Nam Ai

Nguyễn Thị Quý cầm tấm thiệp hồng trên tay cũng không nghĩ gì nhiều liền mang vào buồng cho Dạ Lý xem, Hồng Lệ đi ngay sau lưng bà, cả hai người phụ nữ gõ cửa rồi kêu mấy tiếng, đứng chờ một hồi mà vẫn chưa thấy động tĩnh nên có hơi sốt ruột. Lúc Nguyễn Thị Quý sắp mất kiên nhẫn thì cửa phòng hé mở, chỉ là hé mở, một khoảng trống nhỏ vừa đủ để thấy người đứng phía sau chính là Nam Sa, nàng cười gượng gạo, làn môi vương nhoè màu son ai đó.

"Dạ thưa...bây giờ cô hai đương ngủ, bà chủ với má lát quay lại được không?" Nam Sa thoáng qua hơi xấu hổ nói.

Nguyễn Thị Quý biết tỏng tòng tong, Nam Sa ở đây thì Dạ Lý sẽ ngủ nổi sao? Bà bĩu môi, đáp: "Khỏi, không phiền mấy người, cầm cái này đưa cho cô hai coi đi, ờ mà chắc cô cũng quen nên thôi cô coi luôn đi."

Hồng Lệ thì vẫn như thường ngày, nhàn nhạt thấu tỏ nhân sinh mà không thèm nói, chỉ cười nhẹ với Nam Sa, bảo rằng: "Cũng vừa vừa thôi nghen con."

Dứt lời liền quay lưng đi như không muốn nhìn nữa, để lại Nam Sa ngượng ngùng ngóng theo. Nguyễn Thị Quý nhét vào tay nàng tấm thiệp hồng rồi cũng lững thững chạy theo sau Hồng Lệ ra nhà trước.

Trong buồng, Dạ Lý tựa lưng đầu giường, vai áo trễ sang bên mà đôi môi thì lem son hết cả. Nam Sa vừa cầm khăn tay vừa cầm thiệp hồng đăm chiêu bước tới gần ngồi xuống bên cạnh ả: "Chị, trên này viết tên Nguyễn Thu Phượng, là chị Phượng mình gặp ở trên Sài thành phải không?"

Dạ Lý nghe mà giật mình, vội lấy tấm thiệp xem qua, quả nhiên đề tên là Thu Phượng. Càng không sai khi đó chính là Thu Phượng người con gái xứ Huế ả đã vô tình tao ngộ trên cầu Trường Tiền năm xưa và tái ngộ ở đất Sài Gòn năm nay.

Hai người ngơ ngác nhìn nhau không nói nên lời.

Thu Phượng lấy chồng? Sao lại lấy chồng đột ngột như vậy? Thực ra đây đáng lẽ chuyện vui, có điều không hiểu sao cả Dạ Lý lẫn Nam Sa đều cảm thấy không ổn thoả cho lắm.

Chợt, Dạ Lý khựng lại, như sực nhớ ra điều gì, ả hỏi Nam Sa: "Em, em biết đọc chữ?"

Nam Sa giật mình, nàng hơi ấp úng, đáp: "Dạ, em...em..."


"Em học chữ từ bao giờ vậy?" Dạ Lý cố ý hỏi dồn nàng.

Phải biết thời ấy không có mấy ai biết chữ, con cái phú hộ được cho ăn học, hơn một nửa đã lười nhác chỉ biết vô độ trác táng, chữ nghĩa để bụng vậy chứ có vận dụng chi được nhiều. Nửa số còn lại thì giỏi hơn, thậm chí xem tri thức như con đường chính để mưu cầu, sang tận bên Tây du học là chuyện như cơm bữa.

Tuy nhiên, một thiếu nữ với hoàn cảnh đặc biệt như Nam Sa thì có khả năng biết chữ hay sao?

"Em không muốn nói chị biết?" Biểu cảm trên gương mặt Dạ Lý trầm xuống.

Nam Sa còn lạ lẫm gì với thái độ này của ả, nàng vốn tỏ nếu không để ả tận tường điều ả muốn thì nhất định Dạ Lý cũng sẽ tìm bằng mọi cách để biết được, vậy chi bằng tự mình nói ra: "Dạ, hồi nhỏ má có dạy cho em chút đỉnh chữ nghĩa, biết được biết viết sơ sơ thôi chị.". Googl𝓮 ngay tгang — T𝑹u𝗠T𝑹 𝖴Y𝓮𝗡.vn —

"Dì cũng biết chữ?" Hai mẹ con nhà này luôn khiến ả có quá nhiều ngạc nhiên.

Nam Sa gật đầu, dạ thêm một tiếng coi như xác thực.

Thiệt tình lạ thì có lạ nhưng nhà nghèo biết chữ cũng không phải chuyện chi quá đỗi to tát khủng khiếp để đáng bận lòng, mà ả chỉ buồn vì bấy lâu Nam Sa thế mà chẳng kể ả hay.

Trở lại với tấm thiệp hồng, hai người mở ra đọc mà không khỏi dâng lên cảm giác nghi hoặc khó tả. Cô dâu đề tên quý nữ Nguyễn Thu Phượng, chú rể ghi là út nam Trần Thành Phương, cái người Trần Thành Phương này vô duyên vô cớ từ đâu xuất hiện không biết nữa, vậy mà lại sắp sửa làm chồng Thu Phượng trong tương lai.

"Kiều Trang, không phải Kiều Trang và chị Phượng...hai người đó là...?" Dạ Lý cau mày thì thào.


Nam Sa tỏ ra phân vân, ngẫm nghĩ rồi cũng đành lắc đầu: "Em không biết, nhưng mình có nên báo với chị Kiều Trang một tiếng không chị?"

"Báo với cô ta để rồi cô ta sẽ như thế nào đây? Có lại bốc đồng chi nữa hay không đây?"

"Em...không biết, nhưng chị, chị Thu Phượng và chị Kiều Trang cũng xem như bè bạn, hai người đó còn có vẻ thân như vậy, không báo...sau này sợ vướng chuyện tréo ngoe."

Nghĩ cũng đúng, vả lại, có lẽ Kiều Trang đủ tư cách để biết về tấm thiệp hồng này.

...

"Chị Trang ơi! Có bức thư dưới tỉnh gửi đường bưu điện lên địa chỉ tiệm mình nè chị, trên thư có đề danh chị đó, coi thử đi."

Em gái phụ việc tiệm váy đầm nhà Kiều Trang xách váy hớt hải chạy lên lầu đưa cho cô bức thư mình vừa mới nhận được dưới sảnh. Bấy giờ, Kiều Trang đang lựa đầm cho bà khách sộp người Chà Và lai Tàu, bà này cũng là khách quen, chỉ ưng bụng mỗi một Kiều Trang chọn lựa.

Cô dở tay bận việc nên bảo con nhỏ đặt thư trên bàn, đợi chừng nào khách về rồi mới rảnh rang xem.

Kiều Trang không hề hay biết đó là những giây phút bình yên cuối cùng của lòng cô.

Khoảnh khắc bức thư Dạ Lý gửi được mở ra thì cũng là lúc Kiều Trang đứng giữa cửa tiệm bật cười lên như một kẻ điên hoang dại.


Cô cười, cười lớn đến mức lồng ngực tựa như rách toạc để lộ ra trái tim bị cứa đến nát tan tơi tả.

Cô cười, cười đến nỗi lệ chảy thành dòng tự bao giờ chẳng biết chẳng hay.

Mấy em gái phụ việc trong tiệm vừa sợ vừa lo mon men tới gần thì liền bị Kiều Trang hét lên đuổi đi cho khuất mắt. Thu Phượng, người con gái đó quả nhiên không bao giờ có thể là của cô, mà cô bây giờ là của Thu Phượng thì còn có nghĩa lý gì? Người ta không cần, người ta nói là đồi phong bại tục, người ta ghét bỏ cô, người ta căm hận cô, người ta...người ta...

Người ta bỏ cô đi lấy chồng rồi.

Trời đất xung quanh Kiều Trang ngửa nghiêng chao đảo, cô đâu có uống chút men nào mà sao bây giờ lại giống kẻ đang say? Lạ lùng vậy kìa...lạ lùng quá...

Ông trời, là ông không có mắt hay là tôi không có mắt? Thương một người cũng có tội nữa hay sao hở ông trời? Tôi đáng bị quả báo lắm hay sao hở ông trời?

"Trang!"

Chất giọng này thuộc về một người phụ nữ trung niên vận đầm Tây màu xanh ngọc, bà cởi chiếc mũ rộng vành để lộ ra gương mặt đẹp đến ngỡ ngàng.

Ôi bà là một phụ nữ quá diễm lệ mà cũng có vẻ rất nghiêm khắc, bằng cớ là khi bà vừa đi lên lầu thì chỉ cần liếc sơ qua cục diện liền khiến mấy cô em phụ việc phải khom lưng cúi đầu chạy tới chờ lệnh bà chủ lớn.

Kiều Trang, con gái nuôi của bà đang quỳ ngay đó, là con bà mà bây giờ bà cứ ngỡ là một ả loạn trí vất vưởng nào đó cả gan lẻn vào đây.

"Trang, sao vậy con?"

Người phụ nữ đến gần đỡ Kiều Trang dậy, vừa lúc tay bà chạm vào cô thì Kiều Trang liền như có điện giật, lao vào lòng bà ôm chặt lấy mà oà lên khóc nức nở. Bà ra hiệu cho mấy cô em phụ việc tạm đóng cửa tiệm lại và cũng hãy lánh mặt đi, để mỗi bà ở đây cùng với con gái mình.


"Mẹ ơi...con khổ quá mẹ ơi..." Tiếng khóc của Kiều Trang như mũi đinh đâm thấu tâm người cô gọi là mẹ.

Ôm siết cô trong lòng, bà vỗ về Kiều Trang như cái cách mà suốt ngần ấy năm qua làm mẹ bà đã vỗ về mặc dù chưa có lần mang nặng đẻ đau: "Mẹ ở đây rồi, Trang của mẹ uất ức chi kể mẹ nghe, mẹ thay con giải quyết."

"Không, không giải quyết gì được nữa đâu mẹ ơi, muộn rồi...đã muộn rồi!..."

"Chậc." Người phụ nữ tặc lưỡi, mắt dời đi lại vô tình trông thấy bức thư nọ rớt dưới sàn, bà bèn vươn một tay nhặt lên lẩm bẩm đọc.

...

Trong phòng ngủ của Kiều Trang.

Cô đã ngủ thiếp đi mất rồi, vì khóc đến mệt lã, trên gương mặt ửng đỏ là đôi mắt sưng húp dường như chẳng thể nào khô lệ. Cạnh bên cô, bà Thạch Thảo vẫn lặng lẽ vỗ về tấm lưng lạnh lẽo, bà sầu muộn vô ngần, người phụ nữ đẹp như bà mà sầu muộn thì vô tình cũng khiến nỗi sầu đẹp đẽ xiết bao.

Thạch Thảo thở dài, không lẽ con gái bà thật sự vì cô gái tên Thu Phượng được đề cập trong thư mà ra nông nỗi này ư?

Con bà nói khổ, nó nói rằng nó khổ quá, mà người làm mẹ như bà chỉ biết bất lực ngồi nhìn.

Cớ sự này không biết bắt nguồn từ đâu nhưng lại liên quan đến Cao Dạ Lý cháu ngoại đốc phủ sứ một tỉnh, chắc bẩm cũng đủ mật thiết để cô hai Dạ Lý phải đích thân biên thư lên Sài Gòn cho Kiều Trang.

Rốt cuộc, những đứa trẻ này đang làm cái sự gì? Bà tuy muốn hỏi rõ Kiều Trang nhưng lại không muốn làm cho tinh thần cô trở nên bấn loạn lần nữa, biết phải thế nào đây? Tại sao người con gái vô tư phóng khoáng của bà trong một ngày lại thành ra điên dại khổ lụy như vậy?

Tội này, bà phải bắt ai chịu trách nhiệm đây?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui