Suýt chút nữa thì Dạ Lý đã thật sự xông vào nhà kho đó để cứu Tâm nhưng lúc ả vừa định hành động thì có một người khác đã xông vào, người này cũng chìm trong bóng tối không thể thấy rõ mặt mũi, chỉ có điều chất giọng lại rất quen thuộc, vô cùng quen thuộc.
"Cao Phỉ, tôi không ngờ anh lại là kẻ cầm thú như vậy!?" Người nói chính là Nguyễn Thị Quý.
"Cầm thú? Em nói tôi cầm thú? Còn kẻ mà em ngày nhớ đêm mong đó thì thế nào?" Cao Phỉ bật cười, giọng sang sảng không cần thiết phải giấu giếm.
Nhìn trong bóng đêm một hồi Dạ Lý dường như là quen mắt, dần dà ả có thể lờ mờ nhìn ra được chút cảnh tượng diễn ra bên trong. Bấy giờ, má của ả hình như đang quỳ trên đất ôm Tâm vào lòng, đối diện hai người lại là cha của ả, người cha này vậy mà giờ lại khóc, giọng nghẹn đắng nghe qua thật rất đáng thương...nếu như không chứng kiến hành vi ban nãy của ông.
"Là em đẩy tôi vào con đường này, em không nhận ra sao? Em sống với tôi mà cứ hoài niệm về kẻ khác, trong khi người ta đã phụ bạc em lâu rồi. Chỉ có tôi là một lòng một dạ với em thôi, chỉ có tôi là trung thành nhất mực với cha của em thôi!"
Nguyễn Thị Quý cười lạnh, hỏi: "Anh ở bên ngoài trăng gió thế nào tôi cũng không ý kiến, anh cùng với hạng gái nào lang chạ tôi cũng chẳng bận tâm, nhưng tại sao lại là con Tâm? Nó chỉ là một đứa trẻ, anh có điên hay không...con Tâm nó...nó bằng tuổi con mình mà..."
Cao Phỉ nghe những lời này xong thì khuỵ chân xuống đất, ông liên tục quẹt ống tay áo ngang mắt dường như là để cố lau đi những giọt lệ chảy dài như mưa đổ: "Tôi không muốn trăng gió với ai hết, tôi chỉ muốn vợ của mình, tôi thương vợ của mình mà, tôi thương em mà Quý...sao em cứ lảng tránh ghét bỏ tôi vậy?"
"Nhưng tại sao bây giờ lại là con Tâm!!!" Nguyễn Thị Quý đã cố gắng kiềm chế nhưng vẫn không nhịn nổi mà quát lớn.
"Vậy thì tại sao em làm vợ mà lại cứ bỏ rơi tôi!?" Cao Phỉ cũng gào lên.
Trong một khoảnh khắc, cả hai vợ chồng lặng lẽ quỳ ở đó, trái tim của Dạ Lý cũng vì vậy mà đau thắt theo từng hồi. Kia là Tâm, người bạn thân của ả lại bị tổn thương vì chính cha ả, còn kia là cha má, hai người có lẽ chưa từng hạnh phúc bên nhau, hai người chỉ đang giả vờ, chỉ đang diễn kịch trước mặt ả.
Đâu mới là sự thật?
Hôm nay mới là sự thật?
"Anh có biết, chỉ cần một lời tôi nói thì anh sẽ lập tức bị xử bắn hay không?" Nguyễn Thị Quý hít sâu vào một hơi.
"Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thiên kinh địa nghĩa, em lại muốn xử bắn tôi?"
"Năm thê bảy thiếp nhưng không phải là với một đứa trẻ mới tám tuổi, anh nghĩ sao nếu Dạ Lý nhận ra bộ mặt thật của cha nó?"
"Em muốn nói với cha xử bắn tôi thì cũng được thôi, tôi không kháng cự, nhưng em nên nhớ tôi như thế này là vì ai? Tôi có vợ mà như không có vậy, và em sẽ nói sao với Dạ Lý khi chính má nó lại giết cha nó? Con chúng ta sẽ lớn lên mà không có cha à?" Đoạn, Cao Phỉ ngưng lại một hồi rồi mới thở dài nói tiếp: "Thừa nhận đi Quý, từ tận sâu đáy lòng em luôn biết rằng thứ duy nhất tôi cần là gia đình mình, tôi chỉ khao khát sự êm ấm thật sự chứ không phải là diễn tuồng đóng kịch, tôi có sai không khi mong mỏi như vậy? Em thừa biết mà."
Không nghe tiếng Nguyễn Thị Quý đáp, Dạ Lý thấy bà chỉ lặng lẽ ôm Tâm trong tay, vẫn vuốt ve để trấn an cho con nhỏ. Không thấy rõ Tâm đang như thế nào, hẳn là run rẩy nép sát vào Nguyễn Thị Quý như gà con nép bên cạnh mẹ, tội nghiệp nhỏ, tại sao chuyện này lại xảy đến với Tâm chứ? Dạ Lý siết chặt gấu bông, nước mắt vô thức trào ra.
Không, dù không phải với Tâm thì chuyện này cũng không nên xảy đến với bất cứ ai, không một ai nên chịu đựng chuyện này cả!
Lát sau Nguyễn Thị Quý mới thấp giọng nói với Cao Phỉ: "Ừ, là lỗi của tôi."
Cao Phỉ khẽ lắc đầu, giọng vẫn nghèn nghẹn: "Tôi đâu cần em nhận lỗi, tôi chỉ cần...em cho tôi cơ hội, chúng ta làm lại từ đầu, bỏ qua quá khứ để sống như một gia đình, vì con...được không em?"
Không có lời hồi đáp, dường như đây là mối nghĩ suy khó khăn nhất cuộc đời.
Mất một hồi sau, rốt cuộc cán cân cũng nghiêng về bên phía có đứa con của mình ở đó, Nguyễn Thị Quý đã nhượng bộ: "Ngày mai em sẽ cho con Tâm một số tiền lớn để nó và gia đình rời khỏi xứ này đi nơi khác lập nghiệp. Mình...đừng như vậy nữa..."
Nghe hai tiếng mình và em dịu dàng quá đỗi, Cao Phỉ cả mừng, mừng đến nỗi vừa khóc vừa cười, biết rằng Nguyễn Thị Quý đã chấp nhận cho mình một cơ hội, ông vội vội vàng vàng định đến ôm lấy bà nhưng Nguyễn Thị Quý theo phản ứng tự nhiên lại lùi về sau: "À...hôm nay như này...tâm trạng em không tốt, ngày khác đi, từ từ cho em chút thời gian...được không?"
Ban đầu Cao Phỉ còn hơi khựng lại nhưng sau khi nghe Nguyễn Thị Quý nói thế thì ông liền gật đầu lia lịa, mừng rỡ không giấu nổi trong lòng. Thế là suốt nhiều năm như vậy chung sống, rốt cuộc cũng đã có ngày ông được trở thành chồng thành cha thật sự rồi, đợi thêm một chút thì có là gì? Có là gì đâu chứ?
"Được được, mình nói cái gì tôi cũng nghe hết. Đây, đây là lần đầu cũng như lần cuối, tôi sẽ không tái phạm nữa đâu...sẽ trở thành người chồng người cha mẫu mực, xin mình hãy tin tôi..."
"Ừm, được rồi."
Chuyện đêm đó coi như đã giải quyết xong xuôi, trong cơn thống khổ tột cùng Dạ Lý không biết vì sao mình trở về buồng được mà chưa ngất xỉu ngoài vườn. Về đến nơi, ả đã phải giả vờ đang trùm kín mền say ngủ khi má bế Tâm đi vào đặt nằm ở chỗ cũ. Suốt từ lúc đó cho đến khi thiếp đi, ả cứ nằm trên giường nhìn Tâm, ả biết ngày mai sẽ phải xa nhau, nhưng có lẽ như vậy sẽ bảo vệ được cho Tâm.
Đó là cái đêm mà lần đầu tiên ả biết trần gian này đau khổ đến nhường nào, rằng hạnh phúc bấy lâu chỉ là trò hề dùng để lừa gạt đứa trẻ ngốc ngếch Cao Dạ Lý.
...
Sau khi nhỏ Tâm rời khỏi nhà trong lúc ả còn ngủ, cả ngay một lời tạm biệt cũng không thể nói thì những ngày sau Dạ Lý hình như đã không còn là Dạ Lý.
Ả cất con gấu bông vào tủ để mãi mãi không thấy nó nữa, không đau lòng vì hồi ức đó nữa, nhưng ả cũng không vứt bỏ nó, để vĩnh viễn nhắc nhớ mình về vở kịch gia đình đầm ấm mà chính bản thân cũng đang phải sắm một vai và phải diễn cho tròn vai đó.
Dạ Lý quyết định giấu che tất cả vào nội tâm mình, trước mặt cha má ả vẫn không né tránh hay tỏ ra bất mãn, nhất là với cha...ả đã từng cố gắng giải thích cho hành động đó của cha rằng ông chỉ đang muốn níu giữ gia đình mình...nhưng mà...
Bước ngoặt đến với Dạ Lý là vào cuối năm ả tám tuổi, chuẩn bị bước sang tuổi thứ chín.
Nguyễn Thị Quý đã sắp xếp một con nhỏ hầu khác đi theo chăm sóc ả, nhưng con nhỏ này miệng lưỡi rất chi chanh chua, thường chó cậy thế chủ mượn uy của ả mà bắt nạt những đứa trẻ khác. Con nhỏ này là con của một tá điền làm việc đã lâu cho nhà họ Cao, trước đây nó cũng từng biết rõ về mối quan hệ bạn thân giữa ả và Tâm, bây giờ thì muốn thay thế vị trí của nhỏ Tâm trong lòng ả, muốn thay thế bằng thủ đoạn và những trò hết sức quỷ quyệt.
Ngày xưa, Dạ Lý từng là một đứa trẻ rất hiền lành, tuy rằng có hơi nghịch ngợm một xíu nhưng cũng chỉ là trò trẻ con không gây hại đến ai. Từ khi Tâm đi thì ả đã trở nên trầm mặc hơn, thường dành thời gian đọc sách và suy nghĩ nhiều hơn là ra ngoài chạy giỡn, vì...bây giờ cũng còn có ai đâu nữa để cùng vui đùa...
Vậy nên đối với sự mượn oai của con nhỏ hầu mới này ả cũng mắt nhắm mắt mở cho qua, quá buồn chán để xen vào chuyện của bọn tá điền. Nhưng đến một ngày nọ, ả muốn đi ra bờ sông dạo mát nhưng lại không có ai theo cùng, tìm mãi mà chẳng thấy nhỏ hầu đâu, đột nhiên ám ảnh ngày về trước lũ lượt kéo về. Dạ Lý hớt hải vội chạy khắp nơi tìm con nhỏ để rồi trông thấy nó không chỉ bình an vô sự mà còn đang khoa môi múa mép về những đãi ngộ khi được ở bên cạnh cô hai Dạ Lý.
Lúc ả thở phào nhẹ nhõm định vẫy tay gọi nó thì chợt nghe nó nói với đám trẻ kia rằng: "Mày ngu lắm, tao nghe nói là do con Tâm chọc giận cô chủ, hm hình như là nó ăn cắp đồ nên mới bị đuổi đi đó!"
Một đứa trẻ khác xoa xoa cằm, nghi hoặc đáp: "Chắc không phải đâu mày ơi, con Tâm hồi đó ở sát bên nhà tao nè, nó dễ thương lắm, chăm chỉ nữa, làm gì có chuyện nó ăn cắp, mày chỉ giỏi lẻo mép."
"Tụi bây mới lẻo mép, tao ở ngay bên cạnh cô chủ, chính miệng cô chủ nói với tao nó ăn cắp đồ chứ bộ!"
"Tôi nói như vậy khi nào?" Dạ Lý nhíu mày, bàn tay nhỏ siết chặt vào nhau từng bước tiến tới gần con nhỏ hầu láo toét.
"C..cô chủ?" Nó ấp úng.
"Bạn dám vu khống cho Tâm, có biết tội đó lớn thế nào không?"
"Con...con đâu có vu khống, cô hai nói cái gì vậy? Con không biết gì hết."
"Còn chối, chính tai tôi nghe được bạn nói Tâm ăn cắp đồ mới bị đuổi đi, chuyện đó là vu khống, Tâm không có làm như vậy."
"Nhiều khi nó ăn cắp mà cô hai không biết đó thôi, tại cô hai hiền với khờ quá nên nó mới qua mặt đó."
"Mày...nói là tao khờ nên mới bị qua mặt?" Lời này vừa hay đã chạm vào đúng vết thương lòng của Dạ Lý.
Ả không có khờ, ả chỉ là...chỉ là...
Ừ, có lẽ nó nói đúng, chính vì ả khờ nên ai cũng có thể qua mặt. Cha má thì lừa dối ả, cả ngay bạn thân mà ả cũng không thể giữ được bên mình, còn nó, một con hầu mà cũng có thể ở đây lời qua tiếng lại với ả.
Ừ, chắc vì Dạ Lý khờ.
Nhưng ai khờ rồi cũng sẽ có ngày khôn ra thôi.
...
Hôm đó, một đám tá điền đã xông vào nhà con nhỏ hầu ấy, bắt cha mẹ nó ra đánh đập dã man, cả căn nhà tranh cũng bị thiêu rụi chỉ trong tích tắc.
Còn nó, một kẻ vu khống, lấn lướt cô chủ. Ả đã sai người treo nó lên cây sung rồi tự tay ả đánh nó cho đến...chết...
Khi nắng tắt Dạ Lý mới buông chiếc roi ra khỏi tay mình, đó cũng là khi hơi thở của con nhỏ hầu đã tắt lịm từ lâu, xác nó lạnh ngắt đung đưa trên cây sung, máu nhỏ giọt loang thành vũng dưới đất.
Dạ Lý vứt roi da quay lưng rời khỏi mà không thèm ngoái đầu nhìn lại, ngày hôm đó người chết không phải chỉ có duy nhất mỗi con nhỏ hầu, ngày hôm đó Dạ Lý cũng tự tay giết chết thiện lương trong mình, ngày hôm đó không còn Dạ Lý mà chỉ có một cô hai Cao Dạ Lý con ông hội đồng Cao và là cháu ngoại ngài đốc phủ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...