Năm hột cam (Sherlock Holmes)

Tất cả những chuyện ấy, có lẽ tôi sẽ viết lại trong khoảng thời gian gần nhất. Nhưng câu chuyện mà tôi ghi chép ra đây chứa nhiều sự bất thường mà không một câu chuyện nào có thể sánh được.
Hồi đó, vào cuối tháng 9, những cơn bão mùa thu đang hoành hành hung dữ, phô trương sức mạnh ghê gớm của thiên nhiên. Suốt ngày gió gào rít ầm ĩ, mưa trút xối xả va đập như gõ trống vào các cánh cửa sổ. Càng về tối cơn bão càng dữ dội hơn, gió thổi vào các ống khói như trẻ con cả thành phố nhất loạt khóc hu hu.
Hôm ấy, Sherlock ngồi buồn rầu cạnh lò sưởi và sắp xếp lại cho ngăn nắp trật tự tài liệu của mình. Còn tôi thì ngồi đối diện với anh, say mê đọc những câu chuyện tuyệt vời của Clark Russell nói về biển.
Tôi say mê đến mức tiếng rít của cơn bão rơi vào tiềm thức của tôi như lời của câu chuyện, còn tiếng mưa rơi như tiếng rì rào của sóng biển. Vợ tôi mấy hôm nay có công việc phải về bên nhà bà nhạc. Còn tôi tạm trú tại căn hộ cũ kỹ rêu phong trong hẻm Baker.
- Hãy nghe kìa - tôi nói và nhìn Sherlock. Hình như có tiếng chuông gọi cửa. Ai lại đến trong lúc cơn mưa bão thế này được nhỉ? Hay là bạn của cậu?
Ngoài cậu ra, tớ chẳng có ai là bạn cả, - Holmes trả lời - Còn khách khứa thì tớ không động viên họ đến hỗ trợ tớ.
- Vị khách nào nhỉ?
- Nếu như vậy thì công việc vô cùng nghiêm trọng và cấp bách. Cái gì có thể buộc con người kia đi ra ngoài đường trong cơn mưa bão hoành hành gầm rít vào giờ này? Có khi lại là người đàn bà ngồi lê mách lẻo nào đó, bạn của bà chủ nhà đến chơi cũng nên?
Holmes đã nhầm. Chúng tôi nghe thấy tiếng chân ngoài phòng và tiếng gõ cửa rụt rè.
Holmes thò cái tay dài ngoằng của mình quay bóng đèn về phía chiếc ghế bành còn trống.
- Mời vào! - Anh nói.
- Một người trai trẻ tuổi độ 20 - 22, ăn mặc khá chải chuốt có phần tao nhã và hơi kiểu cách. Nước ở chiếc dù chảy xuống thành dòng, chứng tỏ thời tiết thật kinh khủng. Người mới vào lo lắng nhìn xung quanh và dưới ánh sáng ngọn đèn, tôi thấy khuôn mặt của anh ta bệch bạc, còn đôi mắt thì đầy nỗi lo âu tuyệt vọng.
- Tôi thành thật xin lỗi hai ngài. - Anh ta nói và đưa cái kính gọng vàng đang cầm ở tay lên mắt. - Tôi hy vọng các ngài không cho tôi là kẻ quấy rầy... Sở dĩ tôi phải mang vào căn phòng ấm cúng sự lạnh lẽo ướt át của cơn mưa bão là...
- Hãy đưa áo khoác và dù của ngài cho tôi, - Holmes nói. - Tôi treo vào chiếc móc sẽ khô ngay. Tôi nhận thấy hình như ngài vừa đi từ hướng tây nam tới đây.
- Vâng, tôi từ Horsham tới.

- Bùn trên đế giầy của ngài đúng là đất bùn của vùng ấy.
- Tôi đến gặp ngài xin ngài lời khuyên bảo.
- Điều đó thì ngài nhận được dễ thôi.
- Và nhờ sự giúp đỡ.
- Sự giúp đỡ thì không phải bao giờ cũng dễ dàng có được.
- Tôi đã được nghe về ngài rất nhiều, thưa ngài Holmes. Tôi nghe ngài thiếu tá Prendergast kể là ngài đã cứu ông ta thoát khỏi cảnh ồn ào hỗn độn ở câu lạc bộ Tankerville.
- À tôi nhớ rồi, ông ấy bị bọn xấu lừa đảo, buộc tội chơi bài không sòng phẳng.
- Ông ta nói là ngài thông thạo trong mọi lĩnh vực.
- Ông ta khen quá lời đấy.
- Theo lời ông ấy là ngài chưa bao giờ thất bại.
- Tôi đã bị thua bốn lần. Ba lần do cánh đàn ông, một lần do cánh đàn bà cho đo ván.
- Những con số ấy thấm vào đâu so với những chiến thắng?
- Vâng, nói chúng tôi thường thành công.
- Vậy thì ngài cũng sẽ thành công trong chuyện của tôi.

- Mời ngài, kéo ghế ngồi sát lò sưởi và hãy kể thật tỉ mỉ từng chi tiết.
- Chuyện của tôi rất khác thường.
- Chuyện bình thường không bao giờ đến với tôi. Tôi đại diện cho cơ quan phá án cao cấp nhất.
- Nhưng dù sao, thưa ngài, tôi vẫn ngờ là trong quá trình hoạt động của mình, ngài chưa bao giờ nghe nói đến những chuyện kinh khủng như chuyện đã xảy ra với gia đình tôi.
- Ngài kích thích trí tò mò nghề nghiệp của tôi quá - Holmes nói. - Trước hết ngài hãy bình tĩnh kể hết những tình tiết chính, còn sau đó tôi sẽ hỏi thêm những chi tiết cần thiết khác mà tôi cho là bổ ích.
- Tên tôi là John Openshaw, - anh ta tự giới thiệu. - Nhưng theo tôi hiểu, công việc của tôi ít liên quan đến những sự việc ghê rợn kia. Đó là chuyện thừa kế, vì vậy để cho ngài nắm được sự kiện một cách rõ ràng, tôi buộc phải quay lại từ đầu toàn bộ lịch sử gia đình tôi.
Ông nội tôi sinh được hai người con trai: người bác của tôi tên là Elias và bố tôi - Joseph. Cha tôi tậu được một xí nghiệp nhỏ ở Coventry. Sau đó cha tôi mở rộng qui mô sản xuất hơn nhờ sản xuất xe đạp. Cha tôi đã phát minh ra loại vành xe đạp không rỉ “Openshaw”. Xí nghiệp làm ăn rất phát đạt cho nên sau khi bán cơ ngơi ấy cha tôi về sống rất đầy đủ và sung túc. Bác Elias tôi trong những năm trai trẻ đã sang tận châu Mỹ làm ăn, và trở thành một chủ đồn điền ở bang Florida, ở đây công việc lành ăn của bác tôi rất trôi chảy. Trong thời gian chiến tranh bác tôi chiến đấu trong quân đội của tướng Jackson, sau đó thì dưới quyền chỉ huy của tướng Hood và đã được phong cấp đại tá.
Đến khi tướng Lee hạ vũ khí đầu hàng, bác tôi trở về với đồn điền của mình. Ông sống ở đó ba bốn năm. Vào năm 1869 hoặc 1870 gì đấy, bác tôi quay về châu Âu và thuê một nơi ở không xa lắm ở Sussex, gần Horsham. Khi ở bên Mỹ, bác tôi đã dành dụm được một số vốn liếng khá lớn, và cầm món tiền đó bác tôi rời khỏi nước Mỹ với nguyên nhân là: kinh tởm những người da đen và không đồng tình với chính phủ trong việc giải phóng người da đen khỏi ách nô lệ. Bác tôi là một người kỳ quặc, ông ấy rất ác độc và nóng tính. Tức giận cái gì đó là ông văng ra những câu chửi nghe thật kinh tởm.
Ông ấy sống độc thân, tránh giao tiếp với mọi người. Tôi chắc chắn rằng trong những năm tháng sống ở Horsham, bác tôi chưa một lần nào ra phố. Bác tôi có một mảnh vườn và hai, ba mảnh đất trống xung quanh nhà, ông chỉ bách bộ dạo chơi trong khu vực đó mà thôi. Có những tuần ông bác tôi ngồi lì trong phòng, ông uống rượu và hút thuốc rất nhiều, xa lánh mọi người, thậm chí ngay đến em ruột của mình ông ấy cũng không thèm biết đến. Ông ấy tỏ ra yêu mến tôi, mặc dù mới gặp tôi lần đầu lúc tôi mười hai tuổi - năm đó là 1878. Trong thời gian đó bác tôi đã sống ở nước Anh được tám hay chín năm rồi. Bác tôi thương lượng với cha tôi để cho tôi sang sống với ông, bác rất thương tôi. Trong những lúc không say rượu bác thường chơi cờ nhảy với tôi. Ông hoàn toàn tin tưởng giao phó mọi việc trong nhà cho tôi. Đến năm tôi lên 16 tuổi thì tôi thực sự là ông chủ trong nhà. Tôi giữ các loại chìa khóa muốn vào chỗ nào cũng được, muốn làm gì thì làm, nhưng với một điều kiện: không được phá rối sự yên tĩnh cô độc của người bác. Ngoài ra tôi còn bị ràng buộc bởi trường hợp ngoại lệ: ở gác lửng có một căn phòng luôn luôn đóng kín. Bác tôi không cho phép bất cứ một người nào vào, kể cả tôi. Với tính hiếu kỳ của trẻ con, có lần tôi nhìn trộm qua lỗ khóa nhưng không thấy gì cả ngoài chiếc rương và túi linh tinh gì đó.
Một hôm vào tháng ba năm 1883 - có một bức thư dán phong bì nước ngoài nằm trên bàn. Bác tôi hầu như chẳng bao giờ có thư vì mọi chuyện mua bán ông ấy đều trả bằng tiền mặt, còn bạn bè thì không có.
“Từ Ấn Độ gửi tới, - cầm bức thư ông nói. - Dấu dòng ở Pondicherry! Chuyện gì có thể xảy ra đây?”.
Bác tôi mau chóng xé phong bì, từ trong phong bì năm hạt cam khô rơi xuống kêu lanh canh trong đĩa sứ. Tôi định reo lên, nhưng nụ cười của tôi vụt tắt ngấm khi tôi ngước nhìn bác tôi. Môi dưới của ông trễ xuống, cặp mắt mở to thao láo, cả bộ mặt trở nên xám ngắt, ông ấy nhìn bất động chiếc phong bì đang cầm trên tay run run.
“K. K. K! ông ấy thốt lên, và sau đó nói thêm. - Lạy chúa tôi! Lạy chúa tôi! Đây là bản thanh toán món nợ của tôi”.
“Cái đó là gì thưa bác? - Tôi hỏi”.

“Cái chết” ông nói xong và đứng lên ra khỏi ghế và từ từ đi vào phòng của mình, để mình tôi ở lại sửng sốt và hoảng sợ.
Tôi cầm lấy phong bì và nhìn vào thấy bên trong có ba chữ “K” bằng mực đỏ. Trong phong bì không còn gì nữa, ngoài năm hột cam đã khô. Cái gì làm cho bác tôi hoảng sợ?
Tôi đứng dậy chạy lên tầng trên. Bác tôi đi xuống trên tay cầm một chiếc chìa khóa cũ đã bị rỉ nhiều, có lẽ chiếc chìa khóa để mở căn phòng trên gác lửng. Còn tay kia ông đang giữ một chiếc hộp bằng đồng thau.
“Chúng muốn làm gì mặc chúng. Dù sao chăng nữa bác cũng không thể trao cho chúng đâu! - Bác tôi nói với sự nguyền rủa, căm tức. - Cháu nói cô Mary đến nhóm lò sưởi ở phòng bác và đi mời ngài Fordham luật sư ở Horsham tới”.
Tôi thi hành tất cả mệnh lệnh mà bác tôi sai bảo. Khi ngài luật sư đến, người ta gọi tôi lên phòng bác tôi. Ngọn lửa trong lò sưởi cháy sáng rực, trên tấm sàn của nó là một đống tro dày, dường như tro của một mớ giấy tờ vừa bị đốt. Chiếc hộp bằng đồng thau mở ra rỗng tuếch. Nhìn vào chiếc hộp, tôi thở dài ngao ngán, lo sợ vì nhìn thấy phía trong nắp có khắc ba chữ “K” giống y như trên phong bì.
“Bác muốn cháu là người làm chứng cho việc lập biên bản này, John - Bác tôi nói, bác sẽ để lại chỗ này cho em của bác, tức là cha cháu, tất nhiên nó sẽ được truyền lại cho cháu, nếu cháu có thể sử dụng một cách yên ổn thì điều đó rất tốt! Còn nếu cháu không có khả năng làm điều đó, thì hãy nghe theo lời khuyên của bác là nên trao nó lại cho kẻ thù độc ác nhất của bác! Bác rất phiền muộn khi để lại cho cháu một thừa kế như vậy, nhưng bác không hiểu sự việc sẽ xảy ra thế nào? Hãy vui lên và ký vào tờ giấy này vào cái chỗ mà ngài Fordham sẽ chỉ cho cháu”.
Tôi ký vào tờ giấy ấy, và ngài luật sư mang nó đi luôn.
Trường hợp rất kỳ lạ khiến cho tôi băn khoăn và có một ấn tượng sâu sắc. Tôi nghĩ đến nó mà chưa hề tìm ra được lời giải đáp: Tôi không thể nào xua tan đám mây lo sợ bao phủ, mặc dù nỗi niềm lo âu đã giảm sút sau vài tuần êm ả trôi qua, không có một dấu hiệu nào làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Thú thực rằng tôi có nhận thấy những thay đối lớn lao trong chiều sâu con người bác tôi. Ông ấy uống rượu nhiều khinh khủng và xa lánh tất cả thế giới bên ngoài. Phần lớn thời gian ông ấy khóa kín cửa ngồi trong phòng. Nhưng thỉnh thoảng trong lúc say khướt ông đi ra khỏi phòng với khẩu súng lục trong tay, bác ra vườn và hét toáng rằng ông không sợ ai hết và cũng không cho bất kỳ người hay là ma quỷ đụng đến ông và chặt ông như chặt con cừu. Tuy thế nhưng khi cơn nóng giận say sưa đã nguôi, ông ấy vội vã chạy về phòng đóng chặt cửa lại, khóa ổ, cài then như một kẻ đang bị nỗi sợ hãi bao trùm từ tứ phía không thể giữ thân nổi. Trong lúc nóng giận, khuôn mặt của bác tôi, kể cả những ngày giá buốt, cũng vẫn mồ hôi mồ kê nhễ nhại, y như người ta vừa mới tắm hơi về.
Để kết thúc câu chuyện bi thảm ấy, thưa ngài Holmes, và cũng khỏi lạm dụng lòng kiên nhẫn của ngài, tôi chỉ kể vắn tắt kết cục như sau: Một hôm trời vừa tối; sau khi uống rượu say mềm bác tôi thực hiện một cuộc dạo chơi. Sau đó chúng tôi không thấy ông về nữa. Chúng tôi hoảng hốt vội vã chạy bổ đi tìm, và thật tang thương khi nhìn thấy ông nằm sấp mặt xuống trong chiếc ao đầy nước, chiếc ao phủ đầy rong rêu nằm phía sâu trong vườn. Trên người ông không thấy một dấu vết đánh đập nào hết, còn chiếc ao thì rất cạn chỉ sâu không quá 2 Foot.
Chính vì thế tòa phúc thẩm chỉ chú ý đến tính khi bất thường của bác tôi để kết luận rằng đây là một vụ tự vẫn. Nhưng tôi biết chắc chắn ý nghĩ cái chết làm bác tôi hoảng sợ, bởi thế làm sao bác tôi tự nguyện lìa bỏ cõi đời này một cách dễ dàng và nhanh chóng như thế. Dù có muốn gì đi nữa thì thực tế vẫn phũ phàng bao trùm tất cả. Cha tôi là người thừa kế gia sản khoảng mười bốn nghìn bảng Anh nằm tại ngân hàng...
- Xin phép, - Holmes ngắt lời anh ta. - Câu chuyện của ngài thật ly kỳ và có những bí ẩn khó hình dung ngay được. Ngài hãy cho tôi biết bác ngài nhận được lá thư ngày nào và ông chết ngày nào?
- Bức thư đến ngày 9 tháng 3 năm 1883, và bác tôi chết sau đó đúng 7 tuần, tức là đêm mồng một rạng ngày mùng hai tháng 5 năm 1883.
- Xin cám ơn ngài, xin ngài vẫn tiếp tục.
- Khi cha tôi bắt đầu nắm quyền kế thừa cơ ngơi của bác tôi ở Horsham, thì theo đề nghị của tôi, cha tôi đã lục kỹ lưỡng căn buồng ở gác lửng mà trước kia luôn đóng kín. Chúng tôi tìm thấy một chiếc hộp bằng đồng thau, nhưng bên trong dường như bị huỷ hết. Bên trong nắp đậy có dán một mảnh giấy ghi ba chữ “K” và một dòng chữ nhỏ phía dưới “Thư từ, ghi chép biên lai, khế ước cho vay”. Tôi cho rằng những dòng chữ nói lên nội dung những giấy tờ đã được đựng bên trong chiếc hộp và đã bị ngài đại tá Openshaw đốt hết. Ngoài chiếc hộp ra trong buồng không có gì đáng kể, nếu không tính một đống giấy vứt bừa bộn và những quyển sổ ghi chép linh tinh có liên quan đến cuộc sống của bác tôi bên Mỹ. Trong mớ lộn xộn ấy có thứ đề cập đến thời gian chiến tranh và đã cho thấy bác tôi là một quân nhân thi hành nghĩa vụ của mình rất tốt. Những giấy tờ khác thì nói về thời kỳ thành lập các bang ở miền Nam, phần lớn đều liên quan đến vấn đề chính trị. Rõ ràng bác tôi đã đóng một vai trò lớn trong phe chống đối, đối lập hẳn với các nhà lãnh đạo từ miền Bắc được cử vào.
Vào đầu năm 1884, cha tôi chuyển hẳn tới sống ở Horsham. Mọi việc đều rất tốt đẹp. Một hôm vào ngày mồng bốn tháng giêng năm 1885, khi chúng tôi đang ăn sáng, bỗng cha tôi kinh ngạc kêu lên. Một tay cha tôi cầm chiếc phong bì, còn trong lòng bàn tay kia là năm hột cam khô. Cha tôi thường giễu cợt trước cái chết hoang đường của ngài Đại tá, còn bây giờ chính cha tôi cũng bàng hoàng hoảng hốt, khi nhận đúng giấy báo của tử thần như thế.
“Thế này là thế nào? John” - Cha tôi hỏi khẽ.

Tim của tôi chợt lạnh buốt.
“Đó là ba chữ “K”, - Tôi trả lời.
Cha tôi nhìn vào phía trong chiếc phong bì.
“Đúng ở đây cũng có ba chữ ấy. Nhưng còn cái gì đây?”
“Hãy đặt tất cả giấy má lên chỗ chiếc đồng hồ mặt trời” - Nhìn qua vai cha tôi, tôi đọc.
“Đồng hồ mặt trời nào? Những giấy tờ gì kia chứ?” - cha tôi thảng thốt ngạc nhiên hỏi.
“Đồng hồ mặt trời đặt ở trong vườn, còn giấy tờ chắc bị cháy rụi rồi”.
“Quỷ tha ma bắt hết bọn nó đi! - Cha tôi nói. - Chúng ta đang sống trong một đất nước văn minh, không thể chấp nhận những điều nhảm nhí được. Bức thư từ đâu tới?”.
“Từ Dundee” - tôi trả lời, sau khi đã lướt nhìn con dấu bưu điện.
“Một trò đùa mù quáng của một kẻ khùng nào đó - cha tôi nói. - Đồng hồ mặt trời và giấy má lằng nhằng có liên quan gì đến tôi kia chức? Không thèm chấp cái đồng hồ quái quỉ ấy làm gì!”.
“Con muốn báo cho cảnh sát”, - Tôi nói lo âu.
“Để cho người ta lấy cha mày làm trò cười. Cha không nghĩ như thế!”.
“Vậy để con tự làm lấy”.
“Không đời nào - cha không muốn rung chuông ầm ĩ với thiên hạ rằng tôi là thằng điên”.
Thuyết phục cha tôi quá là uổng công, vì ông ấy rất ương ngạnh. Còn tôi thì bị nỗi lo sợ dày vò.
Ba ngày sau, cha tôi đi thăm một người bạn cũ - ngài thiếu tá Freebody, đang chỉ huy một đồn ở Portsdown. Tôi mừng là cha tôi đã đi khỏi, vì tôi ngỡ ra khỏi căn nhà này sẽ bớt nguy hiểm. Nhưng tôi đã lầm. Ngày hôm sau tôi nhận được một bức điện của ngài thiếu tá gửi, yêu cầu tôi đến gấp. Cha tôi đã bị rơi xuống một mỏ đá phấn sâu hoắm, ở địa phương này khá nhiều hố như vậy. Tôi chạy vội tới chỗ cha tôi. Bị vỡ sọ, chết rồi, ông không kịp trăng trối lời nào. Cha tôi đi từ Ferkhem về lúc nhá nhem tối, ở đây cha tôi không thông thạo địa hình mà các mỏ đá phấn không được rào dậu cẩn thận, cho nên tòa phúc thẩm không chút do dự kết luận ngay “Chết trong trường hợp đáng tiếc”. Tôi nghiên cứu kĩ lưỡng những dữ kiện có liên quan đến cái chết của cha tôi, nhưng không thể phát hiện được gì để kết luận đó là một vụ giết người tinh vi. Không có vết tích đánh đập, không có dấu vết trên mặt đất. Tôi chỉ nói riêng với ngài : Tôi lo lắng vô cùng và cảm giác như cha tôi đã lọt vào chiếc bẫy giăng sẵn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui