Bố có khỏe không ạ? Hôm nay, con với anh Osamu, cả bố anh Osamu nữa, ra bờ sông thả diều đấy. Bố anh Osamu chạy mãi, và con diều bay lên cao ơi là cao. Gió bờ sông lạnh lắm. Nhưng con và anh Osamu cứ nóng rực lên vì chạy nhiều quá.
Bố anh Osamu đã cắt tóc ngắn rồi. Chỗ hói trên trán bác ấy bây giờ rõ mồn một. Nhưng con thấy bác ấy như thế trông trẻ hơn ngày trước nhiều.
Anh Osamu nói anh ấy muốn sống ở đây cùng với bố của anh ấy. Bác ấy đồng ý rồi. Nhưng anh Osamu bảo: “Anh không ở lại đây ngay được, phải về bên nhà mẹ một lần đã. Nhưng đến kỳ nghỉ xuân anh sẽ chuyển tới.” Con vui lắm bố ạ, con đã nắm tay anh ấy và dung dăng thật mạnh. Chúng con không buông tay ra, cứ thế chạy lượn vòng vòng trên bờ sông.
Thả diều xong bọn con tới nhà thờ. Hồi ở nhà bác Hiroyuki, lúc đi dạo cùng bà ngoại tới công viên, con nhặt được một cái cài áo rất đẹp. Con đã tặng cái cài áo đó cho ông Jesus. Móc cài bị vỡ nhưng bên trên có gắn một viên đá lấp lánh ánh đỏ, đẹp vô cùng. Con hồi hộp lắm, vì con nghĩ ông Jesus sẽ vui. Nhưng ông ấy trông cứ như đang suy nghĩ cái gì ấy bố ạ. Con hỏi: “Ông đang nghĩ gì thế?” Nhưng ông Jesus không trả lời con. Trên đường về con bảo với anh Osamu: “Em ghét cái ông Jesus kia, anh ạ!” thế mà anh ấy nổi giận: “Sao em lại nói một điều như thế hả?” Con bảo: “Em không biết. Vì ông ấy chết rồi.” Anh Osamu lại bảo: “Không bao giờ có việc Ngài chết cả.” Rồi con đánh anh ấy. Osamu không đánh con, nhưng anh ấy không thèm nói chuyện với con nữa.
Đến tối, con tới gặp anh Osamu và nói: “Em xin lỗi!” thì anh ấy bảo: “Anh không giận em đâu.” Thế là con nghĩ: “May quá, không sao rồi.”
Sau đó, ở chỗ cầu thang, con với anh Osamu chơi oẳn tù tì. Con thích chơi trên cầu thang vào buổi tối bố ạ. Đèn vẫn bật nên chỉ có chỗ đó là sáng thôi còn chung quanh tối om. Bọn con đang chơi thì cô Sasaki về mang theo một túi du lịch to đùng. Con nghe nói là cô Sasaki vừa đi Hawaii. Quà cô ấy cho con và anh Osamu là kẹo sô cô la. Con với anh Osamu ăn dè từng tí một. Ngon ơi là ngon! Thế, con chào bố nhé!
Vì hôm sau là ngày nhập học, anh Osamu xách theo một túi du lịch cỡ nhỏ về bên nhà mẹ. Tôi muốn đi tiễn anh ấy cùng bác Nishioka nhưng bác bảo sau đó sẽ đi làm luôn nên tôi đành chào tạm biệt anh ở cổng khu căn hộ cho thuê. Sang xuân, Osamu lại về. Anh ấy sẽ đến sống cùng bác Nishioka, rồi hàng ngày sẽ lại chơi đùa cùng tôi. Ngoài ra, tôi không nghĩ thêm gì khác nữa.
Thế rồi, vào cái ngày mà dự báo thời tiết đưa tin về đợt không khí lạnh nhất của mùa đông năm ấy, ở trường về đến nhà, tôi nhận được thư của anh Osamu trong thùng thư.
Chiaki, em khỏe không? Anh vẫn khỏe. Nhưng lá thư này không được vui cho lắm. Ban đầu anh đã định không viết, nhưng rốt cuộc anh vẫn viết vì muốn nói rõ với Chiaki.
Cuối cùng mẹ anh cũng ra viện. Nhưng em bé thì mất rồi. Em bé đã được sinh ra, nhưng phổi em ấy hoạt động không bình thường nên em ấy mất ngay sau đó.
Ngày nào mẹ anh cũng khóc. Bố anh (là bố ở đây ấy) cũng rất chán. Nhưng vì còn công việc nên bố không ở bên được.
Hàng ngày, anh nấu cháo cho mẹ. Mẹ anh ăn chẳng được mấy. Lúc anh cho mẹ ăn, mẹ chỉ nói “Cảm ơn con” rồi ăn một chút, sau đó thì lại khóc. Dạo này, mẹ anh hay nói chuyện về hồi mẹ còn bé. Mẹ nói suốt một, hai tiếng đồng hồ rồi sau đó, khi đã mệt lả rồi mẹ liền ngủ thiếp đi.
Chiaki này, anh đã hứa với Chiaki là đến mùa xuân anh sẽ tới đó, nhưng anh không giữ lời được rồi. Thời gian này anh không thể rời xa mẹ anh được. Em bé đã mất rồi, nếu đến cả anh cũng không ở đây nữa thì mẹ anh sẽ đau khổ vô cùng. Xin lỗi em! Bố anh (bố ở trang viên Cây Dương ấy) cũng bảo: “Con hãy ở bên cạnh mẹ!” Bố nói: “Bố quen ở một mình rồi nên không sao đâu.” Nhưng bố cũng có những lúc cô đơn nên anh cũng hơi lo. Nhờ Chiaki chăm sóc bố giúp anh nhé.
Anh sẽ lại viết thư. Anh rất muốn một lúc nào đó lại được cùng Chiaki đi nhà thờ. Không giữ được lời hứa với em, anh thật sự xin lỗi.
Endo Osamu
Tôi chạy đến chỗ bà cụ, chìa lá thư ra ngay lúc bà còn đang bận ủi đồ.
“Mẹ anh Osamu chẳng bảo là vì sắp có em bé nên sẽ không cần anh ấy nữa còn gì? Thế mà giờ mất em bé rồi thì lại thay đổi. Chơi gian! Anh Osamu thật đáng thương.”
Nước mắt, nước mũi, nước miếng của tôi thấm ướt cái tạp dề đầy mùi xà phòng và mùi thuốc sắc của bà cụ. Tôi không nhớ mình cứ như vậy trong bao lâu. Rốt cuộc, khi tôi ngẩng mặt lên khỏi đầu gối bà cụ, bà cụ bèn cho tôi ăn thạch hạt dẻ. Khi cái miếng mềm mềm ngòn ngọt ấy trôi qua cổ họng đẫm nước mắt nước mũi của tôi, bỗng nhiên tôi thấy đói.
Bà cụ không cười, chỉ lẳng lặng dùng dao gọt hoa quả để xắt thạch, xắt đến đâu ăn hết đến đấy. Thường ngày, tôi vẫn kinh ngạc trước tính hảo ngọt của bà cụ, vậy mà hôm đó tôi cũng chẳng hề kém cạnh. Tôi biết món thạch hạt dẻ này là “của để dành” mà bà cụ đặt làm đặc biệt của một chỗ thân quen. Vậy mà chỉ trong chớp mắt, bà và tôi đã ăn hết sạch một miếng thạch, miếng thứ hai cũng gần như hết veo. Suốt khoảng thời gian đó, hai bà cháu chẳng nói gì.
Chẳng mấy chốc, tôi bắt đầu cứ như say đồ ngọt, bà cụ tôi rồi gật đầu: “Ổn rồi.” Tôi không biết cái gì “ổn rồi”, nhưng khi bà cụ nói vậy, tôi lại thấy cơn giận bùng lên. “Bà ơi, cháu sẽ viết trả lời anh Osamu. Cháu sẽ viết là anh nhất định phải đến chơi cùng em đấy.”
“Ôi, thằng bé đó. Cháu này, chả có đứa nào tuyệt vời được như thằng Osamu đâu.”
Rốt cuộc, trong khoảng thời gian tôi còn ở trang viên Cây Dương, không thấy Osamu tới đó lần nào nữa, kiểu liên lạc giữa trẻ con với nhau cũng không kéo dài được là bao. Nhưng đến tận bây giờ, thi thoảng, tôi vẫn nhớ đến những câu văn nghiêm chỉnh mà Osamu viết trong thư. Một lần, anh ấy gửi cho tôi một tấm ảnh. Đó là ảnh chụp khi đi tham quan, Osamu đứng cạnh một chú gấu con bị xích, trông hơi căng thẳng nhưng ngón tay vẫn giơ lên làm dấu chữ V, trên mặt nở một nụ cười gượng gạo. Tôi thích tấm ảnh đó, nó có cái gì rất riêng, rất Osamu.
8.
“Có vị nào ở đây là bác sĩ không ạ?”
Đang ngủ, chợt tôi nghe một giọng trầm trầm nhưng rất rõ đập vào tai. Phải mất vài giây tôi mới nhận ra đó là giọng của cô tiếp viên hàng không.
Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, vậy là bay được bốn mươi phút rồi. Có lẽ tôi đã ngủ quá say. Đêm qua, sau khi nói chuyện điện thoại với mẹ và được biết về sự ra đi của bà, tôi đã lần lượt hồi tưởng lại rất nhiều chuyện cũ, vì vậy mà không thể ngủ được.
“Có, tôi là y tá đây…”
Lên tiếng rồi tôi mới thấy hối hận. Nói là y tá nhưng tôi đã bỏ việc rồi còn gì. Lỡ tôi không còn quen việc nữa…
“Chị có thể tới đây được không? Có một hành khách đau bụng dữ dội.”
Cô tiếp viên tiến lại gần từ phía lối đi, vừa nói vừa thu dọn khay đồ ăn ở lưng ghế trước mà tôi đang để mở, như không hề nhận thấy sự bối rối của tôi.
Khi đi tới hàng ghế phía trước được ngăn bằng rèm che, tôi thấy chiếc ghế rất lớn đã được ngả ra và một bé gái tầm mười lăm tuổi đang nằm trên đó. Nhìn cơ thể bé ỏ của cô bé cuộn tròn cứng đờ trong chăn vì đau đớn, sự bối rối trong tôi tan biến đi.
Không có ai đi cùng cô bé cả, cô tiếp viên hàng không cho tôi hay. Biết tôi là y tá, vẻ mặt cô bé giãn ra một chút.
“Em sao thế, nói cho chị biết được không?”
“Tự nhiên em đau bụng quá… rồi em bị nôn.”
“Em đau chỗ nào?”
Tôi cuộc chăn lại rồi hỏi, cô bé chỉ tay vào vùng bụng trên: “Ở đây ạ.” Tôi tháo thắt lưng quần bò của cô bé, rồi dùng lòng bàn tay dò tìm trên làn da lấm tấm mồ hôi.
“Chỗ này phải không?”
“Vâng…”
Tôi thử ấn hơi mạnh xuống phía dưới bên phải chỗ cô bé kêu đau.
“Á…”
“Em nôn ra những gì?”
“Trong nhà vệ sinh…”
“Em thấy có máu không?”
“Em nghĩ là không. Có màu trắng.”
Tôi hít một hơi thật sâu. Rồi tôi hỏi số điện thoại nhà cô bé, may sao mã vùng đó là mã vùng mà chuyến bay đen đủi này sẽ đáp tới.
“Nếu là thuốc giảm đau hay thuốc dạ dày thông thường thì chúng tôi có…” Cô tiếp viên hàng không ái ngại nói. Tôi lắc đầu.
“Có lẽ là viêm ruột thừa. Cô có thể gọi trước cho sân bay yêu cầu xe cấp cứu đợi sẵn được không?”
Đôi mắt trang điểm kỹ của cô tiếp viên hàng không nhìn thẳng vòa mắt tôi như muốn nói: tôi tin chị, mong chị cũng tin ở tôi.
“Được, tôi sẽ liên lạc ngay. Ngoài ra còn cần gì nữa không?”
“Đây là số điện thoại nhà cô bé. À, nếu có cặp và cái chăn nữa, chị mang cho tôi nhé.”
“Tôi hiểu rồi.”
Dù đang rên rỉ vì đau đớn, cô bé vãn ngước lên nhìn tôi vẻ bất an.
“Không sao đâu em. Khoảng ba mươi phút nữa máy bay hạ cánh rồi.”
Tôi ngồi xổm giữa lối đi và nắm lấy tay cô bé.
“Vậy có thể là đau ruột thừa hả chị?”
“Đúng vậy. Nhưng chưa kiểm tra cẩn thận thì chưa biết được.”
“Nếu là ruột thừa thì không sao… Vì mẹ em cũng từng mổ ruột thừa rồi. Nhưng nếu còn lại sẹo thì khó chịu lắm.”
“Không nhất thiết phải phẫu thuật đâu em ạ. Dù sao cũng phải đợi khám bác sĩ xong mới biết được.”
Cô bé khẽ gật đầu. Tôi cứ nắm tay cô như thế và trò chuyện để cô bé ít nhiều quên đi cơn đau. Cô bé cũng hổn hển kể tôi nghe chuyện vừa đi thăm bố đang công tác xa nhà. Một mình đi thăm bố xa như thế đang lúc không phải kỳ nghỉ của trường, liệu có phải đã xảy ra chuyện gì không nhỉ? Trong đầu tôi chợt hiện lên suy nghĩ ấy trong lúc động viên cô bé.
Lần đầu tiên tôi nảy ra ý muốn trở thành y tá cũng là khi trạc tuổi cô bé này. Đó là lần tôi tới thăm bà ngoại, khi ấy bà đã không còn đi lại được nữa, thoạt gặp lần đầu tôi đã vô cùng ngưỡng mộ một cô y tá. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ dáng người mảnh dẻ trong tấm áo choàng trắng tinh của cô y tá. Trước đó, tôi hoàn toàn không thể hình dung nổi khi thành người lớn mình sẽ như thế nào, nhưng rồi, chính cô y tá ấy đã mang lại cho tôi thứ gọi là mơ ước cho tương lai. Thái độ điềm tĩnh và tận tụy, động tác chính xác, sức sống mãnh liệt tiềm ẩn trong lời lẽ khiêm nhường - tất thảy những điều đó, chỉ những người thực sự tự tin mới có được. Và tôi - con bé mười lăm tuổi khi ấy - không khỏi say sưa suy nghĩ về chuyện đó. Ở lớp, thành tích của tôi luôn nhất, nhì. Nhưng dù có học bao nhiêu, thậm chí tập tọe trang điểm, hay thử leo lên sau mô tô của tụi học sinh cấp III, dù có làm những việc đại loại thế bao nhiêu lần chăng nữa, tôi cũng sẽ không thể tìm được chính mình, tôi biết vậy, cho nên lần đó thực sự là một cuộc gặp gỡ mang tính quyết định.
Bây giờ dù có nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng cô ấy là người sinh ra để làm y tá. Một việc nặng nhọc như trở mình cho bà ngoại đang nằm liệt giường, cô ấy cũng làm rất tận tụy và cẩn thận hơn bất cứ ai. Hễ thấy cô ấy tới phòng bệnh, bà ngoại lại nheo nheo mắt ra chiều yên lòng. Rồi bà ngoại bắt đầu kể về ngày bà còn trẻ, những chuyện mà tôi là cháu ngoại cũng chưa một lần được nghe. Bà ngoại từng là nhân viên đánh máy, một nghề vốn rất phổ biến ngày xưa.
Nhưng, tôi quyết chí trở thành y tá cũng không hẳn hoàn toàn là vì cô y tá ấy. Từ hồi đó, tôi đã muốn nhanh chóng rời nhà. Bởi nếu không rời nhà thật nhanh, tôi sẽ chết ngạt vì thứ tình cảm quá ư phức tạp tôi dành cho mẹ. Mỗi lần kể về người bố quá cố của tôi, mẹ chỉ nhắc đi nhắc lại về những kỷ niệm an toàn và tẻ nhạt, nhưng tôi cảm nhận được đâu đó trong lòng mẹ hoàn toàn khép chặt. Một người mẹ như vậy, tôi thấy ghét, ghét không chịu được. Tôi nghĩ thế rồi lại bật khóc ngay sau đó và nghĩ khác đi. Nếu là vì mẹ, tôi có thể vứt bỏ cả tính mạng của mình không sá gì. Mẹ tội nghiệp, mẹ đáng thương của tôi. Mẹ gặp những điều cay đắng, mẹ vất vả, mẹ gánh vác cả vai trò của một người cha, dù chuyện gì xảy ra mẹ cũng phải tự quyết định một mình. Thế rồi ít lâu sau, tôi lại không thể kiên nhẫn chịu đựng mẹ thêm được nữa. Khi ấy, mẹ đã mập lên nhiều do cuộc sống hoàn toàn yên ổn sau khi tái hôn. Một giọng nói ngờ vực cứ quay cuồng trong đầu tôi, “Mẹ có thực sự hạnh phúc? Hay phải chăng chỉ là mẹ đang giả vờ hạnh phúc?”
Lớn lên mình sẽ thành người thế nào, cho tới khi vào viện thăm bà, tôi vẫn chưa có chút ý tưởng gì về chuyện đó, nhưng ý nghĩ rời nhà sống độc lập đã dồn ứ và nung nấu trong tôi từ lâu, khiến nghề y tá trở thành như một sự lựa chọn phù hợp dành cho tôi. Có lẽ vì vậy mà bây giờ tôi phải gánh chịu hình phạt. Phải chăng chính vì động cơ muốn thành y tá của tôi hồi mười lăm tuổi là không trong sạch nên giờ tôi đã phải bỏ việc tại bệnh viện và chìm dần trong cơn suy sụp.
Trong loa vọng ra thông báo máy bay đang chuẩn bị hạ cánh, bàn tay đẫm mồ hôi của cô bé bất ngờ nắm chặt lấy tay tôi.
“Lát nữa thôi là đến nơi rồi.”
Tôi lại đặt tay lên lớp da mỏng trên bụng cô bé. Cơn đau tưởng như vừa truyền trực tiếp sang tôi, trong một khắc, tôi sững người.
Sức chịu đựng của cô bé thật lớn. Cô bé giỏi hơn tôi nghĩ, rất nhiều.
“Chị cứ để tay ở đấy nhé!”
Mắt vẫn nhắm nghiền, cô bé nói, giọng thều thào.
Phải rồi, tuy đã làm việc tận tụy hơn bất cứ ai, nhưng tôi chưa bao giờ là một y tá giỏi. Có những lúc, ngoài miệng tôi nói lời động viên những người trưởng thành hẳn hoi đang khóc lóc sợ hãi cứ như sắp mổ ruột thừa đến nơi, nhưng tận nơi đáy lòng tôi chẳng coi trọng họ chút nào. Nhưng lần này, không hiểu sao cơn đau mà cô bé phải chịu đựng lại có thể truyền sang tôi. Khi mà tôi đã quyết định sẽ không trở lại bệnh viện thêm một lần nào nữa, sao lại là lúc này.
Vừa tới sân bay, cô bé được đặt lên xe cứu thương và đưa đi, nhưng cả sau đó, cơn đau nóng rực vẫn còn lưu lại trong lòng bàn tay tôi. Đứng giữa sảnh đợi rộng thênh thang của sân bay mới hoàn thiện, trong giây lát, tôi lặng đi, vờ như đang xem bảng hướng dẫn, còn bàn tay siết chặt trong túi áo.
9.
Sau khi tôi nhận được thư của anh Osamu ít lâu, bác Nishioka gặp chuyện. Vào trước hôm lập xuân.
Ngày hôm ấy, bác Nishioka cùng bạn đi uống rượu. Người bạn của bác trước là đầu bếp, sau có một dạo chuyển sang lái taxi; chính trong khoảng thời gian này hai người quen nhau. Gần đây, chú ấy quay trở lại làm đầu bếp tại một nhà hàng. Nhưng rồi lại sinh thói trốn việc nên bị sa thải. Hôm đó, chú ấy ỉ ôi, than vãn với bác Nishioka, rằng tôi đã tự hứa từ giờ nhất định phải chăm chỉ lên, nhưng nay lại bị tống cổ thế này, nhân gian thật quá vô tình.
Vốn là người tốt bụng, lại thêm hơi men kích thích, bác Nishioka tới cửa hàng nơi đã sa thải bạn mình. “Tôi sẽ đi nói chuyện phải quấy giúp chú!” Ban đầu bác còn định tỏ ra nhũn nhặn, sẵn sàng dập đầu để cầu xin. Nhưng bà chủ cửa hàng đó lại tỏ vẻ khinh thường, hơn nữa còn rủa xả bác Nishioka những lời độc địa chua cay, thế là bác ấy nổi điên xông tới. Bình thường, bác Nishioka không phải người dễ nổi khùng vì điều nhỏ nhặt như vậy, nhưng hôm đó, có lẽ chuyện anh Osamu đã khiến lòng bác rối bời.
Hôm sau, đồn cảnh sát gọi về nhà bà cụ. Nghe nói ban đầu, bác Nishioka có liên lạc với công ty taxi nơi bác đang làm việc nhưng bị lờ đi. Hôm đó, cô Sasaki tình cờ nghỉ làm nên bà cụ nhờ cô đưa tới đồn cảnh sát. Bà cụ lấy bộ kimono sặc mùi long não rồi thay đồ, đắn đo một lát xem có nên đeo răng giả hay không, rốt cuộc bà quyết định ra ngoài với hàm răng móm mém. Bà cụ dặn tôi: “Trông cẩn thận nhé!” rồi mới đi.
Bác Nishioka được thả về chóng vánh. Mặt bác tái mét, chân loạng choạng bước lên cầu thang như một hồn ma. “Say bí tỉ hai ngày rồi đấy!” Cô Sasaki nói với tôi, mắt vẫn nhìn lên theo lưng bác Nishioka, miệng chu lên.
Tôi biết được nội tình nhớ nghe lỏm bà cụ và cô Sasaki nói chuyện. Chẳng rõ là vì lòng nhiệt thành muốn giúp đỡ người khác hay bởi tính tò mò, cô Sasaki nhận ngay việc gọi điện liên lạc nhờ vả khắp nơi cho bà cụ. Nhìn bề ngoài thì chẳng ai biết, nhưng thực ra bà cụ bị nặng tai nên việc liên lạc điện thoại quả thực không hề dễ chịu đối với bà.
Mười bốn cái đĩa nhỏ, sáu cái đĩa lớn, ba lăm cốc thủy tinh, một bình gốm, một két bia, mười lăm chai whisky chưa khui, bốn khay đựng đồ ăn bằng thủy tinh, một bóng đèn… Bà cụ và cô Sasaki nhìn danh sách thiệt hại mà nhà hàng liệt kê rồi thở dài ra chiều thán phục lắm.
“Cái gã khùng dặt dẹo ấy, sức quái đâu ra mà làm được thế này nhỉ?”
“Chính gã đã làm đấy, hung hăng thật.”
Hai người họ nhỏ to: nhà hàng tính thế này chẳng phải giá trên trời sao, nhưng dù sao, người ta nhận bồi thường theo thỏa thuận thế này còn êm thấm chán, bằng không chỉ còn cách phải nhờ đến ông luật sư người quen cũ của bà cụ thôi. Dẫu vậy, bàn xong xuôi rồi hai người họ vẫn ngắm nghía mãi tờ danh sách.
Bà cụ còn tới cả công ty taxi nữa. Mặc công ty quay ra đối xử lạnh nhạt với bác Nishioka, nhưng ngày nào bà cụ cũng mang theo một hộp bánh ngọt, đến cầu xin công ty không sa thải bác ấy. Thực ra, giám đốc công ty ít nhiều cũng muốn lấy cớ để cắt giảm nhân sự, nhưng một người già cả bà cụ ngày ngày đội gió rét tới công ty trong bộ kimono cũ kỹ sặc mùi long não hẳn đã khiến ông mềm lòng.
Nghe tôi bập bõm kể xong chuyện, mẹ mang khoai lang hầm chanh xuống thăm bà cụ. Tối đó, tình cờ bác Nishioka cũng tới. Bác ngồi thu lu bên bàn sưởi, cái lưng thấp thoáng bên kia dãy hành lang tối mù. Hai mẹ con tôi chỉ định đứng ở cửa trước đưa khoai biếu bà cụ rồi về ngay, nhưng vừa lúc ấy, cô Sasaki trên đường đi làm về bỗng lướt qua chỗ cái cửa kéo vẫn đang mở sẵn. Không biết bác Nishioka đang ở đó, cô Sasaki vừa bước trên nền đất nện ở sảnh trước vừa hỏi bà cụ.
“Hôm nay bà cũng đến công ty taxi đó ạ? Thế nào rồi bà, người ta có cho ông khùng đó đi làm tiếp không?
Bác Nishioka từ trong nhà bước ra, đầu cúi gằm, miệng lúng túng.
“Làm mọi người phải lo lắng nhiều quá, thật là…”
“Ơ, bác ở đây à?”
“Vâng. Ơn trời, tôi vẫn được làm tiếp ở đó.”
“Tốt quá rồi còn gì?”
Cô Sasaki không cười, chỉ nói vậy rồi chạy biến lên cầu thang, để mặc mọi người còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Lúc quay lại, mỗi bên tay cô là hai chai bia.
“Kỷ niệm chuyện vui, cả nhà uống mừng nào!”
Mọi người tụ tập ở phòng sinh hoạt của bà cụ mãi tới khuya. Đêm đó đã thành một buổi liên hoan, có món tsukudani và khoai lang hầm chanh. Trong suốt ba năm trời sống ở trang viên Cây Dương, đó là lần duy nhất tất cả mọi người quây quần ăn uống với nhau, ngoài ra không có lần thứ hai, cả trước đó lẫn sau này. Uống được nửa cốc bia, bà cụ nấc liên tục. Dường như khí huyết lưu thông mạnh, bà cụ khua tay sục sạo trong tủ tường lấy ra một túi bánh khô giấu kỹ từ lâu. Cô Sasaki và mẹ chuốc bia cho nhau ngày càng hăng, luôn miệng: “Nào, nào.” “Thôi, tôi chịu rồi.” Bác Nishioka ôm cây đàn Biwa cũ kỹ không biết moi đâu ra, ngồi gảy trong bộ dạng sầu thảm, rồi đột nhiên rên lên và bật khóc.
“Ơ kìa…” Cô Sasaki khẽ thở dài. Mẹ tôi trân trân nhìn bác Nishioka, bàn tay cầm cốc bia khựng lại.
“Tôi biết cậu khổ, nhưng…” Bà cụ nói được đến đây thì nấc lên, lời động viên chỉ đi được nửa đường thì dừng lại. Còn tôi cũng chẳng biết phải làm sao với miếng bánh khô nhét trong miệng.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...