Mưu Trí Thời Tần Hán

Sự đông đúc giàu có đời Tùy, sự hùng mạnh của đế quốc Tần đều rất nổi tiếng trong lịch sử. Tuy đều cường thịnh và thịnh hành muôn dặm nhưng cả hai vương triều hùng mạnh đó đều đoản mệnh, chỉ truyền được hai đời vua rồi không xuất đầu lộ diện nữa. Triều vua Đường được xây dựng trên các tàn tích của cuộc chiến tranh nông dân, Lý Thế Dân đã tận mắt chứng kiến việc vương triều Tùy thịnh vượng là thế mà chỉ qua hai đời thì đã tuyệt diệt.
Nên khi Lý Thế Dân lên ngôi năm 626 sau Công nguyên cũng chính là đời vua thứ hai của triều Đường, ông không khỏi lo lắng, sợ sẽ giẫm phải vết xe đổ của Tần Nhị Thế và Tùy Dạng Đế. Vì vậy Đường Thái Tông rất coi trọng việc "lấy lịch sử làm gương". "Dĩ cổ vi kính, khả dĩ tri hưng thế" (lấy đời xưa làm tấm gương, có thể biết được hưng thế) đã trở thành châm ngôn sống của ông. Như vậy, lấy lịch sử làm tấm gương mà soi (dĩ sử vi giám) đã trở thành một trong những nội dung quan trọng của nền thống trị Trinh Quán Đường Thái Tông.
"Dĩ sử vi giám" nghĩa là rút ra bài học kinh nghiệm từ sự hưng vong của các triều đại trong lịch sử, xem xét hiện thực, so sánh đối chiếu với bản thân, cố gắng lo toan việc trị nước yên dân, xây dựng triều chính sáng suốt tiến bộ. "Dĩ sử vi giám" đương nhiên là bao hàm lịch sử, nhưng Đường Thái Tông chủ yếu chỉ coi Hán là thầy còn Tùy, Tần thì tránh mà trọng điểm là lịch sử Tần, Tùy thông qua việc xem xét những sai lầm đã dẫn đến sự diệt vong của hai triều đại Tần, Tùy để tìm ra phương pháp, con đường đúng đắn thống trị đất nước. Chúng ta khái quát hóa cách làm này thành kế "Cứu quá đắc chính".

Đường Thái Tông đã vận dụng kế "Cứu quá đắc chính" này, tuy rằng rất gian khổ nhưng có thể nói là cũng rất sáng suốt.
Đường Thái Tông vốn là người tinh thông võ nghệ chứ không phải việc văn chương nhưng để có thể làm cho kế "cứu quá đắc chính" đạt được hiệu quả thiết thực thì về sau ông lại trở thành vị hoàng đế ham thích, say mê nói chuyện lịch sử.
Đầu những năm Trinh Quán, Đường Thái Tông nhân những lúc rỗi rãi thường nói chuyện chính sự cùng các quần thần, bàn luận quy luật hưng vong trị loạn từ xưa đến nay. Sử gia Lý Bách Dược đã khen ông "thường xuyên cùng với các bậc nhân sĩ luận bàn các điển tích, đàm luận chuyện văn thơ, thậm chí say sưa đến mức quên cả mệt nhọc, quên cả giờ giấc". Ông thường một mình đọc sách quên cả mệt mỏi đến tận đêm khuya. Đồng thời cũng cho người viết sách sử cho riêng ông. Được sự khuyến khích của Đường Thái Tông, trong những năm Trinh Quán đã biên soạn được các cuốn chính sử như "Bắc Tề thư , "Chu thư", "Lương thư" , "Trần thư" , "Tùy thư" , "Tấn thư" , "Nam sử", "Bắc sử" chiếm đến gần một phần ba trong 25 bộ sử, các quan đại thần nổi tiếng như phòng Huyền Linh, Ngụy Trưng, Trưởng Tôn Vô Kỵ đều là những nòng cốt trong quá trình viết sử. Đường Thái Tông do chịu khó đọc sách và khiêm tốn học hỏi nên có những kiến giải độc đáo có lý, có căn cứ về các sự kiện lịch sử trọng đại đặc biệt là đối với Tần Thủy Hoàng, Tùy Văn Đế, Tùy Dạng Đế.

Xét về sai lầm "ngược đãi dân" của nhà Tùy, Đường Thái Tông đề ra tư tưởng "lấy dân làm gốc". Ông cho rằng nguyên nhân làm cho nhà Tùy bị diệt vong là do trong khi người dân muốn chăm chỉ làm ruộng thì Tùy Dạng Đế lại không ngừng bắt lao dịch, phu phen, nhân dân đã khốn khổ đủ đường rồi mà Tùy Dạng Đế vẫn không ngừng bóc lột để phục vụ cho cuộc sống xa hoa lãng phí của mình. Người làm vua như thuyền, trăm họ là nước, nước có thể đẩy thuyền và cũng có thể lật thuyền. Do đó, muốn dựng nước phải biết dựa vào dân, muốn cho nước giàu thì trước hết phải làm cho dân no đủ. Vì vậy, Đường Thái Tông đã đề ra những chính sách, biện pháp trọng nông, an dân như: Giảm tô thuế, xây dựng các công trình thủy lợi. Nhờ vậy mà kinh tế trong những năm Trinh Quán được khôi phục và phát triển nhanh tới không ngờ.
Tùy Văn Đế là người đa nghi, thậm chí còn nghi ngờ cả thái tử Dương Dũng mưu phản nên đã phế Dương Dũng để lập con thứ vốn là người hoang dâm vô độ - Dương Quảng tức Tùy Dạng Đế. Khi xem xét sai lầm về sự "đa nghi" trong cách dùng người của nhà Tùy, Đường Thái Tông đã cố gắng đối xử chân thành cởi mở, không tỏ ý nghi ngờ với bề tôi trên cơ sở phương châm "nhiệm hiền mà trị". Vì vậy, Đường Thái Tông không bao giờ tin những lời gièm pha, loại bỏ những kẻ tiểu nhân, tạo điều kiện cho các đại thần phát huy sở trường. Nhân tài dưới thời Đường Thái Tông tuy có kẻ thù và có cả bạn hữu được đề bạt lên nhưng không ai là không dốc hết tài trí cùng với Đường Thái Tông gây dựng nên một thể chế Trinh Quán sáng suốt, hưng thịnh.
Kế "cứu quá đắc chính" của Đường Thái Tông có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng thể chế Trinh Quán. Để đạt được điều đó không chỉ có sự vận dụng tài tình của Đường Thái Tông mà về cơ bản còn vì đặc tính vốn có của mưu kế này. Những việc sai lầm sớm muộn cũng sẽ bị đào thải, "cứu quá đắc chính" có thể làm cho người ta luôn ở vị trí đứng đầu, khuyết điểm, sai lầm sẽ ít đi mà ưu điểm sẽ nhiều lên và tự dưng sẽ có tiềm lực phát triển rất lớn.

Trong quá trình cạnh tranh trên thương trường muốn làm cho lượng tiêu thụ của mình trội hơn so với các hãng khác thì đương nhiên là càng phải vận dụng kế "biến trắng thành đen". Duy trì được ưu thế của sản phẩm, khắc phục và loại bỏ được những sai sót và hạn chế thì mới có thể làm cho sản phẩm của mình có được thị trường rộng lớn. Không ít các doanh nghiệp lớn nhờ dựa vào kế "cứu quá đắc chính" này mà ngày càng phát triển, lớn mạnh.
Công ty Panasonic ngay từ khi mới ra đời đã dùng kế "cứu quá đắc chính". Chiến lược của họ là "không có phát minh mà chỉ cải tiến". Công ty Panasonic chọn những phát minh trong và ngoài nước để mua lại bản quyền sau đó phỏng chế và cải tiến. Cho đến nay Panasonic rất ít khi phát minh ra những sản phẩm mới nhưng lại luôn cố gắng tạo ra các sản phẩm với giá thấp hơn các hãng khác để mở rộng việc tiêu thụ. Họ đã xây dựng 23 trung tâm nghiên cứu sản xuất với kỹ thuật tiên tiến nhất để chuyên phân tích sản phẩm mới của các đối thủ cạnh tranh, xem xét những điểm hạn chế, tìm ra các biện pháp cải tiến hoặc loại bỏ chúng, tìm cách tốt nhất để làm cho chất lượng, tính năng của sản phẩm mình ngày càng hoàn thiện.
Máy quay phim vốn là phát minh của công ty Sony, Nhật Bản, nhưng hãng Panasonic sau khi xem xét đã biết được nhược điểm của sản phẩm Sony là thời gian chiếu phim ngắn. Vì thế Panasonic đã đưa ra một loại rất tinh xảo với thể tích tuy nhỏ nhưng dung lượng lớn nên tính năng của nó hơn hẳn mà lại giảm được 5% giá thành sản phẩm. Và hiển nhiên chúng ta có thể thấy ngay được giữa nhà phát minh với người cải tiến ai thắng ai thua.

Công ty Xulist Paker của Anh còn vận dụng kế này tài tình hơn, họ không chỉ tích cực cho ra các sản phẩm mới mà còn có tài tìm ra các sai sót và hạn chế trong sản phẩm của các hãng khác. Mỗi khi đối thủ cạnh tranh đưa ra một sản phẩm mới là các kỹ sư của công ty này bắt tay vào hành động ngay. Trên danh nghĩa là họ đi bảo dưỡng sản phẩm của công ty cho khách hàng nhưng thực tế thì nhiệm vụ hàng đầu của họ là bí mật điều tra. Họ rất kiên nhẫn hỏi thăm khách hàng những ưu điểm và hạn chế đối với các sản phẩm mới mà hãng khác đưa ra để xem nên thêm những công năng gì, họ đánh giá thế nào...
Sau khi bắt tay vào hành động tức là họ đã hoàn thành xong nhiệm vụ "cứu quá". Tiếp sau đó sẽ thấy ngay kết quả "đắc chính", các sản phẩm đã qua cải tiến xuất hiện trên thị trường. Các sản phẩm này hiển nhiên là đáp ứng được nguyện vọng và yêu cầu của khách hàng, kết quả là mọi người chọn sản phẩm của hãng Xulist Paker.
Cả hai công ty trên đều chậm hơn người khác một bước và chịu đứng thứ hai. Nhưng không thể nói trình độ kỹ thuật của họ kém hay thiếu khả năng phát minh, sáng tạo mà chính là ở các bước chậm hơn người khác đó mà họ đã làm được theo cách "cứu quá đắc chính".


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui