Nam Ai

Đây là căn nhà nơi mà Dạ Lý đã được sinh ra và rồi lớn lên, nơi chứng kiến một thời ngây thơ và cũng là nơi đã đẩy đưa ả vào con đường hoang đàng. Thú thật, ả từng ghét cay ghét đắng căn nhà này, nhưng dù ghét bỏ nó ra sao thì đây vẫn là nhà của ả, ai cũng cần phải có một mái nhà để trở về.

Còn ả, bây giờ đã không còn nữa.

Gã quan Tây cho phép Nguyễn Thị Quý thu xếp mọi thứ cần thiết trước khi cùng với Dạ Lý rời khỏi đó, trong ba ngày này Cao Phỉ bị chúng bắt giữ như là con tin. Trước lúc bị bắt đi ông đã kịp nói nhỏ với bà rằng bằng mọi cách hãy giữ an toàn cho Dạ Lý dù cho có phải bỏ xứ rời đi vĩnh viễn, và dù cho có phải bỏ lại ông...

Cao Phỉ bị bắt, ông xem như là mình đã chết rồi, chỉ sợ rằng dù có chết vẫn không kéo dài được cho vợ con mình chạy đi đủ xa. Xứ sở này đã không còn là nơi an toàn nữa, nói đúng hơn là ngày nào còn bóng quan quân thực dân Pháp ở trên đất nước này thì ngày đó dân An Nam vẫn còn phải đổ máu. Cả ngay những kẻ đã và đang làm việc cho chúng, cũng như cha vợ đốc phủ của Cao Phỉ, tất cả chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi được trả công bằng một án tử.

Cái đêm Cao Phỉ bị lôi đi, ông chỉ kịp hôn nhẹ lên trán Dạ Lý và trao cho Nguyễn Thị Quý ánh nhìn của một người chồng và cũng là một người hối lỗi vì đã trót vô tình hủy hoại cuộc đời bà. Ông ước mình có nhiều thời gian hơn để đối xử nhẹ nhàng với vợ con thay vì chỉ là uất ức và áp đặt.

Có lẽ nếu ngày xưa như thế thì biết đâu ông đã có thể nghe được tiếng lòng thật sự của Nguyễn Thị Quý để bên cạnh bà một cách ân cần hơn.

Và rằng có thể trọn kiếp này bà sẽ chẳng yêu ông đâu nhưng có khi hình ảnh về một Cao Phỉ sẽ không đến mức xấu xa như thế.

Biết đâu, cũng đáng để đôi lúc rảnh rỗi bà nhớ về...

...


Nguyễn Thị Quý đã trao trả lại hết tất cả giấy nợ và giấy bán thân của người hầu, giờ họ là những con người tự do, không phải sống đời tôi tớ nữa. Bà cũng trích ra một phần tiền riêng để cho họ, xem như đã là tận tình chủ tớ với nhau.

Trước khi những người đầy tớ trong nhà rời khỏi Cao gia trang, họ đã đứng ngay ngắn, cúi đầu thật thấp để chào tạm biệt bà chủ và cô chủ của mình, ai nấy cũng đều ngậm ngùi một nỗi niềm chung, bởi lẽ ở đâu lâu thì mến nơi đó, và dẫu sao ngoại trừ Dạ Lý thì ông bà chủ cũng đối xử với họ chẳng tới mức bạc.

Rồi tất cả bọn họ xách tay nải rời khỏi Cao gia trang, nơi từng là chốn giàu sang nhất nhì xứ này, có kẻ luyến lưu ngoái đầu nhìn lại, chỉ thấy vườn tược đìu hiu, gian nhà ảm đạm. Vậy mới nói, vinh hoa cũng chỉ như con nước lớn nước ròng, khi lên lúc xuống, khi trong lúc đục, không ai có thể đoán định được kết cục của một cơ ngơi.

Mọi người đều đi hết, chỉ có thằng Thỉ và con bé Ba là ở lại, vì tụi nó bán thân vào đây từ hồi nhỏ xíu, cha má dù có còn chăng nữa thì cũng đã biền biệt phương trời, Cao gia trang chính là nhà của hai đứa nó, nếu giờ đuổi thì tụi nó cũng chẳng biết đi đâu.

"Con lạy bà chủ, xin bà đừng đuổi con với anh Thỉ đi, cho tụi con theo cùng bà và cô với." Con bé Ba quỳ mợp xuống đất khẩn khoản.

Thằng Thỉ cũng khoanh tay quỳ theo: "Dạ, tụi con coi ông bà chủ như cha má, giờ đuổi tụi con thì tụi con biết phải đi đâu? Xin bà cho hai đứa con theo, có cháo ăn cháo có rau ăn rau với nhau."

Thằng Thỉ coi vậy mà tính nết mềm mỏng, nó nói một hồi thì nước mắt đầm đìa, trông tội nghiệp vô cùng.

Nguyễn Thị Quý nhìn sang Dạ Lý đang thất thần ngồi ở một góc trên phảng, rồi lại nhìn bé Ba và thằng Thỉ, tặc lưỡi đỡ chúng lên, nói: "Hai đứa cũng biết hoàn cảnh của gia đình bà rồi, đi theo không chỉ nghèo đói mà còn nguy hiểm nữa, nếu lỡ bị mất mạng oan uổng thì bà có tội nặng lắm."


Bé Ba gạt nước mắt, tự dưng trông nó kiên cường đến lạ, đáp: "Tụi con sống là người của Cao gia trang thì chết cũng làm ma của Cao gia trang!"

Tự dưng, thằng Thỉ xoay qua nhìn nó, thắc mắc hỏi: "Ê sao câu này nghe quen quen vậy?"

Con bé Ba gãi đầu cười bẽn lẽn, chưa kịp trả lời thì Nguyễn Thị Quý đã lấy khăn tay thấm nước mắt vừa cười vừa nói thêm vào ngay: "Không quen sao được, là trong tuồng hồ quảng mà hồi tháng trước đám đào kép về nhà mình diễn, chắc con nhỏ học lỏm được câu này rồi."

"Đúng rồi ha! Hèn chi con thấy quen quá trời." Thằng Thỉ hít hít nước mũi cười khì.

Bên ngoài trời đang chuyển mưa, mây đen từ từ kéo tới, Nguyễn Thị Quý nheo mắt nhìn ra ánh thái dương đang muốn thi gan cùng cơn giông để chiếu rọi những tia sáng cuối cùng. Trong lúc đó bà đã nhận ra, ngay cả ánh mặt trời cũng có lúc bị khuất lấp thì nói chi đến vận mệnh đời người lúc thịnh lúc suy, nhưng sau cơn mưa bao giờ trời cũng sẽ sáng.

Bà vẫn còn Dạ Lý, thậm chí vẫn còn bé Ba và thằng Thỉ nhất mực trung thành, và...còn có Cao Phỉ không ngại nguy hiểm để cứu lấy bà và con gái của cả hai...

Chỉ cần còn giữ được mạng sống, lo gì không có chuyển biến trong tương lai!


"Được rồi, vậy từ nay hai đứa sẽ là người nhà của bà, giữa chúng ta không còn chủ tớ gì nữa cả. Một nhà chúng ta cùng nhau thu dọn cho xong rồi đợi khi ông được thả về sẽ cùng rời khỏi đây làm lại từ đầu nhé!"

Hai đứa mừng rơn, dạ một tiếng rồi liền hăng hái đi thu dọn đồ. Tất nhiên chỉ có thể mang theo những thứ thực sự giá trị hoặc có ích, tránh đem linh tinh và những món đồ quá lớn mất công để xách.

Trong suốt khoảng thời gian này, Dạ Lý chỉ ngồi yên ở đó, lặng lẽ như một kẻ mất hồn nhìn ngắm lại từng chút từng chút một căn nhà của mình. Ả nhớ đến những quyển tiểu thuyết trên tủ sách, cái máy hát, chiếc giường thân thuộc, cái tách bằng sứ mà ả hay dùng để uống cà phê sữa, và cả cái tủ thờ bài vị của những vị tổ tiên trong gia tộc, tất cả...tất cả...ả đều cố gắng nhớ kĩ, kẻo mai này không còn nữa thì cũng chẳng quên.

Ả nhìn thấy má cũng như mình tiều tụy đi rất nhiều, dáng hao gầy này bây giờ so với dì Hồng Lệ có khi còn ốm hơn, nhưng từ sâu trong ánh mắt của má, ả thấy được sức mạnh tinh thần vô cùng lớn lao của một người phụ nữ.

Tự dưng ả thấy mình vô dụng quá, trong lúc cả nhà điêu linh thế này mà bản thân lại chỉ biết mất hồn ngồi đây nhìn thế sự trôi qua trước mắt như một kẻ bàng quan.

Ả thật yếu đuối...

"Ah!..." Nguyễn Thị Quý vác một cái túi trên vai, suýt chút nữa bị ngã nhào do vấp phải bậc thềm. May mà đúng lúc đó Dạ Lý đã kịp thời vươn tay ra đỡ lấy bà.

"Con...?"

Dạ Lý mỉm cười: "Cả nhà chúng ta sẽ cùng vượt qua chuyện này."

Trưởng thành rồi, có lẽ đứa con gái bé bỏng của Nguyễn Thị Quý nay đã trưởng thành.


Bà rưng rưng nước mắt nhìn Dạ Lý cùng với bé Ba và thằng Thỉ thu xếp chu đáo tất cả, đôi môi không kiềm được mà nở một nụ cười. Lại nhìn ra bên ngoài trời mưa như trút nước, không biết giờ này Cao Phỉ ra sao rồi, ở trong nhà giam có điều chi nguy hiểm hay không, dù gì thì bà cũng không mong ông xảy ra bất trắc.

...

Nhà giam trong đồn của gã quan Tây.

"Đánh, đánh tiếp cho tao!"

Cao Phỉ lúc này đang bị treo trên một cái móc sắt, toàn thân đung đưa qua lại theo từng cú đấm của bọn lính tráng. Gương mặt ông bây giờ đã chi chít vết bầm và những vết cắt nông sâu, thoạt nhìn qua khó lòng mà nhận ra đây là một người sống.

Cao Phỉ nhổ ra ngụm máu, nhìn gã quan Tây đang ngồi chễm chệ trước mặt: "Nếu mày đánh chết tao...ắt sẽ có người tự giác đem xấp ảnh đó đến phủ của mẹ vợ mày..."

"Mày lại uy hiếp tao rồi. Yên tâm, tất nhiên là tao sẽ không đánh chết mày, nhưng mày ở đây ba ngày cũng nên làm ra cái gì đó có ít một chút, ví như để cho lính của tao luyện tay chẳng hạn, hãy có ít như suốt ngần ấy năm qua gia đình mày vẫn luôn là con chó ngoan của nước Pháp haha."

"Haha...thời thế, rồi đây sẽ có những người đuổi chúng bây ra khỏi đất nước này, và sẽ không có một ai phải cúi đầu nữa."

Lời nói của Cao Phỉ giống như là mũi kim nhọn đâm nhức nhối tai gã quan Tây, vậy nên gã càng thêm điên cuồng, tự mình ra tay dạy dỗ cho Cao Phỉ một bài học, và rồi đây gã cũng sẽ học được một bài học xương máu trên đất nước Nam này.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận