Tông Lãng vẫn phải đưa rau củ đến một nhà cuối rồi lát nữa mới từ đây đi mua công cụ, nên anh để Trình Nặc ở lại đây chờ.
Thế là Trình Nặc và ông chủ mập chuyện trò đôi câu.
Thông qua giới thiệu của Tông Lãng, Trình Nặc biết được ông chủ mập họ Thiệu, tên là Thiệu Hồng. Anh ta bảo mọi người đều gọi mình là Thiệu mập, nhưng Trình Nặc không tiện xưng hô như thế, vậy nên chỉ gọi anh ta là anh Thiệu.
Khi Thiệu Hồng biết Trình Nặc đã mua nhà định cư trên cù lao thì còn ngạc nhiên hơn cả lúc thấy cô và Tông Lãng cùng xuất hiện.
“Một mình cô, dọn đến cù lao ở? Ôi chao hiếm có thật đấy. Người trẻ tuổi trên cù lao đều nghĩ cách chuyển ra ngoài sống, sao cô còn chạy đến đó mua nhà? Bố mẹ trong nhà không phản đối à?”
Anh ta hỏi một đống câu, Trình Nặc không biết phải trả lời thế nào, chỉ phải nói: “Tôi thích chỗ đó, yên tĩnh.”
Thiệu Hồng nói: “Sao cô cũng giống Tông Lãng thế, tôi khuyên cậu ta nhiều lần lắm rồi, bảo chuyển đi đi, nhưng cậu ta không chịu, nói ở đó yên tĩnh, ở thoải mái.”
“Thoải mái cái quái gì chứ, mua đồ cũng phải qua sông, mà đợi phà cũng có nhanh đâu!”
Trình Nặc bị anh ta chọc cười, thuận miệng hỏi: “Tông Lãng là người trên cù lao à?”
Nói đến đây, Thiệu Hồng thở dài, “Cứ coi là vậy đi.”
Cứ coi là vậy đi là sao chứ hả, Trình Nặc nghi hoặc nhìn anh ta.
“Haiz, cậu ta ấy à, mới sinh chưa được mấy hôm đã bị để lại trên phà, được ông Tông trên cù lao nhặt về nuôi lớn. Sau đó ông Tông qua đời, nhưng cậu ta cũng không muốn đi, vẫn ở lại đó.”
Trình Nặc giật mình, không ngờ Tông Lãng lại là một cô nhi.
“Có điều con người cậu ta ấy, mệnh dã, chỉ với hai bàn tay trắng mà đã dựng nên được gia sản cho mình. Cô không biết đấy thôi, lều lớn trên cù lao của cậu ta kiếm được nhiều tiền lắm. Còn mở quán cơm ở trong thành phố, có tận mấy chi nhánh, buôn bán đắt lắm.”
“Hả?!” Trình Nặc khiếp sợ mở to đôi mắt.
Thì ra anh ta lợi hại đến thế. “Thế sao tôi thấy, anh ta cứ ở trên cù lao cả ngày vậy?” Lại còn rảnh rỗi sửa nhà cho cô.
Thiệu Hồng nói, “Nên tôi mới nói con người cậu ta khác biệt mà, nếu là người khác thì đã chuyển lên thành phố lâu rồi. Cậu ta tốt lắm, buôn bán trong cửa tiệm toàn giao cho người khác quản, còn mình ở trên cù lao trồng rau, cả ngày làm lụng như kẻ chân đất, cũng sắp ba mươi đến nơi rồi mà chưa lấy vợ.”
Nói đến đây, đột nhiên Thiệu Hồng híp mắt cười hỏi Trình Nặc: “Ầy, cô gái, cô kết hôn chưa?”
Trình Nặc không ngờ anh ta sẽ hỏi câu này, ngớ ra một hồi rồi mới thấp giọng nói: “Tôi ly hôn rồi.”
Thiệu Hồng bảo: “Tôi cũng biết được mà, nhìn cô đêm đó khóc lớn như thế, ắt hẳn có chuyện đau lòng lắm. Ly hôn cũng tốt, cô gái tốt như cô đây, cứ để tên mắt mù kia phải hối hận đi.”
Trình Nặc cười cười, không tiếp lời.
Tông Lãng quay về rất nhanh, ngồi trên xe gọi Trình Nặc, “Đi thôi!”
Trình Nặc chào tạm biệt Thiệu Hồng, Thiệu Hồng nói: “Có rảnh thì nhớ ghé chơi nha, anh mời cô uống rượu!”
Trình Nặc nói được.
Đằng sau xe trống trơn, Trình Nặc không chen chúc ở phía trước nữa mà ngồi vào sau xe.
Xe ba bánh brum brum chạy về phía trước, gió khá to, thổi rối tóc cô.
Cô nhìn bóng lưng Tông Lãng, bỗng rất muốn biết tại sao anh ta cứ cố chấp muốn ở lại cù lao Hà Diệp đến thế.
“Sao anh không chuyển đi?” Cô hỏi.
Tông Lãng không nghe rõ, hỏi cô nói gì.
“Tôi nói, vì sao anh lại ở lại cù lao Hà Diệp, mà không chuyển đi?!”
“Vì chờ cô đấy!”
Trình Nặc: …
Tông Lãng cười lớn, trông rất vui. Qua một lúc sau mới nói: “Đùa tí thôi, đừng giận.”
Rồi anh lại hỏi: “Còn cô, vì sao lại ở lại?”
Trình Nặc đáp không biết, mơ hồ đến đây, rồi mơ hồ mua căn nhà kia, nên mới ở lại.
“Có hối hận không?”
Trình Nặc hỏi: “Cái gì?”
“Thì mua ngôi nhà kia, có hối hận không?”
Trình Nặc cười, “Không hối hận.”
Trình Nặc cứ tưởng Tông Lãng sẽ dẫn mình đến cửa hàng bán dụng cụ làm nông, nhưng đến nơi rồi mới hay, thì ra là lò rèn. Vào thời đại này rất hiếm gặp được thợ rèn.
Cô tò mò lại gần xem. Thợ rèn không chỉ làm việc bằng chính sức lực mà có dùng đến máy nữa, Trình Nặc không biết thứ đó gọi là gì. Có điều nhìn thợ rèn đặt một khối sắt đỏ rực vào dưới máy, trong máy có một cái búa tạ rơi xuống, đập từng phát từng phát một. Thợ rèn chỉ cần di chuyển cục sắt, để nó thành hình theo mong muốn của mình.
Trình Nặc chưa từng thấy loại máy này bao giờ, rất mới lạ, thế là rút điện thoại ra quay một đoạn video.
Dụng cụ có sẵn rồi, không cần phải chờ. Được phân loại treo ngay ngắn trên tường. Trình Nặc chụp mấy bức rồi mới bắt đầu chọn.
Không thể thiếu cuốc và xẻng rồi, còn cả cào nữa. Cuối cùng lại chọn hai xẻng sắt xinh xắn, xẻng loại này dùng để đào rau củ là tốt nhất, không thì trồng hoa hay xử lý vườn rau cũng đều được.
Trả tiền xong, Tông Lãng giúp cô đưa đồ lên xe rồi ra về.
Trình Nặc hỏi anh, “Mấy thứ này không có cán, làm sao đây?”
Tông Lãng nói: “Cô quên chú La làm gì rồi à?”
Trình Nặc chợt ồ một tiếng, chú La là thợ mộc mà.
Lúc đi ngang qua chợ, Trình Nặc bảo Tông Lãng dừng lại. Mai bắt đầu làm việc rồi, cô phải mua đồ trước.
Trong nhà có không ít rau củ, Trình Nặc chủ yếu mua thịt thà các thứ, nhưng lại không dám mua nhiều. Không có tủ lạnh, sợ bị thiu.
Tông Lãng đi theo sau, xách túi hộ cô. Thấy cô chỉ mua mỗi loại một ít thì hỏi: “Cô định ngày nào cũng qua sông mua thức ăn à?”
Trình Nặc nói đành chịu thôi, ai bảo cô sống quá nguyên sơ làm gì, đến tủ lạnh cũng không có.
Tông Lãng cười nói: “Tiệm bán đồ vặt trên cù lao có tủ lạnh đấy, có thể đặt ở đó.”
Trình Nặc a lên, “Thật hả?”
Đúng là trong tiệm bán có tủ lạnh, bên trong có sủi cảo đông lạnh các thứ, nhưng không có nhiều mặt hàng.
Tông Lãng đáp phải, “Rất nhiều người già trên cù lao cũng không cần tủ lạnh, sợ tốn điện. Nên ông chủ ở tiệm mới cho bọn họ gửi đồ trong tiệm. Đồ nhà nào thì làm ký hiệu của mình là được.”
Trình Nặc hỏi anh: “Anh biết ông chủ ở tiệm bán hả?”
Tông Lãng nói biết.
“Anh ta là kiểu người gì vậy?” Trình Nặc rất tò mò.
Tông Lãng cười, “Anh ta à, có hơi ngốc, nhưng dáng dấp cũng tạm ổn.”
Trình Nặc nói: “Sao anh có thể nói người khác vậy được, tôi cảm thấy tiệm nhỏ đó của anh ta thuận lợi cho người già trên cù lao lắm. Chỉ là quảng đại quá, không sợ kẻ gian trộm đồ, ngộ nhỡ có người lấy đồ mà không trả thì sao, anh nói xem có đúng không.”
Trình Nặc ừ, “Đúng là anh ta quảng đại thật.”
Trình Nặc ngượng ngùng cười, cô nhớ đến chuyện lần trước Tông Lãng cầm gói thuốc đi mà không trả tiền. Nghĩ bụng anh ta cũng không phải dạng người thiếu tiền, chẳng lẽ nhân phẩm có vấn đề? Nhưng cô không thể nói thẳng ra được, đành nói lảng sang chuyện khác, tiếp tục mua đồ.
Nếu đã có nơi cất giữ thì Trình Nặc không ngại mua nhiều thịt hơn, mua đủ phần ăn ba ngày, như thế thì không còn cần ngày nào cũng phải qua sông rồi. Lại thuận đường tạt qua cửa hàng hạt giống mua màng nhựa với bình tưới nước.
Lúc đến bến phà thì đã là chuyến cuối cùng. Việc đầu tiên cô làm khi lên bờ là chạy đến tiệm bán đồ, đặt hai túi thịt cá vào ngăn đông lạnh.
Ông chủ của tiệm bán vẫn không có ở đây. Mặt tiền căn tiệm này là một gian độc lập, không có gian khác, nghĩ thầm chắc ông chủ cũng không ở lại đây.
“Tôi tới đây nhiều lần rồi mà không gặp ông chủ lần nào, dù sao anh ta cũng phải qua thu tiền chứ nhỉ.”
Trình Nặc cười, “Trước nay anh ta đều xuất quỷ nhập thần thế đấy.”
Tông Lãng chở dụng cụ về nhà cho Trình Nặc, bảo ngày mai lúc bắt đầu làm việc, có thể xin chú La lắp cán gỗ cho.
Trình Nặc nói cám ơn, “Hôm nay làm phiền anh quá, đã làm mất thì giờ của anh nhiều rồi.”
Tông Lãng đáp không sao, “Bảy giờ sáng mai, tôi sẽ dẫn người đến.”
Trình Nặc do dự, “Tôi nghe anh Thiệu nói anh bận rộn lắm. Tôi biết anh nể mặt bà lão nên mới nhận lời giúp, chứ thực ra không sao đâu, anh có thể không cần tới. Nếu lại gặp phải chuyện không giải quyết được, tôi sẽ lại đến thỉnh giáo anh sau.”
Tông Lãng đang định lái xe rời đi, nghe thấy cô nói vậy thì cười bảo: “Thế đâu được, tôi sợ cây gậy của bà lão lắm, nếu tôi nói mà không làm thì bà sẽ đánh tôi đấy.”
Trình Nặc không nói gì, nhìn anh lái xe rời đi. Đến ngã rẽ, hình như trông thấy anh đang cười rất tươi.
Buổi tối, Trình Nặc nằm trên giường, chọn mấy tấm hình chụp lúc sáng post lên weibo. Hoa trong hũ sành, dụng cụ ở lò rèn, còn cả mặt sông chụp lúc ở trên phà đi về nữa. Viết lại trải nghiệm hôm nay đã mua thức ăn với dụng cụ, coi như là nhật ký. Cả video quay cảnh bóc tỏi và quay ở lò rèn cũng được post lên.
Làm xong xuôi mọi thứ thì cũng gần tám giờ đến nơi rồi. Nếu là trước đây vào thời gian này, chưa chắc cô đã ăn tối. Nhưng bây giờ lại cảm thấy quá trễ rồi, bên ngoài yên ắng không một âm thanh. Những ngày qua, cô cũng đã quen ngủ sớm dậy sớm, hơn nữa mai còn phải bắt đầu làm việc, sẽ có nhiều chuyện lắm cho mà xem. Vậy là cô tắt laptop chuẩn bị đi ngủ. Nhưng vừa nằm xuống thì đột nhiên phát giác trên người có gì đó không đúng. Lật đật bò dậy nhìn, quả nhiên, “dì cả” đến rồi.
Trình Nặc lật tìm khắp nơi nhưng không thấy băng vệ sinh đâu, thì ra cô chưa hề chuẩn bị. Cố gắng nhớ lại, trong tiệm có bán thứ này không nhỉ? Nhưng chỉ nhớ ở đó có mấy cuộn giấy thôi, còn băng vệ sinh thì chịu không nhớ nổi.
Dù có hay không, tiệm bán cũng là hy vọng duy nhất của cô, vào giờ này đã không thể qua sông được rồi. Đứng dậy thay áo quần, mở đèn pin điện thoại lên rồi cô đi mở cửa.
Sau khi chuyển đến đây, cô chưa từng ra khỏi cửa vào lúc trời tối. Không chỉ yên ắng mà còn tối đến đáng sợ. Không có đèn đường, chỉ có ánh trăng bàng bạc lay động theo bóng cây. Nơi ánh trăng không chiếu tới lại còn tối hơn. Trình Nặc nhát gan, luôn cảm thấy có thứ đáng sợ đang ẩn nấp trong bóng tối. Cô vội khóa cửa lại, rồi tự tiếp sức cho mình, nhanh chóng đi về phía tiệm bán. Vừa đi vừa cầu nguyện, hy vọng tiệm chưa đóng cửa.
Trên cù lao gần như toàn người lớn tuổi, buổi tối ngủ sớm, vào giờ này, nhà nào cũng tắt đèn cả rồ. Một đường đi mà không có lấy nổi một ánh đèn chứ đừng nói là gặp người.
Trình Nặc bước đi nhanh hơn, gần như là chạy, theo điểm sáng điện thoại chiếu rọi chạy về phía trước. Bình thường cảm thấy tiệm gần đến thế, chỉ mấy phút là tới, nhưng sao tối nay lại xa thế chứ, sao mãi vẫn chưa đến.
Vất vả lắm mới chạy đến giao lộ trước tiệm. Từ đằng xa nhìn lại, đèn trong tiệm vẫn sáng. Ánh đèn này đã xua đi sợ hãi trong lòng cô, dưới chân tăng nhịp bước, gần như là lấy tốc độ chạy nước rút 100m mà lao đến.
Chạy đến cửa, vì không phanh kịp mà va phải người từ trong tiệm đi ra.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...