thêm nữa, tôi lại có tài học đâu nhớ đấy, khiến đại vương rất vừa lòng, theo như lời đại vương nói thì cả Anh Nguyên cũng chẳng sánh được.

Tôi không lấy làm đắc ý, mỗi người có một sở trường riêng, chị Anh Nguyên thì hay mắc lỗi hấp tấp nên nhiều lúc tính toán sai đường đi nước bước, dễ dàng bị tôi đả bại, nhưng về kinh nghiệm và độ sát thương của các chiêu thức thì tôi nghĩ mình khó lòng sánh lại chị Anh Nguyên.

Tôi nghĩ chắc là bởi vì chị ta tập võ nhiều hơn tôi lắm lắm.

Một nguyên nhân nữa là trong tiềm thức của tôi đã có sẵn những thế võ trước kia tôi đã từng học qua, cộng với những thế võ của vương phủ nên sẽ cảm thấy có chút lợi hại.

Chị ta không biết cách thi triển các thế võ của tôi, mà tôi lại hiểu rõ đường đi nước bước của chị ta, nên chị ta bị đả bại là bình thường.

Trong phủ thì đám con gái ngoài hai chị em bọn tôi được học võ ra, cũng chẳng còn ai nữa.

Đỗ An Hoa không có thể lực để học, chị dâu lại là công chúa nên được cưng chiều, chị ấy cũng thuộc dạng liễu yếu đào tơ.

Trực tiếp dạy bọn tôi học là anh ba Quốc Tảng, có lẽ vì lần đầu gặp nhau có chút lúng túng nên lúc này anh ta đối với tôi khá là lạnh nhạt, chỉ dạy cũng không hề có tâm.

Đáng tiếc làm sao tôi để anh ta đạt được ý nguyện, chỉ trong mười bữa nửa tháng là tôi có thể kề đao lên cổ anh ta rồi.

Lúc đấy anh ta chỉ lạnh lùng bỏ đi, chắc là khó chịu lắm, bởi anh ta là kẻ làm thầy người ta cơ mà.

Nhưng trên đời trò giỏi hơn thầy cũng đâu phải chỉ mình tôi.

Ha ha.

Tôi cảm thấy khả năng anh ta có thể giỏi hơn được nữa, nhưng có lẽ do sống trong môi trường đã nổi trội hơn tất cả rồi nên anh ta tự mãn với bản thân, thành ra hơi lơ đãng.

Tuy vậy tôi vẫn rất khâm phục tài năng của anh ta, tôi rất ít khi nhìn thấy người giỏi như vậy.

Cũng có thể là do mất trí nên tôi không nhớ ra, nhưng tôi cam đoan là vậy, chí ít thì so với những người tôi gặp được sau khi tỉnh lại ở Yên Tử Sơn.

Ngày hôm sau đại vương lại có chuyến đi huyện Đường Hào, nên mọi sự trong việc giảng dạy cho tôi đều đổ lên đầu Trần Quốc Tảng.

Dạy cho một học trò giỏi như tôi mà có vẻ như anh ta không được vui cho lắm, cảm giác hễ đi ra đi vào trên đầu đều có một tầng mây đen.

Tôi ước giá như chị An Hoa được học võ chắc chị ta vui sướng lắm, chứ đâu có khổ như tôi.

Giữa trời nắng to mà anh ta bắt tôi chạy bộ là tôi thấy không vui rồi.

Chị An Hoa bôi thuốc chống ăn nắng cho tôi, cau mày nói:
- Từ trước đến nay anh ba luôn là người nhã nhặn lịch thiệp, em đã chọc gì anh ấy thế?
Chả lẽ tôi lại nói cho chị ta rằng chồng chưa cưới của chị ta là một kẻ đố kị người tài?
- Làm sao em biết, hay là chị đi hỏi anh ấy giúp em nhé, sẵn tiện nói tốt vài câu về em, dù sao chị cũng là vợ sắp cưới của anh ấy! – Tôi trêu.

Đỗ An Hoa bỗng chốc đỏ mặt, nhưng lại buồn bã đáp:
- Hay là thôi đi, chị có là gì của anh ấy đâu, gặp chị càng khiến anh ấy khó chịu.

Tôi không trách Đỗ An Hoa tự ti, bởi vì thật sự là như vậy.

Mỗi lần gặp mặt Đỗ An Hoa giống như anh ta bị tổn thọ mười năm.

