Cuộc sống đại học, là cảm giác gì đây?
Câu này hỏi Lương Túc, đáp án rất đơn giản___là một cái ván nhảy, chọn học thứ có ích, học thứ vô dụng cũng được, nhiệm vụ chủ yếu là lấy được tấm bằng, mở mang kiến thức và mở rộng vòng giao tiếp.
Ông chủ Lương rất thực tế, anh không thể nào không thực tế, cái tuổi lang thang không thực tế của anh đã qua rồi, thứ anh gánh vác là rất nhiều gia đình, trong lòng anh chứa rất nhiều người, anh không có gì cả, chỉ có thể dùng tuổi trẻ để đổi lấy vốn liếng.
Anh nhận rõ hiện thực, biết rõ sự bất lực của mình, nhưng đây không phải tự ti, chỉ là một đạo lý rõ ràng mà thôi: mình đầu thai không tốt, từ nhỏ đã được định sẵn là một trong vô số người qua đường trong quảng đại quần chúng nhân dân, muốn nổi bật thì nhất định phải trả giá nhiều hơn người khác, bằng không thì dựa vào cái gì đây?
Câu này hỏi Liễu Dung, đáp án là bận rộn__cô đột nhiên đến một nơi xa xôi lạ lẫm, cái gì cũng không hiểu, cái gì cũng cảm thấy hứng thú, bận làm quen trường, bận làm quen với hoàn cảnh chung quanh trường, bận theo các bạn học học ngôn ngữ địa phương của họ, bận xem danh sách tuyên truyền các diễn đàn đủ loại, bận làm quen với cuộc sống tự do ở đại học.
Đúng, tự do.
Năm 18 tuổi, cô phát hiện ước mơ của mình thế mà giống với Lương Tuyết sáu năm trước, muốn phá tan giới hạn, muốn có được tự do, không cần quá nhiều quyền bính nhưng ít nhất có thể tự chi phối cuộc sống của chính mình.
Cô hiện đã có tự do mặc quần áo tùy thích, có tự do chi phối thời gian của mình, có tự do mơ ước.
Ngày đầu tiên họp lớp, giáo viên chủ nhiệm đặc biệt nhấn mạnh muốn mọi người phải chú tâm học hành, đừng để nợ môn, tuy ký túc xá của trường có mạng có thể online miễn phí không giới hạn, nhưng thầy mong mọi người biết rằng chuyên ngành của mình không phải là lên mạng.
Liễu Dung tự biết năng lực tự ràng buộc của chính mình chả ra sao, thế nên cô lấy cuốn sổ nhỏ viết hết những chuyện cần làm lên trên, cô cảm thấy mình có rất nhiều chuyện cần làm, cả đống thứ chi chít, xem ra còn bận hơn ứng phó hồi cấp 3 nhiều, nhưng dù vậy, mỗi ngày cô vẫn có rất nhiều thời gian, bỏ mặc tâm tư chạy rông không giới hạn, suy nghĩ rất nhiều chuyện.
Đôi lúc cô cảm thấy, giả tạo đến một cảnh giới nhất định, ngay cả mình cũng cảm thấy mình là triết học gia.
Đại học C có một thư viện cực kỳ lớn, thượng vàng hạ cám gì cũng có. Lúc không có tiết, Liễu Dung liền thích vùi mình vào trong đó, cô từng tưởng rằng mình rất dính nhà, thích hợp ở nơi gần nhà, sống kiểu nửa ngoại trú, kể cả học đại học hay đi làm đều thế.
Nhưng tới đại học C rồi, tâm của cô dường như thoáng chốc trở nên hoang dã, sự biếng nhác trên người bị che lấp bởi sự tò mò và khát khao khó diễn tả muốn lao ra nhìn ngắm thế giới bên ngoài.
Cô muốn trở thành một người tự do, gặp rất nhiều người, rất nhiều chuyện, đọc rất nhiều sách, gặp chuyện gì đều có thể không quan tâm hơn thua___điều này đã biến thành lý tưởng hàng đầu của Liễu Dung ở trường đại học.
Đồng thời vì lý tưởng này mà sau hai tháng khai giảng, cô không ào ào tham gia hội sinh viên trường như người khác mà qua hai lần phỏng vấn, vào một tổ chức phi chính phủ của đại học C, viết tắt tiếng Pháp là AIESEC, dịch ra cực kỳ dài, tên đầy đủ là “Tổ chức Quốc tế của Sinh viên Ngành Khoa học Kinh tế và Thương mại”, trở thành sinh viên hệ tự nhiên duy nhất trong đó.
Thế là cô bắt đầu những ngày tháng càng bận rộn hơn.
Nếu hỏi Lương Tuyết cuộc sống đại học là gì, e là cô sẽ trầm mặc rất lâu, cô không biết cuộc sống đại học của người khác thế nào, cô chỉ cảm thấy những gì cô cảm nhận không hề tự do vui vẻ như giáo viên cấp 3 miêu tả, cô rất mệt mỏi.
Lương Tuyết học tiếng Đức ở một trường đại học tổng hợp, là chuyên ngành ngôn ngữ ít thông dụng. Mấy năm trước, chuyên ngành này còn thưa thớt, nhưng vì yêu cầu nhân lực ngày càng lớn, người tốt nghiệp ra ngày càng có tương lai nên cũng càng lúc càng hot, điểm tuyển đại học đầu vào cũng càng lúc càng cao. Lương Tuyết một lần nữa phơi bày kỳ tích của người nhà họ Lương, phát huy vượt trội hơn bình thường vào thời khắc mấu chốt, điểm thi đại học của cô cao hơn điểm thi thử trước đây gần 30 điểm.
Nhà trường đồng ý đơn xin vay tiền học phí dành cho sinh viên của cô, cô vốn tưởng rằng lần này cuối cùng có thể như vô số lần cô mơ ước, qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai.
Nhưng đó chỉ là... vốn tưởng mà thôi.
Cô vất vả, nhưng không hề vui vẻ.
Lương Tuyết nhận hai công việc làm thêm, một việc là làm gia sư, dạy một bé trai học lớp 3 môn toán và tiếng Anh.
Công việc này là nhờ người quen giới thiệu, một tiếng 60 tệ, tính theo lương gia sư tiểu học thời đó là giá cao hiếm có, vừa đến nhà, Lương Tuyết liền biết giá cao như vậy là vì sao mà có.
Cậu bé tên ở nhà là Lạc Lạc, là một shota môi hồng răng trắng mặt mày thanh tú, lễ phép, phụ huynh cũng hiền hòa, chỉ có điều cậu bé hình như hơi có chứng hiếu động. (1)
(1) Chứng hiếu động (chứng tăng động kém chú ý): viết tắt là ADHD, là chứng bệnh mà trẻ có hành vi hoạt động quá mức, không biết kiềm chế, không thể tập trung sự chú ý vào điều gì.
Lương Tuyết giảng bài, phát hiện tiểu đồng chí Lạc Lạc bắt đầu cầm bút chọt cục tẩy, còn chọt rất có cảm giác nghệ thuật, đường nét ngổn ngang giống như tranh Picasso. Lương Tuyết gõ nhẹ lên bàn để cậu tập trung nghe giảng:
- Lạc Lạc, em nhìn chị nè, nghe chị nói một lần nhé, chị nói xong sẽ kiểm tra em đấy.
Lạc Lạc ngẩng đầu nhìn cô, nhưng chưa tới nửa phút, Lương Tuyết phát hiện cậu bắt đầu vô cùng vui vẻ ngồi đó tự chơi đấu mắt, nghiêng nghiêng đầu bên trái rồi lại nghiêng nghiêng đầu bên phải, đấu chán chê lại chơi trò trợn trắng mắt, còn thè cả lưỡi ra...
Lương Tuyết buồn bực, nhiều lần nỗ lực lôi kéo sự chú ý của cậu bé xui xẻo này nhưng không có kết quả.
Cuối cùng, cô nói với cậu bé:
- Lạc Lạc, em biết mẹ em đã phí bao nhiêu tiền để tìm chị về dạy em không?
Lạc Lạc chớp chớp đôi mắt to ngây thơ nhìn cô. Lương Tuyết kiên trì nỗ lực:
- Chị giảng cho em một tiếng là em phải ăn ít đi hai bữa McDonald, em tính xem, mỗi ngày chị giảng cho em hai tiếng, mỗi tuần một lần, một tháng bốn tuần, vậy là em phải ăn ít đi bao nhiêu bữa McDonald?
Lương Tuyết ngây thơ cho rằng, dùng loại ví dụ thực tế này có thể gây ra hứng thú tính toán cho một đứa trẻ học lớp ba, nhưng sau hai phút cân nhắc, Lạc Lạc mới từ từ ngẩng đầu lên nói cho cô đáp án:
- Chị, em muốn ăn ít đi 18 bữa.
Nhìn dáng vẻ Lương Tuyết không còn gì để nói, Lạc Lạc lại nói kiểu đại gia:
- Không sao, chị yên tâm, mẹ em nói rồi, mẹ em có tiền!
Mẹ Lạc Lạc là một người phụ nữ rất tốt, trong lòng biết rõ con trai mình là dạng yêu ma quỷ quái gì nên trước nay luôn trả lương rất phóng khoáng, yêu cầu cũng rất thấp “chỉ cần dạy nó đạt yêu cầu là được, dạy được chút nào hay chút nấy, đã có 4 5 giáo viên bỏ cuộc rồi, em ráng kiên trì tới cùng nha cô gái!”
Nhưng Lương Tuyết cảm thấy, đã cầm nhiều tiền của người ta như vậy thì không được phụ lòng người ta, có một quãng thời gian ngày nào cô cũng về mượn cái máy vi tính cũ second-hand của Lương Túc để lên mạng tìm tòi về tâm lý học nhi đồng, thay đổi cách soạn giáo án, nghĩ mọi cách để Lạc Lạc có thể tự lưu thứ gì đó vào đầu ở bất cứ lúc nào bất cứ nơi đâu.
Ba cô gái khác trong phòng Lương Tuyết đều có hoàn cảnh gia đình rất tốt, trong đó có một cô có thể gọi là nhà giàu, ngày đầu tiên đi học đã phàn nàn tủ quần áo trong phòng quá nhỏ, hoàn toàn không đủ cho cô ấy để đồ, vị tổ tông đó bình quân mỗi tuần dạo phố hai lần, mỗi lần đều vung tay rất tàn bạo.
Giữa con gái với nhau, mua đồ về là luôn phải khoe khoang, trình diễn một vòng, cho mọi người khen ngợi rồi mặc thử mới xem như thôi. Hôm nay cậu mua một cái váy, ngày mai mình mua một cái áo khoác, ngày kia cô ấy mua một cái nón.
Nghỉ quốc khánh bảy ngày, trừ Lương Tuyết, ba cô gái trong phòng, một người đặt vé máy bay về nhà, hai người còn lại xách va ly đi du lịch, chỉ một mình cô cày cuốc kiếm tiền.
Sau bảy ngày, họ về lại phòng ký túc, mấy cô gái tụ tập với nhau tíu ta tíu tít bàn luận, mỗi người đều trải qua vô số chuyện kỳ thú kể không hết và xách bao lớn bao nhỏ đặc sản đem về. Lương Tuyết vờ như có việc, trốn ra ngoài, cô cảm thấy nơi này không thích hợp với cô, họ chắc chắn sẽ đem đồ cho cô, nhưng cô không có gì có thể trao đổi.
Buổi tối về, ba người kia đều đã ngủ, Lương Tuyết thấy trên bàn mình là phần họ để dành cho cô, cô chợt không chịu nổi nữa, ngồi xổm xuống bật khóc trong im lặng.
Đây là thanh xuân của các cô ấy__tùy tiện, vui vẻ, nỗ lực vì tương lai và mơ ước của bản thân, các cô ấy đi rạp xem phim, ăn đồ ăn vặt, kêu bè gọi bạn, trưng ra dáng vẻ xinh đẹp nhất trong cái tuổi đẹp nhất của mình.
Lương Tuyết cảm thấy thanh xuân của cô còn chưa bắt đầu thì đã chết. Thế giới của cô vĩnh viễn chỉ có tiền kiếm mãi không đủ, những công việc làm mãi không xong, những mối giao tiếp với chủ mãi phiền lòng.
Khi so sánh với anh trai, cô cảm thấy mình chưa đủ mạnh. Nhưng khi so sánh với những bạn học vui vẻ này, cô mới phát hiện, hóa ra cái tuổi này của mình lẽ ra không nên chịu đựng nhiều như vậy.
Bất kể thế nào, cuộc sống vẫn nhanh chóng trôi qua trong sự không ngừng thích ứng đã biến thành dáng vẻ hoàn toàn mới.
Liễu Dung bắt đầu thích ứng với việc mỗi ngày 11 giờ đêm mới từ văn phòng về phòng ngủ, cô tham gia tổ chức quốc tế, giao tiếp với đủ loại người nước ngoài, dần nghe hiểu được tiếng Anh của người Ấn Độ, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Ba Lan. Cô tham gia đủ loại party, từ một nữ sinh ban đầu nói chuyện luôn chậm hơn người khác nửa nhịp đã biến thành một người gặp người nói tiếng người, gặp quỷ nói tiếng quỷ, gặp người phương Tây cũng có thể huyên thuyên tán gẫu chuyện trên trời dưới đất vô biên vô hạn.
Thường Lộ Vận sau một trận khóc rống đã dốc sức hòa nhập vào các học sinh bản địa, mặc quần áo giản dị, cắt tóc ngắn, không còn lo ngại đồ chiên trong trường nữa mà cùng mọi người chen chúc ở nhà ăn, có thể mặt không đổi sắc vớt xác ruồi trong đồ ăn ra rồi ăn tiếp, quen với việc thờ ơ với nhà vệ sinh hôi thối, quen thức dậy lúc 4 giờ rưỡi sáng, 5 giờ đến trường học, bỏ điện thoại di động ở nhà, sống cuộc sống nguyên sinh mà bình yên.
Lương Tuyết đã quen càng thêm nỗ lực vất vả học tập và làm việc, tìm đủ loại việc làm thêm, bớt ăn bớt mặc, sau đó vào trước ngày chủ nhật về nhà, cô sẽ dùng số tiền bủn xỉn để dành mua một bao lớn đồ ăn vặt chia cho mấy cô gái vùng khác không về nhà được____cô luôn cố chấp cho rằng, tình bạn là cần phải có qua có lại.
Cái lạnh từ từ đến, đợi khi nhà trường bắt đầu đặt vé tàu hỏa nghỉ đông về nhà, Liễu Dung mới phát hiện mình đã gần nửa năm không liên lạc với bạn cũ, số điện thoại Lương Túc cô lưu gần nửa năm mà chưa bao giờ gọi lấy một lần.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...