Nếu mẹ hỏi, tôi sẽ trả lời như vậy. Rồi sáng sáng, tôi sẽ lại nghiến răng bước ra khỏi nhà, hướng về cái thế giới đầy rẫy những lỗ cống không đáy đang há hốc cái miệng đen ngòm mà có lẽ do các vị thần đã quên không đậy nắp. Tôi làm bài tập rất cẩn thận và chẳng bao giờ lỡ quên cái gì. Vậy mà giờ nhớ lại, tôi chỉ thấy khoảng thời gian đó ngập tràn căng thẳng sợ hãi rằng mình sẽ sơ sẩy điều gì. Tôi đã nghĩ, luôn cẩn trọng và không phạm lỗi là cách duy nhất để không bị lôi tuột xuống những hố đen mà chẳng biết khi nào và ở đâu sẽ xuất hiện.
*
* *
Ngày qua ngày, căng thẳng cứ lớn dần lên. Tôi kiểm tra đồ trong cặp sách tới ba lần trước khi đi ngủ, và sáng dậy, nếu không xem lại thêm lần nữa tôi sẽ chẳng thể yên tâm ra khỏi nhà. Trong lúc kiểm đồ, tôi chợt nảy ra ý nghĩ, không chừng thời khóa biểu thay đổi rồi cũng nên. Thế là tôi nhét tất cả sách vở vào cặp, những thứ thừa ra tôi bỏ vào túi xách bằng vải bạt rồi mang cả đi. Ngày ngày, tôi đi đi về về trên cùng một con đường, lưng còng xuống vì mang đồ quá nặng, trông tôi chẳng khác nào một bà già khư khư giữ của.
Người ta vẫn bảo rằng, nỗi lo lắng giống như một mầm cây, ngắt đi rồi sẽ mọc lại, bởi thế ngay khi nỗi sợ quên đồ dần tan biết, tôi lại bị tấn công bởi một nỗi lo sợ mới. Vì mẹ luôn là người ra khỏi nhà trước nên tôi thường phải tự khóa cửa rồi đến trường. Nhưng trên đường đi, nỗi sợ bất chợt lại ập đến, tôi không biết mình đã khóa cửa cần thận hay chưa…
Hạt mầm lo sợ mới này lớn nhanh như thổi, giống như cây đậu trong “Chuyện chàng Jack và cây đỗ tương”. Thế là dù đang vác theo một đống đồ nặng, tôi vẫn tất tưởi về nhà kiểm tra lại khóa cửa. Chưa đầy một tuần sau, hằng ngày tôi không thể đến trường mà chưa thực hiện trình tự ấy đủ ba lần, mỗi lần quay về nhà là từ ba điểm khác nhau trên đường đi. Dĩ nhiên, lần nào cửa nhà cũng luôn được khóa chắc chắn. Cả việc nhà đột nhiên bị cháy rụi cũng không hề xảy ra. Nhưng nếu không kiểm tra lại cho chắc chắn, tôi sẽ không ngừng bị nỗi lo “sắp có điều gì xấu xảy ra” hành hạ.
Khi chắc chắn cửa nẻo đã được khóa kỹ càng, nỗi lo tiếp theo là đi học muộn. Đường tới trường mất khoảng mười phút đi bộ, nhưng do mang đồ nặng, lại hết lần này đến lần khác quay về nên tôi thường phải ra khỏi nhà một tiếng trước khi giờ học bắt đầu. Nghĩa là phải dậy thật sớm. Nghĩa là nếu ngủ quên thì sẽ rắc rối to…
Đến trường suôn sẻ, tôi lại lo về mẹ. Liệu mẹ có gặp tai nạn giao thông giống như bố không? Liệu mẹ có vất vả quá mà mắc bệnh không? Hay, liệu ngay lúc này đây mẹ có đang cần tôi giúp đỡ?...
Song nói gì thì nói, kinh khủng nhất vẫn là vào ban đêm. Cứ hễ tôi chui vào chăn và nhắm mắt là cái nắp cống trong đầu lại chuyển động, rồi cái hố đen ngòm bắt đầu cất tiếng: “Trong khi mi ngủ say sưa, những thứ quan trọng của mi sẽ thuộc về ta…”
Tôi luôn giả vờ ngủ và chờ mẹ nằm xuống. Cho đến khi nghe rõ tiếng mẹ thở khe khẽ, tôi mới dần thiếp đi. Vừa nhắm mắt vừa cầu mong sao mình đừng dậy muộn.
*
* *
Điều lạ là tôi hoàn toàn không nhớ gì về lễ Bỉ ngạn(2) năm đó. Không thể có chuyện chúng tôi không làm gì trong tuần thu phân đầu tiên sau khi bố mất, liệu có phải tôi đã chìm đắm trong thế giới riêng đến độ rủ bỏ cả những điều như thế khỏi ký ức mình?
2. Bỉ ngạn (Higan) là lễ hội kéo dài bảy ngày vào khoảng các ngày xuân phân và thu phân. Vào dịp lễ này, tín đồ Phật giáo đến viếng mộ người thân ở trong phạn vi các nhà chùa.
Vào một sáng đầu tháng Mười, tôi bị sốt cao.
“Nếu đến chiều mà nhiệt độ vẫn không hạ thì con đi viện nhé”
“Thế việc của mẹ thì sao?”
“An tâm, chỉ nghỉ có một ngày thôi mà…”
Lâu rồi tôi mới thấy thoải mái như vậy. Nhờ cơn sốt, cảm giác có lỗi vì đã khiếm mẹ phải nghỉ làm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Tôi thiêm thiếp ngủ, việc phải làm chỉ là kẹp cặp nhiệt độ dưới nách mỗi khi mẹ bảo và ăn táo thái nhỏ từ cái thìa lành lạnh mà mẹ bón cho tôi. Tôi mơ màng ngủ, rồi khi chập chờn mở mắt, tôi thấy mẹ vẫn ngồi đó, trước bàn, đọc tài liệu cần thiết cho công việc. Đó là một cuốn sách về các nghi thức cưới hỏi rườm rà của người Nhật. Thấy tôi mở mắt, mẹ liền thay khăn mặt đắp trên trán cho tôi. Rồi mẹ khoác lên vai tôi chiếc áo len không cổ khi tôi định đứng dậy đi vào nhà vệ sinh, và cho tới khi tôi trở ra, mẹ cứ nhìn mãi cánh nhà vệ sinh mà đợi.
Tôi những muốn cảm ơn trời vì bị sốt. Thậm chí tôi còn nghĩ, nếu được yên lòng, thoải mái và ấm cúng thế này thì có ốm nữa cũng chẳng sao.
“Mẹ ơ!”
“Gì thế con?”
“Không ạ. Con chỉ gọi thôi.”
Tôi nghĩ mình thiếp đi được một lúc. Thế rồi bất chợt, có tiếng gì đó lộn xộn chợt xen vào giấc ngủ yên lành ấy. Là tiếng một con vật nào đó rên rỉ chăng…
Tôi tỉnh dậy và nhận ra ngay, đó là tiếng máy giặt nhà tôi, kê ở phía Bắc lối đi, bên cạnh cửa ra vào sảnh trước.
Mẹ đang ngủ, trán áp lên quyển sách mở trên bàn. Mẹ bật máy giặt từ khi nào nhỉ, mình chẳng hay biết gì, vừa nghĩ tôi vừa ngồi dậy. Tôi nhìn đồng hồ, đã gần 12 giờ trưa. Nhờ có giấc ngủ ngon lành khi nãy mà giờ tôi đã thấy người nhẹ nhàng hơn. Để không làm mẹ thức giấc, tôi rón rén đứng lên là nhón chân bước về phía cửa.
Tôi mở cửa ra và bất thình lình, đứng trước cái máy giặt là một gã lạ hoắc, còn khá trẻ. Cũng như tôi, anh ta giật thót hốt hoảng, đoạn lao như bay xuống cầu thang. Tôi bước chân trần ra ngoài hành lang, tim đập thình thịch rồi hét lớn.
Mẹ từ trong nhà chạy bổ ra. Gần như cùng lúc, cách cửa phòng bên bật mở, bác Nishioka xuất hiện trong bộ quần áo thể thao. Mùi hơi thở khi ngủ và một giọng trầm trầm đang kể chuyện cười khe khẽ vẳng ra từ phòng bác.
Bác Nishioka vốn là người nhút nhát, chẳng thể nói lấy một câu bông đùa. Những hễ bác ở trong phòng, lúc nào tôi cũng nghe thấy từ bên kia tường vẳng sang giọng một người đàn ông lên bổng xuống trầm kể những câu chuyện hài, có lẽ là bác ấy bật băng cát-xét. Không chừng bác ấy để băng chạy suốt cả khi ngủ cũng nên.
Hôm đó, chắc bác Nishioka vừa chạy taxi ca đêm về, mắt nhắm mắt mở trông thật khiếp. Mí mắt bác sưng mọng, mái tóc bình thường vốn đã rối bù giờ y như cái tổ quạ, những sợi tóc lúc trước được vén sang một bên nay rũ xuống trông chẳng khác gì mớ tảo biển, để lộ cái trán hói to tướng. Người bác Nishioka vốn đã ốm o, bộ dạng lúc này lại hệt như một võ sĩ thất trận chạy thoát thân trong bộ quần áo thể thao, sợi vải thì xổ ra hết cả. Kinh ngạc trước bộ dạng lại hét lên lần nữa.
“Chiaki, có chuyện gì vậy? Con không sao chứ?”
Mẹ lay người tôi, nhưng tôi chẳng làm được gì khác ngoài chỉ tay về phía cầu thang. Đúng lúc ấy, trên con đường dọc bờ sông tôi thấy một bóng người đang chạy, có lẽ là gã khi nãy. Dù không biết đầu đuôi cũng chẳng hiểu sự tình gì, bác Nishioka vẫn “Kìa!” lên một tiếng rồi lao xuống cầu thang.Tôi và mẹ sững người, nhìn chằm chằm một lúc vào chiếc quần lót nam và mấy thứ đồ lạ hoắc đang tiếp tục quay tròn trong máy giặt.
“Mẹ ơi!”
“Gì hả con?”
“Người đó, đang giặt đồ ạ?”
“Có lẽ thế.”
“Chú ấy không có máy giặt ạ?”
“Chắc vậy.”
“Mẹ con mình làm gì với đống đồ này hả mẹ?”
“Hừm…”
Máy giặt ngừng rồi mà mẹ vẫn chưa nghĩ xong. Tôi run run nhấn nút xả nước. Một tiếng động lớn vang lên, nước giặt màu tro đục ngầu chảy ra theo đường ống xả, mẹ mang từ trong bếp ra một túi ni lông to, vừa nhăn mặt vừa nhặt lấy mấy thứ đồ còn dính đầy xà phòng từ trong máy ra bỏ vào túi. Đúng lúc ấy, bác Nishioka hổn hển trở về.
“Cái thằng đúng là đồ mặt dày. Chẳng lẽ nó tiếc mấy xu cho máy giặt tự động à?”
Mắt vẫn dán chặt vào cái túi ni lông căng phồng, đôi lông mày bác vốn bình thường đã hay ngọ nguậy giờ nhướng lên giật giật.
“Thật đáng xấu hổ, thật đáng xấu hổ!” Bác Nishioka không ngừng càm ràm bằng cái giọng the thé chẳng đàn ông chút nào, mỗi lần kêu ca bác lại kèm theo một tiếng thở dài. Khi tôi nép nửa người sau lưng mẹ và nói “Chào bác!” thì bác khẽ cúi đầu như chào một người lớn ngang hàng. “Bác xin lỗi Chiaki nhé. Bác để gã kia chạy mất rồi…”
Rồi bác lấy tay vuốt mớ tóc, vén lên che vầng trán, như thể lúc đó mới nhận ra tóc mình đang rũ xuống mặt
Mẹ bảo tôi vào trong phòng nằm nghỉ. Nhưng cửa vẫn mở nên tôi có thể nghe thấy tiếng mẹ và bác Nishioka trò chuyện.
“Có khi… có khi đây không phải là lần đầu nó làm thế đâu.”
Nghe bác Nishioka nói vậy, tim tôi đập thình thịch.
“Việc đó…” mẹ lên tiếng vẻ lo lắng.
“Có thể lắm, vì tầng dưới chỉ có mình bà cụ, nhà trọ thì ban ngày chẳng có ai…”
“Tôi thường làm ca đêm nên ngày nào cũng ở nhà nhưng ngủ say như chết, hôm nay tình cờ đúng lúc tôi vừa tỉnh dậy đi vệ sinh…” Bác Nishioka phần trần, khi thì tuôn một mạch, lúc thì lắp bắp.
Hai người định sáng hôm sau sẽ vứt mấy thứ đồ giặt đựng trong túi ni lông ra bãi rác, cho tới khi đó mẹ vẫn để túi quần áo ở cổng ngoài. Vì mẹ bảo, có thể người kia sẽ quay lại lấy đồ, và mẹ không muốn bị anh ta thù ghét vô cớ.
Bác Nishioka và mẹ xách cái túi ni lông xuống cầu thang. Nằm trong chăn, khi nghe tiếng bước chân của hai người, tôi nghĩ đến những lý do rất trẻ con, rằng xảy ra việc thế này là do tôi không ngoan. Vì tôi nghỉ học khiến mẹ cũng phải nghỉ làm, đã thế tôi còn nghĩ là có ốm nữa thì càng hay, nên tôi phải bị trừng phạt. Nếu tôi đi học, mẹ cũng đi làm thì chắc chắn việc ai đó lén lút sử dụng máy giặt nhà tôi sẽ không bị phát giác. Nếu như chẳng phải mọi việc vẫn êm xuôi hay sao.
Tôi nhắm chặt mắt. Vừa lúc đó, cái nắp cống mở ra kéo theo một tiếng cạch, rồi một vọng âm khó chịu từ dưới sâu vẳng tới: “Sai một li, đi một dặm. Nhớ đấy, không được phép quên.”
Đúng rồi, từ ngày mai, tuyệt đối, không được nghỉ học nữa. Không được mất cảnh giác với những lỗ đen ấy dù chỉ là một khắc. Tôi tự nhủ như vậy rồi nhắm chặt mắt lại một lần nữa.
3.
Nhưng tôi càng cố gắng bao nhiêu, cơ thể tôi càng không nghe lời bấy nhiêu. Nhiệt độ chẳng cao hẳn, cứ lên l xuống, mẹ vì tôi mà phải nghỉ làm cả tuần liền. Trong khoảng thời gian ấy, tôi mơ thấy mình bị lỗ cống biết đi đuổi theo, cứ mỗi lần tỉnh giấc tôi lại chúi cái đầu ong ong nặng trịch cơn buồn ngủ vào tủ quần áo để thay đồ đến trường. Tôi thay đồ, bất kể lúc đó là nửa đêm. Cặp sách và túi sách tay vẫn như mọi khi, chắc chắn có tất cả sách giáo khoa và vở tập. Bút chì đã gọt. Tẩy, có. Quần áo thể thao, có. Túi đựng bữa trưa, có. Kèn harmonica, có. Bút chì màu, có…
Cuối cùng, bác sĩ đưa ra một thông báo đáng sợ: “Chị nên cho cháu nhập viện một thời gian.” Nhập viện, vừa nghe hai tiếng ấy tôi đã lắc đầu nguầy nguậy. Hơn nữa, tôi chẳng thích bị đưa vào một nơi lạ hoắc chút nào.
“Chiaki, nhập viện rồi con sẽ khỏe lại và đi học được.”
Mẹ thuyết phục tôi, vẻ mặt vô cùng khổ tâm.
“Mẹ nói dối.”
“Mẹ không dối con đâu.”
“Không cần nhập viện cũng được mà. Từ mai con sẽ đến trường.”
Thà con đi học còn hơn nhập việc, tôi khăng khăng bướng bỉnh. Nếu không chịu đến bệnh viện thì ở nhà sẽ tốt hơn, nhưng nếu nghỉ thêm nữa mẹ sẽ mất công việc mà khó khăn lắm mới kiếm được. Đúng lúc ấy, bà cụ chủ nhà lên tiếng.
“Tôi là chủ nhà, sự thể ra nông nỗi này tôi cũng phải có trách nhiệm. Tôi sẽ để mắt tới Chiaki khi cô đi làm.”
Bà cụ cho rằng tình trạng căng thẳng của tôi có liên quan đến vụ người lạ dùng lén máy giặt, bà cụ thấy mình phải chịu phần nào trách nhiệm. Cổng ngoài của trang viên Cây Dương lúc nào cũng mở, bà nói đáng ra không được để như vậy.
“Sáng nào mẹ đi vắng, Chiaki xuống chỗ bà nhé. Bà sẽ trải chăn sẵn cho Chiaki.”
Tôi không khỏi bàng hoàng trước những lời mẹ nói. Mẹ bảo tôi sẽ ngủ trong căn phòng chỉ mở mỗi một cánh cửa chớp, toàn sách cũ và dán đầy những lá bùa bí ẩn ấy ư? Với lại lúc đầu bà cụ chẳng bảo “cấm trẻ con” đấy thôi, vậy có nghĩa bà cụ không thích bọn con nít. Vậy có khác nào tôi bị tống vào hang ổ của ma nữ độc ác?
“Bà không lên nhà mình hả mẹ?”
“Dạo này đầu gối bà yếu rồi, lên xuống cầu thang khó lắm. Nếu có bà bên cạnh con mẹ cũng đỡ lo…”
Mẹ khẽ cười rồi chọc nhẹ ngón trỏ vào má tôi.
“Chỉ buổi trưa thôi.”
“Con ở nhà một mình được mà mẹ…”
“Mẹ xong việc rồi ta cùng về nhà. Thôi nào, đừng cứng đầu thế.”
Tôi buộc lòng phải nghe theo. Vả lại nếu không tới đó, thế nào bà cụ cũng tự ái cho mà xem…
Thế là từ hôm sau, tôi “đi làm” cùng mẹ.
Bà trải chăn cho tôi tại một phòng kiểu như phòng ở, thông theo hướng Bắc-Nam với phòng bếp bằng gỗ và nằm ở góc trong cùng từ sảnh vào. “Kiểu như phòng ở”, gọi như vậy nghe cũng hơi lạ. Nhưng, trong căn phòng đó, bà cụ thường xem tivi, uống trà, đọc báo hay ngồi bên bàn sưởi, thành ra nó cũng chẳng khác gì phòng ở cả. Song, như những gì tôi nhìn thấy khi lần đầu ngó vào từ ngoài hành lang thông với sảnh ngoài: nào là giá sách cố định trên tường chặt cứng sách cũ cao ngất đến trần nhà, rồi con rồng trang trí làm từ đá màu lục, cả những bức phướn với các con chữ hình thù kỳ dị trông như mớ tóc rụng của những linh hồn… thì căn phòng này quá bất thường để có thể gọi là phòng ở. Ngay cạnh cửa quét rác(3) là một cái tủ đen thui với các tay cầm màu vàng kim, chăn nệm được trải khít ngay cạnh cái tủ nặng nề ấy. Khi nằm xuống nệm và quay về phía đối diện cái tủ, tôi nhìn thấy ảnh một ông cụ đặt trên bàn thờ, bức ảnh cũ kỹ đã bị thời gian làm hư hại nhiều. Với chòm râu bạc phơ mọc dài che kín tới tận ngực và trên đầu không một cọng tóc, khuôn mặt ông hơi có vẻ nhút nhát nhưng điều đó không khiến ông trở nên bớt đáng sợ đối với tôi. Thật may là bà cụ đã mở hết các cánh cửa chớp ra, không biết là vì tôi hay chỉ đơn giản là do tiết trời thay đổi.
3. Một loại cửa kéo nhỏ thường thấy trong căn phòng kiểu truyền thống của Nhật, được làm chạm sàn để có thể quét rác từ trong phòng ra ngoài.
Mỗi sáng tôi dùng lược chải mái tóc hỉ nhi và mặc bộ đồ ngủ có họa tiết dâu tây đẹp mắt, bên ngoài choàng một áo khoác không cổ đan bằng len xanh sợi to rồi tới chỗ bà cụ. “Cháu chào bà,” nói rồi tôi chui vào tấm chăn bông nặng trịch mà bà cụ đã trải cho từ trước. Hai, ba hôm đầu tôi ngủ không yên. Còn bà cụ, chẳng biết vì nghĩ tôi đang ngủ hay vì không quan tâm mà ngoài những câu như “Đến giờ uống thuốc rồi,” hay “Cặp nhiệt độ đi! không nói gì với tôi nữa. Thế nên tôi chỉ nằm chong mắt lắng nghe tiếng tích tắc tích tắc phát ra từ chiếc đồng hồ treo tường.
Nhưng ngủ mãi cũng không được.
Buổi trưa, tôi ăn hai nắm cơm mẹ làm cho. Còn thực đơn của bà cụ bao giờ cũng vậy: ruốc tảo ăn với cơm nguội, kèm theo đó là món tủ - canh tương nấu củ cải. Bà cụ nấu cả phần tôi, nhưng vì ở nhà mẹ chưa nấu canh tương củ cải bao giờ, hơn nữa củ cải ninh đến nát bét cộng thêm nước canh mặn đắng làm tôi quả thật khó nuốt. Tôi nghĩ thầm, chỉ có bà cụ mới nấu được món như thế này.
Không chừa lại một giọt nước, bà cụ lúc nào cũng húp sạch canh tương, không hề để ý là tôi đang ngắc ngứ. Rồi bà cần thận dùng đũa gắp những lá cải còn sót lại trong bát canh đã uống và đưa lên miệng. Với cái miệng chỉ còn mỗi ba chiếc răng hàm dưới, bà cụ chén đủ mọi thứ, từ dưa muối cho đến bánh khô souka. Chẳng hiểu thế nào mà tôi lại cứ muốn nhìn bà cụ ăn, tới khi gần như bị hớp hồn bởi cái miệng bà cụ đang há to hết như cái hang, bà cụ sẽ trừng mắt lên nhìn tôi và nói:
“Này, cháu không ăn đi à?”
Tôi bèn vội vàng và lấy và để những gì còn trong bát. Nếu bà cụ nói với mẹ là tôi lười ăn thì còn lâu tôi mới thoát khỏi cảnh khổ này.
Kinh khủng hơn, bà cụ còn bắt tôi uống thuốc sắc. Đó là thứ thuốc mà bà cụ uống mỗi ngày nhằm giúp lưu thông khí huyết, vị thuốc rất kỳ dị, chẳng biết là ngọt, đắng hay chua nữa. Lần đầu uống thứ thuốc ấy, tôi hiểu ra ngay mùi kỳ lạ trong nhà bà là từ đâu mà có.
“Nếu cháu muốn khỏe mạnh thì phải chịu khó uống đi. Dần dần rồi sẽ quen.”
Mắt ngân ngấn nước, tôi cố kìm không khóc, mắt chăm chăm nhìn vào họa tiết hoa mơ vẽ trên chén trà đựng thuốc và nuốt từng ngụm. Lúc ấy tôi tự hỏi, không biết liệu khi về già như bà cụ, mình có quen được với cái vị kinh khủng này không?
Theo đúng nghĩa đen, tôi lặng lẽ tiêu hóa nhiều ngày thuốc sắc, canh tương củ cải và cả cái chăn bông nặng trịch. Tôi không biết nên nói gì, và lại nếu nói mà chẳng ra đâu vào đâu thì thà im lặng còn hơn, tôi đã nghĩ theo hướng tiêu cực như thế. Còn bà thì thế nào nhỉ? Chắc hẳn bà cụ nghĩ, bọn trẻ con đúng là vô tích sự.
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên bà cụ thực sự trò chuyện với nhau.
“Bà tới bác sĩ khám mắt nhé. Sẽ về ngay thôi.”
Đó là lần đầu tiên bà cụ đi vắng kể từ khi tôi đều đặn xuống tầng một. Mặc dù những lúc chỉ có hai bà cháu tôi chẳng thấy thoải mái chút nào, nhưng nghĩ đến việc sẽ bị bỏ lại một mình, trong một khắc tôi bỗng muốn nói: “Bà như thế là không giữ lời hứa!” Song cái cách bà cụ điềm nhiên thông báo về việc đến bác sĩ khiến tôi chẳng thể làm gì khác hơn là im lặng gật đầu. Thế đấy, đến bà cụ cũng có việc để làm, có lẽ cả quả đất này chỉ mình tôi hết ngủ rồi lại dậy, cùng lắm là đọc sách cho qua ngày… Thấy buồn buồn trong lòng, tôi lặng lẽ nghe tiếng bà cụ đi về phòng, thay đồ và kiểm tra lại van đường ống gas.
Bà cụ đi vào trong cơn mưa phùn. Một lát sau, mưa đổ sầm sập và xung quanh dần trở nên tối sầm. Bà cụ bảo sẽ về ngay, nhưng “ngay” là bao giờ? Càng để ý thời gian, trong đầu tôi bắt đầu lởn vởn toàn tiếng tích tắc của đồng hồ treo tường. Khi mắt chòng chọc liếc sang cái đồng hồ, thì từ chỗ cái máng vỡ, tiếng nước mưa chảy tong tỏng xuống nền đất cứ đập vào tai khiến tôi thấy khó chịu vô cùng. Thấy như người nóng dần lên, tôi trở mình nhiều bận. Vừa trở mình tôi vừa lim dim phân vân, không biết nên nhắm chặt mắt lại để khỏi thấy những gáy sách ngả vàng vì nắng, tấm ảnh ông cụ trên bàn thờ, những bức phướn vàng vọt và cái nanh nhe ra của con rồng trang trí… hay nên căng mắt cẩn trọng dõi theo chúng.
Thế rồi, có lẽ tôi đã ngủ thiếp đi. Đến khi mở mắt ra, trong thoáng chốc, tôi choáng ngợp bởi ánh sáng, sáng đến mức tôi ngỡ như khắp nơi đang tỏa ra sách vàng. Đồng hồ đã chỉ quá trưa. Vậy là bà cụ đi vắng được chừng hai tiếng rồi. Thế mà bà cụ bảo sẽ về ngay cơ đấy. Mà mình đâu có đợi bà về, tôi nghĩ.
Thời tiết thay đổi đến bất ngờ, không thể tin nổi chỉ vừa mới đây thôi trời hãy còn sầm sì. Tôi chui ra khỏi đống chăn đệm, mở cửa kéo trông ra vườn.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi hiểu thế nào là tươi mới. Tôi hít căng lồng ngực làn khí thu se lạnh sau cơn mưa. Rồi tôi phát hiện ra nguyên do vì sao khắp xung quanh như thể sáng bừng và rực rỡ ánh kim, chính là vì cây dương giữa vườn.
Trong thoáng chốc, tôi quên cả lạnh, mắt dán vào cây dương to lớn đang vươn mình giữa bầu trời quang đãng. Cây dương khoác áo vàng, đón ánh sáng trong suốt từ trên cao đổ xuống. Chẳng biết cây thay màu lá như vậy từ bao giờ. Ngày nào trong hè tôi cũng say sưa nhìn ngắm cái cây, vậy mà… Rốt cuộc tôi đã làm gì vậy…
Đúng lúc ấy, từ ngôi nhà ở góc đường, ngôi nhà thứ ba tính từ trang viên Cây Dương, có tiếng chó sủa inh ỏi. Đó là một con chó lai chuyên sủa hóng, tôi đoán chắc phải có ai đó đi ngang qua. Quả nhiên, nhìn về phía hàng rào tôi thấy một chiếc ô màu xanh lá từ từ tiến lại. Ai đó đang gương ô và thong thả bước đi dù trời đã tạnh mưa. Đó là bà cụ chủ nhà.
Có lẽ là bởi cái lưng còng mà cả người bà cụ hết lắc sang trái rồi lại sang phải sau mỗi bước đi. Chiếc túi vải nhỏ bà cụ đeo vào tay cầm ô cũng đu đưa như quả lắc, thấp thoáng hiện ra phía bên kia hàng rào.
Chợt có tiếng kêu lảnh lót vang lên từ tán cây dương, rồi một chú chim nhỏ hơn bồ câu chút xíu vội vàng cất cánh, bà cụ liền đứng lại. Gác cán ô lên tấm lưng còng và khẽ thò cái cổ ra như một con rùa, bà cụ ngước mắt nhìn lên.
“Rõ là giống thủy thủ Popeye mà!” tôi nghĩ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...