Mặc dù chính tôi còn thấy chị An Hoa xinh đẹp dịu dàng, tôi là phụ nữ mà tôi còn mê huống hồ anh ta là một người đàn ông, nhưng không, anh ta vẫn dùng sự lạnh lùng để đối đãi.

Anh ta tẻ nhạt vô vị như vậy đó, trên đời này cơ hồ không có người phụ nữ nào khiến anh ta lưu tâm ngoại trừ mẹ và em gái anh ta.

Tôi bị hành lên bờ xuống ruộng suốt một tuần, đến mức cơ thể sinh ra phản xạ tự nhiên.

Trừ giờ tập võ, thời gian khác chỉ cần nhác thấy bóng dáng anh ta từ đằng xa là tôi đã ba chân bốn cẳng chuồn lẹ rồi, đôi lúc chỉ cần tà áo anh ta phớt ngang là trong đầu tôi tự động nhảy số.

Đến mức có lần Quốc Uất hỏi tôi nguyên nhân, nhưng anh ta chỉ nhìn sơ qua vẻ tiều tuỵ của tôi là đã tự có câu trả lời.

Chị Anh Nguyên đi xin anh ta, tôi không cho, chị ta không biết tôi là người cố chấp cỡ nào.

Nhờ vậy đến hôm nay, tôi đã có thể vừa chạy xung quanh anh ta giữa trưa mà vẫn cười chọc tức anh ta được.

Hình như từ dạo đó anh ta càng trầm mặc hơn.

Cái này chắc tôi phải cảm ơn anh ta, thầy nghiêm thì trò giỏi mà.

Đến ngày thứ tám thì tin này vừa hay đến tai của mẹ nuôi tôi, bà cho gọi anh ta đến rầy la một trận, tôi ngồi bên cạnh mà mát lòng mát dạ vô cùng, càng ra sức lấy lòng bà khiến bà cười tít cả mắt.

Anh Nguyên giả vờ ghen tị bảo:
- Bây giờ mẹ có em Tĩnh rồi nên quên Anh Nguyên chứ gì?
Mẹ nuôi liền cười an ủi chị:
- Cả hai ta đều xem như con gái ruột, chị Trinh con thì ở nơi xa, đám con trai kia lại chẳng được cái tích sự gì, ta vẫn thương hai con nhất.

Con gái thì thân với mẹ, ta còn mong cả hai con đừng bao giờ lấy chồng như Trinh nhi, đều ở lại bầu bạn tuổi già với ta.

- Mẹ vẫn còn trẻ lắm ạ! – Tôi nịnh nọt, lại nói – Mẹ kêu đừng lấy chồng chắc chị Anh Nguyên không chịu đâu!
Anh Nguyên chỉ vào trán tôi:
- Có em mới không chịu ý, chỉ giỏi nịnh.

Không biết có phải tôi hơi mẫn cảm không, nhưng cùng là con nuôi nhưng ánh mắt của mẹ dành cho hai chị em bọn tôi rất khác.

Giá như mẹ yêu chiều chị Anh Nguyên hơn thì tôi còn hiểu được, bởi vì chị đã ở với mẹ rất lâu rồi, đằng này tôi lại nhìn ra mẹ nhìn Anh Nguyên chỉ đơn thuần là yêu thương, nhưng với tôi lại kèm cả chút gì đó xót xa, dằn vặt.

Thỉnh thoảng tôi ngước lên thì thấy mẹ nhìn mình tha thiết.

Hình như Quốc Tảng cũng cảm nhận được nên suốt buổi anh ta chỉ yên lặng uống trà nhìn mẹ con tôi cười nói với nhau, thi thoảng quét mắt qua tôi.

Tôi làm mặt quỷ với anh ta rồi quay sang hướng khác.

Từ nay tôi có chống lưng rồi đấy nhé, anh đừng hòng mà bắt nạt tôi.

***
Thành Vạn Kiếp buổi sáng tấp nập kẻ mua người bán, ngựa chen không lọt, có mấy cỗ xe ngựa nhà quyền quý cứ liên tục hét lên tránh đường, mà dòng người đông như mắc cửi khiến ngựa của bọn họ đi không được mà lùi cũng không xong.

Tôi đứng ở cửa phủ liên tục chậc lưỡi, không đi thì hơn không đi thì hơn.

Chị Anh Nguyên ở phía sau tôi liên tục hối thúc:
- Sao em cứ đứng yên mãi thế, có còn sớm nữa đâu?
Tôi dùng ánh mắt bảo chị ta cứ nhìn đi sẽ biết.

Anh Nguyên nhìn tới, cũng tỏ ra ái ngại..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui