Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Dân chúng quanh vùng Trường Bạch không ai không biết và nhớ ơn Trường Cung danh y, nhưng chẳng một ai trong số họ biết được về lai lịch của vị thần y này. Vào một buổi chiều cuối năm, cách nay đã trên ba mươi năm, một cặp vợ chồng trẻ đã đến vùng này, vốn còn hoang vắng. Người chồng dáng tầm thước, mắt phượng, mũi rồng, địa các nở, thiên đình cao, ánh mắt có lúc lấp lánh tinh quang, có lúc u buồn trầm mặc, nhưng nhân hậu với tia nhìn ấm áp. Người vợ là một thiếu phụ tuyệt sắc, dáng vẻ cao quý khác hẳn người chồng mộc mạc, bình dị.

Hai vợ chồng đốn gỗ làm nhà, phá rừng làm rẫy. Nhưng nếu có ai chú ý quan sát, hẳn sẽ rất ngạc nhiên, vì không hiểu làm thế nào mà với hai bàn tay trắng cặp vợ chông này lại có thể chuyển từ trên triền Trường Bạch sơn đem về những loại danh mộc thân cao lớn. Chỉ không đầy hai tháng, một đống gỗ lớn đã được đưa về dưới chân núi, nơi hai người lựa chọn dựng nhà.

Bấy giờ, người chồng mới đi tìm kiếm quanh vùng những người thợ nổi danh, nghề rèn, nghề mộc, nghề xây cất, nghề nung gạch, làm vôi dựng thành cơ ngơi này; sau đó, người chồng đi tìm những gia đình nghèo khó, rủ họ đến nơi đây lập nghiệp. Ông giúp đo họ lúc ban đầu, dần dần dân quanh vùng hoặc từ những nơi xa xôi kéo đến, lập thành một sơn thôn sầm uất và đông đúc. Đất rừng bạt ngàn, lại màu mỡ, chỉ năm, bảy năm sau, những ngôi nhà tranh vách đất đã được thay bằng những nếp nhà khang trang, tường hoa, sân gạch. Dân chúng trở nên giàu có bởi những sản phẩm bất tận của rùng, của núi. Mọi người đều nhớ ơn Trường Cung trang chủ. Thật sự đây không phải là một gia trang, nhưng vì yêu mến cặp vợ chồng này nên họ đã tôn xưng như thế.

Người chồng vốn giỏi nghề thuốc, nên dân chúng được người chữa trị. Từ những con bệnh bình thường, đến những căn bệnh trầm trọng, cả những bệnh nan y chàng đều chữa khỏi mà không bao giờ nhận tiền bạc của bất cứ ai. Tính tình chàng hòa nhã, khoan thứ, và người vợ, tuy có dáng vóc kiêu sa, nhưng dịu dàng độ lượng.

Chẳng bao lâu danh tiếng Thần y của chàng đã vang dội khắp nơi, lan rộng đến tận những vùng xa xôi hẻo lánh nhất. Chàng thu nhận tất cả những người cô, quả, giúp đỡ, gầy dựng cơ nghiệp buổi ban đầu cho họ; nuôi nấng những trẻ mồ côi, những người già đơn chiếc tìm đến nương nhờ. Cửa viên môn mở rộng, vì thế khu gia trang đã bao lần phải nới thêm ra mãi. Thấm thoát, những nỗi khó khăn cũng lần lượt nhường lại cho sự thuận lợi.

Trường Cung phu nhân sinh được một trai, một gái, đặt tên là Trường Cung Hoa và Trường Cung Thể Dung.

Mười bốn năm sau đó, kể từ ngày đầu tiên đến nơi này, Trường Cung phu nhân qua đời. Trường Cung chủ nhân đóng cửa suốt ba tháng không bước ra ngoài. Không một ai biết lăng mộ phu nhân được an táng ở đâu. Chỉ biết rằng, từ ngày ấy không một người nào, bất cứ là ai được lai vãng bên thác nước sau nhà. Và sau ngày người vợ hiền tạ thế, Thần y cũng trở thành một cái xác biết đi đứng, nói năng...

Cung Hoa và Thể Dung lớn lên trong bàn tay chăm sóc của cha. Ông đón thầy về dạy chữ cho các con. Thể Dung càng lớn càng giống phu nhân cả về dung nhan và tính hạnh. Trường Cung lang y sống trong hạnh phúc còn lại ấy suốt hai mươi năm. Bây giờ các con ông đã lớn, chúng phải có gia thất và hạnh phúc riêng của chúng. Trong sơn trang này, làm sao các con ông tìm kiếm được người bạn dời của mình. Ông không bạn bè, không thân thích, chỉ có những bệnh nhân. Suốt ba mươi năm ông chỉ có những bệnh nhân cầu cứu ông. Ông sống hiu quạnh và lẻ loi; từ sáng sớm, lúc chiều tà, đích thân Thần y chăm sóc khu vườn y dược và các con ông đã lớn lên trong sự hồn nhiên ấy.

Buổi sáng hôm đó, khi Trường Cung Hoa và Thể Dung đi câu ngoài suối, bọn gia nhân làm ngoài nương rẩy; ở nhà chỉ có đám người già và bọn trẻ thơ nô đùa trước sân. Trường Cung chủ nhân đang cắm cúi săn sóc khu vườn thuốc, một gia nhân vào báo cho ông biết có bốn người khách xin được ông tiếp kiến.

- Hãy đưa họ vào nghỉ ở chẩn phòng một lát cho kinh mạch điều hòa, ta tưới xong luống thuốc này, sẽ vào xem bệnh cho họ!

Người gia nhân đáp :

- Thưa chủ nhân, bốn người này đến thăm chủ nhân chứ họ không phải là bệnh nhân!

Trường Cung thần y cau mày. Suốt trên ba mươi năm nay, ông không có bạn bè. Nơi sơn thôn hẻo lánh này chỉ có những bệnh nhân tìm đến. Ông hỏi :

- Họ có nói họ là ai không?

- Thưa, đó là một nhà sư và ba vị lão nhân. Họ chỉ xin được diện kiến chủ nhân chứ không chịu tiết lộ danh tánh!

- Thôi được, ngươi về trước đi, nhớ dâng trà nước, nói với họ ta sẽ về ngay!

Trường Cung thần y bước vào khách phòng, nhà sư già và ba lão nhân cùng đứng dậy, vòng tay cúi chào chủ nhân hết sức cung kính. Ông vội vàng đáp lễ và nhận ra vị đại sư có thân hình cao lớn, ba người còn lại, hai người kia tuổi đã trên bảy mươi, một người trẻ hơn, cụt mất cánh tay trái.

Cả bốn người đều nhìn ông đăm đăm, nhất là ánh mắt của vị đại sư như một nụ cười.

- Xin mời Đại sư và tam vị an tọa!

Cả năm người phân chủ khách cùng ngồi trên những đôn sứ, Thần y hỏi :

- Chẳng hay hôm nay các vị ghé thăm tệ gia có điều chi dạy bảo?

Vị đại sư lên tiếng :

- Bần tăng và tam vị bằng nữa đây là người của võ lâm, hôm nay sở dĩ bái kiến Thần y là muốn được thỉnh ý về một việc cơ mật của võ lâm năm xưa!

- Lão hủ này chỉ là một thầy lang vườn trong xó núi, làm sao biết được những chuyện của võ lâm thiên hạ!

Kiến Nghiệp đại sư, đúng vậy, đó chính là Kiến Nghiệp đại sư, nguyên là Quang Minh hữu sứ Phạm Dao. Ba người còn lại, người cụt cánh tay trái la Chưởng kỳ sứ Liệt Hỏa kỳ Nhan Bổn, Nhuệ Kim kỳ Ngô Quán Trung, và người còn lại, một trong Ngũ đại tảng nhân của Minh giáo Lãnh Thiềm. Tám ánh mắt của bốn nhân vật Minh giáo kín đáo quan sát người đối diện.


Trường Cung chủ nhân ở khoảng tuổi sáu mươi, râu năm chòm dài đen mướt, tóc đã bắt đầu bạc, dung mạo khôi vĩ, tia nhìn đầm thấm nhân hậu. Cả bốn người đều không nhận được nét quen biết nào trên khuôn mặt hiền hậu ấy.

Hơn ba mươi năm trôi qua, bao nhiêu dòng sông đã biến thành nương bãi. Kìa non núi lỡ, nọ sông cát bồi. Bao nhiêu tang thương biến cải, làm sao tìm thấy được những nét thân thuộc trên gương mặt của một người cố ý lẫn tránh và che giấu? Vị Thần y đang ngồi trước mặt Đại sư, với nét mặt thản nhiên kia, có phải là vị Giáo chủ năm xưa của họ? Thời gian xóa hết mọi nét thân quen cũ, và ánh mắt uy nghiêm ngày nào, chỉ thấy tỏa ra tia nhìn nhân hậu với nỗi buồn ẩn chứa lặng lờ. Không hề bắt gặp ánh tinh quang loang loáng ngày nào của một bậc thiên hạ đệ nhất cao thủ.

Cả bốn người đều phân vân, đều tự hỏi họ có lầm lẫn, có vội vả quá chăng! Chỉ riêng một mình Nhan Bổn, tuy cũng biết không có gì để chứng minh, để xác quyết, nhưng sao lão họ Nhan vẫn chắc chắn người đang ngồi trước lão chính là vị Giáo chủ trẻ tuổi khả kính năm xưa. Chính vì ông, và chỉ duy nhất vì ông mà lão đã rời bỏ những năm sống yên tĩnh, tách biệt giang hồ, để vạn dặm đến nơi này. Lão làm sao quên được cái cảm giác tin yêu, ngày lão gặp vị Giáo chủ bình dị, lần đầu tiên cách đây trên ba chục năm; cảm giác ấy lại trở về với lão lúc này, khi ngồi trước vị Thần y họ Trường Cung.

Trường Cung, phải đúng thế, trong óc lão một tia sáng lóe lên: chữ Trường và chữ Cung ghép lại chồng chữ Trương là gì! Và bỗng dưng trong lòng lão, một nỗi buồn thương và phiền muộn dâng đầy. Năm người cùng yên lặng. Kiến Nghiệp đại sư không biết phải làm cách nào để vị Thần y này lộ diện. Với một người khác, ông có thể dùng nhiều cách để làm sáng tỏ, chẳng hạn như về võ công. Nhưng nếu quả thật vị lang y này chính là Trương giáo chủ, thì võ công của ông đã đến chỗ như nhiên, cực động đã biến thành cực tĩnh, “có” biến thành “không”, thăm thẳm khôn cùng, dò tìm sao được!

Bất chợt, trong cái im lặng của tâm tư, ông nghe rõ ba hơi thở, dài ngắn khác nhau. Bốn người đang ngồi quanh ông, sao chỉ có ba hơi thở? Nhưng rồi rất lâu, ông cũng phát hiện ra hơi thở thứ tư, hơi thở trầm, dài, mong manh như mây bay, lúc có, lúc không.

Hơi thở của Nhan Bổn, đang lúc xúc động, thì rộn ràng. Hơi thở của Lãnh Thiềm thì dài và sâu, hơi thở của Quán Trung ngắn hơn đôi chút so với Lãnh Thiềm, chứng tỏ công phu nội lực, định khí ngưng thần của Lãnh Thiềm cao hơn Quán Trung một bậc. Vị Thần y kia là ai mà lại có hơi thở bằn bặt như vậy, nếu không phải là nhân vật tuyệt đại của thiên hạ: Giáo chủ Minh giáo, Trương Vô Kỵ.

Phàm người luyện võ, lúc khởi đầu là võ nghệ, tiến cao hơn một bậc là võ thuật, lên cao nữa là “pháp” như kiếm pháp, quyền pháp, đến độ cao hơn nữa, là “đạo”, mà Đạo thì mênh mông, “đạo khả đạo phi thường đạo”, không biết đâu mà lường được. Người luyện đến mức này, có thể bế khí như những đạo sĩ của Thiên Trúc, chôn dưới đất bốn mươi chín ngày mà vẫn sống, nhưng những đạo sĩ ấy, muốn hồi tỉnh, phải có người thứ hai trợ giúp, bởi vì không thể tự mình khai mở huyệt đạo.

Sự sống tiềm ẩn trong thân thể lạnh giá, tim ngừng đập, máu ngừng luân lưu, nhưng cơ thể không bị phân hóa, rữa nát; và tuổi thọ của họ không biết đâu là giới hạn, dĩ nhiên chỉ đến mức nào thôi, chứ chẳng một ai vượt ra ngoài lẽ Sinh Hóa được. Như Đằng Gia Đà Lý, Đạo trưởng sống từ cuối đời Chiến Quốc, từ lúc nhà Tần thống nhất Trung thổ, cho đến mãi đầu triều đại Tây Tấn mới hóa. Đạo lực của Trường Cung thần y đã bước gần đến cõi như nhiên. Trong võ lâm Trung thổ, bao nhiêu đời, chưa một ai đạt tới kể từ ngày Đạt Ma tổ sư viên tịch.

Đối với cái vô cùng, năm trăm năm của cuộc đời Đằng Gia Đà Lý cũng là không. Mà không cũng là không, và Sát na, một khoảng thời gian tích tắc ấy, lại từ đó mà có. Vậy thì không ai khác hơn, vị Thần y này chính là Trương giáo chủ của Minh giáo.

Lòng đã chán cảnh đời điên đảo, đã lánh xa cõi thị phi, quên cái danh lợi phù phiếm, làm thế nào bắt ông trở về cõi hồng trần? Kiến Nghiệp đại sư không biết làm cách nào làm cho Trường Cung thần y động tâm trước những điều Đại sư sẽ bày tỏ, mà nhận lại danh phận mình..

Bỗng nhiên Nhan Bổn đứng dậy, tiến đến trước mặt Thần y mắt nhòa sương lệ, phấn khích nói :

- Giáo chủ! Chẳng nhẽ Giáo chủ không muốn nhìn nhận người thuộc hạ này nữa hay sao? Cánh tay thuộc hạ đã mất trong cái ngày lục phái tiêu diệt Minh giáo năm xưa. Cánh tay cụt ấy còn đây, và hình ảnh Giáo chủ, vì Minh giáo mà quên cả mạng sống của mình còn đó. Thuộc hạ đã lui về với ruộng vườn, làm bạn với cày, cuốc, cào, bừa đến nay đã trên ba muôi nám. Từ ngày Giáo chủ bỏ đi, Minh giáo tan vỡ, thuộc hạ muốn quên đi tất cả, và đã tìm được nguồn an vui trong lúc tuổi già. Vậy mà lúc nghe tin Giáo chủ còn sống, thuộc hạ đã bỏ hết, từ biên cảnh phương Nam vạn dặm tìm về đây, lẽ nào Giáo chủ chẳng cho thuộc hạ bái kiến, chẳng liếc nhìn tấm lòng của thuộc hạ! Hay Giáo chủ coi thuộc hạ cũng là phường trâu, chó, là bọn gian tà thay lòng đổi dạ?

Thoắt giọng ngậm ngùi, Nhan Bổn tiếp :

- Thôi thì hôm nay đây, thuộc hạ xin trả lại cho Giáo chủ cái mạng sống thừa này...!

Nói xong, ông giơ bàn tay còn lại, vận “Toái Bia chưởng” vỗ mạnh vào Hoa Cái. Bàn tay Trường Cung thần y khẽ giơ lên như can gián. Hữu chưởng của Nhan Bổn còn cách đỉnh đầu chưa đầy gang, bỗng như gặp phải một luồng nội gia chân lực hết sức ôn nhu hóa giải ngay tức khắc luồng chân lực cương mãnh của mình, toàn bộ cánh tay ông mềm nhủn không còn chút hơi sức.

Không còn phải suy nghĩ gì nữa, Nhan Bổn quỳ mọp dưới chân vị Thần y, ôm lấy bàn chân của người mà ông tin chắc đó là vị Giáo chủ của mình :

- Thuộc hạ tham kiến Giáo chủ!

Ba người còn lại, Hữu sứ, Tảng nhân, Chưởng kỳ sứ, đều nhất loạt đứng lên khỏi ghế, toan quỳ xuống làm lễ tương kiến, nhưng cả ba đều gặp luồng kình lực ngăn lại như Nhan Bổn. Hữu sứ Phạm Dao cố tình vận sức dùng kình lực chống lại nhưng luồng kình khí cực kỳ ôn nhu kia hóa giải.

- Xin các hiền hữu đừng đa lễ như vậy, xin hãy lấy tình bạn hiền mà đối với nhau!

Ông quay lại Nhan Bổn, nói :

- Nhan hiền huynh bấy lâu không luyện tập võ công nữa sao?

- Khai bẩm Giáo chủ, thuộc hạ chán nản hết chuyện đời!

Trường Cung thần y giọng từ tốn :

- Xin các hiền huynh xưng hô với Vô Kỵ này như anh em bằng hữu. Quá khứ ta chẳng nên nhắc đến nữa, hãy gọi tại hạ bằng cái tên tục của lão lang vườn này!

Kiến Nghiệp đại sư cung kính đáp :


- Xin vâng lời dạy của Trường Cung bằng hữu!

Thần y mỉm cười :

- Đa tạ Đại sư, trên ba mươi năm nay lão không còn nhớ đến cái tên Vô Kỵ nữa rồi. Tất cả chẳng còn nhớ được gì.

Và suốt ngày hôm ấy, Thần y im lặng, thản nhiên lắng nghe Kiến Nghiệp đại sư thuật lại những biến động của võ lâm suốt trên ba mươi năm, và sự tàn bạo của Dương Tiêu áp đặt trên đầu trăm họ. Thần y im lặng không nói gì, cũng không hỏi lại một câu, giống như một kẻ ngoại cuộc.

Ngô Quán Trung nhìn Thần y, nói :

- Trương tôn giá, tôn giá bỏ ngoài tai mọi điều không lý đến, nhưng những việc như đốt cháy và tiêu diệt sinh mạng cả một đoàn thuyền, chẳng nhẽ không làm tôn giá nhíu mày sao?

Thần y cất giọng, chậm rãi :

- Tại hạ đã hiểu được cảnh đời, biết được lòng người, đâu còn ngạc nhiên gì những việc như thế nữa. Đau đớn, xót hương cũng khôn cùng, mà bạo lực thì tất sinh bạo lực, biết tìm sao được?

Lãnh Thiềm thở dài :

- Lũ chúng ta là kẻ cầm kiếm, vì dân mà trừ bạo, cứu khổn, phò nguy; chẳng lẽ thấy việc bạo tàn mà ngoảnh mặt? Tôn giá nghĩ thế nào?

Thần y im lặng cúi đầu. Kiến Nghiệp đại sư nói :

- Nay thí chủ là người lòng như Nhật Nguyệt, đức độ như Thái sơn, võ học như Bắc Đẩu; chẳng nhẽ vì chán ngán lòng người mà chẳng xót thương lê dân rên xiết. Lòng há bình yên được sao?

- Ôi thôi, ta những tưởng quy ẩn nơi chốn thanh sơn, gạt bỏ ngoài tai trăm nỗi bất hình, lạc đạo an bần, mà cũng chẳng giữ được lòng thanh tịnh nữa. Nhưng chúng ta là những cây cột lẻ loi chống làm sao được cơn bảo táp, mà dẫu gây lên nạn binh đao, cũng chỉ làm cho tang thương chồng chất!

Ngô Quán Trung giọng buồn bã :

- Trăm nỗi đau thương chẳng phải từ không mà có, sự bạo tàn chẳng thể không có gốc mà sinh, diệt được căn thì yên mọi lẽ!

Kiến Nghiệp đại sư, giọng thuyết phục :

- Ngày xưa Minh giáo cùng Cái bang đồng loạt nổi dậy chống bọn dị tộc chẳng phải mưu toan dòm ngó ngai vàng. Mỗi người mỗi tâm ý. Dương Tiêu, hoặc Chu Nguyên Chương, hoặc Tứ Đạt, Thường Ngộ Xuân, ai tức vị, ai ngồi trên ngai vàng, đối với chúng ta, chẳng quan tâm đến; miễn là kẻ cầm quyền biết mưu cầu hạnh phúc cho trăm họ là điều chúng ta mong đợi.

Khi xưa Quách đại hiệp dùng khối huyền thiết mà đúc hành một kiếm, một đao; trong đao giấu Vũ Mục di thư, trong kiếm tàng Cửu Âm chân kinh và truyền lại bài thơ mập mờ, khiến giang hồ một phen tanh máu. Đến khi Giáo chủ lấy được Đồ Long đao và giao Vũ Mục di thư của Nhạc Vũ Mục cho Từ Đạt, Từ Đạt đã đuổi được bọn dị tộc ra khỏi Trường thành và Chu Nguyên Chương tức vị ngôi đế; Giáo chủ vì không muốn nội bộ sinh lục đục, đã vì nghĩa lớn mà bỏ đi. Những tưởng nhà Đại Minh mang lại hạnh phúc cho bách tính lê dân, nào dè, Chu Nguyên Chương lòng dạ nhỏ nhen, giết hại công thần như bọn Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân, Giám Ngọc, Hữu Đức, Phùng Thắng là những người dày công hãn mã, lần lượt chết vì tay y.

Dương Tiêu mưu trí khôn lường, nắm lấy quyền sinh sát, từ đời Thái Tổ đến đời Thành Tổ, trải dài mấy chục năm, ra tay cai trị hết sức khắc nghiệt, gây nên bao cuộc binh đao, sinh linh đồ thán. Ngoài ra y còn tổ chức “Thất Sát đoàn”, gây biết bao tội lỗi trong trăm họ; ngay cả đến các môn phái, bang hội võ lâm, y cũng ra tay hạ độc thủ. Thất Sát đoàn làm trăm vạn điều gian ác, vô luân làm cho Minh giáo thêm một lần nữa trở thành “Hắc ám đại biểu ác thần”, vì thế cho nên “Ỷ Thiên” chẳng thể nào không tái xuất cho được!

Lãnh Thiềm tiếp :

- Sở dĩ Dương Tiêu lộng hành, vì y biết trong thiên hạ không còn ai là địch thủ của y nữa ngoài Giáo chủ ra, mà Giáo chủ thì trên ba mươi năm tuyệt tích, còn mất chẳng hay. Cánh tay y vươn dài tới cả đến Tứ di, Bát hoang, đến cả Nam Việt, lộng hành không kể xiết!

Ngô Quán Trung nói thêm :

- Chúng ta, không thể gây thành một cuộc binh biến, vì không nên để trăm họ tương tàn, chúng ta cũng không đủ lực để đối đầu với thiên binh vạn mã của Triều đình, chúng ta chỉ còn cách duy nhất để tiêu diệt y mà không thành họa binh đao, đó là: gọi đích danh y mà thách thức!


Nhan Bổn từ nãy giờ ngồi im, lên tiếng hỏi :

- Nhưng nếu y biết có Giáo chủ xuất hiện, y kéo binh mã đến bao vây Đại hội thì sao?

Kiến Nghiệp đại sư nói :

- Dĩ nhiên y chẳng thể đến một mình, nhất định y mang theo binh triều và bọn thuộc hạ Thất Sát đoàn, nhưng chẳng thể vì việc riêng mà y điều động đại binh được, cùng lắm chỉ dăm ba ngàn là nhiều. Chúng ta có cách đối phó!

Quán Trung nói :

- Trong Ngũ Hành kỳ, chỉ còn có Liệt Hỏa kỳ Nhan Bổn và tại hạ, Cự Mộc kỳ. Hậu Thổ kỳ Lâm Kỳ Sơn đã về phe Dương Tiêu; hai vị Cự Mộc kỳ, Hồng Thủy kỳ không còn không còn tại thế, bây giờ làm thế nào?

Đại sư tiếp :

- Trong số Ngũ tảng nhân, chỉ còn một mình Lãnh Thiềm, Bành Oánh Ngọc, Châu Điên, Nói Không Được đã lần lượt qua đời. Hân Dã Vương thì trở về tái lập lại Bạch Mi giáo, nay tuổi cũng đã cao. Tứ đại hộ pháp vương trong ba chục năm nay thì Tía Sam Long Vương, Bạch Mi ưng Vương đã qua đời, Kim Mao Sư Vương trở thành đệ tử của Phật gia, Thanh Dực Bức Vương tuyệt tích giang hồ kể từ trận đánh ở Sơn Đông. Thực lực của Minh giáo chẳng còn lại gì! Bần tăng, mấy năm nay, đi lại giang hồ, gom góp giáo chúng cũ, quảng bá, thu nạp thêm giáo chúng mới, lựa người, đưa vào nắm giữ những vai trò then chốt, giữ gìn giềng mối của Minh giáo, đến nay đã trên mười năm. Thành quả tuy nhỏ, nhưng phẩm chất rất đáng kể, do đó có thể hy vọng trỏ thành nền tảng cho mai hậu. Bần tăng cũng gài được người vào Thất Sát đoàn để dò la tin tức, để kịp thời ngăn chặn những hành vi bạo tàn, đồng thời nắm vững được guồng máy tổ chức, địa điểm, từng nhân vật then chốt trong tổ chức ấy.

Thần y trầm ngâm suy nghĩ, cuối cùng ông nói :

- Tôn chỉ của Minh giáo là Thiện, Ác phân định, lấy cái quang minh để khu trừ điều hắc ám, lấy yêu thương xóa bỏ hận thù; nhưng trong sự tương tranh, tức thời đã ẩn chứa trong cái thiện, có cái ác. Đại sư nghĩ lại xem, như Nghĩa phụ của tại hạ năm xưa, vì quá yêu thương nên lòng thù hận, vì quá căm giận cái ác, nên biến thành cực ác. Thế mới biết, điều gì thái quá tất sinh điều ngược lại. Yêu thương quá thành hờn ghen. Thiện, ác cách nhau như sợi tóc. Nay, giả như tại hạ, vì giang hồ thiên hạ, múa Ỷ Thiên vào chốn bụi trần, ai hiểu được lòng ta, hay cũng chỉ cho rằng cùng họ Dương tranh giành này nọ, Minh giáo tương tranh, thật là khó nghĩ!

Kiến Nghiệp đại sư nói :

- Cũng bởi vì lẽ ấy nên bần tăng mới lập Đại hội Kình Dương, vì chính khí của võ lâm mà quét sạch cửa ngõ. Đó chính là quang minh vậy!

Lãnh Thiềm e dè hỏi Thần y :

- Hai mãnh kiếm gãy Ỷ Thiên, Giáo chủ còn giữ được chăng?

Thần y mặt thoáng buồn, bao nhiêu hình ảnh thuở thiết thời tràn ngập lòng ông: những khuôn mặt thân yêu, những cảnh đời điên đảo, những lòng dạ vô thường; đến nay kẻ còn, người mất, như một đám phù vân. Thở dài, ông nói :

- Ta vẫn còn giữ được!

Nhan Bổn thưa :

- Xin Giáo chủ cho chúng thuộc hạ được bái kiến thánh mộ của Quận chúa phu nhân!

Nét buồn vẫn chưa tan trên khuôn mặt của ông, giờ bỗng như đậm thêm từng nét nhăn :

- Cảm tạ tấm lòng của quí liệt vị đã nhớ đến tiện nội, chỉ hiềm một nỗi, tại hạ đã an táng một nơi sâu kín trong lòng Trường Bạch sơn, có đến cũng chẳng nhìn thấy gì, tấm lòng của các vị ta xin cảm nhận cũng đã đủ!

Ngô Quán Trung biết Trương giáo chủ không muốn gợi lại những buồn đau cũ, nên hỏi lãng :

- Thuộc hạ được nghe Lãnh tảng nhân nói Giáo chủ sinh hạ một công tử và một tiểu thư, xin cho được gặp mặt?

- Làm sao Lãnh huynh biết được?

Lãnh Thiềm cười nói :

- Chẳng giấu gì Giáo chủ, cũng vì tiểu thư rất giống Quận chúa năm xưa, nên thuộc hạ mới dò la được manh mối của Giáo chủ!

Vừa lúc ấy, Trường Cung Hoa và Thể Dung đi câu trở về, thấy cha có khách, cả hai rất ngạc nhiên, vì suốt từ thuở lớn khôn, chưa bao giờ thấy cha mình có khách thăm viếng mà chỉ là những bệnh nhân, nên Thể Dung, tay xách xâu cá, đang ríu rít bên Cung Hoa bỗng im bặt, cả hai toan thối lui.

- Các con vào đây ta bảo!

Nghe tiếng cha gọi, cả hai e dè bước vào khách sảnh, cúi đầu chào khách. Bốn người đứng dậy đáp lễ.

Thần y nói :


- Đây là những người thân thiết cũ của ta, các con hãy lạy mừng các bậc tiền bối đi!

Cung Hoa và Thể Dung bước lại gần toan hành đại lễ, Kiến Nghiệp đại sư nhỏ nhẹ nói :

- Các cháu đừng khách sáo vậy. Bọn ta với thân phụ các cháu tình thân hơn ruột thịt, xa cách đã trên ba mươi năm, nay mới được gặp lại. Ta họ Phạm, vị này họ Lãnh, họ Ngô và họ Nhan!

Cung Hoa và Thể Dung cúi đầu vái chào từng người rất cung kính. Thần y nói:

- Thằng lớn này là Cung Hoa, con bé đó là Thế Dung!

Nhan Bổn gật gù nói :

- Quả nhiên Thể Dung tiểu thư giống Quận chúa năm xưa như tạc, chẳng ngạc nhiên khi gặp mặt, vì vậy mà Lãnh tảng nhân nhờ đó truy ra được tung tích của Giáo chủ!

Lãnh Thiềm cười nói :

- Cô bé kia, có nhớ kẻ ăn xin năm trước mà cháu đã cho hai con cá lớn nhất đó không?

Thể Dung nhìn đăm đăm Lãnh Thiềm, một lát reo lên :

- Cháu nhớ ra rồi, cháu nhớ rồi. Bác cứ đòi hai con cá lớn nhất của cháu, đúng là ăn mày đòi xôi gấc. Cháu đã toan không cho, nhưng thấy mặt bác đói nhăn như bị, nên động lòng trắc ẩn!

Thần y quát :

- Thể Dung! Không được ăn nói hỗn láo như thế!

Lãnh Thiềm cười ha hả, nói:

- Đừng ngại, đừng ngại, bác cháu mình còn có dịp đi câu khác bác trả lại cho cháu bốn con!

Thể Dung bị cha la mắng, xịu mặt nói :

- Cháu chẳng cần bốn con cá của bác, đến bốn ngàn con cũng không bằng hai con cá kia của cháu. Bác đã ăn mất rồi, lấy đâu mà trả được!

Cung Hoa mắng em :

- Thể Dung, không được nói năng như thế!

Trong đầu óc Cung Hoa, bốn chữ “Quận chúa, Giáo chủ” làm cho chàng băn khoăn. Mẹ chàng là Quận chúa? Cha chàng là Giáo chủ? Sao lại là Quận chúa, Giáo chủ? Từ năm lên năm tuổi, mẹ chàng đã qua đời, chàng chỉ còn một hình ảnh rất mờ nhạt về người mẹ yêu dấu của chàng. Chàng và Thể Dung đã lớn lên trong vòng tay dấu ái của cha. Khi vừa bảy tuổi, cha chàng bắt chàng quỳ lạy trước bàn thờ mẹ, hứa không được dùng võ nghệ bừa bãi, và không được tỏ cho người khác biết là mình có võ công, cha chàng bắt đầu truyền dạy cho chàng. Đến khi khôn lớn, Cung Hoa lòng vô cùng thắc mắc về thân phụ.

Với một thân võ học siêu đẳng như vậy, cớ sao cha chàng lại tìm nơi hẻo lánh này ẩn thân, ngoài ra, có một tài năng tuyệt vời về y học, mà ông cam phận làm một lão sơn nhân, sống cuộc sống bình dị và gần như mai một? Điều thắc mắc ấy cứ bám lấy chàng, nhưng Cung Hoa không dám tìm hiểu, vâng lời cha, không dám để lộ cả bản lãnh võ công ra với bất cứ ai, kể cả Thể Dung.

Chàng chuyên cần tiếp thu ở cha toàn bộ vốn võ học tuyệt đẳng, tiếp thu mọi tinh hoa trong y học. Tuy nhiên, về y học, Thể Dung lại vượt hơn chàng, vì ngoài giờ luyện võ cam khổ, chàng không còn thấy thì giờ rảnh rỗi. Một hôm chàng hỏi ông :

- Sao cha không truyền thụ võ công cho Thể Dung?

Cha chàng thở dài, lắc đầu :

- Hạnh phúc của một người đàn bà không phải tìm thấy được ở nơi bão cát, mà là ở trong cánh cửa thôi con ạ. Tính tình Thể Dung cương cường, hay đa sự, lại sắc sảo. Nếu em con học võ, sẽ gây ra rất nhiều tai ách cho chính mình và cho đời!

Ông nhớ đến hình ảnh Diệt Tuyệt sư thái, Kim Hoa bà bà, Chu Chỉ Nhược, Thù Nhi và cả hiền thê của ông. Bằng đó những nhân vật nữ trong võ lâm kia, ngoài vợ ông, mấy ai được hạnh phúc, hay chỉ tràn đầy khổ ải. Thần y tiếp :

- Ta rất hài lòng thấy con tính tình khoan hòa, nhân hậu. Người học võ phải biết yêu người mà hành xử với đời, khoan dung với kẻ địch. Nhân thế nào, thì quả thế ấy. Con nên nhớ lời ta dạy!

Cho đến hôm nay, chàng lờ mờ đoán được, những người khách của cha đang đứng ở trước mặt chàng, đều là những hảo thủ của võ lâm, đều là những người dưới quyền cha chàng năm trước, căn cứ theo thái độ cung kính của họ. Vậy thì đã một thời, ông và mẹ chàng có một quá khứ lừng lẫy, một thân phận cực cao. Chắc hẳn phải vì một nỗi đau buồn, chán nản nào mới khiến cho cha mẹ chàng tìm về nơi thanh sơn hẻo lánh này để ẩn dật. Cùng một lúc, chàng linh cảm rằng, hơn ba mươi năm yên tĩnh của ông cũng đã vừa chấm dứt.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui