Cảm xúc của Lâm thị dần dần bình phục lại, hai mẹ con ngồi ôm nhau trên giường La Hán, ánh mặt trời bị ngăn cách ngoài cửa số, nhưng trong phòng sáng bừng rực rỡ.
Kỷ Uyển Diễm để đầu lên vai Lâm thị, thủ thỉ vào tai bà:
"Nương, trước đây, người nói với ca ca......muốn báo thù cho ông ấy, có phải người đã nghĩ kĩ phải làm gì sau này rồi phải không?"
Thân thể Lâm thị cứng đờ, Kỷ Uyển Diễm liền hiểu mình đã đoán đúng. Thế nên, trong đoạn thời gian này, Lâm thị mới có thể gấp gáp thúc giục nàng học tập, ngày đêm dốc lòng dạy bảo nàng như vậy.
Đôi môi mấp máy đôi lần nhưng Lâm thị vẫn không nói gì. Thế nhưng Kỷ Uyển Diễm lại cực kỳ tỉnh táo tiếp tục nói:
"Người có phải là... Muốn cho con nhận tổ quy tông?" Kỷ Uyển Diễm thoáng cái liền đoán được cách làm của Lâm thị. Hiện địa vị của các nàng cũng chỉ như vậy, sống cuộc sống ăn nhờ ở đậu dựa vào Kỷ gia, nếu không cố gắng đánh cược một lần, làm sao có thể báo thù? Nếu không báo thù, vậy Lâm thị chịu khổ những năm qua đều là vô ích rồi, cái chết của Kỷ Châu cũng trở nên không chút giá trị, giống như kiếp trước vậy, chỉ bằng Kỷ Uyển Diễm thì cũng không làm nên trò trống gì. Nàng đã từng đần độn u mê, đầu óc mê muội mà vượt qua một kiếp, đã từng hồ đồ khiến cả đời bị đùa bỡn, trở thành quân cờ cho kẻ khác một đời. Cuộc sống như vậy, Kỷ Uyển Diễm kiếp này tuyệt không muốn trải qua lần nữa.
Cho nên, nàng vô cùng thấu hiểu ý niệm điên cuồng trong lòng Lâm thị.
Lời của Kỷ Uyển Diễm khiến cho Lâm thị cúi đầu, ngay khi Kỷ Uyển Diễm cho rằng bà sẽ giống lúc trước, sẽ không trả lời, thì Lâm thị lại mở miệng.
"Nếu như ta nói đúng, con có đồng ý không?"
Kỷ Uyển Diễm tránh khỏi ngực Lâm thị, con ngươi trong suốt đen bóng chăm chú nhìn Lâm thị một hồi lâu, rồi sau đó mới gật đầu, nói:
"Đồng ý. Mặc kệ người muốn làm cái gì, nữ nhi sẽ làm với người. Làm sao chúng ta có thể dễ dàng buông tha cho những kẻ đã hại chúng ta chứ?" Kỷ Uyển Diễm trả lời vô cùng dứt khoát, thế nhưng thực sự vẫn cảm thấy lo lắng hỏi:
"Thế nhưng, kế hoạch này thật sự có thể thực hiện sao? Người mà chúng ta phải đối mặt là Trấn Quốc công phủ quyền khuynh triều dã đó ạ" Không chỉ như thế, điểm mấu chốt là, Kỷ Lan còn là phu nhân của Trấn quốc công. Hai mẹ con nàng thật sự dưới mí mắt của bà ta, có thể làm ra chuyện nghịch thiên như vậy? Ở điểm này, Kỷ Uyển Diễm thấy vô cùng hoài nghi.
Lâm thị vươn tay vuốt ve mái tóc của nữ nhi, thấp giọng khẽ khàng như nói mớ:
"Nếu ta không có nắm chắc, làm sao lại không biết tự lượng sức mình mà lên kế hoạch như vậy chứ? Con cứ yên tâm, nương nhất định sẽ để con nhận tổ quy tông, khiến con trở thành cô nương xuất sắc nhất, chói mắt nhất của phủ Trấn Quốc công."
- -------
Đường xưa gió tây ngựa gầy[1].
[1] Thơ của Mã Trí Viên: Tham khảo cuối chương
Hai con ngựa thong dong thả bước trên quan đạo, trên lưng là hai vị công tử mặc xiêm y hoa lệ. Vị công tử bên trái mặc bộ quần áo màu xanh lam, áo khoác vân khói, dung mạo tuấn lãng bất phàm, nhưng trong miệng lại ngậm một nhành cỏ dại ngắt ở ven đường, dáng vẻ cà lơ phất phơ, trên môi còn nở nụ cười, lộ ra chiếc răng khểnh trông có vẻ tinh nghịch. Mặc dù bề ngoài trông có vẻ lưu manh vô lại, nhưng ngược lại hai đầu lông mày lại lộ ra vẻ chính khí.
Vị công tử còn lại mặc một thân đen tuyền, họa tiết hình tròn vân mây được thêu chìm bằng chỉ vàng, đầu đội ngọc quan màu đen, eo đeo Bàn Long giác [2], mặt như quan ngọc[3], sắc như xuân sơn [4], dáng vẻ khoảng mười bảy mười tám tuổi, khuôn mặt tuấn tú bất phàm, thần thái sáng sủa, toàn thân trên dưới đều thể hiện ra bốn chữ "tôn quý bất phàm", uy nghi trời sinh, vinh hoa phú quý. Nhưng hai đầu lông mày lại hiện rõ sự lạnh nhạt, xa cách với đời, dáng vẻ không nhiễm chút khói lửa nhân gian, khiến người nhìn vào mà cảm thấy e sợ. Tuy nhiên, may mắn thay, mặc dù biểu hiện của hắn rất lạnh lùng nhưng lại có một đôi mắt hoa đào thâm thúy câu hồn, khiến hắn có thêm chút sắc ấm của nhân gian, giống như vừa bước ra khỏi bức họa tiên cảnh, trở nên sống động.
[2] Bàn long giác: giác là ngọc có hai viên hợp thành hình, bàn long là rồng cuộn. Nên chỉ miếng ngọc do hai mảnh ghép lạicó trạm chổ hình rồng cuộn.
[3] Mặt như quan ngọc: Ví nhan sắc nam tử như viên ngọc được đính trên ngọc quan
[4] sắc như xuân sơn: chỉ dung mạo, khí chất như núi vào mùa xuân
"Bác Diễn huynh, chúng ta còn bao lâu mới đến nơi? Tuy nói là bái phỏng danh sĩ, nhưng vị Lưu Tam lang kia cũng không phải danh sĩ được tôn sùng đến mức không thể dời bước, huynh cần gì phải đích thân đến bái phỏng?" Công tử có dáng vẻ phất phơ kia thở dài một hơi, thể hiện dáng vẻ một quý công tử được nuông chiều.
Người nam tử được gọi là "Bác Diễn" kia bất động thanh sắc[5]/thản nhiên quay đầu nhìn hắn từ trên xuống dưới một lượt. Mạnh Hiếu Nhụ lập tức ngồi thẳng lại, trưng ra một khuôn mặt tươi cười, cười lấy lòng nói:
"Đáng giá, chỉ riêng việc hắn được Bác Diễn huynh nhìn trúng, đã là đáng giá rồi."
[5] bất động thanh sắc: tỉnh bơ, không biến sắc.
Mạnh Hiếu Nhụ cười ngoài mặt, nhưng lại khổ trong lòng. Ai biết được vị Hoàng thái tử điện hạ cao cao tại thượng này đột nhiên tìm đến nhà hắn, rủ hắn cùng đi ngao du. Phần vinh sủng này khiến Mạnh gia trên dưới hoảng sợ, bởi vì cho dù cha hắn ở trên chiến trường năm đó lập được công lao thì Tiêu gia cũng chưa từng cho Mạnh gia mặt mũi như vậy. Kết quả là chỉ một câu nói của vị điện hạ này đã khiến cha mẹ hắn thụ sủng nhược kinh [6], hại hắn bị đóng gói ném ra khỏi phủ. Từ đầu tới cuối cũng không ai hỏi hắn một câu là hắn có nguyện ý hay không... Mặc dù hắn có nguyện ý hay không cũng không quan trọng.
[6] thụ sủng nhược kinh: được sủng ái mà nơm nớp lo sợ
Mạnh Hiếu Nhụ mặc dù xuất thân võ tướng thế gia, nhưng phụ thân cả đời chinh chiến, Mạnh gia cũng chỉ được phong tước vị Bá phủ. Ngược lại lúc hắn còn bé, làm thư đồng của Thái Tử, trong một lần ra khỏi cung ma xui quỷ khiến thế nào hắn lại cản một mũi tên cho Thái tử. Thế là nhà hắn liền được tấn phong lên làm Hầu phủ. Tuy là vậy, nhưng về sau Thái tử vẫn luôn đối xử lạnh nhạt với hắn, không hiểu lần này sao lại tìm đến hắn đây. Trên đường hành tẩu cùng nhau, chẳng những Thái tử không hề kiêu ngạo làm giá, mà còn thân thiết bảo Mạnh Hiếu Nhụ gọi hắn là "Bác Diễn huynh". Ôi chao, đúng là gần vua như gần cọp, Hoàng Thái Tử chính là một con cọp con. Trên đường đi Mạnh Hiếu Nhụ cùng ăn cùng uống, thỉnh thoảng còn phải cười lấy lòng, ngày ngày tâm trạng trôi qua trong lo lắng không khác gì một người thị vệ thực thụ, trời mới biết hắn muốn đẩy cái việc vinh quang này đi như thế nào. Không biết nhét Hoàng thái tử điện hạ ven đường thì có tính là tội mất đầu không nhỉ. Mạnh Hiếu Nhụ ngó nghiêng tứ phía rồi lại nhìn xung quanh một vòng, nghĩ ngợi không chừng ở những nơi không nhìn thấy còn có ám vệ ẩn núp. Nghĩ đến những người kia, Mạnh Hiếu Nhụ liền rụt rụt cổ, quyết định vì truyền thừa huyết mạch của Mạnh gia, vẫn không nên mạo hiểm mới tốt.
Tiêu Tề Dự không hề có ý định để ý tới Mạnh Hiếu Nhụ. Tiểu tử này nhìn cà lơ phất phơ, lại có chút vô lại, nên lúc trước Tiêu Tề Dự đối với hắn cũng không quá tốt. Thế nhưng nào ngờ, sau này khi hắn, Hoàng Thái Tử cao cao tại thượng này thật sự gặp nạn, chính tiểu tử này, liều chết tiên phong mở một đường máu đưa hắn rời khỏi kinh thành, cùng hắn mai danh ẩn tích, vẫn luôn dùng thân phận hộ vệ ở bên cạnh hắn.
Quay đầu lại, nhìn dòng người đang dần nhộn nhịp ở Thành môn Uyển Bình, khóe miệng vô thức dâng lên một nụ cười ôn hòa.
Thật sự là không nghĩ tới hắn lại trở lại. Toàn bộ sự việc tệ hại vẫn chưa phát sinh, hắn vẫn là Hoàng Thái Tử hiển hách tôn quý nhất Tiêu Quốc. Đệ đệ ruột thịt cùng một mẹ sinh ra kia còn chưa có phản bội hắn, lén lút đâm một dao sau lưng hắn khiến hắn mất đi quyền kế vị.
Tất cả đều quay lại thời kì tốt đẹp nhất.
Chú thích:
[1] Thơ của Mã Trí Viễn:
Bản gốc: 天淨沙-秋思
枯籐老樹昏鴉,
小橋流水人家,
古道西風瘦馬。
夕陽西下,
斷腸人在天涯。
Phiên âm: Thiên tịnh sa - Thu tứ
Khô đằng lão thụ hôn nha,
Tiểu kiều lưu thuỷ nhân gia,
Cổ đạo tây phong sấu mã.
Tịch dương tây hạ,
Đoạn trường nhân tại thiên nhai.
Bản dịch: (Nguồn: Thi viện)
Cây khô, cành cỗi, quạ chiều
Chiếc cầu nho nhỏ, nước reo bên nhà
Gió tây đường cũ ngựa già
Chiều buông, ruột đứt, người xa góc trời.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...